Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

NỖI ĐAU MÙA GIÁNG SINH

Nỗi đau không của riêng ai

Dâng lên Hương Hồn những người đã khuất mà tôi yêu quý

Hồng Hải kém tôi khoảng ba tuổi. Hai anh em cùng học ở Ô-đet-xa vào những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Về nước, hai anh em cùng đơn vị nên khá thân nhau. Đến lúc này Hải mới có dịp kể cho tôi nghe một cách cụ thể chuyện mẹ cùng bốn em của Hải bị thảm sát trong đêm đầu tiên của trận tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội mùa Đông năm 1972 như thế nào.

Ngay trong đêm đầu tiên của đợt tập kích, đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Gia Thụy Gia Lâm đã phải hứng chịu tổn thất lớn lao sau loạt bom rải thảm nhằm hủy diệt Hà Nội. Trong đó gia đình Hải là một trong những gia đình chịu tổn thất lớn nhất, mẹ và bốn đứa em của Hải bị chết do sức ép của bom cùng trong một căn hầm.

Trong những ngày này bố của Hải đang ở một đơn vị chiến đấu, chị gái trên Hải trực chiến ở Hà Nội, em gái sau Hải mới nhập ngũ, em vừa tròn tuổi 17. Khi ba bố con được tin, người trước kẻ sau về đến nơi thì đã quá muộn. Như bà con trong thôn kể lại thì khi đưa được năm mẹ con ra khỏi hầm, thi thể người nào cũng vẫn còn mềm và ấm.

Có dịp sang Nghĩa trang Gia Thụy vào những ngày Đông cuối năm này, bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân ở đây đi tảo mộ đông đến như thế nào. Đa số họ là người thân của những nạn nhân bị thảm sát bởi B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, bà con đang chuẩn bị cho ngày giỗ chung của cả làng cả xã.

Tôi đã đến đây rất nhiều lần, vậy mà lần nào cũng rưng rưng, lần nào cũng không cầm được lòng mình. Thử hình dung là bạn đang đứng ở đó, trước mặt bạn là năm ngôi mộ cùng xây chung một nền với độ cao hơn một mét, trên đó nhìn rõ ảnh chân dung của cả năm mẹ con. Ở chính giữa là mộ của mẹ, chân dung mẹ nói rằng mẹ còn khá trẻ, năm ấy mẹ 48 tuổi. Nằm sát ngay bên phải mẹ là út Hạnh, Quý Hạnh mới 5 tuổi, cạnh Út là chị Hòa, 13 tuổi. Sát ngay bên trái mẹ là Trọng Hưng 8 tuổi, và cạnh Hưng là Mạnh Hùng vừa tròn 10 tuổi. Ngắm nhìn những khuôn mặt bầu bĩnh, tươi tắn, hồn nhiên của các em, trái tim như thắt lại, và lòng bỗng quặn đau. Tôi những muốn đi thật nhẹ đến bên, đặt tay lên vai, và thầm thì vào tai bạn "Thôi nín đi, đừng khóc nữa...".

Nhưng rồi, có lẽ đã quá sức chịu đựng khi bạn sang thắp hương cho Hồng Hải, nằm cách đó khoảng mươi bước chân. Bạn đã chẳng thể nào giấu được nỗi xúc động, bởi tôi thấy đôi vai bạn đang rung lên, và  hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Hải ra đi vì căn bệnh suy thận quái ác vào một ngày tháng 10 năm 1991, đến nay là vừa tròn hai chục năm. Thời gian trôi nhanh quá... Hải ơi!

Một lần, vào dịp Giáng Sinh năm ấy tôi đã đưa con trai tôi đến đây. Đến đây để con tôi hiểu rằng, nỗi đau là không của riêng ai. Bà ngoại của các con tôi cũng bị thảm sát dưới hầm bởi bom Mỹ vào năm 68. Đêm ấy trong làng bị bom Mỹ cướp đi mạng sống của rất nhiều người, nhưng trong gia đình thì chỉ một mình Bà ngoại dính bom. Còn ở đây những 5 người, năm người trong cùng một gia đình!

Những năm trước tôi thường sang thắp hương vào đúng ngày 18 tháng 12 hoặc vào dịp Giáng Sinh. Mấy năm gần đây, theo lời khuyên của các cụ tôi thường sang viếng trước ngày Giỗ một vài ngày. Ngày Giỗ mẹ và bốn em của Hồng Hải được tính theo lịch Âm là ngày 14 tháng 11. Như thế, hợp với tập quán của dân tộc mình hơn.

Cho đến bây giờ, đã mấy chục năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không sao hiểu nổi tại sao Hoa Kỳ, một quốc gia luôn tự nhận là văn minh và kính Chúa, lại chọn mùa Giáng Sinh để ra tay mở một cuộc thảm sát đẫm máu trong suốt 12 ngày đêm. Rốt cuộc họ đã thất bại -  không ai có thể qua mặt được Chúa.

Và cũng bởi, Đức Chúa Trời luôn công bằng!

Một chiều Đông 2011

CHỊ HỒNG MINH

CHỊ LÀ HỒNG MINH

Khuya rồi. Quá nửa đêm rồi. Mãi mà không ngủ được, mai là tròn chín năm Mẹ đi xa. Nhớ Mẹ quá chừng...

Không ngủ được, hết nghiêng đầu sang bên này lại nghiêng sang bên kia. Cứ mỗi lần nghiêng đầu áp tai xuống gối là lại nghe rõ tiếng con tim đập thình thịch, lanh chanh, vội vàng. Không hiểu vội đi đâu mà nó đập nhanh thế không biết, có lẽ phải trên một trăm vòng phút chứ chả ít. Từ bé đến giờ nó đều đập nhanh như thế, thử uống vài viên hạ nhịp là người lâng lâng không chịu được. Thôi thì sống chung với nó vậy.

Nhân chuyện tim đập nhanh chậm lại nhớ đến Chị. Một hôm nhân nói chuyện sức khỏe, mới hỏi chị về nhịp tim, bảo tim em bình thường nó phi nhanh như ngựa, cứ gần một trăm vòng phút, liệu có sao không? Chị cười thật hiền rồi nói: "Nhịp tim của chị thì ngược lại, nó đập chậm lắm, trung bình chỉ đập ba lăm, ba sáu lần phút, thậm chí có hôm nó xuống còn ba tư. Đi khám, bác sĩ chủ nhiệm khoa tá hỏa, giữ chị nằm viện để điều trị. Họ dùng thiết bị điều hòa nhịp tim cho chị. Nhưng cứ mỗi lần nâng nhịp tim lên gần năm mươi là chị không chịu nổi, người lâng lâng như say sóng Côn Đảo. Sau đó họ đành dẹp máy và cho chị xuất Viện". Chị kể tiếp, cho đến bây giờ nhịp tim của chị cũng vẫn chưa đến bốn mươi, chị vẫn thấy bình thường, có sao đâu! Rồi chị kết luận: "Nhanh chậm thì quan trọng gì, miễn là nó còn đập"!

Chuyện về chị thì nhiều lắm chứ không phải chỉ có chuyện nhịp tim. Mình biết chị từ ngày còn bé, từ ngày học lớp Năm ở trường Lê Ngọc Hân. Lần đầu tiên mình gặp chị là ở nhà Cậu trên phố Hoàng Diệu. Chị đi đâu là mình lẽo đẽo theo đó, đi theo cốt để được nghe chị nói tiếng Nam Bộ, lúc đó còn rất lạ lẫm và hấp dẫn đối với một đứa trẻ như mình.
Trước đó ít lâu chị đã nổi tiếng, nổi tiếng vì đã có một quyển sách nhỏ viết về chị, một quyển sách dành cho thiếu nhi. Trong chuyện, chị là một cô bé mới từ miền Nam khói lửa vượt tuyến ra Bắc, được các cô các chú cho đi chơi tham quan phố phường Thủ Đô, và chị rất thích màu Đỏ. Mua sách chị cũng thích sách bìa đỏ. Mua vải để may áo quần chị cũng chỉ vào cuộn vải mẫu màu đỏ bày trong tủ kính. Sau này mình hỏi chị có đúng như vậy không, chị chỉ cười bảo là không nhớ. Rồi chị hỏi lại mình: "Mà có quyển chuyện ấy thật hả em?". Vậy là chị cũng không biết rằng có nhà văn nào đó đã từng viết về chị.

Trưa đó ngồi ở nhà chị, hai chị em mỗi người ăn tạm một bát hủ tiếu mà chị vừa gọi rồi người ta mang đến tận nhà. Ăn xong, bảo tôi ngả lưng tạm nghỉ ở đi-văng, còn chị vẫn ngồi đó, xem đi xem lại tập ảnh tôi chụp ngôi mộ của Ba chị ở Côn Đảo mà tôi vừa có chuyến thăm ở đó về. Lần ấy, biết tôi sắp ra thăm Côn Đảo, chị dặn nhớ chụp cho chị mộ của Ba, mà phải chụp ở nhiều góc độ khác nhau, còn cái bia mộ thì nhớ chụp cận cảnh, nhớ chụp cả tấm bia mà các cựu tù Côn Đảo dựng cho Ba chị nữa. Chị dặn thế vì mấy năm trở lại đây sức khỏe của chị sút giảm, chị không thể ra Côn Đảo viếng mộ ba chị được nữa. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với sự trợ giúp đắc lực của hai nhiếp ảnh gia nghiệp dư là Thái Lê Thắng và Phạm Việt Trung.

Cứ mỗi lần đến thăm chị là mỗi lần chị dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Khi thì chị kể về những năm tháng xa xưa, thời chị còn nhỏ và sống cùng ba má nuôi của chị. Khi thì chị say sưa kể chuyện các nhà ngoại cảm đã tìm ra nơi chôn cất thi hài mẹ chị ở giữa một vườn hoa lớn của thành phố như thế nào.  Khi thì chị đề cập đến nhiều tư liệu giá trị về người Cha vô cùng yêu quý mà chị đã dành ra hàng tháng trời để nghiên cứu, sưu tầm và sao lục ở Thư viện Thành phố và cả ở Kho lưu trữ các tư liệu về lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngạc nhiên nhất là khi chị kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về Cô Lài, mẹ tôi. Hóa ra trong thời gian tôi còn học ở nước ngoài, chị làm việc ở một cơ quan Trung ương tại Hà Nội, và thường xuyên đến thăm mẹ tôi ở nơi sơ tán thuộc một vùng ngoại thành. Trước đây tôi không nghĩ là chị biết về Mẹ tôi nhiều đến thế.
Lần nào cũng vậy, mỗi khi chia tay chị đều tiễn tôi ra tận đầu phố. Và lần nào cũng như lần nào, dù vội đến mấy cũng phải dành ít phút để nghe chị dặn dò. Lần nào chị cũng dặn về đến đơn vị nhớ gọi báo cho chị để chị yên tâm. Hơn nữa, có lẽ đứng ở góc phố này hai chị em sẽ nhìn rõ hơn đường phố to đẹp tấp nập người đi lại phía đằng kia, đường phố mang tên người Mẹ yêu quý của chị - đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Chị là Hồng Minh. Tên chị được ghép bởi tên đệm của Ba Mẹ chị, hai chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

VĂN VẦN CHO EM

Mấy dòng văn vần

 

dành cho em tôi

A10.png

Có phải em
             vừa về qua xứ Lệ
Mà cánh cò ngơ ngác vỗ đồng xa
Mà dòng xanh đắm đuối lượn hiền hòa
Mà mơn man gió chiều về lả lướt
Lòng thầm nhủ, 
em về miền sông nước 
Cứ sợ điệu hò bịn rịn si mê
Gạo trắng nước trong quyến luyến níu em về
Rồi một ngày 
                    Ôi, sao thân thuộc quá!
Dẫu em về một miền quê mới lạ
Tay hái tay liềm cùng gặt lúa đồng chiêm
Đằm thắm giọng hò giã gạo đêm đêm
Bát cơm tấm ấm lòng ai xao xuyến...

A8.png

Sao em không về quê anh một chuyến
Để thử chèo thuyền trên bến sông xưa
Để hai bờ rộn rã chuyến đò đưa
Để dàn mỏng nỗi đau quanh câu hò mái đẩy
Em có biết đầm đìa ngàn sâu ấy
Nước mắt chảy hoài tự thuở hồng hoang
Ai diễm phúc bơi giữa dòng lệ chảy
Hết đau buồn, phiền muộn bớt luênh loang.
..... 
Em hãy về quê anh một thoáng
Vào những ngày buốt giá nỗi buồn ơi
Để anh kiếm chín bông hồng Đồng Hới
Dịu vết thương lòng, nỗi nhớ cũng dần vơi...

A9.png

Hãy về quê anh khi mùa Xuân tới
Hỡi em tôi người em gái đồng hương
Dẫu chỉ là đồng hương chữ cuối
Vẫn nặng lòng trăm nhớ ngàn thương...


Những ngày Thu buồn
------------
Chú giải: Thời Pháp, Đồng Hới được gọi là Thành phố Hoa Hồng

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

VĂN CÔNG CÔNG

PHÒNG BỆNH VẪN HƠN

Tôi rất thân với một nhà văn Tây Nguyên, chính xác hơn là nhà văn Thừa Thiên-Huế đang sống và chiến đấu tại Tây Nguyên. Rất thân, quen thì sơ sơ, và chưa gặp nhau lần nào, hehe.

Tên này còn trẻ lắm, tóc mọc chưa hết da đầu mà, nghe đồn mấy bữa nay đang lo lắng sợ chết non. Tìm hiểu thì được biết, trong khi laptop của hắn đang bị "hiệu ứng con trỏ" quấy rối còn hơn cả quấy rối tình dục, thì không hiểu nghe ai xui khiến, hắn lại lạc vào blog của một dị nhân nào đó, đọc phải một đoạn văn do chủ blog viết và đăng tải, thế là đổ bệnh.
Cố điều tra tìm nguyên nhân thì ra thủ phạm là đoạn văn sau đây:

“Thiết nghĩ ngành xăng dầu nhất thiết phải nghĩ đến việc nhất thiết phải sa thải quan chức nào đã dám hù dọa chính phủ vì kẻ đó đã dám đòi vứt bỏ khâu phân phối nghĩa là bóp chẹt vú bầu sữa lợi nhuận có nguồn thu khổng lồ của ngành, nghĩa là tự tung tự tác phạm đến thu nhập lớn của cán bộ nhân viên toàn ngành, ám chỉ sẽ cho thôi việc hàng vạn cán bộ nhân viên khâu phân phối của ngành, chà đạp quyền lợi độc quyền tuyệt hảo của ngành mà không ở quốc gia nào của phần còn lại của thế giới ban phát cho công ty nhà nước nhiều đến như vậy. Đồng thời, thiết nghĩ Đảng nhất thiết phải nghĩ đến việc nhất thiết phải loại ra khỏi Đảng quan chức nào đã dám hù dọa chính phủ vì kẻ đó vừa dám lộng quyền, lấy Đảng Tịch làm tấm khiên lá chắn bằng vàng để xem mình ngang hàng với tất cả các lãnh đạo Chính phủ rồi thách thức quyền lực của Chính phủ, vừa không biết đặt mình vào vị trí đầy tớ của nhân dân, tạo điều kiện cho bọn chống Cộng dè bỉu Đảng, vì chỉ có khai trừ kẻ xằng bậy ấy, Đảng mới chứng minh được với nhân dân rằng Chính phủ do dân bầu lên hoàn toàn không là cơ quan làm việc dưới quyền quản lý hành chính của Đảng. Chính phủ nếu không cách chức quan chức phát biểu xằng bậy của ngành xăng dầu, chỉ có thể vì một trong ba lý do – hoặc cả ba – đó là (a) Đảng không cho phép, (b) kẻ phát ngôn xằng bậy là con ruột của lãnh đạo Đảng/Chính phủ, và (c) đất nước Việt Nam này đã bị tuyệt diệt hết sạch người tài đức vẹn toàn.”   (Nguồn Bọ Lập quê choa)
 --------------------
Các bạn có biết ai viết những dòng trên không, ông nghị Hoàng Hữu Phước viết trên blog của ông ấy đấy, tôi khuyên các bạn đừng muốn chết non nếu như tiếp tục thưởng thức những câu văn tuyệt vời trong trẻo của ông ấy như thế. Với những câu như trên đây, tôi tin các bạn đang điều trị tâm thần ở trâu Qùy, Biên Hòa... còn diễn tả mạch lạc hơn, trong sáng hơn. Chao ơi cho trình độ Nghị trí ngày nay. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều ông Nghị có vấn đề về thần kinh ở mấy tháng vừa rồi, nhưng có lẽ, đây là cas nặng nhất, huhu

(Trên đây là 'Mẫu sinh thiết' mang về từ nhà của VCH)
-------------------

Giật mình, tôi khẩn cấp gọi điện cho con gái hắn, dặn cháu phải lập tức dựng mấy 'bức tường lửa', chặn đứng đừng để bố vào blog của ông nghị Hoàng Hữu Phước. Đừng để bố đọc phải mấy bài của dị nhân này viết về Tổng thống Trương Tấn Sang và chê bai các nguyên thủ nước ta từ trước đến nay, đặc biệt không được để bố Hùng đọc phải bài phỉ báng một cách hỗn xược đối với cụ Phan Bội Châu. Bằng không, bố Hùng của cháu không chỉ nhiễm bệnh "sợ chết non" mà còn có nguy cơ sẽ phải đi Trâu Quỳ!

Cẩn thận tôi dặn thêm "Nếu con dựng tường lửa không ăn thua thì lừa lúc bố Hùng vào toilet, chôm luôn laptop dấu đi cho bác". Hehe cao kiến, phục mình quá cơ!

 "Hắn" đây, anh chàng áo trắng đẩy vali, không phải áo đen cạnh xe máy, hehe!

Hắn tên Công Hùng, họ Văn. Tên này thơ văn song toàn, vậy mà danh xưng chỉ thấy ghi "Nhà thơ". Hỏi thì được biết, té ra chữ Văn đã nằm sẵn ở họ của hắn rồi. Kiệm chữ đến thế là cùng, cái này ông nghị Minh Hồng và một vài vị nữa nên học tập, nếu thấy làm được thì...làm theo!
Hehe

KHÔNG ĐỀ

KHÔNG ĐỀ
 
Thi thoảng tôi vẫn lui tới ngôi nhà ấy. Có thể coi đó là Nhà Rông, là ngôi nhà chung của những người anh em bạn hữu, của những người đồng môn, của những người đồng khóa, của những người cùng trường. Túm lại là ngôi nhà của cộng đồng sinh viên đã từng học tập dưới mái trường KGU thuộc Thành phố Trắng, trừ tôi.
 
Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Tôi vào nhà bằng lối cửa ngách do mách bảo của mấy người bạn, tìm một góc thật yên tĩnh rồi lẳng lặng ngồi nghe mọi người vui vẻ hát hò, đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ. Hoặc lẻn vào góc thư viện đọc trộm các tác phẩm của một số thành viên thuộc đại gia đình này đăng tải. Bài nào cũng hay, bài nào cũng thích, kể cả những bài đã được/bị tác giả gỡ xuống. Với những bài này, tôi thấy hay là nhờ những lời bình còn được thương tình giữ lại.
 
Ôi, tài hoa thay là những còm-sĩ mà tôi chưa từng biết mặt! Họ bình một cách thực lòng nhất, da diết thiết tha nhất, là nghiệp dư mà cũng là chuyên nghiệp nhất, cảm động nhất, những lời bình làm rung động lòng người, hơn nữa qua đó người đọc có thể hình dung ra nội dung bài đã gỡ. Cho dù qua ô cửa sổ, nơi mà ta thường ghé mắt để đọc trộm các trang viết, chỉ còn thấp thoáng hai bàn tay nắm lấy nhau như không muốn rời xa, mặc cho mưa rơi mưa rơi tầm tã, mặc cho gió thổi gió thổi phũ phàng. Hai bàn tay đầm đìa nước mưa, hay đẫm ướt bởi những dòng nước mắt? Không biết nữa, chỉ biết rằng hai mắt ta cũng đang nhòe ướt...
 
Với những tác phẩm đó tôi không biết nên gọi là gì, là truyện ngắn, là tản văn, là hồi ức, là ký hay là bút ký? Cuối cùng tôi gọi tất cả những tác phẩm ấy bằng một cái tên giản dị, cái tên phản ánh chính xác nhất giá trị của các tác phẩm đó: Tuyệt tác!
 
Ở đó ta bắt gặp một vài người quen cũ và mới, thân và sơ. Cho dù là thân hay sơ thì ta vẫn cảm thấy thân thiết, vẫn thấy đồng cảm, bởi chính họ chứ không ai khác đã làm con tim ta run rẩy, đã làm cho ta có cảm giác như đang trở về quê hương thứ hai của mình, nơi cưu mang dạy dỗ ta suốt một thời trai trẻ.
 
Ở đó ta gặp lại người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn và nụ cười luôn nở trên môi, đã đến cái tuổi 'hễ liếc xuống là đã nhìn thấy đường băng phía dưới' nhưng vẫn hăm hở làm việc, hăm hở giúp đỡ mọi người, thế mà cũng đã kịp cho ra đời một tổ chức phi chính phủ với chức năng chuyên hỗ trợ tư pháp cho người nghèo.
 
Ở đó ta bắt gặp những cái tên quen thuộc, thân thương, pha chút hài hước dí dỏm vì đã qua chế biến như Kim Đồng (Nông Văn Dền), như Period M., như Double-M, như vân vi và vân vân, hehe!
 
Ở đó ta vô cùng choáng với một gã tài tử quen thân, hắn này đẹp chai đa tài thì đúng rồi, lãng tử như sư tử non thì đúng rồi, nhưng làm thơ, mà lại là thơ hay thì ta chưa từng được biết đến. Hay là do đá bóng nhiều khiêu vũ lắm tích tụ lại làm 'đột biến gen'? Cũng chưa biết chừng! Chỉ biết là hắn có những cái bình thơ thật chiên nghiệp, thật sâu sắc và thấm đẫm tình người. Hắn làm ta phát sốt phát rét đến nẩy sinh tâm trạng khi phát hiện tuyên ngôn của hắn: -"Với thơ, nếu không tâm trạng thì thơ không thể hay được!". Hơ hơ, ta phải thức làm thơ đêm nay!
 
Ở đó ta đã từng đi từ cảm giác ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hụt hẫng đến trạng thái quen dần với những bài viết hay, những bài viết xúc động thu hút được sự đồng cảm của cộng đồng, lại được nhanh chóng gỡ xuống chỉ sau vài ngày, có khi chỉ sau vài tiếng kể từ khi 'nó' được post lên. Có lẽ, hoặc là tác giả các bài viết đó, hoặc là Admin, nhận được thông báo khẩn cho hay, Bệnh viện Tim ở cả hai miền đều đã quá tải!
 
Và mỗi lần ở đó quay về, con tim ta lại như thầm hỏi: -Mi đã liublônnưi từ bao giờ vậy?
 
Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
 
Để đảm bảo chắc ăn, mình thủ luôn bài thơ NHỚ ĐỪNG QUÊN của 'người thơ' MinhCK mang về cất luôn vào kho lưu trữ. Đề phòng vài ngày tới bài thơ bị gỡ do có quá nhiều người nhập Viện điều trị tuyến lệ, hehe!
 

SAY SAY

SAY NƯỚC NGA VÀ SAY ĐỜI LÍNH

Cuối chiều nay nhận nhiệm vụ hết sức vinh quang là đưa "bồ cả" đi dự Hội Trường  MÂY-IK tại một nhà hàng mãi tận ven Hồ Tây. Cô bồ cho số máy của cô bạn cùng lớp (cả cùng phòng nữa cơ đấy) để hỏi đường. Cô bạn bắt máy, hỏi giọng thẩm vấn "Anh là ai?", mình bảo "Lái xe tăc-xi". Đến nơi quay xe về ngay. Lớp này toàn em xinh, ở lại lôi thôi lắm, lại mất lập trường rồi thế nào cũng không về đến nhà được. Đang dừng đèn đỏ thì có cuộc gọi, giọng cô bạn của bồ cả hồi nãy "Anh tăc-xi ơi, anh thả bạn em xuống chỗ nào rồi, sao chờ mãi không thấy". Mình ậm ờ rồi tắt máy, chỉ cần nói thêm mấy câu là "nó" nhận ra mình ngay, có mà hỏng bét. Mưa to ơi là to, đường ngập mất mấy chỗ. Chuyện muỗi! Chỉ tí là về đến nhà, nước mã hồi phi nhanh phết!

Nhớ lại trưa nay vừa ngồi với hội ELINCO ở nhà hàng Xanh & Trắng. Hầu hết bọn trẻ là nhân viên ELINCO. Còn số lớn tuổi đều đã từng học ở Nga hoặc Liên Xô, lên hát toàn bài hát Nga. Đang ngồi thì có tin nhắn của bồ "Xem VTV ngay, đang duyệt binh ở Quảng trường Đỏ". Tên Thắng lại lôi ra thêm một chai vodka Nga loại hai lít và mấy cân cá hun khói xách tay. Suýt nữa thì không về được.

Về nhà Thắng thăm nhà mới của vợ chồng nó. Nhà đẹp, vô cùng đẹp, kiểu dáng hiện đại, thoáng mát. Ngồi phòng khách nhìn ra ngoài cứ tưởng mình đang ngồi cùng nó cái dạo hai thằng còn ở Dupna. Nhớ nước Nga và nhớ thầy cô da diết. Hai thằng rủ nhau lên phòng thờ ở tầng trên cùng thắp hương cho Ba Má nó, sững người khi thấy nó thờ cả ông thầy của nó dạo học ở Liên Xô. Thắp hương cho Thầy mà lòng rưng rưng. Bây giờ mới thấy hết tấm lòng của một đứa con hiếu học là như thế nào.

Nằm nghỉ một lát nhưng không ngủ được. Đầu óc cứ toàn nghĩ về thầy cô và nước Nga, về Liên Xô, nơi đã cưu mang, nuôi nấng dạy dỗ những đứa con Việt Nam một thời chiến tranh gian khổ và khốc liệt. Nhớ ra hôm nay mới là mùng 7 tháng 11, mới là đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Thế ra hôm qua tụi cựu sinh viên Ki-si-nhôp (KGU) họp mặt tại Khách sạn La Thành là tổ chức sớm hơn một ngày à. Chúng nó đúng là quân 'ăn cơm trước kẻng', hehe. Tại buổi họp mặt này mình gặp lại rất nhiều người quen cũ, đó là những sinh viên chỉ học một năm dự bị tiếng Nga tại Ki-si-nhôp, sau đó về Thành phố Ô-đet-xa bên bờ Biển Đen học Đại học, và chúng mình quen nhau, nhưng chưa kịp yêu đứa nào cả, huhu. Có một tên rất hay nhìn trộm mình, lúc đầu mình cứ tưởng là Mèo Mun, nhưng té ra không phải. Tiếc hùi hụi!

Rồi liên tưởng đến dân Ô-đet-xa cũng là dân 'ăn cơm trước kẻng' chứ hơn gì mấy đứa KGU. Dân Ô-đet-xa còn tổ chức gặp mặt từ trưa hôm qua, mùng 6 tháng 11, tại Bảo tàng Phòng Không - Không Quân. Có mặt khoảng gần một trăm, ít hơn năm ngoái. Khoảng gần chục tên vắng mặt là do Đức Thánh Trần gọi sang bên Ngài để 'xây dựng lực lượng' giữ yên bờ cõi. Ừ thôi thế cũng yên phận chúng nó! Gặp lại bạn cũ, đồng đội, thủ trưởng cũ, mừng mừng tủi tủi. Cái đời thằng lính nó sinh ra cái tính ủy mị thế, chứ năm nào chả gặp nhau.

Trong Hội trường nhiều bố phát biểu dài quá, lại còn đọc thơ tự sáng tác nữa, kinh vãi! Mình bèn kéo mấy tên bắng nhắng ra sảnh ngồi tán hươu tán vượn với mấy em bên Quân Nhạc. Mấy em xinh như mộng, tán dẻo như kẹo kéo mới ra lò. Một em chân dài miên man, chắc là dân múa, mới hỏi "Hồi bên Liên Xô các anh học lái phi công phải không?". Mình bảo, học lái phi công quá đơn giản nên bọn anh được chọn học lái máy bay, sau đó về nước toàn lái máy bay bà già. Câu đùa này chắc hơi thô mí lại thông dụng nên các em cười ré lên, chắc không có gì khó hiểu bắt phải suy luận lôi thôi. May thía!

Giải tán hội thì cũng đã sang chiều, mình bắt cái Mai-Linh đi về cho có hơi đồng đội. Lúc ngồi băng ghế sau đã thấy tây tây, vậy mà cậu trẻ lái tăc-xi còn bắt chuyện "Chắc chú đi dự cưới về?". Mình đáp "Không, bọn chú sinh hoạt  Cựu Chiến binh". Cậu lái nói "Lãnh đạo tập đoàn của bọn cháu toàn là Cựu chiến binh đấy chú ạ. Các bác í thương anh em lắm". Nghe thế mình tán thêm "Ờ, trưa nay có cha Hồ Huy phát biểu hay phết, vỗ tay rầm rầm". Cậu lái ngạc nhiên "Ôi thế à, chú í có đến dự với các bác à? Chú í là lãnh đạo cao nhất của bọn cháu đấy". Mình bốc lên "Hồ Huy rất tốt, luôn giữ được phẩm chất người lính Cụ Hồ. Khi phát biểu cứ luôn mồm cám ơn mọi người. Nhưng chú nói với Hồ Huy là mọi người ở đây phải cám ơn Hồ Huy mới đúng, vì Hồ Huy đã chiến đấu ở mặt trận khốc liệt nhất, trong lúc bọn chú đang học ở nước ngoài". Hồ Huy nói "Học về các anh còn chiến đấu hiệu quả hơn bọn em". Mình nói "Nhưng chú mày đánh nhau ở nơi hòn tên mũi đạn, bọn tớ cũng đánh nhau nhưng mà là lính cậu". Cậu lái chăm chú lắng nghe ra vẻ khâm phục lắm.

Đến nhà, đưa cái thẻ cà thanh toán của Mai-Linh có chữ ký của Hồ Huy, cậu lái trẻ càng tin là có Thủ trưởng Hồ Huy của nó đến dự buổi họp mặt thật.

Đang say nước Nga, rồi say cái tình của những người lính, không ai đang tâm đánh thuế những kẻ bốc phét đang say như mình cả! Keke

VÔ ĐỀ

VÔ ĐỀ


Cho một NgườiEm KGU

Có nỗi đau nào là của riêng ai
Chuyện của em đã làm anh bật khóc

Những câu văn đẫm nước mắt người đọc
Phút quặn lòng anh thầm gọi tên em...

Nỗi đau của em chẳng thể gọi tên
Còn nỗi đau nào trên đời hơn thế
Sao em nỡ bắt anh ngừng chia sẻ
Nỗi đau buốt lòng khi đã lặn vào tim


Lòng thầm nhủ đừng tin đừng tin
Sao số phận nỡ phủ phàng nh
ường ấy

Nín đi em, đừng để con nghe thấy
Nỗi đau này đâu phải riêng em


Hãy thứ lỗi cho anh
Đã mang trộm nỗi đau về giấu kỹ
Đã lỡ để con tim nhòe lý trí

Để một ngày thiện ý hóa buồn đau...


Một ngày thu buồn...

CÚ ĐỈN THẬT - 3

VẪN CÚ ĐỈN, THẾ MỚI CÚ!
Nó lại chuẩn bị quay về bên kia, nơi cuộc mưu sinh đang chờ nó.

Sau chuyến đi đưa quà và thăm bạn bè blogger ở Vinh, nó định ở nhà với mẹ thêm một hai hôm rồi Nam tiến. Trong ấy có nhiều 'địa chỉ đỏ' cần phải đến để nạp năng lượng cho một chuyến đi xa.

Nó ngồi bên cạnh Mẹ, hai mẹ con trao đổi bàn luận về cuộc sống đương đại. Lần nào về nước cũng vậy, sau mỗi câu chuyện tâm tình của hai mẹ con đều quay về chủ đề muôn thuở là những dự định tương lai của nó. Mẹ muốn nó gần Mẹ. Như bao chàng trai sớm tự lập và quyết đoán, nó có quan điểm và những dự định riêng. Biết vậy nên Mẹ quyết định cho nó nghe ý kiến của Bố.

Cách đây không lâu Mẹ theo anh cả vào Hàm Rồng xin gặp Bố. Lần ấy Bố về thật, Bố nói nhiều chuyện và đề cập đến nhiều việc với Mẹ và anh cả. Qua câu chuyện, Mẹ và anh cả không thể không tin là Bố đã về và nói chuyện với hai mẹ con. Mẹ cho nó nghe đoạn băng Bố nói về nó: "Tôi biết nó ở bên ấy vất vả lắm, kiếm được đồng tiền không phải dễ, gian truân lắm. Khuyên nó về nhà mà làm ăn, về nhà vẫn hơn". Đấy là ý kiến của Bố, Mẹ muốn trích dẫn để thuyết phục nó.

Nghe xong, nó lẳng lặng kéo ghế đến ngồi cạnh ảnh thờ của Bố, mắt ầng ậng nước, chẳng nói chẳng rằng. Nó là kẻ vô thần từ trong bụng Mẹ. Sang bên kia nó lại ở đúng ngôi nhà mà trước đây gia đình Markc cùng Gienny sinh sống. Thời kỳ này Markc đang viết Chủ nghĩa Duy vật biện chứng và những trang bản thảo đầu tiên của Tư bản luận. Nó không tin là có Linh hồn Bố về nói như thế, nhưng nó hiểu rằng 'ý kiến của Bố' trùng hợp với suy nghĩ của Mẹ. Và nó thương Mẹ...
Mẹ là người hiểu và thương nó nhất. Nó có tính tự lập từ bé, chưa kịp lớn đã đi đánh giặc. Hòa bình về lại sống xa nhà, mẹ thương nó hơn bất cứ đứa nào trong nhà. Khác với bề ngoài ra vẻ bụi bụi, bơ đời pha chút giang hồ, nó là đứa giàu tình cảm và sở hữu một trái tim đầy yêu thương, khoáng đạt.

Nó lại lên đường Nam tiến. Không biết đây là lần Nam tiến thứ mấy sau cái đận lên đường đi B năm ấy.

Nó chào để lên tàu. Thằng anh dặn "đến nơi nhớ nhắn tin về". Thế mà không có tin nhắn, cũng không thấy nó gọi về, cú đỉn thật! Sốt ruột vào blogs của các fans Đông Hà mới biết là khoảng giờ này nó có mặt ở Nghĩa Trang Trường Sơn. Bấm máy gọi cho nó, hóa ra nó đang đứng ở Khu mộ các liệt sĩ quê Hà Nội. Lặng đi một lúc rồi nghe tiếng nó: "Em đang thắp hương. Ở đây bạn em nhiều lắm, chúng nó...". Lại lặng đi một lúc rồi bỗng nghe tiếng nó khóc tu tu trong máy. Thế đấy, nó đúng là thằng em tôi. Tôi dập máy, nếu không tôi sẽ khóc theo nó mất. Cú đỉn thật!

Nó vào Sài Gòn, tá túc tại nhà con em, gặp gỡ bạn bè trong đó rồi lên kế hoạch đi Tây Nguyên trước khi Tây tiến. Theo chỉ đạo của bí thư, trước khi đi Tây Nguyên con em đưa bạn gái về giới thiệu cho Nó. Cũng phải tính chuyện lâu dài thôi, bốn sọi rồi chứ trẻ mỏ gì nữa! Thế mà trước bạn gái của con em, nó khoanh tay lễ phép như một học trò ngoan đứng trước cô giáo khi thấy mình có lỗi. Cái chiêu ấy là nó học được từ thằng anh, lại áp dụng nhầm vào hoàn cảnh này, thế có cú đỉn không chứ! Xem lại tài liệu tham khảo đi, thằng anh mày khoanh tay nhưng phải đặt ngay ngắn ở trên bàn, cu ạ! Hâm vãi! Chỉ muốn...búng cho phát.


Đây, ảnh nó và con em đây. Đối diện nó bên này bàn là cô bạn gái của con em nhưng không được đưa hình lên vì bí mật đời tư. Bà Tây ngồi bên trái ảnh làm việc ở Hội Lưỡi liềm Xanh, là chuyên gia tư vấn về luật quốc tế trợ giúp đàn ông độc thân dưới 40 tuổi!
Chuyến đi được chuẩn bị khá chu đáo. Có một bí thư chi bộ đi theo để định hướng. Lại có hơn nửa tạ Cua Đồng (loại cua nhà quê chính hiệu con...cua đồng!) trên xe để đảm bảo đi đến đâu là có ngay riêu cua đến đấy, mỗi khi nó thấy thèm món ăn đồng quê. Lái xe có tên là Hồng, đảm bảo chuyến đi này 'vừa hồng vừa chương' đúng như nguyện vọng của nó! Thằng anh chỉ dặn "đến nơi nhớ nhắn tin về". Thế mà mãi đến khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về sự kiện "bí thư trang bị máy di động cho đồng bào vùng cao Tây Nguyên" mới biết là đoàn sắp đến Kon Tum. Gọi điện vào, một lúc thấy nó gọi lại thông báo là đang đi trên đường, về đến Khánh Hòa nhất định sẽ báo lại để bác yên tâm, nhưng nếu khuya quá thì thôi nhá, chúc bác ngủ ngon nhá, haha. Bà con thấy có cú đỉn không!

Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Yên rồi Sài Gòn, và sau đó là CHLB Đức. Nó như chim trời cá biển, một đời tự do.
Tuy Nó cú đỉn một chút nhưng mãi mãi vẫn là chàng Giai Cú - là CÚ ĐỈN của mọi thời đại, Nó thuộc về dân làng QCFC, và là thằng em của tôi!

CÚ ĐỈN THẬT - 2

CÚ ĐỈN THẬT !

Nó về nước thăm Mẹ.
Mẹ tuổi đã cao, vì thế năm nào nó cũng cố gắng thu xếp để về với mẹ vài ngày. Còn anh em lũ chúng tôi, rồi bà con, vài năm nó về một lần là được rồi, chả ai trách cứ gì. Ai cũng biết, mỗi lần về là một lần vất vả, lại phải thu xếp mọi thứ bên đó mới dứt áo xách va li ra sân bay được.

Biết thế nên thấy nó về, cả nhà vừa mừng vừa thương. Ông anh xót xa "Dạo này nó gầy đi". Bà chị dâu bảo "Nhìn dáng chú í lúc nào cũng tất bật, rất đe-la-vôi". Tôi vặn "Cô nói tiếng Nga hay tiếng Đức đới?". Cô ấy lườm sém lông mi "Một chữ Đức cắn đôi không thuộc tôi nói tiếng Đức cho ai nghe đây. Sĩ diện!". Tức nổ mắt mà không dám nguýt lại.

Đang ọp cà phê với anh em bloggers vậy mà vẫn để nguyên ba-lô quà trên lưng. Ly cà phê chưa kịp nguội đã xách xe lên đường đi chuyển quà, sợ nhà họ mong mí lại sợ không đủ thời gian. Bận thế mà vẫn tổ chức hẳn một ngày đi Gia Khánh Gia Viễn. Mình bảo để anh nói bí thơ HC lái xe cho đúng định hướng, đồng chí ấy cũng hàm Giáo sư, đến đất học phải có học hàm. Hắn nói thôi khỏi, chỉ cần học vị khỏi học hàm, em đã chỉ định một thằng tiến sĩ lái xe ngày mai rồi. Thế là kê cao gối ngủ.

Sáng ra, đi sớm. Thằng em bảo "anh lên ghế trước ngồi", mình vừa kiếm chỗ ở băng ghế sau vừa giải thích: "Bằng của anh chỉ là Phó tiến sĩ, ngồi sau này là được rồi". Tay lái xe nhếch mép cười ruồi một cách rất chi là khó hiểu.

Cùng đi có ông anh cả, trước làm bên Une-xì-cô, anh đi để lấy số liệu cho công trình nghiên cứu về "văn hóa cưu mang của người Việt cổ". Không biết bằng cách nào thằng em lại kéo được cả một cô nhà báo vừa trẻ vừa xinh chuyên viết về mảng giáo dục đi cùng. Mình đoán chắc em này đi để viết bài về "Nói không với...", với cái gì đấy mà chả được, vô thiên lủng. Mình có cái dở là hễ ngồi cạnh cánh nhà báo là y rằng mất điện. Ngồi cạnh em này cũng vậy, mình im re, hai tay vòng trước ngực suốt cả chặng đường, mỏi ê ẩm.

Không tưởng tượng được ở quê bà con lại đón tiếp nồng hậu và trọng thị đến vậy, quả có hơi bất ngờ. Nhưng cũng láng máng hiểu rằng, thằng em mình đã hết lòng cưu mang giúp đỡ con em họ nơi đất khách quê người. Trong lúc tất cả bà con cùng đầy đủ thành phần quan chức của Ủy ban xã nhà đang chuyện trò để chờ dự bữa cơm thân mật thì thằng em có điện thoại từ bển gọi về. Mình nghe lỏm câu được câu chăng "Ờ, đông đủ cả. Đang ngồi ở nhà bố mẹ của cháu đây. Nhớ nấu nướng ăn uống giữ sức khỏe. À mà chú dặn này, nhớ vệ sinh cái tủ lạnh giùm chú, đi lâu ngày sợ nó có mùi. Đúng rồi đúng rồi...".

Vào tiệc. Ông anh cả tranh thủ giới thiệu: "Chú em tôi thì bà con biết rồi, tuổi mới bốn mốt. Già trước tuổi nên trông tưởng là anh, chứ đây mới là thằng anh (chỉ vào tôi -MH), năm nay bốn mươi". Cũng chẳng ai để ý tuổi tác, mình cũng đánh bài lờ luôn, được khai sụt tuổi thì dại gì cãi lại, hehe.
Ông anh cả chỉ vào em nhà báo trẻ xinh: "Còn đây là nữ ký giả Kỷ Dậu, băm hai tuổi". Em nhà báo thỏ thẻ "Dạ, em mới ba mốt ạ!". Cả nhà ồ lên, ba mốt gì mà tơ thế! Chả ai tin.

CĐ ở Ninh Bình.JPG

Bữa trưa diễn ra trong không khí gia đình vô cùng ấm áp và thân tình. Bác bí thư xã quan tâm: "Chú mày được mấy cháu rồi?". -"Dạ mỗi", thằng em tôi nhỏ nhẹ đáp lời. "Trai hay gái?", bác bí thư tiếp tục quan tâm. Thằng em tôi: "Dạ, toàn thân giống cha, ngã ba giống mẹ ạ!". Bí thư xã ngớ ra mất mấy giây rồi ngửa mặt hahaha có vẻ tâm đắc lắm. Hai anh em cạn một chén rượu quê rồi mút luôn hai con ốc đá.
Chia tay. Trên đường về cậu lái xe có học vị Tiến sĩ cho xe chạy dọc đê để mọi người có cơ hội thưởng ngoạn cảnh vật miền quê. Cậu em tôi ngồi ghế trước, hạ kính chăm chú nhìn ra ngoài. Tất cả im lặng, không ai nói với ai một lời. Ai cũng muốn dành cho nó khoảng thời gian thiêng liêng và quý giá. Tất cả những gì nằm trong tầm nhìn của nó chiều nay, những hình ảnh thân thương yên bình của một vùng quê Đất Mẹ, sẽ là nguồn năng lượng tinh thần vô giá ủ ấm tâm hồn nó trong những tháng ngày sống trên đất người.

CĐ ở NB-Ts.JPG
(Hết phần hai)

CÚ ĐỈN THẬT

CÚ ĐỈN THẬT !

Tối nay ngồi trà đá với mấy cha cựu chiến binh Quê Choa, huyên thuyên khoe thằng em. Mấy cha nhẵn mặt bảo "Ông đào đâu ra lắm em vậy. Bọn tôi nghe ông nói về thằng này bao giờ đâu". Nói chuyện với mấy cha này cứ tức anh ách, nhiều hay ít anh chị em thì phải hỏi các bậc phụ huynh chớ. Còn mình thì cứ có em là khoe cái đã, em út càng giỏi khoe càng sướng.

Nói chuyện mới thấy các bố đếch hiểu gì, chỉ đánh nhau là giỏi, đúng là cú đỉn. Các bố biết đâu thằng em mình thời kháng chiến là lính, xông pha trận mạc. Hòa bình giải ngũ là thành thợ thuyền ngay, thành giai cấp công nhân, cơ bản nhá, tiên phong nhá, giai cấp lãnh đạo nhá. Các bố hỏi "Thế nó đâu? Bọn tao gặp nó bao giờ đâu. Sao bây giờ ông mới kể về nó". Hỏi thế là đếch hiểu gì về cách mạng thế giới, tầm nhìn đúng là chỉ sau lũy tre làng. Thật tội nghiệp!

Phải giải thích đi giải thích lại các bố mới hiểu là những thông tin tối mật như thế này phải sau mấy chục năm mới được giải mật. Ối trời ơi, té ra các bố chẳng có chút khái niệm gì về cài cắm người, về chui sâu leo cao. Buồn cười nhất là các bố còn hỏi "Làm thế để làm đếch gì, hả?". Sau đó các bố mới trố mắt ra khi nghe mình giảng giải. Thế này nhá, thằng em mình hồi đó được đưa sang để giúp xây dựng đội ngũ công nhân Đức. Ông Nêc-cơ mà không sang Chi-lê nghỉ dưỡng thì có khi thằng em mình đã thành cấp phó ông í rồi cũng nên. Thằng em mình giỏi lắm, vì vậy sau đó được cài cắm vào hàng ngũ bọn tư bản để tìm cách cho bọn này giãy chết càng sớm càng tốt. Thằng em mình phải nói là kiên trì, mấy chục năm rồi đấy chứ ít gì.

Thằng em mình không sốt ruột, vậy mà các bố này ngồi nghe chuyện lại sốt ruột, cú đỉn thế chứ lại. Các bố nhao nhao "Tóm lại là thế nào rồi, bọn tư bản bị thằng em mày đập chết chưa?". Hỏi thế thì thằng đếch nào dám trả lời. Mình thủng thẳng cho các bố sốt ruột: 
- "Chưa. Nhưng nó vừa tiết lộ một tin động trời là bọn tư bản đang đứng bên bờ vực thẳm. Tin lắm tôi mới nói, các bố đừng có mà rò rỉ thông tin nhá. Tin này đang trong diện hẹp, chưa được phổ biến đâu". 

Cha Cá Gỗ nãy giờ rít thuốc lào liên tục, tai vểnh lên nghe nhưng nhìn mắt gã thì biết ngay là vừa ganh tị vừa ngờ vực. Gã hỏi xoáy: "Thế còn phe ta?". Đấy, biết ngay mà, cứ làm ra vẻ hiểu biết hơn người nhưng nhỡ mồm hỏi câu í thì biết ngay là gã đíu biết gì.

Chờ cho mấy bố thật tập trung lắng nghe, mình mới làm vẻ mặt thật quan trọng, thì thầm đủ cho các bố tẩm nghe "Phe ta phải hơn chúng nó chứ. Phe ta đã đi trước một bước!". Biết ngay mà. Cả mấy cha mặt đần thối! Mình nhớ ra là thằng em mình rất khiêm tốn, không nhận vơ thành tích vào mình bao giờ nên nhấn mạnh thêm cái tin nó bổ sung hôm qua: "Tin này không phải do thằng em mình phát hiện, mà là Mụ gì lãnh đạo cao cấp bên U-nì-xẹp nhìn thấy rồi công bố. Mụ Le Le gì đó. À đúng rồi Mụ Chun Le-le"! Cha Cá Gỗ nhổ toẹt một bãi, cắp cái điếu cày phủi đít quần bỏ về. Tức vãi!

Hehe

(Hết phần 1. Toàn tập 99 phần)

VỚ VẨN THẬT

VỚ VẨN THẬT

Ngủ đang ngon trớn thì có thoại thằng Thắng: "Đang ở Hiệu sách Bờ Hồ. Nhặt  được quyển Chuyện Đời Vớ Vẩn của Quang Lập, lật mấy trang thấy cuốn hút, tao mua luôn hai cuốn nhá?". Ừ hử cho xong chuyện rồi khò tiếp, vớ vẩn thật. Quyển này mình đọc từ trước Bảy lăm, có gì đâu mà nhặng xị cả lên.

Khuya. Lại nó: "Mày đọc Vớ vẩn của cha Lập chưa. Tay này viết được phết. Đồng hương của mày đấy nhá. Sư nó, lại làm tao mất ngủ đêm nay rồi". Vớ vẩn thật, đã kịp đọc đâu, Bạn Văn còn chưa xong đây này. Mai đọc vậy, ngủ đã. Sức khỏe là trên hết. Khò khò.

Hôm nay đọc liền một mạch quên cả đi đái. Thằng này viết vớ vẩn thật, toàn chuyện đời, chuyện nào cũng vớ vẩn. Giải lao xíu đã.
Vào toa-let cứ nghĩ vớ nghĩ vẩn, ừ đời sao lắm chuyện nhiễu nhương. Dân mình nghèo rớt mùng tơi lại có đứa chém gió bảo không thể không làm tàu điện cao tốc, thật vớ vẩn. Mấy hôm rồi nghe bao chuyện đau lòng ngoài biển, chúng nó ức hiếp ngư dân mình, bắt tàu cướp cá phá lưới gây bất bình cả nước. Vậy mà có tên lại bảo không có gì mới, thật quá vớ vẩn.

Vớ vẩn nhất là có mấy đứa yêu nước, cứ chủ nhật lại rủ nhau đi biểu tình hay tụ tập gì đó, chả theo hướng dẫn mí lại qui định gì cả. Hết biểu tình lại hẹn nhau ra cà-phê Bờ Hồ. Sao không ngồi cà-phê Cột Cờ mà lại ra Bờ Hồ, thật vớ vẩn. Có mấy thằng ôn trẻ mập rách việc đi giật mũ nón của chúng nó để chúng la um cả lên, bọn này cũng vớ vẩn. Vớ vẩn hơn cả là mấy tên chuyên theo dõi chụp hình rồi đến nhà quấy rối nữa. Hết việc rồi sao, còn bao nhiêu việc phải làm. Rồi đến chuyện giải quyết trả lời khiếu nại cũng vớ vẩn nốt. Chán vãi!

Này nhé. Sao chúng nó tự do đâm chém nhau như cơm bữa vậy. Sao chúng nó lộng hành móc túi cướp giật trên xe buyt và ngoài đường phố là vậy. Sao cái ác ngày càng nhiều, ngày càng tự tung tự tác mà nào có thấy ai theo dõi chụp hình quay phim để trừ khử chúng nó. Sao lại để cho những lực lượng đúng ra phải bảo vệ dân thì ngày càng để lại ác cảm và nỗi sợ hãi trong mắt dân lành vậy. Thật vớ vẩn.

Mấy hôm nay lại rộ lên bệnh tay chân miệng, trước là bệnh trẻ con nay người lớn nó cũng không tha. Bà gì bộ trưởng tuyên bố là trong tầm kiểm soát. Kiểm soát kiểu gì mà số người mắc bệnh ngày càng tăng, số địa phương lây bệnh ngày càng tăng, số người chết vì bệnh này ngày càng cao. Vớ vẩn thật.

Mấy chuyện nóng sốt như vậy không thấy mấy ông nghị bà nghị đưa ra chất vấn truy hỏi tìm giải pháp, lại thấy có ông nghị đưa trình cái luật tào lao gì đấy gọi là luật nhà văn nhà thơ gì đó. Đúng là nghị vớ vẩn. Vớ vẩn thật.

Trưa nay ngang qua FuongBuoi (FB) nghe Mụ Chung-Le đập phèng-la khoe là đang đọc Vớ Vẩn. Mụ này cũng vớ vẩn nốt. Chẳng hiểu Mụ đọc bản tiếng Việt có hiểu gì không, chứ theo chỗ mình biết thì sách này đâu có dịch ra tiếng Hàn. Chuyện đời thì dân nước nào chả có, chỉ có ở cái xứ mình thì nó mới vớ vẩn thế chứ. Rõ đắng!
Đang đắng mồm thì lão Bí lại gọi "Cà-phê số 10 đi anh", rõ vớ vẩn.

Gõ đến đây thì mất điện.
Vớ vẩn thật!  

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

VỀ LẠI TUỔI THƠ

CHO TỚ MỘT SUẤT CÙNG VỀ TUỔI THƠ...

Trích "Nhật ký Lê Ngọc Hân 2011"

Thằng Tấn (Châu Tấn bên nhà số 44) hẹn trưa thứ 5 sau giờ học đến nhà cái Hạnh (Nguyên Hạnh) ở Trung Kính, không biết để làm gì. Mình tưởng nhà cái Hạnh vẫn ở Phan Bội Châu, té ra nó được anh Áng học lớp trên dẫn đi chơi tận Trung Kính rồi ở lại đó. Lên đó không có tàu điện, mình phải cuốc bộ. Thỉnh thoảng xin đi nhờ xe đạp của mấy chú bộ đội nên cũng đỡ mỏi chân. Chỉ sợ chiều về muộn chắc ăn mắng vì mình trốn anh Sơn và khi đi 'quên' không xin phép Me, nghe nói đến nhà cái Hạnh là mình chuồn đi luôn. Vội quá quên mang theo cái súng cao su, huhu.

Đến nơi thì thấy chúng nó đông đủ ở đấy cả rồi, đang tập văn nghệ. Mấy đứa con gái  cùng cái Diệp (Ngọc Diệp) tập bài 'Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng..'. Thằng Tấn mí lại cái Thuận thì múa phụ họa, nhìn tay thằng Tấn thế mà múa dẻo phết. Cái Diệp bảo "Cậu đến muộn phải ghép vào tập ngay, múa đôi cùng cái Hương (Bùi Thúy Hương)". Mình ghét nhất là phải tập múa nhưng không dám cự nự, sợ nó mách cô Bắc Thành mí lại Thầy Thanh. May quá cái Hương kêu lên "Tớ bị hen không múa được đâu!". Cái Hương không múa nữa thế là mình thoát. Cái Diệp lườm mình với cái Hương một nhát, sợ chết khiếp! 

Mình lẻn đến góc nhà ngồi tán chuyện với cái Thi (Minh Thi). Nói chuyện với con bé này rất thích, lúc nào nó cũng như bà cụ non. Thỉnh thoảng trong lớp nó còn cho mình xem trộm nhật ký tu văn và vở tập làm văn của nó. Nó quen anh Tiến (Vũ Ngọc Tiến) học ở lớp chuyên văn thành phố nên tập làm văn của nó bao giờ cũng điểm cao.

Bụng đang đói meo thì may quá, cái Hạnh tuyên bố đến giờ ăn trưa rồi. Tưởng nó lấy trộm tem phiếu của bà già đi mua bánh mì té ra không phải, nó mang ra một gói toàn thịt là thịt đã thái sẵn, rồi phân công bọn con gái đứa quạt than đứa kiếm que xiên thịt. Mình rủ thằng Tấn trốn ra vườn xem có ổi iếc gì hái trộm mấy quả ăn tạm, đói ơi là đói! Mùi thịt nướng bay qua cửa sổ, đứng ngoài vườn cũng điếc cả mũi, bụng lại càng cồn cào, hai thằng ôn không chịu nổi lại nhao vào nhà. Léng phéng sau lưng cái Như (Quỳnh Như), thừa lúc nó đang huyên thuyên với cái Sơn (Yên Sơn) mình thò tay thó được một miếng ba chỉ vừa nướng xong cho luôn vào mồm, ngậm nín thinh như không. Nóng ơi là nóng, khổ thân cái lưỡi, bỏng là cái chắc. Thằng Tấn chắc đoán được, nó chạy lại giật vai áo mình hỏi "Mày cầm túi xèng của tao không?". Mình lắc đầu quầy quậy, ấm ớ "Ung ung...", hè hè.

Bỗng như nhớ ra, cái Hạnh hỏi "Bún đâu bún đâu?". Cái Yên Sơn mở cặp sách lôi ra một gói lá chuối to bằng quả bưởi còi, cả bọn sáng mắt khi nhìn thấy từng sợi bún trắng muốt thò ra ngoài. Cái Hương cũng lôi đâu ra một gói rau tập tàng thập cẩm đã rửa sẵn, nói "Tao xin mãi bà già cho mỗi hai hào. Tao mua ở quán bà Hồng ngay cổng Chợ Hôm".

Thế là cả bọn được một bữa bún chả ngon lành và thịnh soạn. Sau này nghe lỏm mấy đứa con gái xì xầm với nhau mới biết được là anh Áng xin ông bà già được mấy lạng thịt tiêu chuẩn rồi giấu mang cho cái Hạnh. Biết thế mình xin Chị Chi hay xin Me mấy bìa đậu mang đến cho nó, có khi lại hay!

Đang ăn thì thằng Tấn đầu têu bảo sắp tới có đứa nào muốn tham gia đi Ninh Bình giúp dân thu hoạch cá không. Nghe thế đứa nào cũng thích nhưng không biết thu hoạch cá là nó như thế nào, bắt được cá rồi có được mang về không, mí lại không biết bố mẹ có cho đi không. Cái Hạnh nói "phải xin phép bố mẹ chớ. Cứ nói là lớp đi ngoại khóa mà". Cái Diệp nói "Cứ nói với bố mẹ là đi giúp dân mà, năm ngoái lớp mình chả đi gặt giúp dân rồi còn gì. Gặt ở Thanh Trì nhớ không?". Con này nhớ dai nhưng mà nhớ sai, gặt đâu ra mà gặt, đi mót lúa thì có. Mà nó còn bị đỉa cắn ở chỗ hiểm cứ ngồi mãi trên bờ có dám xuống ruộng nữa đâu. Chỉ được mỗi cái nó nói đứa nào cũng phải nghe vì nó là Liên đội trưởng, không nghe nó mách thầy Thanh có mà ốm đòn!

Cuối cùng thằng Tấn nói: "Tao không phải lớp trưởng nhưng hôm nay là nhóm trưởng, cái Hạnh bảo tao kết luận cuộc họp. Như vậy là ngày nghỉ tới sẽ đi Ninh Bình giúp dân bắt cá, í quên thu hoạch thủy sản. Dân đây là nhà bà con với bạn Yên Sơn nên không sợ gì cả, không phải là địa chủ đâu mà sợ. Ờ nhưng mà buổi trưa ăn gì, hả Sơn?". Cái Sơn ngúng nguẩy: "Sao lại hỏi tao. Chúng mày mang theo cơm nắm, ai có gì mang nấy. Nhà họ có đồi sắn, nếu thiếu trưa mình nhổ trộm mấy gốc nướng ăn thêm là no bụng thôi, lo gì!". Ơ, con này trông lụt lịt thế mà sáng kiến thật! 

Cái Diệp nói thêm: "Bạn Định (ờ, sao hôm nay lịch sự thế, không gọi là thằng đi) nhớ báo cho cái Nga (Kiều Nga) mí lại bạn Chí (Huệ Chí)". Mình cự lại ngay "Cái Nga hôm rồi đánh nhau với bọn con trai bố nó ứ cho đi đâu. Còn thằng Chí Khỉ trốn học ba bốn hôm nay rồi, tớ không biết nó ở đâu". May quá mình kịp nói là "tớ" chứ không thì đã xưng "tao" với cái Diệp rồi. Thằng Tấn nói: "Cái Nga thì chịu thôi, hôm nọ nó còn giật tóc rồi beo tai tao. Chí Khỉ thì mày hỏi con Minh Tâm là ra". Thằng này khôn lỏi thế, sao mày không đến mà hỏi cái Tâm, lại xui tao đi. Ông đếch đi đâu! Ấy là mình nghĩ trong đầu như thế chứ không dám nói ra, nói ra chúng nó lại bảo mình hèn, dại gì!

Lại cuốc bộ về nhà. Vừa đi vừa nghĩ, nếu chúng nó thống nhất là trốn bố mẹ đi chơi thì mình cũng trốn đi Ninh Bình một chuyến cho biết, rồi còn trộm sắn nướng ăn nữa, nghe thèm quá. Nhưng mà bảo xin phép thì chắc chắn là Me và anh Minh không cho mình và Thạch Sơn đi đâu. Sợ hai thằng ôn đến đâu sinh chuyện đến đó, rồi phụ huynh lại phải đến giải quyết hậu quả, huhu.

Hàng Chuối, tháng 10 - 2011
--------------------------------------
Chừng nào hết "tuổi thơ" thì   XEM CÁI NÀY

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

NHỚ CHA

NHỚ CHA

Cho Tử Đinh Hương

Thế mà cũng đã chín năm
Từ ngày Bố về Bên Ấy

Vắng Cha nhà thành không nóc
Nhớ thương biết thuở nào khuây.


Mỗi lần gặp hoa dừa cạn
Ngoảnh đi con chẳng dám nhìn
Nhà kia con không ghé nữa
Bởi có tiếng đàn "đô-lin"*.


Tội cho Bé cưng của Ngoại
Nhớ ông, chẳng hiểu tại sao

"Tại sao Ngoại đi lâu thế?"
"Tại sao người Bé nôn nao?"...


Hằng đêm quay cuồng nhớ Bố
Cắn răng để nước mắt rơi
Rồi ngày Mẹ về bên Bố 
Mình con ở lại. Chơi vơi...


Lòng lại nhủ lòng an ủi
Giờ đây bố mẹ bên nhau

Bù cho tháng ngày xa cách
Chẳng gì dịu được nỗi đau


Ngày ngày chăm con, thầm nhủ
Vẫn luôn có mẹ trên đời
Đêm về quay quắt nỗi nhớ
Đầm đìa con gọi: "Cậu ơi!"...


*/ - Đàn măng-đô-lin

TấnĐịnh

bông dừa cạn, hoa dừa cạn



---------
Đồng cảm với entry CHA TÔI, anh gửi TĐH mấy lời tâm sự với Ba anh trước ngày ông lên đường sang Cõi Bên Kia để đoàn tụ với Mẹ anh.

BA ƠI...

Ngày mai Ba về Bên Ấy
Âm dương cách trở Ba ơi.

Nuôi con gian nan nhường ấy
Công ơn Ba Mẹ suốt đời.

Chúng con dẫu bao khôn lớn
Vẫn là lũ trẻ Ba ơi
Ngày mai Mẹ Ba đoàn tụ
Chúng con mấy đứa mồ côi

Phải chi thời gian trở lại
Để thêm chút nữa chăm Ba
Phải chi Ba còn ở lại
Cho lòng con đỡ xót xa...

Ba ơi! Ba về Bên Ấy
Mẹ con khỏi đợi khỏi chờ.
Bằng an Ba nghen, Chốn Ấy!
Chúng con còn lại, bơ vơ…


04-11-2009
Con trai của Ba

Tấn Định

NGÕ HOA VIÊN

NGÕ HOA VIÊN, NGÀY ẤY...

Ảnh riêng Bài viết dành riêng cho Con Em NX

"Con là con thạch sùng bé tý
Hay khóc nhè và thích làm thơ"


Từ Hàng Chuối mình men theo Nguyễn Công Trứ ra vườn hoa Pas-tơ để về Đầm Trấu. Ngang qua Viện Giải phẫu học rồi đến cổng Viện Dinh Dưỡng của cụ Từ Giấy (ông già của anh em Từ Đễ - Từ Linh) thì gặp Chí "Khỉ" đang chơi với bọn bạn ở đấy. Mình vẫy thằng Chí ra rồi độp một nhát: "Con Tâm nhà mày về nhà hay khóc không?". Chí bảo "Sao mày lại hỏi thế?". Mình nói với nó là thấy con Minh Tâm ở trường thường tỏ ra rắn rỏi, hay tếu mí lại hay cười. Người lớn bảo con gái hay khóc, hay là nó khóc ở nhà, vậy nên hỏi thằng anh xem thế nào thôi, may ra nắm vững. Y rằng Chí 'Khỉ' khai tuốt luốt: "Nó là mít ướt, chạm khẽ cái là nhè đấy, đừng có mà dây vào". À há, có thế chứ, có phải chỉ con em mình mới thế đâu. Bọn con gái là thế hết cả mà!

Chia tay Chí Khỉ ra đến bến xe Khuyến Lương chỗ băng qua đê để ra Đầm Trấu thì suýt đâm đầu vào xe khách. Thằng tài thò đầu ra quát "Mù à, đi đứng kiểu gì thế!". Mình vừa ngước thấy mặt thằng giặc lái, đã giật thót cả người, miệng lẩm bẩm "Bỏ cái ria đi thì đúng là ông Thường, Thường Lụa Thường Lụa...". Thằng lái mở cửa xe nhảy xuống. Ngạc nhiên nhất là thấy nó cười, cười rất hiền, rồi nó vừa túm tay mình dắt lên xe vừa bảo: "Để cháu đưa chú chạy một đoạn lại đằng kia, đoạn đường này nguy hiểm lắm".

Xe chạy, mình mới hỏi "Mày là Hùng "mút" cháu ngoại bà Tặng hả?". Thằng Hùng bảo: "Cháu cũng nhận ra chú rồi, ngõ Hoa Viên ai lạ gì chú. Giờ chú đi đâu?". Mình buột miệng bảo: "Đi Hải Dương". Nói là nói lấy được thế chứ cũng chưa biết đi Hải Dương làm gì, định bụng đi theo hỏi nó vài chuyện rồi bắt xe buýt quay lên.

Thế mà rồi qua thằng Hùng cũng biết thêm được khối chuyện. Nó vừa lái vừa nói chuyện rất duyên. Chuyện bảy cô chú hai trai năm gái nhà ông Nam làm ăn phát đạt lắm. Chuyện ông bà Hành Bí thỉnh thoảng quay về thăm bà con. Chuyện kinh hoàng khi lợp lại mái nhà mọi người nhặt được xương cánh tay còn mắc kẹt trên đó, cứ đoán là tay của chị em cô Liễu dạo bị bom còn sót lại, ai cũng hãi. Mình nghe cũng sởn cả da gà.

Hỏi nó về cặp sinh đôi Thu-Thủy con cô Hà chú Điệp, nó bảo chồng con cả rồi, hai ông chồng cũng không phân biệt được ai là vợ mình. Mình bảo nó: "Dễ ợt, con Thủy có cái nốt ruồi đỏ ở gần rốn, có gì mà không nhận ra". Thằng Hùng lặng đi một lúc rồi mới dám cất tiếng: "Sao chú biết?". "Sao tao lại không biết. Nói thật với mày là chú vừa dự học một khóa ngoại cảm dài hạn ở Tây Tạng về". Được dịp nổ phát cho thằng này nó chết khiếp, mất gì của bọ. Chuyện vãn thế mà đã đến Hải Dương rồi, nhanh thật.

Chia tay thằng Hùng, mình xuống xe đi dọc theo bờ sông về phía cái xóm nhỏ ngày xưa mấy đứa em sơ tán theo bọn trẻ của cơ quan bà già. Cảnh vật hai bên sông thay đổi quá nhiều, nhưng linh cảm thấy đoạn sông này là nơi con em mình cùng mấy đứa con gái cùng lớp cứ chạy dọc bờ sông, vừa chạy vừa khóc vừa gào lên: "Tuệ ơi, về đi! Tuệ ơi, mày ở đâu, về đi Tuệ ơi...", nghe cứ đứt từng khúc ruột. Cái Tuệ đi tắm rồi không thấy về nữa, đôi dép của nó vẫn còn trên bến sông. Trên mộ cái Tuệ mấy ngày sau vẫn còn nguyên bát cơm quả trứng có cắm đôi đũa. Bạn bè cùng lớp chiều nào cũng ra thắp hương cho nó...

Buồn quá. Định bắt xe về Hà nội thì thế nào lại nhảy lên cái xe Kiến An. Khi biết xe đi Hải Phòng thì ngồi im luôn, không muốn đổi xe nữa. Xe chạy được một quãng mới nhớ ra là quên mua của bà hàng nước bó đóm diêm về cho ông già hút thuốc lào. Xuống xe thì đã tắt mặt trời, đi ngang Vườn hoa Nhà Kèn thấy mấy cái ghế đá chỏng chơ lại nhớ ngày xưa, thuở còn bé tí, con em hay chơi trốn tìm ở đây. Lại nghĩ vẩn vơ, nó mà được bà già cho đi học vẽ với thằng Điền con ông Bình thì bây giờ chắc "hai tay hai súng", một tay viết chuyện một tay vẽ tranh cũng chưa biết chừng. Ờ mà ngày í ông bà già gật đầu gả nó cho thằng Tuyển thì sao nhể. Buồn cười thật, có mỗi chuyện ấy mà nó cũng bê chậu quần áo ra bể nước ngồi khóc. Rõ vớ vẩn!

Về đến Ngõ 11 nhà 11 thì đã nhập nhoạng tối. Cái cổng sắt cũ kỹ vẫn đóng im ỉm. Chỗ này, vào một đêm tối trời, khi nhạc hiệu chín giờ trên loa công cộng vừa dứt, bà già nghe có tiếng gọi cửa vội chân trần tất tả chạy ra. Cửa mở, ào vào lòng là con út nhà mình. Nó nhớ nhà quá, từ nơi sơ tán mấy đứa rủ nhau xin xe tải trốn về. Bị mắng mấy mắng nó cứ lì ra không khóc, vậy mà sáng sớm hôm sau khi chị Hương chuẩn bị đưa nó trở lại nơi sơ tán thì lại khóc. Khóc tấm tức thôi chứ không dám khóc to, thế mới thương. Thương đứt ruột nhưng phải cắn răng đưa nó đi thôi, ở nhà bom đạn, không thể nói trước được điều gì.

Nghỉ hè năm ấy nó được nghỉ ở nhà. Chập tối không biết đi đâu về mà thấy trốn sau chuồng gà khóc thút thít. Hỏi nó có chuyện gì, nó vừa khóc vừa kể đứt đoạn là "Chị Xuân Hương về...nằm đằng kia". Mình bảo: "Bậy, chị Xuân Hương chết rồi cơ mà". Nó bảo đúng là chị Xuân Hương. Sợ vãi, nhưng mình là thằng anh phải làm bộ cứng rắn, hỏi: "Đâu đâu, chỉ tao coi". Nói thế nhưng bụng thì run quá trời. Cuối cùng té ra là mấy cái bao tải ai vắt lên bờ tường, đúng chỗ chị Xuân Hương trúng bom Mỹ chết nằm vắt dạo trước. Được mẻ vãi linh hồn cả anh cả em. Nhưng mà việc gì phải khóc cơ chứ, phải như anh mày đây này!

Có dạo không hiểu nghe ai, về đến nhà nó xị mặt tuyên bố với cả nhà là tên của mọi người trong nhà này đều lấy theo địa danh ở quê, chỉ có tên nó là không phải. Thế là phân biệt đối xử còn gì! Ờ, đúng thế thật, nghe có lý quá, thế mà lâu nay không ai để ý. Mà con bé này nghe ai xui nhẩy?

Mình bỗng nghĩ ra một mẹo, bảo nó: "Tao tra sách địa lý rồi, trong quê còn mỗi hai nơi là chưa ai lấy đặt tên, mày thích thì sáng mai đổi luôn". Mắt nó sáng lên, mình nghĩ lừa nó quả này cũng tội, nhưng mà 'lao đã ném đi' đành lướt tới thôi. Mình bảo: "Còn thị trấn Voi mí lại cầu Hổ. Đấy, chọn đi. Chỉ chọn một thôi nhá". Nó im thin thít, rồi lắc đầu ngúng nguẩy, mắt rân rấn trông thật tội nghiệp. Chị Hương phải gỡ bí: "Thôi, ai lại đặt Voi với Hổ, ứ thèm. Chị thấy giàn nho của mẹ vừa ra mấy chùm quả rất đẹp rất xinh, đặt luôn Nho xinh nhá nhá!". Không ngờ nó quá thích cái tên ấy, cứ nhảy cẫng lên reo: "Nho xinh nho xinh. Em là Nho xinh". Nó thành Nho Xinh từ đấy. Sau này nhắc lại chuyện đó mình mới bảo: "Cũng may đổi tên sớm, không có sau hai năm mới đổi thì tên mày chắc chắn sẽ là Gấc xinh!". Nó đấm mình thùm thụp, đúng là đồ con gái!

Sau này, có lần mấy chị em liên hệ được một nhà ngoại cảm tin cậy, xin gặp ông già để hỏi mấy việc. Lần ấy ông già về, nhắc lại chuyện có lần mách cho nó tìm được chùm chìa khóa mà nó đánh mất, lúc nó còn là sinh viên. Ông già còn nói, lúc nào ông cũng ở bên cạnh nó những ngày nó nằm treo cao chân để "an thai" trong bệnh viện Phụ sản nữa. Té ra ông già chưa bao giờ rời xa nó. Lúc ông già còn sống vẫn vậy mà, nó là con út, lại là con gái, sướng thật!

Lúc chia tay nhà ngoại cảm ra về, cả mấy chị em đã ngồi hết trên ô-tô, không thấy nó đâu. Thằng anh chạy tìm cuống cuồng, hóa ra nó ngồi như tượng dưới gốc cây đa bon-sai trong sân, ngay sát bể cá cảnh có ban thờ thần linh đặt ngoài trời cho mọi người đến thắp hương khấn vái. Ngồi xuống cạnh con em, mãi hồi lâu thằng anh mới dám thì thầm hỏi nhỏ: "Về thôi em. Sao vậy?". Nó quay lại nhìn thằng anh, mắt đỏ hoe, rồi bỗng nấc lên, nức nở: "Em nhớ Ba!"...
Không thể nói là con em "mu khoóc"* được, bởi vì thằng anh cũng ràn rụa nước mắt!

Rút từ Tập Ký "Con em tao"