Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

THƯ EM GÁI TÔI

"HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN" là tên một cuốn tiểu thuyết, được Lệ Hải em gái út của tôi lấy làm tựa đề cho bài viết của mình. Bài viết của em tôi làm tôi giật mình và lần nữa phải rơi nước mắt. Mặc dù thương Út nhất nhà nhưng tôi cũng hay coi thường nó, ít khi trao đổi chuyện "người lớn". Đọc bài viết này thấy thương em mình nhiều hơn và cũng nhớ Chị nhiều hơn. Càng nhớ Chị lại càng thấy thương Má...

Trân trọng giới thiệu những tâm sự của em tôi, cũng là tiếng khóc thầm hờn tủi mãi không nguôi của đứa em gái đã lớn khôn...

 

Hãy để ngày ấy lụi tàn

Lệ Hải

Sao mấy lần về anh không kể em nghe chuyện này? Em không thể ngờ, lại có thể có ngày nhìn thấy tận mặt kẻ đã giết chị mình cho dù chiến tranh dữ dội đã đi qua, bao nhiêu đổi thay trong đời thường. Kẻ kia đã về bên kia nửa vòng trái đất, về nơi quê hương bình yên của họ, nơi tít tắp mù xa, rất xa những nấm mộ nơi này.


Ngày xưa còn bé, em cứ tưởng tượng nếu tìm được cái kẻ đã giết chị mình, em sẽ nhìn chằm chằm dữ dội vào mắt kẻ đó và hỏi một câu thôi: “Tại sao ông giết chị tôi? Tại sao ông có thể giết người chị yêu quý của tôi, một người tốt như thế?” Em không hiểu sao mình chỉ có thể dự định chỉ chừng ấy, mà chỉ chừng ấy nước mắt đã trào ra. Chắc kẻ kia sẽ không đủ can đảm nhìn lại em.


Em không nghĩ đến trả thù, kể cả những lúc xót thương nhất, những ngày đầu tiên về lại đất Quảng Bình, ba dắt em đi đến trước một nấm mộ giữa một vùng đất hoang vắng mênh mông và bảo: “Chị con nằm đây”. Giọng ba nghẹn lại. Em ngồi sụp xuống bên mộ, nhìn trân trối vào những dòng chữ trống rỗng trên bia, nhìn nấm đất đánh vồng lên vô nghĩa, dường như mới, không có lấy một ngọn cỏ, không tin chị mình nằm dưới đó, lẽ nào chị mình nằm dưới đó?... Nỗi thê lương từ ngày ấy ám ảnh em, thỉnh thoảng vào giấc ngủ… Nhưng em không nghĩ đến trả thù, cho dù ngày ấy người ta vẫn khuyến khích, vẫn hô hào “nợ máu phải trả bằng máu” với những người bên kia chiến tuyến. Cả những khi má hay kể về chuyện sau khi chị mất, anh bỏ đại học vào bộ đội, em vẫn nghĩ: May mà anh mình không ra trận, may mà anh mình vẫn đi đại học được. Mình không muốn anh mình giết người.


Vâng, em đã chẳng dám nói ra những gì đã nghĩ, đã cảm thấy. Em vẫn tin vào nhân quả: Ai làm ác sẽ có ngày trả giá, mà cái giá nào cũng là để cho họ phải sám hối, sợ hãi tội ác họ đã gây ra. Càng lớn, hận thù càng vơi đi, chỉ còn nỗi xót thương mất mát cho một khoảng trống trong gia đình, nhưng nhiều câu hỏi thắc mắc, nghi ngờ về những gì được dạy, được học, được “định hướng” hận thù mỗi ngày trong trưởng thành dần nhiều thêm trong em. Có thể anh sẽ giận, sẽ thất vọng vì con bé Út Hải ngày xưa đã càng thoát dần, khác hình ảnh đứa em nhỏ dại trong bao ngày quá khứ lo lắng yêu thương của anh.
Em đã thầm nghĩ: “Có nên nói thật, tâm sự thật những gì mình cảm nhận, mình suy nghĩ, mà sẽ làm anh mình thất vọng, kinh sợ hay giận dữ hay không?” Ngày bé thích hỏi anh Định bao câu hỏi: tại sao, tại sao… nhưng những suy tư khác hẳn anh thì em đã không dám nói, không muốn bị anh mắng, làm anh buồn, vì thế nào em cũng giữ định kiến của em, suy nghĩ của em.


Tự nhiên hôm nay vào blog của anh, chạm vào vết thương gia đình, em muốn kể thật nhiều cho anh nghe em nghĩ gì, em đã chín như thế nào bên vết thương gia đình.


Ngày về Đà Nẵng, sống giữa nhiều người có nhiều nỗi đau chiến tranh như gia đình mình, em dần nhận ra tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh đã đi qua: nồi da xáo thịt mà thôi. Có lần đứng một mình bên bàn thờ nhà cậu Ba, ngắm nhìn ảnh anh Hai Long mắt anh rất hiền giống cậu, gương mặt anh Hai cũng phúc hậu như ba của anh, thế thì tại sao anh phải chết? Chị Cúc rất giống bên ngoại, giống hai chị sinh đôi con út của cậu Ba, vì thế ánh mắt chị Cúc và anh Hai Long đều sáng, hiền dịu giống nhau? Anh Hai Long chết trong bộ quân phục của chế độ bên này, mọi người thân và quen biết đều tiếc thương anh, vì khi còn sống anh là người rất tốt. Nhưng gia đình chế độ mới tha hồ tiếc thương khóc than ầm ĩ, những gia đình còn lại thì phải khóc thầm. Những người đã mất vì chiến tranh bị phân biệt đến tận bây giờ, dù lúc sống họ đều nhân nghĩa, yêu thương kính trọng ông bà, yêu quê hương, Tổ quốc như nhau. Thế họ phải chết vì cái gì? Và nghĩ rộng ra, những câu hỏi vì sao, vì cái gì đó trong em nhiều lắm, giờ em đã tìm ra được giải đáp. Chắc hẳn anh đã nhận ra đứa em bướng bỉnh đã lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông anh cả trong gia đình rồi? Em vẫn thường sợ anh biết thế.


Ngày 11-9 tang thương sâu đậm trong lòng nhiều người trên thế giới. Ở xa, em không biết anh trai của em ngày đó cảm xúc thế nào. Mọi người bàn tán sôi nổi và chỉ vậy thôi. Còn em, đấy là ngày mỗi năm em lại phải nghĩ đến, cắn rứt một mình.


Ngày hôm ấy, khi đọc tin quá nhiều người Mỹ chết thảm, chết kinh hoàng trong vụ tháp đôi, em hân hoan, em hả dạ vì thù chị mình được trả. Một thầy giáo già theo đạo Thiên chúa vốn quen biết đột ngột đi vào nơi em làm việc. Ông đi liêu xiêu, già hơn hẳn mọi ngày. Nhìn em cười với tờ báo trên tay, ông cười gượng đau đớn: “Em vui chưa kìa. Vui thật em hỉ, lần này người của đế quốc Mỹ chết nhiều quá”. Mắt ông mờ đi, nụ cười méo xệch buồn thảm. Cái đau lặng trong mắt, ông đau hiệp thông với những người Mỹ văn minh hiền hòa. Còn em cúi đầu cố giấu niềm hả dạ của kẻ hằn thù, chỉ chút thoáng qua hơi hổ thẹn vì đã vui trên nỗi đau người khác.


Tối về nhà xem tivi, thấy tòa tháp đôi sụp đổ kinh hoàng, sự tàn bạo được hể hả nhai đi nhai lại hàng mấy tuần liền sau đó trên tivi, trên báo chí VN. Em thấm dần nỗi đau người khác trong cái đau mất mát của gia đình mình. Nỗi hổ thẹn dâng dần lên. Từ ngày đó em không gặp lại ông giáo già ấy nữa. Ông vốn là giáo viên thời cũ, thời mới người ta không cho ông đứng lớp mà chuyển qua làm chân loong toong chạy giấy tờ công văn cho một trường tiểu học. Ông về hưu sau lúc bắt gặp em “hể hả”, như thể để ông tránh khỏi phải nhìn những kẻ ác vui sướng, mà cũng có thể ông về hưu cho nhanh kẻo hàng ngày phải va chạm với những kẻ “chiến thắng” bị ông khinh bỉ.


Từ ngày đó trong em vỡ ra cái gì như niềm tin bị đánh cắp, như cái thiện bừng tỉnh sáng rõ dần. Mỗi năm em thường đi một mình ra nghĩa trang thắp hương cho các ngôi mộ thân tộc, ngồi bên mộ chị, em thủ thỉ: Chị đừng buồn chị nhé. Ở bên ấy chị đừng buồn, đừng hận thù kẻ giết người ấy nữa, chị nhé. Đó không phải kẻ cố tình ác. Ở phía bên kia họ cũng tưởng chúng ta phía bên này toàn những kẻ xấu xa đến vậy. Những kẻ bị lầm tưởng sẽ có ngày nào đó tỉnh ngộ và day dứt lương tâm.


Và lương tâm em day dứt vì đã hả dạ trên nỗi đau bi thảm của người khác. Từ đó đến giờ em cứ ước ao gặp lại ông giáo già để thanh minh, để xin lỗi, để hiệp thông, rằng lương tâm em đã tỉnh thức, rằng ngày ấy em mờ đi vì hằn thù cay độc, vì em cứ tin quả tình mình đang được đứng về bên “chính nghĩa sáng ngời”, đã được trả thù, đã được “chiến thắng”… Thi thoảng đi chùa, em lại cầu xin Trời Phật cho em thanh thản, chứ em không thể quên được thái độ của em trước ông thầy già ngày ấy.


Trở lại người phi công kia, cái kẻ đã giết chị mình ấy, nỗi hổ thẹn hối hận day dứt lương tâm chắc dày vò hơn hẳn em nhiều. Nhưng vô cảm và hể hả trên cái đau của người khác thì thực ra có kém gì đâu, đó cũng là tội ác. Em cũng nghĩ khác hẳn ngày xưa: em hoàn toàn không muốn gặp lại kẻ ấy, không thể nhìn mặt họ bình thường được. Hận thù hình như đã tan đi nhưng giá đừng biết mặt, biết tên kẻ ấy. Không gặp mặt đã là sự tha thứ rồi, nhưng lương tâm người ta càng bị dày vò hơn, cũng như em, giờ vẫn ước gặp thầy giáo già năm xưa, vẫn day dứt vì không có cơ hội gặp được, mà chắc gì thanh minh được đâu. Khi nghĩ rằng, người ta vẫn đinh ninh mình là kẻ độc ác xấu xa thì làm sao sống thanh thản được. Mình nghiền ngẫm cái đau của mình, sao không thấy người phía bên kia cũng có cái đau như vậy. Việc mình tha thứ không làm cho người ta thanh thản mà là để chính mình thanh thản mà thôi


Anh trai ạ, cũng may ngày ấy em không biết anh đã tìm ra kẻ kia, em không muốn nhớ lại, không muốn khơi dậy hận thù. Em muốn quên đi, cho dù như thế em lại có lỗi với chị, với cả anh, nhưng em không thể khác được.


Có lẽ, anh thương chị Cúc sâu nặng nhiều hơn em vì anh lớn, gắn bó với chị nhiều hơn, nhưng không phải vì thế em không thương chị, thương anh. Em chỉ không lý giải được phản ứng của mình nếu biết được đích danh kẻ giết chị mình.


“Hãy để ngày ấy lụi tàn” - Em chỉ nghĩ được vậy thôi. Người thân thì đã mất rồi, nhưng kẻ giết người đã thức tỉnh lương tâm. Hãy để lương tâm trừng phạt họ.


Đà Nẵng 10:28  30-06-2010
LỆ HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét