Mình có con em tuổi Sửu sinh ngày hăm tư tháng Tư, nhõng nhẽo, tinh tướng, chuyên nghề bắt nạt các anh các chị. Mình là đứa bị nó bắt nạt nhiều nhất. Có hôm ức chế quá mình dọa: "Tao mà đi lấy vợ là xong, thoát nợ". Nó bĩu môi: "Còn lâu nhá!".
Còn nhớ năm ấy sắp đến Sinh nhật nó, ngày nào nó cũng ngoáy tai "Sắp đến rồi đấy, nhớ quà cho em đấy". Nó nhắc nhiều quá làm mình ức chế, tuyên bố thẳng thừng: "Đợi đấy, đúng ngày hăm tư sẽ có quà mừng sinh nhật xịn".
Làm anh mà, đã hứa là làm. Đúng sáng 24 tháng Tư năm ấy đón dâu. Lễ cưới được tổ chức ở Hội trường tầng hai 23 Phan Bội Châu, Hà Nội. Chiều cùng ngày đưa cô dâu về nhà bằng xe đạp, tất nhiên! Mình chỉ vào Chị Dâu của nó, nói: "Đây, quà sinh nhật anh mang về cho em đây!". Lần đầu tiên trong đời không mày tao với nó. Gì thì cũng có vợ rồi, mình phải lịch sự chứ!
Con em mình dạo này tự dưng nổi tiếng. Gặp ai mình cũng khoe "Con em tao...". Hôm qua gặp thằng Chí (Thái Nguyễn Huệ Chí) mình mới mở lời "Con em tao" nó đã chặn đầu: "Con em mày thì làm sao?". Mình đang bị ức chế, ấp úng chưa kịp khoe tiếp thì thằng Chí nói: "Tao biết con em mày rồi!". Mình hỏi "Sao mày biết?". Nó nói "Tao xem blog", rồi nó hoắng tiếp: "Con em mày mắt toét, ngắn chân, mập như Đào Tròn, khoe giề!". Mình tức lòi mắt nhưng vẫn cố vặn lại "Đào Tròn là đứa nào?". Chí bảo "Là một thằng nhí nhố trong phim Robot Trái Cây trên kênh BiBi". Tưởng gì, phim í thì mình xem rồi nên cãi ngay: "Thế thì con em tao phải là Nho Xinh!". Thằng Chí trợn mắt: "Há!" rồi bỏ về nhà, chắc theo ý nó thì con Minh Tâm nhà nó mới là Nho Xinh!
Khen mãi con em sợ chúng nó bảo "Em hát anh khen hay", mình bỏ công tìm Lâm Cúc bạn của nó để tham khảo ý kiến xem có đúng là con em mình nổi tiếng thật không. May mắn thế nào lại thó được cái thẻ nhà báo của ông anh bên Tạp chí Tin Học, mình thủ vai nhà báo gặp Lâm Cúc phỏng vấn viết bài "Gương người tốt việc tốt". Sau đây là diễn biến quá trình tác nghiệp.
Phóng viên MH: - Chào chị Lâm Cúc!
Chị Lâm Cúc: - Chào em! Chị có thể giúp được gì?
(tức lòi mắt! Tưởng gọi 'Chị' là nguyên tắc khi tác nghiệp, không ngờ LC xưng Chị gọi em ngon lành, làm PVMH vờ tức nhưng trong bụng sướng rêm! Như vậy là mình vẫn còn trẻ đấy nhá!)
PVMH: - Thưa chị LC, thời gian gần đây chị có thường giao lưu với chị TC?
Chị LC: - Dăm năm gần đây, trừ những lúc không thể lên mạng, còn nếu đã lên mạng mà không "mò" vào blog ThanhChung thì giống như ta đang khát nước mà không thể uống được. Thèm chết đi được. Hề hề.
PVMH: - Chị có thể nói rõ hơn những suy nghĩ của Chị khi đọc những bài viết của TC trên blog.
Chị LC: - Với những tiêu cực và tệ nạn của xã hội, quan điểm của chị TC thật rõ ràng dứt khoát. Những vấn đề trong bài viết của Thanh Chung rất cụ thể như “Lượm” của VTV, như “ anh Tô”, hay như “chuyện thầy Khoa”...và đó cũng chính là những nổi cộm của tảng băng dư luận về các vấn đề xã hội, trong đó sự xuống cấp ý thức, văn hóa, đạo đức đã làm nhức buốt lòng người. Chị dùng cái chặt chẽ của con mắt nhà Kiểm toán để đo lường sự việc. Dùng cái tâm của người mẹ, người chị mà lên tiếng, dùng tấm lòng của người thích việc thiện mà san sẻ, dùng ngôn từ sắc như dao, nặng như đá núi để rạch đôi, chia nhỏ vấn đề ra xem xét tỉ mỉ sự sai, đúng qua các mặt cắt và có trách nhiệm khi lên tiếng. Tiếng nói của Chị qua các vấn đề trên là tiếng nói thấu tình, đạt lý. Vì thế, mỗi bài viết về thể loại như vầy thường được báo điện tử, website và blog khác đăng tải lại, trong đó Quê Choa blog cũng là một trong những nơi rất hay “đồng thanh tương ứng” với Chị.
PVMH: - Thế còn về văn chương thơ phú?
Chị LC: - Về lĩnh vực này Thanh Chung của tôi lại thật dịu dàng, đây là một bài thơ của Chị:
Tháng tư về rồi anh có nhớ không
Có một người vẫn đợi quà sinh nhật
Nửa trời em - xuân còn lạnh lắm
Đào vừa kịp nở hoa
Tháng tư về thêm một tuổi đi xa
Thêm một tuổi cộng vào miền ký ức
Cóp nhặt yêu thương, khát khao hạnh phúc
Đêm chông chênh - hai phía không người
Ve đầu mùa day dứt tháng tư ơi
Điều chưa nói, không còn mong nói nữa
Mưa giận dỗi những chiều quay quắt nhớ
Đêm trở mình, thêm một tháng tư qua.
Nếu tôi nhớ không nhầm, bài thơ này TC làm ở New York vào dịp sinh nhật chị, tháng Tư năm 2008 thì phải.
Trong bài thơ trên, Thanh Chung của tôi như bao người phụ nữ khác, khát khao hạnh phúc bình dị bên Anh, với những dỗi hờn và thương nhớ. Chông chênh ở phía không bóng người. Thế nhưng, Chị cũng là một phụ nữ ít chị em khác sánh kịp. Vượt qua nhiều cuộc thi, phải vượt qua nhiều đối thủ để trở thành nhân viên Chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, rồi thi và trở thành nhân viên tại cơ quan Liêp Hiệp Quốc ở New York. Đó là việc cực khó ngoài sức tưởng tượng của tôi và bạn bè. Và Chị đã khiến tôi tự hào! Thanh Chung thạo hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Chị từng là giáo viên ngoại ngữ tiếng Pháp.
PVMH: - Được biết hai Chị quen biết nhau đã lâu và chơi khá thân, Chị có thể cho biết vài điều về gia đình Chị TC.
Chị LC: - Sanh ra trong một gia đình nghèo có Bố mẹ là cán bộ kháng chiến. Không may, Bố mẹ Chị đều mất sớm. Chị Hương, người chị cả trở thành “mẹ” của cô em út Thanh Chung ở cái thời tóc đầy chấy, người đầy rận và đói khát từ bát cơm đến hơi ấm yêu thương. Kể một chút để hiểu được con đường Thanh Chung đi qua là một con đường đầy khổ ải, muốn vượt phải có một nghị lực hơn người và kiên trì đến khó tin. Vậy mà Thanh Chung đi được, đi từng bước và đi vững vàng.
PVMH: - Chị có những kỷ niệm gì với Chị TC trong thời gian gần đây?
Chị LC: - Tôi nhớ mãi cái lần gặp Chị TC vào tháng sáu năm 2010 tại Sài Gòn. Hôm đó tại đường Paster, trong một gian phòng dành cho cán bộ của Cục Đường thủy, chúng tôi nằm bên nhau nói nhiều thứ, nói chuyện xuyên đêm. Nói từ văn chương sang đến con người. Nói từ các nhân vật lừng lẫy trên Thi đàn, Văn đàn đến những cây bút chúng tôi vừa làm quen. Thanh Chung có các ý kiến chuẩn xác về chữ, nghĩa, có những so sánh khó bác bỏ luận cứ, nhân vật và cũng có những nhận định “chết người”.
Chị nói: Những cây bút nước mình đa phần viết bằng kinh nghiệm sống, họ rút hết các kinh nghiệm thì không còn gì nữa. Họ rất ít cơ hội để viết chuyên nghiệp, nghĩa là không nghĩ đến các vấn đề cơm áo, suốt đời chỉ chăm chắm vào chuyện văn chương và làm việc có giờ giấc chứ không sáng tạo theo cảm hứng như hiện nay, có như thế, họ mới đào sâu hơn nữa các vấn đề về con người, về nhân bản, về mưu cầu, về ý nghĩa, về quyền lợi vv và vv.
PVMH: - Hôm nay là ngày Sách & Bản quyền Thế giới, Chị có những ấn tượng gì về "văn hóa đọc" của Chị TC.
Chị LC: - Chị TC là một tay nghiện sách. Trong valy, túi xách của Chị lúc nào cũng có một quyển sách. Trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam chị ngấu nghiến xong vài tập truyện ngắn, sau chuyển thành quà cho tôi. Từ đó, có thể hiểu cái tâm của chị đối với văn chương, viết, lách.
Một vài lời tâm sự ngắn ngủi khó có thể nói đầy đủ về Thanh Chung. Tôi rất thích câu này trong “quà sinh nhật” của nhà văn Phan Đình Min: “Viết về Thanh Chung thích dừng ở đâu thì dừng” vì nói hết, khó mà hết. Vì vậy, tôi hy vọng những tâm sự này của tôi là một mẩu bánh góp vào chiếc bánh sinh nhật dành tặng Thanh Chung.
PVMH: - Để kết thúc, Chị muốn nói thêm điều gì?
Chị LC: - Tôi đã yêu tháng Tư, yêu ngày 24, ngày này chỗ tôi ở rực tím những ngọn đuốc hoa bằng lăng, chúng gợi nên bao điều tha thiết, và chúng nhắc tôi nhớ về người bạn Thanh Chung ấm áp trong ngày sinh của Chị.
PVMH: - Cám ơn Chị Lâm Cúc!
Chị LC: - Không dám! Tạm biệt cụ Mèo Hen nha!
Ủa, thế ra LC nhận ra miềng từ đầu, lại cứ giả vờ. Không thể tin vào mấy bà tứ quái này được!
Tấn Định
He he, chào ông anh Mèo nhá. Anh không mau mau vào FB đi cho xôm tụ. Bà con Quê Choa bên ấy đông vui lắm mà.
Trả lờiXóaKý tên:
Con em Nho xinh