Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG 2

HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG

Nghe thầy Lân kể đến đó, cả mấy anh chị em đều trố mắt. Một đề tài nghiên cứu về hiện tượng trùng tang của Việt nam, chờ mãi năm này sang năm khác không có hội đồng nghiệm thu, vậy mà người Nhật mới nghe báo cáo tại một hội thảo khoa học đã quyết định mua lại với giá hai trăm ngàn đô, thật không thể hiểu nổi!

Thầy nói, thì cứ tưởng họ nói vậy để động viên mình, hóa ra họ mua thật, giờ tiền vẫn nằm trong tài khoản không dám tiêu, vẫn chưa tin là họ mua thật và gửi tiền sang cho mình thật. Sau đó một thời gian ông bạn bên Nhật gọi điện về bảo, ông bán rẻ quá, họ rất phấn khởi vì biết là vớ được quả hời. Anh bảo với ông bạn, với mình thế là ngoài sức tưởng tượng rồi, quá được rồi, ở đây khó có thể nói thế nào là đắt rẻ. Biết người Nhật họ đánh giá cao công trình của mình, và nói là sẽ triển khai thử nghiệm bên Nhật, thế là mình mãn nguyện rồi. Nói rồi thầy giở cho xem mấy quyển sổ nhìn ngoài bìa đã cũ, nhưng bên trong giữ gìn khá cẩn thận danh sách những gia đình đã đăng ký nhờ thầy xử lý "trùng tang" của nhà họ. Tỷ lệ chấm dứt trùng tang là rất cao, trên chín mươi phần trăm. Thầy nói đang nghiên cứu tỷ lệ không xử lý được là do đâu, đây là vấn đề khó nhưng không kém phần quan trọng.


Bây giờ đến nội dung chính của công việc. Thầy hỏi em Định là như thế nào trong nhà? Chị Dung bảo nó là con bà cô, mẹ nó là em ruột ba tụi em, ba mẹ em nuôi nó ăn học hồi còn bé. Thầy Lân bảo thế thì được rồi, em Định sẽ đi Chùa Hàm Long, đi ngay chiều nay, để anh gọi trước cho Sư thầy. 
Nói là làm, anh bốc máy gọi luôn, xong tuyên bố: Sư thầy đồng ý rồi, nếu em chưa biết Chùa thì cứ đi lên phía Bắc Ninh, lên đó rồi hỏi đường, đây lên đó khoảng ba mươi cây, đường cũng dễ đi mà. Rồi thầy nói thêm, trước đây không phải đi xa thế đâu vì ở Hà Nội này cũng có hai Chùa có thể khử "trùng" được, đó là chùa Trấn Quốc và chùa Liên Phái. Hai nơi này nói như cách nói bây giờ là hai văn phòng đại diện của Chùa Hàm Long vậy, cơ mà hai thầy trụ trì mới thay, chưa thạo việc này lắm nên cứ lên Hàm Long cho yên tâm. Cả mấy anh chị em nhất trí, định chào anh Lân để về thì xảy ra điều bất ngờ.

Điều bất ngờ là nãy giờ anh Sơn ngồi im nghe, chẳng nói gì, cũng chẳng thắc mắc hỏi han gì, giờ anh vẫn ngồi ở ghế, đầu hơi cúi xuống như đang tìm một vật gì ở dưới gầm bàn, anh nói: - Sơn không đồng ý, chiều nay Định cứ ở nhà anh nhờ mấy việc, không phải đi Hàm Long nữa đâu!

Cả nhà ngớ người, đứng im tại chỗ.


Tất cả lại ngồi xuống ghế, như lúc mới đến. Anh Lân nhìn Sơn, tỏ ra ái ngại, rồi anh hỏi: - Sơn, sao em không muốn tiếp tục làm?

Anh Sơn ngước lên, nhìn anh Lân một lúc rồi nói: - Em không tin là Lan về bắt em và con mang đi, mà nếu có bắt thì em đi luôn, sống nữa làm gì...

Nói đến đó rồi Sơn lại cúi đầu xuống, rõ ràng trên mắt anh tôi có ngấn nước.

- Ai bảo với mày là vợ mày về bắt mày đi, thằng Định hả, hay thằng Bằng, hay là tao? Tao bảo con Lan về...
Rõ ràng là anh đã mất bình tĩnh, không kiềm chế được. Có lẽ anh nghĩ mình đang cố gắng thu xếp mọi việc thật ổn thật đẹp cho mấy đứa em của anh Minh bạn thân nhất của anh thì lại có đứa phản đối thẳng thừng như vậy. Có lẽ anh chưa gặp trường hợp tương tự như vậy bao giờ. Anh ngồi xuống ghế, lấy lại bình tĩnh rồi nói:

- Mày là phó giáo sư tiến sĩ ở đâu đâu chứ, về đây mày phải nghe anh đây này, toàn là dân nguyên tử với hạt nhân mà chả hiểu cái cóc khô gì, vô thần vô minh như mày thì ma nó bắt đi cũng chả ai thương, nhưng mày phải biết thương con mày chứ!

Anh Lân đã gõ trúng chỗ yếu nhất của Sơn, tuy vậy anh Sơn vẫn cố cãi: - Nhưng em không tin. Anh Lân nói, mày không tin kệ mày, nhưng việc làm để cứu người thì vẫn phải làm, thằng Bằng thấy thế nào? Anh Bằng nói nhỏ nhẹ, anh Bằng thì lúc nào cũng nhỏ nhẹ:

- Bao nhiêu năm em nghiên cứu về hạt nhân và nguyên tử ở Đúp-na mà chưa bao giờ nghe nói đến trùng tang cả. Ít nhất anh cũng phải giải thích sơ qua cho bọn em biết tại sao nó lại có hiện tượng ấy chứ!

- Ừ, nói thế nghe còn được, anh tưởng tụi mày là những nhà khoa học nghe cái hiểu ngay, thôi được rồi...

Hóa ra là như thế này.

Anh Lân bảo con người tồn tại theo hệ thống chứ không phải độc lập từng đơn vị. Hệ thống sinh học đó lấy huyết thống làm cơ sở tồn tại. Những người nằm trong cùng một hệ sinh học huyết thống phụ thuộc vào nhau rất chặt chẽ và ảnh hưởng đến nhau rất mạnh, kể cả những thế hệ đã chết rồi, tính như xưa nay các cụ nhà ta tính để thờ cúng là khá chính xác, ảnh hưởng đến năm đời.

Đến đây có tiếng bàn tán xì xào phía chị Dung và chị Hương, anh Lân nhìn sang rồi bảo:

- Sao, chúng mày vẫn chưa tin hả, cứ tưởng chết là hết hả. Không đâu, mỗi người là một mắt xích rất quan trọng trong cả hệ thống sinh học đó, cả người sống lẫn người đã chết, và phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Ảnh hưởng mạnh nhất là từ đời cháu đến đời ông, sau đó mức độ yếu dần đến đời thứ năm thứ sáu, tức đời cụ đời kỵ thì rất yếu. Các cụ nhà ta từ ngàn năm nay đã truyền lại đều là đúng cả, vì đã qua trải nghiệm cuộc sống. Một con người chết đi, năng lượng sinh học rồi trường sinh học quanh mắt xích đó thay đổi rất lớn, và ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Ảnh hưởng của sự thay đổi đó còn phụ thuộc vào thời điểm xảy ra đột biến, bởi vì hệ thống sinh học của con người phục thuộc rất nhiều vào các tia vũ trụ, được quyết định bởi vị trí các hành tinh, các ngôi sao vào thời điểm đó, vì thế các nhà làm tử vi từ ngàn xưa đã tính ra giờ tốt giờ xấu. Thế nào, thằng Định ngủ gật hả, mày làm cái gì thế, hả?

- Dạ, đêm qua em mất ngủ, mí lại cái này hôm trước em đã nghe anh giải thích một lần rồi.

- Thôi được, thằng Định về trước đi, nghỉ ngơi tí rồi đi Hàm Long luôn đi cho kịp, còn tụi này ngồi lại đây chút nữa, anh nói thêm cái này. Đi đi, đứng đó làm gì!

Không phải là không nghe lời anh, mà là máy tính trong đầu đang chạy để tính xem là bây giờ ra đường thì đi bằng gì. Lúc đến theo anh chị đi cùng ô tô, giờ chắc phải bắt xe ôm chứ còn gì nữa!
Đi xe ôm thì đi, sợ gì!

Còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét