Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

DƯƠNG BẢO LÂN

Dương Bảo Lân - trẻ mãi tuổi đôi mươi

Bài viết dành riêng cho PHÚ HÒA, đặc phái viên của Bang Cò Ỉa tại Cộng Hòa Séc.

Đã thành thông lệ, năm nào vào dịp 20 tháng 11 Hội cựu học sinh Lê Ngọc Hân đều tổ chức gặp mặt và chúc mừng Thầy Cô nhân ngày Hiến Chương các Nhà Giáo. Năm vừa rồi, để đoàn 8 thành viên từ phía Nam có thể tham dự được, chúng tôi lùi ngày gặp mặt lại một tuần. Ngày 27 - 11 - 2010 gặp mặt giao lưu tại Hội trường Bộ CA với gần 100 cựu học sinh. Sở dĩ năm nay quân số tăng gần gấp đôi những năm trước là vì có nhiều bạn học khác khóa, rồi cùng cấp 1 nữa, cũng tìm về hội ngộ.

Ngày hôm sau chúng tôi tổ chức đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ, nơi có các liệt sĩ là cựu học sinh Lê Ngọc Hân đang yên nghỉ. Nghĩa trang đầu tiên chúng tôi tìm đến là Nghĩa trang Yên Viên, nơi đây yên nghỉ hai người bạn của chúng tôi là Phạm Trọng Vinh tức Vinh 'cáo', và Dương Bảo Lân học sau chúng tôi. Dương Bảo Lân là em trai của Dương Thanh Bông, bạn học cùng lớp với tôi. Lân là anh trai của Dương Thanh Hương, cũng là cựu học sinh Lê Ngọc Hân, hôm nay cũng đi cùng đoàn.

Trên ô-tô chúng tôi được Dương Thanh Bông kể cho nghe câu chuyện về đứa em thân yêu. Dương Bảo Lân nhập ngũ năm 1968 khi chưa tròn 18 tuổi. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, Bảo Lân đã có mặt tại chiến trường. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, đoàn vận tải Quang Trung nơi Lân phục vụ phải đi vòng theo Trường Sơn Tây sang tận đất Lào, rồi theo đường Hồ Chí Minh tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Vào cái ngày mà đoàn xe của Lân đang ở trên đất Lào thì xe Lân trúng bom Mỹ, Bảo Lân anh dũng hy sinh trên đất bạn Lào. Theo lời kể của đồng đội, Lân cùng một số liệt sĩ của đơn vị phải nằm lại tại một cánh rừng sâu thuộc dãy A-tô-pơ xa xôi chưa từng biết đến.

Vào một tối mùa Đông năm 1969, có một người lính trẻ tìm đến 84 Lò Đúc hỏi nhà Dương Bảo Lân. Biết là đồng đội của Lân từ chiến trường trở về, cả nhà vô cùng xúc động. Khi bình tĩnh trở lại, anh kể: "Đoàn xe quân sự chuyển vũ khí vào chiến trường đêm hôm đó được lệnh xuất phát. Thật không may, chiến sĩ phụ lái cho chiếc xe đi đầu lăn ra ốm. Lúc đó Bảo Lân là tân binh người Hà Nội duy nhất, trẻ tuổi nhất đoàn đã xung phong tình nguyện, nhảy lên ghế phụ xe cho chiếc dẫn đầu. Và đoàn xe đã đủ quân số, xuất phát đúng giờ G như mệnh lệnh của trên. Sang đến đất Lào, khi đoàn xe đang đi giữa rừng thì bị máy bay địch phát hiện. Để đánh lạc hướng, giữ an toàn cho cả đoàn, xe đi đầu của Lân đã dũng cảm bật đèn gầm và chạy chệch sang một hướng khác. Máy bay địch đuổi theo và ném bom dữ dội, xe của Lân bị dính bom. Bản thân Lân bị hai quả bom bi nổ quá gần, phần bụng dưới bị một vết thương rất nặng. Không có cách gì cầm máu, Bảo Lân lả dần trên tay đồng đội, và anh dũng hy sinh khi xe sắp về tới trạm cấp cứu dã chiến. Do yêu cầu của chiến dịch, đoàn xe phải tiếp tục lên đường, và đồng đội đã thắp nén hương vĩnh biệt Bảo Lân. Mộ Lân nằm giữa cánh rừng đại ngàn trên đất bạn Lào, được đồng đội đánh dấu cẩn thận".

Mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Gia đình đã liên hệ tìm đến nhiều nguồn thông tin, tuy vậy vẫn chưa có được sơ đồ chính xác xem Lân nằm lại ở tọa độ nào giữa khu rừng đó. Bỗng vào một tối mùa Đông lạnh giá cuối năm 1977, có một phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân tìm đến số nhà 84 Lò Đúc. Bước vào nhà, anh sững người khi nhìn thấy tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công treo trên tường, người liệt sĩ có tên trên tấm bằng đúng là Dương Bảo Lân. Anh phóng viên xin phép thắp hương trên bàn thờ rồi lặng lẽ lấy từ trong cặp ra một tấm ảnh cho cả nhà xem. Không thể tin vào mắt mình, các thành viên trong gia đình vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy trong ảnh là ngôi mộ có tên Dương Bảo Lân, địa chỉ khắc trên bia rõ ràng và chính xác, bát hương trên mộ còn nghi ngút khói hương.

Anh phóng viên báo Quân Đội kể: - Trong chuyến đi công tác để làm phóng sự tại Nghĩa trang Trường Sơn, lúc thắp hương cho các liệt sĩ đồng hương nằm trong Tiểu Khu Hà Nội, có một cái tên trên tấm bia mộ đã làm anh chú ý: cái tên rất đẹp, với lại tuổi đời của người chiến sĩ này còn rất trẻ, mới 19 tuổi. Với cảm xúc đang dâng trào của một nhà báo, anh đã xin phép Liệt sĩ đồng hương Dương Bảo Lân chụp một tấm hình ghi lại nấm mồ của Lân để làm kỷ niệm. Và điều kỳ diệu đã xảy ra!

Đã nhiều lần gia đình, bạn bè và người thân đã vào Nghĩa trang Trường Sơn viếng thăm Lân. Nhưng cũng phải đến ngày mùng 5 tháng 1 năm 2003 gia đình mới đón được Lân về Hà Nội. Chính quyền địa phương và Quân khu Thủ đô đã tổ chức Lễ đón tiếp và truy điệu hết sức trang nghiêm long trọng tại Nghĩa Trang LS Dốc Lã, Yên Viên, Hà Nội. Tuy chưa tròn một tuổi quân, nhưng với sự hy sinh đầy dũng cảm của mình, Dương Bảo Lân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng.

Quây quần bên Dương Bảo Lân tại Nghĩa trang LS Yên Viên sáng hôm ấy, tất cả cúi đầu lặng yên, xúc động lắng nghe Dương Thanh Bông tỉ tê tâm sự với đứa em trai thân yêu của mình: "Bảo Lân ơi, nơi đây cảnh vật rất đẹp mà lại gần nhà mình phải không em! Khi nào rảnh rỗi, em nhớ xin phép về nhà ăn cơm với ba mẹ và anh chị Lân nhé. Về nhà, em lại có dịp thăm lại mái trường xưa Lê Ngọc Hân, nơi gắn bó một thời thơ ấu, nơi ghi lại nhiều kỷ niệm tuổi học trò của em với các bạn cùng trường cùng lớp. Em hãy kể lại cho bạn bè và Thầy cô giáo những chiến tích của em, của đồng đội em, trong những tháng ngày xẻ dọc Trường Sơn ra trận, em nhé! Bảo Lân ơi, cả nhà mình, tất cả mọi người, bạn bè của chị và của em, ai cũng tiếc thương em, Lân ơi...!".

Tất cả chúng tôi lặng im lắng nghe, mắt ai cũng đỏ hoe, nhòe ướt...

NTĐ (ghi theo lời kể của DTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét