Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

ANH TRỖI

Anh Trỗi ơi!

Sáng mai 16 tháng 10, tại Hội trường Cung Văn Hóa Hữu Nghị sẽ diễn ra cuộc gặp mặt cựu học sinh Trường Văn hóa QĐ Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Trường Trỗi) nhân 45 năm ngày truyền thống của trường (15-10-1965 - 15-10-2010), vậy mà em chưa viết thêm được bài nào về Anh.

Cho phép em đăng lại bài viết trước đây, Anh Trỗi nhé!


ANH TRỖI ĐÃ TỪNG HY SINH Ở LỆ THỦY - QUẢNG BÌNH?

Nguyễn Tấn Định

Bài viết nhân kỷ niệm 45 năm ngày Anh Trỗi hy sinh

Tôi có rất nhiều bạn là cựu học sinh Trường Trỗi, các anh chị tôi đều đã qua Trường Trỗi, thậm chí tôi có ông anh rể cũng là dân Trỗi nốt, đó là Hữu Thành. Thế thì còn chần chừ gì nữa mà không tự nhận mình là dân Trỗi! Rồi không biết từ khi nào, tôi cứ nghĩ mình là dân Trỗi thật. Và cũng thật may mắn là mấy thằng bạn thân chẳng đứa nào phản đối cả, lại còn coi đó là điều hiển nhiên mới lạ chứ. Hôm rồi Chu Kỳ Minh còn hùng hồn tuyên bố với nhóm bạn "Thằng này là Trỗi khóa Chín!". Ừ, Trỗi Khóa Chín, Trỗi Khóa Chín, sao lâu nay mình không nhớ ra là mình đã học ở Trỗi Khóa Chín nhỉ! Dân Trỗi - đó là niềm tự hào đáng yêu và niềm vinh dự lớn lao của tôi!

Vậy mà, tôi hỏi mấy thằng bạn Trỗi về cái chết của Anh, nhiều đứa cũng tơ lơ mơ lắm, chẳng nhớ gì nhiều. Đặc biệt khi tôi hỏi "Mày có biết Anh Trỗi đã từng bị xử bắn ở Quảng Bình quê tao không?" thì nhiều đứa ngẩn tò te, có đứa nhìn tôi chằm chằm rồi bảo "Điên! Đi chỗ khác chơi, mày!". Thật tệ! Vậy mà chuyện lại có thật đấy. Chẳng những thế, nếu tôi còn để lộ thông tin là Anh Trôi vẫn còn, đang sinh sống ở Thành phố HCM, thỉnh thoảng đi công tác tôi vẫn ghé thăm, thì bọn bạn chắc chắn cho tôi là điên thật, rồi "cưỡng chế" đi Trâu Quỳ cũng chưa biết chừng!

Biết vậy nhưng tôi vẫn kể.
Tôi kể chuyện này, tuy gọi là chuyện trẻ con, nhưng để chúng ta nhớ lại một thời, cái chết của Anh đã tác động đến lớp trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên miền Bắc, sâu sắc đến như thế nào. Tấm gương hy sinh đẫm chất anh hùng ca của Anh đã để lại ấn tượng không bao giờ quên cho mọi lứa tuổi học sinh chúng tôi, đã trở thành hành trang theo chúng tôi vào đời và ra trận, như thế nào.

Đầu đuôi là như thế này.
Tôi nhớ hồi đó tôi học cấp ba, ở trọ luôn nơi trường sơ tán. Một hôm, mấy đứa con trai lớp tôi bày ra làm báo tường, tên báo là SỐNG NHƯ ANH, tôi được phân công vẽ chân dung Anh Trỗi. Tôi có cái vinh dự đó không phải vì tôi giỏi vẽ chân dung, mà là vì tôi có những năm cái hoa tay, nhiều hơn thằng nhiều hoa tay nhất trong lớp đúng một cái. Thực ra lúc đó tên của Anh là Nguyễn Văn Trôi chứ không phải là Nguyễn Văn Trỗi như sau này chúng ta vẫn thường gọi. Chính xác nguyên nhân do đâu tôi không được rõ, nhưng nghe đâu tại lỗi kỹ thuật khi truyền điện tín, không biết có đúng thế không.




Tôi nhớ là lúc tôi đang vẽ Anh Trôi thì nghe tiếng bọn trẻ con cãi nhau chí chóe phía sau lưng. Ngoảnh lại nhìn thì, chèng đéc ơi, trẻ con đâu ra mà lắm thế này, lại còn cãi nhau loạn xì ngầu cả lên. Thằng nhỏ con bà chủ nhà nói "Không giống Anh Trôi". Tôi thấy nóng mặt, đúng là oắt con, thằng này dám làm mất uy tín họa sĩ! Tôi hỏi nó "Sao biết không giống? Mày gặp anh Trôi lúc nào mà biết không giống?". Nó bảo "Em gặp rồi, không giống!". Thế mới điên! Không ngờ thằng ở trần con nhà bà hàng xóm lại còn cố cãi giúp "Không giống. Tóc anh ấy ngắn và tai thì nhỏ hơn. Anh ấy bị bắn ba phát mới chết, mà không thấy có máu chảy ra chi hết". Tôi giật cả mình, hỏi lại "Bắn ở đâu?". Nó bảo bắn ở sân vận động, cạnh trường cấp một. Tôi hỏi dồn "Ai bắn?", nó tái mặt tưởng tôi trấn áp nó, miệng lúng búng "Mỹ Diệm, Mỹ Diệm bắn mà". Tôi láng máng hiểu được chuyện gì đã xảy ra, nhưng không thể cười thành tiếng được, bởi chúng nó nói với giọng rất nghiêm túc. Tôi bèn hỏi tiếp "Thế quân ta đâu cả?". Thằng con bà chủ nhà nhanh nhảu "Quân ta hô đả đảo Mỹ Diệm, đả đảo Mỹ Diệm". Thằng nhỏ hàng xóm cãi "Không phải Mỹ Diệm mà là đả đảo đế quốc Mỹ". Con bé ngồi xổm bên cạnh thêm "Cả tay sai nữa, bè lũ tay sai"! Một nhóc mặc may-ô quần đùi nãy giờ đứng im nay cũng chêm vào "Anh Trôi hô Hồ Chí Minh muôn năm đến hai lần". Thằng nhỏ hàng xóm cãi "Ba lần!". Thằng nhóc may-ô cãi lại "Hô hai lần thì anh ngoẻo cổ xuống luôn". Một con bé khác đứng đằng sau kể "Lúc đó chị Hương tau khóc ngất". Thằng nhỏ con bà chủ nhà tiếp lời "Mạ tau cũng khóc, nói Mỹ Diệm ác thiệt!". Một thằng nhỏ đầu trọc lóc mặc quần thủng đít khẳng định "Anh Trôi chưa chết mô, mấy ngày sau tau còn thấy anh ấy đi tắm sông với mấy người nữa, ở bến sông cạnh nhà tau, tắm với một thằng Mỹ Diệm"...

Như vậy câu chuyện qua lời kể của bọn nhỏ là có thật. Bây giờ chỉ còn phải tìm hiểu xác minh xem nó đã xảy ra lúc nào và xảy ra như thế nào nữa thôi. Là cảnh trong một vở của đoàn kịch nói hay trong biểu diễn văn nghệ của địa phương? Tôi liền tìm gặp chị Quyên. Chị Quyên này không phải chị Quyên vợ anh Trôi, dĩ nhiên là thế rồi. Chị Quyên này là chị họ của tôi, hơn tôi hai tuổi nhưng học cùng lớp. Nghe tôi hỏi, chị cười ngặt nghẽo rồi kể lại cho tôi đầu đuôi câu chuyện. Đó là vào cuối năm học trước, trong hội diễn văn nghệ của toàn trường, có vở tiểu phẩm "Hãy nhớ lấy lời tôi!" của lớp 8A, rất hay và rất xúc động. Tôi hỏi chị ai đóng vai anh Trôi, chị bảo thầy Xuyên chơ ai, thầy nói giọng Nam Bộ nên rất giống anh Trôi. Tôi hỏi thế mặt có giống không, chị bảo không giống, anh Trôi đẹp trai hơn, với lại mái tóc anh Trôi cũng đẹp hơn. Tôi bảo, thế nên chị Quyên mới yêu và lấy anh Trôi chớ! Chị quay mặt cười ngượng nghịu, nhưng mắt thì rưng rưng. Tôi đoán, chắc chị nghĩ và thương chị Quyên của anh Trôi nhiều lắm! Chị còn kể thêm, trong vở diễn còn có vai nữ ký giả Sài Gòn do Lâm Thị Mỹ Dạ đóng, rất điệu đàng và duyên dáng, một tay cầm cuốn sổ một tay cầm míc-cờ-rô, cổ đeo toòng teng đến hai máy ảnh, thỉnh thoảng lại đưa lên chụp chụp, rất điệu nghệ. Tôi nghe kể cứ tức anh ách. Ký giả Sài Gòn tay sai thì không thể xinh như Lâm Thị Mỹ Dạ được, thật đóng phí cả đi! Chị Quyên quay sang tôi, hỏi: "Sao kịch hay thế mà em không coi là răng?". Tôi nói với chị, lúc đó tôi còn đang học ở trường Lê Ngọc Hân Hà Nội, nên không xem được kịch. Chị Quyên nói "Tiếc hè!". Ừ, thật tiếc đứt ruột!


Bây giờ thì chuyện anh Trôi bị xử bắn ở sân vận động thuộc một làng của quê tôi là có thật rồi nhé, ít nhất là qua lời kể hồn nhiên và đầy cảm xúc của mấy đứa trẻ quê tôi! Những nhân chứng là người lớn đến nay vẫn còn sống cả, có người lại còn là nhân vật trong cuộc nữa chứ. Này nhé, chị Quyên, chị họ của tôi công tác ở Đại học An ninh nay đã nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân Hà nội. Nữ ký giả Sài Gòn Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ nữ nổi tiếng đang sống và làm việc ở Huế. Còn người đóng Anh Trôi, người anh hùng của chúng ta, là thầy Nguyễn Vĩnh Xuyên, thầy dạy Địa lý của trường. Sau bảy lăm thầy trở về Sài Gòn tiếp tục dạy học. Vợ thầy không phải tên Quyên mà tên là Mượt, "Mượt của ta!" - như thầy vẫn thường tự hào khoe với mọi người! Mỗi lần có dịp đi công tác vào Thành phố HCM là tôi đều ghé thăm thầy. Lần nào Thầy cũng mừng như người thân lâu ngày gặp lại. Chị Mượt vợ thầy, vẫn đảm đang và chu đáo với em út như xưa nay vẫn thế. Ngắm Chị từ đằng xa, trông dáng Chị vẫn gọn gàng thon thả, toát lên vẻ uy phong của một nữ xã đội trưởng lẫy lừng một thời của một vùng quê thuộc Thanh Trì ngoại thành Hà nội!

Chuyện có thật mà, Anh Trôi cũng có biết mà!

Hà nội, Đêm 11 - 10 - 2009

NTĐ   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét