Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

B'LÔC NHÂN - DI DÂN BLOGGERS

NHỮNG CUỘC DI DÂN BI TRÁNG CỦA CỘNG ĐỒNG MẠNG
Theo ý tưởng của blogger CIAO

Bỗng nhớ lại cái thuở ban đầu ấy...
Thuở ấy còn bé lắm, không dám đi chơi xa, chỉ quanh quẩn mấy nhà trong xóm nhỏ Ba Sáu Mươi 360 (Yahoo!360). Vào nhà ai cũng thấy lạ, chỉ đọc không dám còm. Thỉnh thoảng sợ ma lại rủ thằng em cùng đi, thằng này gan cóc tía nhưng vì thấy lạ cũng không dám rải còm. Dạo đó chưa hiểu văn hóa blog là cái chi chi nên cứ nghĩ rải còm cũng như "đinh tặc" rải đinh trên xa lộ nên không dám, thế thôi.

Ít lâu sau phía quốc tế thấy dân bloggers nhập cư đông đúc lộn xộn bèn lập một dự án bất động sản kếch xù, dựng một khu đô thị mới tại Việt nam cho dân bloggers tái định cư. Khu tái định cư được mang tên Ba Sáu Mươi Pờ-lơt (Yahoo!360plus). Các căn hộ, biệt thự giá như bèo, thời gian đầu gần như biếu không, đến mức không cần giấu diếm, bí thơ Hồng Chương gọi căn nhà của mình là "Nhà tình nghĩa"!

Với giọng điệu tuyên truyền vừa động viên khuyến khích vừa dọa dẫm, phía quốc tế đã thành công trong việc xua hàng vạn cư dân bloggers rời bỏ Ba Sáu Mươi ồ ạt chạy về Khu tái định cư Ba Sáu Mươi Pờ-lơt. Người có phương tiện thì mang được toàn bộ tài sản tích cóp bấy lâu về một lần. Dân làm công ăn lương thì khiêm tốn hơn, cứ dùng xe cút-kít hiệu "COP-PÊT" chở mỗi ngày một ít, với phương châm cái gì quý mang về trước, đến đâu hay đấy. Một số muốn nhân dịp này chia tay chủ đầu tư Già-Hú (Yahoo) đến thẳng miền đất hứa, thời đó hấp dẫn nhất có lẽ là xứ sở Uôt-Pres (WordPress), rồi Blôc-Xìpot (blogspot),v.v...

Còn nhớ dạo đó sôi nổi và sầm uất nhất là làng Vi-En-Oep-lôc (vnweblogs), nó như phố cổ Hội An ở ven biển miền Trung hoặc như làng cổ Đường Lâm ở phía Bắc vậy. Cư dân làng này toàn là dân văn chương thơ phú, ai mới vào thăm đều có cảm giác choáng ngợp. Tuy thế dân làng rất mến khách, ai vào thăm nhà chỉ chào xã giao một câu cũng được chủ nhà đáp lễ bằng một cốc "re-còm" rất chi là lịch sự. Trưởng thôn là Già làng Nguyên Hùng trực ở cổng làng hăm bốn trên hăm tư, hễ ai lăm le ghé nhà các chân dài hoặc người mẫu thì xét hỏi đủ điều và bắt trình căn cước.

Thời đó hai anh em tôi một tấc cắm dùi cũng không, vậy nên cứ lang thang hết nhà này đến nhà khác , thích đâu rải còm đó. Không nhà, không nick ảo, rải còm xong cứ để số CMT lại là được (tên đăng ký theo yahoo.mail). Sau này trầm trầy trầm trật mãi, hai anh em cũng dựng tạm được hai túp lều bên làng tái định cư Pờ-lơt, lấy chỗ chui vô chui ra. Từ đó đi rải còm cũng thuận lợi hơn thật.

Một hôm, bỗng thấy dân làng Vi-En chạy tóe loe như chợ vỡ, cứ đoán mò có lẽ hỏa hoạn hay vỡ đê gì đó. Tìm hiểu kỹ thì ra làng này từ lâu là do hai vợ chồng đại gia Mai Minh làm chủ đầu tư. Không hiểu vì lý do gì có một băng trộm cắp ban ngày ban mặt xông vào làng khua khoắng lung tung. Nạn nhân đầu tiên là nhà bác Nguyễn Trọng Tạo, chúng mới vào có một lần mà đã khuân gần hết tài sản nhà bác í, xong việc chúng khóa trái cửa để đấy. Căn nhà đầy ắp của cải quý hiếm nay trống huếch trống hoác, chúng chưa phóng hỏa đốt là may. Bác Tạo quen mấy ông bên An Ninh Mạng, hỏi thì họ bảo là "Tin Tặc", khiếp vãi!

Tiếp đến là nhà "Một Góc Nhìn hơi Khác" của Trương Duy Nhất, hội Sinh Tử Lệnh khóa trái cửa bỏ đó. Vô không vô được ra không ra được tức muốn chết mà không chết được. Chúng còn trêu tức bằng cách treo biển bán nhà của Nhất với giá bèo, tức muốn nổ con mắt. Trương Duy Nhất một mình một ngựa khăn khói quả mướp tá túc nhà bạn bè một thời gian, thấy yên ắng liền phi một mạch sang Blôc- Xìpot rồi định cư luôn bên đó. Chắc là nhập tịch bên đó luôn, không thấy về thăm quê lần nào.

Một số đang sinh sống tại hải ngoại thì thức thời hơn, trước đó đã tậu đất lập trang trại khắp nơi, kiểu Nhà nghỉ cuối tuần ở châu Âu. Một vài trường hợp điển hình như Mụ TC thì lập đồn điền trồng cây công nghiệp ngắn ngày lấy tên là "Vì ta cóc cần nhau". Lão Đồ Gàn thì lập ấp trồng tre nuôi cá sấu, đặt tên ấp là "Ngửi Văn" khiến nhiều kẻ tò mò chui vô nhòm ngó. Chỉ thấy nhà lão suốt ngày xé họa báo cũ dán dán xoa xoa vương vãi tùm lum, lại còn xây lò chế biến cháo dinh dưỡng giá đồng loạt sáu đồng một tô mang nhãn hiệu Lục Bát, khói hương nghi ngút đêm ngày.

Vậy mà cái Khu Tái định cư BSM Pờ-lơt cũng chẳng được yên. Ban quản lý khu dân cư nghĩ ra đủ trò, khi thì đào đường đặt cống thoát nước, khi thì lật vỉa hè hạ cáp thông tin. Lại còn bắt chủ và khách mỗi khi vào nhà phải kê khai đủ thứ, hôm nay khuyến cáo sử dụng 'smart card', mai tuyên truyền sử dụng khóa điện tử, khiến mỗi lần chủ vào nhà hoặc khách ghé thăm phải toát mồ hôi hột mở cửa nhà như mở két sắt đựng vàng. Lại còn cái nạn trộm cắp vặt như nấm sau mưa. Khách đến nhà vừa bày ra túi quà 'com-mần' đặt lên bàn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy biến mất tiêu, làm cả chủ lẫn khách dở khóc dở cười, đôi khi cười ra nước mắt.

Cho đến một ngày, khi Ban Quản lý Khu Tái định cư Pờ-lơt động thổ khởi công dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng thì giọt nước đã làm tràn ly sữa, rất nhiều bloggers khăn gói quả mướp rủ nhau lên đường, dứt khoát rời bỏ khu dân cư đầy những nhiêu khê này. Nếu ngược thời gian một chút, người ta hẳn còn nhớ anh em nhà Bọ Lập đã rời bỏ mảnh đất này từ rất sớm. Với lời tuyên bố khôn ngoan đậm chất ngụy trang "Tôi là người thích làm mới, trong khi chưa làm mới được mình thì ít nhất cũng làm mới cái chỗ nương thân!", Bọ nhanh chóng tậu đất xây nhà mở quán nhậu tại vùng kinh tế mới Uôt-Ret. Em Bọ Lập là Bọ Vinh (nay là Cu Vinh) thì quay về làng cũ Vi-En lập nghiệp, kêu gọi đầu tư.

Văn Thành Nhân cũng theo chân Bọ Lập sang mở trang trại trồng chuối và Trung Tâm huấn luyện vận động viên môn Phượt ngay chân núi Uôt-Ret. Trước khi đi VTN còn cẩn thận trồng trước sân ngôi nhà cũ một cây sao đen thẳng tắp, nay đã thành cổ thụ. Ý muốn truyền lại cho hậu thế một thông điệp: "VTN ta chính là SAO, tuy hơi...ĐEN!", hehe!
Theo bước chân vĩ đại của Bọ và VTN còn có nàng CÚN (MTHN) sang WP mở cửa hàng Lẩu Mắm gia truyền, thời gian đầu liên doanh cùng nữ sĩ Lam Luyến phục dựng dây chuyền chuyên sản xuất thơ tình tuyên chiến với giới mày râu! Căn nhà cũ bên BSM Pờ-lơt nàng mở Văn Phòng chuyên tuyển dụng nhân viên rồi để đó. Thỉnh thoảng quay về dùng căn nhà cũ như cứ điểm xuất quân đi thanh tra và chỉ đạo khắp một vùng Pờ-Lơt chậm phát triển.
Một lần, cụ Mèo nhận được văn thư "Nếu thấy có nhu cầu, đề nghị cụ làm đơn xin cấp nhà tình nghĩa tại Khu đô thị mới WP. Kí tên 'Madam Cún' - Tổng Thư ký Hiệp hội xóa đói giảm nghèo, Chủ tịch UB xóa tranh tre mái lá và nhà tạm. Đã ký và đóng dấu". Đúng văn phong MTHN, đúng chữ ký Madam Cún, cùng con dấu hình đôi môi đỏ choét. Phục vãi!

Lại nói, Quán nhậu của Bọ Lập tiếng nổi như cồn, không phải do rượu ngon mà vì có mồi nhậu độc đáo lại liên tục đổi món, thật không nơi nào có được. Dân nhậu tứ xứ kéo nhau về đây, biến ngôi nhà văn chương của Bọ thành Chiếu Rượu Quê Choa vang bóng một thời. Nếu căn cứ vào số lượt khách ghé thăm, cộng với số lượng dân nhậu thường xuyên có mặt trên Chiếu Rượu, có thể coi đây là một cuộc "bán di dân" thuộc loại hiếm hoi trong thế giới mạng.

Thời thế đổi thay, muôn sự nhiễu nhương, Chiếu Rượu Quê Choa miễn cưỡng khóa 'Còm'. Sự chấm dứt một thời ồn ào sôi động ở Quê Choa cũng là mở đầu một giai đoạn mới, giai đoạn di dân âm thầm mà ồ ạt sang hành tinh khác ngoài Trái Đất, hành tinh Phi-Bi (FB).

Không phải ai cũng thích nghi được ngay với điều kiện không trọng lượng trên hành tinh mới toe này, vì vậy một số vẫn còn nấn ná với ngôi nhà xưa, lưu luyến không muốn rời xa cái bản làng quen thuộc nơi mình đang sống. Mặc dù trong sâu thẳm tâm hồn, vẫn ngày đêm vọng ngóng về phương trời xa, nơi có biết bao bạn bè thân thương đang mỏi mắt chờ mong! Ôi, làm một cuộc đổi thay sao mà thấy quá sức mình...

Nếu lấy thời gian trên mạng làm thước đo rồi lấy tuổi Tráng sĩ Cú làm chuẩn thì năm nay mình đã ngoài bốn sọi. Mới chừng nấy tuổi đầu mà đã hoài cổ, khổ thế! Đôi lúc ngồi một mình, nhớ lại thời hoàng kim của Chiếu Rượu QC, lại thích ngâm nga mấy khổ văn vần của Dì Thu Lê khởi xướng, mà sướng âm ỉ mãi đến tận khuya!

Thơ rằng.

Người lui kẻ tới dập dồn. Quê Choa "đã lắm", tiếng đồn gần xa. Nầy chim nầy bướm nầy hoa. Có còm Tiến sĩ có loa họp phường. Có nàng còm sĩ Bạch Dương. Có Lạc Dân với Hồng Chương 'phó nhòm'. Có Mèo Hen dáng còm nhom. Có chàng Cú Đỉn, Hồ Thơm, Mục Đồng. Hoan hô bác sĩ Sao Hồng. Khám thai anh phán "Cu Dong có bầu"!!! Cún liền gọi Di-va-gâu. Cu Hwng Câm Điếc ra hầu rượu ngay. Quê Bác uống chẳng thấy say. Rượu quê choa lỗ dế này rót vô. Bực chàng Minh Trí họ Ngô. Trà Hâm Lại gọi xic-lô bỏ về. Hà Hiền cùng với Tuấn Lê. Hai tên hí hửng đến cà-phê Phil. Quỷ Cốc với Ngụy Tiên Sinh. Hai ông Thụ Động mải rình bóc tem!

Thầy Thích Đủ Thứ lăn tăn. Muốn trồng cây chuối hỏi Văn-thanh-nhàn. Đờ-Linh (ĐLinh), Cu Hiếu, Đông Ngàn. Lại thêm mỹ nữ là nàng nguyen-nga. Bác Cốm (Người Làng Cốm), Vớ Vẩn nhẩn nha. Bảo Lương về đến quê nhà đã khuya. Dì Thu Lê nhâm nhi bia. "Ngõ Thủ Lệ" là Kênh Kia (KênhKịa) nghe nhầm. Mát-tơ (master) nhỏ nhẹ thì thầm. Kim Dung nhắc khéo: "Chớ nhầm Hoàng Dung". Tiến Đặng bảo Lê Minh Tùng. Tiến sĩ kia, bậc anh hùng đó em! Mèo Già Mèo Bự Mèo Hen. Ba Mèo chập một gọi quen "họ Mèo". Che-Tai bịt mũi suýt teo (teo hột, hehe). Khuya khoắt Chiếu Rượu lèo tèo Đà Giang. Hoa Cỏ May hỏi Lê Giang: -Vân Anh (vananh) này với Đông Ngàn là chi? Nụ Cười tươi, ngắm mà si. Muôn Phương bè bạn còm gì, Trảo Nha? Kìa Cô gái Ap-xa-la. Múa cùng choa, là lá la suốt tuần. Quy-Ick (qx) có phải Quang Xuân? Suýt quên người đẹp Thị Vân, liệu hồn! Dân Choa nói "Lại vần ồn". Để chàng mua nón Ba Đồn về che.

Nhắn nhe với bác Hồn Tre. Mon-Gun, Thụ Động biết nghe anh nào? Câm Điếc liền nháy Thuận Bài: -Hà Linh xứ Nhật chân dài, xáp dzô. Xuân Lộc nghe thế nhảy vô. Ta-ta mà biết thì Gô-cổ-mày (Gò Cỏ May). E-far-mer vẫn đang cày. Chờ mùa Hoa Cải bên này trời Âu. Nghe Tiến Đặng gọi Mộc Châu. Phờ-Lan (Flan) giận dỗi còn lâu mới về. Càng xa càng thấy nhớ ghê. Ai ơi có dịp nhớ về Quê Choa! Loa loa loa... (Bản quyền vananh)

Trong suốt những cuộc di dân bi tráng đó, có nhiều bloggers đã bỏ của chạy lấy người, thay tên đổi họ, nay xóm này mai làng kia, sống kiểu ấy cũng coi như là 'mất tích', kết thúc một đời dân ảo.

Cũng có blogger được nhiều người cảm mến, trong ngôi làng ảo tuy còn lại nếp nhà xưa, nhưng người thật thì đã thành thiên cổ. Đó chính là trường hợp của blogger có cái nick khá đặc biệt: Tôi Yêu Việt Nam, một sinh viên Đại học Luật, đã sớm từ giã cõi đời khi tuổi còn rất trẻ...

Xin một phút cúi đầu để tưởng nhớ đến Em!

Ảnh riêng TÔI YÊU VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét