Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

GỬI TRẦN QUANG QUỲNH

TRẦN QUỲNH ƠI


Trần Quỳnh ơi,

Anh đến bên em một chiều đông giá buốt
Buốt sao bằng nỗi đau đớn mất em
Nỗi nhớ mỗi ngày, nỗi nhớ từng đêm
Em đi xa rồi. Ông Trời bất công quá.

Em đi rồi mà chẳng ai tin được cả
Chẳng ai tin đã xa hẳn một con người
Người - một đời lo toan một đời vất vả
Nay nằm đây rồi, hãy yên nghỉ nghe em.

Đừng buồn nữa Quỳnh ơi, cuộc sống bon chen
Em đã hết mình xây tổ ấm
Đã hết mình cho nghiệp đời sâu đậm
Đã hiến mình cho thế hệ tương lai.

Chỉ thương em, bởi đợi đến ngày mai
Em được hưởng những gì em đáng có
Được điền viên với gia đình nho nhỏ
Và với thằng cháu ngoại mới lên hai...

Thương Cu Tí, hai ông nay còn một
Biết bù đắp thế nào cho cháu, mai sau...
Nhớ giọng nói em những lúc bên nhau
Mà giờ lặng thinh buồn thắt ruột...

Gió vẫn thổi từng cơn chiều lạnh buốt
Khói hương trầm vẫn nối kết âm dương
Khấn làm sao hết chừng nấy nhớ thương
Để em an lòng, cho em thanh thản

Mảnh đất lành với người là cõi tạm
Ủ ấm em yên giấc ngủ ngàn thu
Hãy ngủ ngon Quỳnh nhé, vẳng tiếng ru
Ấy mẹ về đón em đi lần nữa!

Hãy yên nghỉ, hết lo toan sấp ngửa
Để độ trì cho con cháu, Quỳnh nha!  

Mãi mãi tiếc thương
Anh Tấn Định
-----
vinh biet nha giao, dao dien, soan gia tran quynh hinh 0

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

VIẾNG MỘ PHẠM ĐỨC THẮNG

THĂM ĐỨC THẮNG

Sáng nay đi Đông Mỹ thắp hương cho Phạm Đức Thắng, và cũng để báo cho Thắng về Họp lớp sáng mai.
Dựng xe dưới bóng cây trúc đào đang rộ hoa phớt tím, ngay cạnh là mộ bác Tu bác Lý - bố mẹ của Thắng.
Thắp hương trên Tượng đài thờ Chúa, thắp hương cho hai bác và anh Đắc, anh của Thắng cũng nằm cách đó không xa rồi mới đến chỗ Thắng nằm.

Đang thắp hương cho Thắng thì nhận được tin nhắn của Hoàng Hiền nói lần này họp lớp không ra Hà Nội được, có thể sẽ dự cùng các bạn ở Sài Gòn. Bấm máy nói chuyện với Hoàng Hiền, hỏi Hiền có biết Định đang ở đâu không. Hiền bảo không, Định đang ở đâu vậy?
- Đang thắp hương cho Phạm Đức Thắng ở Nghĩa trang Ninh Sở, Đông Mỹ Hiền ạ.
Vừa nói đến đó thì bát hương trên mộ Đức Thắng bùng cháy. Quá xúc động, liền thông báo ngay cho Hiền. Hiền bảo, bạn bè Lê Ngọc Hân hay thật!
- Không phải hay, mà là quá hay, người sống cũng hay mà người âm cũng rất hay. Tiếc là không mang theo máy ảnh.

Gọi cho Châu Tấn hai cuộc không thấy thưa máy. Về đến gần nhà thấy Châu Tấn gọi mới biết hắn ta đến nhà hàng Hương Sen để đặt tiệc cho ngày mai. Người di động còn máy ngủ quên dưới gối là thói quen thường ngày của Tấn, không có gì lạ, hehe.

Tấn Định

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

THĂM THẦY THANH

THẦY THANH

Tranh thủ đến thăm thầy Thanh, thầy Tổng phụ trách của chúng mình. Cũng phải tranh thủ đi buổi tối chứ ban ngày thì khó mà tranh thủ được.
Vườn rộng nhà rộng mà vắng tanh. Vẫn như mấy lần trước, thầy cô ở trên gác hai còn tầng dưới mỗi chị giúp việc người Phú Thọ.


Vẫn căn phòng cũ nhưng cửa đóng kín, chị giúp việc bảo anh cứ tự mở mà vào. Cô đang lúi húi dịch chuyển cây quạt vào phía góc phòng, thấy trò đến lom thom chạy ra đón, mừng rỡ nở một nụ cười thật hiền và đầy thân thiện.

Thầy nằm đó, trên giường kê sát cửa sổ, mắt nheo nheo nhìn mà chưa nhận ra đứa nào đến thăm. Chỉ khi trò nói "Em chào thầy ạ" thầy mới gắng cất tiếng, miệng méo xệch do biến chứng của lần tai biến ba năm trước: "A, Định phải không, Tấn Định phải không", vừa nói thầy vừa đưa tay lên cho trò nắm lấy, xiết chặt.
Cô bảo, thầy vừa xuất Viện về nhà được hai ngày, nằm Viện mất hai tuần do đau xương cốt không chịu nổi, chắc là thời tiết chuyển vụ.

Hai thầy trò tâm sự bao nhiêu là chuyện, thầy vẫn còn rất minh mẫn và có trí nhớ tuyệt vời, nhắc tên trò này trò khác, chẳng quên em nào. Vừa nói chuyện, hai thầy trò tay vẫn nắm chặt bàn tay, không rời. Bên cạnh, cô ngồi nghe chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, thỉnh thoảng từ nào thầy nói ngọng quá thì cô dịch cho trò hiểu.

Khi nghe thông báo Chủ nhật tới 25 tháng 10 sẽ họp lớp như mọi năm, thầy im lặng mất một lúc rồi nói: "Cho thầy hỏi thăm cả lớp, chúc các em mạnh khỏe và thành đạt trong sự nghiệp chăm sóc cháu nội cháu ngoại". Nghỉ lấy hơi một lúc rồi thầy nói tiếp với giọng nhỏ hơn: "Thầy sắp xa các em rồi...".
Trò nắm chặt tay thầy lắc lắc: "Thầy đi đâu mà đòi xa, mới tám hai tuổi thầy chưa được đi đâu hết. Chúng em thỉnh thoảng sẽ đến thăm thầy, sẽ còn nhiều lần nữa thầy ơi!". Cô đang kéo chăn đắp lại hai chân cho thầy, dừng tay nói: "Cụ lại nói linh tinh gì đấy", rồi quay sang phía trò: "Thỉnh thoảng thầy vẫn nói gở thế đấy em ạ". Thầy cười, một nụ cười rất hiền, và mãn nguyện.

Dùng dằng mất một lúc mới nói được lời tạm biệt để thầy còn nằm nghỉ.
Xuống đến tầng trệt, ra sân, cô mới khẽ khàng: "Cám ơn em, cám ơn các em, có các em đến là thầy lại vui, lại khỏe ra, cám ơn em...".

Ra khỏi cổng, ngoái lại nhìn vẫn thấy cô đứng nhìn theo. Sau lưng cô là một ngôi biệt thự khang trang, tọa lạc trong một khu vườn rộng thênh thang, nhìn mà ái ngại cho tuổi già biết chừng nào.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

VIẾNG MỘ PHẠM TRỌNG VINH


THĂM TRỌNG VINH

Thấy con về bữa trưa, dặn nó mấy câu rồi xách xe chạy sang thằng Vinh, Trọng Vinh. Cổng nghĩa trang Yên Viên giờ thành bãi đỗ taxi Long Biên, cũng nhộn nhịp ra phết chứ không vắng lặng như cõi âm trước đây.

Thắp hương cho Vinh và Lân, Dương Bảo Lân em trai Dương Thanh Bông. Khấn rồi báo để Vinh biết hội lớp vào Chủ Nhật tới tại nhà hàng Hương Sen. Bảo Vinh là nhớ báo cho Kinh Luân luôn, chắc thằng Luân sẽ về hội lớp với bọn kiều Nga, Huệ Chí ở trong Sài Gòn.

Chuẩn bị ra về thì bát hương chỗ thằng Vinh bốc cháy rần rần, còn chỗ em Lân vẫn cháy rất từ tốn. Chắc em chả hiểu anh Định bảo họp lớp là họp lớp nào. Mà người nhà em Lân chắc cũng mới sang thăm, vì thấy hoa cúc trắng chỗ mộ em vẫn nở tươi tắn. Trên mộ Trọng Vinh cũng có một nhành cúc trắng y hệt, vẫn còn tươi.

Không biết họp lớp năm nay hai thằng Vinh, Luân có về được không, vì ông già chúng nó vừa mới sang bên đó cách đây ít lâu, chắc chúng không đành để ông già ở nhà một mình.

Mai sẽ đi Đông Mỹ báo cho thằng Đức Thắng, còn Tạ Minh Hảo thì đã báo cho nó biết rồi.


Tấn Định

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

CHỐN BÌNH YÊN

CHỐN BÌNH YÊN
Tiễn đưa ông già của Kinh Luân xong, hai thằng Tấn Định và Châu Tấn ra thăm Tạ Minh Hảo. Lúc đến thắp hương trên mộ Hảo mới phát hiện ra là bát hương đã hóa hết, chỉ có thể là hương hóa sau khi hai bố con thắp hương chào Cô để về từ lần viếng thăm tuần trước. Châu Tấn cứ trầm trồ khen kiểu mộ và bia của Hảo nhìn đơn giản mà sang trọng. Mộ anh Trịnh Tố Tâm cũng thế. Châu Tấn cứ đứng ở phía tấm bia, tay xoa xoa lên chữ Bà khắc chìm, cười nói vui: "Với tụi mình, khắc thành chữ BẠN thì hay, Hảo nhờ", rồi Tấn còn tâm sự gì đó khá lâu với Hảo nữa. Lúc chào Hảo để về thì trời lắc rắc mưa, thế mà chỉ vài phút sau đã tạnh. Châu Tấn nói trong rưng rưng: "Đừng khóc, Hảo! Lần sau bọn mình lại xuống". Muốn khóc thành tiếng quá.
Hôm nay có việc lên Thanh Tước. Các anh các chị ở Nga sắp về làm giỗ bác Phan Lan Châu, tức bác Liêu gái. Cũng như mọi năm mình thay mặt cả nhà lên thắp hương cho bác Liêu. Từ ngày bố đi xa, mình tự giác làm việc này chăm chỉ hơn, hy vọng bác sẽ vui và bố sẽ hài lòng. Xong ở chỗ bác liền tranh thủ lên thắp hương cho chị Hồng Anh, lúc quay về đi ngang mộ Cô Loan, vợ chú Hoàng Văn Thái. Cô là một trong hai phụ nữ thượng cờ Tổ quốc ngày 2-9 năm 1945, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Giỗ Cô vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán.
Sang thắp hương cho anh Lựu và Nguyễn Hòa Bình tức Bình Anh, hai anh em ra đi cùng năm 2006, mới đó mà đã gần chục năm rồi. Trên ảnh bia mộ, anh Lựu và Bình Anh đều mặc quân phục và nhìn rất tươi. Nhìn ảnh, không ai nghĩ là hai người đã đi xa, rất xa...
Lên khu mộ phía trên kia thắp hương cho chú Huy, Hồ Quang Huy bố của Minh Lý. Trước đây chú Huy nằm cạnh bác Liêu nhà mình, sau khi "sang cát" các em nhà chú đưa chú lên khu mộ phía trên cao. Trước khi đến chỗ chú, ghé thắp hương cho chị Lê Diệu Muội bạn chị Hồng Anh. Chị Muội ra đi năm trước, chị Hồng Anh đi năm sau. Thương hai chị vì cùng rủ nhau lên đây sớm quá, mà lại không được ở cạnh nhau như thời ở Liên Xô.
Nhìn bao quát một lượt trước khi ra về, nao lòng với bạt ngàn là bia mộ. San sát san sát, từ dưới này lên tận đỉnh đồi, từ gần cổng vào đến xa xa ra tận đằng kia, từ phải qua trái, từ dưới thung lên suốt sườn đồi, chốn yên nghỉ của bao người...
Mỗi lần lên đây, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa nóng ấm cũng như mùa đông rét mướt, một cảm giác bình yên lan tỏa, đầy ắp không gian chốn này.
Có lẽ, mỗi người đều có cảm nhận riêng của mình về Chốn BìnhYên. Vì vậy, muốn có cảm nhận chính xác để dành làm của riêng thì cần có trải nghiệm vậy. 

TẤN ĐỊNH

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

AI ĐÓ SẼ VỀ



AI ĐÓ SẼ VỀ


Cháy nửa tuần hương
chiều Vu Lan
Có ai đó đã về trên hương án
Ông nội ra từ Hạ Sen Suối Cạn
Bà nội lưng còng theo sát bên ông

Bà ngoại nhắn về, các cháu đừng trông
Ông bà còn thăm mảnh vườn An Xá
Ba mẹ về, khói hương vòng lan tỏa
Các chị về mâm ngũ quả lung linh

Chuỗi chuông gió ngoài hiên bỗng lặng thinh
Đám cô hồn theo nhau về Chùa Cót
Mẫu Đại Ngàn rắc nhân từ giọt giọt
Con cúi đầu hai tay xá. Tri ân

Tháng cô hồn. Mùa báo hiếu. Từ tâm
Ai đó sẽ về
ủi an người đang sống
Ai đó sẽ độ trì
cho con niềm hy vọng
vào một mùa trần gian.

Vu Lan 2015
Tấn Định

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

CHIẾC LÁ MỒ CÔI -Cho ML






CHIẾC LÁ MỒ CÔI
Cho My Lynh

Có Người vừa về Bên Ấy
Cả nhà em gọi là Ba
Từ nay đâu còn Ba nữa
Bao nhiêu kìm nén vỡ òa...

Chú Hùng Gia Lai thì nói
"Thấy mình như đá mồ côi"
Em cứng làm sao bằng đá
chưa gì đã toát mồ hôi.

Thấy đời sao chơi vơi quá
Em là chiếc lá mồ côi.

(những ngày buồn đau)
(tháng 7 2015)


Chị Duyên
Photo by Dì Cải Quỳ




Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

LÒNG MẸ



VỆT SAO BĂNG CỨA VÀO LÒNG MẸ


Con ơi,
con biết không
Trong giấc mơ một thời thiếu nữ
Mẹ đã từng mơ về một thứ
Đó là “ngôi nhà và những đứa trẻ” thần tiên.

Nếu con gái đầu lòng, mẹ sẽ gọi Lam Yên
Là làn khói xanh dịu dàng như hơi thở.
Mẹ vốn là mây, lòng dặn lòng, nhắc nhở
nếu sinh con trai, con là ngôi sao nhỏ
và tên con sẽ là Anh Tú con ơi!

Rồi một ngày kia, tựa ánh sao rơi
Từ cõi hư vô con sà vào đời mẹ
Làm sáng bừng những tháng ngày đẫm lệ
Những tháng ngày vất vả truân chuyên.

Mười sáu năm sau trong một sáng bình yên
Mẹ sinh em con với niềm vui khôn tả
Mẹ không dám gọi em là Lam Yên, thật lạ
Bởi tất cả chỉ có thể là sương khói mong manh.

Vậy mà một ngày, bỗng lóe chớp sao băng
Định mệnh bất ngờ, một vì sao đã tắt
Ở dưới trần gian,
có một người vừa đi về phía chân trời xa lắc
Con bỏ mẹ con đi về chốn vĩnh hằng...

Mẹ còn lại những gì, cuộc sống vẫn còn chăng
Thì cũng bởi con đã mang theo tất cả
mang theo niềm tin, mang theo hoa lá
Cả tri âm tri kỷ cũng mang theo...

Con xa rồi đời bỗng vắng teo
Nhiều lúc mẹ tưởng chừng không sống nổi
Chỉ vì có em con mà mẹ không lạc lối
Thiếu bóng con,
trang sách, đĩa nhạc cũng nẫu buồn.

Anh Tú ơi, có thể đó là định mệnh
Bởi mẹ đặt tên con là một vì sao
Con đến rồi đi mà mẹ ngỡ chiêm bao
Chỉ hơn hai chục năm trên đời, đau đớn quá...

Con xa rồi, mẹ như cây trụi lá
Con đến và đi, tựa một ánh sao băng
Sao đã tắt, mà vệt sáng kéo theo như một lưỡi phăng
Cứa vào tim mẹ...

Thôi con ơi,
hãy tha thứ và yên lòng
ở nơi xa con nhé
Con là ngôi sao không bao giờ tắt trong mẹ
Cho mẹ nhớ về những tháng năm xưa

Cho mẹ nhớ về những sớm những trưa
Giờ tan học con ùa vào lòng mẹ
Cho mẹ nhớ về những ngày con còn bé
tưởng chừng còn rất thật con ơi...

Hãy để mẹ gọi tên con cho lòng bớt chơi vơi
Như là con đang kề bên tâm sự
Như chia sẻ buồn vui, như nỗi niềm dồn ứ
lúc mình còn có nhau…

Yêu Con, để đâu cho hết
Mẹ của con

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

CUỐI CHIỀU

CHO EM


Những gì em để lại
là máu chảy về tim.
Dẫu chân trời góc bể
vẫn mải miết kiếm tìm.

Em đừng quay đầu lại
chẳng cần nói lời yêu
Nhớ thương cùng hoài niệm
dịu cơn đau cuối chiều.

Dẫu con tim nhỏ bé 
vẫn ngập tràn yêu thương
Một đời tìm bản ngã
khiến người ta vô thường...

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

ANH BẰNG ƠI, BẰNG AN ANH NHÉ!

Lời tiễn biệt thay cho lời điếu
vào sáng ngày 17-9-2014 tức ngày 24-8 Quý Ngọ
tại Nhà Tang lễ BV198 Mai Dịch - Hà Nội
------

Kính thưa bà con trong gia tộc nội ngoại,
Kính thưa các anh các chị bạn bè, đồng nghiệp của anh chúng tôi Võ Đắc Bằng,
cùng toàn thể những người thân trong gia đình.

Chị Hương cùng các cháu yêu quý,
Hôm nay tất cả có mặt tại đây để tiễn đưa một con người vô cùng thân thiết: Anh VõĐắcBằng của chúng ta.
Anh chúng tôi quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Anh sinh năm 1942, đúng như anh nói hôm cuối cùng gặp anh trên giường bệnh, biết là khó qua khỏi, anh dặn: "Năm nay anh bảy mươi hai tuổi rồi, có lẽ anh sắp ra đi. Khi anh đi nhớ đừng làm mit-tinh, đừng đọc điếu văn, chỉ làm đơn giản trong nhà mình. Nhớ cho anh gặp bà con họ hàng và bạn bè của anh, đặc biệt là bạn học thời cùng Internat...".
Hôm nay gia đình và các cháu làm đúng theo ý nguyện của anh, hy vọng là anh hài lòng!

Anh Bằng ơi, anh còn nhớ không, vào cái chiều hôm trước anh ra đi đúng một ngày, em đứng bên giường chờ cho anh nhắn xong mấy cái tin, bỗng anh dừng tay rồi nói:  -" Жди! Они придут".  Anh nói bằng tiếng Nga nghe rất rõ. 
Anh thấy đấy, lời anh nói quả là thiêng, và hôm nay đã ứng nghiệm: bà con và bạn bè của anh đã đến đông đủ bên anh, như anh hằng mong đợi.

Anh vẫn thường kể, một thời tuổi trẻ của anh trôi qua thật đẹp với nhiều kỷ niệm. Đó là những tháng năm anh học cùng bạn bè ở InterNat, những năm tháng học đại học và làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xôp, rồi thời gian anh làm Cộng tác viên cao cấp ở Đup-na, những năm tháng học tập và công tác trên đất Liên Xô thật đẹp. Về nước anh công tác tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân cho đến ngày về nghỉ chế độ.
Ở đâu, thời kỳ nào anh cũng học tập hết mình, nghiên cứu hết mình và lao động hết mình.

Cuộc sống đã mang lại cho anh nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng chính cuộc sống đã để lại cho anh tôi không ít những buồn đau. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất là anh biết cách chấp nhận thực tế và cuối cùng đã rút ra cho mình những bài học quý giá trước lúc rời bỏ cõi trần này.

Sinh thời anh tôi vẫn thường coi cái chết nhẹ như lông hồng. Còn nhớ cái lần đi xem đất để làm nơi an nghỉ cho Me anh còn đùa vui, nơi này cũng là dành cho anh, khi nào đi anh tự tìm đến. Những ngày lâm trọng bệnh biết là khó qua khỏi, anh sẵn sàng chấp nhận quy luật sinh tử một cách nhẹ nhàng nhất. Chỉ quá đớn đau cho những người ở lại!

Cho dù thế nào, anh hãy tự hào về những ngày anh đã sống, về tình yêu thương vô bờ bến anh đã dành cho các con.

Các cháu Phan-Ly và Nga-Phong yêu quý! Hãy sống xứng đáng với tình yêu thương luôn ngập tràn và lòng mong mỏi của bố, các cháu nhé! Hãy quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Hãy thương yêu đùm bọc em Hằng, em còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để có thể hiểu được những phức tạp rắc rối của cuộc đời này.
Chị Hương ơi! Mong chị hãy bình tâm và giữ gìn sức khỏe. Nỗi đau này là quá lớn, không gì bù đắp được, chúng em và cả đại gia đình mình xin chia sẻ cùng chị.

Anh Bằng ơi,
Chiều hôm qua em đã thay mặt cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương báo tin cho Ba. Chắc giờ này Ba Me đang sốt ruột ngóng chờ!
Hẳn anh còn nhớ, cái đêm cuối cùng anh thức trọn bên Me. Lúc Me trút hơi thở cuối cùng anh là người vuốt mắt cho Me. Thế mà anh lại sắp được về bên Me rồi, nhanh quá anh Bằng ơi! Về Bên Ấy, anh sẽ gặp lại Ba, anh Minh, chị Chi, em Quang và những người thân yêu. Hãy nói với BaMe là cả nhà yêu Ba Me nhiều lắm, nhớ Ba Me nhiều lắm, không lúc nào nguôi...

Bà con cùng các anh các chị kính mến,
Đã đến lúc anh chúng tôi lên đường, cho phép tôi thay mặt gia đình dành những lời cám ơn chân thành nhất đến
- Tập thể bác sĩ và các y tá hộ lý Bệnh viện VINMEX Hà nội đã tận tình chăm sóc cứu chữa cho anh tôi trong suốt thời gian điều trị.
- Đến Bệnh viện 198 Bộ Công An đã dành cho anh tôi một không gian trang trọng vào thời khắc tiễn biệt đớn đau này.
- Đến bà con họ hàng nội ngoại, đến bạn bè đồng nghiệp của anh tôi - những người đã được báo tin và chưa kịp báo tin, đã đến bên anh tôi trước giờ phút anh lên đường về Cõi Vĩnh Hằng!

Anh Bằng ơi, Anh lên đường thanh thản nhé, bằng an anh nhé!
Các con các cháu và chúng em luôn yêu anh và mãi mãi nhớ anh...!