Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

MỢ TÔI - 5

Ngày mùng 8 tháng 3 cuối cùng của Mợ tôi
Dành tặng những người Mẹ...

Chị Dung, chị dâu tôi gọi điện cho biết là đã nhờ thầy chọn được ngày, hai hôm nữa sẽ chuyển Me và anh Minh lên Công viên Vĩnh Hằng, nhớ về để chuẩn bị. Tôi nói thôi chết, em đang ở Sài Gòn khoảng tuần nữa mới ra, có lùi lại được không. Chị nói đây là việc tâm linh hệ trọng không lùi được, nếu không ra được thì đúng ngày đó giờ đó thắp hương vái vọng cũng được, công việc đã có các anh các chị lo. Biết tôi hay hờn dỗi, chị dỗ dành động viên rất nhiều.

Xong công việc, từ Sài Gòn bay ra tôi lên nghĩa trang đồng làng Mai dịch ngay. Quang cảnh hiện trường đã nói lên tất cả. Biết là các anh chị đã lo cho Mợ chu đáo, nhưng khi nhìn thấy đôi bít tất đã đi vào chân cho Mợ hôm khâm liệm, chiếc khăn quàng và một số tư trang tùy táng còn vung vãi đó đây, tôi không khỏi xót xa và chạnh lòng. Có lẽ những người được thuê ở nghĩa trang họ chỉ làm đến thế, mà vì làm ban đêm nên chị dâu tôi không kiểm tra hết được, chứ tính chị vốn cẩn trọng lắm. Tôi lấy ít xăng xe máy tẩm vào rồi hóa, thế mà cũng phải làm đi làm lại mấy lần mới cháy hết. Cả buổi chiều hôm đó tôi cứ quanh quẩn ở khu Mộ cũ của Mợ không muốn rời xa. Tôi nghĩ ra được mấy chục câu văn vần đặt tên là "Xa Me lần nữa", sau này tôi có chép tặng anh rể tôi, anh đọc và rất xúc động. Còn nhớ trong bài có câu "Để rồi nằm dưới cỏ xanh/ Vẫn cầm tay, vẫn để dành yêu thương". Hai câu này liên quan đến giấc mơ trong "Hai bông hồng tiểu muội" mà có lần tôi đã kể.

Chiều buông, rồi nắng chiều sắp tắt mà sao tôi vẫn không muốn về. Tôi bỗng thấy nhớ Mợ da diết, những luồng ký ức từ đâu bỗng ùa về.



Còn nhớ, lần ấy Mợ ốm nặng, tôi đưa Mẹ tôi từ Văn Điển lên thăm. Mợ nằm trên giường kê sát cửa sổ tò vò, Mẹ tôi ngồi bên cạnh, hai chị em nhắc lại nhiều chuyện cũ, chuyện đâu từ cái thời tu huýt, khi Mợ sinh chị Chi, phải kê giường nằm ở dưới gian bếp, vì tập tục ở quê là bà đẻ không được ở nhà trên. Rồi bao nhiêu là chuyện khác nữa. Khi hai mẹ con đứng dậy chuẩn bị về, Mợ vẫy tôi lại gần, bảo cúi đầu xuống mợ nói cái này. Khi tôi cúi đầu gần sát, Mợ giơ hai bàn tay già nua áp vào hai bên tai tôi kéo xuống thật gần, rồi âu yếm đặt lên trán tôi một nụ hôn ấm áp. Mợ thơm lên trán tôi, rồi thơm cả trên tóc nữa. Tôi rưng rưng nhắc đi nhắc lại "Me chóng khỏe nhé. Chóng khỏe nghe Me...". Quay lại, bắt gặp đôi mắt ứa lệ của Mẹ tôi, rõ ràng Mẹ tôi đang vô cùng xúc động. Với linh cảm của người già, Mẹ tôi lo lắng đến bệnh tình của Mợ, sợ Mợ sẽ không thọ được lâu vì căn bệnh về máu hết sức hiểm nghèo. Vậy mà sau đó Mợ tôi còn chống chọi được thêm ba năm nữa, quả là một điều kỳ diệu.

Nhắc đến bệnh tình của Mợ, không thể kể hết lòng biết ơn của tôi và gia đình đối với Bác sĩ Ts Nguyễn Hữu Trí, lúc đó là Chủ nhiệm Khoa Huyết học của Bệnh viện Việt-Xô, sau này anh sang giữ chức Viện trưởng Viện Huyết học TƯ, một bác sĩ luôn tận tâm với người bệnh, và cũng biết cách động viên để an lòng người nhà của bệnh nhân. Bác sĩ Trí cho biết, Mợ tôi mắc căn bệnh thiếu tiểu cầu, cứ đến chu kỳ lại phải tiếp máu đã được làm giàu tiểu cầu. Và ác nghiệt thay là cái chu kỳ đó nó cứ ngắn dần ngắn dần cho đến khi cơ thể không tiếp nhận được nữa.

Cứ sau một đợt điều trị, Mợ trở về nhà khỏe khoắn coi như không có gì xảy ra. Vợ chồng tôi ghé thăm Mợ thường xuyên hơn. Những lúc như thế Mợ kể cho hai đứa nghe rất nhiều chuyện, phần lớn là những chuyện ngày xưa, chuyện nào cũng hay, cũng hấp dẫn, và về đến nhà là tôi vội ghi lại ngay kẻo sợ quên. Lần nào đến thăm, Mợ cũng lên bàn thờ lấy xuống một cái hộp gỗ sơn mài rất đẹp, mở nắp ra cho vợ chồng tôi chọn mỗi đứa một cái kẹo, chỉ một cái thôi. Ra về, lúc nào ra gần tới cửa Mợ cũng dịu dàng xoa đầu tôi hoặc thơm một cái vào trán. Với tình thương đó của Mợ, chúng tôi cứ ngỡ mình là những đứa trẻ ngày nào...

Lần ấy Mợ nhập viện cấp cứu làm chúng tôi hết sức lo lắng, bởi so với ngày xuất Viện gần nhất là chưa đầy một tháng. Xuống xe, y tá trực mang cho một cái cáng, Huy một đầu tôi một đầu. Khi lên đến chiếu nghỉ đầu tiên của cầu thang, việc xoay cáng hết sức khó khăn, thế là Huy quyết định cõng Me, còn tôi xách túi áo quần bám theo hỗ trợ, lên đến tầng ba mà phải nghỉ đến hai lần. Tôi bảo để cõng thay một đoạn nhưng Huy nhất định không cho. Nhìn từ phía sau, Huy hộ pháp như một con gấu, vậy mà cũng thở hồng hộc và mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

Lần này tình hình của Mợ xấu đi rất nhanh. Nhìn đôi lông mày nhíu lại đăm chiêu của Bác sĩ Trí chúng tôi cũng phần nào đoán được sự tình. Ngoài cháu Liên giúp việc, chúng tôi thay nhau trực và vào với Mợ thường xuyên hơn. Đến cuối tháng hai thì thị lực của Mợ giảm hẳn, mắt nhìn mờ dần, không nhìn rõ mặt những người vào thăm. Còn nhớ mùng tám tháng ba năm ấy tôi mang hoa vào tặng Mợ, đó là những nụ hồng tiểu muội mà Mợ rất thích, tôi chọn mua toàn nụ vì sợ hoa nở có hương thơm bác sĩ không cho phép đặt trong phòng bệnh. Mới bước đến gần giường Mợ nằm, Mợ nhận ra ngay qua giọng tôi hỏi cháu Liên.



Tôi ngồi xuống bên Mợ, xoa bóp bàn tay đầy những vết kim mà xót xa, chưa kịp nói gì thêm thì cháu Liên đã nhanh nhẩu: "Bà ơi, chú Định mang hoa vào mừng Bà mùng Tám tháng Ba đây này". Vừa nói nó vừa đưa cái bình hoa nho nhỏ cắm đầy nụ tầm xuân cho Mợ. Mợ nheo nheo mắt ngắm nhìn, qua cử chỉ dùng tay mân mê những nụ hoa, tôi chắc rằng mắt Mợ đã không nhìn thấy rõ nữa rồi. Lòng trào dâng một nỗi xót xa không tả xiết, tôi nắm chặt bàn tay của Mợ. Bỗng Mợ choàng tay ôm xiết lấy đầu tôi, hôn lên má lên trán tôi, rồi ghì chặt đầu tôi vào ngực, Mợ bật khóc nức nở. Thấy Bà khóc to và càng lúc càng nấc lên tủi hổ, cháu Liên lúng túng đứng chết trân không biết phải làm gì, mồm lẩm bẩm "Thôi bà ơi thôi bà ơi", rồi chạy đi tìm bác sĩ trực. Trấn tỉnh, tôi nhẹ nhàng vừa vuốt tóc cho Mợ vừa thủ thỉ "Me ơi con đây mà. Me nín đi Me, con đây mà...".

Đó là Ngày mùng Tám tháng Ba cuối cùng của Mợ tôi. Chỉ sau đó khoảng chưa đầy một tháng, Mợ đã bỏ lại chúng tôi và ra đi mãi mãi...

2 nhận xét:

  1. Đọc mà rưng rưng lệ. Anh viết chân thành và cảm động lắm.
    (mợ là dì hay mẹ ha anh TĐ?)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mợ là vợ của Cậu Nho em ạ. Cậu Nho là anh ruột mẹ đẻ của anh. Thuở nhỏ anh sống với cậu mợ nên gọi mợ là Mẹ như các anh chị trong nhà.

      Xóa