Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

AVE MARIA

AVE MARIA



Sáng nay nhận được email của Anh.
Anh gửi cho hai đường link vào nghe bản Ave Maria với lời nhắn gửi: "Chắc bài này đã quá quen thuộc với Định. Chính vì thế mà mình gửi cho Định với hy vọng sau khi nghe lại sẽ có những cảm xúc mới! Email lại cho mình nhé!".

Mới đọc thư Anh, chưa kịp nghe lại bản nhạc mà bao cảm xúc đã ùn ùn kéo về, xáo động cả một cảnh giới nội tâm vốn chưa bao giờ bình lặng nơi mình. Người đầu tiên mình nhớ đến là Linh, Nguyễn Di Linh, người bạn thân đã sớm về Cõi Bên Kia, chí ít đã hơn ba mươi năm. Di Linh là em họ của Anh. Dạo đó, vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi làm NCS ở Kiev mình và Di Linh cùng ở một phòng, cùng chung một Thầy hướng dẫn. Đặc biệt, trước khi sang Kiev làm NCS hai đứa cùng là giảng viên của Khoa VTĐT thuộc Học viện KTQS. Hằng đêm, khi làm việc cũng như trước khi ngủ, Di Linh luôn mở nghe các bản nhạc cổ điển, trong đó có hai bài mình thích nhất là Đa-nuyp Xanh và bài này, bản Ave Maria quen thuộc.

Di Linh tâm sự, nó mê nhạc cổ điển là nhờ Má nó mê dòng nhạc này từ hồi nó còn bé tí, sống cùng Má trên tầng áp mái của một cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, sau đó chuyển hẳn về tầng hai của số nhà 141 Hàng Bông, Hà nội. Má Linh mê nhạc cổ điển, và bản nhạc mà Bà thích nhất là bản Đa-nuyp Xanh.

Người thứ hai mình nhớ đến là Trần Điện Biên, con trai cụ Trần Lâm, và là anh trai của Trần Bình Minh. Tên này mê nhạc cổ điển bẩm sinh. Phòng nó chỉ có rặt một loại đĩa nhạc cổ điển, không có loại nào khác. Và điều trùng hợp lạ lùng là nó cũng thích hai bài như mình, Ave Maria và Đa-nuyp Xanh. Lúc đầu ý nghĩ đen tối của mình tưởng rằng nó nói thế để lấy lòng hai ông anh cho dễ vào Đảng. Sau thấy rằng không có hai ông anh thì nó cũng vào Đảng dễ như xơi kem tươi mới thầm tự lấy làm xấu hổ. Biên thật sự mê hai bản nhạc đó, và mê trước cả mình!
Sang phòng nó, thấy nó ngồi đốt thuốc ngoài ban công, đĩa vẫn quay bản AVE MARIA quen thuộc như mọi lần...

Đọc lại email thấy Anh giới thiệu rất kỹ về bản Ave Maria nầy. Anh viết

"Ngày nay, chúng ta có thể nghe Ave Maria ở nhiều nơi : trong các lễ cưới (nhất là ở Việt Nam ta) hoặc vào những ngày Giáng Sinh. Hãng Walt Disney thì đã sử dụng tác phẩm này trong phần kết thúc của bộ phim hoạt hình Fantasia, là một trong số những bộ phim hoạt hình đầu tiên của họ. Cả game hành động nổi tiếng như Hitman cũng đã sử dụng "Ave Maria" trong game đó.
Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Franz Schubert đã  có bản "Ave Maria"của mình. Vào những năm 1825, Schubert có một chuyến đi về vùng quê. Trong số những tác phẩm ông sáng tác trong chuyến đi này có "Ave Maria".

"Ave Maria" được trình diễn lần đầu tiên tại lâu đài của nữ hầu tước Sophie Weissenwolff  tại ngôi làng nhỏ Steyregg ở Áo như là một món quà dành tặng nữ hầu tước. Tác phẩm này của Schubert thường được gọi bằng cái tên "Ave Maria" (thay vì là "Bài ca thứ ba của nàng Ellens" như trong nguyên bản) là bởi vì nó là một đoạn trong lời cầu nguyện của nàng Ellens mà bắt đầu bằng  " Ave Maria".
Chiều nay ngồi một mình, nghe thêm clip do Mỹ Linh trình bày bằng ca từ tiếng Việt, bỗng cảm xúc trào dâng, lâng lâng như đang hiện diện ở một Cõi giới khác, trong lành và đầy yêu thương.

Ave Maria
Ngước nhìn bầu trời xanh sớm nay
Muốn được cùng làn mây trắng bay
Tới một đời chỉ có yêu thương mà thôi.

Nơi ấy đẹp như trong giấc mộng
Đẹp tựa mùa xuân thắm mộng.
Lời cầu nguyện hôm nay
Để cho ta mãi sống trong niềm vui.

Để yêu người
Để tiếng cười
Sẽ mãi rộn năm tháng tuyệt vời.
Sẽ mãi đẹp như sen thơm tỏa ngát trên đồng
Như mênh mông biển lúa lên đòng.
Lời cầu nguyện trong sáng mãi trên cao vời như ánh mặt trời sáng nay sáng lên trong tâm hồn tôi...

Anh viết thêm
"Các nhà soạn nhạc khác nhau trên thế giới  đã có rất nhiều tác phẩm cùng tên "Ave Maria" mà một trong những bản nổi tíêng có lẽ là của Gounod, khi ông soạn lại trên giai điệu của một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Bach. Tuy nhiên, “Ave Maria” của  Gounod có giá trị tự thân và chính nó là một tác phẩm khiến công chúng luôn nhớ đến Gounod.
Gounod sinh ngày 17/6/1818. Mẹ ông là nghệ sĩ piano và cũng là giáo viên dạy piano đầu tiên của con trai mình. Khi còn nhỏ, Gounod đã được mẹ cho học sáng tác với nhà soạn nhạc Pháp Anton Reicha, người bạn lâu năm của Beethoven và là thầy dạy của Franz Liszt và Hector Berlioz.  Từ năm 1870 đến 1875, Gounod sống tại nước Anh vì vào khoảng thời gian đó, nước Pháp đang trong  tình trạng khẩn cấp do chiến tranh Pháp - Phổ. Trong những năm đó và trong giai đoạn tiếp theo, khi quay về Pháp, Gounod sáng tác nhiều, đặc biệt là âm nhạc tôn giáo nhưng không  được thành công như trong các thập niên 1850 và 1860.
Trong số các tác phẩm hấp dẫn và giàu sức tưởng tượng về sau có bản giao hưởng nhỏ - Petite Symphonie (1885) – chỉ viết cho 9 nhạc cụ.
Charles Gounod qua đời tại St. Cloud vào ngày 18/10/1893. Một nén tâm hương dành cho Ông!"

Chỉ chừng nấy cũng đủ để nói lên, Anh không chỉ là Người Anh Cả với tất cả ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn nhất của từ đó đối với chúng em, mà với riêng em, anh còn là người thầy tâm hồn nữa!

Nghe Ave Maria thêm lần nữa, ta thấy lòng mình nhẹ nhõm, thư thái. Ta như chìm đắm trong yêu thương và mãi mãi an lành!

Cám ơn Anh rất nhiều, Anh Lãm ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét