Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

HAI NGƯỜI CHA


NHỮNG CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Bài viết dành cho Út Hải
Để em gái tôi hiểu thêm, tại sao nỗi đau mất Chị đã đeo đẳng hai gia đình chúng tôi suốt chừng ấy thời gian mấy chục năm, và hầu như chưa bao giờ nguôi ngoai...
Và để em tôi biết rằng, Chị Cúc tôi dù đã đi xa từ rất lâu, nhưng Chị luôn có một niềm hạnh phúc lớn lao là mãi mãi sống trong tình yêu thương đậm đặc và mênh mông của Ba Má, Ba Mẹ cùng các em, và những người thân yêu...
Dường như Chị Cúc tôi vẫn chưa từng đi xa, Chị vẫn còn đâu đây...

  

Chị mất rồi. Tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi bỏ cơm suốt cả tuần. Mẹ đẻ tôi tất bật sấp ngửa ngược xuôi để lo cho tôi từng thìa sữa, từng miếng ăn, lo rằng tôi sẽ suy sụp vì còn ít tuổi mà đã hai lần cho máu. Bàn thờ Chị tôi được lập ngay từ hôm Chị qua đời. Mẹ tôi đặt lên bàn thờ tấm ảnh mà Chị đã cẩn thận phóng to để lại cho tôi. Ai đến thắp hương cũng nói rằng Chị tôi phóng to ảnh gửi lại chính là điềm gở. Mẹ tôi chắp tay cúi đầu cám ơn những tấm lòng thịnh tình của bà con lối xóm suốt cả ngày lẫn đêm.

Ba nuôi tôi được tin, về đến nơi sau gần một tháng kể từ ngày Chị mất. Ai cũng đỏ mắt mong ngóng ba tôi, hóa ra ba tôi đang chỉ huy một con tàu đóng giả tàu cá thâm nhập địa phận Sơn Trà để dò đường cho các tàu khác tiếp tế vào Nam. Chuyến đi ấy ba nuôi tôi suýt bị lộ vì gặp người làng tại ngay Cảng cá. Ông có ngờ đâu rằng ông sống sót trở về sau một chuyến đi đầy hiểm nguy thì lại mất đứa con gái thân yêu mà ông gửi gắm nhiều hy vọng. Má tôi ở xa, các em lại còn nhỏ dại nên không thể nào về được. Càng nghĩ càng thấy thương Má.

Chiếc com-măng-ca chở ba nuôi tôi về đến cổng Huyện Đội thì vội vã quay đầu đi tiếp vào đất lửa Vĩnh Linh . Ba tôi ôm chặt tôi vào lòng như không muốn rời xa. Chỉ khi ba tôi tiếp chuyện mọi người tôi mới có dịp ngắm kỹ ông: Với thân hình nhỏ nhắn, da Ba tôi sạm nâu vì nắng gió miền Trung và khói lửa đạn bom, bên trái hông kè kè chiếc xăc-cốt còn bên phải là một khẩu súng ngắn đeo trễ xuống. Trông ông thật oai phong như một vị chỉ huy chiến đấu ngoài mặt trận chứ không phải là Trưởng Ty Thủy sản hoặc Giám đốc Ngư trường đánh cá Sông Gianh. Nét mặt ông trông khắc khổ nhưng cương nghị và giàu tình cảm. Tôi tự hào về ba nuôi của tôi!

Ánh nắng cuối chiều sắp tắt, ba tôi vẫn còn đứng rất lâu trước nấm mộ còn tươi nguyên màu đất của Chị tôi. Sau đó ông ngồi thụp xuống, hai bàn tay bóp vụn từng hòn đất, ba tôi thì thầm tâm sự gì đó rất lâu với đứa con gái đầu lòng đang nằm yên dưới lòng đất lạnh. Bất chợt ông ngẩng lên nhìn chúng tôi, tôi thấy rõ đôi mắt ba tôi đỏ hoe, ngân ngấn nước. Tiếng khóc đã được ba tôi nén chặt trong lòng. Tôi giới thiệu với ba tôi Mỹ Dạ bạn tôi, người đã giúp tôi trồng hai cây dương bên mồ Chị. Mỹ Dạ nhỏ nhẹ thưa chuyện và chép tặng ba tôi bài thơ viết về Chị, Dạ viết đúng vào hôm ba ngày lên mở cửa mả và trồng cây dương liễu. Mẹ tôi nằm bẹp giường mấy ngày liền, may có O Đấu là mẹ của Mỹ Dạ lui tới săn sóc.

Xong việc, ba nuôi tôi vội vã ra đi. Công việc ở Đồng Hới và những chuyến tàu vào Nam đang cần đến ông.

Lại một tháng nữa trôi qua. Ba đẻ tôi từ Quảng Ninh trở về, ông được giao biệt phái nhận hàng viện trợ tại Cảng Hải Phòng. Câu đầu tiên khi ông bước vào nhà và thấy di ảnh Chị tôi trên bàn thờ là "Sao thế này? Sao lại thế này?". Và khi nghe Mẹ tôi nói "Con Cúc bị bom, đã hai tháng rồi", ba tôi bật khóc nức nở. Thật sợ khi phải nghe một người đàn ông lớn tuổi khóc thành tiếng. Người ta bảo thế, và quả đúng thế thật. Tôi thương ba tôi quá chừng!

Tôi thương ba tôi vì đây là ngọn đòn giáng xuống tinh thần ông vốn đã bị tổn thương nặng nề khi chị Nhạn con gái thứ hai trên tôi bị bệnh qua đời khi chị mới chưa đầy chín tuổi. Hậu quả của cú sôc đó là hai tai ba tôi bị điếc đặc mất hơn một năm. Tính tình ông trầm lặng hẳn đi, ông trở nên nghễnh ngãng và ba tôi phải nghỉ việc suốt cả thời gian đó. Đến khi Ba Má tôi tập kết ra Bắc, hai gia đình kết nghĩa, có được Chị Cúc cùng năm sinh tháng đẻ với Chị Nhạn của tôi, ba tôi ngỡ Trời Phật có mắt đã mang Chị Nhạn trả về cho gia đình tôi. Ông như được hồi sinh!

Bây giờ Chị Cúc không còn nữa, ba tôi khóc cạn nước mắt rồi đứng chết trân trước bàn thờ. Ngày trở về cơ quan, ba tôi mang ảnh thờ của Chị đi theo. Trên bàn thờ ở nhà, ba tôi đặt bài vị có ghi bốn chữ Nguyễn Thị Bạch Cúc cùng ngày tháng năm sinh năm mất của chị. Sau đó ít lâu nhà tôi bị bom, cả căn nhà đổ sụp cùng với căn hầm Huyện Ủy xây ngầm dưới nền. Ban thờ của Chị cháy mất tiêu cùng với từ đường thờ ông bà tổ tiên. Mẹ đẻ của tôi cùng các em tôi được chuyển ra Hà Nội từ đó.

Tại cơ quan sơ tán ở Đồng Sơn, ba tôi lập bàn thờ Chị Cúc tôi và ngày đêm hương khói. Sau một lần đi công tác Hải Phòng về thấy ngôi nhà cơ quan ba tôi sơ tán bị bom Mỹ đánh sập. Hỏi ra mới biết bàn thờ bị cháy rụi trong trận bom đó và tấm ảnh thờ của Chị tôi không còn nữa. Ba tôi chết đứng, khóc chẳng thành tiếng, lặng câm... 

  

Như vậy,
Mẹ đẻ tôi đã nhận công tác tại Hà Nội, các em tôi đã định cư theo Mẹ và nhập học tại một trường ở Ngọc Hồi, Đông Mỹ.

Má nuôi tôi cùng các em theo cơ quan sơ tán về một xóm nhỏ cạnh sân bay Đồng Hới. Cũng từ đó Chị Cúc tôi phải nằm lại một mình trên quê hương Lệ Thủy. Điều đó đã làm cho cả nhà không an lòng. Nói cả nhà nhưng thực ra chỉ là chuyện của người lớn, bọn trẻ con như chúng tôi chưa suy nghĩ được gì, nói như các cụ là "ăn chưa no lo chưa tới". Bom đạn như vậy mà Má tôi lúc nào cũng nhăm nhăm tính chuyện đi Lệ Thủy để thăm viếng Chị tôi. Thấy thế Ba tôi bảo "Để rồi tui mang nó về cho Bà".

Nói là làm. Một hôm ba nuôi tôi về đến sân nhà nơi Má và các em tôi sơ tán thì trời đã xế chiều. Không biết ông đi bằng phương tiện gì. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ba tôi loay hoay gỡ chiếc ba lô trên lưng xuống, nhẹ nhàng đặt lên giường rồi gọi Má tôi từ bếp lên, ông nói trong hơi thở mệt nhọc "Tui mang con Cúc về cho bà đây!". Má tôi ngồi bệt xuống chân giường, chết giấc. Tỉnh lại rồi, Má tôi ôm lấy chiếc ba lô có hài cốt Chị tôi trong đó, khóc không thành tiếng. Ngất lên ngất xuống, Má tôi chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi hai tiếng "Con ơi! Cúc ơi!"... 

Từ đó Chị tôi nằm lại tại một khu mộ nhỏ của dân bản địa gần sân bay Đồng Hới. Cũng từ đó Má tôi có điều kiện chăm sóc Chị nhiều hơn.

Thế rồi Má tôi nhận nhiệm vụ mới. Với nhiệm vụ này Má tôi phải chuyển ra Hải Phòng nhận công tác tại một đơn vị thuộc Công ty vận tải tàu pha sông biển. Sau này mới được Má kể là bộ phận của Má tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần cho các chuyến tàu không số. Những con tàu bí mật đi theo đường Hồ Chí Minh trên biển, mang vũ khí đạn dược thuốc men tiếp tế cho miền Nam. Các em tôi theo Má ra Hải Phòng và học tại trường Thái Phiên.
Thế là Chị Cúc tôi một lần nữa phải nằm lại một mình trên đất Quảng Bình. Thỉnh thoảng lắm mới có các chuyến viếng thăm của Ba đẻ và Ba nuôi tôi. Cũng bởi thời kỳ đó đường sá xa xôi cách trở và tình hình chiến tranh phá hoại quá ác liệt.

Câu chuyện em gái tôi kể chính là lần Ba tôi đưa em từ Hải Phòng về Quảng Bình thăm mộ Chị tôi. Lúc đó, mộ Chị tôi mới được sửa sang lại và ba tôi đã thuê khắc một tấm bia đá đặt lên. Trên bia ba tôi cho khắc mấy dòng chữ: Sinh viên Nguyễn Thị Bạch Cúc. Hy sinh ngày... do giặc Mỹ sát hại.

Theo cách nghĩ của Ba tôi, một học sinh khi đã nhận được giấy báo nhập học của Trường Đại học thì xứng đáng được mang danh hiệu sinh viên. Và theo ông, đi học cũng là thực thi nhiệm vụ của Tổ quốc giao nên cái chết trong trường hợp này phải được dùng hai chữ "hy sinh". Chúng tôi trẻ người non dạ không thể nghĩ được sâu sắc đến vậy. Sau này lớn khôn, càng suy ngẫm càng thấy Ba tôi có lý. 

Nước nhà thống nhất được gần một năm thì Ba Má tôi hồi hương. Các em tôi cũng lần lượt theo Ba Má trở về quê hương Đà Nẵng. Chị tôi cũng được trở về quê cũ nằm cạnh ông bà tại nghĩa trang Tộc Nguyễn thuộc Mỹ Khê, một khu mộ rộng rãi khang trang trên đất cát pha nằm cách nhà có mười lăm phút đi bộ.

Chuyến trở về quê của Chị tôi cũng đầy gian nan trắc trở. Lần đó Má tôi mang Chị theo người, lên xe đò từ Đồng Hới và chạy suốt tuyến vô Đà Nẵng. Đúng vào mùa mưa lũ nên khi xe vừa cách Đồng Hới có bốn mươi cây số, nghĩa là đang qua địa phận Lệ Thủy thì đường Quốc lộ 1A bị ngập lụt, cả hành khách lẫn xe phải nằm lại mấy ngày chờ nước rút. Chỉ nghe Má kể tôi cũng đã hình dung ra nỗi vất vả của cả hai mẹ con. Má tôi nói, Chị tôi lưu luyến với mảnh đất Lệ Thủy, không muốn rời xa quê hương thứ hai của mình.

Có một chuyện mà cứ mỗi lần nhớ lại là tôi lại thương Chị tôi đến thắt ruột. Lần đó nhân một chuyến về quê, hai vợ chồng tôi cùng Ba tôi lên Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện để viếng mộ Ông Bà ngoại tôi.  Hai vợ chồng tôi đèo nhau bằng xe đạp, còn Ba tôi một mình một xe đi thong thả phía sau. Phải nửa tiếng sau mới thấy Ba tôi lên đến nơi. Sau khi thắp hương ở mộ Ông bà ngoại xong thì Ba tôi đưa cho tôi xem một bài thơ ông viết vội trên một trang giấy nhỏ, trong đó có mấy câu như sau: "Đất nước thống nhất rồi. Con đã về Đà Nẵng? Nghe tiếng con văng vẳng. Đau lòng lắm, con ơi. Vài ngày con ở chơi. Rồi hãy về quê cũ. Để cả nhà đoàn tụ. Đất Quảng mình Tua-Ran...". Đọc đi đọc lại mấy lần, chúng tôi vẫn chưa hiểu sao ba tôi lại làm bài thơ này và làm vào lúc nào.

Khi từ Nghĩa trang Liệt sĩ trở về, ngang qua một khu vườn nhỏ với những rặng phi lao xanh rờn, Ba tôi bảo chúng tôi dừng lại nghỉ và chỉ cho chúng tôi xem nơi mà xưa kia Chị Cúc tôi đã được mai táng ở đó. Tôi giật mình như bừng tỉnh. Thế mà tôi không nhớ ra, bởi xưa kia nơi đây chỉ là một mảnh đất ven đường với vài ba ngôi mộ nằm thưa thớt, xung quanh được bao bọc bởi những rặng dứa dại trồng chả có hàng lối gì. Mảnh đất hoang này nằm giữa đồng không mông quạnh, cách bệnh viện huyện khoảng hơn cây số, đã được mọi người chọn để mai táng Chị tôi vào một đêm giáp ngày Rằm, có trăng sáng nhưng luôn bị những đám mây bay ngang che khuất.

Trong vườn ươm phi lao đã quá lứa, chắc là ươm để trồng dọc hai bên đường lên Nghĩa trang LS Huyện, có một cái lán con con của những người chăn vịt, bây giờ thành nơi ở tạm của những công nhân làm đường. Lúc nãy, Ba tôi đã ngồi ở đây và chép những vần thơ ông làm ra tờ giấy nhỏ xin được của mấy chú công nhân. Ba tôi kể, khi đạp xe đi ngang qua đây Ba tôi bỗng nghe có tiếng ai gọi thoang thoảng trong gió. Dừng xe và định thần, Ba tôi nhận ra tiếng gọi của Chị Cúc tôi, ông thảng thốt và vô cùng xúc động. Bình tĩnh lại, Ba tôi nhận ra đây chính là nơi trú ngụ đầu tiên khi Chị Cúc tôi mới qua đời. Ba tôi suy nghĩ miên man, hay Linh hồn Chị Cúc tôi vẫn còn lẫn quất nơi đây mà chưa chịu về quê cũ. Bài thơ ra đời từ đó. Biết được vậy hai chúng tôi thấy thương Chị vô cùng...

Trong một lần về thăm gia đình Ba Má nuôi của tôi ở Mỹ Khê, Đà Nẵng, Ba tôi đã tâm sự chuyện này với Ba nuôi tôi. Vào một chiều muộn, hai ông cùng tôi ra khu mộ của dòng tộc thắp hương cho Chị tôi và nói chuyện ở đó rất lâu. Ba tôi nói đại ý, việc bốc mộ và di dời đi địa điểm khác phải tuân thủ một số thủ tục nhất định, nếu không linh hồn người chết sẽ không theo hài cốt về nơi ở mới để "nhập mộ". Mỗi địa phương có những phong tục riêng nên thủ tục tuy có khác nhau nhưng tựu chung là bắt buộc phải có. Hai ông nhất trí là để Ba tôi về Lệ Thủy rồi sẽ làm lại thủ tục đó cho Chị Cúc tôi.

Sau đó ít lâu Ba tôi đã thực hiện tại quê nhà những thủ tục cần thiết theo chỉ dẫn của một ông thầy cúng nhà ở Quảng Cư. Ông thầy viết sớ, làm lễ theo đúng yêu cầu của Ba tôi. Trong kia, cũng vào thời điểm đó Ba nuôi tôi làm lễ thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên và cả ngoài mộ Chị Cúc tôi nữa. Ở Lệ Thủy, sau khi lễ xong ông thầy cúng xem chân gà luộc và cho biết, Chị tôi đã về Đà Nẵng nhập mộ trong ấy. Nếu hiểu theo logic hiện đại thì Chị tôi đã làm xong các thủ tục về cắt-nhập hộ khẩu, được cấp vi-za để chuyển về quê gốc "Quảng-Nôm Đè-Nẽng Tua-Reng" theo cách nói của Ba nuôi tôi! Chỉ lạ là không biết Chị tôi đi bằng phương tiện gì mà nhanh đến vậy!

Và cũng từ đó tất cả mới thấy an lòng. Bát hương trên mộ Chị tôi mới hóa rần rật trong mỗi lần viếng. Cứ mỗi lần nhớ lại, Chị tôi đã có những tháng năm đằng đẵng cô đơn, bay lang thang phiêu bồng trên cánh đồng Quảng Cư, Mai Thủy, là đã thấy ruột thắt chín chiều và ràn rụa nước mắt cảm thương...

Cũng từ đó, hàng năm vào ngày Giỗ Chị chúng tôi đều kéo nhau về Mỹ Khê, cũng bởi ngày Giỗ Chị được chọn làm ngày giỗ chung cho những ngày húy kỵ có trong quý hai hàng năm, trong đó có cả ngày Giỗ Ông Bà.
Các bạn học phổ thông của Chị tôi như anh Long, anh Thế, chị Cẩm chị Lê thỉnh thoảng cũng về, không đúng ngày giỗ thì cũng về viếng mộ, thắp hương cho Chị tôi ở cả hai nơi. Tôi biết, Chị tôi đã rất hài lòng...

Một người bạn thân của tôi, một người bạn tâm giao, mặc dù chưa gặp chị lần nào nhưng nằm mơ lại được chị báo mộng. Quá ngạc nhiên vì sự trùng hợp lạ lùng, bạn tôi đã tìm về Mỹ Khê trong một chuyến công tác miền Trung, với mong muốn được thắp lên mộ Chị tôi những nén hương thơm với tấm lòng kính trọng. Các em tôi trong đó đã giúp bạn tôi toại nguyện, Má tôi đã nhỏ những giọt nước mắt biết ơn và xúc động của tuổi già.

Rõ ràng Chị tôi chưa bao giờ mất đi, Chị tôi luôn sống trong ký ức của những người thân yêu... 

Lệ Huệ NTĐ

TÂM SỰ CỦA LỆ HẢI EM GÁI TÔI

Những chuyện anh kể, đến lúc này em mới biết. Năm tháng vui buồn, đau khổ, chiến tranh, trải nghiệm, hành trình đường đời đã quá nhiều rối rắm phức tạp, rất khó giữ mình đứng về một phía phiến diện… đã khiến em không muốn nghĩ nhiều, hồi tưởng nhiều về quá khứ, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm, sự dung hòa và nhìn vào thực tại.

Em chẳng biết gì hết cho đến lúc này… Anh ạ. Ngày xưa Má thường chỉ kể lại nhiều lần lúc chị ở bệnh viện, mọi người ai cũng muốn tiếp máu cứu chị, nhưng chỉ một mình anh là cùng nhóm máu. Bác sĩ Tam đã cố gắng hết sức cứu chị nhưng lực bất tòng tâm. Chôn cất chị xong, anh bỏ học vào bộ đội. Vì thế Má khóc rất nhiều, mỗi khi nhớ chị là nhắc anh…

Ngày em từ Hải Phòng về thăm chị,  ôtô nằm lại ngoài xa, em đi theo Ba qua một cái cầu nhỏ đến trước ngôi mộ giữa một vùng hoang vắng trống trải, vắng lặng đến mênh mông. Mộ dường như mới đắp . Em bàng hoàng đến độ chẳng tin chị nằm dưới đó. Trong tâm trí em vẫn chưa kịp hình thành ý niệm rằng người thân của mình cũng có thể nằm dưới một ngôi mộ như thế này… Cho đến bây giờ em vẫn không kịp biết xung quanh có các ngôi mộ nào khác không. Quang cảnh ấy sau này cứ hay đi vào giấc mơ thật buồn.

Về ĐN, em không nhận thấy có một chiếc balô trên nóc tủ hiện diện tự bao giờ. Một hôm vô tình nhìn lên, em hỏi, Má mới cho biết đấy là hài cốt chị. Em kinh hoàng vì tại sao mình không linh cảm thấy. Ngày thường em rất sợ ma, sao đến lúc ấy em chỉ đau xót. Em cũng không được biết chị được đem ra nghĩa trang vào lúc nào. Chỉ sau này đã chững chạc, em mới thường hay đi một mình giữa nắng trưa lên thắp hương cho chị. Chị cô đơn quá giữa những ngôi mộ im lìm, chị vẫn còn rất trẻ cơ mà…

Có lần em đọc nhật ký của Ba kể về một năm vào ngày giỗ chị, ông quên bẵng, nằm một mình trong phòng làm việc ở cảng cá Sông Gianh, đột nhiên có làn gió đến thổi tung tấm ri đô, chị chạy ào vào gọi: “Ba!”… Ông giật mình: “Cúc đó à, con?” Chị chạy tới ôm và cắn vào tai ông thật đau rồi biến mất. Ông giật mình sực tỉnh, bàng hoàng một lúc mới nhớ ra chị đã mất. Một bên tai vẫn đau để ông tin đó là chị về thật. Ông nằm khóc một mình: Hôm nay là ngày giỗ con…

Nguyễn Lệ Hải

GẶP CHỊ

GẶP CHỊ

Đây là câu chuyện có thực về gia đình Ba Má nuôi của tôi. Ba nuôi và Ba đẻ của tôi là anh em kết nghĩa từ ngày Ba Má nuôi mới tập kết ra Bắc. Chị Cúc là con cả của Ba Má tôi, kém chị cả của tôi 2 tuổi. Ba nuôi tôi mất cách đây 6 năm. Má tôi tuổi cao, đã xấp xỉ chín mươi rồi. Má tôi hiện sống với mấy em tôi ở Đà Nẵng.
Bài viết này năm ngoái đã được đăng trên Blog của Chị Thanh Chung. Nay tôi sửa lại chút ít, đăng lên blog của mình, như một nén tâm hương thắp cho Chị tôi nhân ngày Giỗ lần thứ 44 của Chị. Năm nay, do sức khỏe kém tôi không về được với Chị như mọi năm.


Đã một tuần nay tôi không tài nào ngủ được, hễ cứ chợp mắt là gặp phải ác mộng. Hễ cứ mơ thấy Chị là thế nào sau đó cũng thấy người đàn ông râu quai nón ấy xuất hiện. Tôi không quen ông ta nhưng tôi vừa biết được về lai lịch ông ta. Đó là nhờ Tổ công tác do tôi chủ trì đã được tiếp cận với đống tài liệu của những CCB Hoa Kỳ cung cấp, đặc biệt là những đĩa CD chứa cả triệu trang tài liệu đã được "giải mật" do cựu Tổng Thống Bill Clinton mang sang như một cử chỉ tỏ thiện chí khi hai nước đang bước vào quá trình bình thường hóa. Nhiệm vụ của chúng tôi là khai thác đống tài liệu này phục vụ cho việc tìm kiếm những nơi chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh. Nó cũng giúp ích ít nhiều cho nhóm tìm kiếm MIA. 

Trong quá trình tiếp cận, giải mã và khai thác thông tin, tôi đã bất ngờ phát hiện ra một bí mật, bí mật liên quan đến gia đình tôi. Và tôi liên tục gặp ác mộng...Với niềm tin mang tính sùng bái vào thế giới tâm linh, tôi quyết định lấy vé về miền Trung gặp Chị.


Chỉ sau chưa đầy hai tiếng, máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng.  Từ Ga Hàng Không tôi về thẳng nhà qua cầu Mới Sông Hàn, không phải đi phà hoặc vòng qua cầu Trịnh Minh Thế như trước đây. Má sững sờ thấy tôi về đột ngột. Vứt vội chiếc cặp, tôi choàng tay ôm ghì đôi vai gầy của Má, vùi mặt vào mái tóc bạc một màu sương gió của Người. Má cứ ngồi yên như vậy, mặc cho hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Một lúc lâu, như đọc được suy nghĩ của tôi, Má nói:
        -Tranh thủ ra thăm Chị mày rồi về ăn cơm, con!
                                                            
     
Vừa thấy tôi, Chị hỏi ngay:
        -Sao em lại về vào dịp này? Má nhắn về hay là đi công tác ghé qua nhà?
Không trả lời ngay vào câu hỏi của Chị, tôi nói :
        -Chị đã nhận được tập "Thi Vân Yên Tử" của Hoàng Quang Thuận và lá thư em hóa  gửi cho Chị hôm 13 tháng 5 âm lịch chưa?
        -Có, chị nhận được rồi, ngay chiều hôm đó mà. Tập thơ của Thuận Chị chưa kịp đọc, nhưng khi mở ra Chị thích nhất nét chữ em đề tặng ở trang đầu bởi nó gợi cho Chị nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.Tuổi học trò thời chiến tranh thật đẹp, thật đáng nhớ. Thế còn cái ông người Mỹ trong ảnh là ai vậy? Cho Chị biết được không?
        -Cũng chính vì chuyện có liên quan đến ông ấy mà em về gặp Chị lần này. Em cảm thấy lúng túng khó xử không tự quyết định được...
        -Vậy sao? Có việc gì hệ trọng đến thế sao. Chị thấy em trưởng thành lên nhiều lắm, hãy chứng tỏ là người đàn ông mạnh mẽ và bản lĩnh. Chị còn nhớ hồi nhỏ em gan lắm mà, em đã đi bộ cả đêm, không sợ máy bay Mỹ thả bom bi để trốn về với Chị cơ mà.
     
"Tất nhiên là em còn nhớ" - tôi nghĩ thầm. Nhưng Chị đâu biết rằng có lúc tôi cũng đã yếu đuối như môt đứa con gái. Đó là lúc biết Chị đi xa, đi xa mãi mãi, tôi đã bỏ cơm suốt cả tuần, và khóc sưng cả mắt, làm cho ai cũng ái ngại. Giờ đây, Chị làm tôi nhớ đến cái đêm sau khi Chị đưa tôi qua sông để về nhà, dọc đường bọn Mỹ ném bom napan cháy rực cả một góc trời. mấy hôm sau khi trở lại, tôi đọc được trong vở tập toán của Chị dòng chữ run run:"Chúng lại ném bom phía ấy. Em mà có mệnh hệ nào thì Chị sống sao nổi...".

Thấy tôi ngồi yên lặng, Chị lên tiếng:
        -Em nghĩ gì vậy?
        -Em đang nghĩ về chuyện đó. Em muốn hỏi chị, nếu trước mặt mình là người đã giết người thân của mình thì mình phải làm gì? 
        -Sao em lại có suy nghĩ kỳ cục vậy. Chuyện đã xảy ra như thế nào, vào lúc nào, lâu chưa em?
        -Em cũng không nhớ nữa! Em chỉ muốn nghe xem Chị còn nhớ những gì đã xẩy ra vào cái ngày oan nghiệt ấy, cái ngày mà chị rời xa em vĩnh viễn.
        -Em nói gì lạ vậy, Chị chưa bao giờ rời xa em, chị theo em từng ngày và luôn dõi theo từng bước đi của em. Chị chỉ lấy làm lạ là vào cái ngày chị bị thương vào ngực trái, rồi bị ngã xuống sông, đông người thế mà chỉ có hai đứa nhỏ nhất là em và Văn có cùng nhóm máu với Chị. Rồi sau đó Chị thiếp đi, và rồi thành ra như bây giờ...
        -Nhưng mà em nhớ chị... Nhiều lúc nhớ quay quắt tưởng chừng như không sống nổi...  
        -Chị cũng nhớ em nhiều không tả xiết. Nhưng cứ mỗi lần nhớ đến em là Chị lại nhìn thấy em ngay. Chị không biết nên khuyên em như thế nào bây giờ. Hay là em thử đọc lại mấy dòng Chị gửi cho em ngày xưa, sau tấm hình của Chị, em nhớ không? Biết đâu sẽ giúp em được điều gì.
      
Đó là bức ảnh của Chị mà tôi thích nhất. Chị phóng to và cho vào phong bì dán kín, ở ngoài ghi: "Chỉ được mở khi nào em cảm thấy buồn nhất". Tôi có ngờ đâu rằng sau khi Chị lên thuyền đi tập trung vào đại học mới có một ngày, tôi đã phải tự tay mở chiếc phong bì mà Chị để lại. Lời căn dặn của Chị ghi sau bức ảnh đã dạy tôi khôn lớn trong suốt cả chặng đường gian khó còn lại. Nhiều lúc tôi ngồi thừ người hàng giờ, da diết nhớ Chị - Nhớ những chiều chị ngồi bổ mía,bóc cam bắt tôi ăn. Thấy tôi làm nũng, cứ nhất quyết đòi Chị phải công nhận là Chị thương tôi nhất nhà, Chị kéo tôi lại gần, xoa xoa lên đầu tôi, búng búng vào tai tôi, rồi bằng một cử chỉ thật âu yếm, Chị dùng tay áo lau sạch nước mía dính trên cằm tôi - Tôi tắm mình trong cảm xúc yêu thương, thân thuộc mùi mồ hôi quấn quít -Chị đã đi bộ hàng cây số trong nắng gắt để về với tôi, khi nghe tin tôi bị cảm..!
      
Giờ đây bên Chị, tôi cảm nhận được bàn tay Chị mơn man trên má tôi làm khô dần những giọt nước ầng ậng chỉ chực trào ra từ khoé mắt. Những ngón tay của Chị vuốt vuốt tóc tôi nhẹ như làn gió thơm hương biển Mỹ Khê thân thuộc, rồi mân mê hai tai tôi như hồi còn bé. Tôi để yên như vậy mà lòng vợi đi bao nỗi buồn trong ráng chiều đỏ ối..!
       
Đã đến lúc chia tay, không hiểu sao tôi chẳng thể nói thêm được với Chị lời nào. Có lẽ con tim tôi đã thổn thức:
           -Chị !
           -Ừa, Chị đây. Đừng buồn nghe cưng của Chị, Chị vẫn luôn bên em mà. Hãy luôn nhớ rằng, xóa bỏ thù hận sẽ đi được xa và sẽ bay được cao. Đừng buồn nhiều em nhé.  Khi nào em cảm thấy buồn, hãy về đây với Chị, cưng nhá!  Lần này em hãy chú ý sức khoẻ của Má giùm Chị, nhớ đấy!
       
Thắp hết bó hương còn lại, tôi ngoái nhìn Chị lần cuối rồi bước nhanh ra cổng Nghĩa trang, sợ không cầm được lòng mình. Linh tính buộc tôi ngoái nhìn lần nữa: Bát hương trên mồ Chị bốc cháy rần rật trong gió chiều. Có lẽ thấy tôi không được vui khi nghe chị khuyên nên Chị an ủi tôi chăng? Một cậu bé đen nhẻm chỉ mặc mỗi quần đùi bối rối nhìn tôi, cạnh đó mấy chú bò đủng đỉnh gặm cỏ. Chắc cu cậu đã quan sát chị em tôi từ rất lâu. Cậu ta rụt rè hỏi:
           -Chắc bác ấy là chị của chú?
           -Ừ, đúng rồi. Thế cháu có chị không?
Thằng bé buồn bã lắc đầu.
Thật tội nghiệp! Tôi không tưởng tượng được người ta sẽ sống ra sao khi không có được một người chị ở trên đời!

  

Về đến nhà, tôi đặt hộp bánh, mấy chiếc oản và lọ dầu gội đầu lên bàn thờ coi như lộc của Chị cho.  Má đang dọn cơm, âu yếm nhìn sang, hỏi:
             -Sao lâu thế con,  thế chị mày biểu sao?
             -Thì vẫn thế! Chị con bảo chưa bao giờ Chị ấy rời xa con. Chị ấy nói dối. Lúc nào Chị ấy cũng nói thế. Nhưng nhiều lúc con muốn gặp Chị con mà không gặp được. Con nhớ...!
             -Má dặn con bao nhiêu lần rồi, phải nguôi dần đi chớ. Có phải Má không nhớ Chị mầy đâu. Chị mầy còn dặn gì nữa không?
             -Không!
         
Lần đầu tiên tôi nói dối Má. Tôi đã giấu không cho má biết những gì tôi đã tâm sự với Chị. Như những lần trước đây thì tôi đã huyên thuyên với Má đủ thứ chuyện do tôi bịa ra. Nào là chị con bảo phải đón Má ra Bắc ở cùng, nào là chị con dặn Má ăn chay ít thôi để đảm bảo sức khoẻ,vân vân và vânvân...
        Thấy Má chưng hửng thật tội nghiệp, tôi lảng sang chuyện khác. Tôi kể cho Má nghe việc tôi đã tìm ra bao nhiêu là người quen và người bà con nhờ mạng internet. Và rồi không biết như có ai xui khiến, tôi đã kể cho Má nghe việc tình cờ tôi đã tìm ra viên phi công lái chiếc Phantom F4H thuộc Không lực Hoa Kỳ đã phóng tên lửa làm đắm mấy con thuyền trên sông Kiến Giang vào rạng sáng ngày 29 tháng 6 năm 1966 như thế nào.  Với cái nhìn đầy vẻ ngạc nhiên, Má quay sang tôi hỏi: "Làm sao con biết?". Tôi giải thích để Má rõ là tôi đã truy tìm viên phi công đó qua mạng internet như thế nào, đã nhờ sự trợ giúp của Hội CCB Hoa Kỳ sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho "giải mật" hàng loạt tài liệu mật trong chiến tranh Việt nam ra sao.
       Nghe tôi nói đến Hội CCB Hoa Kỳ, Má chỉ cho tôi tờ báo để ở đầu giường, bảo tôi hãy đọc bài viết ở trang 3. Qua bài báo tôi biết được một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang Việt nam đang ở lại Đà Nẵng để chuẩn bị các thủ tục xây dựng một trường học tại Mỹ Lai, Quảng Ngãi, một địa danh đã gây nỗi đau đớn kinh hoàng cho cả hai dân tộc Việt, Mỹ và lương tri của nhân loại, là nỗi ô nhục khó tẩy sạch của quân đội Mỹ. Vết thương đang được những tấm lòng nhân hậu và cả những người lính Mỹ sám hối, chung tay hàn gắn. Tôi đọc đi đọc lại bài báo và ngờ ngợ khi đọc đến cái tên của vị trưởng đoàn, một cái tên rất quen. Và chỉ khi tôi đọc thêm phần giới thiệu quá khứ của ông ta tôi mới thực sự sửng sốt, ông ta chính là viên phi công lái chiếc F4H mà tôi đã truy tìm được qua mạng! Trái Đất này không những tròn mà quả là quá nhỏ bé!
      Má nhẹ nhàng cầm lấy tờ báo từ tay tôi, rồi nói:
     -Nếu con còn ở nhà thêm vài ngày, Má muốn con đưa Má sang Mỹ Lai dự ngày động thổ xây trường học. Má muốn nhìn thấy họ!

Chính cái câu cuối này của Má đã như một cái kíp nổ được châm ngòi, một cái gì đó không giải thích được bỗng trào sôi lên trong tôi, không cách gì ngăn lại kịp, khiến tôi lặng thinh quay mặt đi chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào Má. Cuối cùng, cố trấn tĩnh, tôi nói với Má:
      -Con không đi đâu, Má! Mà Má sang đó gặp họ làm gì. Họ là những kẻ giết người man rợ. Mà Má biết không, vị trưởng đoàn chính là viên phi công đã phóng tên lửa vào thuyền buồm có chị con ngồi trên đó, lúc đó ông ta mới 27 tuổi. Con không muốn nhìn mặt ông ta!

Câu nói của tôi làm Má sững người. Má đứng tựa lưng vào cánh tủ chết lặng. Sao tôi lại vô tâm và tàn nhẫn đến vậy. Làm sao tôi có thể lỡ lời để đưa Má và tôi vào hoàn cảnh trớ trêu này.
Má đứng đó lặng im, mắt trân trân nhìn lên Ban thờ Phật. Trên đó vẫn lung linh huyền ảo bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm mà cách đây hơn hai mươi năm tôi thỉnh từ Chùa Ấn Quang về cho Má thờ. Đó là bức tượng Phật mà Má ưng ý nhất. Tôi nín thinh nhìn Má, sợ lỡ có chuyện gì không may. Cuối cùng, Má chậm rãi quay sang tôi, rồi nói:
         -Thôi con, nhắc lại chuyện đó làm gì. Để chị con yên...Mà con cũng thấy đấy, người ta đang sám hối...
 Má nói nhỏ nhẹ thì thầm vừa đủ nghe, nhưng giọng thì lạ lắm, nghe đứt từng khúc ruột.
         -Con xin lỗi Má!  Nhưng con không chịu nổi. Nếu Má muốn đi để con nói cái Hải nó đưa Má đi. Con không đi đâu!

Thật vô lý, sao tôi lại xẵng giọng với Má vào lúc này. Và sao tôi lại nhắc đến câu chuyện buồn thương đó để Má một lần nữa phải đau lòng.
Má lặng lẽ ngồi vào bàn xới cơm cho tôi, gắp lên bát tôi món ăn mà tôi ưa thích từ bé, rồi lẳng lặng đi đến bên bàn thờ. Má đi như chiếc bóng. Tay Má run run cắm thêm một nén hương trầm. Tôi lặng người nhìn Má, mặc cho hai dòng nước mắt chảy tràn mằn mặn trên môi....

Mỹ Khê, tháng 6 năm 2009  
LỆ HUỆ NTĐ
Vĩ thanh:       
Sáng nay Út Hải (Lệ Hải) gọi điện ra bảo "Anh nói chuyện với Má". Giọng Má nghe yếu quá, thương quá. Má nói "Các con ở lại nhớ thương nhau. Cùng lắm là đến mai Má về theo ông bà đây". Tôi thót cả tim, nhưng trấn tỉnh ngay vì những lúc quá yếu Má vẫn hay nói vậy. Tôi động viên Má và nói "Má không được đi đâu hết. Tháng sau con vào Giỗ Ba xong rồi Má muốn đi cũng được!". Giọng Má vẫn yếu nhưng nghe đã có phần tươi tỉnh hơn "Ừ, thì Má chờ tháng nữa!".

Tôi bảo Má cầm máy rồi đọc cho Má nghe mấy đoạn trong bài viết ở trên. Đọc xong, nghe đầu dây đằng kia lặng thinh một lúc, rồi tiếng Má: "Con nhớ ghi tên Phật (Pháp danh) của con vào cuối bài". Và tôi đã làm theo lời Má dặn.  

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

CẬU TÔI

CẬU TÔI  
     PHẦN NĂM

Tối qua Mợ Hà ở lại trong Viện cùng Cậu tôi nên hôm nay để Mợ về sớm, có Hồng Nam đón. Sau khi đưa Mợ ra xe tôi quay lên với Cậu ngay. Chú Huyên cũng vừa báo cáo xong phần tin tức và tình hình thời sự trong ngày, chuẩn bị quay về Hoàng Diệu. Chỉ còn Cậu và tôi trong phòng. Cậu tôi đang chăm chú đọc một tập tài liệu, chắc chú Huyên vừa đưa đến. Thấy tôi lúi húi pha nước, Cậu tôi ngừng đọc và nói: "Mợ con là người rất hiền". Cứ tưởng Cậu tôi tâm sự vậy thôi nên tôi cứ lẳng lặng gật đầu mà không thưa lại, cũng không nói gì. Bỗng Cậu ngẩng lên nhìn tôi và nhẹ nhàng: "Con có thấy thế không?". Tôi nhìn Cậu và nói "Con có!".

Miệng thì đáp "Con có" nhưng đầu óc tôi đang mải nhớ về một ngày xa xưa, đã lâu lắm, cũng trong khuôn viên Bệnh viện này, tôi đã thấy một nụ cười thật hiền trên khuôn mặt phúc hậu của một người phụ nữ còn trẻ, nhìn tôi và cười, đó là Mợ tôi. Lúc đó tôi khoảng hơn mười tuổi, sống với Cậu Nho tôi ở Phố Hàng Chuối và học ở Trường Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc. Chiều hôm đó khi được tin Bà ngoại tôi mất, chúng tôi được nghỉ học và theo xe Cậu Nho tôi vào chờ ở sân sau của Quân y viện 108. Đang ngồi trên xe, tôi mở cửa kính và thò đầu ra ngoài, bất chợt nhìn thấy một người phụ nữ đi ngang qua rồi quay lại nhìn tôi. Tôi nhận ra đó là Mợ Hà vợ của Cậu tôi, người mợ mà tôi chỉ mới được gặp cách đó ít lâu, khi tôi vừa ra Hà Nội. Quay lại nhìn thấy tôi, Mợ gật đầu cười, một nụ cười thật hiền. Không phải lúc nào chúng ta cũng được nhìn thấy một nụ cười như thế!

Bạn hãy nghĩ đến nụ cười của một người mẹ, trong cơn khổ đau khi có người thân vừa qua đời, cười với các con mình để an ủi chúng, để làm cho chúng yên lòng. Đấy, nụ cười của Mợ tôi vào buổi chiều hôm đó chính là một nụ cười như thế. Nụ cười thật hiền đó đã in đậm vào trí nhớ non nớt của một đứa trẻ như tôi, và in sâu cho đến tận bây giờ. Cho đến sau này khi đã lớn khôn, lúc nào tôi cũng nhận được từ Mợ tôi một tình thương như của một người mẹ, luôn quan tâm lo lắng và dạy bảo.

Bữa tối hôm đó, có chị Hồng Anh ở lại ăn cơm với Cậu tôi, bữa cơm rất vui, tôi cảm thấy Cậu tôi ăn rất ngon miệng. Sau chương trình thời sự, Cậu tôi lên giường để bác sĩ Nhựa đo huyết áp. Ngoài bàn nước, chị Hồng Anh tranh thủ hỏi han và dặn tôi một số chuyện. Chị nói: "Trên mộ mẹ chị chỉ nên để hai loài hoa thôi. Hoa hồng tiểu muội chị thấy rất hợp. Còn gốc mẫu đơn đỏ chị mang từ Điện Biên về nay nó to quá, cô Lài sợ rễ nó đâm xuống sâu sẽ không hay. Hôm nào em kiếm cho chị giống bông mẫu đơn trắng để thay, chị nghe nói mẫu đơn trắng dễ trồng mà hương lại thơm". Tôi hứa với chị là tôi sẽ làm như chị dặn. Chị nói tiếp: "Nhà máy sứ Hải Dương nơi chị Hạ làm việc trước đây đã làm cho mẹ chị cái ảnh mầu bằng sứ rất đẹp. Hôm nào chọn ngày rồi nhờ anh Huấn ở Nghĩa trang Mai Dịch thay cho cái ảnh cũ trên bia". Tôi hứa với chị, tôi và Dương Tuấn sẽ đảm nhiệm việc đó. Tôi thấy chị Hồng Anh rất vui, chị chào Cậu tôi để về Hoàng Diệu, vì cũng đã hơi muộn.

Tối đó Cậu tôi không bảo tôi bật máy nghe nhạc như mọi hôm, tôi lẳng lặng đến ngồi trên ghế bên cạnh giường Cậu tôi. Cậu tôi nằm im, mắt nhắm, hai tay đặt trên bụng, tư thế như đang thiền. Một lúc sau Cậu tôi cất tiếng: "Cậu như đang nghe thấy có tiếng xe lửa chạy trên đường ray. Cậu bỗng nhớ lại một chuyến đi vào Huế, đến ga Vinh thì mợ Thái của cháu lên tàu. Hồi ấy mới quen sơ sơ nên chỉ gật đầu chào nhau mà không nói chuyện gì nhiều. Vào Huế, mấy hôm sau thấy mợ Thái của cháu sang tìm, nói là để nhận sách, cậu đoán là xin tài liệu. Cậu nói là sách còn chưa mua được, nói thế là vì tài liệu thì anh Diễu cầm, Cậu chưa nhận được thật. Thế mà mợ Thái cháu không tin, tưởng là Cậu có mà không đưa, dỗi bỏ về". Cậu tôi kể chậm rãi, với nét mặt rất vui, tôi có cảm giác Cậu tôi như trẻ lại. Cậu tôi đang sống với những kỷ niệm của một thời trai trẻ! 

Cậu tôi kể tiếp, sau khi kết hôn được một thời gian đâu sáu tháng nửa năm mà chưa thấy có "hiện tượng gì", thế là lo lắm. Cậu tôi bảo hồi đó nó thế, ai cũng vậy, cứ cưới xong là phải có con ngay, thấy chậm vài tháng là ai cũng lo, nhất là các cụ. Sau đó không biết có ai mách, mợ Thái nói với Cậu tôi: "Dưới Mơ (chợ Mơ bây giờ) có ông thầy xem hay lắm, hay mình xuống đó thử xem, một lần cho biết". Thế mà Cậu tôi cũng chiều mợ tôi, hôm sau hai người bắt xích lô, đi xuống phía Chợ Mơ, hỏi đường vào một con ngõ nhỏ.

Thấy tôi sốt ruột, tò mò muốn biết sự tình, Cậu tôi kể tiếp: "Gặp thầy, đó là một ông thầy đồ đã già, xem bói chỉ là làm thêm cho những ai cần mà thôi, không phải nghề của thầy.". Tôi sốt ruột "Thế ông thầy nói những gì hả Cậu?". Cậu tôi nói: "Ông thầy bảo, đừng lo, muốn có con thì sẽ có con, anh còn phải lo nghiệp lớn, nhưng anh chị sẽ phải sống xa nhau đấy...". Im lặng một lúc, Cậu tôi nói tiếp: "Ông ấy còn nói thêm một số cái nữa, nhưng mà Cậu chỉ nhớ có thế. Ông ấy nói thế mà đúng...". Cậu tôi nằm im, mắt nhìn lên trần nhà, không kể tiếp nữa. Tôi ngồi im như tượng, chỉ sợ mỗi cử chỉ của tôi sẽ chạm vào khoảnh khắc thiêng liêng đó, cái khoảnh khắc đã hóa thành kỷ niệm, và theo suốt cuộc đời của Cậu tôi.

Một lúc, tôi đếm lấy mấy viên Rutunda như bác sĩ căn dặn, rót một cốc nước ấm, mang đến để Cậu tôi uống trước khi ngủ. Cậu tôi nói: "Đúng ra là phải uống sớm hơn!". Mà đúng thế thật, đây là thuốc an thần thảo dược dạng nhẹ, chiết xuất từ củ bình vôi, muốn để ngủ được phải uống trước vài tiếng đồng hồ.

Chờ cho Cậu tôi uống xong mấy viên thuốc, tôi định đi buông màn thì Cậu tôi ra hiệu bảo khoan, Cậu tôi muốn kể cho tôi nghe một chuyện nữa, chắc đang liền mạch, sợ sau này quên. Cậu tôi kể, hôm đó thế nào khi về nhà lại thấy thiếu mất cái mũ phớt và cái khăn, nhớ đi nhớ lại không biết quên ở đâu, ở nhà ông thầy hay trên xích lô. Cuối cùng thì mợ Thái quyết định nhờ người quen tiện thể ghé vào nhà ông thầy hỏi thử. Ông thầy nhắn lại với mợ tôi là, có lẽ anh chị bỏ quên trên xích lô vì ở nhà thầy tìm không thấy. Ông thầy nhắn thêm, đừng lo, vài ngày tới người đạp xích lô thế nào cũng tìm tận nơi để trả lại. Và quả đúng thế thật, chỉ vài ngày sau, không biết bằng cách nào mà người đạp xích lô hỏi tìm được nơi ở của Cậu Mợ tôi ở phố Gia Ngư, trả lại chiếc mũ phớt mà Cậu tôi thường đội cùng chiếc khăn tay.   

Cậu còn kể cho tôi nghe về cái buổi chiều đáng nhớ, buổi chiều chia ly, cái buổi chiều khi hoàng hôn đã buông tràn phố cổ. Trên con phố nhỏ Cổ Ngư, Cậu tôi đã chia tay người vợ trẻ, mợ Quang Thái của tôi, cùng đứa con gái nhỏ chưa đầy tuổi, để cùng một nhóm thanh niên yêu nước sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tham gia hoạt động cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được khung cảnh của buổi chia ly mà Cậu tôi đã kể cho tôi nghe bằng một giọng trầm buồn: "Con cứ tưởng tượng đó là một con phố nhỏ, vắng vẻ, trời đã chạng vạng tối. Mợ thì bế Hồng Anh nằm vắt trên vai, hình như đang ngủ. Cậu và mợ cứ đi bên nhau như vậy, vừa đi vừa nói chuyện, không muốn để cho người đi đường để ý. Lúc sau thì mợ dừng lại vì phải quay về. Cậu vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, đi một đoạn lại quay lại nhìn, thấy mợ cứ ôm con đứng như vậy mãi. Cái hình ảnh ấy Cậu không bao giờ có thể quên đi được...". Có lẽ Cậu tôi cũng không thể ngờ rằng, đó là lần chia tay cuối cùng, đánh dấu một cuộc biệt ly đầy bi tráng! 

Tôi ngồi yên trên ghế, cứ để cho nước mắt chảy tràn. Sao lúc đó tôi cứ muốn chạy thật nhanh vào nhà tắm, đóng chặt cửa lại, và khóc thành tiếng thật to cho thỏa. Nhưng tôi vẫn cứ ngồi yên thế, như gắn chặt vào ghế, ngồi và ngắm nhìn Cậu tôi mãi không thôi. Không thể để Cậu tôi một mình vào lúc này...  

*Anh Diễu: Tôi cứ đoán là bác Nguyễn Chí Diễu.
*Đường Cổ Ngư: Tôi chỉ nghe một lần và sau này không hỏi lại nên không tin chắc vào địa danh này lắm. Không hiểu sao tên con đường này lại gây cho tôi ấn tượng mạnh đến thế.

CẬU TÔI
      PHẦN SÁU

Mấy hôm sau, xuất phát từ một ý tưởng ngồ ngộ, tôi xuống Chợ Mơ gửi xe máy rồi gọi một chiếc xích lô của một bác đã quá tuổi trung niên, nói với bác cho tôi đi theo đường Bạch Mai, ngược lên phía Phố Huế. Tôi nói bác xích lô cho đi thật chậm, cứ có ngõ là rẽ vào, đi hết ngõ lại quay ra, hết ngõ này đến ngõ khác, như đi tìm nhà người quen mà quên mất địa chỉ vậy. Trong tất cả các con ngõ đã đi qua, tôi có cảm giác như năm xưa, nhà ông thầy đồ mà Cậu Mợ tôi đã đến là ở trong ngõ Mai Hương. Đây là cái ngõ rộng và dài nhất so với tất cả các ngõ khác mà tôi đã qua trên Phố Bạch Mai. Hai bên ngõ, nhà cửa khang trang san sát, cư dân đông đúc ồn ào tấp nập. Không thể nào tìm lại được một chút cảm xúc dù nhỏ gọi là của Cậu Mợ tôi ngày xưa khi đi xích lô qua lối này. Ước muốn của tôi không thành, tôi đành bảo bác xích lô quay về.

Qua câu chuyện với bác đạp xích lô, tôi mới biết được vùng đất này sau giải phóng Thủ Đô năm năm tư, vẫn là vùng đất hoang cùng những mảnh rau ruộng lúa và nghĩa địa của những xóm dân quanh vùng. Rất có thể, cái ngõ mà Cậu Mợ tôi đã ghé vào nhà ông thầy đồ còn ở mãi trên kia, gần với Phố Huế hơn. Sau này tôi cũng chưa bao giờ kể lại cho Cậu tôi nghe về chuyến "trinh sát khảo nghiệm" thất bại của mình.

Vào một tối khi tôi lấy thuốc cho Cậu uống xong, tôi nán lại bên giường, nghe Cậu tôi kể thêm vài câu chuyện khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Khi Cậu tôi nhắc lại câu chuyện nhờ người tìm ông lang để chữa bệnh cho Bác Hồ khi Bác bị ốm nặng, tôi nói với Cậu là gần đây ngành dược đã cố công tìm hiểu và biết được, cái củ mà ông già miền núi đã sắc lên cho Bác Hồ uống chính là củ hà-thủ-ô trắng, dân địa phương thường gọi là củ mã-lì-nón, dùng trị bệnh sốt rét rừng rất hiệu nghiệm. Nghe thế Cậu tôi tỏ ra rất vui và lấy làm thú vị, Cậu tôi muốn biết là báo nào đã đưa tin này. Tôi không nhớ là đã đọc tin này trên tạp chí nào, Thuốc và Sức khỏe hay nguyệt san Xưa và Nay, tôi trả lời liều mạng là đọc được trên tạp chí Xưa và Nay. Thế là quả bóng đã được tôi liều lĩnh chuyền sang chân cầu thủ Dương Trung Quốc! Và cầu thủ này đâu biết rằng, người vừa chuyền bóng cho mình đã giấu kín trong lòng  những câu chuyện mà chỉ khi nào gặp nhau ở Cõi bên kia, anh ta sẽ post tiếp lên blog của mình, nếu quả thật bên kia có nối mạng, như các nhà ngoại cảm vẫn đồn đoán!

Qua các câu chuyện mà Cậu tôi kể, tôi mới biết là sau khi mợ Quang Thái hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò một thời gian khá lâu, Cậu tôi mới biết tin. Đó là vào một phiên họp tại Việt Bắc, tôi không nhớ Cậu tôi đã nói là phiên họp Chính phủ hay Quốc Hội, Cậu tôi ngồi cạnh bác Trường Chinh, và chính bác Trường Chinh đã nói cho Cậu tôi biết cái tin sét đánh đó. Quá bất ngờ, Cậu tôi choáng váng không hỏi thêm được câu nào. Sợ không nén được cảm xúc, Cậu tôi xin phép Chủ tọa phiên họp rồi lặng lẽ rời Hội trường đi ra phía vườn sau, tựa vào gốc cây cổ thụ, mãi hồi sau mới bình tâm trở lại.

Vào một ngày, có lẽ đó là ngày cuối tuần nên tôi có mặt trong Bệnh viện ăn trưa với Cậu tôi, đến chiều thì có chú Hoàng Tùng đến thăm. Trong những ngày điều trị trong Bệnh viện, đã có rất nhiều người đến thăm Cậu tôi. Từ bà con, người thân, bạn hữu đến các đồng chí lãnh đạo, nhưng tôi rất ít khi được chứng kiến, đơn giản là vì tôi chỉ có mặt vào ban đêm. Lần này được gặp chú Hoàng Tùng đến thăm Cậu tôi, tôi rất phấn khởi.

Thấy chú đi lại với những bước đi khó khăn, tôi ra cửa đón chú và dẫn chú đến ngồi vào ghế sa-lông. Tôi khoe với chú là tôi có biết Thắng, con trai của chú. Chú hỏi "Hai đứa học cùng à?". Tôi đáp "Dạ không, cháu biết Thắng khi chúng cháu cùng tập trung học chính trị và sau đó cùng nằm chờ ở Đoàn 871 bên Gia Lâm để đi làm NCS ở châu Âu". Chú nói "Thế à thế à!". Tôi quên không kể cho chú nghe là hồi đó, anh em rất hay trêu Thắng vì Thắng vui tính và kể chuyện tiếu lâm rất duyên. Dạo đó có Văn Liên người Diễn Châu, giáo viên cùng Khoa với tôi, hay nói với mọi người: "Nhớ nhường thằng này đi máy bay, đừng để nó đi tàu liên vận qua đất Trung Quốc, chúng nó mà phát hiện được chúng nó xẻo dái!". Lúc đầu tôi không hiểu giáp ất gì, nhưng sau Liên giải thích là "Bố nó là ông Hoàng Tùng, chỉ đạo mảng báo chí và truyền thông, Tàu căm ông này lắm". Vào thời kỳ đó, tình hình giữa mình và Trung Quốc căng như dây đàn, suốt ngày nghe hết chuyện lập phòng tuyến Như Nguyệt rồi lại các vụ người Hoa, biên giới Tây Nam ngày một nóng lên. Nhưng không mấy ai nghĩ đến là chiến tranh sẽ xảy ra. 

Một lát sau, Cậu tôi từ phòng ngủ đi ra, bắt tay chào chú Hoàng Tùng. Chú Huyên đi theo đằng sau, khoác thêm cho Cậu tôi một chiếc áo choàng mỏng. Tôi pha nước tiếp khách, nhưng chú H.Tùng bảo thôi, lấy cho chú một cốc nước lọc. Cậu tôi và chú Hoàng Tùng nói chuyện rất vui vẻ, thỉnh thoảng chú Huyên cũng góp thêm vào câu chuyện. Lúc sau, nghe cậu tôi nói "Anh còn nhớ chuyến công tác ba người ở Đồ Sơn không?". Chú Hoàng Tùng nói "Quên sao được anh, Bác bảo anh chọn người đi cùng làm thư ký, và anh chọn tôi, tôi đi ngay!". Cậu tôi nói: "Dạo đó anh còn nhớ mình có mang theo tài liệu gì tham khảo không, có bản đề cương nào không?". Chú Hoàng Tùng cười: "Làm gì có tài liệu nào, tôi nhớ chỉ có ba anh em trao đổi với nhau, rồi tôi chắp bút ghi ra giấy". Có lẽ Cậu tôi và chú Hoàng Tùng nhắc đến một bản Nghị quyết nào đó, đến cuối câu chuyện thì tôi được biết đó là Nghị quyết 15. 

Khi đứng dậy bắt tay từ biệt ra về, chú Hoàng Tùng tươi cười nói với Cậu tôi: "Không có Nghị quyết mười lăm thì anh vẫn là Võ Nguyên Giáp lừng lẫy năm châu, cả thế giới ai chẳng biết Võ Nguyên Giáp!". Cậu tôi nói: "Nhưng chúng ta cần sự thật!". Chú Hoàng Tùng nói: "Anh giữ gìn sức khỏe!". Chú Huyên nói: "Định đi cùng chú Hoàng Tùng ra tận xe nhé". Tôi thì mải nghĩ "Ông già này ăn nói hoa mỹ ghê, dùng đến cả lừng lẫy năm châu!". Sau này khi biết được chú đã từng là "trùm" tuyên huấn một thời, mới hết ngạc nhiên!

Tôi đi cùng chú Hoàng Tùng ra tận xe. Suốt một dãy hành lang rộng, thoáng và dài của A11, rồi chú dừng lại ở chiếu nghỉ cầu thang đứng thở đều chừng dăm phút, rồi đi tiếp ra xe, hai chú cháu không nói với nhau câu nào. Chú bước đi những bước chậm rãi, hơi khó khăn, nhưng xem ra vẫn còn vững chãi lắm!

Sau đó không biết qua ai nói, Cậu tôi biết được chú Nguyễn Côn cũng đang nằm điều trị ở đây, nằm cách mấy phòng, thế là "tổ chức" đến thăm. Cuộc thăm viếng kéo dài không lâu, vì lần đó chú Nguyễn Côn không được khỏe. Khi hai người chào nhau xong, chú Côn nói với Cậu tôi: "Báo cáo đồng chí, xin cho tôi được chuyển sang phòng khác, tiêu chuẩn của tôi không được sử dụng những thứ này". Nói rồi chú khua tay một vòng chỉ những trang thiết bị y tế hiện đại đặt ở trong phòng. Lúc đầu Cậu tôi và chú Huyên rất ngạc nhiên, nhưng sau nghe bác sĩ giải thích thì hiểu ra là chú Côn đang bị chứng giảm trí nhớ. Lạ lùng hơn là chú cứ khăng khăng khai tên tuổi quê quán chức vụ của mình bằng một cái tên lạ hoắc, nhưng lần nào nhắc lại cũng giống nhau. Điều đó đã làm cho các bác sĩ ở đây quan tâm để ý tìm hiểu. 

Mấy hôm sau gặp tôi ở cơ quan, Nguyễn Hoàng bạn tôi là con trai của chú có kể thêm là mấy hôm nay Hoàng vào chú cũng không nhận ra. Còn cái tên mà chú Côn nhắc đi nhắc lại, chính là tên của một thương binh nằm điều trị ở bệnh viện 108 này, và đã mất cách đây khá lâu. Thật là ly kỳ và hết sức lạ lùng. Nhưng cũng thật may mắn là sau một đợt điều trị dài ngày và tích cực, bệnh tình của chú Nguyễn Côn cũng khỏi, chú được xuất viện về nhà. Tôi báo tin đó cho Cậu Mợ tôi lúc đó đã về Hoàng Diệu, Cậu Mợ tôi rất mừng và nhờ chuyển lời thăm qua cháu Nguyễn Hoàng. 

Sau khi Cậu tôi xuất Viện về nhà, một tuần đôi ba lần tôi mới tranh thủ vào Hoàng Diệu thăm Cậu Mợ được. Và tôi bỗng nhận ra một điều, bên Cậu, bao giờ tôi cũng cảm nhận được sự yên bình và thanh thản nội tâm. Có người cho rằng đó là do tôi hợp vía với Cậu. Nhưng tôi thì nghĩ khác: Có lẽ đơn giản, vì Cậu là anh của Mẹ tôi!

CẬU TÔI
  PHẦN BẢY

Hằng năm, cứ vào Tiết Thanh Minh là cả nhà lại cùng Cậu tôi lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ mợ Quang Thái. Thông thường trước đó một hai ngày tôi lên Mai Dịch gặp anh Huấn để nhờ chuẩn bị trước một số thứ. Cũng không phải làm gì nhiều nhưng nếu có chuẩn bị trước thì vẫn hơn, khi cả nhà lên đến nơi thì những người già cả như Cậu Mợ tôi không phải chờ đợi lâu ở ngoài trời giá lạnh. Lần này, Cậu tôi muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch. Vậy là, theo sự phân công của chú Huyên, tất cả bắt tay làm công tác chuẩn bị và liên hệ với Ban Quản lý Khu di tích. Tôi đến gặp chị Dơn, phụ trách Khu di tích đặt vấn đề, chị tỏ ra rất phấn khởi và lên chương trình tiếp đón hẳn hoi. 

Đoàn đi thăm Khu di tích ngoài Cậu Mợ tôi và các anh chị, còn có anh Huân, anh Lợi, anh Hải và Long bạn của anh Biên. Long là người hết sức nhiệt thành mỗi khi nhà có việc cần giúp đỡ, đặc biệt Long còn là một trợ thủ đắc lực cho những người cao tuổi bởi vì hắn luyện được một số phương thức hỗ trợ người già cực kỳ hiệu quả. Tôi rất cảm phục Long.

Khi vào đến Khu di tích, chị Dơn đã chờ sẵn ở đó. Chị dẫn Cậu tôi cùng mọi người sang sân bên để thắp hương ở Đài tưởng niệm. Một khoảnh sân với khu vườn khiêm tốn cùng cụm Đài tưởng niệm với quy mô vừa phải, vậy mà vẫn tạo nên một không gian thiêng liêng đầy vẻ trân trọng. Trân trọng những giá trị lịch sử và trân trọng những người con đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Có lẽ bất cứ ai đến đây đều phải thầm cám ơn những cựu tù Hỏa Lò với Ban Liên lạc đầy trách nhiệm và những lão thành cách mạng đã đề xuất ý tưởng để lại một phần diện tích của số 2 Hỏa Lò cho Khu di tích bên cạnh dự án Tháp Hà Nội đồ sộ và hiện đại. Từ ý tưởng cho đến khi có được Khu di tích là cả một chặng đường cam go đầy trắc trở. Nếu không có tinh thần bảo vệ những giá trị lịch sử, không có sự kiên trì thuyết phục của các cựu tù Hỏa Lò, không có tiếng nói kiên quyết bảo vệ lẽ phải của các bậc lão thành cách mạng, chưa chắc đã có được Khu di tích Hỏa Lò như ngày hôm nay. Vậy mà tôi ngây ngô cứ tưởng đó là điều hiển nhiên!!

Cậu tôi đề nghị tất cả cùng chụp ảnh kỷ niệm ngay tại khoảnh sân dưới chân Đài tưởng niệm. Tôi đưa máy ảnh cho Long nhờ bấm hộ mấy kiểu, tôi muốn mình phải có mặt bên cạnh Cậu Mợ và các anh chị trong không gian thiêng liêng này.

Tiếp đến chị Doan dẫn đoàn vào thăm các phòng trưng bày bên trong Khu di tích. Ấn tượng nhất là chiếc máy chém được đặt ngay chính giữa phòng, bên cạnh là chiếc thùng to đùng đan bằng mây dùng để đựng xác tử tù sau khi hành hình, cạnh đó là một chiếc giỏ để đựng đầu lâu tù nhân sau khi xử chém, cũng được đan bằng mây. Chị Dơn tranh thủ giới thiệu nhanh một số dụng cụ tra tấn đã được sử dụng để tra khảo tù nhân trong nhà lao Hỏa Lò thời Pháp chiếm đóng.

Sau ít phút, chúng tôi đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn thì Mợ Quang Thái mẹ chị Hồng Anh đã từng bị giam cầm tại căn phòng này. Từ song sắt cửa phòng giam nhìn vào, hơi chếch sang trái là bệ xi măng dùng thay giường nằm cho các tù nhân. Trên bệ, các nữ tù bằng thạch cao kẻ nằm người ngồi với các tư thế khác nhau cực kỳ sinh động. Phía trong cùng, một nữ tù gầy gò đang cúi xuống với dáng vẻ ân cần, có lẽ chị đang chăm sóc cho một nữ tù chính trị vừa bị tra tấn trả về. Ngay chính giữa, một nữ tù đang nghiêng người tựa mình vào bạn tù ngồi cạnh, có lẽ họ đang truyền cho nhau chút hơi ấm còn lại trong cơ thể, và dặn nhau hãy vững vàng khí tiết!

Nếu bạn là người dễ xúc động và khó kiềm chế bản thân, tôi tin chắc rằng nếu bạn có mặt tại đây, bạn sẽ tìm mọi cách phá tung cửa sắt chạy vụt vào trong, đến bên cạnh những nữ tù và tìm cách giải thoát cho họ!

Trong lúc Mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của cánh cửa sắt, những bông hoa tươi rói mà chị Hồng Anh vừa mua sáng nay, thì Cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi-măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc.

Dưới đôi lông mày bạc trắng, ánh mắt Cậu trông thật huyền ảo, có cảm giác ánh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia!
Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái Cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là Cậu đang tìm chiếc khăn mùi-xoa mà trước khi lên xe Mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó, và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay Cậu. Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô dần những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt. Đứng ngay sau lưng Cậu, tôi nghiêng người tựa luôn vào tường, không kịp bấm máy ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động đó. Nếu không có Long cầm lấy tay và bóp chặt, có lẽ tôi đã bật khóc...   

Tất cả đứng lặng im nhìn vào phía trong phòng biệt giam, tạo thành một vòng cung phía sau lưng Cậu Mợ tôi. Bỗng Cậu tôi đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay, và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Chị Hồng Anh quay sang định nói gì đó với Cậu tôi, nhưng mãi chị không nói được thành lời...

Cuối cùng, giọng nói của chị Dơn cất lên đã làm tan bầu không khí im lặng tưởng như đang đặc quánh lại. Chị mời cả đoàn lên tầng trên thăm tiếp các phòng trưng bày khác của Khu di tích. Một tay vịn vào lan can cầu thang gỗ, một tay bám vào vai anh Lợi, từng bậc từng bậc một Cậu tôi từ từ bước lên tầng hai. Trong một căn phòng thoáng rộng, chung quanh tường treo đầy các khung chữ vàng ghi lại đầy đủ danh sách các cựu tù chính trị ở đây qua các thời kỳ, được xếp thứ tự theo từng tháng năm.

Lướt qua một lượt các bảng danh sách, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những cái tên quen thuộc của các chiến sĩ cách mạng, có những cái tên chúng tôi đã được học thuộc lòng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Với sự hướng dẫn của chị Dơn, chị Hồng Anh nhanh chóng tìm được dòng chữ ghi lại tên tuổi của người mẹ thân yêu: Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Tất cả cùng Cậu Mợ tôi và chị Hồng Anh chụp ảnh lưu niệm bên bảng danh sách này.

Xong xuôi, chị Dơn mời cả đoàn vào một văn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng trang trọng và ấm cúng. Trong lúc chờ Cậu tôi ghi lại những dòng cảm tưởng, tất cả ngồi quanh bàn và thưởng thức chén trà nóng chị Dơn mới pha. Đầu phía bàn đằng kia, Cậu tôi tay cầm bút, tay sửa lại mục kỉnh, ngồi lặng im một lúc, rồi cúi xuống và bắt đầu viết. Chị Hồng Anh đứng chênh chếch phía sau lưng, hơi nghiêng người, mắt dõi theo những dòng chữ đang dần hiện ra trên trang giấy, những dòng chữ chất chứa yêu thương và quý trọng đối với người Mẹ muôn vàn yêu dấu.

Đang viết, bỗng Cậu tôi dừng bút, tay lật nhanh trang giấy như tìm đọc những dòng vô hình phía đằng sau những con chữ vừa hiện lên. Mái đầu bạc trắng hơi cúi xuống, lặng im, rồi Cậu tôi giữ chặt chiếc khăn mùi-xoa trong tay, từ từ đưa lên lau khô những giọt nước mắt vừa trào lăn. Chị Hồng Anh vội nhoài người, nhanh tay đỡ lấy chiếc kính lão. Tôi lia nhanh ống kính, vội vàng ghi lại khoảnh khắc rưng rưng đó! 

Sáng hôm sau, cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ, thắp hương trên mộ Mợ Quang Thái và những người thân, có cả chị Dơn cùng đi. Chị Dơn tâm sự, trong suốt thời gian làm việc tại Khu Di tích Hỏa Lò, chưa bao giờ chị được chứng kiến một cuộc viếng thăm đầy ấn tượng và xúc động đến vậy. 

TẤN ĐỊNH

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

CẬU TÔI

CẬU TÔI
                    PHẦN MỘT

Phải nói ngay Cậu tôi là anh Mẹ tôi. Hầu hết các tỉnh miền Trung đều gọi anh hoặc em của mẹ là Cậu, khác với một số địa phương phía Bắc, anh mẹ thì gọi là Bác, chỉ có em mẹ mới gọi là Cậu. Cậu tôi sinh ra tại ngôi nhà này, ngôi nhà của ông bà ngoại của tôi mà mấy năm gần đây được phục chế lại, ngôi nhà mà ở đó mẹ tôi đã sinh chị cả của tôi, và là người cuối cùng rời căn nhà đó vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhiều người hỏi, nghe nói Cậu tôi sinh ra ở gốc mít ngoài vườn có đúng vậy không. Đúng là như vậy, theo lời kể của mẹ tôi thì do năm ấy nhà bị hỏa hoạn cháy rụi, ông ngoại tôi phải dựng tạm một mái lều dưới gốc mít phía trước sân làm chỗ tá túc. Và bà ngoại tôi sinh Cậu tôi trong cái lều đó. Năm đó là năm Hợi, cách nay gần tròn một thế kỷ. Khoảng tám chín năm về trước, trong một lần về thăm quê, Cậu tôi đã trồng lại một cây mít vào đúng chỗ gốc cây năm xưa.
Cậu tôi sống tình cảm, luôn mong muốn con cháu quây quần xung quanh, tôi cũng được hưởng lây mối quan tâm đó của Cậu tôi. Trong số các cháu, tôi là đứa có cái may mắn được gần Cậu tôi nhiều nhất. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc về điều đó và biết mình phải sống như thế nào để xứng đáng với tình thương đó.
Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn kể những chuyện của Cậu tôi cho các con nghe, lúc nào mẹ tôi cũng kể bằng một lối kể đầy cảm xúc và ấm áp lạ thường. Chuyện tôi nghe từ lúc còn bé tí và để lại ấn tượng mạnh nhất là lúc mẹ tôi vừa từ Hà Nội thăm Cậu tôi trở về. Mẹ kể cho chúng tôi nghe bác sĩ đã phẫu thuật những vết sẹo sau lưng Cậu tôi như thế nào, rồi họ "cấy phi-la-tốp" vào đó như thế nào, vân vân. Với đầu óc non nớt của những đứa trẻ như chúng tôi thì thấy rất ngạc nhiên vì cứ tưởng đã là chỉ huy to thì không bao giờ bị thương. Với lại lần đầu tiên được nghe những từ hiện đại như phi-la-tôp lấy làm rất chi là ấn tượng!
Chuyện nữa mà mẹ tôi hay nhắc đến là vào dịp Bà ngoại tôi mất, lúc đó Cậu tôi đang công tác ở Liên Xô. Đêm ấy Cậu tôi nằm mơ thấy Bà ngoại tôi bị đau ở vùng bụng, lại mơ thấy có máu. Thấy Cậu tôi luống cuống vì lo lắng, Bà ngoại tôi bảo "Con cứ đặt bàn tay con lên đây là hết đau". Đến đó thì Cậu tôi tỉnh giấc, thấy ruột như có lửa đốt, không thể nào ngủ được nữa. Đến sáng thì có người bên ĐSQ đến thông báo là Bà ngoại tôi bị bệnh nặng chắc khó qua khỏi. Thông báo thế nhưng thực ra Bà tôi đã qua đời tại Quân y viện 108 trước đó ít lâu rồi. Câu chuyện này lúc nào mẹ tôi cũng kể bằng một giọng rưng rưng.
Trước đây dạo còn học cấp 3 ở quê, tôi thường hay được xem những lá thư mà Cậu tôi viết về cho Mẹ tôi. Đó là những lần mẹ tôi mang thư cậu tôi ra đọc lại cho đỡ nhớ, hoặc thỉnh thoảng có các chú bộ đội đến nhà nằn nì mẹ tôi cho xem nét chữ của Thủ trưởng! Mẹ tôi cất giữ những lá thư đó cùng những kỷ vật của Bà ngoại tôi hết sức cẩn thận, coi như những bảo vật. Sau này, khi bom Mỹ đánh sập nhà tôi, ngôi nhà duy nhất trong xóm bị ba quả bom tọa độ phóng xuống trong đêm, tất cả những kỷ vật đó đều bị thiêu rụi. Mỗi lần nhắc đến, cả nhà tiếc đứt ruột.
Tôi không thể nào quên những ngày đầu mới vào quân ngũ. Từ đơn vị huấn luyện tân binh Cây số 20 Cầu Như Quỳnh, Hải Hưng, tôi được về Hoàng Diệu ngủ qua đêm để sáng sớm hôm sau có mặt tại C-47 Sân bay Bạch Mai. Tôi được bác Thiều bảo mẫu, và đã là một thành viên trong gia đình, thu xếp cho tôi ngủ một giường ở phòng của bác. Cậu tôi dặn, sáng mai nhớ gặp Cậu trước khi đến tập trung ở đơn vị mới. Sáng ra tôi dậy thật sớm, cả nhà vẫn chưa có ai dậy, tôi vận quân phục chỉnh tề, ba lô gọn gàng rồi ngồi đợi ở bậc tam cấp lên xuống ngay cạnh cửa sổ phòng ngủ của Bà ngoại tôi trước đây.

Mãi lâu sau thấy chị họ của tôi chạy ra bảo vào ngay vào ngay. Khi bước vào phòng làm việc của Cậu, tôi thấy Cậu đang hí hoáy viết gì đó trên bàn. Cậu ngẩng lên thấy tôi, vẫy tôi lại gần và đưa tặng tôi tấm ảnh chân dung của Cậu mặc quân phục, kiểu ảnh này tôi chưa được thấy lần nào. Cậu tôi chìa tay ra chạm vào bàn tay tôi rồi nói: "Nào, bắt tay cái nào! Cố gắng con nhé!". Tôi líu ríu vâng vâng dạ dạ rồi định cất ngay tấm ảnh vào ba-lô. Cậu tôi dịu dàng nói: "Con chưa đọc những gì Cậu ghi sau ảnh mà!". Tôi luống cuống lật đằng sau tấm ảnh và đọc được dòng chữ còn tươi nguyên nét mực "Tặng cháu Định. Hãy phấn đấu để trở thành Chiến sĩ Quyết thắng!". Ngay phía dưới dòng ghi ngày tháng là chữ ký của Cậu tôi, cái chữ ký mà không phải chỉ một mình tôi thích! Cậu tôi và chị họ tôi đưa tôi ra tận cửa, Cậu tôi còn dặn thêm: "Cố gắng con nhé!". 
Đó là hành trang vào đời của tôi!

CẬU TÔI
                  PHẦN HAI

Lại nói, tôi vào bộ đội, được điều về một đơn vị thuộc Quân chủng PKKQ, sau đó được đưa sang Liên Xô học ở một Trường quân sự. Theo tinh thần được phổ biến là để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, cả trên không và trên biển.

Trong một dịp hè được về nước nghỉ phép, chúng tôi tập trung học chính trị. Những ngày đó tôi ngủ cùng phòng với Hồng Nam, trai út của Cậu tôi. Giường ngủ phải kê lùi vào góc để dành nửa phòng còn lại cho các thiết bị liên lạc vô tuyến với dây nhợ dăng đầy.

Tối tối, sau những giờ làm việc căng thẳng, Cậu tôi thường ngồi vào chiếc dương cầm đen bóng đặt ở tầng hai, dạo một vài bản nhạc mà Cậu tôi ưa thích. Trong đêm thanh vắng, tiếng đàn êm ái du dương vọng xuống tận tầng một nghe mới bình yên làm sao. Bản nhạc mà mới nghe tôi có thể nói tên được ngay là bài Cây Trúc xinh, còn các bản nhạc cổ điển khác thì tôi chịu. Có một bản nhạc mà tôi rất thích nhưng chịu không biết tên, sau này hỏi mợ tôi, tôi mới được biết đó là bản Xô-nat Ánh Trăng.

Đang thiu thiu tôi bỗng giật mình vì tiếng "a-lô a-lồ" của chú Thìn đang trực máy nói chuyện với ai đó. Rồi chú chạy đi một lúc, có tiếng chuông reo ở gác hai, lát sau thì Cậu tôi xuất hiện. Cậu tôi ngồi vào chiếc ghế bọc đệm kê sẵn cạnh máy, cẩn thận áp sát tổ hợp vào tai, và lắng nghe. Nghe một lúc lại trao đổi một lúc, nói xong lại nghe, nghe xong lại nói. Qua cuộc hội thoại tôi đoán Cậu tôi đang nghe báo cáo tình hình mặt trận và đang trao đổi về một chiến dịch nào đó ở tận một nơi rất xa. Tôi giả vờ ngủ, còn tên Nam thì ngáy rất to vì suốt chiều đá bóng bên sân Cột Cờ.

Hình ảnh Cậu tôi nói chuyện với các chỉ huy ngoài mặt trận in sâu vào tâm trí tôi đến nỗi, mãi sau này khi đã được học thêm lên, suy nghĩ có phần sâu sắc hơn tôi bỗng nhớ lại hình ảnh ấy và ngẫm ra rằng, không một kẻ nào có thể khuất phục được một chủ nhân ông đánh bắt trộm ngay tại ngôi nhà của mình. Dù bọn trộm có ba đầu sáu tay, giỏi đào tường khoét ngạch thì cuối cùng vẫn bị chủ nhà tóm gọn!

Qua Nam tôi mới được biết là hàng ngày Cậu tôi làm việc ở Chỉ huy Sở, về nhà có chỗ làm việc ở hầm ngầm đề phòng máy bay ném bom, còn trong phòng Nam chỉ là bộ phận trực dã chiến về đêm.

Hè đó tôi được theo Cậu tôi xuống Đồ Sơn, Cậu tôi có khoảng một tuần làm việc căng thẳng tại đó. Cứ mỗi sáng sớm khi mặt trời còn chưa ló dạng và cuối chiều khi ánh nắng vừa tắt là Cậu tôi lại đi bách bộ dọc bãi cát ven biển. Buổi sáng có chú Thìn đi cùng, còn buổi chiều là tôi. Cậu tôi đi chân trần trên cát mịn, dáng ung dung thong thả, nhưng nhìn nét mặt thì như vẫn đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Tôi chỉ biết cắm cúi đi theo, tay cầm sẵn khăn mặt cho Cậu tôi để nếu cần thì lau mồ hôi, im thin thít không dám bắt chuyện.

Chỉ đến một chiều thấy Cậu tôi vui vẻ hẳn, tôi đoán là công việc đã được giải quyết xong, Cậu tôi chủ động bắt chuyện. Cậu hỏi tôi kết quả học tập, tình hình đơn vị và việc học chính trị trong dịp nghỉ hè. Thấy Cậu vui vui, lại còn hỏi trêu tôi là đã làm bản thu hoạch về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới" chưa, tôi mới thấy tự tin hẳn lên, tôi đánh bạo hỏi Cậu tôi về khái niệm 'chiến tranh cục bộ' mà ở trên lớp chúng tôi hiểu còn rất lơ mơ. Cậu tôi chăm chú lắng nghe và giải thích cho tôi bằng những ví dụ thực tế mộc mạc chân phương, nghe thật dễ hiểu và nhớ lâu. Cậu dặn tôi phải cố gắng học và học thật giỏi, phấn đấu còn năm cuối và luận án tốt nghiệp phải giữ cho được toàn điểm 5 vì Cậu tôi biết, những ai giữ được toàn điểm 5 trong suốt năm năm học sẽ được Huy chương Vàng. Đó là niềm vinh dự không những cho cá nhân học viên được nhận HCV mà còn là vinh dự cho cả đoàn Việt Nam nữa. Biết vậy nên ai cũng ra sức phấn đấu.

Sau này khi đã tốt nghiệp đi làm, rồi va chạm với cuộc sống đầy phức tạp có nhiều tiêu cực và bức xúc, về nhà tôi thường hay tâm sự với Cậu tôi. Cậu tôi nghe rất chăm chú, hỏi lại một số chi tiết cho rõ hơn, và thường cho chúng tôi những lời khuyên thiết thực. Lời khuyên mà chúng tôi thường được nghe nhiều nhất, và cố gắng thực hiện nghiêm túc, đó là nên mạnh dạn đóng góp ý kiến nhưng phải có tính tổ chức. Hiểu một cách nôm na là không được phát biểu lung tung, góp ý phải theo một kênh thông tin nào đó chính thống và phải được chuyển lên cấp cao hơn. Cho đến ngày nay, Cậu tôi vẫn là một tấm gương về tuân thủ tính tổ chức bất di bất dịch đó. 

Một trong những công việc đáng nhớ nhất là việc tiếp khách trong những ngày lễ trọng của Cậu tôi. Nhìn danh sách các đoàn ken kín lịch từng ngày đã thấy phát sốt, mà một đợt kéo dài dăm bảy ngày là chuyện thường, một năm có từ ba đến bốn đợt tiếp khách như vậy. Chúng tôi, những tên điếu đóm chạy lăng xăng vòng ngoài, khi mệt còn thay nhau nghỉ thế mà đến hết ngày còn phờ râu trê. Mới biết Cậu tôi với tuổi ngoài chín mươi đã có một sức chịu đựng áp lực làm việc phi thường và tuân thủ lịch trình tiếp khách một cách vô cùng nghiêm túc, không bao giờ có thể để xẩy ra tình trạng xuê xoa được.

Và còn tối đến, các buổi tối thường dành cho con cháu và những người thân trong gia đình. Cậu tôi rất quý các bạn của con, đặc biệt trong số đó có con của các bậc lão thành đã sớm khuất núi như chú Trần Đăng Ninh, Tướng Nguyễn Sơn, vân vân. Những lúc ấy tôi có cảm giác như không khí ấm cúng của một đại gia đình, không còn phân biệt khách chủ, không còn phân biệt đâu là con và đâu là bạn của con nữa. Một bầu không khí hạnh phúc ngập tràn căn phòng, ngập tràn ngôi nhà!

Cũng nhân một ngày lễ trọng như vậy, lúc khách khứa đã vãn, Thuận - một đứa cháu đồng hương bạn của tôi xin đọc một bài thơ mới làm tặng Cậu tôi. Đó là bài "Một chiều xuân" nói về cảm xúc của Thuận khi lần đầu tiên được gặp Bác ngay trong ngôi nhà ấm cúng này. Khi Hoàng Quang Thuận rưng rưng đọc đến câu "Tóc bạc trắng một thời binh lửa", tôi thấy Cậu tôi lặng đi vì xúc động. Còn tôi, lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc khó tả...

Rồi khi cảm xúc đó qua đi, lòng tôi lắng xuống, một nỗi buồn man mác chợt ập đến: Đâu chỉ có một thời binh lửa, ngay trong những ngày hòa bình đã im tiếng súng, tóc Cậu tôi còn bạc trắng bội phần...


CẬU TÔI
              PHẦN BA

Tôi đã có những hồi ức về Ba má nuôi của tôi, về Chị Cúc của tôi. Nhiều lúc tôi muốn viết về Ba Mẹ tôi, nhưng có lẽ để có được những hồi ức đầy đủ về ba mẹ đẻ của tôi, tôi cần phải có thêm hai cuộc đời nữa.

Thế còn để viết về Cậu tôi? Để viết về Cậu tôi, tôi cần phải có trên chục cuộc đời nữa. Nói vậy thôi, viết thì vẫn viết, nhớ gì thì viết nấy, viết lại những gì còn chưa kịp quên.

Khi nói về tình cảm đối với người thân và giá trị của người đó đối với bản thân mình, có ai đó đã nói: "Chính xác và trung thực nhất là khi người đó mất đi hoặc ốm đau". Nói thế thì đau quá, nhưng mà trên thực tế quả đúng như vậy thật!

Tôi sẽ dành một ít thời gian để nhớ về những ngày sức khỏe Cậu tôi không được như ý, phải nằm điều trị trong bệnh viện. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hốt hoảng đầy âu lo và cảm thương khi Cậu tôi bất ngờ lên một cơn đau bụng trong đêm ở tại khu nghỉ Đồ Sơn. Lần ấy chỉ có Nam và tôi được đi theo Cậu tôi, vì các anh chị đang học và công tác ở xa cả. Xuống Đồ Sơn lần ấy, kế hoạch của Cậu tôi là vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ làm việc. Còn Nam và tôi chỉ có ngủ, tắm biển và ăn, rồi lại ngủ, rồi lại tắm biển và bóng bàn. Chả có gì để làm, cũng chẳng có gì để chơi, vào cái thời đó.

Hàng ngày, Cậu tôi thường làm việc với bác Đặng Xuân Khu, nhà nghỉ của bác í cũng ở ngay cạnh, cách một cái sân và một khu vườn. Vì thế khi thì Cậu tôi sang nhà bác Xuân Khu, khi thì bác í sang bên này; mà bác í thích sang bên này ngồi trao đổi công việc hơn vì bên này nhiều gió, mát hơn. Bác í nói đùa với Cậu tôi "Anh Văn thu hết gió của tôi", rồi hai người cùng cười vui vẻ. Chưa bao giờ tôi thấy Cậu tôi vui và có một đợt vừa nghỉ vừa làm việc thoải mái như vậy.

Tuy nhiên, cũng chỉ hết được ngày thứ ba của đợt công tác thì xuất hiện biến cố. Hôm đó sau khi ăn tối xong, Cậu tôi ngồi vào bàn làm việc một lúc rồi bảo tôi buông màn để Cậu đi ngủ sớm. Khoảng gần nửa đêm thấy Cậu tôi trằn trọc khó ngủ, rồi Cậu tôi kêu đau lâm râm ở vùng bụng. Như thường lệ, những lần như vậy tôi thường lấy dầu khuynh diệp mang theo xoa cho Cậu tôi. Cậu tôi rất hợp với loại dầu này, và thường gọi là dầu tràm như trong quê người ta vẫn gọi. Nhưng lần này cơn đau không thuyên giảm, mỗi lúc mỗi đau hơn. Nhìn Cậu tôi cắn răng vật vã chịu những cơn đau dữ dội, người đẫm mồ hôi, tôi không chịu được. Bạn đã bao giờ có cái cảm giác muốn làm giúp người khác một việc mà không thể thực hiện được không? 

Tôi bảo Nam gọi ngay chú Ngà bác sĩ. Chú Ngà đến ngay tức thì, chú vừa khám cho Cậu tôi vừa hỏi: "Anh thấy đau nhất ở chỗ nào?". Cậu tôi chỉ vào vùng bụng bên phải, nhưng vì đang đau dữ dội, cái đau lan tỏa nhanh nên không thể chỉ chính xác được vị trí đau. Tôi nghe chú Ngà nói với chú Thìn: "Tôi nghĩ đến đau ruột thừa, nếu thế thì không được dùng giảm đau. Cấp cứu ngay!". Mới nghe đến hai tiếng "cấp cứu" tôi đã rụng rời chân tay, không hỏi thêm chú Ngà được câu nào.

Không thể ngồi đợi xe cấp cứu, phải đi bằng Von-ga, chú Thềm lái. Ngoài kia trực thăng bên Không Quân đã sẵn sàng ở sân bay dã chiến. Tên Nam bám theo trực thăng, còn tôi phải ở lại thu dọn đồ đạc. Đêm ấy là một đêm trắng. Tôi muốn các bạn được ở vào hoàn cảnh của tôi lấy một lần, các bạn sẽ biết được tâm trạng lo lắng bồn chồn khi người thân của mình bị ốm đau là như thế nào.

Sáng hôm sau mới có một chiếc com-măng-ca hốt tôi cùng đồ đạc tư trang chở về Nhà khách Hải Quân, rồisau đó về nhà chú Trà, chú Hoàng Trà bố dượng của Đỗ Quang Việt bạn tôi. Không nhớ lúc đó chú Trà là Đô đốc hay Chính ủy gì đó. Ở đấy để chờ tin tức từ Hà Nội, không dám trốn về với Má tôi và út Hải, mặc dù nhà Má ở cách đó không xa.

Mãi sáng hôm sau có người của BTL Hải Quân về Hà Nội họp tôi mới được đi nhờ xe và được thả xuống Hoàng Diệu. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã được về đến nhà một cách thuận lợi, lo vì chưa biết bệnh tình của Cậu tôi ra sao. Nhưng cũng chỉ vài tiếng sau là có tin tức báo về: Cậu tôi có vấn đề về túi mật, và đã được đưa sang Liên Xô để phẫu thuật. Đến lúc đó mới thấy yên tâm được phần nào.

Sau khi điều trị ở Liên Xô về, Cậu tôi phải nghỉ làm việc để điều dưỡng một thời gian, và sức khỏe dần dần bình phục. Cậu tôi phải theo chế độ ăn kiêng và tập các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, ngâm mình và bơi nhẹ ở trong bể tắm. Các bác sĩ hết sức ngạc nhiên về quá trình hồi phục rất nhanh của Cậu tôi, họ nói quả là kỳ diệu!

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, hay Tổ Tiên nước Việt cùng Hồn Thiêng Sông Núi đã cho Cậu tôi hồi phục nhanh để kịp cùng với quân dân cả nước kết thúc cuộc chiến tranh Vệ Quốc vào Mùa Xuân năm sau? 
Có thể như vậy lắm chứ!

CẬU TÔI
       PHẦN BỐN

Lại một lần Cậu tôi phải nhập Viện 108. Cú ngã sơ sơ nhưng đối với người cao tuổi thật không sao lường hết được. Còn nhớ hôm đó Cậu tôi đang tập bài tập dưỡng sinh của Cụ Song Tùng, vừa tập vừa lẩm nhẩm đếm để luyện trí nhớ. Vừa lúc đó thì con Giôn, con Cún mà Ti và Bi vẫn chăm bẵm cứ muốn chạy đến bên Ông, Ông bước lùi vài bước để tránh, và thế là ngồi bệt vào chậu cây phía sau lưng. Cú ngã ngồi bình thường, rất may là có cái cây đằng sau đỡ lấy lưng và đầu, hú vía. Vậy nhưng đến tối thì Cậu tôi bắt đầu thấy đau ở vùng thắt lưng, rồi cứ thế đau dần lên cả cột sống. Cả nhà ra quyết nghị, thôi cứ phải vào Viện cho yên tâm. Vậy mà phải nằm cả tháng trời cơ đấy. Đúng là với người già, không thể nào nói trước được điều gì.

Suốt cả ngày lẫn đêm, hầu như lúc nào cũng có mặt bác sĩ hoặc y tá, hộ lý của Bệnh viện. Chỉ đến bữa ăn là cần có người nhà ngồi ăn cùng, để tạo không khí thôi chứ Cậu tôi tự túc được hết, chưa cần phải làm thay một việc gì. Đến việc lấy thuốc đánh răng từ trong tuyp ra bàn chải, hay vò khăn mặt bằng xà phòng, nếu tôi nhỡ thò tay vào và nói "Để con làm cho", thì y như rằng bị gạt ra ngay. Người già muốn khẳng định năng lực hành động của mình trước con cháu, rằng mình vẫn tự làm lấy được tất cả! Những lúc ấy tốt nhất là đến đứng thật im ở phía ngoài cửa toilet, tập trung lắng nghe từng tiếng động nhỏ ở bên trong, và với tư thế luôn luôn sẵn sàng!

Ban ngày thì Mợ tôi hoặc các anh chị thay nhau vào với Cậu tôi. Chỉ có buổi tối, vì nhà gần Bệnh viện nên tôi được đặc cách đảm đương ca này. Sau bữa tối, Cậu tôi thường theo dõi chương trình thời sự trên TV từ đầu cho đến cuối, nói chuyện vui gì đó với các con các cháu vào thăm, xong là lên giường nằm theo lời khuyên của bác sĩ. Những lúc đó Cậu tôi rất thích nghe một vài bản nhạc cổ điển, những bài hát về Hà Nội, đặc biệt là đĩa CD do Phương Tâm mang vào cho Ông ngoại, Cậu tôi nghe đi nghe lại không biết chán, thích nhất vẫn là bài "Hà nội đêm trở gió". Có mấy chỗ không rõ lời, Cậu hỏi tôi tôi cũng chịu không trả lời được, hôm sau đành phải tìm tra sổ bài hát.

Cũng có những tối Cậu tôi không nghe nhạc mà dành thời gian nghe một vài kênh đài nước ngoài, khi thì kênh phát tiếng Việt khi thì kênh nói tiếng Pháp. Đó là những hôm, thông qua chương trình truyền hình, hoặc qua báo cáo cập nhật thông tin trong ngày của Ban thư ký, Cậu tôi muốn nghe để biết rõ hơn các sự kiện quan trọng xẩy ra ở các nước, hoặc muốn nghe các nước nói về Việt nam.

Có lần kiếm được tập bản thảo hồi ức của chú Trần Quỳnh, tôi đọc cho Cậu tôi nghe thử mấy trang, nghe thấy thú vị và có đoạn còn gây buồn cười nữa, Cậu tôi muốn nghe đến hết. Thế mà tôi đọc cũng phải mất mấy đêm mới hết, mỗi đêm một ít. Có đoạn thấy hay hay, Cậu tôi bảo tôi đọc lại cho Cậu nghe, nghe xong Cậu tôi cười và nói "Hay nhỉ, buồn cười nhỉ!". Đó là đoạn chú Quỳnh gặp chú Sáu Dân trao đổi tâm sự gì đó, khi nói về Cậu tôi thì chú Sáu Dân nói với chú Quỳnh "Tôi tưởng thế nào té ra kiến thức quân sự cũng chỉ là con số không to tướng". Cậu tôi cười bảo "Cái cậu này khéo mượn lời thật" rồi bảo "buồn cười nhỉ". Còn tôi tôi thấy chả có gì buồn cười cả!

Cứ say sưa đọc rồi bình như vậy, thời gian bao giờ cũng trôi nhanh hơn. Chỉ đến khi cô hộ lý vào và giơ một ngón tay lên, ý nói một xíu nữa thôi nhé, đến giờ bác phải ngủ rồi đấy, hai Cậu cháu mới thôi. Lúc đó tôi bắt đầu buông màn, giém màn cẩn thận, ngồi lại ở ghế bên giường Cậu một lúc, chỉ khi thấy Cậu tôi nằm im và thở đều, tôi mới yên tâm ra về. Phòng ngoài, lúc thì có anh Lợi, lúc thì có bác sĩ Nhựa, bác sĩ riêng của Cậu tôi, ngủ lại.

Rồi cũng đến một hôm, chú Huyên bắt gặp tôi đang đọc "chuyện vui" của chú Trần Quỳnh cho Cậu tôi nghe, chú tảng lờ như không biết gì. Nhưng trưa hôm sau gặp tôi ở Hoàng Diệu, chú hỏi tôi mượn được tài liệu đó ở đâu. Tôi nói với chú là "thằng Đức Trung cho cháu mượn, nó cùng đơn vị với cháu mà, hai thằng chơi thân với nhau mà". Chú hỏi "Đức Trung có dặn gì không?", tôi nghĩ chú Huyên thật tinh ý, tôi trả lời chú: "Nó nói, tao đọc một đoạn thấy chẳng hay lắm, tao bảo với ông già "Bố nghỉ cho khỏe, viết mấy cái này làm gì cho mệt", thế mà ông già cũng cố viết bằng xong, mày đọc thử xem, nhưng không được phô-tô đâu đấy. Đừng cho đứa nào mượn!". Chú Huyên nghe xong im lặng một lúc rồi chú nói: "Chú cũng có một bản trong cặp, định lúc nào đó rồi cho Cậu cháu xem, nhưng không phải lúc này. Lần sau, những việc như thế này phải hỏi ý kiến chú, nghe chưa!". Tôi vâng dạ liên hồi. Chú dặn thêm "Xong trả nó ngay, đừng phô-tô thêm". Tôi hứa với chú sẽ trả thằng Trung ngay, vậy mà trước khi trả nó, tôi còn kịp phô-tô trộm một bản mang về cho Ba tôi để đọc cho các cụ trong tổ hưu nghe. 

Tôi quên chưa kể về một vài thói quen trước khi ngủ mà Cậu tôi vẫn thường dạy tôi, đó là lau mắt bằng nước muối y tế và xoa chân tay trước khi ngủ. Lau mắt nước muối thì không có gì đáng nói, đáng nói là cách xoa hai lòng bàn tay và hai gan bàn chân với nhau, xoa đều khoảng dăm bảy phút trước khi ngủ. Làm được như vậy một cách đều đặn, khí huyết sẽ lưu thông, giấc ngủ đến nhanh, và ngủ sẽ ngon hơn, sâu hơn. Tôi hỏi Cậu "Cậu đọc được cái này ở đâu?". Cậu tôi bảo "Đây là ông ngoại con dạy Cậu từ hồi còn bé". Tôi bảo "Từ dạo ấy mà ông đã bắt Cậu tập khí công thế này rồi sao? Ai cũng phải tập thế này sao?". Cậu tôi nheo mắt hóm hỉnh rồi cười, với nụ cười rất hiền, nói: "Bình thường thôi mà con. Ở quê người ta không gọi là tập khí công, mà bảo là xoa sạch chân trước khi lên giường, ở quê mình toàn đi chân đất mà con, làm gì có guốc dép. Mùa lạnh mà xoa tay xoa chân như thế thì người ấm dần lên, dễ ngủ hơn con ạ". À ra thế!

Nghe lời Cậu, và cái chính là cũng muốn có được sức khỏe dẻo dai như Cậu nên tôi vận dụng ngay bài tập xoa tay xoa chân trước khi ngủ. Hiệu nghiệm thật. Và thế là tôi kiên trì kéo dài bài tập đâu được khoảng hai tuần, sau đó thì...quên luôn. Đến bây giờ viết về Cậu tôi, tôi bỗng nhớ lại, có lẽ lúc nào đó cũng phải bắt đầu tập lại thôi, nếu muốn mình cũng trường thọ!

Các bạn đã bao giờ ngồi nhìn ông bà hoặc bố mẹ mình lúc về già nằm ngủ chưa? Tôi tin chắc rằng nếu có thì những lúc đó chính là những giờ phút hạnh phúc nhất trong đời bạn!

(Còn nữa)