Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

NHỚ VỀ MỘT THỜI THƠ ẤU

TUỔI THƠ & NỖI NHỚ...

Đã lâu ngủ không mộng mị, đêm qua bỗng dưng mơ thấy một giấc mơ lạ lùng.

Chiều nay bỗng thấy nhớ cồn cào, đứng ngồi không yên, muốn đi ra phố. Thì đi. Đi một lúc thì đến Đầm Trấu. Không sang bên ấy vì cỏ dại um tùm, lối mòn ướt át. Bên ấy chỉ có ao muống với mấy cái hồ rộng thông với sông Hồng. Mùa nước sông lên các bè nứa cứ dập dềnh dập dềnh, tập bơi rất khoái nhưng cũng nguy hiểm. Hôm ấy thằng Thắng suýt chết đuối còn gì. Hôm nào Me sai lấy đất về để Me muối trứng thì phải có cả anh Sơn cùng đi nữa cơ.

Thì đi vào Nguyễn Lai Thạch xem có gặp đứa nào không. Qua số 12 nhà Công Cò thấy vắng vẻ quá, lá vàng phủ đầy sân không thấy ai quét. Trên cầu thang ngoài trời lên gác hai có để mấy thanh gỗ. Nhà Công Cò vắng tanh. Đi thêm một quãng nhìn sang bên kia đường là nhà thằng Sơn, Đào Việt Sơn. Hình như nhà nó số 5, mà sao lại có biển đề Cà-phê, lạ thật. Nhà 22 đây rồi, hình như chú Trần Bửu Kiến đi vắng, trên lầu hai cũng không thấy bóng Kiều Nga. Thêm mấy bước chân là số nhà 34, nhà Hòe 'Tây', bọn con gái hay tụ tập ở đây, chẳng hiểu bọn chúng chơi trò gì trong ấy.

Băng qua con phố là Vườn hoa Pasteur, một vườn hoa nhỏ chỉ toàn trồng cỏ và cây cổ thụ. Thấy cái cây đẹp nhất và lạ nhất mình bảo "A cây dừa!", anh Sơn bảo "Cau Ấn Độ đấy, ngố ạ!". Gần giữa bãi cỏ xanh rì phía đằng kia là bức tượng bán thân nhỏ nhắn của ông, bác sĩ Pas-tơ nổi tiếng. Phía tay trái bên kia đường là một tòa nhà kiểu Pháp cổ kính nằm trong một khu vườn rộng, đó là Viện Pas-tơ. Vắng vẻ, không một bóng người. Nghe nói trong í nhiều ma lắm, thằng Chí Khỉ bảo thế...

Đáng ra phải đi ra đoạn cuối phố Nguyễn Công Trứ để về nhà thì mình lại đi dọc theo Tăng Bạt Hổ, men theo vỉa hè Câu lạc bộ Lao động. Trong hàng rào là sân bóng, đằng này dành cho các anh lớn, bọn mình hay chơi đằng kia, chỗ có bà bán kẹo lạc bánh rán. Có một ông da đen tóc xoăn đạp xich lô chuyên ngồi uống nước chè ở đấy. Bọn thằng Lưu Thế Trường, Phùng Việt Thắng, Đức Lưu chắc về nhà rồi, không nghe tiếng cãi nhau chí chóe của bọn nó...

Bên kia đường là nhà con Liên, Phan Gia Liên. Chắc ông Tuệ mới đi công tác về vì thấy có cái xe con của ông đỗ trong sân. Đi vòng đằng kia là đến khu nhà của Tạ Minh Hảo và Lê Hoàng Mai, chúng nó ở trong khu tập thể Bệnh viện 108. Còn nhà cái Diệp, Đặng Ngọc Diệp thì ở phía đằng kia. Biết thế nhưng mình chưa đến nhà cái Diệp bao giờ. Cái Diệp xinh và lại múa đẹp hát hay nữa, mò đến rồi chúng nó lại trêu mình ứ thèm. Với lại mình thích cái Nguyên Hạnh mất rồi.

Vòng một chút qua Phạm Đình Hồ là về Hàng Chuối. Quãng này vắng vẻ nhất, vắng nhưng không nhiều ma như quãng vắng dưới khúc Nguyễn Công Trứ kia. Quãng này chị Chi hay tập cho mình đi xe đạp, hễ chị cứ thả tay là mình lại đạp thật nhanh rồi đâm sầm vào vỉa hè để thay cho phanh.

Hàng Chuối đây rồi. Bên này, cùng số lẻ với mình là nhà con Bình con ông Trân. Thằng Hiển 'chuột' thích con Bình ra mặt. Bên kia đường là nhà Cô Sa, cô Kim Sa mẹ thằng Việt. Mình không biết nhà cái Trâm ở số mấy, nhưng trong Ngõ 2 là nhà thằng Vinh, Phạm Trọng Vinh. Thằng này đẹp trai nhưng không không đẹp bằng anh Sơn nhà mình. Thằng này được cái trắng trẻo, anh Sơn mình thì ngăm đen mà lại đầy rôm, nhưng anh mình đẹp trai hơn nó.

Qua chỗ Tòa soạn Báo Phụ nữ là đến nhà ông Trân có cái Bình, quá nhà ông Trân là đến nhà số A bên cạnh nhà mình rồi. Hình như chủ nhà là một bà người gốc Hoa. Ngoài vỉa hè có hai cây cơm nguội, mùa ra quả rất nhiều vành khuyên, trong góc vườn thì trồng mấy cây đu đủ. Còn hoa móng rồng không biết ở đâu mà đêm đi qua rất thơm. Mình nhảy qua bên kia đường, bước lên vỉa hè, đi sát tường nhà số 42. Nhà này tường cao, xây kín mít, cổng sắt, bên trong sân có hai cây mít sum suê chẳng có quả nào, toàn thấy dái mít rụng đầy gốc, ong ruồi bay đầy.

Mình đứng lại ngay trước nhà thằng Thắng, Đỗ Tất Thắng, con ông Lợi. Đứng đây, nếu anh Tạo 'ba môi' anh thằng Thắng đi đâu về bắt gặp lại vặn vẹo cho coi. Thế nào anh Tạo cũng hất cái cằm lên một cái rồi hỏi: "Tối rồi, chúng mày định rủ nhau đi đâu, hả?". Nhưng không thấy bóng anh Tạo, cũng không thấy bóng thằng Tấn, Võ Châu Tấn mí lại con Thảo em nó. Thằng Tấn con ông Võ Quảng ở gác hai phía trên, mình chả lên đó bao giờ. Nhòm vào trong sân, không có ai. Ngoài phía vườn dưới gốc cây khế già có đặt cái bàn bóng bàn cũ kỹ phủ đầy hoa khế, cũng không thấy ai chơi. Chắc bọn nó chơi buổi chiều thôi, bây giờ tối rồi. Hai cái lồng chim vẫn treo trên cành khế, rỗng không, chả thấy con chào mào mí lại con khướu đâu cả.

Mình đứng gần cổng nhà thằng Tấn, nhìn chếch sang cửa nhà mình. Đó là nhà Cậu Mợ mình. Mình nhớ trên ban công tầng hai chỗ phòng mình và anh Sơn, trồng rặt một loại xương rồng dây đầy gai và hoa đỏ li ti. Mỗi buổi trưa trốn Me đi chơi là hai thằng phải vắt lên đó một cái bao tải mới dám trèo qua rồi tuột xuống theo đường ống thoát nước mưa.

Ở góc vườn bên trái sát tường nhà số A là cây khế anh Minh trồng. Me bảo trồng cây khế chua để nấu canh thì anh Minh trồng nó lại ra quả ngọt, nhưng mà khế ngọt thì bọn trẻ con thích hơn. Cây khế này quả nhạt chả ngon nên ít bị trẻ con hái trộm, chỉ được cái vòm lá sum suê, trên đó lại có mấy chùm tầm gửi.

Trời chập choạng tối, đèn đường leo lét vàng vọt. Nhìn lên cây khế thấy mấy giò tầm gửi đen đen trong vòm lá, âm u như tổ quạ. Thỉnh thoảng vài con dơi ăn đêm lại liệng qua liệng lại trông chờn chợn. Các cụ nói ma hay ở cây đa, không biết ma có ngụ ở cây khế không. Mình cứ nghĩ mung lung, nếu hồn Me về thăm nhà mà không biết vào đâu thì Me cứ nghỉ lại ở vòm cây khế cũng được. Me ơi...

Lúc chiều thấy nôn nao, biết là nhớ nhưng không rõ là nhớ gì.
Bây giờ thì mình biết chắc là đang nhớ về tuổi thơ...
Tuổi thơ ơi...



Đang vẩn vơ đầu ngõ Trung Ngạn để mua bia xi-rô lựu cho anh Minh thì thấy thằng Phương từ trong nhà Trọng 'cộ' đi ra. Ngang qua, nó đá một phát làm cái bi-đông mình cầm trên tay lăn lông lốc  rồi cười nhăn nhở. Mình vừa cúi nhặt bi-đông vừa chửi theo "Trôốc bọ mi, Phương Min!". Phương 'min' quay lại, tưởng nó cà khịa té ra không, nó dúi cho mình tờ báo rồi nói: "Mày vừa bảo gì tao? Đền mày tờ báo, về đưa cho Mẹ mày lót trứng vịt muối nè".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét