Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

ĐỨC TIN & SỰ GIẢI THOÁT

MẶC CẢM & GIẢI THOÁT

 
Bài viết dành cho Em tôi!
 
Tôi đang kể về gia đình Ba Má tôi ở Đà Nẵng. Mỗi khi tôi hoặc các em rơi vào tình trạng mặc cảm lỗi lầm, anh em tôi luôn học theo tấm gương của Má để tìm cách thoát ra khỏi tâm trạng nặng nề đó.
 
Lần tôi chứng kiến cả Má và Tiến Dũng em tôi rơi vào trạng thái mặc cảm nặng nề nhất là lúc cháu Như Hà con gái đầu lòng của Dũng qua đời vì bị bỏng nước sôi lúc cháu vừa tròn một tuổi. Tôi sẽ không nhắc lại chuyện cháu bị bỏng như thế nào, đưa cháu vào viện ra sao, bởi vì đó là những ký ức buồn đau quá sức chịu đựng. Cả nhà như phát cuồng, như mất trí khi biết trái tim bé bỏng của Như Hà đã ngừng đập đúng vào ngày sinh nhật đầu tiên của cháu.
 
Sự ra đi đầy đau thương của cháu khiến ai cũng cảm thấy mình là người có lỗi. Đặc biệt là Má tôi, lúc nào Má cũng nghĩ rằng bé Hà bị bỏng là tại Má. Sự thật đâu phải thế, nhưng Má bị trầm cảm mất một thời gian dài. Những lúc hai má con ra nghĩa trang Tộc Nguyễn thắp hương, Má đều ngồi rất lâu bên mộ Như Hà, bàn tay của Má cứ miết miết mãi không thôi lên bia mộ của cháu. Cứ nhìn những con số ghi ngày sinh ngày mất của cháu là tim lại nhói đau, những tháng ngày trùng khớp nhau đau đớn, có khác chăng là năm sinh năm mất chỉ cách một năm, 78-79, thật chua xót.
 
Nằm bên cạnh bé Hà là Việt, em tôi. Em sinh năm 1950, và mất lúc mới hơn hai tuổi. Má nói cũng là tại Má. Tôi nói hoàn cảnh lúc đó là do chiến tranh, không thể nói tại Má được. Má nói lúc đó còn trẻ, hoạt động hăng lắm, cứ chạy đi chạy lại giữa Đà Nẵng và chiến khu, phải gửi con để đi vì không mang theo được. Lần ấy về thấy Việt ốm nặng bèn ở nhà lo thuốc thang nhưng Việt không qua khỏi. May còn chị Cúc tôi, cũng nhiễm bệnh nhưng nhờ thể lực khá hơn nên vượt qua được. Sau lần ấy Má tôi mang chị Cúc theo luôn. Và mặc cảm để mất Việt cũng ám ảnh Má tôi mất một thời gian.
 
Dãy bên cạnh có em Ánh con thím Phán cũng bị chết đuối lúc mới 9 tuổi. Cũng như Má, thím Phán tự dằn vặt mỗi khi nhắc đến con. Dạo ấy đang chiến tranh phá hoại, thím cho các con sơ tán ra ngoại thành còn thím ở lại Hà Nội, thím được phân công phụ trách mấy cửa hàng thương nghiệp. Khi được tin, thím ba chân bốn cẳng đạp xe về chỗ con sơ tán, đến nơi thì đã quá muộn. Chú Sinh chồng thím hy sinh ở chiến trường B, thím nói ở nhà mà để mất con là không trọn nghĩa với chú, vì vậy nỗi đau và dằn vặt trong thím càng tăng lên gấp bội. Nước nhà thống nhất, thím cùng Ba Má tôi đưa em Ánh và chị Cúc về đặt bên cạnh ông bà. Cách đây hai năm, thím đã về bên kia sum họp cùng chú Sinh và con gái.
 
Má nói cũng may, đất Quảng Nam Đà Nẵng là đất của Đạo Phật nên Má hòa nhập khá nhanh. Một phần cũng là nhờ trước khi tham gia hoạt động cách mạng Má là ni-cô của một ngôi chùa có tiếng ở quê ngoại, nên sau này tụng kinh niệm Phật cũng như là mình trở lại với nghiệp xưa, không mấy ngỡ ngàng. Ba tôi sau khi về hưu cũng công tác tại Ban Tôn giáo, chuyên nghiên cứu về Đạo Phật, vì vậy cả Ba và Má tôi luôn vận dụng giáo lý nhà Phật để giải thích về số phận kiếp người. Có lẽ nhờ đó, Má tôi dần nguôi ngoai mặc cảm lỗi lầm khiến con trai và cháu gái của mình phải rời cõi trần quá sớm.
 
Hơn nữa, Má tôi luôn khẳng định là lúc nào cũng cảm thấy có Việt và bé Hà đi theo phù hộ Má, điều đó khiến Má dù có buồn thương nhưng mặc cảm lỗi lầm hầu như tan biến.
 
Má nói, như rứa là tự giải thoát đó nghe con!
 
Lệ Huệ
 

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

MỘT ĐỜI

KIẾM TÌM

Rồi vẫn sẽ song hành cùng nỗi nhớ
Nghĩ về nhau mãi mãi đến ngàn sau
Ngày lại ngày chắt chiu từng kỷ niệm
Suốt một đời mải miết kiếm tìm nhau

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

THƯ EM GÁI TÔI

"HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN" là tên một cuốn tiểu thuyết, được Lệ Hải em gái út của tôi lấy làm tựa đề cho bài viết của mình. Bài viết của em tôi làm tôi giật mình và lần nữa phải rơi nước mắt. Mặc dù thương Út nhất nhà nhưng tôi cũng hay coi thường nó, ít khi trao đổi chuyện "người lớn". Đọc bài viết này thấy thương em mình nhiều hơn và cũng nhớ Chị nhiều hơn. Càng nhớ Chị lại càng thấy thương Má...

Trân trọng giới thiệu những tâm sự của em tôi, cũng là tiếng khóc thầm hờn tủi mãi không nguôi của đứa em gái đã lớn khôn...

 

Hãy để ngày ấy lụi tàn

Lệ Hải

Sao mấy lần về anh không kể em nghe chuyện này? Em không thể ngờ, lại có thể có ngày nhìn thấy tận mặt kẻ đã giết chị mình cho dù chiến tranh dữ dội đã đi qua, bao nhiêu đổi thay trong đời thường. Kẻ kia đã về bên kia nửa vòng trái đất, về nơi quê hương bình yên của họ, nơi tít tắp mù xa, rất xa những nấm mộ nơi này.


Ngày xưa còn bé, em cứ tưởng tượng nếu tìm được cái kẻ đã giết chị mình, em sẽ nhìn chằm chằm dữ dội vào mắt kẻ đó và hỏi một câu thôi: “Tại sao ông giết chị tôi? Tại sao ông có thể giết người chị yêu quý của tôi, một người tốt như thế?” Em không hiểu sao mình chỉ có thể dự định chỉ chừng ấy, mà chỉ chừng ấy nước mắt đã trào ra. Chắc kẻ kia sẽ không đủ can đảm nhìn lại em.


Em không nghĩ đến trả thù, kể cả những lúc xót thương nhất, những ngày đầu tiên về lại đất Quảng Bình, ba dắt em đi đến trước một nấm mộ giữa một vùng đất hoang vắng mênh mông và bảo: “Chị con nằm đây”. Giọng ba nghẹn lại. Em ngồi sụp xuống bên mộ, nhìn trân trối vào những dòng chữ trống rỗng trên bia, nhìn nấm đất đánh vồng lên vô nghĩa, dường như mới, không có lấy một ngọn cỏ, không tin chị mình nằm dưới đó, lẽ nào chị mình nằm dưới đó?... Nỗi thê lương từ ngày ấy ám ảnh em, thỉnh thoảng vào giấc ngủ… Nhưng em không nghĩ đến trả thù, cho dù ngày ấy người ta vẫn khuyến khích, vẫn hô hào “nợ máu phải trả bằng máu” với những người bên kia chiến tuyến. Cả những khi má hay kể về chuyện sau khi chị mất, anh bỏ đại học vào bộ đội, em vẫn nghĩ: May mà anh mình không ra trận, may mà anh mình vẫn đi đại học được. Mình không muốn anh mình giết người.


Vâng, em đã chẳng dám nói ra những gì đã nghĩ, đã cảm thấy. Em vẫn tin vào nhân quả: Ai làm ác sẽ có ngày trả giá, mà cái giá nào cũng là để cho họ phải sám hối, sợ hãi tội ác họ đã gây ra. Càng lớn, hận thù càng vơi đi, chỉ còn nỗi xót thương mất mát cho một khoảng trống trong gia đình, nhưng nhiều câu hỏi thắc mắc, nghi ngờ về những gì được dạy, được học, được “định hướng” hận thù mỗi ngày trong trưởng thành dần nhiều thêm trong em. Có thể anh sẽ giận, sẽ thất vọng vì con bé Út Hải ngày xưa đã càng thoát dần, khác hình ảnh đứa em nhỏ dại trong bao ngày quá khứ lo lắng yêu thương của anh.
Em đã thầm nghĩ: “Có nên nói thật, tâm sự thật những gì mình cảm nhận, mình suy nghĩ, mà sẽ làm anh mình thất vọng, kinh sợ hay giận dữ hay không?” Ngày bé thích hỏi anh Định bao câu hỏi: tại sao, tại sao… nhưng những suy tư khác hẳn anh thì em đã không dám nói, không muốn bị anh mắng, làm anh buồn, vì thế nào em cũng giữ định kiến của em, suy nghĩ của em.


Tự nhiên hôm nay vào blog của anh, chạm vào vết thương gia đình, em muốn kể thật nhiều cho anh nghe em nghĩ gì, em đã chín như thế nào bên vết thương gia đình.


Ngày về Đà Nẵng, sống giữa nhiều người có nhiều nỗi đau chiến tranh như gia đình mình, em dần nhận ra tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh đã đi qua: nồi da xáo thịt mà thôi. Có lần đứng một mình bên bàn thờ nhà cậu Ba, ngắm nhìn ảnh anh Hai Long mắt anh rất hiền giống cậu, gương mặt anh Hai cũng phúc hậu như ba của anh, thế thì tại sao anh phải chết? Chị Cúc rất giống bên ngoại, giống hai chị sinh đôi con út của cậu Ba, vì thế ánh mắt chị Cúc và anh Hai Long đều sáng, hiền dịu giống nhau? Anh Hai Long chết trong bộ quân phục của chế độ bên này, mọi người thân và quen biết đều tiếc thương anh, vì khi còn sống anh là người rất tốt. Nhưng gia đình chế độ mới tha hồ tiếc thương khóc than ầm ĩ, những gia đình còn lại thì phải khóc thầm. Những người đã mất vì chiến tranh bị phân biệt đến tận bây giờ, dù lúc sống họ đều nhân nghĩa, yêu thương kính trọng ông bà, yêu quê hương, Tổ quốc như nhau. Thế họ phải chết vì cái gì? Và nghĩ rộng ra, những câu hỏi vì sao, vì cái gì đó trong em nhiều lắm, giờ em đã tìm ra được giải đáp. Chắc hẳn anh đã nhận ra đứa em bướng bỉnh đã lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông anh cả trong gia đình rồi? Em vẫn thường sợ anh biết thế.


Ngày 11-9 tang thương sâu đậm trong lòng nhiều người trên thế giới. Ở xa, em không biết anh trai của em ngày đó cảm xúc thế nào. Mọi người bàn tán sôi nổi và chỉ vậy thôi. Còn em, đấy là ngày mỗi năm em lại phải nghĩ đến, cắn rứt một mình.


Ngày hôm ấy, khi đọc tin quá nhiều người Mỹ chết thảm, chết kinh hoàng trong vụ tháp đôi, em hân hoan, em hả dạ vì thù chị mình được trả. Một thầy giáo già theo đạo Thiên chúa vốn quen biết đột ngột đi vào nơi em làm việc. Ông đi liêu xiêu, già hơn hẳn mọi ngày. Nhìn em cười với tờ báo trên tay, ông cười gượng đau đớn: “Em vui chưa kìa. Vui thật em hỉ, lần này người của đế quốc Mỹ chết nhiều quá”. Mắt ông mờ đi, nụ cười méo xệch buồn thảm. Cái đau lặng trong mắt, ông đau hiệp thông với những người Mỹ văn minh hiền hòa. Còn em cúi đầu cố giấu niềm hả dạ của kẻ hằn thù, chỉ chút thoáng qua hơi hổ thẹn vì đã vui trên nỗi đau người khác.


Tối về nhà xem tivi, thấy tòa tháp đôi sụp đổ kinh hoàng, sự tàn bạo được hể hả nhai đi nhai lại hàng mấy tuần liền sau đó trên tivi, trên báo chí VN. Em thấm dần nỗi đau người khác trong cái đau mất mát của gia đình mình. Nỗi hổ thẹn dâng dần lên. Từ ngày đó em không gặp lại ông giáo già ấy nữa. Ông vốn là giáo viên thời cũ, thời mới người ta không cho ông đứng lớp mà chuyển qua làm chân loong toong chạy giấy tờ công văn cho một trường tiểu học. Ông về hưu sau lúc bắt gặp em “hể hả”, như thể để ông tránh khỏi phải nhìn những kẻ ác vui sướng, mà cũng có thể ông về hưu cho nhanh kẻo hàng ngày phải va chạm với những kẻ “chiến thắng” bị ông khinh bỉ.


Từ ngày đó trong em vỡ ra cái gì như niềm tin bị đánh cắp, như cái thiện bừng tỉnh sáng rõ dần. Mỗi năm em thường đi một mình ra nghĩa trang thắp hương cho các ngôi mộ thân tộc, ngồi bên mộ chị, em thủ thỉ: Chị đừng buồn chị nhé. Ở bên ấy chị đừng buồn, đừng hận thù kẻ giết người ấy nữa, chị nhé. Đó không phải kẻ cố tình ác. Ở phía bên kia họ cũng tưởng chúng ta phía bên này toàn những kẻ xấu xa đến vậy. Những kẻ bị lầm tưởng sẽ có ngày nào đó tỉnh ngộ và day dứt lương tâm.


Và lương tâm em day dứt vì đã hả dạ trên nỗi đau bi thảm của người khác. Từ đó đến giờ em cứ ước ao gặp lại ông giáo già để thanh minh, để xin lỗi, để hiệp thông, rằng lương tâm em đã tỉnh thức, rằng ngày ấy em mờ đi vì hằn thù cay độc, vì em cứ tin quả tình mình đang được đứng về bên “chính nghĩa sáng ngời”, đã được trả thù, đã được “chiến thắng”… Thi thoảng đi chùa, em lại cầu xin Trời Phật cho em thanh thản, chứ em không thể quên được thái độ của em trước ông thầy già ngày ấy.


Trở lại người phi công kia, cái kẻ đã giết chị mình ấy, nỗi hổ thẹn hối hận day dứt lương tâm chắc dày vò hơn hẳn em nhiều. Nhưng vô cảm và hể hả trên cái đau của người khác thì thực ra có kém gì đâu, đó cũng là tội ác. Em cũng nghĩ khác hẳn ngày xưa: em hoàn toàn không muốn gặp lại kẻ ấy, không thể nhìn mặt họ bình thường được. Hận thù hình như đã tan đi nhưng giá đừng biết mặt, biết tên kẻ ấy. Không gặp mặt đã là sự tha thứ rồi, nhưng lương tâm người ta càng bị dày vò hơn, cũng như em, giờ vẫn ước gặp thầy giáo già năm xưa, vẫn day dứt vì không có cơ hội gặp được, mà chắc gì thanh minh được đâu. Khi nghĩ rằng, người ta vẫn đinh ninh mình là kẻ độc ác xấu xa thì làm sao sống thanh thản được. Mình nghiền ngẫm cái đau của mình, sao không thấy người phía bên kia cũng có cái đau như vậy. Việc mình tha thứ không làm cho người ta thanh thản mà là để chính mình thanh thản mà thôi


Anh trai ạ, cũng may ngày ấy em không biết anh đã tìm ra kẻ kia, em không muốn nhớ lại, không muốn khơi dậy hận thù. Em muốn quên đi, cho dù như thế em lại có lỗi với chị, với cả anh, nhưng em không thể khác được.


Có lẽ, anh thương chị Cúc sâu nặng nhiều hơn em vì anh lớn, gắn bó với chị nhiều hơn, nhưng không phải vì thế em không thương chị, thương anh. Em chỉ không lý giải được phản ứng của mình nếu biết được đích danh kẻ giết chị mình.


“Hãy để ngày ấy lụi tàn” - Em chỉ nghĩ được vậy thôi. Người thân thì đã mất rồi, nhưng kẻ giết người đã thức tỉnh lương tâm. Hãy để lương tâm trừng phạt họ.


Đà Nẵng 10:28  30-06-2010
LỆ HẢI

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

MỢ TÔI - 5

Ngày mùng 8 tháng 3 cuối cùng của Mợ tôi
Dành tặng những người Mẹ...

Chị Dung, chị dâu tôi gọi điện cho biết là đã nhờ thầy chọn được ngày, hai hôm nữa sẽ chuyển Me và anh Minh lên Công viên Vĩnh Hằng, nhớ về để chuẩn bị. Tôi nói thôi chết, em đang ở Sài Gòn khoảng tuần nữa mới ra, có lùi lại được không. Chị nói đây là việc tâm linh hệ trọng không lùi được, nếu không ra được thì đúng ngày đó giờ đó thắp hương vái vọng cũng được, công việc đã có các anh các chị lo. Biết tôi hay hờn dỗi, chị dỗ dành động viên rất nhiều.

Xong công việc, từ Sài Gòn bay ra tôi lên nghĩa trang đồng làng Mai dịch ngay. Quang cảnh hiện trường đã nói lên tất cả. Biết là các anh chị đã lo cho Mợ chu đáo, nhưng khi nhìn thấy đôi bít tất đã đi vào chân cho Mợ hôm khâm liệm, chiếc khăn quàng và một số tư trang tùy táng còn vung vãi đó đây, tôi không khỏi xót xa và chạnh lòng. Có lẽ những người được thuê ở nghĩa trang họ chỉ làm đến thế, mà vì làm ban đêm nên chị dâu tôi không kiểm tra hết được, chứ tính chị vốn cẩn trọng lắm. Tôi lấy ít xăng xe máy tẩm vào rồi hóa, thế mà cũng phải làm đi làm lại mấy lần mới cháy hết. Cả buổi chiều hôm đó tôi cứ quanh quẩn ở khu Mộ cũ của Mợ không muốn rời xa. Tôi nghĩ ra được mấy chục câu văn vần đặt tên là "Xa Me lần nữa", sau này tôi có chép tặng anh rể tôi, anh đọc và rất xúc động. Còn nhớ trong bài có câu "Để rồi nằm dưới cỏ xanh/ Vẫn cầm tay, vẫn để dành yêu thương". Hai câu này liên quan đến giấc mơ trong "Hai bông hồng tiểu muội" mà có lần tôi đã kể.

Chiều buông, rồi nắng chiều sắp tắt mà sao tôi vẫn không muốn về. Tôi bỗng thấy nhớ Mợ da diết, những luồng ký ức từ đâu bỗng ùa về.



Còn nhớ, lần ấy Mợ ốm nặng, tôi đưa Mẹ tôi từ Văn Điển lên thăm. Mợ nằm trên giường kê sát cửa sổ tò vò, Mẹ tôi ngồi bên cạnh, hai chị em nhắc lại nhiều chuyện cũ, chuyện đâu từ cái thời tu huýt, khi Mợ sinh chị Chi, phải kê giường nằm ở dưới gian bếp, vì tập tục ở quê là bà đẻ không được ở nhà trên. Rồi bao nhiêu là chuyện khác nữa. Khi hai mẹ con đứng dậy chuẩn bị về, Mợ vẫy tôi lại gần, bảo cúi đầu xuống mợ nói cái này. Khi tôi cúi đầu gần sát, Mợ giơ hai bàn tay già nua áp vào hai bên tai tôi kéo xuống thật gần, rồi âu yếm đặt lên trán tôi một nụ hôn ấm áp. Mợ thơm lên trán tôi, rồi thơm cả trên tóc nữa. Tôi rưng rưng nhắc đi nhắc lại "Me chóng khỏe nhé. Chóng khỏe nghe Me...". Quay lại, bắt gặp đôi mắt ứa lệ của Mẹ tôi, rõ ràng Mẹ tôi đang vô cùng xúc động. Với linh cảm của người già, Mẹ tôi lo lắng đến bệnh tình của Mợ, sợ Mợ sẽ không thọ được lâu vì căn bệnh về máu hết sức hiểm nghèo. Vậy mà sau đó Mợ tôi còn chống chọi được thêm ba năm nữa, quả là một điều kỳ diệu.

Nhắc đến bệnh tình của Mợ, không thể kể hết lòng biết ơn của tôi và gia đình đối với Bác sĩ Ts Nguyễn Hữu Trí, lúc đó là Chủ nhiệm Khoa Huyết học của Bệnh viện Việt-Xô, sau này anh sang giữ chức Viện trưởng Viện Huyết học TƯ, một bác sĩ luôn tận tâm với người bệnh, và cũng biết cách động viên để an lòng người nhà của bệnh nhân. Bác sĩ Trí cho biết, Mợ tôi mắc căn bệnh thiếu tiểu cầu, cứ đến chu kỳ lại phải tiếp máu đã được làm giàu tiểu cầu. Và ác nghiệt thay là cái chu kỳ đó nó cứ ngắn dần ngắn dần cho đến khi cơ thể không tiếp nhận được nữa.

Cứ sau một đợt điều trị, Mợ trở về nhà khỏe khoắn coi như không có gì xảy ra. Vợ chồng tôi ghé thăm Mợ thường xuyên hơn. Những lúc như thế Mợ kể cho hai đứa nghe rất nhiều chuyện, phần lớn là những chuyện ngày xưa, chuyện nào cũng hay, cũng hấp dẫn, và về đến nhà là tôi vội ghi lại ngay kẻo sợ quên. Lần nào đến thăm, Mợ cũng lên bàn thờ lấy xuống một cái hộp gỗ sơn mài rất đẹp, mở nắp ra cho vợ chồng tôi chọn mỗi đứa một cái kẹo, chỉ một cái thôi. Ra về, lúc nào ra gần tới cửa Mợ cũng dịu dàng xoa đầu tôi hoặc thơm một cái vào trán. Với tình thương đó của Mợ, chúng tôi cứ ngỡ mình là những đứa trẻ ngày nào...

Lần ấy Mợ nhập viện cấp cứu làm chúng tôi hết sức lo lắng, bởi so với ngày xuất Viện gần nhất là chưa đầy một tháng. Xuống xe, y tá trực mang cho một cái cáng, Huy một đầu tôi một đầu. Khi lên đến chiếu nghỉ đầu tiên của cầu thang, việc xoay cáng hết sức khó khăn, thế là Huy quyết định cõng Me, còn tôi xách túi áo quần bám theo hỗ trợ, lên đến tầng ba mà phải nghỉ đến hai lần. Tôi bảo để cõng thay một đoạn nhưng Huy nhất định không cho. Nhìn từ phía sau, Huy hộ pháp như một con gấu, vậy mà cũng thở hồng hộc và mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

Lần này tình hình của Mợ xấu đi rất nhanh. Nhìn đôi lông mày nhíu lại đăm chiêu của Bác sĩ Trí chúng tôi cũng phần nào đoán được sự tình. Ngoài cháu Liên giúp việc, chúng tôi thay nhau trực và vào với Mợ thường xuyên hơn. Đến cuối tháng hai thì thị lực của Mợ giảm hẳn, mắt nhìn mờ dần, không nhìn rõ mặt những người vào thăm. Còn nhớ mùng tám tháng ba năm ấy tôi mang hoa vào tặng Mợ, đó là những nụ hồng tiểu muội mà Mợ rất thích, tôi chọn mua toàn nụ vì sợ hoa nở có hương thơm bác sĩ không cho phép đặt trong phòng bệnh. Mới bước đến gần giường Mợ nằm, Mợ nhận ra ngay qua giọng tôi hỏi cháu Liên.



Tôi ngồi xuống bên Mợ, xoa bóp bàn tay đầy những vết kim mà xót xa, chưa kịp nói gì thêm thì cháu Liên đã nhanh nhẩu: "Bà ơi, chú Định mang hoa vào mừng Bà mùng Tám tháng Ba đây này". Vừa nói nó vừa đưa cái bình hoa nho nhỏ cắm đầy nụ tầm xuân cho Mợ. Mợ nheo nheo mắt ngắm nhìn, qua cử chỉ dùng tay mân mê những nụ hoa, tôi chắc rằng mắt Mợ đã không nhìn thấy rõ nữa rồi. Lòng trào dâng một nỗi xót xa không tả xiết, tôi nắm chặt bàn tay của Mợ. Bỗng Mợ choàng tay ôm xiết lấy đầu tôi, hôn lên má lên trán tôi, rồi ghì chặt đầu tôi vào ngực, Mợ bật khóc nức nở. Thấy Bà khóc to và càng lúc càng nấc lên tủi hổ, cháu Liên lúng túng đứng chết trân không biết phải làm gì, mồm lẩm bẩm "Thôi bà ơi thôi bà ơi", rồi chạy đi tìm bác sĩ trực. Trấn tỉnh, tôi nhẹ nhàng vừa vuốt tóc cho Mợ vừa thủ thỉ "Me ơi con đây mà. Me nín đi Me, con đây mà...".

Đó là Ngày mùng Tám tháng Ba cuối cùng của Mợ tôi. Chỉ sau đó khoảng chưa đầy một tháng, Mợ đã bỏ lại chúng tôi và ra đi mãi mãi...