Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

ĐI TÌM MẸ

ĐI TÌM MẸ

Đó là chuyện thằng Huệ, cả lớp gọi nó là Huệ "bạc", cũng chả hiểu xuất xứ từ đâu mà ra cái chữ "bạc" nữa. Gọi quen rồi thì cứ thế mà gọi thôi. Có đứa bảo vì tóc nó bạc. Cóc phải, tóc bạc là sau này cơ, còn cái dạo đang cấp 1 cấp 2, rồi đá bóng chơi khăng ở sân câu lạc bộ Lao Động thì bạc đâu mà bạc!
Hôm nọ đứng tán chuyện với nó, nó bảo đêm qua tao mơ thấy giấc mơ lạ lắm, y hệt giấc mơ mà mẹ tao mơ thấy trước khi cụ đi. Tôi hỏi, bà đi đâu? Huệ bảo: - Lên Bất Bạt. Từ lúc tỉnh giấc đến giờ tao không tài nào ngủ lại được, tao thấy hoang mang, rồi gọi cho mày.
Huệ kể, hôm ấy trong bữa cơm bà kể cho cả nhà nghe là đêm qua bà mơ thấy những gì những gì, mơ mà như thật, rồi bà nói: - Sáng mai Huệ đi với mẹ về quê thắp hương cho ông bà, con chuẩn bị các thứ rồi cho vào ba-lô, nhé!
Tôi hỏi, quê mày ở đâu? Huệ bảo Thanh Hóa. Ôi trời đất ơi, thế mà lâu nay cứ tưởng Huệ bạc quê Hà nội, vì bảy tám anh chị em nhà nó đều quanh quanh mấy khoảnh đất rộng thênh thang bên bờ sông Hồng này cả. Ai ngờ ông bà già nhà nó mới mang cả nhà ra đây sau năm năm tư.
Huệ kể, chuyến đó về quê thăm mồ mả ông bà, thắp hương nhà thờ họ, thăm bà con nội tộc rồi quay trở ra. Hỏi mẹ mệt không, bà bảo về quê vui lại thực hiện được ước muốn lâu nay nên thấy người khỏe ra. Vậy mà chỉ sau đó hai ngày, mẹ tao nằm ngủ rồi không bao giờ dậy nữa. Mày có nghe tao kể không đấy, sao mày lại quay mặt đi, hả?
Huệ kể, bà ra đi nhanh quá, đột ngột quá nên tao không nghĩ là mẹ tao chết rồi. Lúc nào tao cũng có cảm giác là mẹ tao đi đâu đó chắc lát nữa sẽ về thôi. Rồi đến cái tết năm đó cũng vậy, đến chiều tối ba mươi rồi mà mãi không thấy mẹ tao về, sốt ruột quá tao mới trốn cả nhà đạp xe lên phía Sơn Tây. Tôi hỏi nó mày đi Sơn Tây làm gì, Huệ bảo lên đó rồi đạp tiếp sẽ đến Bất Bạt. Thế là nó đạp, đạp miết.
Dọc đường xe hỏng, rơi mất pê-đan không đạp được nữa. Tao ngồi trên yên rồi lấy chân chọi chọi cho nó đi, chán thì xuống dắt bộ, mỏi thì lại ngồi lên yên chọi chọi, trời rét thế mà lưng áo đẫm mồ hôi. Mãi rồi cũng tới nơi, trong mấy phòng của căn nhà Ban quản lý Nghĩa trang đèn vẫn sáng mà chẳng một bóng người. Chắc họ về nhà đón giao thừa giờ này chưa có ai đến. Cổng nghĩa trang khóa chặt. Tao dựng xe phía ngoài rồi trèo tường vào bên trong. Trời tối thế mà cứ như có ai dẫn lối, tao cứ thế đi vào khu mộ chí, lách ngang lách dọc rồi trèo qua mấy cái mộ chắn đường thế là tìm được mẹ tao.
Huệ lặng đi một lúc rồi kể tiếp, nó bảo tao mệt quá mỏi quá cả đói nữa tao liền ngồi bệt xuống cạnh mẹ tao, rồi tao nằm nghiêng sát cạnh mẹ tao luôn. Tao bảo mẹ ơi sao tết này mẹ không về gói bánh chưng với con, con nhớ mẹ lắm, con đạp xe lên với mẹ mà con đi vội con không kịp mang hương để thắp cho mẹ, mẹ ơi mẹ nghe con nói không đấy, mẹ ơi...
Tôi hỏi, tết ấy là tết nào, vào năm nào vậy. Huệ bảo cũng lâu lắm rồi, dạo ấy hai thằng út của tao cũng lớn rồi mà, chúng nó lên Nhật Tân mua quất được rồi mà. Nhà thì có xe máy nhưng dắt ra sẽ bị lộ, với lại mấy đứa con gái chúng nó không cho bố đi vào tối ba mươi đâu, đi đâu cũng không cho đi, phải ở nhà để vớt bánh chưng giúp chúng nó. Lúc đó tao mới lấy cái xe đạp đang dựng ngoài sân tao trốn đi luôn.
Tôi bảo đứa nào đến Tết cũng nhớ bố nhớ mẹ, nhưng chưa thấy đứa nào nhớ đến mức điên rồ như mày. Huệ bảo tao là út mà, từ bé đến lớn tao toàn sống với mẹ tao, Tết nào mẹ tao cũng làm cỗ rồi bắt tao bưng lên bàn thờ mà...
Thằng Huệ thao thao kể về chuyện đi tìm mẹ nó, còn mình thì đứng cạnh nó mà đầu óc cứ nghĩ về mẹ mình. Giờ mà đi tìm mẹ thì mình sẽ đi về hướng nào... Huhu

TẤN ĐỊNH
------
Nhà Huệ "bạc" ở ngay cuối đường Vạn Kiếp, gần ngã ba vào Chợ.

Hình ảnh có liên quan

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

ANH NHỚ VỀ LỆ THỦY


ENG DỚ VỀ LỆ THỦY
Eng về Lệ Thủy chưa eng,
Lâu ni Út cứ để đeèng riệu ngon.
Rào miềng cá mú nỏ còn,
Dái thì cũng ít huống con ết bà !
Tắn ngoài roọng tìm khôông ra
Nên chi muốn dậu phải qua chợ tìm !
Còn mô eeng, lúc mùa chim,
Ui chao dớ lại bựa rim bựa xào!
Dắc lại béng sắn năm nao
Eng tam miềng khổ lao đao giêng về !
Thương đứt rọt, mạ ở quê
Cứ dắc eng mãi - “hắn về chưa bây” ?
Rứa răng đoạn tháng đoạn ngày,
Bỏ làng, bỏ nác, chim bay bời bời !
Dịp cầu côi Troóng chơi vơi
Chờ chi chờ mãi chưn người đi xa...
Thương làng thương nác thì ra,
Eng tam thăm gặp mạ tra một lần,
Quê hương cắt rún tình thân,
Mần răng cũng gắng một lần nghe eng!

Sưu tầm trên trang Lệ Thủy Quê Miềng


Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

BÊN BẾN SÔNG THÔN

BÊN BẾN SÔNG THÔN

Ngày về đến bến sông thôn
Chị tôi đã khuất, Vong hồn vẫn kia
Hỏi cây, lá đổ lia thia
Hỏi người, nước mắt đầm đìa. Lặng thinh...
Mảnh bom găm thẳng bên tim
Máu đầm đìa máu... Tôi tìm chị tôi
Lặng im nhìn bến sông trôi
Nhớ về một thuở, bồi hồi đã xa
Mơn man làn gió lướt qua
Lùa ngang mái tóc như là...dỗ em
Chị về, trong giấc đêm đêm
Nhìn em... lưu luyến bên thềm. Rồi đi...
Tấn Định

Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và nước

NHỚ VỀ NGHE CHỊ

CHIỀU NAY CHỊ VỀ NGHE CHỊ
Chiều mẹ sinh em chị về được không
Chị vẫn Lộc Ninh hay đã trong Đà Nẵng
Về chị nhé, cao lá vằng đăng đắng
Chị về pha cho me uống "nằm nơi"
Chị vừa hỏi gì?
Chiều mới đẻ chị ơi
Chị nhớ về ngay đặt tay lên bụng mẹ
Em sẽ quẫy hai chân, chị thấy không, nhè nhẹ
Con trai mà, em chỉ đạp thế thôi
Chiều nay chị về chị nhớ thổi xôi
Sinh em xong, cho me ăn ấm bụng
Còn chị bế em, chị ru chị nựng
Rồi chị nghĩ xem đặt cho nó tên gì
Chị nhớ đấy,
Chị không về là em cứ nằm lì
Cho họ trêu me là 'chửa trâu'. Kệ chị!
Em mong chị từ bây giờ, chị hí
Ba dắt xe rồi kìa
Chị ôm bọc tã lót chạy theo sau...
Nhớ chị quá,
Thằng em của chị
-----
PS.- Chị nhớ không, má sinh Út Hải cùng ngày với mẹ đẻ em đấy. Chỉ cách nhau hơn chục năm thôi, phải không Chị?


Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

ĐI TÌM MẸ

ĐI TÌM MẸ
Đó là chuyện thằng Huệ, cả lớp gọi nó là Huệ "bạc", cũng chả hiểu xuất xứ từ đâu mà ra cái chữ "bạc" nữa. Gọi quen rồi thì cứ thế mà gọi thôi. Có đứa bảo vì tóc nó bạc. Cóc phải, tóc bạc là sau này cơ, còn cái dạo đang cấp 1 cấp 2, rồi đá bóng chơi khăng ở sân câu lạc bộ Lao Động thì bạc đâu mà bạc!
Hôm nọ đứng tán chuyện với nó, nó bảo đêm qua tao mơ thấy giấc mơ lạ lắm, y hệt giấc mơ mà mẹ tao mơ thấy trước khi cụ đi. Tôi hỏi, bà đi đâu? Huệ bảo: - Lên Bất Bạt. Từ lúc tỉnh giấc đến giờ tao không tài nào ngủ lại được, tao thấy hoang mang, rồi gọi cho mày.
Huệ kể, hôm ấy trong bữa cơm bà kể cho cả nhà nghe là đêm qua bà mơ thấy những gì những gì, mơ mà như thật, rồi bà nói: - Sáng mai Huệ đi với mẹ về quê thắp hương cho ông bà, con chuẩn bị các thứ rồi cho vào ba-lô, nhé!
Tôi hỏi, quê mày ở đâu? Huệ bảo Thanh Hóa. Ôi trời đất ơi, thế mà lâu nay cứ tưởng Huệ bạc quê Hà nội, vì bảy tám anh chị em nhà nó đều quanh quanh mấy khoảnh đất rộng thênh thang bên bờ sông Hồng này cả. Ai ngờ ông bà già nhà nó mới mang cả nhà ra đây sau năm năm tư.
Huệ kể, chuyến đó về quê thăm mồ mả ông bà, thắp hương nhà thờ họ, thăm bà con nội tộc rồi quay trở ra. Hỏi mẹ mệt không, bà bảo về quê vui lại thực hiện được ước muốn lâu nay nên thấy người khỏe ra. Vậy mà chỉ sau đó hai ngày, mẹ tao nằm ngủ rồi không bao giờ dậy nữa. Mày có nghe tao kể không đấy, sao mày lại quay mặt đi, hả?
Huệ kể, bà ra đi nhanh quá, đột ngột quá nên tao không nghĩ là mẹ tao chết rồi. Lúc nào tao cũng có cảm giác là mẹ tao đi đâu đó chắc lát nữa sẽ về thôi. Rồi đến cái tết năm đó cũng vậy, đến chiều tối ba mươi rồi mà mãi không thấy mẹ tao về, sốt ruột quá tao mới trốn cả nhà đạp xe lên phía Sơn Tây. Tôi hỏi nó mày đi Sơn Tây làm gì, Huệ bảo lên đó rồi đạp tiếp sẽ đến Bất Bạt. Thế là nó đạp, đạp miết.
Dọc đường xe hỏng, rơi mất pê-đan không đạp được nữa. Tao ngồi trên yên rồi lấy chân chọi chọi cho nó đi, chán thì xuống dắt bộ, mỏi thì lại ngồi lên yên chọi chọi, trời rét thế mà lưng áo đẫm mồ hôi. Mãi rồi cũng tới nơi, trong mấy phòng của căn nhà Ban quản lý Nghĩa trang đèn vẫn sáng mà chẳng một bóng người. Chắc họ về nhà đón giao thừa giờ này chưa có ai đến. Cổng nghĩa trang khóa chặt. Tao dựng xe phía ngoài rồi trèo tường vào bên trong. Trời tối thế mà cứ như có ai dẫn lối, tao cứ thế đi vào khu mộ chí, lách ngang lách dọc rồi trèo qua mấy cái mộ chắn đường thế là tìm được mẹ tao.
Huệ lặng đi một lúc rồi kể tiếp, nó bảo tao mệt quá mỏi quá cả đói nữa tao liền ngồi bệt xuống cạnh mẹ tao, rồi tao nằm nghiêng sát cạnh mẹ tao luôn. Tao bảo mẹ ơi sao tết này mẹ không về gói bánh chưng với con, con nhớ mẹ lắm, con đạp xe lên với mẹ mà con đi vội con không kịp mang hương để thắp cho mẹ, mẹ ơi mẹ nghe con nói không đấy, mẹ ơi...
Tôi hỏi, tết ấy là tết nào, vào năm nào vậy. Huệ bảo cũng lâu lắm rồi, dạo ấy hai thằng út của tao cũng lớn rồi mà, chúng nó lên Nhật Tân mua quất được rồi mà. Nhà thì có xe máy nhưng dắt ra sẽ bị lộ, với lại mấy đứa con gái chúng nó không cho bố đi vào tối ba mươi đâu, đi đâu cũng không cho đi, phải ở nhà để vớt bánh chưng giúp chúng nó. Lúc đó tao mới lấy cái xe đạp đang dựng ngoài sân tao trốn đi luôn.
Tôi bảo đứa nào đến Tết cũng nhớ bố nhớ mẹ, nhưng chưa thấy đứa nào nhớ đến mức điên rồ như mày. Huệ bảo tao là út mà, từ bé đến lớn tao toàn sống với mẹ tao, Tết nào mẹ tao cũng làm cỗ rồi bắt tao bưng lên bàn thờ mà...
Thằng Huệ thao thao kể về chuyện đi tìm mẹ nó, còn mình thì đứng cạnh nó mà đầu óc cứ nghĩ về mẹ mình. Giờ mà đi tìm mẹ thì mình sẽ đi về hướng nào... Huhu
TẤN ĐỊNH
------
Nhà Huệ "bạc" ở cuối đường Vạn Kiếp, ngay gần ngã ba đầu Chợ bờ sông.

Hình ảnh có liên quan

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

ĐỪNG CHẶT CÂY ỔI CHA ƠI

CHA ƠI,
ĐỪNG CHẶT CÂY ỔI CUỐI VƯỜN
Nhớ ngày xưa, nhà tau cạnh nhà mi
Ranh giới hai nhà chỉ là cơn ổi 
Học cùng lớp, mi hơn tau một tuổi
Nhưng cũng dại khờ ngốc nghếch giống tau thôi
Vì gần nhà nhau, nên bọn chúng ghép đôi
Từ bựa nớ tau không ngồi xe mi nựa
Cũng từ đó, tau ghét mi như rứa
Đi bộ đến trường, chứ quyết nỏ ngồi xe
Bọn chúng trêu, mi nhăn nhở cười toe
Rồi đối đáp: Bọn choa lấy chắc cho bây chộ
Tau xì môi, chưởi mi đồ thằng ngố
Thà ế chồng, chứ ai lấy nhà mi
Mi lại nhìn tau, nháy mắt cười khì
Chê con nít, nên mi không thèm chấp
Trả thù mi, mèo sang nhà tau đập
Gà qua vườn, tau đuổi chạy tung toe
Mùa ổi chín thơm, quả lúc lĩu vàng khè
Mi vắt vẻo trên cơn ngồi huýt gió
Tau nhịn sèm, đứng bên ni ngó
Mi rung cơn, ổi chín rụng đầy vườn
Có lẽ thấy tau, mi cụng rủ lòng thương
Lặng lẽ đi vô, mặc kệ vườn ổi rụng
Tau lặt vội, xắn áo tròn đầy bụng
Lật đật, lon xon mang ổi về nhà
Sáng sau gặp tau, mi ghé tóc hít hà
Vơ bây ơi! Tau nghe mùi ổi chín
Và tau biết, có một người xấu tính
Chỉ ghét người, mà ổi chín lại yêu!
Để trả thù mi, tau nhắm mắt làm liều
Xịt lốp xe, mặc kệ mi dắt bộ
Nửa buổi chiều, mi mới về đến ngọ
Áo đẫm mồ hôi, tau hối hận nhìn mi
Tau tự trách mình, răng nhởi ác như ri
Mi cười thanh minh, vì xe sủng lốp
Tự nhủ lòng "tại hắn tra có hột "
Ai nhủ chui vô lớp học với choa ...
Vài bựa sau, tau đột ngột chuyển nhà
Ôm kỷ niệm ra đi không một lời xin lội
Mi đứng lặng, nhìn theo không nói
Chôn chặt tuổi thơ dữ dội trong lòng...
Đường sá ngái ngôi, tau an phận lấy chồng
Tau nghe nói, mi lên đường xuất ngoại
Mấy mươi năm, vẫn chưa về gặp lại
Tết năm ni tau mới được về quê
Cha mi khoe, thằng ngố đã đề huề
Sống sung túc, nơi Hà Thành đô hội
Mỗi lúc về quê, hắn thường vẫn nói
"Cơn ổi cuối vườn, đừng chặt nghe cha!"...
Không phải Thơ tui
Nguồn: Lưu Hương Quế.

Trong hình ảnh có thể có: thực vật, ngoài trời, món ăn và thiên nhiên

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, cây và ngoài trời

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

PHƯƠNG NGỮ QUÊ CHOA


VĂN QUÊ CHOA
Vận dụng tối đa phương ngữ, thổ ngữ
Ai khó hiểu nói tui tui dịch cho mà nghe.
Mèo Hen
Ngày nghỉ rẻng rỗi, ngồi dớ chuyện xưa tích cộ, ghi lại để đẩy lên dóm bạn bè. Ai ưng thì coi dư tui tặng quà cho các bạn 10 thang thuốc bổ đó.
GIA ĐÌNH TUI GỒM: HÒA BÌNH -THẮNG LỢI- HẠNH PHÚC - HUY HOÀNG
Ngày nớ lâu rồi, khoảng 67, 68 chi đó, đất nước còn chiến tranh eng Thắng bà con trong họ của tui, cũng dư mấy eng thanh niên trong làng chưa xong lớp 7 đã tình nguyện lên đường đi bộ đội. Eng Thắng đi một miệt thẳng rẵng, chiến đấu khắp các chiến trường B, C gần chục năm chuyển hết đơn vị ni qua đơn vị khác nỏ hề có tin tức chi trơn, dờ phúc ấm ôông bà eng tui không răng, chỉ bị thương dẹ ở phần mềm. Ngày đất nước thống dứt, eng tui được đưa ra ngoài Bắc an dưỡng rồi chuyển ra mần việc ở Bộ Quốc phòng tận ngoài thủ đô Hà Nội.
Sau đó Eng được ghé về dà nghỉ phép 1 tháng. Chộ eng về bà con, làng xóm ai cũng mờng, bọ mạ eng là mụ Hạnh ôông Phúc khóoc bơ ngất lên ngất xuống, khoông tin nổi bởi lâu ni nghĩ eng chết mất tích mô rồi.
Ở dà mới được mấy bựa, ôông mụ tui bắt đầu hối(dục) eng lấy vợ, eng nói tui mới về quen biết ai mô mà lấy. Ôông mụ tui nói, lâu ni ở dà tụi tau dắm(nhắm) rồi, con Lợi con ôông Hòa mụ Bình ở đầu trôổng đặng(được) cả ngài cả nết, gần ngọ xó cươi nữa, ôông mụ nớ cụng đánh tiếng ưng mi diều, mi ưng thì để bọ mạ sắm lể đi dỡi.
Eng Thắng tui ừ hử cho qua chuyện, ai ngờ ngày sau ôông mụ tui sắm trù cau với ra hợp tác xin mua nơi cựa hàng HTX mua bán được 1chai 7 lăm rượu chanh, túi nớ lại 3 bà con bơng lễ vật qua dà ôông mụ Hòa Bình dỡi kêu bằng "đi nói" đó. Câu chuyện được 4 ngài 2 bên quyết cú 1, ôông Hòa nói cứ bộ đội là tui iu tiên gả con mà khôông séc cưới chi hết a.
Nghe rứa chị Lợi đỏ mặt ôồng ngai (xấu hổ), nói tui với eng Thắng đạ có quen biệt chi mô mà bọ bán gã, bọ mạ ưng thì bọ mạ lấy chơ tui khôông chịu mô. Nói rứa chơ trong bụng thì ưng lắm rồi, bọ mạ eng Thắng nổi tiếng hiền lành thiệt thà, eng Thắng con trai một, 3 chị em cấy đã có giôông, dà trước dà sau dư vàng trong trắp, sướng chết đi chơ còn nói chi.
Nói về chị Lợi năm nớ mới đôi mươi, dan sắc cở á hậu 1 của làng đó chơ. Ca dạc, múa hát, hò khoan, ca Huế ngâm thơ chổ mô cụng có chị. Việc mần với sức khỏe là nỏ ai bằng, cắt cấy một chắc chị bằng cả bạn 3, 4 người. Con cấy mà đi cày trâu cặp, đi cắt thì bó ló sương vọt, đap ló ban đêm... đàn ôông cũng thua, công điểm khi mô cũng dích (nhất) đội hết a.
Bảy ngày sau Lể cưới eng chị mau chóng được tổ chức đơn giản ấm cúng, thanh niên trong làng phụ mượn bàn ghế, che rạp. Eng Ngọ có hoa tay cắt 2 con bồ câu ngậm mỏ chắc, chữ song hỷ với 2 chữ Thắng Lợi lồng vô chắc thiệt bay bướm, dưng lảng mạn rứa chơ vẫn có câu khẩu hiệu trang nghiêm cứng cát "VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ" dư mấy cấy đám cưới trước đây. Con heo gần 4 chục cân tính để cân nghĩa vụ lấy 2 mét lụa cho mụ tui may qcùn bơ chừ mần thịt luôn.
Nói rứa chơ phải bắt mần thịt đãi bà con một bựa no say chơ... Nói là mần, hội ý xong bơ bắt heo xuống bến mần thịt luôn tê.
Hết phép, eng Thắng ra Hà nội đi mần, mọi việc dà ôông mụ tui bơ một tay chị đảm đương. Ôông mụ tui thương chị lắm, con du mà coi dư con cấy đó tê. Đều có cấy ni là hơi buồn, là do ôông mụ tui trôông có cháu nội để bôồng mà chưa có nên hơi buồn. Thì eng Thắng cụng có tranh thủ về được mấy bựa nựa sau ni, rứa mà gần năm rồi chị Lợi không nghén chửa chi cả. Thiệt ra là do eng Thắng chầu tê bị sốt rét lại vừa mới chiến trường ra nên yếu kị con tinh trùng chi đó mà ôông mụ tui khôông biết rùi nghi oan cho chị đó chơ.
Cắt hái xong, tóoc rạp rơm khô, thóoc ló phơi khô khén cất lên trên tra kể lụt xong, chị Lợi mì xin ông mụ tui ra Hà Nội thăm eng Thắng ít bựa, không nói ra đều chị Lợi với ôông mụ đều một mục đích cao cả là kiếm cháu đích tôn.
Lần đầu tiên ra khỏi nạp tre làng, ngồi tàu hỏa mà chị hồi hộp cả mờng cả lo dư hồi mới lấy dôông. Ra ga Hàng Cỏ, eng Thắng đón chị về dà khách, dặn dò chị một vài từ phổ thông để nói chuyện với anh em đơn vị kẻ nói tiếng địa phương họ không hiểu, ví dụ dư trong miềng nói "răng rứa" thì ngoài này nói "tại sao", tê là kia, tăm xe đạp thì gọi là nan hoa, rứa đo rứa đo...
Hôm sau, anh Thắng mượn được chiếc xe đạp chở chị đi phố chơi, ngồi sau xe một đoạn chị kêu: "Eng ơi tui "kia" cẳng quá eng ơi". Khôông nghe rõ nên anh Thắng chỉ dắc thêm "Em phải nói là "kia chân" chứ, nói cẳng ai người ta hiểu.
Rồi Eng đưa chị vô cựa hàng ăn kem Bờ Hồ ngon nổi tiếng, mần hết 3 que chị nói ưng ăn nữa đều tui "kia cái tại sao" (tê cái răng) quá eng nờ. Eng Thắng ngớ người không biết nói răng nửa nên khỏa lấp thôi đi về đi em. Khi qua ngã tư eng Thắng đưa tay trái xuống đưới thấp vẫy vẫy, chị Lợi chộ bên tê đường cũng có người phụ nữ trẻ đẹp vẫy tay lại dư rứa. Chị nghĩ bụng chắc hai người quen biết quan hệ mờ ám chi với chắc đây, vẫy tay mà sợ miềng chộ nên chận lắm. Về đến dà khách chị thu dọn áo cùn dứt quyết đòi eng Thắng đưa ra bến xe để vô. Gặng hỏi lý do, mãi chị mới chịu nói ra lý do là "chở tui sau xe mà chộ mấy đứa con cấy cũng vẫy tay chào chắc, eng quen biết quan hệ dư răng với mấy con nớ?". Giải thích mãi chị mới hiểu ra là đi xe đạp, khi rẻ qua đàng thì giơ tay xì dan, vẫy vẫy tay để báo là tui đi qua hướng nớ để tréng kẻ tôông chắc chơ nỏ quen chi chắc. Vợ chồng hòa giải, hết chận thì thương hơn, với lạ ổ hay răng eng chị mần với chắc 3 bài hàng Việt Nam chất lượng cao luôn. Bơ có ngay kết quả thiệt. Thì tui cũng nghe kể lại chớ tui có ở đó mô!
Hai trăm tám chục ngày sau chị Lợi đẻ cho ôông mụ tui khôông phải một mà tận 2 thằng cu dư 2 cấy cối. Ôông mụ tui đặt 1 thằng là Huy 1 thằng là Hoàng. Eng Thắng tui đã về quê nghỉ hưu, gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, chị Lợi chừ toàn nói tiếng địa phương mà không sợ người nghe không hiểu.
Tui kể rứa là hết rồi đọ, còn chi chưa kể nửa khôông hè, ai dớ thì dắc tui với nghe. Bà con đoọc xong có chộ là dà ôông mụ tui bơ đúng là HÒA BÌNH -THẮNG LỢI- HẠNH PHÚC - HUY HOÀNG khôông nờ! E chủn dư rứa rồi hi.
Nguồn Lệ Thủy Quê Tui - Sơn Hồng Lê
Cụ Mèo biên tập có sửa đôi chỗ.

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

ĐỪNG GỌI TÊN TAU


MI ƠI ĐỪNG GỌI TÊN TAU
Cho Địn

Tau biết dạo ni mi nhớ
Nhớ thời hai đứa trẻ con
Tên tau tên mi viết khắp
Lại thêm dấu cộng bằng son
Mạ tau mạ mi thân thiết
Làm mi cứ tưởng bà con
Ngày mi lên đường tau viết
Mấy câu thơ cũ có còn?
Chị Cúc bị bom mày khóc
Nhìn mi tau cũng héo hon
Hai đứa trồng cây dương liễu
Bên mồ của chị, nhớ hông?
Nhớ ngày tau vào Đại học
Mi lên thăm gái một con
Tau từ Liên Xô về nước
Mi đèo thăm lũ đồng môn
Rồi tau về luôn trong nớ
Suốt ngày bận bịu chồng con
Mi ở ngoài tê chắc nhớ
Nghe đồn viết lách nỉ non
Bây chừ tau quên hết cả
Độ rày ăn chả thấy ngon
Mi đừng kêu tên tau nữa
Hắt hơi mệt hết cả hồn
Chừng nào cùng về Bên Ấy
Chúng mình lại gặp, được hông
Mi đừng trách tau mi nhé
Tên mi là Địn, đúng không?
Tau ngồi chờ mi thuở bé
Chắc mi mải tắm ngoài sông...

Chớm Thu 2018

ÔNG KỂ CÚN NGHE CHUYỆN BÀ CÚC

CHUYỆN ÔNG KỂ CÚN NGHE

Cả nhà ai vào việc nấy, người đi làm, người đi siêu thị, bà đi chợ, Tit và Bin về Sơn Tây. Còn mỗi hai ông cháu ở nhà.
Ông đọc chuyện, hết đọc sách thì kể chuyện gì đó cho Cún nghe, thích nhất vẫn là những chuyện hồi ông còn nhỏ nghịch ngợm trèo cây hái ổi rồi bắt tổ chim. Có chuyện hay cực nhưng khi kể xong ông lại cười bảo, ông bịa đấy, Cún bảo bịa cũng được ông ạ.
Rồi Cún nói với ông: "Ngày nào ông ngoại cũng kể chuyện cho con nghe, ông nhé!" . Ông ngoại ôm Cún vào lòng: "Tất nhiên rồi. Nhưng sắp tới ông đi Đà Nẵng giỗ Bà Cúc, con ở nhà nhớ ngoan. Ông đi vài ngày rồi ông ra, ông lại sẽ kể chuyện cho con nghe".
- Bà Cúc là ai hả ông? 
- Bà Cúc là chị của ông. 
- Bà Cúc mấy tuổi hả ông? 
- Bà hai mươi tuổi con ạ. 
- Nhưng làm sao bà lại chết? 
- Bà bị máy bay Mỹ phóng tên lửa trúng thuyền con ạ.

Nghe thế, Cún cứ nằn nì bắt ông ngoại kể lại câu chuyện đó, chuyện bọn Mỹ giết chết bà Cúc như thế nào. Ông nói thôi con, để ông kể chuyện chú cừu chăm chỉ đánh lừa con sói xám gian ác cho nghe. Nhưng Cún không chịu, cứ bắt ông kể bằng được.
Ông nói: "Chỉ có ông Thế bạn học của ông mới kể được, vì ông Thế là người duy nhất sống sót trên con thuyền ngày đó".
Sau này ngoại tìm gặp, ông Thế mới kể lại, Ông Thế kể như thế này này:

- Thuyền rời bến muộn hơn một tiếng so với mọi khi vì vậy khi ra khỏi các rặng cây cối um tùm hai bên bờ sông thì trời đã sáng rõ. Ông chủ thuyền lệnh kéo buồm lên để đi cho nhanh. Trong khoang chất nhiều hành lý vì thế tao bò ra phía đuôi thuyền nằm cho thoáng. Chị Cúc mày cùng con Bàng mí thằng Tạo vẫn ngồi trong khoang, hình như là đang ngủ gật.
Cún ngắt lời: "Sao lại nói mày tao hả ông?". Ông nói: "Chơi thân với nhau thì xưng hô thế cho nó thân mật con ạ. Mí lại đang ở nhà, ở trường thì không được mày tao". Rồi ngoại dừng lời cho ông Thế kể tiếp:
- Tao nằm ngửa huýt sáo mồm, đang nhìn trời nhìn đất thì bỗng phát hiện ra một máy bay của bọn Mỹ bay từ hướng biển vào. Nó bay lừ lừ, lặng lẽ, không một tiếng động, dưới bụng sáng lấp lánh. Tao hô "Có máy bay!" rồi để ý quan sát thì thấy nó bay quành lại, và bổ nhào xuống hướng thuyền tao đang nằm. Ông chủ thuyền bẻ lái cho thuyền dạt vào bờ. Bỗng thấy phía hai cánh của máy bay tóe lửa chớp chớp. Thôi bỏ mẹ, nó phóng rốc-két. Chỉ nghĩ được có thế rồi tao nhảy ùm xuống sông, lặn sâu tận đáy. Cảm thấy có một sức ép rất mạnh làm tai tao ù đi, nhói buốt. Tao quẫy mạnh một cái để trồi lên mặt nước. Có người chèo thuyền ra cứu, đưa tao lên bờ đặt nằm trên bãi cỏ. Thở không ra hơi.
Cún nằm im nghe bỗng ngồi dậy hỏi: "Sao lại thở mà không ra hơi hả ông? Thế bà Cúc đâu?". Ông nằm im không nói gì. 
Ông Thế kể tiếp:
- Tao đang nằm cho mọi người thay quần áo. Nghe ai đó nói bọn Mỹ phóng hai quả, cả thuyền chết hết rồi, đang lặn mò xác. Một người khác nói, cứu được một đứa nữ sinh, nó bị thương ở ngực và sém da vùng trán. Vết thương nhỏ mà máu ra nhiều lắm.

Cún chồm lên người ông: 
- Sao máu lại ra nhiều hả ông? 
- Vì mảnh tên lửa găm vào ngực con ạ. 
- Rồi sao nữa ông? 
- Máu tràn vào đầy phổi làm bà Cúc không thở được...

Giải thích đến đó thì ông nằm im. Cún thấy ông ngoại quay mặt đi, người rung rung. Cún bỗng thấy sợ, nó nằm im ôm chặt lấy ngực ông, môi mím chặt. Rồi bằng một cử chỉ rất người lớn, Cún dùng bàn tay mềm mại nhỏ nhắn của mình quệt khô dần dòng nước âm ấm đang chảy ra từ mắt Ngoại....
Tháng 5-2012
(Giỗ chị Cúc 13-5 Âm lịch)

CHUYỂN NHÀ CHO CHỊ



CHỊ ƠI, BẰNG AN CHỊ NHÉ!



Mai là giỗ chị rồi. Chú Dũng em mình đi làm xa nhà đã về hôm qua. Nhớ lại cách nay bốn năm Dũng nghỉ việc về nhà hàng tháng, lo bao nhiêu việc, nào là việc của Má, rồi xây mộ chí trong khu mộ mới của gia đình tận Hòa Vang , xong việc là vội vàng quay về Sài Gòn. Đến khi bốc mộ ông bà nội, chị Cúc, Hùng Việt và cháu Hà thì Dũng kẹt việc trong đó không về được, ở nhà có mình đảm đương.


Đầu tiên là Hiền em mình đưa đến gặp anh Sơn trưởng tộc Nguyễn. Hai anh em tuổi cũng xêm xêm nên câu chuyện tưởng chừng không dứt. Mấy lần trước nhà có việc hai anh em đã ngồi với nhau nhưng chưa bao giờ có thời gian tâm sự được nhiều chuyện như lần này. Anh Sơn bảo khu mộ của họ tộc mình nằm trong diện giải tỏa của thành phố đã mấy năm nay rồi, thế mà đến giờ chưa được mấy gia đình chuyển đi cả. Anh cho biết, nhiều nhà cũng hoàn cảnh lắm, với lại lên nghĩa trang mới ở Hòa Vang xa quá nên bà con cũng ngại. Anh lại dặn dò mấy thủ tục tâm linh cần làm khi bốc mộ, thật tỉ mỉ và chu đáo.

Khi ra đến nghĩa trang tộc Nguyễn, Phương chồng Hiền đã có mặt ở đó từ bao giờ, đã kịp xin điện trong xóm nhà gần đó và kéo mấy bóng ra tận nơi. Cậu Định chạy ra xe bán tải cùng Hà và Tiến, hai cậu lính của Quân khu Năm đưa 5 cái tiểu sành vào đặt gần mộ thì Lệ Hải em mình cùng bé Hải An cũng vừa đến. Cậu Định đưa cho Bé An một củ gừng và một nhánh lá dâu, dặn không được vào trong đó khi mọi người đang làm. Bé An bảo, đứng ngoài này con sợ ma lắm cậu ơi. Cậu Định an ủi nói cứ yên chí yên chí, để rồi cậu bảo mấy con ma đi chỗ khác chơi. Hihi

Khi xong việc hai ngôi của ông bà nội, đến ngôi chị Cúc thì cậu Hà khá ngạc nhiên khi thấy ở dưới không có tiểu sành. Mình phải giải thích cho hai cháu Hà và Tiến rõ là ngày ấy, khi ba Quang của chú đưa bác Cúc từ Quảng Bình vào đây thì đưa bằng ba-lô, đến khi đưa bác ra đây thì không kiếm được tiểu sành nên đành đặt bác nằm trong một ô vuông xếp bằng gạch tap-lô, tấm thiên cũng được xếp bằng ba viên ngói đúc bằng xi măng.

Cháu Tiến dùng cái bay bằng gỗ xắn nhẹ từng ít đất đen rồi dần chuyển bác Cúc sang tiểu sành. Cháu vừa làm vừa lầm rầm khấn cầu gì đó, bỗng Tiến ngẫng lên rồi đưa cho chú Định một mảnh xương nhỏ, dài khoảng ngón tay và nói: - Xương cánh tay chú ạ, còn lại mủn hết thành mùn cả, cháu thấy chả còn gì...

Đỡ lấy mảnh xương nhỏ xíu từ cháu Tiến mà người mình như run lên. Cũng đã gần nửa thế kỷ rồi còn gì, được cầm lại cánh tay của Chị thế này là đã quá may mắn và thật kỳ diệu. Chị đã qua hai lần di dời mộ chí, về đây lại không được đặt trong tiểu sành, còn lại được thế này quả là may mắn lắm rồi, hay là Chị có ý dành lại cho hôm nay... Bốn mươi tám năm rồi còn gì. Chị ơi...

Tháng 6 - 2015
TẤN ĐỊNH

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG 3



HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG

Tôi lên đến Chùa Hàm Long lúc đó đã khoảng cuối giờ chiều. Gặp Ni-cô trình bày và được hướng dẫn điền vào một tờ đăng ký, rồi Ni-cô hẹn 7 giờ sáng mai tất cả có mặt để làm lễ. Lễ vật mang theo từ nhà hoặc mua ngay dưới chân núi, chỗ mấy quán nước quán ăn, gần bãi gửi xe trước khi lên Chùa. Nhìn mâm lễ đặt trên bàn để làm mẫu thấy hết sức đơn giản. Ni cô dặn thêm, có vàng mã cũng được, nhưng ít thôi, chủ yếu là chiều lòng các gia đình chứ theo nhà chùa thì không cần vàng mã.

Y hẹn, sáng sớm hôm sau cả mấy anh chị em đều có mặt đầy đủ ở Chùa Hàm Long. Nhìn vào gian làm lễ thấy có bốn chiếc chiếu hoa loại chiếu đôi rãi ngay dưới sàn nhà, như vậy là ngoài gia đình tôi còn có 3 gia đình nữa cũng gửi Vong ở đây. Khi tất cả đã ngồi đông đủ, ngay ngắn, sư thầy bắt đầu làm lễ. Phần lễ tụng 3 bài kinh kéo dài khoảng hơn nửa tiếng, còn lại phần đọc kinh và sớ khấn cho từng gia đình mất khoảng 10 phút, tổng cộng là khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Lễ xong tất cả sang phòng bên để nhận mấy lá bùa về dán ở nhà, được hướng dẫn cách dán bùa, đặt bùa và quy định về cúng giỗ, khấn vái cho người mất đã gửi Vong ở đây. Sau đó, mỗi gia đình cứ tính theo thời gian gửi Vong rồi gửi lại cho nhà Chùa một ít kinh phí để hương khói lễ lạt hàng rằm mùng một và lễ tết, tôi nhớ là với số tiền cũng không đáng kể.

Phần thủ tục lễ gửi Vong coi như xong. Do được thầy Lân giới thiệu trước nên gia đình tôi được Sư thầy mời sang phòng khách để nói chuyện thêm. Sư thầy cho biết, Chùa đã có lịch sử trên 700 năm. Không biết tự bao giờ Chùa trở thành nơi gửi Vong tin cậy gần như của cả toàn quốc, đông lắm. Chùa có sổ đăng ký nên có thể thống kê được, tuy nhiên có nhiều Vong sau 2 - 3 năm không muốn quay về nhà nên số Vong lưu trú ở đây ngày càng đông. Chị Hương hỏi Sư thầy là các Vong ở lại đây thì hàng ngày họ làm gì? Sư thầy nói chủ yếu là tu tập và học giáo lý ở các Thiền viện. Hỏi Sư thầy về hiện tượng trùng tang thì thầy nói: Trùng tang là hiện tượng có thực, trước đây mỗi địa phương có cách cắt "trùng" riêng, có nhiều cách nhưng xét về cơ bản là giống nhau, có một số nơi có cách cắt "trùng" khác biệt. Tuy nhiên, qua thời gian thì người ta thấy cách gửi Vong lên Chùa là đơn giản và hiệu quả hơn cả. Cứ sau giỗ mãn tang thì có thể đón Vong về, cũng đơn giản vì Vong lúc nào cũng muốn về. Có gia đình muốn chắc chắn thì cứ để sau hai năm rưỡi hoặc số ít gửi hẳn 3 năm cho yên tâm.

Sư thầy hướng dẫn lại cho gia đình về cách gắn ba lá bùa to (bề ngang bằng màn hình iPhone, chiều dài gấp đôi), dặn về dán lên ban thờ 1, ở phía trên ngay cửa ra vào của phòng khách 1, lá bùa còn lại Sư thầy dặn cậy gạch men lát sàn ngay cửa ra vào phòng ngủ mà khi còn sống, giường nằm của người thân mới mất đặt ở đó. Sư thầy dặn, khi cúng giỗ đừng khấn họ tên người mất, nếu khấn tên thì Vong sẽ tìm về. Nếu không vượt qua được mạng lưới quản lý của nhà chùa thì Vong vật vã đau khổ rất thương tâm, nên người nhà cố gắng đừng khấn tên.

Không ngờ nghe đến đó anh Sơn phản ứng, anh bảo thưa thầy thế thì cúng làm gì, cúng mà không mời vợ tôi về thì tôi cúng làm gì. Nghe thế Sư thầy phải lựa lời an ủi, giải thích rồi động viên anh tôi, và cuối cùng anh thuận nghe theo. Anh Sơn còn hỏi lại Sư thầy: - Em nghe nói nếu Vong về thì có thần chết đi theo rồi bắt người nhà gây nên trùng tang có đúng thế không, thưa thầy?

Sư thầy nói, không có thần chết nào cả, đó là do các cụ ngày xưa nghĩ ra cách đó để giải thích cho hợp lý, vì Vong người nhà mình về thì sao lại bắt người thân đi được, tránh tiếng ác cho Vong. Thực ra Vong hay Linh hồn là một dạng năng lượng sinh học, hiện giờ các nhà khoa học đang nghiên cứu bản chất và sự tồn tại của dạng năng lượng đó. Khi một người chết vào giờ xấu, Vong của họ là một dạng năng lượng sinh học rất xấu, chứa nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người cùng huyết thống và chỉ người cùng huyết thống mà thôi. Người chết càng trẻ thì năng lượng của Vong càng mạnh, vì thế người ta hay nói "chết trẻ thiêng lắm" là vậy. Ảnh hưởng nhanh và mạnh thì gây đột tử bởi trọng bệnh, ảnh hưởng đến hệ thần kinh thì gây hoảng loạn hoặc thiếu tỉnh táo khi xử lý tình huống, vì vậy phần nhiều trùng tang hay gây nên những cái chết thương tâm bằng tai nạn giao thông, bằng chết đuối chết ngạt, rồi đổ cho ma hoặc thần chết tấn công, thế thì oan cho ma và thần chết lắm.

Anh Bằng hỏi thầy về công dụng của lá bùa. Sư thầy giải thích trên lá bùa được viết các mật ngữ bằng chữ Phạn hoặc chữ Ấn Độ cổ, bùa mang năng lượng tích cực, nói một cách nôm na là ngược dấu với điện tích của Vong, vì vậy Vong không thể đến gần những vị trí có bùa. Đó là cách đề phòng tốt nhất với những Vong trốn được khỏi Chùa khi nghe có người khấn tên mình trong những dịp giỗ, tết hoặc lễ trọng.

Nói đến đây Sư thầy phát cho mỗi người một lá bùa nhỏ bằng ba ngón tay, dặn dò nên ép plastic rồi mang theo người để phòng thân. Đó là một dạng năng lượng, Sư thầy nói, nếu ai đã học qua các lớp cảm xạ học có thể dùng con lắc kiểm tra sẽ thấy năng lượng chứa trong lá bùa là rất mạnh. Nghe thế chị Hương lục các ngăn trong túi xách để tìm con lắc làm bằng chiếc nhẫn bạc mà chị vẫn dùng sau khi qua lớp tập huấn cảm xạ học, rất tiếc là chị bỏ quên con lắc ở nhà.

Sư thầy tiễn cả nhà ra đến cổng Chùa, còn cẩn thận dặn đi dặn lại: "Cần gì cứ lên đây gặp thầy, hoặc gọi điện". Cả mấy anh chị em cám ơn Sư thầy rồi ra xe. Trên xe chả ai nói với ai câu nào, chắc dậy sớm quá nên mọi người đều mệt, xe mới chạy một quãng mà ai nấy đã riu riu...

Chỉ có tôi là không ngủ được, cứ ngẫm nghĩ rồi thấy thương chị Lan. Chị đi Pháp tập huấn, phát hiện ra bệnh rất sớm rồi phẫu thuật bên đó, làm sao có thể di căn được, càng nghĩ càng nghi ngờ tài năng mấy ông bác sĩ Pháp đã khám cho chị. Hay là tại số mệnh? Giờ thì chị đã an bài, một mình một bóng nghỉ lại tại Chùa Hàm Long rồi. Không biết chị còn thấy đau đớn nữa không, có thấy mệt nhiều nữa không? Ở Chùa chị có gặp được Vong nào quen không, bạn bè chị cũng nhiều, cơ mà có phải ai từ giã cõi trần cũng lên đó cả đâu, phải rơi vào giờ rất xấu mới phải vào đó. Chị cô đơn quá, thương Chị nhiều lắm.

Rồi lại nghĩ tiếp, không hiểu lúc Sư thầy tiễn cả nhà ra cổng Chùa, chị có tranh thủ thừa cơ lẻn ra ngoài được không. Nếu được, chắc giờ này Chị đang có mặt ở trên xe cùng cả nhà. Nghĩ thế rồi thấy lòng mình bỗng ấm lại... Nếu chị có mặt trên xe để về Hà Nội cùng cả nhà thì khi về nhà chị nhớ vào buồng thật nhanh nhé, vào trước khi bọn em gắn lá bùa lên tường Chị nhé!

Xe vừa vượt qua đèn đỏ chỗ rẽ theo đường cao tốc Gia Lâm - Lạng Sơn, bốn năm vị CSGT đứng lố nhố ở đó sao không thấy vị nào toét còi hoặc phóng xe đuổi theo? Thế thì đúng là có Chị trên xe rồi!

Việc lập ban thờ rồi tổ chức lễ tang chị tại nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng nhất nhất đều tuân thủ theo những lời hướng dẫn và căn dặn của Sư thầy cũng như thầy Lân. Họ hàng rồi bạn bè của Chị đến rất đông, bạn học thuở thiếu thời ở trường Lê Ngọc Hân tụ tập tiễn biệt chị khá đông đủ, có cả các bạn học đại học thời còn ở Lê-nin-grad nữa, đông lắm, buồn lắm.

Còn nhớ, lúc liệm xong, làm thủ tục phẩy cái áo của Chị phía trên quan tài nhưng không được gọi tên Chị, anh Sơn đã quay người chạy đến gục đầu vào cây cột lớn phía sau hàng ghế dành cho gia đình, đập đập trán vào cột rồi vừa khóc vừa nói "Lỗi tại Sơn lỗi tại Sơn", còn mình thì vừa ôm chặt lấy anh vừa gọi "anh Sơn ơi anh Sơn ơi" để mong anh bình tĩnh trở lại. Anh thì có lỗi gì, anh chỉ có lỗi là đã quá yêu Chị, thế thôi... Nhiều người đứng quanh đó dặn dò nhau, thôi đừng khóc, gắng đừng khóc để Lan ra đi được thanh thản. Thoạt nghĩ, dù ta không khóc đấy, nét mặt ta vẫn tỏ ra bình tĩnh đấy, nhưng liệu Chị ra đi có thanh thản được không.

Còn nhớ, những lần giỗ chị, những dịp 49 rồi 100 ngày, những dịp tết âm tết dương, mình đều được anh chị giao cho đồ lễ để lên mộ chị thắp hương. Chị nằm đó, trong nghĩa trang Đại Mỗ, ngay cạnh khu mộ của ông bà và ngôi mộ Tổ. Như vậy, thể theo tập tục của người Việt, đàn bà con gái xuất giá tòng phu, nhưng nếu không có con hoặc sinh con một bề không có con trai, thì khi lìa trần sẽ được đưa về nằm bên họ nhà mình, rồi gọi là "quy tôn". Không hiểu tập tục của các cụ ngày xưa là dựa vào đâu, như thế có đúng không, có nhân văn không, càng nghĩ càng thương chị, rồi thương lây sang cả thân phận những người đàn bà...

Còn nhớ, lần đó giỗ mãn tang, cả nhà cùng bà con bạn bè đang ngồi ăn ở tầng một, anh Sơn đứng dậy bảo "Định đi với anh". Hai anh em lên tầng hai thắp thêm hương trên bàn thờ Chị. Anh Sơn đứng im, mắt nhìn trân trân vào ảnh thờ của Chị, còn mình thì thắp thêm một nén cắm vào bát hương, một nén cắm thêm vào mâm cỗ bày trên bàn, rồi lầm rầm khấn Chị. Chỉ nói là nhớ chị thương chị thôi chứ chả biết khấn gì, rồi khấn thêm, thôi chị ăn đi, ngon miệng chị nhé!

Lúc hai anh em vừa xuống cầu thang được mấy bậc, bỗng anh Sơn ngoảnh lại rồi kêu lên: "Ôi trời ơi"! Bát hương trên ban thờ bốc cháy rần rật, lửa đã bắt đầu bén xuống đĩa bày vàng mã và kim ngân, có thể sẽ nhanh chóng bén xuống tấm khăn đỏ phủ bàn. Mình vội cầm lấy tấm ri đô gấp vắt ở thành ghế định phủ lên trên ngọn lửa, nhưng anh Sơn ngăn lại bảo "Đừng đừng". Ngoảnh lại đã thấy mọi người đứng đầy cả cầu thang, có nhiều tiếng khóc thút thít...

HẾT

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG 2

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG

Nghe thầy Lân kể đến đó, cả mấy anh chị em đều trố mắt. Một đề tài nghiên cứu về hiện tượng trùng tang của Việt nam, chờ mãi năm này sang năm khác không có hội đồng nghiệm thu, vậy mà người Nhật mới nghe báo cáo tại một hội thảo khoa học đã quyết định mua lại với giá hai trăm ngàn đô, thật không thể hiểu nổi!

Thầy nói, thì cứ tưởng họ nói vậy để động viên mình, hóa ra họ mua thật, giờ tiền vẫn nằm trong tài khoản không dám tiêu, vẫn chưa tin là họ mua thật và gửi tiền sang cho mình thật. Sau đó một thời gian ông bạn bên Nhật gọi điện về bảo, ông bán rẻ quá, họ rất phấn khởi vì biết là vớ được quả hời. Anh bảo với ông bạn, với mình thế là ngoài sức tưởng tượng rồi, quá được rồi, ở đây khó có thể nói thế nào là đắt rẻ. Biết người Nhật họ đánh giá cao công trình của mình, và nói là sẽ triển khai thử nghiệm bên Nhật, thế là mình mãn nguyện rồi. Nói rồi thầy giở cho xem mấy quyển sổ nhìn ngoài bìa đã cũ, nhưng bên trong giữ gìn khá cẩn thận danh sách những gia đình đã đăng ký nhờ thầy xử lý "trùng tang" của nhà họ. Tỷ lệ chấm dứt trùng tang là rất cao, trên chín mươi phần trăm. Thầy nói đang nghiên cứu tỷ lệ không xử lý được là do đâu, đây là vấn đề khó nhưng không kém phần quan trọng.


Bây giờ đến nội dung chính của công việc. Thầy hỏi em Định là như thế nào trong nhà? Chị Dung bảo nó là con bà cô, mẹ nó là em ruột ba tụi em, ba mẹ em nuôi nó ăn học hồi còn bé. Thầy Lân bảo thế thì được rồi, em Định sẽ đi Chùa Hàm Long, đi ngay chiều nay, để anh gọi trước cho Sư thầy. 
Nói là làm, anh bốc máy gọi luôn, xong tuyên bố: Sư thầy đồng ý rồi, nếu em chưa biết Chùa thì cứ đi lên phía Bắc Ninh, lên đó rồi hỏi đường, đây lên đó khoảng ba mươi cây, đường cũng dễ đi mà. Rồi thầy nói thêm, trước đây không phải đi xa thế đâu vì ở Hà Nội này cũng có hai Chùa có thể khử "trùng" được, đó là chùa Trấn Quốc và chùa Liên Phái. Hai nơi này nói như cách nói bây giờ là hai văn phòng đại diện của Chùa Hàm Long vậy, cơ mà hai thầy trụ trì mới thay, chưa thạo việc này lắm nên cứ lên Hàm Long cho yên tâm. Cả mấy anh chị em nhất trí, định chào anh Lân để về thì xảy ra điều bất ngờ.

Điều bất ngờ là nãy giờ anh Sơn ngồi im nghe, chẳng nói gì, cũng chẳng thắc mắc hỏi han gì, giờ anh vẫn ngồi ở ghế, đầu hơi cúi xuống như đang tìm một vật gì ở dưới gầm bàn, anh nói: - Sơn không đồng ý, chiều nay Định cứ ở nhà anh nhờ mấy việc, không phải đi Hàm Long nữa đâu!

Cả nhà ngớ người, đứng im tại chỗ.


Tất cả lại ngồi xuống ghế, như lúc mới đến. Anh Lân nhìn Sơn, tỏ ra ái ngại, rồi anh hỏi: - Sơn, sao em không muốn tiếp tục làm?

Anh Sơn ngước lên, nhìn anh Lân một lúc rồi nói: - Em không tin là Lan về bắt em và con mang đi, mà nếu có bắt thì em đi luôn, sống nữa làm gì...

Nói đến đó rồi Sơn lại cúi đầu xuống, rõ ràng trên mắt anh tôi có ngấn nước.

- Ai bảo với mày là vợ mày về bắt mày đi, thằng Định hả, hay thằng Bằng, hay là tao? Tao bảo con Lan về...
Rõ ràng là anh đã mất bình tĩnh, không kiềm chế được. Có lẽ anh nghĩ mình đang cố gắng thu xếp mọi việc thật ổn thật đẹp cho mấy đứa em của anh Minh bạn thân nhất của anh thì lại có đứa phản đối thẳng thừng như vậy. Có lẽ anh chưa gặp trường hợp tương tự như vậy bao giờ. Anh ngồi xuống ghế, lấy lại bình tĩnh rồi nói:

- Mày là phó giáo sư tiến sĩ ở đâu đâu chứ, về đây mày phải nghe anh đây này, toàn là dân nguyên tử với hạt nhân mà chả hiểu cái cóc khô gì, vô thần vô minh như mày thì ma nó bắt đi cũng chả ai thương, nhưng mày phải biết thương con mày chứ!

Anh Lân đã gõ trúng chỗ yếu nhất của Sơn, tuy vậy anh Sơn vẫn cố cãi: - Nhưng em không tin. Anh Lân nói, mày không tin kệ mày, nhưng việc làm để cứu người thì vẫn phải làm, thằng Bằng thấy thế nào? Anh Bằng nói nhỏ nhẹ, anh Bằng thì lúc nào cũng nhỏ nhẹ:

- Bao nhiêu năm em nghiên cứu về hạt nhân và nguyên tử ở Đúp-na mà chưa bao giờ nghe nói đến trùng tang cả. Ít nhất anh cũng phải giải thích sơ qua cho bọn em biết tại sao nó lại có hiện tượng ấy chứ!

- Ừ, nói thế nghe còn được, anh tưởng tụi mày là những nhà khoa học nghe cái hiểu ngay, thôi được rồi...

Hóa ra là như thế này.

Anh Lân bảo con người tồn tại theo hệ thống chứ không phải độc lập từng đơn vị. Hệ thống sinh học đó lấy huyết thống làm cơ sở tồn tại. Những người nằm trong cùng một hệ sinh học huyết thống phụ thuộc vào nhau rất chặt chẽ và ảnh hưởng đến nhau rất mạnh, kể cả những thế hệ đã chết rồi, tính như xưa nay các cụ nhà ta tính để thờ cúng là khá chính xác, ảnh hưởng đến năm đời.

Đến đây có tiếng bàn tán xì xào phía chị Dung và chị Hương, anh Lân nhìn sang rồi bảo:

- Sao, chúng mày vẫn chưa tin hả, cứ tưởng chết là hết hả. Không đâu, mỗi người là một mắt xích rất quan trọng trong cả hệ thống sinh học đó, cả người sống lẫn người đã chết, và phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Ảnh hưởng mạnh nhất là từ đời cháu đến đời ông, sau đó mức độ yếu dần đến đời thứ năm thứ sáu, tức đời cụ đời kỵ thì rất yếu. Các cụ nhà ta từ ngàn năm nay đã truyền lại đều là đúng cả, vì đã qua trải nghiệm cuộc sống. Một con người chết đi, năng lượng sinh học rồi trường sinh học quanh mắt xích đó thay đổi rất lớn, và ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Ảnh hưởng của sự thay đổi đó còn phụ thuộc vào thời điểm xảy ra đột biến, bởi vì hệ thống sinh học của con người phục thuộc rất nhiều vào các tia vũ trụ, được quyết định bởi vị trí các hành tinh, các ngôi sao vào thời điểm đó, vì thế các nhà làm tử vi từ ngàn xưa đã tính ra giờ tốt giờ xấu. Thế nào, thằng Định ngủ gật hả, mày làm cái gì thế, hả?

- Dạ, đêm qua em mất ngủ, mí lại cái này hôm trước em đã nghe anh giải thích một lần rồi.

- Thôi được, thằng Định về trước đi, nghỉ ngơi tí rồi đi Hàm Long luôn đi cho kịp, còn tụi này ngồi lại đây chút nữa, anh nói thêm cái này. Đi đi, đứng đó làm gì!

Không phải là không nghe lời anh, mà là máy tính trong đầu đang chạy để tính xem là bây giờ ra đường thì đi bằng gì. Lúc đến theo anh chị đi cùng ô tô, giờ chắc phải bắt xe ôm chứ còn gì nữa!
Đi xe ôm thì đi, sợ gì!

Còn nữa.

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG - 1

CHÙA HÀM LONG

Chùa Hàm Long - Thái Bảo Nam Sơn tọa lạc ở lưng chừng núi thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nằm ở địa thế cực kỳ đẹp đẽ trong khung cảnh đầy huyền bí. 
Chùa được xây dựng vào thời Lý, cách nay hơn 700 năm. Tương truyền đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ. Hiện nay trụ trì Chùa Hàm Long là Hòa Thượng Thích Thanh Dũng. Phía trước chùa là vườn Tháp mộ, nổi bật nhất là Tháp Tổ Như Trừng, tự Lân Giác, hiệu Cứu Sinh.

Chùa được trùng tu nhiều lần. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Ở điện Phật có 4 pho tượng bằng đồng: Đức Phật Thích-ca, tượng A-nan và Ca-diếp, tượng Hoàng hậu Ma-gia. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Hàng năm cứ vào Rằm tháng Hai là đúng Lễ Hội Chùa Hàm Long, hàng ngàn khách xa gần đều hành hương về làm lễ và thưởng ngoạn phong cảnh thần tiên.

Tôi biết đến Chùa Hàm Long không phải do đi dự lễ hội, mà là do tôi được giao lên Chùa làm các thủ tục để gửi Vong chị dâu tôi.
Nếu ai đã đọc MỢ TÔI thì chị dâu tôi chính là vợ anh Thạch Sơn. Chị tên là Lan, cùng học trường Lê Ngọc Hân với anh Sơn và tôi. Chị bị trọng bệnh và ra đi đột ngột, để lại nỗi hẫng hụt cho anh tôi và gia đình. Đi xem, thầy bảo mất trúng giờ xấu, ngày tháng cũng xấu. Vậy là để tránh trùng tang, phải làm thủ tục gửi Chị lên Chùa trong hai năm.

Lên đó tôi được chứng kiến rất nhiều gia đình từ nhiều địa phương trong cả nước cũng về Chùa làm lễ gửi Vong người thân. Có điều lạ là Vong khắp nơi về trú ngụ tá túc chốn cửa Phật rất đông mà không hề gây ồn ào phiền toái gì cả.

Ba năm trở lại đây, chị dâu tôi không phải ở Chùa nữa. Chị đã có thể đi về thoải mái giữa nhà thờ bên Nội và Ban thờ Chị ở nhà anh Sơn của tôi. Bây giờ mỗi lần giỗ Chị vào ngày 28 tháng Giêng ÂL, chúng tôi đã có thể khấn kêu tên Chị thoải mái mà không sợ Thần Trùng hiện về. Lần nào cũng vậy, khi đang cúng thì không có vấn đề gì. Nhưng hễ lúc mọi người đang ăn, hai anh em tôi lên bàn thờ thắp hương cho Chị thì bát hương cũng bùng lên hóa hết. Mỗi lần như vậy, tôi phải ôm chặt lấy anh tôi vì anh í rất hay tủi thân. Mà tôi cũng chỉ cứng rắn hơn anh tôi chút xíu bằng cái móng tay, cũng nhờ tôi đã qua đời lính!

Mấy năm gần đây Chị Lan tôi ít về, chẳng hiểu tại sao. Hay chị đã đầu thai vào kiếp mới?


THẦY LÂN


Thế là chị Lan vợ anh Sơn của tôi đã từ giã cõi trần.
Sau khi đưa chị vào gửi ở nhà lạnh bệnh viện 108, chị Tuyền thông báo cho mấy anh chị em tập trung tại nhà anh Sơn. Chị Dung, chị dâu cả nói: Chị vừa hỏi qua một thầy, thầy cho biết là Lan đi vào giờ rất xấu, có lẽ phải đến anh Lân xin ý kiến. Và thế là cả mấy anh chị em lên xe kéo đến nhà bác Lân ở trên phố Trần Xuân Soạn.
Khi đi trên xe chị Dung nói qua cho các em được rõ là anh Lân chơi thân với anh Minh nhà mình, gần đây mọi người quen gọi là thầy Lân vì anh giảng dạy ở Đại học Bách khoa, cũng còn lý do khác nữa là anh xem ngày xem giờ xem tướng số tử vi giúp mọi người.
Nhà anh ở tầng hai, phòng khách chật chội nhưng sạch sẽ, xung quanh toàn sách là sách. Mấy anh chị em chia nhau ngồi quanh bàn nước, còn nữa thì lôi ghế nhựa ghế đẩu ở phòng bên ra rồi quây quần quanh anh Lân. Anh nhìn lướt một lượt "mấy đứa con nhà ông Nho bà Miến" rồi nói: - Nhà này anh chơi thân nhất với Minh thì nó mất rồi, con Chi thì ở trong Sài gòn mà hình như nó cũng chết rồi phải không.

Anh chỉ vào anh Bằng anh Sơn rồi tiếp: - Dạo anh hay đến nhà thì hai đứa mầy đang ở Liên Xô, còn mấy đứa sau nữa anh không biết hết đâu. Rồi anh hỏi hôm nay đến có việc gì?
Sau khi nghe chị Dung trình bày xong rồi chị đưa cho anh một mảnh giấy chắc trên có ghi tên tuổi và ngày giờ mất của chị Lan, anh xem qua mảnh giấy rồi nói: - Chờ anh tí!

Mấy phút sau anh từ phòng trong đi ra với mấy quyển sổ trên tay, anh vào đề luôn:
- Con Lan chết vào giờ xấu, quá xấu, cái gì cũng xấu, ngày tháng năm rồi đến cả giờ cũng xấu, tóm lại là giờ trùng.
Nghe đến giờ trùng, cả mấy anh chị em nhìn nhau thót hết cả tim.
Nói chuyện với chúng tôi một lúc anh rút ra kết luận: - Nhà này nhiều giáo sư tiến sĩ nhưng nếu dùng từ chuyên môn thì người ta gọi là vô minh, chả hiểu cái đếch gì về thế giới con người cả.
Khi tôi hỏi anh về hiện tượng trùng tang thì anh hào hứng hẳn lên: - Thôi, chúng mày chịu khó ngồi lâu lâu một chút anh sẽ giải thích cho nghe.
Hóa ra đó là một đề tài cấp bộ thuộc thể loại "thanh toán sau" nghĩa là mọi kinh phí chủ nhiệm đề tài và bộ môn tự chi trả trong quá trình nghiên cứu, mọi chi phí chỉ được bộ chủ quản thanh toán sau khi có kết luận của HĐKH cấp Bộ thông qua.
Anh kể, đề tài làm trong nhiều năm, kinh phí không lớn nhưng công sức và thời gian bỏ ra quá nhiều, sau 10 năm chờ đợi mà họ không thành lập được hội đồng anh đành buông xuôi. Sau đó một thời gian, bạn anh đang công tác ở một Viện nghiên cứu của Nhật Bản thông báo rằng Viện này đang tổ chức một Hội thảo khoa học, trong đó có một nhánh rất phù hợp với nội dung đề tài của anh, họ đồng ý mời anh sang tham dự và báo cáo. Thế là anh lao vào chuẩn bị, rồi sang Nhật, rồi đọc báo cáo khoa học trong những ngày tổ chức Hội thảo.
Điều không ngờ là báo cáo khoa học của anh đã được các nhà khoa học Nhật Bản để mắt tới. Trước khi rời Nhật Bản để về nước, anh nhận được lời mời từ phía Viện nghiên cứu, họ đề nghị được gặp để trao đổi thêm về đề tài, và ngỏ ý muốn mua bản quyền với giá khởi điểm là 200 ngàn đô-la Mỹ.
(Còn nữa)