Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

DƯƠNG BẢO LÂN

Dương Bảo Lân - trẻ mãi tuổi đôi mươi

Bài viết dành riêng cho PHÚ HÒA, đặc phái viên của Bang Cò Ỉa tại Cộng Hòa Séc.

Đã thành thông lệ, năm nào vào dịp 20 tháng 11 Hội cựu học sinh Lê Ngọc Hân đều tổ chức gặp mặt và chúc mừng Thầy Cô nhân ngày Hiến Chương các Nhà Giáo. Năm vừa rồi, để đoàn 8 thành viên từ phía Nam có thể tham dự được, chúng tôi lùi ngày gặp mặt lại một tuần. Ngày 27 - 11 - 2010 gặp mặt giao lưu tại Hội trường Bộ CA với gần 100 cựu học sinh. Sở dĩ năm nay quân số tăng gần gấp đôi những năm trước là vì có nhiều bạn học khác khóa, rồi cùng cấp 1 nữa, cũng tìm về hội ngộ.

Ngày hôm sau chúng tôi tổ chức đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ, nơi có các liệt sĩ là cựu học sinh Lê Ngọc Hân đang yên nghỉ. Nghĩa trang đầu tiên chúng tôi tìm đến là Nghĩa trang Yên Viên, nơi đây yên nghỉ hai người bạn của chúng tôi là Phạm Trọng Vinh tức Vinh 'cáo', và Dương Bảo Lân học sau chúng tôi. Dương Bảo Lân là em trai của Dương Thanh Bông, bạn học cùng lớp với tôi. Lân là anh trai của Dương Thanh Hương, cũng là cựu học sinh Lê Ngọc Hân, hôm nay cũng đi cùng đoàn.

Trên ô-tô chúng tôi được Dương Thanh Bông kể cho nghe câu chuyện về đứa em thân yêu. Dương Bảo Lân nhập ngũ năm 1968 khi chưa tròn 18 tuổi. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, Bảo Lân đã có mặt tại chiến trường. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, đoàn vận tải Quang Trung nơi Lân phục vụ phải đi vòng theo Trường Sơn Tây sang tận đất Lào, rồi theo đường Hồ Chí Minh tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Vào cái ngày mà đoàn xe của Lân đang ở trên đất Lào thì xe Lân trúng bom Mỹ, Bảo Lân anh dũng hy sinh trên đất bạn Lào. Theo lời kể của đồng đội, Lân cùng một số liệt sĩ của đơn vị phải nằm lại tại một cánh rừng sâu thuộc dãy A-tô-pơ xa xôi chưa từng biết đến.

Vào một tối mùa Đông năm 1969, có một người lính trẻ tìm đến 84 Lò Đúc hỏi nhà Dương Bảo Lân. Biết là đồng đội của Lân từ chiến trường trở về, cả nhà vô cùng xúc động. Khi bình tĩnh trở lại, anh kể: "Đoàn xe quân sự chuyển vũ khí vào chiến trường đêm hôm đó được lệnh xuất phát. Thật không may, chiến sĩ phụ lái cho chiếc xe đi đầu lăn ra ốm. Lúc đó Bảo Lân là tân binh người Hà Nội duy nhất, trẻ tuổi nhất đoàn đã xung phong tình nguyện, nhảy lên ghế phụ xe cho chiếc dẫn đầu. Và đoàn xe đã đủ quân số, xuất phát đúng giờ G như mệnh lệnh của trên. Sang đến đất Lào, khi đoàn xe đang đi giữa rừng thì bị máy bay địch phát hiện. Để đánh lạc hướng, giữ an toàn cho cả đoàn, xe đi đầu của Lân đã dũng cảm bật đèn gầm và chạy chệch sang một hướng khác. Máy bay địch đuổi theo và ném bom dữ dội, xe của Lân bị dính bom. Bản thân Lân bị hai quả bom bi nổ quá gần, phần bụng dưới bị một vết thương rất nặng. Không có cách gì cầm máu, Bảo Lân lả dần trên tay đồng đội, và anh dũng hy sinh khi xe sắp về tới trạm cấp cứu dã chiến. Do yêu cầu của chiến dịch, đoàn xe phải tiếp tục lên đường, và đồng đội đã thắp nén hương vĩnh biệt Bảo Lân. Mộ Lân nằm giữa cánh rừng đại ngàn trên đất bạn Lào, được đồng đội đánh dấu cẩn thận".

Mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Gia đình đã liên hệ tìm đến nhiều nguồn thông tin, tuy vậy vẫn chưa có được sơ đồ chính xác xem Lân nằm lại ở tọa độ nào giữa khu rừng đó. Bỗng vào một tối mùa Đông lạnh giá cuối năm 1977, có một phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân tìm đến số nhà 84 Lò Đúc. Bước vào nhà, anh sững người khi nhìn thấy tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công treo trên tường, người liệt sĩ có tên trên tấm bằng đúng là Dương Bảo Lân. Anh phóng viên xin phép thắp hương trên bàn thờ rồi lặng lẽ lấy từ trong cặp ra một tấm ảnh cho cả nhà xem. Không thể tin vào mắt mình, các thành viên trong gia đình vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy trong ảnh là ngôi mộ có tên Dương Bảo Lân, địa chỉ khắc trên bia rõ ràng và chính xác, bát hương trên mộ còn nghi ngút khói hương.

Anh phóng viên báo Quân Đội kể: - Trong chuyến đi công tác để làm phóng sự tại Nghĩa trang Trường Sơn, lúc thắp hương cho các liệt sĩ đồng hương nằm trong Tiểu Khu Hà Nội, có một cái tên trên tấm bia mộ đã làm anh chú ý: cái tên rất đẹp, với lại tuổi đời của người chiến sĩ này còn rất trẻ, mới 19 tuổi. Với cảm xúc đang dâng trào của một nhà báo, anh đã xin phép Liệt sĩ đồng hương Dương Bảo Lân chụp một tấm hình ghi lại nấm mồ của Lân để làm kỷ niệm. Và điều kỳ diệu đã xảy ra!

Đã nhiều lần gia đình, bạn bè và người thân đã vào Nghĩa trang Trường Sơn viếng thăm Lân. Nhưng cũng phải đến ngày mùng 5 tháng 1 năm 2003 gia đình mới đón được Lân về Hà Nội. Chính quyền địa phương và Quân khu Thủ đô đã tổ chức Lễ đón tiếp và truy điệu hết sức trang nghiêm long trọng tại Nghĩa Trang LS Dốc Lã, Yên Viên, Hà Nội. Tuy chưa tròn một tuổi quân, nhưng với sự hy sinh đầy dũng cảm của mình, Dương Bảo Lân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng.

Quây quần bên Dương Bảo Lân tại Nghĩa trang LS Yên Viên sáng hôm ấy, tất cả cúi đầu lặng yên, xúc động lắng nghe Dương Thanh Bông tỉ tê tâm sự với đứa em trai thân yêu của mình: "Bảo Lân ơi, nơi đây cảnh vật rất đẹp mà lại gần nhà mình phải không em! Khi nào rảnh rỗi, em nhớ xin phép về nhà ăn cơm với ba mẹ và anh chị Lân nhé. Về nhà, em lại có dịp thăm lại mái trường xưa Lê Ngọc Hân, nơi gắn bó một thời thơ ấu, nơi ghi lại nhiều kỷ niệm tuổi học trò của em với các bạn cùng trường cùng lớp. Em hãy kể lại cho bạn bè và Thầy cô giáo những chiến tích của em, của đồng đội em, trong những tháng ngày xẻ dọc Trường Sơn ra trận, em nhé! Bảo Lân ơi, cả nhà mình, tất cả mọi người, bạn bè của chị và của em, ai cũng tiếc thương em, Lân ơi...!".

Tất cả chúng tôi lặng im lắng nghe, mắt ai cũng đỏ hoe, nhòe ướt...

NTĐ (ghi theo lời kể của DTB)

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

THƠ TIÊN

THƠ XIN DƯỚI MÁI CHÙA YÊN TỬ

Cách nay gần chín chục niên
Thể theo ý Phật tận miền Viễn Dương
Huyền Trân giáng thế Nam Phương
Giao cho chăm sóc một vườn thuốc tiên
Đã trên bát thập lục niên
Như Lai cho gọi về miền Tây Phương
Pháp Danh ghi rõ Lệ Hương
Tự là Đức Viễn còn vương cõi trần
Đã hơn tám chục mùa xuân
Đức dày tu trọn tiếng lành gần xa
Ban cho một áo cà-sa
Hóa thành chăn ấm Phật Bà giáng ân
Cử ngay một Đại tướng quân
Bá quan văn võ đích thân tới liền
Cùng ngày hôm đó quy tiên
Tháng Mười Hăm Chín về miền Lạc Phương
Niết Bàn ngan ngát trầm hương
Tu thành chính quả Tây Phương trở về.

Thôi đừng vương vấn chốn quê
Đặng ban phúc ấm mọi bề cháu con!

Yên Tử - 2003
Chùa Một Mái

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

NẾP NHÀ XƯA THÂN THƯƠNG

KÝ ỨC VỠ ÒA

Đây là ngôi nhà mà ba mẹ và em gái út của tôi đã sống trên ba mươi năm. Khu dân cư này toàn là đồng nghiệp cùng cơ quan cũ của mẹ tôi, sống hòa đồng, thương yêu quý mến đùm bọc nhau, đến nỗi cả nhà tôi coi đây như quê hương thứ hai của mình.


Ngôi nhà nấp bóng dưới những vòm cây xanh đủ chủng loại, và mỗi cây có một xuất xứ thân thương mang đầy kỷ niệm. Đây là cây xoài rợp bóng những ngày hè cho mọi người trong xóm nhỏ. Lần ấy Ba tôi đi thăm cậu Dương ở Sài Gòn, khi ra cậu mợ gửi những quả xoài cát ra làm quà. Xoài ngon quá, thế là ba tôi ươm thử mấy hạt. Và bây giờ là cây xoài đại thụ mỗi năm cho vài rổ quả và trẻ con trong xóm mỗi chiều trèo hái.


Đây là cây nhãn khô, quả to, cùi dòn ngọt lịm, cách một năm lại thu hoạch một năm. Tương truyền, đây là giống nhãn quý Hưng Yên, các cụ cựu chiến binh mang lên biếu Cậu tôi. Mẹ tôi lên thăm Cậu tôi mang về một 'túm' cho em Thủy. Ăn thấy đúng là giống nhãn quý, vậy là ba tôi lại ươm trồng.


Sát ngay bờ tường là cây khế năm nào cũng lúc lỉu quả, chua dôn dốt, chấm muối ớt ăn cực phê, nấu canh chua thì thôi rồi. Giống khế này là do Mẹ tôi mang từ Huế ra. Dạo đó còn tỉnh Bình Trị Thiên, chị cả của tôi làm việc ở Huế, mẹ tôi vào thăm chị tôi có khi ở lại cả tháng trong đó. Khế này lấy giống từ vườn Nhà Dòng cạnh Nhà thờ Công giáo khi mẹ tôi đến thăm chị Thanh. Chị Thanh là con cậu Dương, chị gọi mẹ tôi là O, O Lài. Cây khế hiền hòa tỏa bóng mát sang cả sân cô Ngà hàng xóm, còn quả thì đủ cho cả xóm nấu canh chua, đủ cho cả mấy bà bầu trong khu đến xin ăn dở. Mùa khế ra hoa, cả cây khế ngập tràn một màu tím Huế. Nếu đứng yên ngắm hoa khế cùng những quả mới đậu bé xíu xinh xinh như đầu ngón tay trẻ con, trong ta dậy lên một đức tin ngút ngàn nơi Chúa.


Ngay giữa sân là mấy gốc mai tứ thời, bốn mùa nở hoa vàng rực rỡ. Sau ba bốn ngày nở rộ nếu có một làn gió mạnh lướt qua, cả một nửa khoảnh sân sẽ biến thành một thảm hoa vàng đẹp nức nở. Đây là giống mai tứ thời, có nơi gọi là mai tứ quý, nở bốn lần trong năm, nếu biết tuốt lá đúng cách mai sẽ cho ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Giống mai này ba tôi mang ra từ Đà Nẵng khi vào thăm ba má nuôi của tôi trong đó. Cũng dịp đó, ba tôi mang ra mấy củ Hồng Tú Cầu thoạt nhìn cứ tưởng là củ hành tây. Đến độ tháng tư tháng năm Hồng Tú Cầu ra hoa là bà con lối xóm ai đi qua cũng trầm trồ vì một giống hoa lạ và sang trọng lần đầu tiên xuất hiện ở vùng này. Bây giờ thì nhà nào cũng có mai vàng và Hồng Tú Cầu, dễ trồng lại không đòi hỏi công chăm sóc nhiều lắm mà vẫn cho hoa đẹp, sang trọng mà dung dị.


Cạnh gốc nhãn là khóm quỳnh lưu niên, mấy năm gần đây không ra nhiều hoa nhưng hoa to và đẹp. Khi ba tôi còn sống, cứ mỗi dịp quỳnh ra hoa là các cụ trong xóm lại đến bày bàn ghế ra sân, mắc thêm ngọn đèn ra gốc nhãn, ngồi trò chuyện bình thơ nhâm nhi tách trà chờ quỳnh nở. Một thú chơi thanh bạch, giản dị mà vô cùng thanh cao. Gốc quỳnh này có từ lâu lắm rồi, khi mẹ tôi cùng công tác với bác Quỳnh trong một cơ quan nơi sơ tán. Gọi là bác Quỳnh vì con gái lớn của bác tên là Quỳnh và cùng tuổi với chị cả của tôi. Ba tôi đến chơi thăm nhà bác Quỳnh thấy giống hoa quý liền xin một lá về trồng. Vậy mà có năm khóm quỳnh nở liền ba mươi sáu bông trong một đêm. Các cụ sành chơi quỳnh cho rằng đó là một kỷ lục đáng ghi nhận.


Bước lên bậc thềm, đôi bàn chân bỗng thấy run run. Nơi đây tối tối ba tôi thường đặt ghế ngồi ngóng con về. Để rồi sáng sớm hôm sau khi thức dậy đi làm, bao giờ cũng thấy để sẵn trên bàn một suất ăn sáng, khi thì đĩa cơm rang, khi thì bát mì tôm. Lúc đó ba tôi đã ngoài chín mươi.


Mở cửa bước vào nhà, một không gian u tịch đầy ắp kỷ niệm khiến ta có thể oà khóc bất cứ lúc nào. Tôi thắp hương trên bàn thờ, cám ơn thần linh thổ địa đã giữ gìn bình yên cho mảnh đất, căn nhà này trong thời gian chúng tôi vắng mặt. Một con bướm ngài khá to từ trên trần nhà bay xuống, lượn một vòng trước ban thờ rồi đậu vào tường cạnh chiếc giường của ba tôi. Đây là chiếc tủ thờ được đặt làm từ ngày mẹ tôi mới mất, trước đây là bàn thờ mẹ tôi. Trong suốt bảy năm liền, mùa hạ cũng như mùa đông, mùa xuân cũng như mùa thu, trưa cũng như tối, sáng sáng đêm đêm, ba tôi đều ngồi lặng yên ở chiếc đi văng bằng gỗ lim đen bóng đặt ngay phía trước cạnh tủ thờ này. Ba tôi cứ ngồi im như vậy mắt nhìn ra sân, như ngóng mẹ tôi đi đâu đó sắp về. Ba thắp hương cho mẹ kể từ lúc thức dậy cho đến lúc lên giường nằm ngủ, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cứ như vậy trong bảy năm liền. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Mẹ tôi không đi xa được, mẹ rất hay về qua nhà, mặc dù mẹ tôi có Pháp danh từ nhỏ, khi mất đưa lên Chùa và được nhà Chùa làm lễ cầu siêu đàng hoàng như làm cho phật tử.


Tôi ngồi vào chiếc đi văng mà ba tôi thường ngồi. Chiếc đi văng nay được đặt vào đúng vị trí chiếc giường mà trước đây mẹ tôi và em Thủy thường nằm. Bỗng dưng tôi rùng mình, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi thoáng nhớ lại cái khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc cách đây gần chín năm, tôi đã bế mẹ tôi trên tay sau khi lau xong người và thay quần áo cho mẹ như thường lệ. Tôi đâu biết rằng mẹ đã lặng lẽ ra đi trên tay tôi, mẹ đi rồi mà tôi cứ ngỡ người đang thiếp ngủ. Cũng bởi lúc đó Cậu tôi cùng các anh chị xuống thăm mẹ tôi đang bấm chuông ngoài cổng. Tôi nhẹ nhàng đặt mẹ nằm xuống giường rồi chạy ra mở cửa. Cậu tôi vào nhà, đến bên giường bảo chị Phúc mang chiếc chăn chiên màu vàng đắp lên cho mẹ tôi, rồi gọi "Lài ơi! Lài ơi!". Tiếng gọi mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được. Tôi thưa với Cậu là mẹ tôi cả đêm không ngủ được, có lẽ vừa thiếp đi. Cậu ngồi bên cạnh mẹ tôi một lúc rồi nói "Cứ để mẹ cháu nghỉ". Cho đến lúc lên xe ra về, có lẽ Cậu tôi vẫn không biết rằng đứa em gái út của mình đã ra đi nhẹ nhàng và thanh thản...


Một con bướm vàng không lớn lắm từ sân bay vào, lượn mấy vòng rồi bay xuống gian bếp. Rất may là dưới đó tôi cũng đã cắm hương rồi. Tôi tin lúc này đây, đã có sự hiện diện của ba mẹ tôi tại căn nhà này. Tôi không biết được trong hai con bướm, con nào là tín hiệu của ba tôi, con nào là tín hiệu của mẹ, nhưng rõ ràng là ba mẹ đã về với tôi.


Tôi ra sân, ngồi xuống mép bể nước mà ba tôi vẫn dùng để tưới cây, xây sát cạnh hiên nhà. Một nỗi nhớ bất chợt trào dâng làm tôi nghẹn ứ ở họng. Ngồi ở đây, có ba mẹ bên cạnh, tôi có quyền khóc thỏa thích như một đứa trẻ.
Và tôi đã òa khóc, nức nở...


Chiều 7-6-2011

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

NHỚ VỀ MỘT THỜI THƠ ẤU

TUỔI THƠ & NỖI NHỚ...

Đã lâu ngủ không mộng mị, đêm qua bỗng dưng mơ thấy một giấc mơ lạ lùng.

Chiều nay bỗng thấy nhớ cồn cào, đứng ngồi không yên, muốn đi ra phố. Thì đi. Đi một lúc thì đến Đầm Trấu. Không sang bên ấy vì cỏ dại um tùm, lối mòn ướt át. Bên ấy chỉ có ao muống với mấy cái hồ rộng thông với sông Hồng. Mùa nước sông lên các bè nứa cứ dập dềnh dập dềnh, tập bơi rất khoái nhưng cũng nguy hiểm. Hôm ấy thằng Thắng suýt chết đuối còn gì. Hôm nào Me sai lấy đất về để Me muối trứng thì phải có cả anh Sơn cùng đi nữa cơ.

Thì đi vào Nguyễn Lai Thạch xem có gặp đứa nào không. Qua số 12 nhà Công Cò thấy vắng vẻ quá, lá vàng phủ đầy sân không thấy ai quét. Trên cầu thang ngoài trời lên gác hai có để mấy thanh gỗ. Nhà Công Cò vắng tanh. Đi thêm một quãng nhìn sang bên kia đường là nhà thằng Sơn, Đào Việt Sơn. Hình như nhà nó số 5, mà sao lại có biển đề Cà-phê, lạ thật. Nhà 22 đây rồi, hình như chú Trần Bửu Kiến đi vắng, trên lầu hai cũng không thấy bóng Kiều Nga. Thêm mấy bước chân là số nhà 34, nhà Hòe 'Tây', bọn con gái hay tụ tập ở đây, chẳng hiểu bọn chúng chơi trò gì trong ấy.

Băng qua con phố là Vườn hoa Pasteur, một vườn hoa nhỏ chỉ toàn trồng cỏ và cây cổ thụ. Thấy cái cây đẹp nhất và lạ nhất mình bảo "A cây dừa!", anh Sơn bảo "Cau Ấn Độ đấy, ngố ạ!". Gần giữa bãi cỏ xanh rì phía đằng kia là bức tượng bán thân nhỏ nhắn của ông, bác sĩ Pas-tơ nổi tiếng. Phía tay trái bên kia đường là một tòa nhà kiểu Pháp cổ kính nằm trong một khu vườn rộng, đó là Viện Pas-tơ. Vắng vẻ, không một bóng người. Nghe nói trong í nhiều ma lắm, thằng Chí Khỉ bảo thế...

Đáng ra phải đi ra đoạn cuối phố Nguyễn Công Trứ để về nhà thì mình lại đi dọc theo Tăng Bạt Hổ, men theo vỉa hè Câu lạc bộ Lao động. Trong hàng rào là sân bóng, đằng này dành cho các anh lớn, bọn mình hay chơi đằng kia, chỗ có bà bán kẹo lạc bánh rán. Có một ông da đen tóc xoăn đạp xich lô chuyên ngồi uống nước chè ở đấy. Bọn thằng Lưu Thế Trường, Phùng Việt Thắng, Đức Lưu chắc về nhà rồi, không nghe tiếng cãi nhau chí chóe của bọn nó...

Bên kia đường là nhà con Liên, Phan Gia Liên. Chắc ông Tuệ mới đi công tác về vì thấy có cái xe con của ông đỗ trong sân. Đi vòng đằng kia là đến khu nhà của Tạ Minh Hảo và Lê Hoàng Mai, chúng nó ở trong khu tập thể Bệnh viện 108. Còn nhà cái Diệp, Đặng Ngọc Diệp thì ở phía đằng kia. Biết thế nhưng mình chưa đến nhà cái Diệp bao giờ. Cái Diệp xinh và lại múa đẹp hát hay nữa, mò đến rồi chúng nó lại trêu mình ứ thèm. Với lại mình thích cái Nguyên Hạnh mất rồi.

Vòng một chút qua Phạm Đình Hồ là về Hàng Chuối. Quãng này vắng vẻ nhất, vắng nhưng không nhiều ma như quãng vắng dưới khúc Nguyễn Công Trứ kia. Quãng này chị Chi hay tập cho mình đi xe đạp, hễ chị cứ thả tay là mình lại đạp thật nhanh rồi đâm sầm vào vỉa hè để thay cho phanh.

Hàng Chuối đây rồi. Bên này, cùng số lẻ với mình là nhà con Bình con ông Trân. Thằng Hiển 'chuột' thích con Bình ra mặt. Bên kia đường là nhà Cô Sa, cô Kim Sa mẹ thằng Việt. Mình không biết nhà cái Trâm ở số mấy, nhưng trong Ngõ 2 là nhà thằng Vinh, Phạm Trọng Vinh. Thằng này đẹp trai nhưng không không đẹp bằng anh Sơn nhà mình. Thằng này được cái trắng trẻo, anh Sơn mình thì ngăm đen mà lại đầy rôm, nhưng anh mình đẹp trai hơn nó.

Qua chỗ Tòa soạn Báo Phụ nữ là đến nhà ông Trân có cái Bình, quá nhà ông Trân là đến nhà số A bên cạnh nhà mình rồi. Hình như chủ nhà là một bà người gốc Hoa. Ngoài vỉa hè có hai cây cơm nguội, mùa ra quả rất nhiều vành khuyên, trong góc vườn thì trồng mấy cây đu đủ. Còn hoa móng rồng không biết ở đâu mà đêm đi qua rất thơm. Mình nhảy qua bên kia đường, bước lên vỉa hè, đi sát tường nhà số 42. Nhà này tường cao, xây kín mít, cổng sắt, bên trong sân có hai cây mít sum suê chẳng có quả nào, toàn thấy dái mít rụng đầy gốc, ong ruồi bay đầy.

Mình đứng lại ngay trước nhà thằng Thắng, Đỗ Tất Thắng, con ông Lợi. Đứng đây, nếu anh Tạo 'ba môi' anh thằng Thắng đi đâu về bắt gặp lại vặn vẹo cho coi. Thế nào anh Tạo cũng hất cái cằm lên một cái rồi hỏi: "Tối rồi, chúng mày định rủ nhau đi đâu, hả?". Nhưng không thấy bóng anh Tạo, cũng không thấy bóng thằng Tấn, Võ Châu Tấn mí lại con Thảo em nó. Thằng Tấn con ông Võ Quảng ở gác hai phía trên, mình chả lên đó bao giờ. Nhòm vào trong sân, không có ai. Ngoài phía vườn dưới gốc cây khế già có đặt cái bàn bóng bàn cũ kỹ phủ đầy hoa khế, cũng không thấy ai chơi. Chắc bọn nó chơi buổi chiều thôi, bây giờ tối rồi. Hai cái lồng chim vẫn treo trên cành khế, rỗng không, chả thấy con chào mào mí lại con khướu đâu cả.

Mình đứng gần cổng nhà thằng Tấn, nhìn chếch sang cửa nhà mình. Đó là nhà Cậu Mợ mình. Mình nhớ trên ban công tầng hai chỗ phòng mình và anh Sơn, trồng rặt một loại xương rồng dây đầy gai và hoa đỏ li ti. Mỗi buổi trưa trốn Me đi chơi là hai thằng phải vắt lên đó một cái bao tải mới dám trèo qua rồi tuột xuống theo đường ống thoát nước mưa.

Ở góc vườn bên trái sát tường nhà số A là cây khế anh Minh trồng. Me bảo trồng cây khế chua để nấu canh thì anh Minh trồng nó lại ra quả ngọt, nhưng mà khế ngọt thì bọn trẻ con thích hơn. Cây khế này quả nhạt chả ngon nên ít bị trẻ con hái trộm, chỉ được cái vòm lá sum suê, trên đó lại có mấy chùm tầm gửi.

Trời chập choạng tối, đèn đường leo lét vàng vọt. Nhìn lên cây khế thấy mấy giò tầm gửi đen đen trong vòm lá, âm u như tổ quạ. Thỉnh thoảng vài con dơi ăn đêm lại liệng qua liệng lại trông chờn chợn. Các cụ nói ma hay ở cây đa, không biết ma có ngụ ở cây khế không. Mình cứ nghĩ mung lung, nếu hồn Me về thăm nhà mà không biết vào đâu thì Me cứ nghỉ lại ở vòm cây khế cũng được. Me ơi...

Lúc chiều thấy nôn nao, biết là nhớ nhưng không rõ là nhớ gì.
Bây giờ thì mình biết chắc là đang nhớ về tuổi thơ...
Tuổi thơ ơi...



Đang vẩn vơ đầu ngõ Trung Ngạn để mua bia xi-rô lựu cho anh Minh thì thấy thằng Phương từ trong nhà Trọng 'cộ' đi ra. Ngang qua, nó đá một phát làm cái bi-đông mình cầm trên tay lăn lông lốc  rồi cười nhăn nhở. Mình vừa cúi nhặt bi-đông vừa chửi theo "Trôốc bọ mi, Phương Min!". Phương 'min' quay lại, tưởng nó cà khịa té ra không, nó dúi cho mình tờ báo rồi nói: "Mày vừa bảo gì tao? Đền mày tờ báo, về đưa cho Mẹ mày lót trứng vịt muối nè".

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

VIẾT SAU TIỆC CƯỚI

VIẾT CHO HAI CHÁU HỒNG VIỆT - THU TRANG
 
Việt và Trang yêu quý,
 
Thế là đám cưới của hai cháu thực sự đã biến thành một đêm hội, cậu không biết nên gọi là Dạ Hội hay Vũ Hội nhưng mà đúng là Hội, như mong ước của cháu vẫn thường tâm sự với mọi người. Bà con, bạn bè của hai cháu, bạn bè đồng nghiệp của ba mẹ Việt đều đến đông đủ và tràn ngập yêu thương. Cậu cảm nhận được niềm hân hoan trên khuôn mặt từng người. Cậu cũng thấy rõ là hai cháu đang rất hạnh phúc. Cậu mợ mừng cho hai cháu!
 
Cậu thực sự xúc động khi nghe chú Hội của Việt thay mặt nhà trai phát biểu. Khi nhắc đến sự vắng mặt của ba mẹ cháu, chú Hội đã nghẹn lời hồi lâu. Cậu cũng xúc động không kém khi nghe Việt và Trang cùng cất lên bản tình ca bất hủ, bản tình ca của đôi lứa yêu nhau và không có chỗ cho khái niệm rời xa. Khi hai cháu hát đến câu cuối cùng rồi giang rộng vòng tay ôm chặt lấy nhau, nếu được ngồi một mình thì cậu đã bật khóc. Đó là điều mà mẹ Hồng Anh khi còn sống đã mỏi mắt ngóng chờ. Đó cũng là điều mong mỏi bấy nay của Ông Bà và bà con nội ngoại, và cũng là của bạn bè nữa, Việt Trang biết không.
 
Cậu mợ và các em là những người ra về gần như cuối cùng. Dì Bình và Phương Tâm là đại diện gia đình còn ngồi lại với hai cháu. Bởi vì tiệc cưới đã chấm dứt nhưng đêm hội của hai cháu cùng các bạn trẻ vẫn còn đang tiếp tục. Các bạn của cháu thật nhiệt tình và chu đáo. Đặc biệt sự có mặt của Khánh Thi, của Chí Anh cùng bạn nhảy, và một số kiện tướng, "Đôi giày vàng" khác đã làm cho tiệc cưới của hai cháu thêm phần vui vẻ và sang trọng. Các cậu các Dì vô cùng biết ơn các bạn đồng nghiệp của Việt và Trang.
 
Khi chia tay hai cháu, ra đến cửa phòng cưới cậu mới phát hiện ra tấm pa-nô để tấm ảnh của mẹ cháu đặt trang trọng ở chính giữa những bức ảnh cưới của hai cháu. Cậu biết đây là ý tưởng của ai rồi, và chắc là mẹ Hồng Anh đã rất vui, rất hài lòng... Mợ Thưởng tỏ ra xúc động thực sự, mợ lại gần tấm pa-nô, nhẹ nhàng đặt bàn tay lên đôi vai gầy của người chị thân yêu, xoa xoa nhè nhẹ. Còn cậu, cậu thử đi về phía nào rồi ngoảnh nhìn lại, vẫn thấy đôi mắt mẹ cháu dõi nhìn theo, da diết. Những lúc ấy cậu rất muốn khóc...
 
Buổi chiều, khi đón dâu về đến Hoàng Diệu, cậu thấy bà như khỏe thêm ra, Bà rất vui và ngồi tiếp đoàn nhà gái được khá lâu. Buổi tối, Bà cũng ra hội trường Cung Hữu nghị để dự tiệc cưới, đó là cả một sự cố gắng rất lớn, có lẽ bà vui nên không thấy mệt. Cô Nhiên nói với cậu, hai đứa chúng nó thường khóc mỗi khi thắp hương trên bàn thờ mẹ, hôm ăn hỏi cũng vậy. Cậu biết hai đứa rất thương mẹ và nhớ mẹ. Cậu cũng vậy...
 
Cậu biết Việt đã rất cố gắng, đã chuẩn bị rất kỹ và rất lâu cho ngày cưới của mình, và cháu đã làm được một việc mà mọi người đều rất hài lòng, đó là thể hiện tính tự lập, biết lo xa và chu đáo. Nhưng tất cả mới chỉ là bắt đầu, cuộc sống với bao điều vất vả phức tạp vẫn còn đang phía trước. Sau những giờ phút vui ngất ngây bởi hương vị lễ thành hôn, hãy bình tâm để suy ngẫm, để chuẩn bị tinh thần cùng những kế hoạch và dự định cho một cuộc sống gia đình riêng còn chờ phía trước .
 
Cậu muốn tâm sự những điều cơ bản ấy với Việt bởi vì cậu biết Việt từ lúc cháu còn bé tí. Năm ấy, mẹ Hồng Anh vừa sinh Việt vẫn phải tiếp tục công việc ở Tổ hợp Nghiên cứu Dup-na. Cậu thi xong môn cuối cùng và xin phép nhà trường lên Dup-na nghỉ hè một tuần. Trong những ngày ở Dupna, cậu được giao ở nhà trông Việt để mẹ đi làm. Lúc đó Việt còn nằm trong xe nôi, mỗi lần đòi ăn thì cậu phải cho Việt bú bằng bình sữa pha sẵn.
 
Cậu biết Việt từ những ngày Việt theo Ba Mẹ về Việt Nam ở nhà ông bà ngoại. Mỗi bữa ăn Việt được đặt ngồi trên một chiếc ghế đóng riêng cho trẻ con, cao tận mặt bàn như người lớn. Việt thường được đặt ngồi bên phải Ông ngoại, bên trái Ông là ghế của Bà. Ba Long và mẹ Hồng Anh chạy lui chạy tới liên hồi với đủ thứ dụng cụ tiếp phẩm trên tay, nào thìa nào đũa, nào cháo nào bột.
 
Có hôm Ông ngoại nói: "Đừng chiều trẻ quá sau này dễ hư". Tất cả lặng im lắng nghe cực kỳ nghiêm túc. Lát sau Ông bảo: "Không ai chiều con như thế cả, rồi đến ăn chuối cũng không biết bóc như thế nào. Trên thế giới Ông chưa thấy ai ăn chuối bằng thìa cả!". Lúc đó mọi người đều ngoảnh nhìn Việt và cả nhà cùng cười ồ cả lên, té ra ba Long đang dùng thìa nạo chuối để bón cho Việt. Việt ngơ ngác không hiểu mọi người đang cười gì, còn không khí bữa cơm trở nên vui vẻ và ấm cúng hơn. Tính Ông ngoại dí dỏm, Ông luôn biết đặt những góp ý nghiêm túc vào trong một ngữ cảnh nhẹ nhàng và vui vẻ, khiến người nghe rất dễ tiếp thu. 
 
Cậu biết Việt khi Việt đã biết làm dáng mỗi khi chụp ảnh, khi cậu bế Việt cho Ông ngoại chụp hình thì Việt chúm môi và chỉ một ngón tay về ống kính Canon của Ông. Chiều chiều khi Ông đi làm về vừa ra khỏi xe là đã có Việt mặc áo liền quần chờ sẵn ở sân. Những lúc như vậy Ông ngoại để nguyên cả quân phục, khi thì ngồi xổm ngay dưới gốc cây doi đùa vui với cháu, khi thì Ông bảo ai đó chụp cho Ông mấy kiểu ảnh ngoài sân lúc đang chơi với Việt. Những khoảnh khắc quý giá đó đã may mắn được ghi lại trong những tấm ảnh của bộ sưu tập gia đình. Việt Trang hôm nọ lần xem anbum ở phòng Mẹ chắc đã nhìn thấy tuổi thơ của mình. 
 
Cậu biết Việt mê xe ô-tô khi còn bé tí và tập vẽ khi bắt đầu biết cầm bút. Trong nhà, cậu Biên có biệt tài vẽ các loại máy bay chiến đấu cực nhanh và 'y như thật'. Cậu Nam thì có biệt tài vẽ người và động vật, một khi cậu Nam dùng bút thể hiện những thế võ của các võ sư lên giấy thì...thôi rồi cậu Định ơi! Còn Việt, chẳng những Việt biết vẽ rất nhanh, mà còn biết tô nét và đánh bóng để cho những chiếc xe du lịch bốn chỗ trở nên sang trọng và sống động. Cậu còn biết, Việt là chuyên gia cỡ tuổi mẫu giáo biết phân biệt sự khác nhau giữa xe Vonga của Ông ngoại với xe Uoat cà là tèng của Ông Trỗ. Cậu biết Việt thích ô-tô, thích vẽ ô-tô, và thích những chiếc ô-tô bằng xốp đủ kiểu mà cậu Định tỉ mẫn cắt cho Việt bằng dây may-xo nóng đỏ. Về biệt tài này thì Việt chịu đầu hàng cậu Định, hehe!

Cậu biết Việt tốt nghiệp ĐHBK với một chuyên ngành đang rất thời thượng thời bấy giờ nhưng không muốn trở thành 'cán bộ nhà nước'. Việt đã cùng mấy tên bạn thân đứng ra thành lập một doanh nghiệp nhỏ, Việt muốn tự mình thử sức trong nền kinh tế thị trường mới manh nha đầy những ẩn số. Trải qua một thời gian đầy những thăng trầm, ít ra Việt cũng đã trưởng thành lên rất nhiều.

Nhưng cái mà cậu không hề biết là Việt đã không "phối hợp làm ăn" với anh Cường 'già' nữa. Và cậu mù tịt thông tin khi Việt cùng với Trang sang châu Âu vừa đi làm kiếm tiền vừa theo học các khóa khiêu vũ quốc tế. Đùng một cái cậu thấy Việt xuất hiện trên tivi với danh hiệu Vô địch Quốc gia - Đôi Giày vàng năm ấy cùng với Trang, rồi trả lời phỏng vấn,... Đến đây thì cậu bị Dì Phúc chính thức tước bỏ danh hiệu "Cái gì cũng biết"!

Cậu nhớ vào một ngày thu năm ấy, cậu đi cùng mẹ Hồng Anh của Việt đến gặp một nhà tử vi danh tiếng. Lần đó bác ấy đã nói với mẹ: "Xin chúc mừng chị, sang năm vào dịp này chị sẽ có con dâu". Mẹ rất phấn khởi, mẹ cám ơn bác í rất nhiều. Trên đường về qua câu chuyện của mẹ, cậu mới được biết là Trang rất hợp với mẹ và mẹ cũng rất quý Trang. Việc tổ chức đám cưới bị chậm lại có lẽ bắt đầu từ dự định ra nước ngoài tu nghiệp khiêu vũ quốc tế để tính chuyện lâu dài.

Cậu không hề biết là Việt và Trang đã nói với mẹ những gì, đã cho mẹ biết những dự định về tương lai của hai đứa như thế nào. Cậu chỉ biết là từ năm này sang năm khác, từ mùa này sang mùa khác, mẹ Hồng Anh vẫn luôn nuôi hy vọng là ngày cưới của chúng nó sắp đến gần.

Và ngày đó đã đến thật, nhưng Mẹ thì đã không chờ được đến ngày đó.

Tuy thế Mẹ đã biết hết. Và Mẹ cũng hài lòng vì thấy hai đứa hạnh phúc bên nhau, và lúc nào cũng nhớ đến Mẹ...

Ngày 01-06-2011
Cậu Định

THƯ GỬI MẸ

THƯ GỬI MẸ NHÂN "NGÀY CỦA MẸ"

Phan Hồng Việt

Mẹ,

Đã một thời gian rất dài con luôn mơ là cố thêm một chút nữa thì chữa được khỏi bệnh cho mẹ. Con cũng luôn nói với mẹ là bệnh tình không nặng để mẹ yên tâm chữa bệnh. Rồi trước khi mất, mẹ vẫn nghĩ là bệnh của mẹ không nặng. Còn con, con không hiểu sao mọi việc lại diễn ra như thế. Mẹ chẳng dặn được gì cho con và cho con dâu vì chúng con có cần điều đó đâu. Chúng con cần mẹ.

Con viết những dòng này mà nước mắt cứ rơi rơi nhoà hết cả màn hình. Thế là đã 2 năm kể từ ngày 2 đứa viết chung một  thiếp chúc mừng tặng mẹ. Nhân ngày của mẹ. Như là 2 đứa con tặng mẹ vậy.

Thiếp đó cùng với chiếc cúp vô địch quốc gia chúng con tặng mẹ, mẹ để ngay đầu giường, cùng với những đồ vật quan trọng nhất của mẹ. Điều đó làm chúng con biết mẹ thích nó và rất yên tâm về 2 đứa.
Cố GS.TS Võ Hồng Anh.
Cố GS.TS Võ Hồng Anh.


Mẹ cũng hãy biết rằng tất cả các bạn của mẹ ở lớp Internat, có lẽ phải đến 80 người đều nhớ và thương mẹ lắm. Hai năm qua đi mà tình cảm vẫn nguyên vẹn như khi mẹ còn sống. Những tình cảm đó bây giờ dành cho con và Trang làm chúng con thấy ấm áp vô cùng, mẹ ạ.

Những bài viết của những người bạn của mẹ viết về mẹ sau khi mẹ đã mất, tình cảm chân thành, thương tiếc và xúc động lắm. Rồi những sự giúp đỡ  của họ cho con, sau khi mẹ đã mất. Tất cả điều đó làm con không cảm thấy trống vắng quá mức. Vẫn có mẹ ở đâu đó khá rõ xung quanh.

Ông vẫn khoẻ và bà thương con nhiều. Các cậu và các dì, các cô và các chú cũng hết sức giúp đỡ con. Chỉ có điều không gì có thể bù đắp lại cảm giác yên tâm của con trong cuộc sống khi còn có mẹ.

Những lúc nửa đêm, con lại nhớ, đã bao năm chỉ có con và mẹ ngồi cùng với nhau và xem cùng một chiếc tivi. Con vẫn tranh xem bóng đá và không cho mẹ xem những bộ phim truyện mà mẹ thích… Bây giờ chỉ còn mỗi con ngồi đó. Hai năm rồi đấy. Vẫn thế thôi. Mọi thứ không có gì thay đổi, chỉ là hai người còn lại một người.

Hai đứa đã hiểu thêm rất nhiều về cuộc sống của mẹ, đã đọc rất nhiều nhật ký của mẹ, đã xem hết các kỷ vật và đồ vật của mẹ. Chúng con trân trọng cũng như thích thú tất cả mọi thứ thuộc về mẹ, đặc biệt là đức tính tiết kiệm, cất giữ tất cả mọi thứ. Chắc chắn là mẹ không vứt đi bất cứ thứ gì, vì tấí cả đều có ích với mẹ. Và rất tiếc là chúng con không được là 1 trong những người giúp mẹ sắp xếp và cất giữ những thứ đó dù con dâu của mẹ rất thích, mơ ước được làm như vậy.

Những bài báo và tài liệu về gia đình mà mẹ cất giữ, đúng như đức tính của mẹ, không thiếu một số nào, đã giúp con biết được thêm rất nhiều về truyền thống gia đình, và hiểu được trách nhiệm của mình. Con tự hào vì gia đình mình lắm và tự hào vì mẹ lắm.

Có một điều mẹ hãy yên tâm, con dâu của mẹ yêu và thương mẹ lắm. Không thể viết tả được là như thế nào, chỉ biết là từ trong đáy lòng thôi. Có lẽ đó là điều may mắn rất lớn của con. Nhưng con vẫn muốn hơn thế nhiều lắm, có cả mẹ nữa.

Ước gì mẹ đọc được những dòng này...

-------------
 Hồng Việt - Thu Trang