Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

NỖI ĐAU MÙA GIÁNG SINH

Nỗi đau không của riêng ai

Dâng lên Hương Hồn những người đã khuất mà tôi yêu quý

Hồng Hải kém tôi khoảng ba tuổi. Hai anh em cùng học ở Ô-đet-xa vào những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Về nước, hai anh em cùng đơn vị nên khá thân nhau. Đến lúc này Hải mới có dịp kể cho tôi nghe một cách cụ thể chuyện mẹ cùng bốn em của Hải bị thảm sát trong đêm đầu tiên của trận tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội mùa Đông năm 1972 như thế nào.

Ngay trong đêm đầu tiên của đợt tập kích, đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Gia Thụy Gia Lâm đã phải hứng chịu tổn thất lớn lao sau loạt bom rải thảm nhằm hủy diệt Hà Nội. Trong đó gia đình Hải là một trong những gia đình chịu tổn thất lớn nhất, mẹ và bốn đứa em của Hải bị chết do sức ép của bom cùng trong một căn hầm.

Trong những ngày này bố của Hải đang ở một đơn vị chiến đấu, chị gái trên Hải trực chiến ở Hà Nội, em gái sau Hải mới nhập ngũ, em vừa tròn tuổi 17. Khi ba bố con được tin, người trước kẻ sau về đến nơi thì đã quá muộn. Như bà con trong thôn kể lại thì khi đưa được năm mẹ con ra khỏi hầm, thi thể người nào cũng vẫn còn mềm và ấm.

Có dịp sang Nghĩa trang Gia Thụy vào những ngày Đông cuối năm này, bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân ở đây đi tảo mộ đông đến như thế nào. Đa số họ là người thân của những nạn nhân bị thảm sát bởi B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, bà con đang chuẩn bị cho ngày giỗ chung của cả làng cả xã.

Tôi đã đến đây rất nhiều lần, vậy mà lần nào cũng rưng rưng, lần nào cũng không cầm được lòng mình. Thử hình dung là bạn đang đứng ở đó, trước mặt bạn là năm ngôi mộ cùng xây chung một nền với độ cao hơn một mét, trên đó nhìn rõ ảnh chân dung của cả năm mẹ con. Ở chính giữa là mộ của mẹ, chân dung mẹ nói rằng mẹ còn khá trẻ, năm ấy mẹ 48 tuổi. Nằm sát ngay bên phải mẹ là út Hạnh, Quý Hạnh mới 5 tuổi, cạnh Út là chị Hòa, 13 tuổi. Sát ngay bên trái mẹ là Trọng Hưng 8 tuổi, và cạnh Hưng là Mạnh Hùng vừa tròn 10 tuổi. Ngắm nhìn những khuôn mặt bầu bĩnh, tươi tắn, hồn nhiên của các em, trái tim như thắt lại, và lòng bỗng quặn đau. Tôi những muốn đi thật nhẹ đến bên, đặt tay lên vai, và thầm thì vào tai bạn "Thôi nín đi, đừng khóc nữa...".

Nhưng rồi, có lẽ đã quá sức chịu đựng khi bạn sang thắp hương cho Hồng Hải, nằm cách đó khoảng mươi bước chân. Bạn đã chẳng thể nào giấu được nỗi xúc động, bởi tôi thấy đôi vai bạn đang rung lên, và  hai dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Hải ra đi vì căn bệnh suy thận quái ác vào một ngày tháng 10 năm 1991, đến nay là vừa tròn hai chục năm. Thời gian trôi nhanh quá... Hải ơi!

Một lần, vào dịp Giáng Sinh năm ấy tôi đã đưa con trai tôi đến đây. Đến đây để con tôi hiểu rằng, nỗi đau là không của riêng ai. Bà ngoại của các con tôi cũng bị thảm sát dưới hầm bởi bom Mỹ vào năm 68. Đêm ấy trong làng bị bom Mỹ cướp đi mạng sống của rất nhiều người, nhưng trong gia đình thì chỉ một mình Bà ngoại dính bom. Còn ở đây những 5 người, năm người trong cùng một gia đình!

Những năm trước tôi thường sang thắp hương vào đúng ngày 18 tháng 12 hoặc vào dịp Giáng Sinh. Mấy năm gần đây, theo lời khuyên của các cụ tôi thường sang viếng trước ngày Giỗ một vài ngày. Ngày Giỗ mẹ và bốn em của Hồng Hải được tính theo lịch Âm là ngày 14 tháng 11. Như thế, hợp với tập quán của dân tộc mình hơn.

Cho đến bây giờ, đã mấy chục năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không sao hiểu nổi tại sao Hoa Kỳ, một quốc gia luôn tự nhận là văn minh và kính Chúa, lại chọn mùa Giáng Sinh để ra tay mở một cuộc thảm sát đẫm máu trong suốt 12 ngày đêm. Rốt cuộc họ đã thất bại -  không ai có thể qua mặt được Chúa.

Và cũng bởi, Đức Chúa Trời luôn công bằng!

Một chiều Đông 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét