Không hiểu sao đêm qua ngủ mơ gặp chị Xuân. Chị Xuân con bác Thợ Tầm làm nghề mộc, là chị của Tý, Tý lại chơi thân với Duyên, cả ba chị em đều thuộc tôp xinh 'sắc lớp nghiêng trường', không ai chịu nhường ai! Gặp chị chị bảo: "Em nhớ đi tìm cái Duyên. Nó ở đâu đấy gần quê mình thôi. Không thấy nó ở chỗ chị, Định à".
Tỉnh dậy, vẫn thấy mùi hương của tóc chị phảng phất đâu đây. Nhớ chị Xuân quá...
CHỊ XUÂN
Chị lớn hơn ba tuổi nhưng mấy chị em lại học cùng lớp. Cái gì cũng dùng chung của nhau, chị lúc nào cũng nhường nhịn. Còn nhớ hồi đó học toán phải có bàn tính, bác Thợ Tầm làm hẳn bốn cái, mấy chị em mỗi đứa một cái, khỏi tranh giành nhau. Bàn tính có hạt tiện từ hóp hoặc trúc, để gác bếp lên màu cánh gián rất đẹp, cả lớp lác mắt. Cái quan trọng là bàn tính bác làm rất chắc chắn, có đánh rơi các hạt trúc cũng không bị xổ ra ngoài, điều mà trẻ con đứa nào cũng sợ, sợ bị ăn đòn nữa.
Lớn lên một chút là học tổ học nhóm, ba chị em học với nhau, anh Ánh nữa là bốn, chị Tý học nhóm khác. Hôm nào học ở nhà cái Duyên thì khuya học xong có mỗi hai chị em ra về, vì nhà anh Ánh sát ngay nhà Duyên. Cứ mỗi lần đến gần hiệu cắt tóc lại nghe có tiếng người nói chuyện rồi cười rinh rích trong đó, nhưng khi ngang qua cửa lại thấy im lìm như miếu bỏ hoang.
Nhiều lần như vậy chị Xuân sinh nghi, chị kéo áo tôi bắt dừng lại và đứng thật im, mặc cho muỗi đốt. Bỗng nghe có tiếng nam và giọng nữ nói chuyện ở trong hiệu cắt tóc thật. Đi một quãng, chị nói qua hơi thở: "Yểu cưa rấn", chị nói tiếng Trung hay không chịu được, mặc dù chị chỉ học ở Phổ thông Công nghiệp, trường mà hồi đó mọi người vẫn xem thường. Phục nhất là cách chị phát âm chữ cưa và chữ rấn. Chữ 'cưa' thì không hẳn cưa mà là giữa 'cơ' và 'cưa'. Còn 'Rấn' thì lại phải là giữa 'rấn' và 'zấn', không hẳn r cũng không hẳn z, điều mà thầy Ngữ dạy Trung văn chưa bao giờ hài lòng với bọn tôi.
Kể từ đó tôi rất thích nghe chị nói ba từ "Yểu cưa rzấn", nghe nhiều rồi đâm nghiện.
Lên cấp ba, chị còn tham gia làm thêm ở Đài truyền thanh Huyện, phát thanh viên nam là anh Duyên em anh Do, người làng Đại Phong, còn nữ là chị. Có đêm trời đổ mưa đột xuất, chị Tý bảo tôi mang áo mưa lên đón chị Xuân mãi tận trên Mũi Viết. Trên đường về hai chị em khoác chung một áo, mỗi người một tay túm góc tấm ni-lông quàng qua đầu.
Đi sát người chị trong tấm áo mưa, tôi cảm thấy thật dễ chịu làm sao khi từ chị tỏa ra một mùi hương thoang thoảng không thể nói được là mùi hương gì. Và cũng không thể biết được là mùi hương đó tỏa ra từ cơ thể hay từ mái tóc dài mượt mà của chị, tôi hồn nhiên nói: "Chị ơi, người chị thơm quá!". Đang đi chị bỗng dừng lại, đưa cái túi lưới bằng nhựa trong có quyển sổ tay cho tôi cầm. Tưởng chị muốn đổi chiều kẻo mỏi tay, té ra không phải, chị đưa túi tôi cầm để chị rảnh tay búng một cái thật đau vào mũi tôi rồi mắng yêu: "Trẻ con!". Cái chỗ búng ấy tôi còn giữ mãi cho đến tận bây giờ.
Rồi tôi xa nhà, xa chị hàng mấy chục năm. Chỉ biết tin chị qua bạn bè và bà con. Rằng chị có một gia đình riêng nhưng không hạnh phúc. Rồi nghe chị cùng gia đình vào định cư tận Sài Gòn. Thế rồi trong một chuyến vào Sài Gòn công tác, tôi đã đi tìm chị. Một mình một xe máy tôi tìm đến Phường Thảo Điền, nơi có Trường ĐH Văn hóa, chị làm việc tại Thư viện của trường này.
Hai chị em lâu ngày gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Tôi chỉ thích chị gọi tôi bằng tên riêng chứ không thích gọi 'em', vì chị phát âm tiếng 'Định' mới mềm mại và âu yếm làm sao. Chị vẫn nhớ và chiều tôi từ cách gọi như hồi còn nhỏ. Bỗng có một cuộc gọi từ Hà nội, đó là cậu sinh viên Bách Khoa người Nga vừa tốt nghiệp chào tôi để về nước. Tôi ra hiệu xin phép chị ra ban công để nói chuyện nhưng chị giữ lại cạnh chị, tôi hơi mất tự nhiên vì ít khi rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Xong câu chuyện, chờ tôi cất máy vào túi xong, chị nói: "Chị vẫn hằng chờ em về để nghe em nói một câu tiếng Nga. Hôm nay thế là toại nguyện". Tôi bất ngờ trước niềm vui quá ư bình dị mà tôi đã mang đến cho chị, và ước muốn của chị cũng quá đỗi đơn sơ, đơn sơ đến mức tôi cứ rưng rưng chực khóc. Bình tâm, tôi nói với chị: "Còn em, em muốn nghe chị nói ba tiếng, ba tiếng thôi, bằng tiếng Trung". Ban đầu chị sững người hơi ngạc nhiên, sau đó ngẫm nghĩ một lúc bỗng chị sực nhớ ra, nhìn thẳng vào tôi chị nói: "Yểu cưa rzấn". Trời ơi, bốn mươi năm, bốn mươi năm trôi qua, thế mà thời gian không đủ sức bào mòn một giọng nói truyền cảm nhường ấy, khiến con tim của đứa em trai đầu hai thứ tóc phải thổn thức!
Từ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm chị và hai cháu. Bẵng đi một thời gian, một hôm chú Hưng gọi điện cho tôi, chú nói đang ở trong bệnh viện thăm chị Xuân, và đưa máy để hai chị em nói chuyện với nhau. Chị cho biết bệnh tương đối trầm trọng, nay đã đỡ nhiều, Định đừng lo, khi nào vào công tác nhớ ghé chị. Tôi thương chị quá chừng nhưng không biết nói sao cho chị yên lòng. Chợt nhớ ra, tôi nói: "Chị ơi, chị nói cho em nghe ba tiếng để em đỡ nhớ chị". Có tiếng thở của chị vọng qua mic, một lát sau chị nói rành rẽ: "Yểu cưa rzấn", rồi tắt máy. Tôi thẩn thờ mất cả ngày hôm ấy...
Chuyến công tác tiếp sau đó tôi đến thăm chị tại nhà riêng. Anh Sinh chồng chị đón tôi ở cổng. Chị gầy, xanh xao, nhưng vẫn giữ được nét tươi tắn của người con gái vùng sông nước Kiến Giang. Đặc biệt giọng nói, giọng của chị có nét riêng không thể nào lẫn được. Và chị vẫn chiều theo ý muốn của cậu em lớn tuổi, lúc nào cũng Định Định, rất hiếm khi nghe chị gọi em.
Lần sau cùng, trước khi về nghỉ chế độ tôi đến thăm chị bằng xe đơn vị. Cậu Phong lái xe chạy qua Trường ĐHKT đón thêm TrangThanh, em con Cậu Dương tôi cùng đi. Mấy lần đi xe máy thì tìm nhà được ngay, lần này cậu Phong cho xe vòng đi vòng lại khu biệt thự Thảo Điền mấy vòng mới tìm được lối vào.
Vẫn anh Sinh chồng chị đón chúng tôi ở cổng. Dẫn chúng tôi vào Phòng Chị đặt quà lên bàn, chào Chị rồi anh mời chúng tôi ra phòng khách nói chuyện. Qua câu chuyện mới biết thêm là sau khi mổ khối u lành ở ổ bụng, chị bị dính ruột, cứ phải mổ đi mổ lại thành ra kiệt sức dần, thật tội. Ngồi mãi vẫn thấy mỗi mình anh Sinh, hỏi ra mới biết các cháu đi làm xa, mãi tối mới về. Chúng tôi xin phép vào chào chị để về đơn vị.
Chị vẫn ngồi đó, khuôn mặt tươi rói thoáng một chút đượm buồn, đôi mắt đen nhánh chăm chú nhìn tôi âu yếm. Không cầm lòng được, tôi nói với Chị: "Chị ơi! tha lỗi cho em, chị nhé! Em nhớ chị như vầy mà mãi không vào thăm chị được. Để đến bây giờ vào được đến đây thì Chị đã ra đi được hơn năm mươi ngày rồi, chị Xuân ơi...".
Hương đã tàn quá nửa, cái Thanh vẫn còn nấc lên bên tôi, còn Phong thì đứng im như tượng, Phong không biết chị đã ra đi, trước khi đưa hai anh em tôi đến đây.
Khe Ve, một ngày Đông cuối năm Canh Dần.
Em ĐỊNH của Chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét