Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

CÂU VÍ DẶM


CÂU HÒ VÍ DẶM




Ngủ quên bên tượng đài "Nụ Hôn Hóa Đá"
Để rưng rưng em, quánh bến sông Chiều
Một mình anh phiêu diêu miền ký ức
Vắng tên nhau, câu ví dặm buồn nguêu...


Em yêu anh như câu hò ví dặm 



Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

BÊN EM ĐÊM ĐÔNG



MÀU BIỆT LY



Bập bùng khói sương cuối chiều hoang vắng
Thể Thao báo ngày hóa gửi em tôi
Chập chờn bóng em mấy nhành cúc trắng
Bão tố xé lòng
mưa lạc
đắng bờ môi...

Đêm Lai Xá

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

NƠI EM VỀ


NƠI EM TA VỀ



Nơi em về ngày vui không, trời xanh không? Nơi em về mênh mang mắt trong không? Nơi em về, ánh sáng ngập tràn như trong Kinh Thánh không. Mà nơi này, ta "nghe từng giọt lệ, rớt xuống đời thành hồ nước long lanh"?


Lần đó ở quê thoáng thấy bóng người con gái với đôi vai gầy guộc mảnh mai một mình lầm lũi trong mưa, bàn tay vương những sợi gầy, như đang ru tuổi vào mênh mang, ru buồn qua đôi mắt, gặp tiền kiếp trên nhành xuyến chi và những ngày thương nhớ cứ dần loang theo gió. Lần đó, mặt trời bỗng dưng ngủ quên không buồn tỉnh dậy, tuổi ta buồn như một chuỗi thánh kinh. Lần đó, trong mơ màng ta cứ ngỡ đang gặp lại người chị giấu yêu đã khuất bóng của mình...

Lần đó, cũng không còn nhớ là vào lúc nào nữa, ta cứ đứng nhìn mãi bóng hình nhỏ bé ấy khuất nẻo dần theo tháng ngày sương khói. Và những nốt nhạc, đi theo mắt ta một thời hoang hoải héo mòn trong nắng. Lần đó nơi chốn quê, không biết ai đó có buồn không khi nghe lời bài hát:

"Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh"

Cứ như là Trịnh Công Sơn đã gặp lại người chị của ta ở bên Cõi Ấy...




Ta đang mải nghe đi nghe lại "Như Cánh Vạc Bay" của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh trong một chiều hoàng hôn Lai Xá. Và ai đó biết không, nơi này sương chiều đang buông lãng đãng, mỏng như nỗi buồn lẻ bóng, và buốt lạnh tựa nỗi nhớ thương ai.


Khi nghe nhạc phẩm này ai đó có buồn không? Có tưởng tượng ra cuối con đường này mình sẽ đi về đâu không? Riêng ta ta thấy một dòng sông buồn lặng lẽ trôi, một ngọn núi ngủ quên chốn xa kia cùng vầng mặt trời đang chạy trốn cõi trần. Và xa xăm chốn kia, ngơ ngác bầy chim chiều vỗ đôi cánh mỏi đang ngấp nghé mé rừng. Đâu là tiền kiếp, đâu là rêu rong im lìm phủ kín phận người...

Bỗng thấy lòng tê tái khi ta dõi theo từng ca từ lời hát mà cô ca sĩ có giọng hát liêu trai ấy đang thể hiện. Càng nghe, ta những muốn ngủ vùi trong ru khúc làm ta mê lịm, không bao giờ còn muốn thức dậy nữa.

Nơi em về có gì vui không, ánh sáng có ngập tràn như trong Thánh kinh? Nơi em về, Ba Me có kịp ra đón em như ta hằng nguyện ước, và những người thân yêu rưng rưng lặng lẽ vây chặt lấy em trong những vòng tay âu yếm? Bóng em hao gầy với đôi chân mỏi, làm cho ta nơi này, nghe từng giọt lệ, rớt xuống đời ướt đẫm nỗi thương em...

(Nghe nhạc phẩm TCS cuối một chiều Đông Lai Xá - Kim Chung)


 

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

BẾP LỬA GIỮA ĐỒNG

Từ lúc đưa em về
là biết xa nghìn trùng....



ta nghe từng giọt lệ, 
rớt xuống đời
                       thành hồ nước long lanh...


ĐỐT LỬA CHO EM


Anh gom mấy nhành củi nhỏ
Mấy thanh ván gỗ giát giường
Nhóm thành một lò lửa đỏ
Xua dần cái lạnh thấu xương

Nhớ ngày em còn bé xíu
Mẹ đun củi ổi trong vườn 
Em chen vào ngồi bên mẹ 
Hơ bàn tay nhỏ thương thương

Giờ đây mẹ đâu còn nữa
Một mình em giữa cánh đồng
Gió bấc buốt hơn dao cứa
Biết em có chịu được không

Ước gì anh thành bếp lửa
Xua tan cái rét giữa đồng
Lửa ơi cháy thêm chút nữa
Em tôi bớt lạnh chiều đông

Cứ nghĩ đêm về mưa xuống
Làm sao chịu thấu em ơi
Ra về dùng dằng chẳng muốn
Ai người sưởi ấm em tôi...

Chiều Đông Lai Xá

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

LTMD - D...


LÂM THỊ MỸ DẠ


Nguồn: blog Bùi Kim Anh

ước có bao nhiêu đêm trắng
được đem bán hết cho đời

đổi về cho tôi vạt nắng
ấm lòng đêm – một chút thôi


rez_41_My Da

lá cờ trắng
tôi
sa mạc
trước thơ

trong tôi
những ốc đảo
không còn

không cầu mong mưa
không cầu mong nắng

cảm xúc
đóng băng
trống rỗng

trước thơ
tôi trắng sa mạc
và tuyệt nhiên
không còn khát

tôi cất giấu hồn lửa
nhưng không chờ đợi sự bùng cháy

thơ cao sang thánh thiện của tôi ơi
tôi sa mạc mênh mông hoang lạnh
tự thiêu chính mình
giơ cao lá cờ trắng
trước thơ






tôi về với tôi


thả trăng cho rằm
thả mây cho gió
thả xanh cho cỏ
tôi về với tôi



thả người thục nữ
hồn nhiên nói cười
thả người tục lụy
danh vọng đua đòi
thả hết thả hết
tôi về với tôi


thả thời thiếu nữ
khuất vào xa xăm
thả chùm tóc bạc
trắng ngần cả năm
ai đem nụ cười
chạm vào nước mắt
niềm vui có màu
nỗi buồn trong vắt
tôi về với tôi


thơ như máu thắm
tan vào hư vô
đời bao phúc họa
gieo gặt bất ngờ
mỏi không thể nghỉ
đau không còn kêu
người im như bóng
tôi về với tôi


may có đứa bé
còn ở trong hồn
cái nhìn xanh biếc
lung linh cội nguồn
trái tim thơ dại
tôi về với tôi




Huế 18.8.2004

Bấm vào để xem 

KÝ ỨC TUỔI THƠ

------------------

HAI THẰNG BẠN


SAO CHÚNG MÀY CỨ RỦ NHAU MÀ ĐI...


Bài dưới đây là Kinh Luân viết cho Đức Thắng. Giờ thì hai thằng đã ở bên nhau.

-------------
 Thắng ơi!
Chỉ còn vài ngày nữa là giỗ mày, hai thằng Châu Tấn và Tấn Định bảo tao những gì viết về mày trước kia thì gửi ra cho nó . Tao bảo với hai đứa , bài tao viết về mày thì tao có đấy , có từ lâu rồi , nhưng trong đó còn dính nhiều chuyện của gia đình nhà tao , phải chờ tao “lọc ra” đã . . . Nếu lọc ra  tao còn phải có thời gian đánh máy nhập vào “ word – doc.” rồi mới gửi ra ngoài đó được . Mà mày cũng biết , tao dở vi tính lắm , bây giờ thời công nghiệp hiện đại , gà nuôi cũng công nghiệp , ăn ào ào như máy hút , trong khi tao còn mổ thóc từng hạt một . Muốn nhanh cũng chỉ hai tay… hai ngón ..



 Cái vụ đi tìm mày ở Bầu Hàm lần trước , thằng Huệ Chí nó viết rất hay và quá kỹ rồi , tao làm sao chen chân được .

 Suy đi rồi nghĩ lại , tao thấy đã có công viết thế nào thì gửi cho chúng nó thế đó . “Văn thì dốt , võ thì nhát ” chúng nó thừa biết tao thế nào rồi . Bởi vậy , chẳng gì phải che đậy cái dốt của mình  ! Chỉ được cái tốt muôn thuở của tao “chúa hay học lỏm ”, “ thông minh kinh dị ”, bởi vậy cái gì tao cũng biết “ chút  chút ” , và biết kiểu nửa dơi , nửa chuột .


Chúng nó bảo tao thật không công bằng khi dành cả chương : “ Những chiến binh trên cát ” cho Trọng Vinh ( cũng vì nó là thằng em rể của tao ) . Vả lại, chương đó viết về Trọng Vinh chưa đủ . Sau này thu thập những bức thư ông già gửi cho tao có viết chi tiết những ngày nó hy sinh trên nước bạn Lào . Lúc đó tao viết thêm về nó . Những năm đầu giỗ nó, giở ra tao đọc lại . . . và tao khóc thật sự. Nước mắt tao tự chảy khi nghĩ về hai đứa cháu ruột . Cũng rất may , chúng nó nhanh lớn quá , cũng an ủi con em tao rất nhiều . Bởi vậy để công bằng tao đã phải dành riêng chương “ Đường về quê mẹ ” cho mày đấy - Thắng ơi ! Mày vừa ý chưa nào?



 Hôm ở Bầu Hàm , thằng Huệ Chí nhìn di ảnh mày đặt ở chỗ thờ truy điệu , nó bảo : “ Thằng Thắng chụp cái ảnh này nhìn vào đã thấy giống ảnh thờ rồi ”. Tao thấy nó nói đúng đấy ! Nét ảnh mờ nhạt và xơ xác quá ! Tội nghiệp mày quá !

 Về nhà , tao suy nghĩ mãi :  Mày chết ở tuổi 20 , lứa tuổi đẹp nhất của đời người , chưa dám một lần cầm tay con gái , bởi vậy tao sẽ sửa lại ảnh của mày .  Đức Thắng  sẽ có một tấm ảnh mầu , hãnh diện đẹp trai nhất hội , đỡ tủi cho vong linh của mày ! Tao sẽ để thằng Tấn Định đưa lên Blog của nó . Để bọn con gái trẻ bây giờ có nhìn ảnh mày cũng phải thốt lên khen ngợi :


- “ Anh giải phóng quân đẹp trai quá ! Em yêu anh lắm!".



 


Khi mày hy sinh , đó là những năm miền Nam đang chuẩn bị cho Tết Mậu Thân , bởi vậy lính đặc công như mày , lấy súng giặc giết giặc tao cho là hợp lý nhất .Trông mày rất oai phong , hùng dũng trong bộ quân phục đặc chủng và khẩu M-4 của Mỹ .


Bọn bạn lớp mình giờ đã già rồi ! Người ta bảo “ 60 năm một cuộc đời ”, thằng nào cũng đi qua gấp ba lần quãng đường của mày đã sống . Giờ này chúng tao đã thành “ ông , bà , nội , ngoại ” rồi ! Con đàn , cháu đống kể ra cũng thích nhưng phiền toái cũng nhiều . Điều quan trọng , giờ đây chúng tao không còn được “ mày - tao” thoải mái như trước .



Bọn tao còn thế , huống chi các thầy cô giáo còn già hơn . Hồi ra Bắc cách đây vài năm vợ chồng tao có gặp lớp mình gần đủ . Vợ chồng tao tranh thủ tới nhà thăm cô Bắc Thành ở khu Văn Chương . Tao không thể gặp được cô Mai Khôi là một thiếu sót lớn . Nhớ hồi lớp 5A , khi cô Mai Khôi cưới , cô mời tất cả cán bộ lớp mình , trong đó có mày và tao . Các thầy cô bây giờ đã 8 chục tuổi , thế mà mày suốt đời ở mãi tuổi hai mươi !



 Hôm nay , mày đã “trở về quê Mẹ”, đã nhập lại hộ khẩu (người ta bảo nhập hộ khẩu Hà Nội khó lắm) mày lại thành trai Hà thành . Gia đình nhớ đến mày, Tổ Quốc ghi công mày , còn chúng tao không bao giờ quên “Thắng Ba-Dê ” yêu quý ! thằng bạn thời “ khăn quàng đỏ ”, mỗi lần sinh hoạt lớp , cùng hát bài “ Tiến lên Đoàn viên ”.



Giờ đây , mày ở thế giới khác , thế giới của những Linh Hồn . Cả cuộc đời mày trong sạch quá ! đẹp đẽ quá !

Buồn thay thế hệ trẻ hôm nay khôn ngoan hơn mình , thông minh hơn mình , nhưng cũng còn không ít trong số họ đã làm bố mẹ và thế hệ cha anh phải đau lòng !


Nhân ngày giỗ mày , tao chỉ có vài lời như vậy . Những dòng tao viết hôm nay là nén tâm nhang thắp cho mày , tưởng nhớ về thằng bạn cũ thân thương như vậy đó .



Ở nơi xa thẳm , mày không còn đơn độc như trước nữa , vì đã  có gia đình , những người thân yêu của mày . Có những người bạn học cũ rất tốt của mày , nhớ về mày , nhớ về Trọng Vinh , Đức Lưu , Thanh Hà … và rất nhiều , rất nhiều bạn bè đã sớm đi về cõi vĩnh hằng...


 Kinh Luân - Tháng 5 năm 2010
---------------

Tấn Định gửi Kinh Luân,

Luân ơi, cái đoạn mày nói về chuyện yêu đương của thằng Thắng là mày nhầm rồi, là do mày chưa có thông tin thôi. Cái này mày phải hỏi thằng Trường, Lưu Thế Trường ý, mí lại cái Thoa em út thằng Thắng thì biết.
Dạo thằng Thắng mới vào bộ đội, người yêu nó là cái Thủy, có lần lên đơn vị thăm nó mà. Hôm thằng Thắng lên đường vào Nam, cái Thủy có đi tiễn nó. Hai đứa có hẹn hò gì không thì tao không biết.
Giờ mày sang đấy rồi, mày cứ đè thằng Thắng ra hỏi khắc biết. Hehe

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

TÂM TƯỞNG


"Em lại về miền đất hứa
Anh thành con dế tha hương.
Lần tìm bàn tay giữ lửa
Nắm chặt nhau nhé! Đừng buông"


TIM ANH TRÔI VỀ EM

Cho Em
Bấm vào tiêu đề để nghe bài hát



1. Để những khi xa rời anh còn em như ta mới yêu.
Thì xin cho anh làm sông trôi về bến hẹn.
Những khi đau buồn em ngồi yên bên sông nước xanh
Là anh trôi vào trong em bình yên nhé!
Dù đi phương nào
dòng sông vẫn theo
Sông theo chân em đi
để mãi
không cách chia...


2. Dù nắng hay mưa dầm, khi tìm em nghe em thoáng vui
Là cơn vui kia sẽ nuôi anh dài bất tận
Đến nghe em cười, anh về nghe thêm trong giấc mơ.
Một khi yêu đầy, anh yêu đầy như thế.
Tình yêu trôi về
thành sông mát trong
Anh trôi theo tim em
để mãi
không cách chia...


Điệp khúc
Trái tim anh luôn trôi về em
Đời sống anh đang tan vào em.
Yêu như là yêu thôi
vì sông như là thế thôi,
Cứ âm thầm hát, âm thầm trôi...
Trái tim anh tìm được nhịp rồi
sẽ trôi xuôi
về tim em...

KASSIM HOÀNG VŨ

-
------------

Người post bài:TĐ — with Tấn Lộc.


NHỚ MẸ...


 mariagianghien

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

NĂM 2012: THIÊN-ĐỊA-NHÂN



KD


Bài viết "Thiên có thời, địa có lợi" là một bài viết chính sự mang tính văn học đậm đà. Nói vậy cũng là bởi tác giả viết về thời cuộc, viết về Biển Đông, về vận mệnh dân tộc, đề cập đến những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay nhưng khi đọc lên ta vẫn được thưởng thức những câu văn mượt mà, những áng văn thấm đẫm tình người tình biển, và trên hết là tình nước non. 

Đọc một bài chính luận mà ngỡ như ta đang xem một bài luận văn về tình đất tình người, cũng bởi người đọc được trở về với những số phận chìm nổi của những người dân Cozak vùng sông Đông êm đềm, khoáng đạt và kiêu hùng. Gặp lại nàng Scarlett xinh đẹp, đầy cá tính và quyến rũ, người đọc như được gặp lại bà Margaret Mitchell và cùng Peggy say sưa cuốn theo chiều gió, về tận miền bình nguyên Tara đầy quyến rũ! 

Bừng tỉnh lại sau những áng văn trữ tình đó, người đọc giật mình khi thấy mình đang có mặt bên đầm nuôi cá của anh Vươn, với ngôi nhà của gia đình anh đã bị lực lượng cưỡng chế đập phá tan tành. Người đọc bỗng thấy mình đang hiện diện trên mảnh đất Văn Giang chịu nhiều khổ đau và bất công, với những người nông dân mất đất đang kêu trời không thấu. 

Vậy đấy, văn là người. Người đọc nhìn thấy ở đây một ngòi bút sắc sảo mà dịu dàng, quyết liệt mà cũng rất đỗi hiền hòa, một cây bút đầy tính nhân văn, viết cho đồng bào mình như viết cho chính bản thân mình! (TĐ)

NĂM 2012 - THIÊN CÓ THỜI ĐỊA CÓ LỢI...

Kỳ Duyên

Khi nghĩ về vận mệnh một quốc gia, người ta cho rằng, cần cả ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba yếu tố đó quyết định quốc gia, hoặc hưng thịnh hoặc suy vi...

Năm 2012, năm cuối cùng của một con giáp (tính từ năm 2000) sắp trở thành quá khứ, nhường đường cho 2013 đang từng giờ, từng khắc tiến tới. Nhưng những gì của năm này chắc chắn sẽ đi vào trong lịch sử hiện đại và bi tráng của nước Việt. Vì nó quá nhiều thách thức, quá nhiều cam go và day dứt...

"Đứng trước biển..." 
Đây không phải cuốn tiểu thuyết một thời đã qua của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Nó là "trang tiểu thuyết máu thịt" nhất của năm 2012- "đứng trước Biển Đông", mà cả dân tộc Việt đang phải viết, để trả lời cho câu hỏi: Thiên thời?



Chứa đựng trong lòng nó những nguồn lợị cực lớn: Giao thông, kinh tế, và quốc phòng an ninh, Biển Đông có vị trí "đắc địa" với gần chục quốc gia có lợi ích liên quan, nhưng đặc biệt là với nước Việt, trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa là tiền đồn đất nước. Chính sự "đắc địa" đó, đã hấp dẫn lòng tham- phải trở thành "cường quốc đại dương"- của nước bạn Trung Quốc. Bất chấp chủ quyền nước Việt, bất chấp luật pháp quốc tế, biến thành các bước thang xâm lấn vô độ:


Là khi TQ tuyên bố lập cái gọi là TP Tam Sa, (bao gồm huyện đảo Trường Sa- tỉnh Khánh Hòa, và huyện đảo Hoàng Sa-TP Đà Nẵng), đều thuộc VN.

Là mở thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của VN, rồi gọi mời thầu quốc tế tại lô dầu khí 65/12 (thuộc chủ quyền VN).
Trước đó, tháng 5/2012, TQ chính thức lưu thông hộ chiếu phổ thông điện tử in hình "lưỡi bò" cho công dân TQ, một thái độ trắng trợn coi vùng biển thuộc chủ quyền VN thuộc chủ quyền...TQ.


Là xuất bản "bản đồ Tam Sa", bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN. Thông qua bản sửa đổi "Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam", trong đó, đưa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền VN) vào áp dụng.

Là tàu cá TQ cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 của VN đang tiến hành thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa VN.

Và còn gì nữa đây? Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, TQ tự cho mình cái quyền, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ tiếp cận các tàu tiến vào khu vực mà TQ coi là lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Họ được phép lên tàu, kiểm soát các tàu nước ngoài "xâm nhập trái phép" và yêu cầu các tàu thay đổi lộ trình.


Ngày 1/1/2013 tới cũng là ngày Luật Biển VN bắt đầu có hiệu lực. Những gì sẽ xảy ra trong ngày này và trong những năm tháng tiếp theo sau trên Biển Đông, ở vùng thuộc chủ quyền VN?


Quan sát những hành vi ngang nhiên xâm phạm, người ta có quyền đặt câu hỏi, chả lẽ "bạn bè", theo khái niệm của TQ, một quốc gia vốn thâm sâu, tài hoa chữ nghĩa là vậy chăng? Là có quyền giẫm đạp lên chủ quyền nước khác, bất chấp các luật pháp quốc tế? Hay thực chất TQ đã thay đổi khái niệm "bạn bè" này từ lâu?


Đứng trước biển. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng TQ đừng quên, quy luật nhân thế gieo tính cách - gặt số phận. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN từng nhiều lần tuyên bố khẳng định, hành động của phía TQ là hết sức nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng quyền tài phán, và quyền chủ quyền của VN, trái với Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, và trái với lời văn Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Còn Nhật Bản, sau những tuyên bố cứng rắn của ông Shinzo Abe, người vừa tái đắc cử làm Thủ tướng, rằng Nhật Bản sở hữu và kiểm soát các hòn đảo (Senkaku- mà TQ gọi là Điếu Ngư) theo luật quốc tế, không có chỗ thương lượng về điểm này, ngày 24/12 vừa qua, Nhật lại điều các máy bay chiến đấu để chặn máy bay TQ. 

Trước đó, nước này đã thành lập lực lượng cảnh sát biển đặc biệt bảo vệ Senkaku. Cục Bảo an trên biển của Nhật đã tập trung hàng chục tàu tuần tra trong số 360 tàu của cục này, thường trực để bảo vệ Senkaku. 

Tại Philipines, Đại tá Arnulfo Burgos Jr. người phát ngôn các lực lượng vũ trang Philippines tuyên bố: Hải quân nước này đã sẵn sàng chờ lệnh để bảo vệ chủ quyền đất nước ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông (khu vực bãi cạn Scarborough) 

Mới đây, báo Tuổi trẻ đưa tin, cơ quan khí tượng Anh (Met Office) vừa đưa ra dự báo Năm 2013 sẽ là năm nóng nhất trong 160 năm qua, với nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình 0,57 độ C. 

Liệu sự tăng nhiệt của toàn cầu có nóng hơn độ "nóng" của Biển Đông không? Nhất là khi nhật báo TQ vừa đưa tin, một siêu tàu lặn có tên Giao Long có thể được giao nhiệm vụ ở Biển Đông vào năm tới, 2013.... Giao Long có thể thâm nhập hệ thống cáp quang dưới đáy biển, ngăn chặn những bí mật thương mại, tìm lại các vũ khí hạt nhân và tên lửa thất lạc..., hỗ trợ hoạt động của hạm đội tàu ngầm TQ tại vùng Biển Đông. 

Nhưng mới nhất, TQ tiết lộ sẽ đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp trên cái gọi là "TP Tam Sa" 
Sự xâm phạm chủ quyền biển đảo nước Việt của TQ dường như đã không có... điểm dừng? 

Từng trải qua nỗi nhục của hàng nghìn năm mất nước, với chữ "thuộc" đầy máu và nước mắt: Bắc thuộc, Pháp thuộc..., nước Việt có thể một lần nữa, cam chịu phận "thuộc" nữa không? 



Chỉ biết, hàng nghìn ngư dân Việt đã thực sự "dấn thân" vì chủ quyền biển đảo. Họ bị bắt, bị mất hết cá tôm, ngư cụ, mất cả ngư trường..., nhưng vẫn kiên cường, lặng lẽ bám biển, vì mưu sinh, và vì đó còn là nước Việt khổ đau. 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2012. Ảnh: Đức Tiến/ VnSea.net 

Họ gửi về đất liền ao ước của họ, nghe sao xót xa: Mong sớm có những đội tàu hùng mạnh bảo vệ an toàn cho ngư dân yên tâm bám trụ hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. 

Chỉ biết, hàng hàng những ngôi "mộ gió" cô đơn, nhớ nhà, nhớ biển, khiến cho những người Việt đang sống không một phút nào được phép yếu hèn, khiếp nhược, trước chủ quyền và sinh mệnh quốc gia đang bị thách thức. 

Chỉ biết, hàng nghìn bài báo trên các trang mạng, hàng trăm bài nghiên cứu của giới học giả VN về chủ quyền biển đảo là thông điệp của tấm lòng, sự phẫn nộ đau đớn, cùng ý chí sắc nhọn trước họa xâm lăng. Là những lớp sóng bạc đầu, là lòng yêu nước Việt rõ ràng, dứt khoát trước sự tồn vong của dân tộc. 

Yêu hòa bình, tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng nước Việt vẫn còn đây- Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa- nghi thức thiêng liêng của những đội hùng binh tộc người Việt, những người con tiên phong tiến ra quần đảo Hoàng Sa. Họ đã kiên cường trước sóng dữ, trước giặc dữ, và đã ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ chủ quyền đất nước: 

Xót thương thay, liều thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba dồn dập, huyết xương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ, quyết một dạ bảo vệ biên cương, bờ cõi. Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định... 

Nước biển xanh hòa lẫn máu đỏ, còn chảy mãi trong con tim dải đất chữ S. 

Đó cũng chính là thông điệp son sắt, bi thương của các bậc tiền nhân gửi lại cho hậu thế- cho nước Việt thời hiện đại: Chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo! 

Lòng đất, lòng người 

Đất đai từ ngàn xưa, luôn là của cải vật chất trân quý nhất với con người, không chỉ riêng một quốc gia nào, một dòng họ nào, một cá nhân nào. 

Ngay tác phẩm văn học đồ sộ như Đất vỡ hoang (của M. Sholokhov, nhà văn Nga vĩ đại), cũng là để nói về hạnh phúc hay khổ đau của... đất, sự chọn lựa đúng đắn hay lầm lạc trước mọi nẻo đường của đời sống xã hội, gắn với mỗi số phận chìm nổi của những người dân Cozak vùng sông Đông khoáng đạt, kiêu hùng. 

Ngay đến nàng Scarlett xinh đẹp, đầy cá tính và quyến rũ, trong tiểu thuyết nổi tiếng Cuốn theo chiều gió của nhà văn Mỹ Margaret Mitchell, trải qua những biến cố của thời cuộc, cả hạnh phúc và bất hạnh của tình yêu ngộ nhận, của duyên phận trớ trêu, cuối cùng, cũng quay trở về ấp Tara yêu quý của nàng. Mảnh đất nơi nàng sinh ra và lớn lên, với một tình yêu không thể có gì thay thế. 

Đất đai với con người, được nối bằng một "sợi nhau" vô hình, mà thiêng liêng như thế. 

Đất đai đem lại sự an lành, và tạo ra cả sự bất ổn cho xã hội. Sự kiện Ô khảm (Quảng Đông) rung chuyển cả TQ cách đây không lâu, đã nói lên điều đó. 

Đủ hiểu, câu chuyện đất đai với người Việt, năm 2012 cũng là câu chuyện đau xót đầy kịch tính. Nếu biết rằng, có tới 70% vụ khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai. Nếu biết rằng, đất đai cũng là nguồn "dinh dưỡng mỡ màu" cho nạn tham nhũng tồi tệ. 

Nổi bật nhất, điển hình nhất là hai vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), và Văn Giang (Hưng Yên) khiến dư luận xã hội tranh cãi gay gắt. Dù hai vụ việc này rất khác nhau: Một bên (Tiên Lãng) là thu hồi đất nông nghiệp đã được giao, nay hết thời hạn, một bên (Văn Giang) là thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang làm dự án đô thị. 

Nhưng cái kết quả cưỡng chế "thành công" đều... đáng buồn, đều gây sốc và gây bất ổn trong tâm lý xã hội. Thậm chí, trong vụ Tiên Lãng, một quan chức ngành chức năng còn nhẫn tâm gọi là "trận đánh đẹp". Tiếc thay, ấn tượng trong dân về cả phương cách tổ chức cưỡng chế, thu hồi, lẫn "phát ngôn nổi tiếng" đó, lại rất... xấu, rất dở.


Ngôi nhà ông Vươn trên khu đầm sau khi bị phá hủy

Thủ tướng CP đã kết luận: Các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 hecta đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đều trái pháp luật, và yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.

Một kết cục bất ngờ, tưởng như an ủi được tâm lý xã hội đang bất bình- 50 cán bộ bị xử lý trong vụ này. Trong đó, ông Chủ tịch, và Phó CT huyện đều bị cách chức.

Nhưng bất ngờ hơn, đến tận thời điểm này, Liên Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng vẫn có đơn đề nghị Viện KSND TP Hải Phòng xem xét, trả lại hồ sơ vì kết luận của cơ quan điều tra có bốn điểm không khách quan, thậm chí cố tình bao che kẻ có tội.

Đặc biệt, kết luận ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó CT huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức, và thực hiện việc hủy hoại tài sản là không chính xác. Ngược lại, kết luận này lại bỏ lọt một số tội phạm, như không truy cứu trách nhiệm hình sự với Ban Chỉ đạo cưỡng chế, với những kẻ trực tiếp đốt, phá, cướp tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Mới đây, luật sư Tạ Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH KOSY, phân tích ở góc độ chuyên môn, đã nhìn nhận:

Phó Chủ tịch UBND huyện (Nguyễn Văn Khanh) là người thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch UBND huyện phân công và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Do vậy, với tư cách Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền phải là người chịu trách nhiệm về những hành vi mà ông Khanh đã thực hiện theo sự phân công đó. Ông Hiền cũng là đồng phạm trong việc hủy hoại tài sản này với vai trò người tổ chức.

Trong một diễn biến cũng không ít kịch tính, kết quả cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang cho đến tận giờ, vẫn còn để lại dư âm... Khi một vị cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Gs. ĐHV chấp nhận gặp gỡ đối thoại với người dân Văn Giang.


Kết quả cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang cho đến tận giờ, vẫn còn để lại dư âm... Ảnh: Nguyễn Hưng - VNE

Không biết cái kết của vụ việc Văn Giang sẽ "có hậu" không khi các bên hiện đã chấp thuận dừng trao đổi ? Nhưng đằng sau những vụ khiếu kiện, thậm chí gây bất ổn trong tâm lý xã hội, cho thấy Luật Đất đai 2003 phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, phù hợp quy luật thực tiễn, mới mang lại sự yên bình trong tâm hồn mỗi người dân.

Bởi lẽ, ngay trong các vụ thu hồi, cưỡng chế, dẫn đến khiếu kiện đất đai, rất dễ dàng nhận thấy "hố sâu' ngăn cách giữa hai bên. Một bên, người nông dân chất phác, một nắng hai sương, bỗng trở nên thiếu kiềm chế. Thậm chí có trường hợp bị quy kết "phạm tội chống lại người thi hành công vụ".

Một bên là chủ đầu tư, chủ dự án, và chính quyền cùng các lực lượng chức năng.

Cái "hố sâu" ngăn cách giữa hai bên, bởi hàng loạt những lý do đau xót. Giá đất đền bù cho người dân quá rẻ mạt. Sự không minh bạch của các chủ đầu tư. Những kẽ hở của cơ chế thu hồi đất. Sự hoài nghi về tham nhũng nảy nở từ cách làm thiếu công khai, minh bạch. Hoặc "đi đêm" giữa những kẻ có đặc quyền, tạo nên những nhóm lợi ích.... v.v. và v.v...

Tờ Tuổi trẻ, ngày 26/12 mới đây cho biết, ngay cả Trung Quốc cũng đang chuẩn bị đưa ra dự thảo sửa đổi luật quản lý đất đai theo hướng tăng đền bù cho nông dân mất đất, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ bạo động xã hội.

Kết quả khảo sát của ĐH Nhân dân Bắc Kinh cho biết, 40-50% giá trị của đất bị thu hồi (ở Trung Quốc) rơi vào tay nhà đầu tư. Chính quyền địa phương đút túi 20-30%. Khoảng 25-30% nuôi dưỡng các cơ quan hành chính thôn xã. Người nông dân bán đất chỉ nhận được vỏn vẹn 5-15% "miếng bánh" đất đai.

Thế nhưng, hóa ra, Luật Đất đai 2003 cũng ...long đong, lận đận như số phận những người nông dân nước Việt. Nếu biết rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình- rồi lại xin hoãn- giải trình..., như một điệp khúc chậm chạp, trong khi lòng dân chờ đợi nóng như lửa đốt.

Và trong khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chờ đợi để được "đền bù" cho hoàn thiện, thì lòng đất cũng cồn cào như... lòng người.

Năm 2012: Biển trời đau, đất đau, thử hỏi lòng người có... đau?

KD

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

GIÃ TỪ 2012

Việt Nam 2013: Hiểm họa và cơ hội
 3 0 12345
Năm 2012 qua đi, những khó khăn tăng lên, nhiều nguy cơ dần hiện hình thành hiểm hoạ đối với đất nước trên tất cả các lĩnh vực. 

Trước hết và nổi bật là hiểm hoạ đối với nền độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc.

Người Việt Nam chuộng hoà hiếu, không nuôi hận thù, không xem một thế lực nào tự thân là “kẻ thù truyền kiếp” của mình. Chúng ta càng có nhiều lý do để  mong muốn “chung sống hoà bình” với Trung Hoa, quốc gia láng giềng to lớn và nhiều duyên nợ. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, chính sách của quốc gia này đang gây ra những hiểm hoạ thực tế và trực tiếp đối với độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Rất nhiều sự kiện năm 2012 đã bộc lộ rõ rệt điều này, đến mức không ai có thể che dấu, lấp liếm.

Những mưu đồ và hành động tham lam, trắng trợn của Trung Hoa ở Biển Đông đã làm cho cả thế giới bất bình và lo lắng; Việt Nam là nạn nhân trực tiếp nhất nên càng bất bình và lo lắng hơn. Nhưng Biển Đông cũng chỉ là một phương diện  trong thế “thập diện mai phục” trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, tư tưởng…mà Trung Hoa đã giăng ra để khuất phục Việt Nam, hung hiểm và khó đối phó hơn.



Vấn đề không phải là đối phương có mưu đồ gì, thâm độc ra sao, mà là ở chỗ đối phó với mưu đồ đó thế nào cho hiệu quả. Rất cần sự tỉnh táo, tinh tường để nhìn đúng bản chất vấn đề, cân nhắc các yếu tố, các mối quan hệ. Cũng rất cần sự mềm mỏng, khéo léo, linh hoạt kết hợp “cương nhu”…Nhưng tất cả phải phục vụ cho mục tiêu là bảo vệ được độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của đất nước. Sách lược nào đi ngược mục tiêu đó là đầu hàng, bán nước.
Mục tiêu nói trên chỉ có thể thực hiện được nếu huy động được sức mạnh của dân tộc và thời đại. Cả hai vấn đề này đều chưa làm chưa tốt.
Sức mạnh của thời đại ngày nay không còn nằm ở “ba dòng thác cách mạng”,  ở những mối quan hệ hình thức “chung lý tưởng” kiểu “đồng chí nhưng không đồng minh”…Sức mạnh thời đại nằm ở chỗ lương tri loài người đã  thức tỉnh đủ mức để nhận biết và phản đối  mọi mưu đồ xâm lược, áp bức và thống trị; nằm ở chỗ  vận mệnh các dân tộc liên hệ chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết trong thế giới toàn cầu hoá, do đó không dân tộc nào đơn độc trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng và phẩm giá của mình. Sức mạnh thời đại còn nằm cả ở chỗ các thế lực lớn trên thế giới theo đuổi những mục tiêu và lợi ích không đồng nhất, tạo ra tình trạng kiềm chế, khắc chế lẫn nhau, không cho phép kẻ nào đơn phương lộng hành.

Sức mạnh nào muốn phát huy tác dụng đều cần có một điểm đặt. Điểm đặt đó chính là lập trường rõ ràng, nghiêm chỉnh, công khái, kiên định và nhất quán của Việt Nam - nạn nhân và người trong cuộc. Việt Nam không thể né tránh việc công khai lên án và tố cáo mưu đồ xâm lược, phải tỏ rõ ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập, tự chủ, các lợi ích chính đáng của mình, phải có biện pháp dần thoát ra khỏi tình trạng bị vây ép từ mọi phía nhiều khi đã chót rơi vào.

Trong một thế giới đan xen nhiều lợi ích, nhiều mối quan hệ, một mặt phải tỉnh táo để không bị ai lợi dụng, mặt khác phải dám chủ động, quyết đoán tham gia “bàn cờ” quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn, không để cho chính sách của mình bị bất cứ thế lực nào bắt làm con tin. Trong tình hình thực tế hiện nay, khi Trung Hoa đã bộc lộ không dấu diềm mưu đồ và các bước đi của mình, rất cần giữ “cái đầu lạnh” không mắc mưu khiêu khích, nhưng lặp lại các luận điệu trong các khẩu hiệu cũ…là xảo ngôn và có hại về nhiều phương diện.

Chưa phát huy được sức mạnh thời đại có nguyên nhân cơ bản là do chưa phát huy được sức mạnh toàn dân tộc. Để thắng những lực lượng vật chất  lớn hơn mình nhiều lần thì sức mạnh tinh thần, bản lĩnh và tài trí Việt Nam luôn là yếu tố quyết định để nhân lên, tập trung, khai thác hiệu quả nhất sức mạnh vật chất hạn chế của đất nước  Sức mạnh tinh thần Việt Nam là lòng yêu nước, ý chí “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”, là khối đoàn kết toàn dân, “cả nước một lòng”“trên dưới một lòng”, là bản lĩnh của lực lượng lãnh đạo biết huy động, tổ chức được lực lượng toàn dân hướng  vào mục tiêu chung.
Sức mạnh này vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ trong năm 2012, thậm chí đã lộ ra không ít “tử huyệt”.

Nền kinh tế đất nước đang phải vật lộn với những căn bệnh trầm kha, hiểm nghèo về tài chính, nợ nần, cơ cấu, đầu tư, khả năng cạnh tranh,  quản lý…Chính sách đối với đất đai, đối với kinh tế quốc doanh đã bộc lộ đầy đủ những  khuyết điểm, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, về chính trị- xã hội. Trong khi đó, chúng ta vẫn bị giam hãm trong tư duy cũ, bị chi phối bởi nhóm người có lợi ích trong việc duy trì hiện trạng.

Đời sống vật chất suy giảm, nhưng đời sống tinh thần suy giảm nghiêm trọng hơn còn đáng lo hơn. Văn hoá, giáo dục, y tế, dân số, bảo vệ môi trường… đều đang đứng trước nhiều vấn nạn, đang dần “tự đánh mất” chức năng và vai trò của mình. Thất nghiệp, tai nạn, tệ nạn trộm cướp, bạo lực ngày càng tăng. Gần như trở thành chuyện hàng ngày  những tội ác man rợ chưa từng có và cũng “vô lý” đến khó hiểu.

Khi bước vào năm 2012, người ta đã nhận biết những khó khăn chồng chất trước mắt, nhưng không ít người vẫn hy vọng vào năng lực của ban lãnh đạo mới được Đại hội XI bầu ra, nhất là trong việc tháo gỡ điểm nút, giải quyết“vấn đề của các vấn đề” là công tác xây dựng Đảng. Hy vọng vì thấy lãnh đạo Đảng đã mô tả khá sát đúng hiện tình Đảng, nhận biết tình chất “sống còn” của vấn đề, đã triển khai công việc với quy mô lớn, nhịp độ khẩn trương. Không ai có ảo tưởng về một sự đột biến, nhưng nhiều người hy vọng rằng những chuyển biến trong đổi mới và chỉnh đốn Đảng có thể là bước đầu, nhưng phải thực chất và có tính cơ bản.

Kết thúc bài viết đầy khắc khoải này khi giã biệt 2012, tôi không mong gì hơn là những sự kiện trong năm 2013 tới đây sẽ chứng tỏ rằng phần lớn những điều nói trong bài viết này là sai, là phiến diện không biết những thông tin sáng hơn, là hời hợt vì không thấy được xu thế đi lên, không nhận biết những mạch ngầm lành mạnh đang chuyển động dưới các hiện tượng bề ngoài.

Nhưng điều tôi tin là chuyển biến và thành quả nào cũng không tự nhiên đến, mà phải là kết quả những nỗ lực vượt bậc của toàn dân tộc, trước hết của ban lãnh đạo hiện nay và những lực lượng tinh hoa của dân tộc. Tình huống hiểm nghèo đòi hỏi bản lĩnh lớn và nhân cách lớn để đưa ra những quyết định lớn, sáng tạo, mới mẻ, để có đủ dũng cảm thực hiện đến cùng các quyết định đó. 
  • Bùi Đức Lại