Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

NẾP NHÀ XƯA THÂN THƯƠNG

KÝ ỨC VỠ ÒA

Đây là ngôi nhà mà ba mẹ và em gái út của tôi đã sống trên ba mươi năm. Khu dân cư này toàn là đồng nghiệp cùng cơ quan cũ của mẹ tôi, sống hòa đồng, thương yêu quý mến đùm bọc nhau, đến nỗi cả nhà tôi coi đây như quê hương thứ hai của mình.


Ngôi nhà nấp bóng dưới những vòm cây xanh đủ chủng loại, và mỗi cây có một xuất xứ thân thương mang đầy kỷ niệm. Đây là cây xoài rợp bóng những ngày hè cho mọi người trong xóm nhỏ. Lần ấy Ba tôi đi thăm cậu Dương ở Sài Gòn, khi ra cậu mợ gửi những quả xoài cát ra làm quà. Xoài ngon quá, thế là ba tôi ươm thử mấy hạt. Và bây giờ là cây xoài đại thụ mỗi năm cho vài rổ quả và trẻ con trong xóm mỗi chiều trèo hái.


Đây là cây nhãn khô, quả to, cùi dòn ngọt lịm, cách một năm lại thu hoạch một năm. Tương truyền, đây là giống nhãn quý Hưng Yên, các cụ cựu chiến binh mang lên biếu Cậu tôi. Mẹ tôi lên thăm Cậu tôi mang về một 'túm' cho em Thủy. Ăn thấy đúng là giống nhãn quý, vậy là ba tôi lại ươm trồng.


Sát ngay bờ tường là cây khế năm nào cũng lúc lỉu quả, chua dôn dốt, chấm muối ớt ăn cực phê, nấu canh chua thì thôi rồi. Giống khế này là do Mẹ tôi mang từ Huế ra. Dạo đó còn tỉnh Bình Trị Thiên, chị cả của tôi làm việc ở Huế, mẹ tôi vào thăm chị tôi có khi ở lại cả tháng trong đó. Khế này lấy giống từ vườn Nhà Dòng cạnh Nhà thờ Công giáo khi mẹ tôi đến thăm chị Thanh. Chị Thanh là con cậu Dương, chị gọi mẹ tôi là O, O Lài. Cây khế hiền hòa tỏa bóng mát sang cả sân cô Ngà hàng xóm, còn quả thì đủ cho cả xóm nấu canh chua, đủ cho cả mấy bà bầu trong khu đến xin ăn dở. Mùa khế ra hoa, cả cây khế ngập tràn một màu tím Huế. Nếu đứng yên ngắm hoa khế cùng những quả mới đậu bé xíu xinh xinh như đầu ngón tay trẻ con, trong ta dậy lên một đức tin ngút ngàn nơi Chúa.


Ngay giữa sân là mấy gốc mai tứ thời, bốn mùa nở hoa vàng rực rỡ. Sau ba bốn ngày nở rộ nếu có một làn gió mạnh lướt qua, cả một nửa khoảnh sân sẽ biến thành một thảm hoa vàng đẹp nức nở. Đây là giống mai tứ thời, có nơi gọi là mai tứ quý, nở bốn lần trong năm, nếu biết tuốt lá đúng cách mai sẽ cho ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Giống mai này ba tôi mang ra từ Đà Nẵng khi vào thăm ba má nuôi của tôi trong đó. Cũng dịp đó, ba tôi mang ra mấy củ Hồng Tú Cầu thoạt nhìn cứ tưởng là củ hành tây. Đến độ tháng tư tháng năm Hồng Tú Cầu ra hoa là bà con lối xóm ai đi qua cũng trầm trồ vì một giống hoa lạ và sang trọng lần đầu tiên xuất hiện ở vùng này. Bây giờ thì nhà nào cũng có mai vàng và Hồng Tú Cầu, dễ trồng lại không đòi hỏi công chăm sóc nhiều lắm mà vẫn cho hoa đẹp, sang trọng mà dung dị.


Cạnh gốc nhãn là khóm quỳnh lưu niên, mấy năm gần đây không ra nhiều hoa nhưng hoa to và đẹp. Khi ba tôi còn sống, cứ mỗi dịp quỳnh ra hoa là các cụ trong xóm lại đến bày bàn ghế ra sân, mắc thêm ngọn đèn ra gốc nhãn, ngồi trò chuyện bình thơ nhâm nhi tách trà chờ quỳnh nở. Một thú chơi thanh bạch, giản dị mà vô cùng thanh cao. Gốc quỳnh này có từ lâu lắm rồi, khi mẹ tôi cùng công tác với bác Quỳnh trong một cơ quan nơi sơ tán. Gọi là bác Quỳnh vì con gái lớn của bác tên là Quỳnh và cùng tuổi với chị cả của tôi. Ba tôi đến chơi thăm nhà bác Quỳnh thấy giống hoa quý liền xin một lá về trồng. Vậy mà có năm khóm quỳnh nở liền ba mươi sáu bông trong một đêm. Các cụ sành chơi quỳnh cho rằng đó là một kỷ lục đáng ghi nhận.


Bước lên bậc thềm, đôi bàn chân bỗng thấy run run. Nơi đây tối tối ba tôi thường đặt ghế ngồi ngóng con về. Để rồi sáng sớm hôm sau khi thức dậy đi làm, bao giờ cũng thấy để sẵn trên bàn một suất ăn sáng, khi thì đĩa cơm rang, khi thì bát mì tôm. Lúc đó ba tôi đã ngoài chín mươi.


Mở cửa bước vào nhà, một không gian u tịch đầy ắp kỷ niệm khiến ta có thể oà khóc bất cứ lúc nào. Tôi thắp hương trên bàn thờ, cám ơn thần linh thổ địa đã giữ gìn bình yên cho mảnh đất, căn nhà này trong thời gian chúng tôi vắng mặt. Một con bướm ngài khá to từ trên trần nhà bay xuống, lượn một vòng trước ban thờ rồi đậu vào tường cạnh chiếc giường của ba tôi. Đây là chiếc tủ thờ được đặt làm từ ngày mẹ tôi mới mất, trước đây là bàn thờ mẹ tôi. Trong suốt bảy năm liền, mùa hạ cũng như mùa đông, mùa xuân cũng như mùa thu, trưa cũng như tối, sáng sáng đêm đêm, ba tôi đều ngồi lặng yên ở chiếc đi văng bằng gỗ lim đen bóng đặt ngay phía trước cạnh tủ thờ này. Ba tôi cứ ngồi im như vậy mắt nhìn ra sân, như ngóng mẹ tôi đi đâu đó sắp về. Ba thắp hương cho mẹ kể từ lúc thức dậy cho đến lúc lên giường nằm ngủ, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cứ như vậy trong bảy năm liền. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Mẹ tôi không đi xa được, mẹ rất hay về qua nhà, mặc dù mẹ tôi có Pháp danh từ nhỏ, khi mất đưa lên Chùa và được nhà Chùa làm lễ cầu siêu đàng hoàng như làm cho phật tử.


Tôi ngồi vào chiếc đi văng mà ba tôi thường ngồi. Chiếc đi văng nay được đặt vào đúng vị trí chiếc giường mà trước đây mẹ tôi và em Thủy thường nằm. Bỗng dưng tôi rùng mình, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi thoáng nhớ lại cái khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc cách đây gần chín năm, tôi đã bế mẹ tôi trên tay sau khi lau xong người và thay quần áo cho mẹ như thường lệ. Tôi đâu biết rằng mẹ đã lặng lẽ ra đi trên tay tôi, mẹ đi rồi mà tôi cứ ngỡ người đang thiếp ngủ. Cũng bởi lúc đó Cậu tôi cùng các anh chị xuống thăm mẹ tôi đang bấm chuông ngoài cổng. Tôi nhẹ nhàng đặt mẹ nằm xuống giường rồi chạy ra mở cửa. Cậu tôi vào nhà, đến bên giường bảo chị Phúc mang chiếc chăn chiên màu vàng đắp lên cho mẹ tôi, rồi gọi "Lài ơi! Lài ơi!". Tiếng gọi mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được. Tôi thưa với Cậu là mẹ tôi cả đêm không ngủ được, có lẽ vừa thiếp đi. Cậu ngồi bên cạnh mẹ tôi một lúc rồi nói "Cứ để mẹ cháu nghỉ". Cho đến lúc lên xe ra về, có lẽ Cậu tôi vẫn không biết rằng đứa em gái út của mình đã ra đi nhẹ nhàng và thanh thản...


Một con bướm vàng không lớn lắm từ sân bay vào, lượn mấy vòng rồi bay xuống gian bếp. Rất may là dưới đó tôi cũng đã cắm hương rồi. Tôi tin lúc này đây, đã có sự hiện diện của ba mẹ tôi tại căn nhà này. Tôi không biết được trong hai con bướm, con nào là tín hiệu của ba tôi, con nào là tín hiệu của mẹ, nhưng rõ ràng là ba mẹ đã về với tôi.


Tôi ra sân, ngồi xuống mép bể nước mà ba tôi vẫn dùng để tưới cây, xây sát cạnh hiên nhà. Một nỗi nhớ bất chợt trào dâng làm tôi nghẹn ứ ở họng. Ngồi ở đây, có ba mẹ bên cạnh, tôi có quyền khóc thỏa thích như một đứa trẻ.
Và tôi đã òa khóc, nức nở...


Chiều 7-6-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét