Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG - 1

CHÙA HÀM LONG

Chùa Hàm Long - Thái Bảo Nam Sơn tọa lạc ở lưng chừng núi thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nằm ở địa thế cực kỳ đẹp đẽ trong khung cảnh đầy huyền bí. 
Chùa được xây dựng vào thời Lý, cách nay hơn 700 năm. Tương truyền đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ. Hiện nay trụ trì Chùa Hàm Long là Hòa Thượng Thích Thanh Dũng. Phía trước chùa là vườn Tháp mộ, nổi bật nhất là Tháp Tổ Như Trừng, tự Lân Giác, hiệu Cứu Sinh.

Chùa được trùng tu nhiều lần. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Ở điện Phật có 4 pho tượng bằng đồng: Đức Phật Thích-ca, tượng A-nan và Ca-diếp, tượng Hoàng hậu Ma-gia. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Hàng năm cứ vào Rằm tháng Hai là đúng Lễ Hội Chùa Hàm Long, hàng ngàn khách xa gần đều hành hương về làm lễ và thưởng ngoạn phong cảnh thần tiên.

Tôi biết đến Chùa Hàm Long không phải do đi dự lễ hội, mà là do tôi được giao lên Chùa làm các thủ tục để gửi Vong chị dâu tôi.
Nếu ai đã đọc MỢ TÔI thì chị dâu tôi chính là vợ anh Thạch Sơn. Chị tên là Lan, cùng học trường Lê Ngọc Hân với anh Sơn và tôi. Chị bị trọng bệnh và ra đi đột ngột, để lại nỗi hẫng hụt cho anh tôi và gia đình. Đi xem, thầy bảo mất trúng giờ xấu, ngày tháng cũng xấu. Vậy là để tránh trùng tang, phải làm thủ tục gửi Chị lên Chùa trong hai năm.

Lên đó tôi được chứng kiến rất nhiều gia đình từ nhiều địa phương trong cả nước cũng về Chùa làm lễ gửi Vong người thân. Có điều lạ là Vong khắp nơi về trú ngụ tá túc chốn cửa Phật rất đông mà không hề gây ồn ào phiền toái gì cả.

Ba năm trở lại đây, chị dâu tôi không phải ở Chùa nữa. Chị đã có thể đi về thoải mái giữa nhà thờ bên Nội và Ban thờ Chị ở nhà anh Sơn của tôi. Bây giờ mỗi lần giỗ Chị vào ngày 28 tháng Giêng ÂL, chúng tôi đã có thể khấn kêu tên Chị thoải mái mà không sợ Thần Trùng hiện về. Lần nào cũng vậy, khi đang cúng thì không có vấn đề gì. Nhưng hễ lúc mọi người đang ăn, hai anh em tôi lên bàn thờ thắp hương cho Chị thì bát hương cũng bùng lên hóa hết. Mỗi lần như vậy, tôi phải ôm chặt lấy anh tôi vì anh í rất hay tủi thân. Mà tôi cũng chỉ cứng rắn hơn anh tôi chút xíu bằng cái móng tay, cũng nhờ tôi đã qua đời lính!

Mấy năm gần đây Chị Lan tôi ít về, chẳng hiểu tại sao. Hay chị đã đầu thai vào kiếp mới?


THẦY LÂN


Thế là chị Lan vợ anh Sơn của tôi đã từ giã cõi trần.
Sau khi đưa chị vào gửi ở nhà lạnh bệnh viện 108, chị Tuyền thông báo cho mấy anh chị em tập trung tại nhà anh Sơn. Chị Dung, chị dâu cả nói: Chị vừa hỏi qua một thầy, thầy cho biết là Lan đi vào giờ rất xấu, có lẽ phải đến anh Lân xin ý kiến. Và thế là cả mấy anh chị em lên xe kéo đến nhà bác Lân ở trên phố Trần Xuân Soạn.
Khi đi trên xe chị Dung nói qua cho các em được rõ là anh Lân chơi thân với anh Minh nhà mình, gần đây mọi người quen gọi là thầy Lân vì anh giảng dạy ở Đại học Bách khoa, cũng còn lý do khác nữa là anh xem ngày xem giờ xem tướng số tử vi giúp mọi người.
Nhà anh ở tầng hai, phòng khách chật chội nhưng sạch sẽ, xung quanh toàn sách là sách. Mấy anh chị em chia nhau ngồi quanh bàn nước, còn nữa thì lôi ghế nhựa ghế đẩu ở phòng bên ra rồi quây quần quanh anh Lân. Anh nhìn lướt một lượt "mấy đứa con nhà ông Nho bà Miến" rồi nói: - Nhà này anh chơi thân nhất với Minh thì nó mất rồi, con Chi thì ở trong Sài gòn mà hình như nó cũng chết rồi phải không.

Anh chỉ vào anh Bằng anh Sơn rồi tiếp: - Dạo anh hay đến nhà thì hai đứa mầy đang ở Liên Xô, còn mấy đứa sau nữa anh không biết hết đâu. Rồi anh hỏi hôm nay đến có việc gì?
Sau khi nghe chị Dung trình bày xong rồi chị đưa cho anh một mảnh giấy chắc trên có ghi tên tuổi và ngày giờ mất của chị Lan, anh xem qua mảnh giấy rồi nói: - Chờ anh tí!

Mấy phút sau anh từ phòng trong đi ra với mấy quyển sổ trên tay, anh vào đề luôn:
- Con Lan chết vào giờ xấu, quá xấu, cái gì cũng xấu, ngày tháng năm rồi đến cả giờ cũng xấu, tóm lại là giờ trùng.
Nghe đến giờ trùng, cả mấy anh chị em nhìn nhau thót hết cả tim.
Nói chuyện với chúng tôi một lúc anh rút ra kết luận: - Nhà này nhiều giáo sư tiến sĩ nhưng nếu dùng từ chuyên môn thì người ta gọi là vô minh, chả hiểu cái đếch gì về thế giới con người cả.
Khi tôi hỏi anh về hiện tượng trùng tang thì anh hào hứng hẳn lên: - Thôi, chúng mày chịu khó ngồi lâu lâu một chút anh sẽ giải thích cho nghe.
Hóa ra đó là một đề tài cấp bộ thuộc thể loại "thanh toán sau" nghĩa là mọi kinh phí chủ nhiệm đề tài và bộ môn tự chi trả trong quá trình nghiên cứu, mọi chi phí chỉ được bộ chủ quản thanh toán sau khi có kết luận của HĐKH cấp Bộ thông qua.
Anh kể, đề tài làm trong nhiều năm, kinh phí không lớn nhưng công sức và thời gian bỏ ra quá nhiều, sau 10 năm chờ đợi mà họ không thành lập được hội đồng anh đành buông xuôi. Sau đó một thời gian, bạn anh đang công tác ở một Viện nghiên cứu của Nhật Bản thông báo rằng Viện này đang tổ chức một Hội thảo khoa học, trong đó có một nhánh rất phù hợp với nội dung đề tài của anh, họ đồng ý mời anh sang tham dự và báo cáo. Thế là anh lao vào chuẩn bị, rồi sang Nhật, rồi đọc báo cáo khoa học trong những ngày tổ chức Hội thảo.
Điều không ngờ là báo cáo khoa học của anh đã được các nhà khoa học Nhật Bản để mắt tới. Trước khi rời Nhật Bản để về nước, anh nhận được lời mời từ phía Viện nghiên cứu, họ đề nghị được gặp để trao đổi thêm về đề tài, và ngỏ ý muốn mua bản quyền với giá khởi điểm là 200 ngàn đô-la Mỹ.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét