Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

ANH TRỖI

Anh Trỗi ơi!

Sáng mai 16 tháng 10, tại Hội trường Cung Văn Hóa Hữu Nghị sẽ diễn ra cuộc gặp mặt cựu học sinh Trường Văn hóa QĐ Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Trường Trỗi) nhân 45 năm ngày truyền thống của trường (15-10-1965 - 15-10-2010), vậy mà em chưa viết thêm được bài nào về Anh.

Cho phép em đăng lại bài viết trước đây, Anh Trỗi nhé!


ANH TRỖI ĐÃ TỪNG HY SINH Ở LỆ THỦY - QUẢNG BÌNH?

Nguyễn Tấn Định

Bài viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày Anh Trỗi hy sinh

Tôi có rất nhiều bạn là cựu học sinh Trường Trỗi, các anh chị tôi đều đã qua Trường Trỗi, thậm chí tôi có ông anh rể cũng là dân Trỗi nốt, đó là Hữu Thành. Thế thì còn chần chừ gì nữa mà không tự nhận mình là dân Trỗi! Rồi không biết từ khi nào, tôi cứ nghĩ mình là dân Trỗi thật. Và cũng thật may mắn là mấy thằng bạn thân chẳng đứa nào phản đối cả, lại còn coi đó là điều hiển nhiên mới lạ chứ. Hôm rồi Chu Kỳ Minh còn hùng hồn tuyên bố với nhóm bạn "Thằng này là Trỗi khóa Chín!". Ừ, Trỗi Khóa Chín, Trỗi Khóa Chín, sao lâu nay mình không nhớ ra là mình đã học ở Trỗi Khóa Chín nhỉ! Dân Trỗi - đó là niềm tự hào đáng yêu và niềm vinh dự lớn lao của tôi!

Vậy mà, tôi hỏi mấy thằng bạn Trỗi về cái chết của Anh, nhiều đứa cũng tơ lơ mơ lắm, chẳng nhớ gì nhiều. Đặc biệt khi tôi hỏi "Mày có biết Anh Trỗi đã từng bị xử bắn ở Quảng Bình quê tao không?" thì nhiều đứa ngẩn tò te, có đứa nhìn tôi chằm chằm rồi bảo "Điên! Đi chỗ khác chơi, mày!". Thật tệ! Vậy mà chuyện lại có thật đấy. Chẳng những thế, nếu tôi còn để lộ thông tin là Anh Trôi vẫn còn, đang sinh sống ở Thành phố HCM, thỉnh thoảng đi công tác tôi vẫn ghé thăm, thì bọn bạn chắc chắn cho tôi là điên thật, rồi "cưỡng chế" đi Trâu Quỳ cũng chưa biết chừng!

Biết vậy nhưng tôi vẫn kể.
Tôi kể chuyện này, tuy gọi là chuyện trẻ con, nhưng để chúng ta nhớ lại một thời, cái chết của Anh đã tác động đến lớp trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên miền Bắc, sâu sắc đến như thế nào. Tấm gương hy sinh đẫm chất anh hùng ca của Anh đã để lại ấn tượng không bao giờ quên cho mọi lứa tuổi học sinh chúng tôi, đã trở thành hành trang theo chúng tôi vào đời và ra trận, như thế nào.

Đầu đuôi là như thế này.
Tôi nhớ hồi đó tôi học cấp ba, ở trọ luôn nơi trường sơ tán. Một hôm, mấy đứa con trai lớp tôi bày ra làm báo tường, tên báo là SỐNG NHƯ ANH, tôi được phân công vẽ chân dung Anh Trỗi. Tôi có cái vinh dự đó không phải vì tôi giỏi vẽ chân dung, mà là vì tôi có những năm cái hoa tay, nhiều hơn thằng nhiều hoa tay nhất trong lớp đúng một cái. Thực ra lúc đó tên của Anh là Nguyễn Văn Trôi chứ không phải là Nguyễn Văn Trỗi như sau này chúng ta vẫn thường gọi. Chính xác nguyên nhân do đâu tôi không được rõ, nhưng nghe đâu tại lỗi kỹ thuật khi truyền điện tín, không biết có đúng thế không.




Tôi nhớ là lúc tôi đang vẽ Anh Trôi thì nghe tiếng bọn trẻ con cãi nhau chí chóe phía sau lưng. Ngoảnh lại nhìn thì, chèng đéc ơi, trẻ con đâu ra mà lắm thế này, lại còn cãi nhau loạn xì ngầu cả lên. Thằng nhỏ con bà chủ nhà nói "Không giống Anh Trôi". Tôi thấy nóng mặt, đúng là oắt con, thằng này dám làm mất uy tín họa sĩ! Tôi hỏi nó "Sao biết không giống? Mày gặp anh Trôi lúc nào mà biết không giống?". Nó bảo "Em gặp rồi, không giống!". Thế mới điên! Không ngờ thằng ở trần con nhà bà hàng xóm lại còn cố cãi giúp "Không giống. Tóc anh ấy ngắn và tai thì nhỏ hơn. Anh ấy bị bắn ba phát mới chết, mà không thấy có máu chảy ra chi hết". Tôi giật cả mình, hỏi lại "Bắn ở đâu?". Nó bảo bắn ở sân vận động, cạnh trường cấp một. Tôi hỏi dồn "Ai bắn?", nó tái mặt tưởng tôi trấn áp nó, miệng lúng búng "Mỹ Diệm, Mỹ Diệm bắn mà". Tôi láng máng hiểu được chuyện gì đã xảy ra, nhưng không thể cười thành tiếng được, bởi chúng nó nói với giọng rất nghiêm túc. Tôi bèn hỏi tiếp "Thế quân ta đâu cả?". Thằng con bà chủ nhà nhanh nhảu "Quân ta hô đả đảo Mỹ Diệm, đả đảo Mỹ Diệm". Thằng nhỏ hàng xóm cãi "Không phải Mỹ Diệm mà là đả đảo đế quốc Mỹ". Con bé ngồi xổm bên cạnh thêm "Cả tay sai nữa, bè lũ tay sai"! Một nhóc mặc may-ô quần đùi nãy giờ đứng im nay cũng chêm vào "Anh Trôi hô Hồ Chí Minh muôn năm đến hai lần". Thằng nhỏ hàng xóm cãi "Ba lần!". Thằng nhóc may-ô cãi lại "Hô hai lần thì anh ngoẻo cổ xuống luôn". Một con bé khác đứng đằng sau kể "Lúc đó chị Hương tau khóc ngất". Thằng nhỏ con bà chủ nhà tiếp lời "Mạ tau cũng khóc, nói Mỹ Diệm ác thiệt!". Một thằng nhỏ đầu trọc lóc mặc quần thủng đít khẳng định "Anh Trôi chưa chết mô, mấy ngày sau tau còn thấy anh ấy đi tắm sông với mấy người nữa, ở bến sông cạnh nhà tau, tắm với một thằng Mỹ Diệm"...

Như vậy câu chuyện qua lời kể của bọn nhỏ là có thật. Bây giờ chỉ còn phải tìm hiểu xác minh xem nó đã xảy ra lúc nào và xảy ra như thế nào nữa thôi. Là cảnh trong một vở của đoàn kịch nói hay trong biểu diễn văn nghệ của địa phương? Tôi liền tìm gặp chị Quyên. Chị Quyên này không phải chị Quyên vợ anh Trôi, dĩ nhiên là thế rồi. Chị Quyên này là chị họ của tôi, hơn tôi hai tuổi nhưng học cùng lớp. Nghe tôi hỏi, chị cười ngặt nghẽo rồi kể lại cho tôi đầu đuôi câu chuyện. Đó là vào cuối năm học trước, trong hội diễn văn nghệ của toàn trường, có vở tiểu phẩm "Hãy nhớ lấy lời tôi!" của lớp 8A, rất hay và rất xúc động. Tôi hỏi chị ai đóng vai anh Trôi, chị bảo thầy Xuyên chơ ai, thầy nói giọng Nam Bộ nên rất giống anh Trôi. Tôi hỏi thế mặt có giống không, chị bảo không giống, anh Trôi đẹp trai hơn, với lại mái tóc anh Trôi cũng đẹp hơn. Tôi bảo, thế nên chị Quyên mới yêu và lấy anh Trôi chớ! Chị quay mặt cười ngượng nghịu, nhưng mắt thì rưng rưng. Tôi đoán, chắc chị nghĩ và thương chị Quyên của anh Trôi nhiều lắm! Chị còn kể thêm, trong vở diễn còn có vai nữ ký giả Sài Gòn do Lâm Thị Mỹ Dạ đóng, rất điệu đàng và duyên dáng, một tay cầm cuốn sổ một tay cầm míc-cờ-rô, cổ đeo toòng teng đến hai máy ảnh, thỉnh thoảng lại đưa lên chụp chụp, rất điệu nghệ. Tôi nghe kể cứ tức anh ách. Ký giả Sài Gòn tay sai thì không thể xinh như Lâm Thị Mỹ Dạ được, thật đóng phí cả đi! Chị Quyên quay sang tôi, hỏi: "Sao kịch hay thế mà em không coi là răng?". Tôi nói với chị, lúc đó tôi còn đang học ở trường Lê Ngọc Hân Hà Nội, nên không xem được kịch. Chị Quyên nói "Tiếc hè!". Ừ, thật tiếc đứt ruột!


Bây giờ thì chuyện anh Trôi bị xử bắn ở sân vận động thuộc một làng của quê tôi là có thật rồi nhé, ít nhất là qua lời kể hồn nhiên và đầy cảm xúc của mấy đứa trẻ quê tôi! Những nhân chứng là người lớn đến nay vẫn còn sống cả, có người lại còn là nhân vật trong cuộc nữa chứ. Này nhé, chị Quyên, chị họ của tôi công tác ở Đại học An ninh nay đã nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân Hà nội. Nữ ký giả Sài Gòn Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ nữ nổi tiếng đang sống và làm việc ở Huế. Còn người đóng Anh Trôi, người anh hùng của chúng ta, là thầy Nguyễn Vĩnh Xuyên, thầy dạy Địa lý của trường. Sau bảy lăm thầy trở về Sài Gòn tiếp tục dạy học. Vợ thầy không phải tên Quyên mà tên là Mượt, "Mượt của ta!" - như thầy vẫn thường tự hào khoe với mọi người! Mỗi lần có dịp đi công tác vào Thành phố HCM là tôi đều ghé thăm thầy. Lần nào Thầy cũng mừng như người thân lâu ngày gặp lại. Chị Mượt vợ thầy, vẫn đảm đang và chu đáo với em út như xưa nay vẫn thế. Ngắm Chị từ đằng xa, trông dáng Chị vẫn gọn gàng thon thả, toát lên vẻ uy phong của một nữ xã đội trưởng lẫy lừng một thời của một vùng quê thuộc Thanh Trì ngoại thành Hà nội!

Chuyện có thật mà, Anh Trôi cũng có biết mà!

Hà nội, Đêm 11 - 10 - 2009

NTĐ   

SẺ CHIA


KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Những ngày cuối Thu, đầu Đông.
Những buổi chiều se lạnh, tôi thích khoác chiếc áo bông quân phục, ngồi im lặng trên chiếc ghế đá phía bên phải lối cửa ra vào của A2 Viện Tim Mạch, Bệnh viện TW Quân đội 108. Giờ này là tầm 'tan ca', nghĩa là cuối giờ làm buổi chiều, các bác sĩ và nhân viên ra về, một số khác đến nhận ca trực đêm.

Tôi ngồi ở đây, vào đúng giờ này, bởi tôi thèm nhìn lại những khuôn mặt thân thuộc. Có thể họ không nhận ra tôi, nhưng tôi biết rất rõ về họ. Nhìn thấy họ tôi thấy nhớ Ba tôi nhiều hơn. Và cũng nhờ nhìn thấy họ, nỗi nhớ về người cha thân yêu trong tôi cũng được khuây khỏa phần nào. Họ là những bác sĩ, y tá, hộ lý đã trực tiếp và gián tiếp chăm sóc, điều trị cho Ba tôi.

Ba tôi bị suy tim lão khoa, cấp cứu tại đây bốn lần trong năm, và ra đi trong lần cấp cứu cuối cùng, trong ngày cuối cùng của tháng Mười năm ngoái. Dịp này là giỗ đầu Ba tôi. Nếu còn, đến Tết dương lịch này Ba tôi tròn 96 tuổi. Ba tôi ra đi trong thanh thản, bởi ông cảm nhận được tình thương yêu và sự chăm sóc chu đáo, tận tình không chỉ của con cháu, người thân trong gia đình, mà cả của đội ngũ bác sĩ, cán bộ nhân viên, y tá hộ lý của Viện Tim Mạch này, và của cả Quân Y Viện 108 nói chung. Đó là điều mà tôi cũng như mọi thành viên trong gia đình luôn khắc ghi và biết ơn sâu sắc!

Không thể nào quên được bác sĩ Biên lãnh đạo Viện, bác sĩ Sơn lãnh đạo Khoa, các bác sĩ điều trị như anh Thành, anh Chiến, anh Hưng, rồi cô Thu Hành chính, rồi các cháu y tá hộ lý, rồi bác sĩ Hòa ở Khoa Cấp cứu, rồi những ai nữa, những ai nữa mà tôi không kịp nhớ tên trong những ngày căng thẳng và vất vả đó. Tôi muốn nói lời biết ơn đến tất cả, tất cả...

Cũng chính ở đây, hàng ngày hàng giờ tôi cảm nhận được những gì mà chúng ta thường nói về y đức, về tình thương giữa người với người, về sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, về thực tế sinh động của lời thề Hippocrates.

Tôi luôn tin rằng, ở Thế Giới Bên Kia, Ba Mẹ tôi luôn nhớ về những người thầy thuốc nơi đây, biết ơn họ, và phù hộ cho họ có được sức khỏe và cuộc sống an lành để ngày ngày cứu giúp người bệnh!

Không thể nào quên!
Hà Nội, 10-11-2010
NTĐ

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

VẬT CHỨNG CÔNG NGHỆ CAO

KẺ BỊ HẠI ẨN DANH!
 wikileaks 'giải cứu' ông nhớn Wikileaks.
'wikileaks' vừa tiết lộ một tin động trời, đó là cuộn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa ông chủ Wikileaks và luật sư của ông.
Đây là trích một đoạn cuộc hội thoại có một không hai, cuộc hội thoại có nhiều khả năng sẽ cho ông cơ hội trắng án trước lời buộc tội hiếp dâm.
 
...
 
Luật sư (LS): - Điều bất lợi cho ông là cô ta có trong tay bằng chứng lợi hại, vật chứng cũng chống lại ông.
Ông Chủ Wikileaks (OCW): - Đó là cái gì vậy? Băng ghi hình?
LS: - Còn hơn cả băng ghi hình, đó là bao cao su (BCS).
OCW: - Thật nực cười! Ông không nghĩ là cái đó có thể nhận miễn phí ở ngay quầy lễ tân của bất cứ một khách sạn nào ở Thụy Điển?
LS: - Tôi biết rõ điều đó. Nhưng rất tiếc đây lại là BCS của ông, kết quả của cơ quan điều tra đã chứng minh điều đó. Có một chi tiết đáng giá, đó là ông có sử dụng cái BCS đó đến ba lần nhưng không thành công. Lần nào ông cũng không sử dụng nó cho đến đầu đến đũa. Vì vậy cô ta tố cáo ông không chịu sử dụng BCS khi 'tác nghiệp' cũng là có lý! 
OCW: - Có nghĩa là tất cả những chi tiết ấy đều được ghi lại?
LS: - Lời đồn không sai! Ông quả là rất thông minh!
OCW: - Nhưng ghi bằng gì mới được chứ? Cô ta...
LS: - Cô ta không liên quan gì đến những thông tin này. Cái BCS thuộc sở hữu của ông là loại thượng hạng, loại đã được gắn 'chip-nano' chỉ dùng cho những khách hạng sang có nhu cầu lưu thông tin riêng tư và tế nhị cho bản thân.
OCW: - Hoang đường!
LS: - Cả thế giới cũng đã thốt lên như thế khi mới nghe tin ông có trong tay hàng triệu trang tài liệu thuộc loại 'không thể rò rỉ' của các quốc gia hàng đầu về bảo mật thông tin.
OCW: - Có lọai chip-nano quái quỉ ấy sao? Lại còn có cả loại BCS gắn chip ấy sao?
LS: - Đấy, vì thế mà lần này ông thất bại đấy. Ông đã coi thường các bước nhảy vọt gần đây của khoa học và công nghệ.
OCW: - Tôi không tin vì nó không có trong những dòng tài liệu mật mà tôi hack được. Hoàn toàn không có!
LS: - Ông không hack được nhưng nó lại tồn tại đấy. Tôi không có tài như ông nhưng tôi xem loại BCS ấy là vật dụng thường ngày của tôi. Nhưng như tôi đã nói là chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thông tin đó để chống lại cô ta. Ví dụ ông có thể cho biết nguyên nhân gì khiến ông ba lần dùng thử rồi lại thôi?
OCW: - Tôi sẽ không nói! Đừng ai hy vọng tôi sẽ nói ra điều đó. Đơn giản nó là một sự sỉ nhục!
LS: - Vậy ông chấp nhận thua cuộc? Tôi không tin là ông có thể đầu hàng một cách dễ dàng như vậy. Và như thế có nghĩa là cô ta đã khai đúng sự thật. Cô ta đã đề nghị, rồi yêu cầu ông nhưng cuối cùng ông đã giận dữ từ chối dùng biện pháp an toàn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa kết án ông phạm tội hiếp dâm.
OCW (nổi khùng): - Thật bỉ ổi! Đồ đê tiện! Chính cô ta đã làm hỏng cuộc vui hôm đó. Chính con phù thủy quái ác đó gây ra sự cố rồi lại định đổ vấy cho ta ư? Đâu dễ dàng thế!
LS: - Vậy cô ta chính là thủ phạm đã gây ra sự cố? Thế thì cô ta có thể sẽ phạm tội vu khống. Ông có thể nói rõ hơn sự cố?
OCW: - Chính con phù thủy độc ác đó đã cắn tôi một miếng đau điếng, suýt chết giấc. Cũng may mà con ranh này có nhiều bí quyết nên sau đó cuộc vui vẫn tiếp tục. Nhưng việc không thể dùng BCS là ngoài ý muốn chủ quan của tôi. Như ông biết đấy, tôi đã cố ba lần dùng thử nhưng nó đều rơi ra. Vâng, nó tự động rơi ra thôi.
LS: - Lạ nhỉ! Vô lý! Ông vừa nói là cô ta đã cắn ông?
OCW: - Không! Con ranh ấy không cắn tôi. Nó cắn 'thằng nhỏ' của tôi! Ông hiểu chưa, ông Luật sư?
.....
(Vẫn còn một đoạn)
 
Một số người nghe xong đoạn băng trên đều xác nhận là băng "xịn", nghĩa là loại trừ yếu tố làm giả.
Băng xịn. Nhưng có người lại phát hiện ra "wikileaks", kẻ phát tán đoạn băng nói trên không phải là Wikileaks của Julian Assange, wikileaks này chỉ là một tổ chức bé tẹo mới được hình thành bởi những tay hackers sẵn tính hài hước, được kỳ vọng là một trong những minileaks đầy tiềm năng!  
 
Còn các bloggers quen thuộc của QC thì quả quyết rằng đây chỉ là đoạn băng 'Thư giãn cuối tuần' của Bọ Lập mà thôi!
TĐ.

OFFLINE VNWEBLOGS

VUI VUI OP-LAI VI-EN-BLÔC-GƠ

Chat chit xong đang chơi ghêm, trong chăn, tât nhiên!
Reng reng! Chưa chi nghe Cu Vinh oang oang: "Eng vô coi en-ti, en-ti tân trang, coi ngay nghe eng!". Vô thì vô, coi ra răng, ăn thua chi nhau! Vô luôn trang Cu Vinh, lic bên Đông lic bên Tây, lic ngang lic nghiêng rồi lic lên trên: Oa cha, ca-mê-ra oach ghê! En-ti chi mô, giao lưu đây chơ. Đông chi đông ghê, đông như nêm.
Coi ha, y chang như trong phim top teen đang mê nhau đang mi nhau. Đôi ni đôi tê say sưa huyên thuyên đôi khi quên luôn nhân dân xung quanh. Xem ra giao lưu như ri nghe vui tai ghê. Nghe tui khen Cu kêu ca: "Giao lưu đâu, đâu? Op-lai chơ, trăm năm nay anh chưa nghe sao?". Tinh vi! Op-lai hay giao lưu hơn thua chi nhau! Mut ti con chim ri, hihi.
Đang xem, nghe xi lô xi la như dân quê choa, như coi phim Tây. Một cô xinh xinh hai tai hây hây trông quen quen: Thanh Chung! Đang thao thao khoe cua rang me, Thanh Chung lăn tăn: "Năm kia op-lai ăn như ri lên luôn năm cân, thât kinh luôn". Anh kia (ai như thi nhân ViCi, nghe đâu thi gia) nghiêng tai nghe nghe trông yêu yêu, hai tay vung vung răn đe: "Yên tâm đi, vô tư đi, măm măm đi! Ua cha, mi kêu lên cân sao sao Chung?". Chung Ny găp luôn con cua to nhât mâm ngoăc lên vai anh cu kia, vung hai con tôm lên khua khua: "Trăng sao chi, măm đi, không sao đâu. Xem em măm đây!". Xong luôn con tôm. Oa cha, Ăc Ăc!
Bên mâm tê Cu Vinh nhai nhai nhăn nhăn như con trăn chip hôi đang nhai lôp xe. Hỏi sao nhăn? Em đau răng! Đau răng mô? Răng ni, đau luôn ba răng bên ni. Tưởng chi, đau ba răng ăn thua chi, nghe như săp toi, tưc ghê! Tôi khuyên Cu: Thôi ăn đi, năm kia anh đây đau bên ni hai răng, bên tê đau thêm ba răng măm cả con baba nhai luôn mai nhai luôn xương, ăn đi Cu. Không nghe khuyên răn, hắn la: Oa! Nhưc ghê nhưc ghê, đau ghê cha ôi em Mai ôi em Oanh ôi! Cu Vinh than "Em ăn như voi hôm nay đau răng như ri e em toi mât thôi anh ơi!". Đang vui liên hoan giao lưu op-lai như ri, nghe la đau răng, bưc xuc ghê!
Ai như Ngô Minh đi ra đi vô, đi vô đi ra trông sương sương đi nghiêng nghiêng, ca lên khuc ca muôn năm "Ta ôm khe ta ôm thôn ta ôm sông ta ôm luôn con mương.." nghe thương chi thương ghê!  Phan Hâm liêc ngang kêu lên: Coi Ngô Minh, e nôn e nôn. Nôn luôn, e e chi. Không lôi thôi, không kiêng chi ai, Khôi ta nôn luôn ra sân. Nôn xong hai tay khua lung tung: "Bô tui bô tui? Bô tui treo đây ai quăng đi mô?". LêCông bông lơn: "Xưa nay ai nôn vô bô. Xô đâu xô đâu?". Ai quăng xô đi mô, Ngô Minh đeo sau lưng kia kia! Hô hô hô.
Tên Nguyên 'Hero' xem ra như đang say say, tây tây, nghiêng nghiêng vô vai Ban Mai. Ban Mai yên yên xem sao! Ai kia như PhươngPhương đi bên ThanhHoa tay trong tay, măt nheo nheo, chân rung rung trêu anh Nguyên Hero chơi: "Ơi anh Nguyên Thaothưc, sao anh thao thưc đêm đêm, phô-lâu mi, đi theo em, ra Côn Lôn, đi không anh?". Nghe như ca ca, nghe như rên rên, Nguyên Hero say hay tôi đang say? Nghe qua qua ThanhHoa ca, con tim ta rơi ra luôn, trôi theo con sông kia, theo dòng Lam Giang trôi xuôi em ơi... Nguyên Hero không thua chi trai tơ, say say nhưng nheo mắt kêu to: "Theo em đi đâu, đi Ca-na-đa, đi Xô-ma-li, hay đi Liên Xô? Đi mô bên em anh theo đi luôn. Anh vô Thanh Chương, anh vô Nghi Xuân anh bê luôn Cup Nô-ben thơ ca trăng sao. Em vui không em". Hehe, ghê răng!
Nghe anh Chung la lên trên sân: "Ai phô-tô phô-tô đi, mai đưa tin". Xem ra Nguyên 'Hero' say như con tintin ôm mông quay cu-lơ bên thân cây xoan, ai đi phô-tô đây? - Anh Chung, anh Chung năm hoa tay, năm nay rât lên tay, anh phô-tô đi anh, anh em yên tâm! Khiêp, Kim Oanh khen anh Chung lên tit mây xanh. Anh Chung ngoan nghe theo ngay, phô-tô khăp nơi, phô-tô trong ra, phô-tô nghiêng nghiêng, phô-tô sau lưng, phô-tô bên hông. Anh em vui, yên tâm măm không lo chi.
Bên mâm kia ai như Trương Duy, lom lom, khom khom, nghiêng nghiêng săm soi. Ôi, goc chi trông xiên như con lươn, qua bên coi e tui ngât luôn đây. Nghe Lê Dương kêu lên: Im im hai tên kia! Hai tên ôm nhau đi ra gôc cây trông như hai tên Tây lai. Ô không! H'Linh như tên Tây đen ôm lưng Văn Công Công đi ra ven sông. Văn CôngCông trông như con nai Ba-na lai heo Ê-đê nuôi trên Gia Lai, tai to mông căng, trên tai không lông, toc thôi bay bay. Sao trên tai không lông, ha? CôngCông nghe, nhăn răng, tay giơ lên nhăm nhăm: "Đang phê đây, không chơi nghe con!". Eo, nghe kinh! 
Bên kia XuânNguyên toc như bông như mây 'chiên gia cưa em ut' đang huyên thuyên. Bên ni "Anh Nguyên ơi" bên tê "Eng Nguêng ui" nghe phat ghen tưc phat điên. Cu TrungTeo (chiên gia but lông tô tranh) măt nheo nheo lom lom trông theo ba em trên sân, tay xoa xoa "Ua cha! Chân như kia miên man miên man mê ơi là mê". RauCâu ra ta đây quan tâm "Đâu đâu, ngang mô ngang mô?". TrungTeo "Ngang nach chơ ngang mô. Ngang trôôc, he?". RauCâu như xưa "Hơ hơ, hơ hơ!". Bơ vơ chơ hơ hơ chi!
Goc sân XuânNguyên ôm eo ThanhChung, không không ThanhChung đâu đây, ThanhChung trong kia, đây ai như ThanhCao. A, ThanhCao! Cao lao ra sân beo tai Văn CôngCông mân mê: "Ông theo tôi ra sông chơi lai rai đi ông!". Văn 'TâyNguyên' buông xuôi hai tay khen "Hay hay, hai chai chi cay cay xơm xơm ông mua hôm qua mô, mô? Hai chai thôi, ba chai e say". Măt ThanhCao long lên : "Say chi, hai be ăn thua chi. Dzô dzô, theo tôi!". Ai hay, tên Vô Danh bên Giec-manh buông câu xanh ghê răng: "Ai vô vô đi, tui đêch vô. Chi nhau, ăn thua chi nhau! Ba chai 'cu em' teo ngay, như 'em' Cu Vinh, teo ngay!". Trương Văn Khoa nhao ra: "Ê Lương Y! Mang theo năm thang cương dương không, ông?". "Ba thang thôi. Ba ăn năm, nghe tôi ông ninh lên, xơi luôn, cương ngay đêm nay. Không cương tôi mang cho ông hai em chân...hehe...miên man luôn. Ưng không?". Chơi thì chơi, chi nhau!
Eo ơi say ghê. Ai bên kia sông ca lên đôi câu nghe bi ai tê tê hai mông: "Em ơi em ơi, em bên tôi hai ta bơi qua sông, ta lông nhông bên nhau ven sông để con tim tôi theo dòng trôi ra xa...ai ơi...ai thương tôi...". Nghe thê lương  ghê, bi ai như bong da hông không lên da non, còn gì là son, em ơi! 
Tham gia giao lưu op-lai vi-en-oep-lôc thân tôi y chang như anh cu Dâu bên Ca-na-đa, tim lâng lâng hai măt long lanh, loay hoay boc tem Cu Vinh xong nghe trong tâm nôn nao, xôn xang, như LâmCuc chưa đăng xong trang thơ, như ThanhTrang chưa sinh xong con, như LâmChiêu Cu(Đồng) bên bưc tranh Ngư Ông Bên Sông dở dang, như..... Thôi, tôi đi ra Ga đây. Cu Vinh lang thang đi theo không buông tha: "Eng ơi, dư hai chai, chơi luôn?". Tui: "Nhiêu chai". Cu: "Hai, eng!". Tui: "Vod-ka hay la-de?". Cu: "Vod-ka!". Tui: "Thôi thôi Cu ơi mi tha cho tau, tau hai nach hai con. Bưa bưa thôi mi ơi! Mi đi xe sang, lên sân bay êm re. Tau đi hai chân khi mô ra Ga đây, ha Cu?". Nghe xong Cu thương Cu tha tui, Cu cho tui đi xe ôm ra Ga, may không xong om!
Xe ôm đi đâu hơn hai cây, trông ra Ga Xe chi to to tôi ngoăc anh xe ôm thăc măc: "Khoan khoan. Ga ni ga chi ri ông?". Tay xe ôm trông ngu ngu, xua xua tay, ngơ ngơ như dê đi ô, phân bua: "Pạ-đôn! Không chơi Phăng-xê, đây nghe không ra! Thông ngôn thông ngôn cho tôi". Tôi điên lên: "Phăng chi xê chi! Dân ngu khu đen đây, An-Nam đây An-Nam-mit đây!". Nghe ra, hai anh em lăn quay hahaha toe loe, xong cho qua luôn.  
TEM xong khuya chi khuya ghê. Tui chui vô chăn run như con dê không lông!
Ăn theo Nguyên 'Hero', thao thưc, không sao chui vô giâc chiêm bao, măt lim dim oc căng căng, xem ra bao blôc-gơ chưa quen, nghe tên hay hay, rât nên thơ, nhưng trông măt trông tai, coi lưng coi hông coi mông coi chân không biêt ai, kêu tên chi. Tha cho tui nha, tri ân nha, mang ơn nha, quen nhau sau nha! 
Chia tay nha! Bai bai nha! Chai chen nha! Ơ-rơ-voa a biento nha! Asta la vista nha! Chi chi chành chành nha! Kakaka...

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

CHỊ XUÂN

Không hiểu sao đêm qua ngủ mơ gặp chị Xuân. Chị Xuân con bác Thợ Tầm làm nghề mộc, là chị của Tý, Tý lại chơi thân với Duyên, cả ba chị em đều thuộc tôp xinh 'sắc lớp nghiêng trường', không ai chịu nhường ai! Gặp chị chị bảo: "Em nhớ đi tìm cái Duyên. Nó ở đâu đấy gần quê mình thôi. Không thấy nó ở chỗ chị, Định à".
Tỉnh dậy, vẫn thấy mùi hương của tóc chị phảng phất đâu đây. Nhớ chị Xuân quá...

CHỊ XUÂN

Chị lớn hơn ba tuổi nhưng mấy chị em lại học cùng lớp. Cái gì cũng dùng chung của nhau, chị lúc nào cũng nhường nhịn. Còn nhớ hồi đó học toán phải có bàn tính, bác Thợ Tầm làm hẳn bốn cái, mấy chị em mỗi đứa một cái, khỏi tranh giành nhau. Bàn tính có hạt tiện từ hóp hoặc trúc, để gác bếp lên màu cánh gián rất đẹp, cả lớp lác mắt. Cái quan trọng là bàn tính bác làm rất chắc chắn, có đánh rơi các hạt trúc cũng không bị xổ ra ngoài, điều mà trẻ con đứa nào cũng sợ, sợ bị ăn đòn nữa.
Lớn lên một chút là học tổ học nhóm, ba chị em học với nhau, anh Ánh nữa là bốn, chị Tý học nhóm khác. Hôm nào học ở nhà cái Duyên thì khuya học xong có mỗi hai chị em ra về, vì nhà anh Ánh sát ngay nhà Duyên. Cứ mỗi lần đến gần hiệu cắt tóc lại nghe có tiếng người nói chuyện rồi cười rinh rích trong đó, nhưng khi ngang qua cửa lại thấy im lìm như miếu bỏ hoang.
Nhiều lần như vậy chị Xuân sinh nghi, chị kéo áo tôi bắt dừng lại và đứng thật im, mặc cho muỗi đốt. Bỗng nghe có tiếng nam và giọng nữ nói chuyện ở trong hiệu cắt tóc thật. Đi một quãng, chị nói qua hơi thở: "Yểu cưa rấn", chị nói tiếng Trung hay không chịu được, mặc dù chị chỉ học ở Phổ thông Công nghiệp, trường mà hồi đó mọi người vẫn xem thường. Phục nhất là cách chị phát âm chữ cưa và chữ rấn. Chữ 'cưa' thì không hẳn cưa mà là giữa 'cơ' và 'cưa'. Còn 'Rấn' thì lại phải là giữa 'rấn' và 'zấn', không hẳn r cũng không hẳn z, điều mà thầy Ngữ dạy Trung văn chưa bao giờ hài lòng với bọn tôi.
Kể từ đó tôi rất thích nghe chị nói ba từ "Yểu cưa rzấn", nghe nhiều rồi đâm nghiện.
Lên cấp ba, chị còn tham gia làm thêm ở Đài truyền thanh Huyện, phát thanh viên nam là anh Duyên em anh Do, người làng Đại Phong, còn nữ là chị. Có đêm trời đổ mưa đột xuất, chị Tý bảo tôi mang áo mưa lên đón chị Xuân mãi tận trên Mũi Viết. Trên đường về hai chị em khoác chung một áo, mỗi người một tay túm góc tấm ni-lông quàng qua đầu. 
Đi sát người chị trong tấm áo mưa, tôi cảm thấy thật dễ chịu làm sao khi từ chị tỏa ra một mùi hương thoang thoảng không thể nói được là mùi hương gì. Và cũng không thể biết được là mùi hương đó tỏa ra từ cơ thể hay từ mái tóc dài mượt mà của chị, tôi hồn nhiên nói: "Chị ơi, người chị thơm quá!".  Đang đi chị bỗng dừng lại, đưa cái túi lưới bằng nhựa trong có quyển sổ tay cho tôi cầm. Tưởng chị muốn đổi chiều kẻo mỏi tay, té ra không phải, chị đưa túi tôi cầm để chị rảnh tay búng một cái thật đau vào mũi tôi rồi mắng yêu: "Trẻ con!". Cái chỗ búng ấy tôi còn giữ mãi cho đến tận bây giờ.
Rồi tôi xa nhà, xa chị hàng mấy chục năm. Chỉ biết tin chị qua bạn bè và bà con. Rằng chị có một gia đình riêng nhưng không hạnh phúc. Rồi nghe chị cùng gia đình vào định cư tận Sài Gòn. Thế rồi trong một chuyến vào Sài Gòn công tác, tôi đã đi tìm chị. Một mình một xe máy tôi tìm đến Phường Thảo Điền, nơi có Trường ĐH Văn hóa, chị làm việc tại Thư viện của trường này.
Hai chị em lâu ngày gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Tôi chỉ thích chị gọi tôi bằng tên riêng chứ không thích gọi 'em', vì chị phát âm tiếng 'Định' mới mềm mại và âu yếm làm sao. Chị vẫn nhớ và chiều tôi từ cách gọi như hồi còn nhỏ. Bỗng có một cuộc gọi từ Hà nội, đó là cậu sinh viên Bách Khoa người Nga vừa tốt nghiệp chào tôi để về nước. Tôi ra hiệu xin phép chị ra ban công để nói chuyện nhưng chị giữ lại cạnh chị, tôi hơi mất tự nhiên vì ít khi rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Xong câu chuyện, chờ tôi cất máy vào túi xong, chị nói: "Chị vẫn hằng chờ em về để nghe em nói một câu tiếng Nga. Hôm nay thế là toại nguyện". Tôi bất ngờ trước niềm vui quá ư bình dị mà tôi đã mang đến cho chị, và ước muốn của chị cũng quá đỗi đơn sơ, đơn sơ đến mức tôi cứ rưng rưng chực khóc. Bình tâm, tôi nói với chị: "Còn em, em muốn nghe chị nói ba tiếng, ba tiếng thôi, bằng tiếng Trung". Ban đầu chị sững người hơi ngạc nhiên, sau đó ngẫm nghĩ một lúc bỗng chị sực nhớ ra, nhìn thẳng vào tôi chị nói: "Yểu cưa rzấn". Trời ơi, bốn mươi năm, bốn mươi năm trôi qua, thế mà thời gian không đủ sức bào mòn một giọng nói truyền cảm nhường ấy,  khiến con tim của đứa em trai đầu hai thứ tóc phải thổn thức!
Từ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm chị và hai cháu. Bẵng đi một thời gian, một hôm chú Hưng gọi điện cho tôi, chú nói đang ở trong bệnh viện thăm chị Xuân, và đưa máy để hai chị em nói chuyện với nhau. Chị cho biết bệnh tương đối trầm trọng, nay đã đỡ nhiều, Định đừng lo, khi nào vào công tác nhớ ghé chị. Tôi thương chị quá chừng nhưng không biết nói sao cho chị yên lòng. Chợt nhớ ra, tôi nói: "Chị ơi, chị nói cho em nghe ba tiếng để em đỡ nhớ chị". Có tiếng thở của chị vọng qua mic, một lát sau chị nói rành rẽ: "Yểu cưa rzấn", rồi tắt máy. Tôi thẩn thờ mất cả ngày hôm ấy...
Chuyến công tác tiếp sau đó tôi đến thăm chị tại nhà riêng. Anh Sinh chồng chị đón tôi ở cổng. Chị gầy, xanh xao, nhưng vẫn giữ được nét tươi tắn của người con gái vùng sông nước Kiến Giang. Đặc biệt giọng nói, giọng của chị có nét riêng không thể nào lẫn được. Và chị vẫn chiều theo ý muốn của cậu em lớn tuổi, lúc nào cũng Định Định, rất hiếm khi nghe chị gọi em.
Lần sau cùng, trước khi về nghỉ chế độ tôi đến thăm chị bằng xe đơn vị. Cậu Phong lái xe chạy qua Trường ĐHKT đón thêm TrangThanh, em con Cậu Dương tôi cùng đi. Mấy lần đi xe máy thì tìm nhà được ngay, lần này cậu Phong cho xe vòng đi vòng lại khu biệt thự Thảo Điền mấy vòng mới tìm được lối vào.
Vẫn anh Sinh chồng chị đón chúng tôi ở cổng. Dẫn chúng tôi vào Phòng Chị đặt quà lên bàn, chào Chị rồi anh mời chúng tôi ra phòng khách nói chuyện. Qua câu chuyện mới biết thêm là sau khi mổ khối u lành ở ổ bụng, chị bị dính ruột, cứ phải mổ đi mổ lại thành ra kiệt sức dần, thật tội. Ngồi mãi vẫn thấy mỗi mình anh Sinh, hỏi ra mới biết các cháu đi làm xa, mãi tối mới về. Chúng tôi xin phép vào chào chị để về đơn vị.
Chị vẫn ngồi đó, khuôn mặt tươi rói thoáng một chút đượm buồn, đôi mắt đen nhánh chăm chú nhìn tôi âu yếm. Không cầm lòng được, tôi nói với Chị: "Chị ơi! tha lỗi cho em, chị nhé! Em nhớ chị như vầy mà mãi không vào thăm chị được. Để đến bây giờ vào được đến đây thì Chị đã ra đi được hơn năm mươi ngày rồi, chị Xuân ơi...".
Hương đã tàn quá nửa, cái Thanh vẫn còn nấc lên bên tôi, còn Phong thì đứng im như tượng, Phong không biết chị đã ra đi, trước khi đưa hai anh em tôi đến đây.
Khe Ve, một ngày Đông cuối năm Canh Dần.
Em ĐỊNH của Chị. 
Nguồn trích dẫn (0)

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

HUYỀN THOẠI HỐ BOM

DUYÊN ƠI...

Dành tặng D của tôi

Tôi là Định, tác giả bài viết "Mối tình đầu của tôi" đã được đăng trên trang blog này, xin thay mặt Duyên là bạn thân thời nhỏ của tôi, gửi đến bà con bạn bè lời cám ơn chân thành nhất. Qua các comments của mọi người, qua email và tin nhắn rồi cả điện thoại trực tiếp, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc và cả tình cảm quý báu của tất cả mọi người. 

Duyên ơi,
Ở nơi xa, nếu tình cờ Duyên đọc được tất cả những gì liên quan đến mình, chắc rằng D cũng sẽ vui lòng, phải không D. Và, Định cũng tin rằng D. sẽ tha thứ cho Định vì đã nói mà không làm được, đó là Định đã tự ý sửa tên của D đi tí xíu, cũng chỉ sợ nó nhạy cảm mà! Hãy bỏ qua cho Định nếu Duyên không đồng tình với việc Định đã tự ý bịa ra chuyện Duyên và O đã từ Thái Lan về nước. Từ Thái Lan về, hay từ Lào trở về, hay không phải thế thì có gì quan trọng lắm đâu, bởi vì chuyện nhà Duyên chỉ có hai mẹ con là điều có thực, và tất cả những chuyện còn lại đều là chuyện thật, thì chuyện nhà mình xuất xứ từ đâu liệu còn có ý nghĩa nhiều nữa không. Dù sao Định cũng muốn xin lỗi D về điều đó.

Duyên ơi! Hãy thứ lỗi cho Định vì đã viết những từ như là 'người yêu', rồi là 'mối tình', những từ mà Định biết có khi do tình cảm đặc biệt mà Đ viết 'vống' lên như vậy, chứ chưa chắc D đã thích. Định hiểu mà, Đ hiểu đó là thứ tình cảm trẻ con, tình yêu học trò chứ không bao giờ ngộ nhận là tình yêu đôi lứa, tình yêu gái trai.
Nhưng mà Duyên còn nhớ không, D còn nhớ Ba Mẹ Định và mạ của Duyên đã thân thiết như thế nào, đã quý nhau như thế nào. Và hai đứa mình chơi thân với nhau như thế nào, đã khổ sở như thế nào khi bị trêu dữ quá mỗi đứa khi đi học phải đi theo một con đường khác nhau. Duyên còn nhớ là Định đã nhường cho D đi đường bến ven sông, còn Đ thì đi theo con đường giữa cánh đồng, vì đường đó nhiều ma trơi. Duyên còn nhớ có lúc chúng mình giận nhau, đang đêm D mang thư và các kỷ vật vào nhà trả lại cho Định rồi sau đó vài ngày lại vào đòi lại không? Khi người ta không trả thì ngồi lỳ ngoài cổng để đòi bằng được không?

Duyên ơi! Nhiều chuyện để nhớ về Duyên và về O lắm, nhưng quan trọng nhất theo Định có lẽ là chuyện của Bố. Bố đã rời xa quê hương quá sớm, đã để lại những "mảng tối" không thể nào lý giải được. Cuộc ly hương của Bố đã làm cho cuộc sống của những người ở lại trở nên nặng nề và quá nghiệt ngã. Tuy nhiên đời cũng thật công bằng, ở hiền bao giờ cũng gặp lành, Duyên và mẹ đã được bù đắp phần nào tuy có muộn màng. 
Điều an ủi lớn nhất là gia đình mình về những năm tháng sau này rất có hậu, tuy việc Bố có thời gian hoạt động trong lòng địch và được chính quyền công nhận là người có công với cách mạng, ở quê mình không phải ai cũng biết. Cần phải chọn thời gian thích hợp để làm điều đó, để thanh minh cho Bố, để Bố được vui lòng. Nhưng ai sẽ đứng ra làm điều đó? Làm như thế nào và vào lúc nào? Tất cả vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải.

Chắc Duyên còn nhớ ngày chị Cúc bị bom Mỹ sát hại, Định đã nhận được ba bài thơ của Duyên viết về chị, đọc cho cả nhà nghe ai cũng khóc. Bài thơ Duyên viết tặng Định lúc lên đường nhập ngũ Định rất thích, đã động viên Định rất nhiều vì lúc đó nỗi đau quá lớn, cứ nghĩ là đi bộ đội để trả thù nhà, còn các lý tưởng lớn lao chắc chưa kịp nghĩ tới.

Ngày Duyên sơ tán ở Ngư Hóa, rồi ra mặt đường cùng các chiến sĩ Thanh niên Xung phong, rồi bám mặt trận khốc liệt ở Bắc Quảng Bình, Định đều được biết qua Ba Định và chị Hoài. Chị H còn giữ được mấy bức ảnh chụp chung với Duyên ở mặt trận, bên bờ suối, nhìn thật lãng mạn và yên bình làm sao. Không ai hình dung được rằng, đó là những bức ảnh được chụp trong những tháng ngày đạn bom ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Rồi bỗng nhiên lòng chùng xuống, thật buồn, buồn tê tái khi biết rằng Duyên đã đi xa, thật xa, và cuộc hội ngộ thật khó khăn biết bao. Chú Sâm đã rất nhiều lần một mình một xe đạp lóc cóc vượt Đèo Ngang để ra Hà Tĩnh, rồi Vinh, rồi đạp xe ra tận Hà Nội, Hải Phòng, và lần nào cũng vậy, chú đều đi qua Cổng Trời, lội qua Khe Ve, qua những địa danh ghi trong thư của Duyên gửi về cho Mạ, cho chị Hoài, và chú Sâm hy vọng tìm gặp được Duyên ở ngay ngoài mặt trận. Nhưng rồi không lần nào gặp được.

Về sau, trong một lần nghỉ lại tại một đơn vị Thanh niên Xung phong ở gần Khe Ve, chú Sâm nghe mọi người kể lại một câu chuyện cứ như huyền thoại. Đó là cách đấy không xa có một cung đường bị máy bay Mỹ cày xới ngày đêm và tìm cách hủy diệt. Trên cung đường đó TNXP hy sinh rất nhiều. Lạ lùng nhất là có một hố bom mà nước ở đó không bao giờ cạn. Đồn rằng hố bom đó là do một quả bom xuyên của Mỹ tạo nên. Trước khi nổ nó khoan sâu đến mức chạm phải một mạch nước ngầm, chính vì thế nước trong hố bom bao giờ cũng đầy ắp và trong veo.

 

Điều huyền bí nhất chính là câu chuyện do dân làng quanh vùng đồn đại, đó là đến ngày Rằm tháng Bảy hoặc đúng dịp Tết Nguyên Tiêu, cứ mang vàng hương ra miệng hố bom mà cúng, rồi khấn cầu xin được gặp người thân, đặc biệt nếu là TNXP hy sinh quanh đó, thì rất dễ gặp. Hình ảnh người thân của mình sẽ hiện lên dưới mặt nước trong xanh ở trong miệng hố bom, nhìn thấy rõ ràng và sống động như là đang soi gương vậy.

Một lần Định hỏi chú Sâm: "Vậy có lần nào Ba đã tìm đến hố bom ấy chưa?". Chú Sâm cho biết là có đi tìm, đã đến một hố bom được cho là hố bom huyền thoại như người ta đồn đại, và chú đã thắp hương rồi khấn. Định sốt ruột hỏi dồn "Thế Ba có gặp được Duyên không, có thấy Duyên hiện lên không?". Trầm ngâm một lúc rồi chú bảo: "Chỉ nhìn thấy một khoảng trời. Khoảng trời xanh lắm con ạ". Định chưng hửng. Chắc thấy Định buồn nên chú Sâm giải thích, có lẽ mình đến không đúng ngày, hoặc người xin gặp phải là người cùng huyết thống, hay là do mình không tin tuyệt đối vào điều kỳ diệu đó.

"Hay cái Duyên chưa chết? Hay Duyên đang còn sống ở một nơi xa nào đó rồi bặt tin?". Không hiểu sao Định lại bật ra được câu nói đó, và ngạc nhiên hơn là chú Sâm cũng hưởng ứng theo: "Ừ, cũng có thể lắm chứ, con!".
Điều kỳ diệu là cả hai bố con đều tin là Duyên vẫn còn. Điều chắc chắn là D vẫn còn! Và nếu ai đó có tìm đến bên miệng một hố bom chứa đầy nước trong veo, chắc chắn sẽ nhìn thấy cả một khoảng trời trong đó! 

Ở nơi xa ấy, Duyên có nghe Định đang tâm sự với D không?...
NTĐ

=================

Lời bình của bạn bè

MÙA ĐÔNG

03:54 29-12-2010
Anh à, kỉ niệm là một phần của quá khứ, quá khứ là tất cả những gì làm nên hiện tại và tương lai của chính mình...kỉ niệm là những giấc mơ, kỉ niệm luôn tồn tại, luôn là một phần của cuộc sống ngày hôm nay chứ không chỉ là hai chữ “đã qua"...
Sáng sớm qua anh, được đọc entry này thật xúc động anh ạ...em tin, cho dù anh có viết như thế nào đi nữa, chắc chắn chị Duyên sẽ mỉm cười thật hạnh phúc khi đọc entry này....
P/S:đây là lời phát biểu của MĐ, dựa vào tâm lí của phụ nữ trên toàn thế giới...anh nhé, nó hoàn toàn không hồ đồ một chút nào.
Ngày mới ấm áp anh Định nhé!

------------

Bạch Dương

15:00 28-12-2010
Khoảng trời – Hố bom

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh.
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng ?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài ?

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

MỐI TÌNH ĐẦU

MỐI TÌNH ĐẦU CỦA TÔI

Hôm trước thằng bạn nối khố gọi điện bảo "Đang có cuộc thi viết về mối tình đầu, ông viết đưa tôi gửi đi kiếm cái giải uống bia chơi". Tôi hỏi lại "Gửi đi đâu?", nó bảo "Liên Xô". Tôi hỏi "Có cần nhờ dịch ra tiếng Liên Xô không?", nó bảo "Khỏi. Bên ấy họ đọc được hết các thứ tiếng". Ừ thì viết, tưởng gì chứ mối tình đầu thì có thể viết ngay hai cái. Hôm nay gọi cho nó bảo tao viết xong rồi, gửi cho mày bằng cách gì, nó bảo "Ông cứ để đấy tôi ghé qua lấy", nhân tiện nhắc thêm: "Hôm trước quên bảo với ông là phải ghi rõ Mối tình đầu của tôi, nhớ đấy". Sao lại thế, tình yêu của nó sao bảo mình viết. Tôi vặc lại: "Mối tình đầu của ông thì ông viết lấy chớ, sao lại bảo tôi viết!". Nó cáu: "Ông dở hơi à. Mối tình là của ông, nhưng khi viết xong thì nhớ ghi đầu đề là Mối tình đầu của tôi, nghe chửa?". Lại thế nữa. Lằng nhằng quá, của ông rồi ghi của tôi, của tôi rồi của ông, cuối cùng là của ai. Thôi cóc gửi đi dự thi nữa, cứ để ở trang Nhật ký của mình vậy.

Lại còn tên nhân vật nữa, nó bảo tên ông thì nên giữ nguyên để còn nhận giải, còn các nhân vật nhạy cảm thì đổi đi một chút kẻo ảnh hưởng hạnh phúc riêng của gia đình họ. Lại còn thế nữa, đã là tình yêu thì nhân vật nào mà chẳng dính chút nhạy cảm. Chưa nói ai xa, chỉ nói người yêu đầu tiên của tôi cũng đã hai lần đổi tên rồi, giờ mình viết truyện đổi tên cô ấy lần nữa, có đáng không. Hồi mới ở Thái Lan về tên cô ấy là Noọng, đi học cứ bị trêu hoài nên mẹ cô ấy đổi thành Gái. Sau đó cụ trưởng tộc bảo trùng tên bà cô tổ nên mẹ cô ấy chọn cho cái tên Duyên. Gọi mãi không nghe ai nói gì nên cứ thế khai vào học bạ là Duyên luôn. Tôi thích cái Duyên từ đó.

Mà nhà Duyên có mỗi hai mẹ con. Nghe nói ở Đông Bắc Thái Lan toàn Việt Kiều yêu nước mà bố cái Duyên lại trốn về Sài goòng làm ăn nên bị bà con Việt kiều coi khinh. Không sống nổi với bà con bên đó, hai mẹ con đành dắt díu nhau về lại quê cha đất tổ, vậy mà cũng đâu có yên, còn bị kỳ thị hơn. Đấy là sau này bà con Việt Kiều mình ở Thái về nước ồ ạt rồi nghe kể lại thế, chứ trước đó đâu có biết. Trước đó cứ tưởng hai mẹ con Duyên từ Lào về, vì dạo đó chỉ biết có Lào thôi, Thái Lan mấy khi nghe nhắc đến, mà có nghe cũng chả biết Thái Lan nó ở lộ mô.

Nhưng đó là chuyện người lớn, còn tôi với Duyên vẫn chơi thân với nhau từ nhỏ, hai đứa cùng tuổi nên mày tao chi tớ rất tự nhiên. Có lần tôi nghe lỏm mẹ Duyên nói với mẹ tôi là "tôi cho chị con Duyên nhà tôi đấy". Tôi đem chuyện ấy nói với Duyên, Duyên cười "Còn lâu! Vô duyên" nhưng hai má thì rõ ràng là đỏ ửng. Tôi được thể cứ trêu "A, vô duyên vô duyên!". Mình đúng là đồ con nít!

Lúc còn nhỏ hai đứa học cùng lớp, về sau gia cảnh khó khăn quá Duyên bỏ học nhiều nên bị lưu ban. Tuy vậy về nhà hai đứa vẫn học chung vì anh họ của Duyên cùng học nhóm học tổ đêm đêm với tôi. Ở trường cũng như về làng, chúng nó hay cặp đôi tôi với Duyên. Duyên thì mặc kệ chả nói gì, còn tôi thì giả vờ giận dữ lung tung xà beng cả lên vì biết tỏng là càng phản đối chúng nó càng trêu tợn. Mà càng trêu thì mình càng thích. Tôi còn lấy phấn rồi kiếm cả vôi viết khắp nơi hai chữ "Định + Duyên", tất nhiên phải viết nguệch ngoạc đi để chúng nó không nhận ra nét chữ của mình. Duyên biết cả nhưng chả nói gì, chỉ cười cười bảo "Như trẻ con!".

Nhớ mãi cái đêm hai đứa cùng đi xem phim ở sân trường. Tôi vác cái ghế băng từ trong lớp học ra để ở ngoài hiên trường cho Duyên và bọn bạn ngồi, còn tôi kê bàn học sát ngay cửa sổ rồi ngồi phía trong xem ra màn ảnh ngoài sân, thật tiện. Không ngờ ấm quá ngủ quên, đến khi nghe tiếng gà gáy tỉnh dậy thì ngơ ngác không biết mình đang ở đâu. Tỉnh ngủ thấy vắng tanh vắng ngắt không một tiếng người, đành một mình vừa đi vừa chạy về nhà sợ ma hết cả hồn. Chẳng biết mấy giờ nhưng gà gáy có nghĩa là đã hai ba giờ sáng, ngủ say thật! Hôm sau thấy tôi trách sao hết phim không gọi một tiếng, Duyên nói sợ bọn nó trêu không dám gọi, chết thật.

Thời đó học sinh rất thích viết nhật ký, thành phong trào hẳn hoi, tôi và Duyên cũng vậy. Có lần tôi đọc trộm nhật ký của Duyên thấy Duyên viết hay không chịu được, thích lắm. Còn quyển nhật ký của tôi thì ngoài bìa đề "Học văn", cố tình để cho Duyên lấy nhầm mà đọc vì Duyên không bao giờ đọc trộm nhật ký của tôi cả. Một hôm Duyên bảo "Chừng ấy tuổi mà đòi làm việc nuôi gia đình, rồi còn chăm sóc dạy bảo các em nữa, phét thật!". Tôi giả vờ làm mặt giận với Duyên nhưng trong bụng thì mở cờ, sướng râm ran vì biết là Duyên đã đọc nhật ký của mình rồi.

Chả là trong nhật ký tôi hay ghi những câu lấy được từ quyển 'Rừng thẳm tuyết dày' và quyển 'Thép đã tôi thế đấy' của chị Cúc tôi. Tôi rất thích dùng những cụm từ gây ấn tượng mạnh và thể hiện mình là người lớn nên mới có những câu như Duyên đã đọc được rồi trích dẫn để trêu tôi. Về cuối, do không kiềm chế được tình cảm của mình nên tôi có viết một câu rất nắn nót "Dù cho nước sông Kiến Giang có cạn, Định vẫn yêu Duyên, và yêu D. mãi mãi!!!". Đó là tôi bắt chước câu "Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn..." nghe được ở đâu đó, và cứ tưởng dấu chấm than là rất oách rất quyết tâm nên tôi đánh rất nhiều dấu chấm than!

Cũng vì chuyện ghi nhật ký mà hai đứa giận nhau rồi tranh luận như mổ gà mất hai đêm. Số là tôi tưởng Duyên cũng thích thằng Vinh cùng lớp nên trong nhật ký tôi tỏ thái độ bằng mấy câu vớ vẩn. Đặc biệt, Duyên giận tôi nhất là cái câu tôi viết về Duyên và Tý, chị họ tôi và cũng là bạn thân của Duyên. Câu ấy nguyên văn là thế này: "Hai mụ đàn bà thêm con vịt thành ra cái chợ". Câu này là tôi ăn cắp trong Nhật ký của chị Cúc. Tai hại thật! Thế là cãi nhau.

Có đêm hai đứa trốn sinh hoạt Đội đi dọc bờ sông cãi nhau oang oang. Duyên bảo "Bé cái mồm lại chút", tôi bảo "Sợ gì chứ!". Thực ra tôi muốn nói chuyện thật to để mọi người biết là hai đứa đang cãi nhau, còn nếu cứ nói thì thầm thế nào hôm sau chúng nó cũng trêu chọc là con Duyên với thằng Định ưng chắc rồi đem chắc đi tìm hiểu thì phiền hà rách việc. Vậy nhưng khi đi qua khoảng trống giữa hai thôn, chỗ có hai cây đa cổ thụ và mấy cái miếu thì hai đứa lại im thin thít, đi sát vào nhau lúc nào không biết, lại còn nắm chặt lấy tay nhau nữa chứ. Cãi nhau thế nhưng khi về đến nhà, tôi bảo Duyên đứng chờ ở cổng để tôi trèo lên hái ổi cho Duyên. Tôi rất thích trò hái trộm ổi nhà mình mang cho người yêu và Duyên cũng lấy làm thích thú, cứ khen tôi giỏi vì đang đêm trời tối đến mấy thì tôi vẫn hái rất nhanh và toàn những quả chín ngon. Thực ra thì tôi đã ngắm nghía và đánh dấu lại từ chiều hôm đó rồi. Mình phải khôn chứ!

Sau cái năm tôi chuyển ra Hà Nội học rồi về quê nghỉ hè thì không được gặp lại Duyên nữa. Mẹ Duyên xuống Đồng Hới kiếm việc làm và đưa Duyên đi theo. Thấy tôi cứ buồn rười rượi lại còn đòi đưa đi Đồng Hới tìm Duyên, mẹ tôi thương con, thương Duyên nên không nói gì, chỉ nhìn tôi ái ngại. Nhưng rồi khuyên nhủ không ăn thua, chị Cúc tôi đã ra đòn quyết định. Lúc còn mỗi hai chị em ở nhà Chị đưa ra quyển nhật ký của tôi làm tôi sững sờ, không ngờ tôi để quên ở nhà không mang theo ra Hà Nội, và chị đã đọc được những gì tôi ghi trong đó.

Chị tuyên bố "Tạm quên chuyện đó đi không chị sẽ mách mẹ. Phải tập trung vào chuyện học hành, mà cũng phải để cho cái Duyên nó còn thi hết cấp một. Mới tí tuổi đầu lớp bốn lớp năm mà yêu đương thế này là không có được. Nếu không chị mách mẹ thì đừng có trách!". Chị nói, nếu nghe lời chị sẽ đưa cho xem thư của cái Duyên gửi lại trước khi đi, và còn có hai bài thơ của nó nữa. Chưa thấy thư và thơ của cái Duyên đâu, chỉ nghe chị Cúc tôi vừa quét nhà vừa bảo: "Còn ngồi ỳ ra đấy ăn vạ hả, xuống hói tắm đi, bẩn như hủi. Thơ với thẩn, thơ thì như con cóc, nhưng cũng lênh láng phết".

Đó là mối tình đầu của tôi.

Tên tôi được giữ nguyên. Tên người yêu của tôi cũng vậy, đừng thay đổi tên cô ấy vì cô ấy không còn nữa, cô ấy đã đi xa, đi xa mãi mãi! 

NTĐ

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

"KẺ NỔI LOẠN"



HỠI CHỊ EM TRÊN TOÀN THẾ GIỚI!  HÃY CẢNH GIÁC VỚI NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG ẢNH!



TÔI SẼ TRỰC TIẾP ĐỐI THOẠI VỚI CON NGƯỜI KỲ LẠ NÀY. HÃY BỐ TRÍ CHO TÔI THÊM BA BUỔI TẬP TRƯỚC TRONG PHÒNG BẦU DỤC!




CHO TÔI HỎI MỘT CÂU CUỐI CÙNG: CÓ AI BIẾT ANH CHÀNG NÀY TỪ ĐÂU ĐẾN KHÔNG? VÀ TẠI SAO TẤT CẢ PHỤ NỮ UCRAINA LẠI PHÁT SỐT LÊN VÌ ANH TA?




THƯA TỔNG THỐNG, ĐÂY LÀ NHÂN VẬT MÀ NGÀI VỪA HỎI TÔI.  DẠ, CẢ THẾ GIỚI ĐANG QUAN TÂM, CÓ PHẢI RIÊNG NƯỚC NGA CHÚNG TA ĐÂU!




CÁC ANH HÃY NÓI CHO TÔI BIẾT,  BAO GIỜ THÌ NƯỚC NGA CÓ ĐƯỢC "SÂN CHƠI" TẦM CỠ NHƯ THẾ NÀY? MƯỜI LĂM HAY HAI MƯƠI NĂM???




NGUYÊN THỦ NHÓM G8 CHẠY ĐUA SĂN LÙNG BỘ ẤM TRÀ TỬ SA TƯƠNG TỰ.

NHỚ CHỊ BẠCH CÚC

NHỚ...

Biển Mỹ Khê con nước triều lên
Má bồn chồn mỗi lần con xuống tắm
Chị con nằm kia, 
                            cạnh hàng dương thương lắm
Biển bạc đầu thương nhớ mãi khôn nguôi


CHỊ TÔI

Chị tôi đã hóa cỏ xanh
Đã thành mây trắng
Đã thành chiêm bao
Đã thành ngọn gió lao xao
Thành con bướm trắng bay vào Cõi Thiêng
Hóa thân vào khóm tóc tiên
Vào bông hoa tím nở bên lối vào...

Chị tôi sương khói trên cao
Thành hai giọt nước đậu vào má tôi...


NẾU CÒN...

Nếu còn Chị tôi đã lấy chồng
Có thêm anh rể nhà thêm đông
Mấy cháu lau nhau nhắc "Cậu Cậu"

Chị mắng yêu, sao để Chị mong!

Nếu Chị tôi còn,  khi Má bịnh
Dẫu xa đến mấy Chị vẫn về.
Tất tả ngược xuôi bao toan tính

Biết Má thèm mấy món đồng quê.

Nếu còn  Chị tôi là Tư lệnh
Phán một lời mấy đứa im re.
Chừa hết tính dỗi hờn ương ngạnh

Nhẹ nhàng khuyên, sắp nhỏ lắng nghe.

Nếu Chị còn,   Chị có biết không
Thăm Chị em về   thỏa ước mong
Xoa đầu Chị nựng "Cưng của chị!"

(Để đến giờ Chị vẫn chưa chồng...)

Nếu còn,  bỏ bữa Chị ngồi mong
Thằng em không biết đã sang sông?
Có mang theo nón, khúc sắn luộc?
Nếu còn, Chị tôi đã có chồng
...