Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

CHỊ HỒNG MINH

CHỊ LÀ HỒNG MINH

Khuya rồi. Quá nửa đêm rồi. Mãi mà không ngủ được, mai là tròn chín năm Mẹ đi xa. Nhớ Mẹ quá chừng...

Không ngủ được, hết nghiêng đầu sang bên này lại nghiêng sang bên kia. Cứ mỗi lần nghiêng đầu áp tai xuống gối là lại nghe rõ tiếng con tim đập thình thịch, lanh chanh, vội vàng. Không hiểu vội đi đâu mà nó đập nhanh thế không biết, có lẽ phải trên một trăm vòng phút chứ chả ít. Từ bé đến giờ nó đều đập nhanh như thế, thử uống vài viên hạ nhịp là người lâng lâng không chịu được. Thôi thì sống chung với nó vậy.

Nhân chuyện tim đập nhanh chậm lại nhớ đến Chị. Một hôm nhân nói chuyện sức khỏe, mới hỏi chị về nhịp tim, bảo tim em bình thường nó phi nhanh như ngựa, cứ gần một trăm vòng phút, liệu có sao không? Chị cười thật hiền rồi nói: "Nhịp tim của chị thì ngược lại, nó đập chậm lắm, trung bình chỉ đập ba lăm, ba sáu lần phút, thậm chí có hôm nó xuống còn ba tư. Đi khám, bác sĩ chủ nhiệm khoa tá hỏa, giữ chị nằm viện để điều trị. Họ dùng thiết bị điều hòa nhịp tim cho chị. Nhưng cứ mỗi lần nâng nhịp tim lên gần năm mươi là chị không chịu nổi, người lâng lâng như say sóng Côn Đảo. Sau đó họ đành dẹp máy và cho chị xuất Viện". Chị kể tiếp, cho đến bây giờ nhịp tim của chị cũng vẫn chưa đến bốn mươi, chị vẫn thấy bình thường, có sao đâu! Rồi chị kết luận: "Nhanh chậm thì quan trọng gì, miễn là nó còn đập"!

Chuyện về chị thì nhiều lắm chứ không phải chỉ có chuyện nhịp tim. Mình biết chị từ ngày còn bé, từ ngày học lớp Năm ở trường Lê Ngọc Hân. Lần đầu tiên mình gặp chị là ở nhà Cậu trên phố Hoàng Diệu. Chị đi đâu là mình lẽo đẽo theo đó, đi theo cốt để được nghe chị nói tiếng Nam Bộ, lúc đó còn rất lạ lẫm và hấp dẫn đối với một đứa trẻ như mình.
Trước đó ít lâu chị đã nổi tiếng, nổi tiếng vì đã có một quyển sách nhỏ viết về chị, một quyển sách dành cho thiếu nhi. Trong chuyện, chị là một cô bé mới từ miền Nam khói lửa vượt tuyến ra Bắc, được các cô các chú cho đi chơi tham quan phố phường Thủ Đô, và chị rất thích màu Đỏ. Mua sách chị cũng thích sách bìa đỏ. Mua vải để may áo quần chị cũng chỉ vào cuộn vải mẫu màu đỏ bày trong tủ kính. Sau này mình hỏi chị có đúng như vậy không, chị chỉ cười bảo là không nhớ. Rồi chị hỏi lại mình: "Mà có quyển chuyện ấy thật hả em?". Vậy là chị cũng không biết rằng có nhà văn nào đó đã từng viết về chị.

Trưa đó ngồi ở nhà chị, hai chị em mỗi người ăn tạm một bát hủ tiếu mà chị vừa gọi rồi người ta mang đến tận nhà. Ăn xong, bảo tôi ngả lưng tạm nghỉ ở đi-văng, còn chị vẫn ngồi đó, xem đi xem lại tập ảnh tôi chụp ngôi mộ của Ba chị ở Côn Đảo mà tôi vừa có chuyến thăm ở đó về. Lần ấy, biết tôi sắp ra thăm Côn Đảo, chị dặn nhớ chụp cho chị mộ của Ba, mà phải chụp ở nhiều góc độ khác nhau, còn cái bia mộ thì nhớ chụp cận cảnh, nhớ chụp cả tấm bia mà các cựu tù Côn Đảo dựng cho Ba chị nữa. Chị dặn thế vì mấy năm trở lại đây sức khỏe của chị sút giảm, chị không thể ra Côn Đảo viếng mộ ba chị được nữa. Và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với sự trợ giúp đắc lực của hai nhiếp ảnh gia nghiệp dư là Thái Lê Thắng và Phạm Việt Trung.

Cứ mỗi lần đến thăm chị là mỗi lần chị dành cho tôi một sự ngạc nhiên. Khi thì chị kể về những năm tháng xa xưa, thời chị còn nhỏ và sống cùng ba má nuôi của chị. Khi thì chị say sưa kể chuyện các nhà ngoại cảm đã tìm ra nơi chôn cất thi hài mẹ chị ở giữa một vườn hoa lớn của thành phố như thế nào.  Khi thì chị đề cập đến nhiều tư liệu giá trị về người Cha vô cùng yêu quý mà chị đã dành ra hàng tháng trời để nghiên cứu, sưu tầm và sao lục ở Thư viện Thành phố và cả ở Kho lưu trữ các tư liệu về lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngạc nhiên nhất là khi chị kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về Cô Lài, mẹ tôi. Hóa ra trong thời gian tôi còn học ở nước ngoài, chị làm việc ở một cơ quan Trung ương tại Hà Nội, và thường xuyên đến thăm mẹ tôi ở nơi sơ tán thuộc một vùng ngoại thành. Trước đây tôi không nghĩ là chị biết về Mẹ tôi nhiều đến thế.
Lần nào cũng vậy, mỗi khi chia tay chị đều tiễn tôi ra tận đầu phố. Và lần nào cũng như lần nào, dù vội đến mấy cũng phải dành ít phút để nghe chị dặn dò. Lần nào chị cũng dặn về đến đơn vị nhớ gọi báo cho chị để chị yên tâm. Hơn nữa, có lẽ đứng ở góc phố này hai chị em sẽ nhìn rõ hơn đường phố to đẹp tấp nập người đi lại phía đằng kia, đường phố mang tên người Mẹ yêu quý của chị - đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Chị là Hồng Minh. Tên chị được ghép bởi tên đệm của Ba Mẹ chị, hai chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét