Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

HUYỀN THOẠI HỐ BOM

DUYÊN ƠI...

Dành tặng D của tôi

Tôi là Định, tác giả bài viết "Mối tình đầu của tôi" đã được đăng trên trang blog này, xin thay mặt Duyên là bạn thân thời nhỏ của tôi, gửi đến bà con bạn bè lời cám ơn chân thành nhất. Qua các comments của mọi người, qua email và tin nhắn rồi cả điện thoại trực tiếp, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc và cả tình cảm quý báu của tất cả mọi người. 

Duyên ơi,
Ở nơi xa, nếu tình cờ Duyên đọc được tất cả những gì liên quan đến mình, chắc rằng D cũng sẽ vui lòng, phải không D. Và, Định cũng tin rằng D. sẽ tha thứ cho Định vì đã nói mà không làm được, đó là Định đã tự ý sửa tên của D đi tí xíu, cũng chỉ sợ nó nhạy cảm mà! Hãy bỏ qua cho Định nếu Duyên không đồng tình với việc Định đã tự ý bịa ra chuyện Duyên và O đã từ Thái Lan về nước. Từ Thái Lan về, hay từ Lào trở về, hay không phải thế thì có gì quan trọng lắm đâu, bởi vì chuyện nhà Duyên chỉ có hai mẹ con là điều có thực, và tất cả những chuyện còn lại đều là chuyện thật, thì chuyện nhà mình xuất xứ từ đâu liệu còn có ý nghĩa nhiều nữa không. Dù sao Định cũng muốn xin lỗi D về điều đó.

Duyên ơi! Hãy thứ lỗi cho Định vì đã viết những từ như là 'người yêu', rồi là 'mối tình', những từ mà Định biết có khi do tình cảm đặc biệt mà Đ viết 'vống' lên như vậy, chứ chưa chắc D đã thích. Định hiểu mà, Đ hiểu đó là thứ tình cảm trẻ con, tình yêu học trò chứ không bao giờ ngộ nhận là tình yêu đôi lứa, tình yêu gái trai.
Nhưng mà Duyên còn nhớ không, D còn nhớ Ba Mẹ Định và mạ của Duyên đã thân thiết như thế nào, đã quý nhau như thế nào. Và hai đứa mình chơi thân với nhau như thế nào, đã khổ sở như thế nào khi bị trêu dữ quá mỗi đứa khi đi học phải đi theo một con đường khác nhau. Duyên còn nhớ là Định đã nhường cho D đi đường bến ven sông, còn Đ thì đi theo con đường giữa cánh đồng, vì đường đó nhiều ma trơi. Duyên còn nhớ có lúc chúng mình giận nhau, đang đêm D mang thư và các kỷ vật vào nhà trả lại cho Định rồi sau đó vài ngày lại vào đòi lại không? Khi người ta không trả thì ngồi lỳ ngoài cổng để đòi bằng được không?

Duyên ơi! Nhiều chuyện để nhớ về Duyên và về O lắm, nhưng quan trọng nhất theo Định có lẽ là chuyện của Bố. Bố đã rời xa quê hương quá sớm, đã để lại những "mảng tối" không thể nào lý giải được. Cuộc ly hương của Bố đã làm cho cuộc sống của những người ở lại trở nên nặng nề và quá nghiệt ngã. Tuy nhiên đời cũng thật công bằng, ở hiền bao giờ cũng gặp lành, Duyên và mẹ đã được bù đắp phần nào tuy có muộn màng. 
Điều an ủi lớn nhất là gia đình mình về những năm tháng sau này rất có hậu, tuy việc Bố có thời gian hoạt động trong lòng địch và được chính quyền công nhận là người có công với cách mạng, ở quê mình không phải ai cũng biết. Cần phải chọn thời gian thích hợp để làm điều đó, để thanh minh cho Bố, để Bố được vui lòng. Nhưng ai sẽ đứng ra làm điều đó? Làm như thế nào và vào lúc nào? Tất cả vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải.

Chắc Duyên còn nhớ ngày chị Cúc bị bom Mỹ sát hại, Định đã nhận được ba bài thơ của Duyên viết về chị, đọc cho cả nhà nghe ai cũng khóc. Bài thơ Duyên viết tặng Định lúc lên đường nhập ngũ Định rất thích, đã động viên Định rất nhiều vì lúc đó nỗi đau quá lớn, cứ nghĩ là đi bộ đội để trả thù nhà, còn các lý tưởng lớn lao chắc chưa kịp nghĩ tới.

Ngày Duyên sơ tán ở Ngư Hóa, rồi ra mặt đường cùng các chiến sĩ Thanh niên Xung phong, rồi bám mặt trận khốc liệt ở Bắc Quảng Bình, Định đều được biết qua Ba Định và chị Hoài. Chị H còn giữ được mấy bức ảnh chụp chung với Duyên ở mặt trận, bên bờ suối, nhìn thật lãng mạn và yên bình làm sao. Không ai hình dung được rằng, đó là những bức ảnh được chụp trong những tháng ngày đạn bom ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Rồi bỗng nhiên lòng chùng xuống, thật buồn, buồn tê tái khi biết rằng Duyên đã đi xa, thật xa, và cuộc hội ngộ thật khó khăn biết bao. Chú Sâm đã rất nhiều lần một mình một xe đạp lóc cóc vượt Đèo Ngang để ra Hà Tĩnh, rồi Vinh, rồi đạp xe ra tận Hà Nội, Hải Phòng, và lần nào cũng vậy, chú đều đi qua Cổng Trời, lội qua Khe Ve, qua những địa danh ghi trong thư của Duyên gửi về cho Mạ, cho chị Hoài, và chú Sâm hy vọng tìm gặp được Duyên ở ngay ngoài mặt trận. Nhưng rồi không lần nào gặp được.

Về sau, trong một lần nghỉ lại tại một đơn vị Thanh niên Xung phong ở gần Khe Ve, chú Sâm nghe mọi người kể lại một câu chuyện cứ như huyền thoại. Đó là cách đấy không xa có một cung đường bị máy bay Mỹ cày xới ngày đêm và tìm cách hủy diệt. Trên cung đường đó TNXP hy sinh rất nhiều. Lạ lùng nhất là có một hố bom mà nước ở đó không bao giờ cạn. Đồn rằng hố bom đó là do một quả bom xuyên của Mỹ tạo nên. Trước khi nổ nó khoan sâu đến mức chạm phải một mạch nước ngầm, chính vì thế nước trong hố bom bao giờ cũng đầy ắp và trong veo.

 

Điều huyền bí nhất chính là câu chuyện do dân làng quanh vùng đồn đại, đó là đến ngày Rằm tháng Bảy hoặc đúng dịp Tết Nguyên Tiêu, cứ mang vàng hương ra miệng hố bom mà cúng, rồi khấn cầu xin được gặp người thân, đặc biệt nếu là TNXP hy sinh quanh đó, thì rất dễ gặp. Hình ảnh người thân của mình sẽ hiện lên dưới mặt nước trong xanh ở trong miệng hố bom, nhìn thấy rõ ràng và sống động như là đang soi gương vậy.

Một lần Định hỏi chú Sâm: "Vậy có lần nào Ba đã tìm đến hố bom ấy chưa?". Chú Sâm cho biết là có đi tìm, đã đến một hố bom được cho là hố bom huyền thoại như người ta đồn đại, và chú đã thắp hương rồi khấn. Định sốt ruột hỏi dồn "Thế Ba có gặp được Duyên không, có thấy Duyên hiện lên không?". Trầm ngâm một lúc rồi chú bảo: "Chỉ nhìn thấy một khoảng trời. Khoảng trời xanh lắm con ạ". Định chưng hửng. Chắc thấy Định buồn nên chú Sâm giải thích, có lẽ mình đến không đúng ngày, hoặc người xin gặp phải là người cùng huyết thống, hay là do mình không tin tuyệt đối vào điều kỳ diệu đó.

"Hay cái Duyên chưa chết? Hay Duyên đang còn sống ở một nơi xa nào đó rồi bặt tin?". Không hiểu sao Định lại bật ra được câu nói đó, và ngạc nhiên hơn là chú Sâm cũng hưởng ứng theo: "Ừ, cũng có thể lắm chứ, con!".
Điều kỳ diệu là cả hai bố con đều tin là Duyên vẫn còn. Điều chắc chắn là D vẫn còn! Và nếu ai đó có tìm đến bên miệng một hố bom chứa đầy nước trong veo, chắc chắn sẽ nhìn thấy cả một khoảng trời trong đó! 

Ở nơi xa ấy, Duyên có nghe Định đang tâm sự với D không?...
NTĐ

=================

Lời bình của bạn bè

MÙA ĐÔNG

03:54 29-12-2010
Anh à, kỉ niệm là một phần của quá khứ, quá khứ là tất cả những gì làm nên hiện tại và tương lai của chính mình...kỉ niệm là những giấc mơ, kỉ niệm luôn tồn tại, luôn là một phần của cuộc sống ngày hôm nay chứ không chỉ là hai chữ “đã qua"...
Sáng sớm qua anh, được đọc entry này thật xúc động anh ạ...em tin, cho dù anh có viết như thế nào đi nữa, chắc chắn chị Duyên sẽ mỉm cười thật hạnh phúc khi đọc entry này....
P/S:đây là lời phát biểu của MĐ, dựa vào tâm lí của phụ nữ trên toàn thế giới...anh nhé, nó hoàn toàn không hồ đồ một chút nào.
Ngày mới ấm áp anh Định nhé!

------------

Bạch Dương

15:00 28-12-2010
Khoảng trời – Hố bom

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...

Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh.
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng ?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài ?

Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét