Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

ĐỨC TIN & SỰ GIẢI THOÁT

MẶC CẢM & GIẢI THOÁT

 
Bài viết dành cho Em tôi!
 
Tôi đang kể về gia đình Ba Má tôi ở Đà Nẵng. Mỗi khi tôi hoặc các em rơi vào tình trạng mặc cảm lỗi lầm, anh em tôi luôn học theo tấm gương của Má để tìm cách thoát ra khỏi tâm trạng nặng nề đó.
 
Lần tôi chứng kiến cả Má và Tiến Dũng em tôi rơi vào trạng thái mặc cảm nặng nề nhất là lúc cháu Như Hà con gái đầu lòng của Dũng qua đời vì bị bỏng nước sôi lúc cháu vừa tròn một tuổi. Tôi sẽ không nhắc lại chuyện cháu bị bỏng như thế nào, đưa cháu vào viện ra sao, bởi vì đó là những ký ức buồn đau quá sức chịu đựng. Cả nhà như phát cuồng, như mất trí khi biết trái tim bé bỏng của Như Hà đã ngừng đập đúng vào ngày sinh nhật đầu tiên của cháu.
 
Sự ra đi đầy đau thương của cháu khiến ai cũng cảm thấy mình là người có lỗi. Đặc biệt là Má tôi, lúc nào Má cũng nghĩ rằng bé Hà bị bỏng là tại Má. Sự thật đâu phải thế, nhưng Má bị trầm cảm mất một thời gian dài. Những lúc hai má con ra nghĩa trang Tộc Nguyễn thắp hương, Má đều ngồi rất lâu bên mộ Như Hà, bàn tay của Má cứ miết miết mãi không thôi lên bia mộ của cháu. Cứ nhìn những con số ghi ngày sinh ngày mất của cháu là tim lại nhói đau, những tháng ngày trùng khớp nhau đau đớn, có khác chăng là năm sinh năm mất chỉ cách một năm, 78-79, thật chua xót.
 
Nằm bên cạnh bé Hà là Việt, em tôi. Em sinh năm 1950, và mất lúc mới hơn hai tuổi. Má nói cũng là tại Má. Tôi nói hoàn cảnh lúc đó là do chiến tranh, không thể nói tại Má được. Má nói lúc đó còn trẻ, hoạt động hăng lắm, cứ chạy đi chạy lại giữa Đà Nẵng và chiến khu, phải gửi con để đi vì không mang theo được. Lần ấy về thấy Việt ốm nặng bèn ở nhà lo thuốc thang nhưng Việt không qua khỏi. May còn chị Cúc tôi, cũng nhiễm bệnh nhưng nhờ thể lực khá hơn nên vượt qua được. Sau lần ấy Má tôi mang chị Cúc theo luôn. Và mặc cảm để mất Việt cũng ám ảnh Má tôi mất một thời gian.
 
Dãy bên cạnh có em Ánh con thím Phán cũng bị chết đuối lúc mới 9 tuổi. Cũng như Má, thím Phán tự dằn vặt mỗi khi nhắc đến con. Dạo ấy đang chiến tranh phá hoại, thím cho các con sơ tán ra ngoại thành còn thím ở lại Hà Nội, thím được phân công phụ trách mấy cửa hàng thương nghiệp. Khi được tin, thím ba chân bốn cẳng đạp xe về chỗ con sơ tán, đến nơi thì đã quá muộn. Chú Sinh chồng thím hy sinh ở chiến trường B, thím nói ở nhà mà để mất con là không trọn nghĩa với chú, vì vậy nỗi đau và dằn vặt trong thím càng tăng lên gấp bội. Nước nhà thống nhất, thím cùng Ba Má tôi đưa em Ánh và chị Cúc về đặt bên cạnh ông bà. Cách đây hai năm, thím đã về bên kia sum họp cùng chú Sinh và con gái.
 
Má nói cũng may, đất Quảng Nam Đà Nẵng là đất của Đạo Phật nên Má hòa nhập khá nhanh. Một phần cũng là nhờ trước khi tham gia hoạt động cách mạng Má là ni-cô của một ngôi chùa có tiếng ở quê ngoại, nên sau này tụng kinh niệm Phật cũng như là mình trở lại với nghiệp xưa, không mấy ngỡ ngàng. Ba tôi sau khi về hưu cũng công tác tại Ban Tôn giáo, chuyên nghiên cứu về Đạo Phật, vì vậy cả Ba và Má tôi luôn vận dụng giáo lý nhà Phật để giải thích về số phận kiếp người. Có lẽ nhờ đó, Má tôi dần nguôi ngoai mặc cảm lỗi lầm khiến con trai và cháu gái của mình phải rời cõi trần quá sớm.
 
Hơn nữa, Má tôi luôn khẳng định là lúc nào cũng cảm thấy có Việt và bé Hà đi theo phù hộ Má, điều đó khiến Má dù có buồn thương nhưng mặc cảm lỗi lầm hầu như tan biến.
 
Má nói, như rứa là tự giải thoát đó nghe con!
 
Lệ Huệ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét