Nó về nước thăm Mẹ.
Mẹ tuổi đã cao, vì thế năm nào nó cũng cố gắng thu xếp để về với mẹ vài ngày. Còn anh em lũ chúng tôi, rồi bà con, vài năm nó về một lần là được rồi, chả ai trách cứ gì. Ai cũng biết, mỗi lần về là một lần vất vả, lại phải thu xếp mọi thứ bên đó mới dứt áo xách va li ra sân bay được.
Biết thế nên thấy nó về, cả nhà vừa mừng vừa thương. Ông anh xót xa "Dạo này nó gầy đi". Bà chị dâu bảo "Nhìn dáng chú í lúc nào cũng tất bật, rất đe-la-vôi". Tôi vặn "Cô nói tiếng Nga hay tiếng Đức đới?". Cô ấy lườm sém lông mi "Một chữ Đức cắn đôi không thuộc tôi nói tiếng Đức cho ai nghe đây. Sĩ diện!". Tức nổ mắt mà không dám nguýt lại.
Đang ọp cà phê với anh em bloggers vậy mà vẫn để nguyên ba-lô quà trên lưng. Ly cà phê chưa kịp nguội đã xách xe lên đường đi chuyển quà, sợ nhà họ mong mí lại sợ không đủ thời gian. Bận thế mà vẫn tổ chức hẳn một ngày đi Gia Khánh Gia Viễn. Mình bảo để anh nói bí thơ HC lái xe cho đúng định hướng, đồng chí ấy cũng hàm Giáo sư, đến đất học phải có học hàm. Hắn nói thôi khỏi, chỉ cần học vị khỏi học hàm, em đã chỉ định một thằng tiến sĩ lái xe ngày mai rồi. Thế là kê cao gối ngủ.
Sáng ra, đi sớm. Thằng em bảo "anh lên ghế trước ngồi", mình vừa kiếm chỗ ở băng ghế sau vừa giải thích: "Bằng của anh chỉ là Phó tiến sĩ, ngồi sau này là được rồi". Tay lái xe nhếch mép cười ruồi một cách rất chi là khó hiểu.
Cùng đi có ông anh cả, trước làm bên Une-xì-cô, anh đi để lấy số liệu cho công trình nghiên cứu về "văn hóa cưu mang của người Việt cổ". Không biết bằng cách nào thằng em lại kéo được cả một cô nhà báo vừa trẻ vừa xinh chuyên viết về mảng giáo dục đi cùng. Mình đoán chắc em này đi để viết bài về "Nói không với...", với cái gì đấy mà chả được, vô thiên lủng. Mình có cái dở là hễ ngồi cạnh cánh nhà báo là y rằng mất điện. Ngồi cạnh em này cũng vậy, mình im re, hai tay vòng trước ngực suốt cả chặng đường, mỏi ê ẩm.
Không tưởng tượng được ở quê bà con lại đón tiếp nồng hậu và trọng thị đến vậy, quả có hơi bất ngờ. Nhưng cũng láng máng hiểu rằng, thằng em mình đã hết lòng cưu mang giúp đỡ con em họ nơi đất khách quê người. Trong lúc tất cả bà con cùng đầy đủ thành phần quan chức của Ủy ban xã nhà đang chuyện trò để chờ dự bữa cơm thân mật thì thằng em có điện thoại từ bển gọi về. Mình nghe lỏm câu được câu chăng "Ờ, đông đủ cả. Đang ngồi ở nhà bố mẹ của cháu đây. Nhớ nấu nướng ăn uống giữ sức khỏe. À mà chú dặn này, nhớ vệ sinh cái tủ lạnh giùm chú, đi lâu ngày sợ nó có mùi. Đúng rồi đúng rồi...".
Vào tiệc. Ông anh cả tranh thủ giới thiệu: "Chú em tôi thì bà con biết rồi, tuổi mới bốn mốt. Già trước tuổi nên trông tưởng là anh, chứ đây mới là thằng anh (chỉ vào tôi -MH), năm nay bốn mươi". Cũng chẳng ai để ý tuổi tác, mình cũng đánh bài lờ luôn, được khai sụt tuổi thì dại gì cãi lại, hehe.
Ông anh cả chỉ vào em nhà báo trẻ xinh: "Còn đây là nữ ký giả Kỷ Dậu, băm hai tuổi". Em nhà báo thỏ thẻ "Dạ, em mới ba mốt ạ!". Cả nhà ồ lên, ba mốt gì mà tơ thế! Chả ai tin.
Bữa trưa diễn ra trong không khí gia đình vô cùng ấm áp và thân tình. Bác bí thư xã quan tâm: "Chú mày được mấy cháu rồi?". -"Dạ mỗi", thằng em tôi nhỏ nhẹ đáp lời. "Trai hay gái?", bác bí thư tiếp tục quan tâm. Thằng em tôi: "Dạ, toàn thân giống cha, ngã ba giống mẹ ạ!". Bí thư xã ngớ ra mất mấy giây rồi ngửa mặt hahaha có vẻ tâm đắc lắm. Hai anh em cạn một chén rượu quê rồi mút luôn hai con ốc đá.
Chia tay. Trên đường về cậu lái xe có học vị Tiến sĩ cho xe chạy dọc đê để mọi người có cơ hội thưởng ngoạn cảnh vật miền quê. Cậu em tôi ngồi ghế trước, hạ kính chăm chú nhìn ra ngoài. Tất cả im lặng, không ai nói với ai một lời. Ai cũng muốn dành cho nó khoảng thời gian thiêng liêng và quý giá. Tất cả những gì nằm trong tầm nhìn của nó chiều nay, những hình ảnh thân thương yên bình của một vùng quê Đất Mẹ, sẽ là nguồn năng lượng tinh thần vô giá ủ ấm tâm hồn nó trong những tháng ngày sống trên đất người.
(Hết phần hai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét