Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

VỀ LẠI TUỔI THƠ

CHO TỚ MỘT SUẤT CÙNG VỀ TUỔI THƠ...

Trích "Nhật ký Lê Ngọc Hân 2011"

Thằng Tấn (Châu Tấn bên nhà số 44) hẹn trưa thứ 5 sau giờ học đến nhà cái Hạnh (Nguyên Hạnh) ở Trung Kính, không biết để làm gì. Mình tưởng nhà cái Hạnh vẫn ở Phan Bội Châu, té ra nó được anh Áng học lớp trên dẫn đi chơi tận Trung Kính rồi ở lại đó. Lên đó không có tàu điện, mình phải cuốc bộ. Thỉnh thoảng xin đi nhờ xe đạp của mấy chú bộ đội nên cũng đỡ mỏi chân. Chỉ sợ chiều về muộn chắc ăn mắng vì mình trốn anh Sơn và khi đi 'quên' không xin phép Me, nghe nói đến nhà cái Hạnh là mình chuồn đi luôn. Vội quá quên mang theo cái súng cao su, huhu.

Đến nơi thì thấy chúng nó đông đủ ở đấy cả rồi, đang tập văn nghệ. Mấy đứa con gái  cùng cái Diệp (Ngọc Diệp) tập bài 'Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng..'. Thằng Tấn mí lại cái Thuận thì múa phụ họa, nhìn tay thằng Tấn thế mà múa dẻo phết. Cái Diệp bảo "Cậu đến muộn phải ghép vào tập ngay, múa đôi cùng cái Hương (Bùi Thúy Hương)". Mình ghét nhất là phải tập múa nhưng không dám cự nự, sợ nó mách cô Bắc Thành mí lại Thầy Thanh. May quá cái Hương kêu lên "Tớ bị hen không múa được đâu!". Cái Hương không múa nữa thế là mình thoát. Cái Diệp lườm mình với cái Hương một nhát, sợ chết khiếp! 

Mình lẻn đến góc nhà ngồi tán chuyện với cái Thi (Minh Thi). Nói chuyện với con bé này rất thích, lúc nào nó cũng như bà cụ non. Thỉnh thoảng trong lớp nó còn cho mình xem trộm nhật ký tu văn và vở tập làm văn của nó. Nó quen anh Tiến (Vũ Ngọc Tiến) học ở lớp chuyên văn thành phố nên tập làm văn của nó bao giờ cũng điểm cao.

Bụng đang đói meo thì may quá, cái Hạnh tuyên bố đến giờ ăn trưa rồi. Tưởng nó lấy trộm tem phiếu của bà già đi mua bánh mì té ra không phải, nó mang ra một gói toàn thịt là thịt đã thái sẵn, rồi phân công bọn con gái đứa quạt than đứa kiếm que xiên thịt. Mình rủ thằng Tấn trốn ra vườn xem có ổi iếc gì hái trộm mấy quả ăn tạm, đói ơi là đói! Mùi thịt nướng bay qua cửa sổ, đứng ngoài vườn cũng điếc cả mũi, bụng lại càng cồn cào, hai thằng ôn không chịu nổi lại nhao vào nhà. Léng phéng sau lưng cái Như (Quỳnh Như), thừa lúc nó đang huyên thuyên với cái Sơn (Yên Sơn) mình thò tay thó được một miếng ba chỉ vừa nướng xong cho luôn vào mồm, ngậm nín thinh như không. Nóng ơi là nóng, khổ thân cái lưỡi, bỏng là cái chắc. Thằng Tấn chắc đoán được, nó chạy lại giật vai áo mình hỏi "Mày cầm túi xèng của tao không?". Mình lắc đầu quầy quậy, ấm ớ "Ung ung...", hè hè.

Bỗng như nhớ ra, cái Hạnh hỏi "Bún đâu bún đâu?". Cái Yên Sơn mở cặp sách lôi ra một gói lá chuối to bằng quả bưởi còi, cả bọn sáng mắt khi nhìn thấy từng sợi bún trắng muốt thò ra ngoài. Cái Hương cũng lôi đâu ra một gói rau tập tàng thập cẩm đã rửa sẵn, nói "Tao xin mãi bà già cho mỗi hai hào. Tao mua ở quán bà Hồng ngay cổng Chợ Hôm".

Thế là cả bọn được một bữa bún chả ngon lành và thịnh soạn. Sau này nghe lỏm mấy đứa con gái xì xầm với nhau mới biết được là anh Áng xin ông bà già được mấy lạng thịt tiêu chuẩn rồi giấu mang cho cái Hạnh. Biết thế mình xin Chị Chi hay xin Me mấy bìa đậu mang đến cho nó, có khi lại hay!

Đang ăn thì thằng Tấn đầu têu bảo sắp tới có đứa nào muốn tham gia đi Ninh Bình giúp dân thu hoạch cá không. Nghe thế đứa nào cũng thích nhưng không biết thu hoạch cá là nó như thế nào, bắt được cá rồi có được mang về không, mí lại không biết bố mẹ có cho đi không. Cái Hạnh nói "phải xin phép bố mẹ chớ. Cứ nói là lớp đi ngoại khóa mà". Cái Diệp nói "Cứ nói với bố mẹ là đi giúp dân mà, năm ngoái lớp mình chả đi gặt giúp dân rồi còn gì. Gặt ở Thanh Trì nhớ không?". Con này nhớ dai nhưng mà nhớ sai, gặt đâu ra mà gặt, đi mót lúa thì có. Mà nó còn bị đỉa cắn ở chỗ hiểm cứ ngồi mãi trên bờ có dám xuống ruộng nữa đâu. Chỉ được mỗi cái nó nói đứa nào cũng phải nghe vì nó là Liên đội trưởng, không nghe nó mách thầy Thanh có mà ốm đòn!

Cuối cùng thằng Tấn nói: "Tao không phải lớp trưởng nhưng hôm nay là nhóm trưởng, cái Hạnh bảo tao kết luận cuộc họp. Như vậy là ngày nghỉ tới sẽ đi Ninh Bình giúp dân bắt cá, í quên thu hoạch thủy sản. Dân đây là nhà bà con với bạn Yên Sơn nên không sợ gì cả, không phải là địa chủ đâu mà sợ. Ờ nhưng mà buổi trưa ăn gì, hả Sơn?". Cái Sơn ngúng nguẩy: "Sao lại hỏi tao. Chúng mày mang theo cơm nắm, ai có gì mang nấy. Nhà họ có đồi sắn, nếu thiếu trưa mình nhổ trộm mấy gốc nướng ăn thêm là no bụng thôi, lo gì!". Ơ, con này trông lụt lịt thế mà sáng kiến thật! 

Cái Diệp nói thêm: "Bạn Định (ờ, sao hôm nay lịch sự thế, không gọi là thằng đi) nhớ báo cho cái Nga (Kiều Nga) mí lại bạn Chí (Huệ Chí)". Mình cự lại ngay "Cái Nga hôm rồi đánh nhau với bọn con trai bố nó ứ cho đi đâu. Còn thằng Chí Khỉ trốn học ba bốn hôm nay rồi, tớ không biết nó ở đâu". May quá mình kịp nói là "tớ" chứ không thì đã xưng "tao" với cái Diệp rồi. Thằng Tấn nói: "Cái Nga thì chịu thôi, hôm nọ nó còn giật tóc rồi beo tai tao. Chí Khỉ thì mày hỏi con Minh Tâm là ra". Thằng này khôn lỏi thế, sao mày không đến mà hỏi cái Tâm, lại xui tao đi. Ông đếch đi đâu! Ấy là mình nghĩ trong đầu như thế chứ không dám nói ra, nói ra chúng nó lại bảo mình hèn, dại gì!

Lại cuốc bộ về nhà. Vừa đi vừa nghĩ, nếu chúng nó thống nhất là trốn bố mẹ đi chơi thì mình cũng trốn đi Ninh Bình một chuyến cho biết, rồi còn trộm sắn nướng ăn nữa, nghe thèm quá. Nhưng mà bảo xin phép thì chắc chắn là Me và anh Minh không cho mình và Thạch Sơn đi đâu. Sợ hai thằng ôn đến đâu sinh chuyện đến đó, rồi phụ huynh lại phải đến giải quyết hậu quả, huhu.

Hàng Chuối, tháng 10 - 2011
--------------------------------------
Chừng nào hết "tuổi thơ" thì   XEM CÁI NÀY

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

NHỚ CHA

NHỚ CHA

Cho Tử Đinh Hương

Thế mà cũng đã chín năm
Từ ngày Bố về Bên Ấy

Vắng Cha nhà thành không nóc
Nhớ thương biết thuở nào khuây.


Mỗi lần gặp hoa dừa cạn
Ngoảnh đi con chẳng dám nhìn
Nhà kia con không ghé nữa
Bởi có tiếng đàn "đô-lin"*.


Tội cho Bé cưng của Ngoại
Nhớ ông, chẳng hiểu tại sao

"Tại sao Ngoại đi lâu thế?"
"Tại sao người Bé nôn nao?"...


Hằng đêm quay cuồng nhớ Bố
Cắn răng để nước mắt rơi
Rồi ngày Mẹ về bên Bố 
Mình con ở lại. Chơi vơi...


Lòng lại nhủ lòng an ủi
Giờ đây bố mẹ bên nhau

Bù cho tháng ngày xa cách
Chẳng gì dịu được nỗi đau


Ngày ngày chăm con, thầm nhủ
Vẫn luôn có mẹ trên đời
Đêm về quay quắt nỗi nhớ
Đầm đìa con gọi: "Cậu ơi!"...


*/ - Đàn măng-đô-lin

TấnĐịnh

bông dừa cạn, hoa dừa cạn



---------
Đồng cảm với entry CHA TÔI, anh gửi TĐH mấy lời tâm sự với Ba anh trước ngày ông lên đường sang Cõi Bên Kia để đoàn tụ với Mẹ anh.

BA ƠI...

Ngày mai Ba về Bên Ấy
Âm dương cách trở Ba ơi.

Nuôi con gian nan nhường ấy
Công ơn Ba Mẹ suốt đời.

Chúng con dẫu bao khôn lớn
Vẫn là lũ trẻ Ba ơi
Ngày mai Mẹ Ba đoàn tụ
Chúng con mấy đứa mồ côi

Phải chi thời gian trở lại
Để thêm chút nữa chăm Ba
Phải chi Ba còn ở lại
Cho lòng con đỡ xót xa...

Ba ơi! Ba về Bên Ấy
Mẹ con khỏi đợi khỏi chờ.
Bằng an Ba nghen, Chốn Ấy!
Chúng con còn lại, bơ vơ…


04-11-2009
Con trai của Ba

Tấn Định

NGÕ HOA VIÊN

NGÕ HOA VIÊN, NGÀY ẤY...

Ảnh riêng Bài viết dành riêng cho Con Em NX

"Con là con thạch sùng bé tý
Hay khóc nhè và thích làm thơ"


Từ Hàng Chuối mình men theo Nguyễn Công Trứ ra vườn hoa Pas-tơ để về Đầm Trấu. Ngang qua Viện Giải phẫu học rồi đến cổng Viện Dinh Dưỡng của cụ Từ Giấy (ông già của anh em Từ Đễ - Từ Linh) thì gặp Chí "Khỉ" đang chơi với bọn bạn ở đấy. Mình vẫy thằng Chí ra rồi độp một nhát: "Con Tâm nhà mày về nhà hay khóc không?". Chí bảo "Sao mày lại hỏi thế?". Mình nói với nó là thấy con Minh Tâm ở trường thường tỏ ra rắn rỏi, hay tếu mí lại hay cười. Người lớn bảo con gái hay khóc, hay là nó khóc ở nhà, vậy nên hỏi thằng anh xem thế nào thôi, may ra nắm vững. Y rằng Chí 'Khỉ' khai tuốt luốt: "Nó là mít ướt, chạm khẽ cái là nhè đấy, đừng có mà dây vào". À há, có thế chứ, có phải chỉ con em mình mới thế đâu. Bọn con gái là thế hết cả mà!

Chia tay Chí Khỉ ra đến bến xe Khuyến Lương chỗ băng qua đê để ra Đầm Trấu thì suýt đâm đầu vào xe khách. Thằng tài thò đầu ra quát "Mù à, đi đứng kiểu gì thế!". Mình vừa ngước thấy mặt thằng giặc lái, đã giật thót cả người, miệng lẩm bẩm "Bỏ cái ria đi thì đúng là ông Thường, Thường Lụa Thường Lụa...". Thằng lái mở cửa xe nhảy xuống. Ngạc nhiên nhất là thấy nó cười, cười rất hiền, rồi nó vừa túm tay mình dắt lên xe vừa bảo: "Để cháu đưa chú chạy một đoạn lại đằng kia, đoạn đường này nguy hiểm lắm".

Xe chạy, mình mới hỏi "Mày là Hùng "mút" cháu ngoại bà Tặng hả?". Thằng Hùng bảo: "Cháu cũng nhận ra chú rồi, ngõ Hoa Viên ai lạ gì chú. Giờ chú đi đâu?". Mình buột miệng bảo: "Đi Hải Dương". Nói là nói lấy được thế chứ cũng chưa biết đi Hải Dương làm gì, định bụng đi theo hỏi nó vài chuyện rồi bắt xe buýt quay lên.

Thế mà rồi qua thằng Hùng cũng biết thêm được khối chuyện. Nó vừa lái vừa nói chuyện rất duyên. Chuyện bảy cô chú hai trai năm gái nhà ông Nam làm ăn phát đạt lắm. Chuyện ông bà Hành Bí thỉnh thoảng quay về thăm bà con. Chuyện kinh hoàng khi lợp lại mái nhà mọi người nhặt được xương cánh tay còn mắc kẹt trên đó, cứ đoán là tay của chị em cô Liễu dạo bị bom còn sót lại, ai cũng hãi. Mình nghe cũng sởn cả da gà.

Hỏi nó về cặp sinh đôi Thu-Thủy con cô Hà chú Điệp, nó bảo chồng con cả rồi, hai ông chồng cũng không phân biệt được ai là vợ mình. Mình bảo nó: "Dễ ợt, con Thủy có cái nốt ruồi đỏ ở gần rốn, có gì mà không nhận ra". Thằng Hùng lặng đi một lúc rồi mới dám cất tiếng: "Sao chú biết?". "Sao tao lại không biết. Nói thật với mày là chú vừa dự học một khóa ngoại cảm dài hạn ở Tây Tạng về". Được dịp nổ phát cho thằng này nó chết khiếp, mất gì của bọ. Chuyện vãn thế mà đã đến Hải Dương rồi, nhanh thật.

Chia tay thằng Hùng, mình xuống xe đi dọc theo bờ sông về phía cái xóm nhỏ ngày xưa mấy đứa em sơ tán theo bọn trẻ của cơ quan bà già. Cảnh vật hai bên sông thay đổi quá nhiều, nhưng linh cảm thấy đoạn sông này là nơi con em mình cùng mấy đứa con gái cùng lớp cứ chạy dọc bờ sông, vừa chạy vừa khóc vừa gào lên: "Tuệ ơi, về đi! Tuệ ơi, mày ở đâu, về đi Tuệ ơi...", nghe cứ đứt từng khúc ruột. Cái Tuệ đi tắm rồi không thấy về nữa, đôi dép của nó vẫn còn trên bến sông. Trên mộ cái Tuệ mấy ngày sau vẫn còn nguyên bát cơm quả trứng có cắm đôi đũa. Bạn bè cùng lớp chiều nào cũng ra thắp hương cho nó...

Buồn quá. Định bắt xe về Hà nội thì thế nào lại nhảy lên cái xe Kiến An. Khi biết xe đi Hải Phòng thì ngồi im luôn, không muốn đổi xe nữa. Xe chạy được một quãng mới nhớ ra là quên mua của bà hàng nước bó đóm diêm về cho ông già hút thuốc lào. Xuống xe thì đã tắt mặt trời, đi ngang Vườn hoa Nhà Kèn thấy mấy cái ghế đá chỏng chơ lại nhớ ngày xưa, thuở còn bé tí, con em hay chơi trốn tìm ở đây. Lại nghĩ vẩn vơ, nó mà được bà già cho đi học vẽ với thằng Điền con ông Bình thì bây giờ chắc "hai tay hai súng", một tay viết chuyện một tay vẽ tranh cũng chưa biết chừng. Ờ mà ngày í ông bà già gật đầu gả nó cho thằng Tuyển thì sao nhể. Buồn cười thật, có mỗi chuyện ấy mà nó cũng bê chậu quần áo ra bể nước ngồi khóc. Rõ vớ vẩn!

Về đến Ngõ 11 nhà 11 thì đã nhập nhoạng tối. Cái cổng sắt cũ kỹ vẫn đóng im ỉm. Chỗ này, vào một đêm tối trời, khi nhạc hiệu chín giờ trên loa công cộng vừa dứt, bà già nghe có tiếng gọi cửa vội chân trần tất tả chạy ra. Cửa mở, ào vào lòng là con út nhà mình. Nó nhớ nhà quá, từ nơi sơ tán mấy đứa rủ nhau xin xe tải trốn về. Bị mắng mấy mắng nó cứ lì ra không khóc, vậy mà sáng sớm hôm sau khi chị Hương chuẩn bị đưa nó trở lại nơi sơ tán thì lại khóc. Khóc tấm tức thôi chứ không dám khóc to, thế mới thương. Thương đứt ruột nhưng phải cắn răng đưa nó đi thôi, ở nhà bom đạn, không thể nói trước được điều gì.

Nghỉ hè năm ấy nó được nghỉ ở nhà. Chập tối không biết đi đâu về mà thấy trốn sau chuồng gà khóc thút thít. Hỏi nó có chuyện gì, nó vừa khóc vừa kể đứt đoạn là "Chị Xuân Hương về...nằm đằng kia". Mình bảo: "Bậy, chị Xuân Hương chết rồi cơ mà". Nó bảo đúng là chị Xuân Hương. Sợ vãi, nhưng mình là thằng anh phải làm bộ cứng rắn, hỏi: "Đâu đâu, chỉ tao coi". Nói thế nhưng bụng thì run quá trời. Cuối cùng té ra là mấy cái bao tải ai vắt lên bờ tường, đúng chỗ chị Xuân Hương trúng bom Mỹ chết nằm vắt dạo trước. Được mẻ vãi linh hồn cả anh cả em. Nhưng mà việc gì phải khóc cơ chứ, phải như anh mày đây này!

Có dạo không hiểu nghe ai, về đến nhà nó xị mặt tuyên bố với cả nhà là tên của mọi người trong nhà này đều lấy theo địa danh ở quê, chỉ có tên nó là không phải. Thế là phân biệt đối xử còn gì! Ờ, đúng thế thật, nghe có lý quá, thế mà lâu nay không ai để ý. Mà con bé này nghe ai xui nhẩy?

Mình bỗng nghĩ ra một mẹo, bảo nó: "Tao tra sách địa lý rồi, trong quê còn mỗi hai nơi là chưa ai lấy đặt tên, mày thích thì sáng mai đổi luôn". Mắt nó sáng lên, mình nghĩ lừa nó quả này cũng tội, nhưng mà 'lao đã ném đi' đành lướt tới thôi. Mình bảo: "Còn thị trấn Voi mí lại cầu Hổ. Đấy, chọn đi. Chỉ chọn một thôi nhá". Nó im thin thít, rồi lắc đầu ngúng nguẩy, mắt rân rấn trông thật tội nghiệp. Chị Hương phải gỡ bí: "Thôi, ai lại đặt Voi với Hổ, ứ thèm. Chị thấy giàn nho của mẹ vừa ra mấy chùm quả rất đẹp rất xinh, đặt luôn Nho xinh nhá nhá!". Không ngờ nó quá thích cái tên ấy, cứ nhảy cẫng lên reo: "Nho xinh nho xinh. Em là Nho xinh". Nó thành Nho Xinh từ đấy. Sau này nhắc lại chuyện đó mình mới bảo: "Cũng may đổi tên sớm, không có sau hai năm mới đổi thì tên mày chắc chắn sẽ là Gấc xinh!". Nó đấm mình thùm thụp, đúng là đồ con gái!

Sau này, có lần mấy chị em liên hệ được một nhà ngoại cảm tin cậy, xin gặp ông già để hỏi mấy việc. Lần ấy ông già về, nhắc lại chuyện có lần mách cho nó tìm được chùm chìa khóa mà nó đánh mất, lúc nó còn là sinh viên. Ông già còn nói, lúc nào ông cũng ở bên cạnh nó những ngày nó nằm treo cao chân để "an thai" trong bệnh viện Phụ sản nữa. Té ra ông già chưa bao giờ rời xa nó. Lúc ông già còn sống vẫn vậy mà, nó là con út, lại là con gái, sướng thật!

Lúc chia tay nhà ngoại cảm ra về, cả mấy chị em đã ngồi hết trên ô-tô, không thấy nó đâu. Thằng anh chạy tìm cuống cuồng, hóa ra nó ngồi như tượng dưới gốc cây đa bon-sai trong sân, ngay sát bể cá cảnh có ban thờ thần linh đặt ngoài trời cho mọi người đến thắp hương khấn vái. Ngồi xuống cạnh con em, mãi hồi lâu thằng anh mới dám thì thầm hỏi nhỏ: "Về thôi em. Sao vậy?". Nó quay lại nhìn thằng anh, mắt đỏ hoe, rồi bỗng nấc lên, nức nở: "Em nhớ Ba!"...
Không thể nói là con em "mu khoóc"* được, bởi vì thằng anh cũng ràn rụa nước mắt!

Rút từ Tập Ký "Con em tao"

KHOE SÁCH CON EM

SÁCH CON EM

Mệt quá! ("Tiếng thở dài hắt lên không gian" - NhoXinh)

Đã định đi khám nhưng nhớ lại bài viết của Minh Luận trên TuầnVN nên sun luôn, quyết định nằm nhà. Thằng em nghe tin đến thăm. Đúng đấy, đúng cái thằng cao to đẹp trai học giỏi tốn người yêu mà tôi khoe hôm nọ đấy, nó đấy. Quà thăm người ốm là "Tin nhắn một chiều". Nhìn bìa sách tôi nhớ là có một chuyện gì đó liên quan mà nghĩ mãi không ra. Già mẹ nó thật rồi. 

Mồm lẩm bẩm "Hai chiều còn chẳng ăn ai..". Thằng em phang ngay "Ông anh đừng đùa. Đọc đi sẽ biết, không dứt ra được đâu. Khỏi ốm là cái chắc". Mình bảo "sách này bán đầy ngoài Hiệu sách Tràng Tiền". Thằng em cãi "Tràng Tiền thì đúng rồi nhưng ở Hiệu sách không có đâu, phải sang bên Hiệu Kem mới có". Hóa ra bên đó họ bán "Tin nhắn một chiều" cho khách ăn kem, vừa xem vừa mút kem. Kết quả dưới chân mỗi khách thu được từ 15 đến 20 cái que khách vứt lại. Kinh vãi!

Tôi bảo "để hôm nào khỏe ra Kem Tràng Tiền mua mấy quyển". Thằng em bảo không còn đâu, bọn đầu nậu gom hết rồi, có bao nhiêu chúng mua hết rồi xuất sang Trung Quốc. Tôi hỏi bên Trung Quốc dùng sách í làm gì thì thằng em bảo "chắc họ trang bị cho các Thiền Viện". Hóa ra không phải, bí thơ HC đến thăm đảng viên ốm bật mí, bọn đầu nậu rất láu cá, chúng có xuất sang Trung Quốc đâu, mà chúng bán ngay tại trong nước cũng đã lời to. Té ra, bọn chúng cho in lại bìa, ở ngoài đề Nạ Dòng Thiền Viện, tác giả: Tứ quái Cô nương, sách dịch từ nguyên bản tiếng Trung. Bán chạy như tôm tươi, gây nên cơn sốt "cháy sách" chưa từng có. Khiếp vãi!

Bí thơ đưa tôi một quyển "sách dịch", thấy một trong Tứ quái Cô nương có cái tên quen quen "Xing Chun". Tôi dán vào thằng Guc-gồn xong lic cái, nó cho ra 1.231.768.542 kết quả. Khiếp đảm! Tra tìm kiếm bên Wikipetdia nó cho 7 trang hồ sơ cá nhân, nhưng có hai cái tên làm tôi chú ý, đó là "Chung NY" và "Nho Xinh". Thôi đúng "Nó" rồi, con ranh này! Năm ngoái nó về ra mắt Thiền Viện, gọi ra cho thằng anh bẩu "Sách ra lò rồi, cực kỳ lun!". Thằng anh bẩu "Ký tặng gửi ai mang ra cho anh mày một bản". Nó bẩu "Khỏi! Vài hôm anh ra Tràng Tiền bán đầy". Té ra là ở Hiệu Kem. Cười vãi!
Đây, "Một chiều" đây. Bản dịch từ tiếng Trung họ không cho chụp lại vì chưa mua bản quyền, huhu.

alt Bản tiếng Việt của TL

Một Nữ sĩ họ Chử lăng-xê Con em Nho Xinh, phục lăn!

THẰNG EM

THẰNG EM TÔI
Kỷ niệm một thời quân ngũ
Còn nhớ khi tôi là giảng viên ĐHKTQS, trong khóa học trên một trăm học viên năm ấy có một tên học viên cao to đẹp trai học giỏi, đó là thằng em trai tôi. Tên này có nhiều tài lẻ khiến các em trong trường và khu vực đóng quân mê tít thò lò. Hắn đi thi điền kinh, nhất. Hội thao toàn quân, suýt nhất (chỉ vì khi chui hàng rào thép gai thì bị tụt mất quần cùng thắt lưng quân dụng). Về nhà kể lại, mẹ tôi bảo đó là cái tật của hắn từ bé vào bộ đội vẫn không sửa được. Đá bóng, lại nhất. Nhưng văn nghệ thì không nên tính theo giải mà tính theo thành tích làm huấn luyện viên thì "đẳng cấp" hơn.

Trong mấy thằng bạn thân của tôi có QViệt "Đặc Thiết"cứ thắc mắc: "Tao nghi lắm, anh em nhà mày sao chẳng giống nhau, nó cao to lại lắm tài, còn mày mỗi khiếu tán gái, lại tán em nào ung em ấy, là sao?". Tôi bảo "Hắn là con riêng của Ông già tao đấy, đừng có mà ăn nói linh tinh!". Tên Việt từ đấy im thin thit chẳng dám ho he tìm hiểu.

Lại nói nhà trường lúc đó đang vào mùa Hội diễn văn nghệ, vậy mà đội văn nghệ của khối cơ quan Hiệu bộ cứ lẹt đẹt làm các thủ trưởng nóng mặt. Còn nhớ cái hôm tập thử ở phòng đọc thư viện, các em thư viện và bếp ăn hát chèo theo kiểu tự học, đến đoạn nào phải “Cò lả” hay “Đò đưa” mà các cô không nhớ thì đều thay bằng một đoạn “hi hi hi…hí, hì, hỉ…hi…” đến nỗi anh Chính Bí thư Đoàn khối cơ quan ngồi dưới phải kêu: “ Ối giời ơi!... hi đâu mà nhiều hi thế hả chời!”.

Trưởng phòng Chính trị bảo với Bí thư ông cứ yên tâm lớn, ngay ngày mai khối học viên sẽ cử “chuyên gia văn nghệ” sang để “xốc nách đội văn nghệ khối cơ quan lên”. Thế là tất cả yên tâm kê cao gối ngủ. Thế rồi Hội thi lần ấy, đội văn nghệ khối cơ quan Hiệu bộ chiếm giải nhất thật, tất cả lắc đầu lè lưỡi, chịu cậu em tôi là chuyên gia văn nghệ số một của cả một vùng trung du rộng lớn này!

Thế rồi thằng em tốt nghiệp, vào nhận nhiệm vụ tận Sân bay Sao Vàng, anh em tạm xa nhau nhưng tin tức thì cập nhật đều đều. Hắn về đấy, phong trào văn nghệ của các đơn vị trực thuộc Sân bay lại lên như diều, nghe nói lại đi Hội diễn toàn quân. Kinh vãi! Nhưng kinh nhất là hắn còn có sáng kiến kết nghĩa đoàn thanh niên. Đó là Thanh niên Đoàn Không quân Sao Vàng kết nghĩa với Thanh niên địa phương vùng ngoại vi sân bay. Thế là vai trò "chuyên gia văn nghệ" của hắn lại có đất dụng võ. 

Lại nói, hắn được mời ra làm chuyên gia huấn luyện cho “Đội văn nghệ Xã Cò”, gọi thế cho oai chứ Đội toàn các em thôn nữ, lũ con trai ra chiến trường hết lượt, ở nhà chẳng còn mống nào! Có “Chuyên gia bay” về lập tức khí thế và trình độ của Đội văn nghệ khác ngay. Riêng về “truyền thống chèo” của Đội đã chuyển biến cơ bản về chất, từ chỗ chẳng hiểu mô tê gì về các làn điệu, bây giờ em nào em nấy thuộc vanh vách:  từ “quân tử dịch” đến “tò vò”, “nhịp đuổi”, “du xuân” rồi “đường trường trong rừng”, xong lại “ngâm bốn mùa” và “quá giang” là tuyệt “đỉnh” !

Các em  thôn nữ đi đâu cũng khoe, cũng khen “Anh chuyên gia bên KQ”: Nào là “Quân tử dịch” anh ấy chất lắm nhé! Rồi anh ấy “đi Nhịp đuổi” thì không ai theo kịp nhé! Xong rồi anh ấy lại đưa bọn em vào “Đường trường trong rừng” rất hay rất mê! Anh ấy có thể “Ngâm bốn mùa” qua “Tuyết sương” xong lại  “Quá giang” luôn mà anh ấy vẫn không biết mệt là gì, hi hi hi!!!  Vậy mà, chuyên gia cao Sao Vàng vẫn “cá chê”:  "Anh nói các em đừng dỗi, chứ hát như thế thì còn lâu mới đạt trình độ kỹ thuật "bay" đấy nhé, vẫn còn “hơi hột” đấy nhá, hiểu chửa!".  Tất nhiên cái gì các em cũng hiểu, chỉ có "chửa" là chưa hiểu, hehe! 

Vào dịp hè năm ấy không có giờ lên lớp, nhân đi công tác Sân bay Sao Vàng tên Việt rủ tôi: "Tao đi Sao Vàng, mày báo cáo Bộ môn đi cùng làm chân trợ lý xạ kích, nhân tiện thăm thằng em riêng của mày luôn". Nghe có lý, thế là nhờ mấy em văn thư cốp cho cái dấu vào Công vụ lệnh, đi luôn. Trong đoàn còn có Tiến Gù, vua tiếu lâm bậy bạ đặc chất lính được cử đi cùng để "rót đô-ping" vào tai anh em mỗi khi thấm mệt. 
Chúng tôi vào đến sân bay đúng chiều thứ bảy, vậy là có thêm thời gian nghỉ lấy sức. Tối đến cậu em tôi rủ cả mấy anh em vào xã Cò xem tập văn nghệ. Hay quá, nhận lời luôn. Buổi tối hôm ấy các em trong Đội văn nghệ có mặt đông đủ ở hội trường HTX để tập múa. Thời ấy, gọi là Đội văn nghệ của một xã nhưng chả được trang bị nhạc cụ gì ngoài một cái trống, chả hiểu nó là trống gì vì người ta cứ mua cho có trống là được, mọi người gọi nó là “trống bỏi” cho tiện! Cái trống này chỉ phát ra được hai âm thanh :  “tom” khi gõ vào mặt trống, và “căc” khi gõ vào tang trống! Tả thế cho nó dễ hiểu.

Buổi tập bắt đầu. Sợ các em ngượng tập không được tự nhiên nên chúng tôi bày một bàn ra giữa sân ngồi tán bậy tào lao, bắn thuốc lào mí lại uống nước chè xanh. Bên trong hội trường, "Chuyên gia bay" bắt đầu vào cuộc:
-  Khi tôi gõ cái “tom” thì các o quay “…ồn” vô, khi tôi gõ cái “cặc” thì các o quay “…ồn” ra nghe chưa?
-  Vâng ạ vâng ạ!  Rồi cười rinh rich râm ran.

Một lúc sau có lẽ đến trường đoạn cao trào, chúng tôi bỗng nghe tiếng gõ trống “tom,… căc, tom,… căc” liên hồi rồi tiếng cười ré lên, tiếng xô đẩy ồn ào lộn xộn trong đó.
Tên Việt lo lắng ra mặt, lẩm bẩm: "Sao thằng này có thể hành hạ các cô ấy như vậy, hết bắt quay “…ồn” sang phải rồi lại quay trái, rồi lại còn cười đùa được?".

Lại tiếng "Chiên gia bay" khen :
-  Được rồi trông đẹp lắm! Bao giờ tôi gõ “tom tom căc căc” liên tục thì các o quay “…ồn” lung tung nghe!
-  Vâng ạ!  Lại tiếng các iem nghe ngọt như mía lùi, chẹp chẹp...
Lại nghe tiếng trống vang lên, lần này thì cấp tập vội vã “tom tom, căc căc,…tom tom căc căc…” rồi tiếng cười khúc khích, tiếng tay "Chiên gia bay" “hừ... hừ”, rồi có cô đột nhiên kêu ré lên: “ Em chóng mặt buồn nôn quá!”
Tiến Gù hoảng hồn: "Thôi chết…buồn nôn à?”, thật không thể chịu được nữa. Việt "Đặc thiết" quay sang tôi: "Ông vào xem thử có gì xảy ra, hô một tiếng nhá nhá!" 
Tôi vội vàng chạy ra phía sau hội trường, chui qua cửa hậu. Vừa thò đầu vào thì thấy thằng em "Chiên gia bay" đang đứng ở giữa nhà, tay cầm trống, nhe răng cười rất tươi, các em thôn nữ đứng thành hai hàng sát hai bên tường, mỗi cô cầm một cái nón bài thơ úp vào phần dưới của bụng, và em nào em nấy cười như nắc nẻ!!!

Mấy ngày sau nhân lúc có mỗi hai thằng ngồi trên Tháp Cao Không trực diễn tập, Việt hỏi tôi: "Tao hỏi thật nhé, thế thằng em mày là con riêng của Ông già với bà nào, mày biết không?". Tôi cố nhịn cười giải thích cho nó: "Với bà già tao!". Việt trố mắt không tin, tôi phải giảng giải tiếp: "Dạo đó mới hòa bình, ông già tao thoát ly rất ít khi về nhà. Nhà đã có ba chị em, tao là út. Đã có con trai nên bà già định thôi đẻ vì vất vả quá. Dịp ấy ông già về phép năn nỉ, thôi bà chiếu cố lần này cho tui một đứa tui mang theo, coi như con riêng của tui, được không?". Thương ông già suốt bao năm tháng kháng chiến xa vợ xa con, bà già mềm lòng "linh động giải quyết", thế là mình được thêm thằng em. Kể chi tiết đến thế mà tên Việt vẫn cứ không tin. Thằng này là đảng viên trẻ nhưng lại quá thật thà, khổ thế!

Mấy hôm rồi tên Việt gọi điện tìm thằng em mình liên tục. Tìm không được Việt đành gọi điện cho mình hỏi "Thằng em mày đâu?". Mình bảo "Nó về quê làm cố vấn cho sự kiện "Huyền thoại Điện Biên", có gì cần gấp không?". Giọng Việt thì thào như buôn bạc giả: "Thôi nó lánh đi thế là tốt. Còn ông ở nhà chớ có nghe ai ngon ngọt mà cho họ lấy mẫu móng tay móng chân với lại nước bọt đấy". Quá khó hiểu, tôi hỏi lại cho rõ: "Có chuyện gì kỳ vậy mày?". Việt hạ thấp giọng: "Mày đừng nói với ai. Dạo này có mấy đứa thanh niên từ Thanh Hóa ra tìm đến tao xin lấy móng tay mí lại nước bọt, tao nhất định không cho. Hỏi bọn chúng quê ở miệt nào trong í, chúng bảo xung quanh sân bay Sao Vàng. Thế là lần sau mới thấy bóng chúng là tao trốn biệt". Khiếp vãi!
Lát sau tôi gọi lại cho Việt, khuyên hắn: "Có gì cấp bách, mày thử mò lên blog TL xem có hắn trên ấy không, nhé".
Huhu
Trích trong Tuyển tập "Chuyện Bịa Có Thật"

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

VEN SÔNG RỰC VÀNG MÀU HOA ẤY

HOA CẢI VEN DÒNG SÔNG TUỔI THƠ

Ráng chiều giữa tiết vào đông
Vàng mơ Hoa Cải Ven Sông. Sững sờ...
Thương cho mấy gã làm thơ
Bâng khuâng mỗi độ vàng mơ cải ngồng.
Từ ngày "người ấy" lấy chồng
Nhặt thơ nhặt cả gió đồng gói theo...