Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

HAI NGƯỜI CHA


NHỮNG CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Bài viết dành cho Út Hải
Để em gái tôi hiểu thêm, tại sao nỗi đau mất Chị đã đeo đẳng hai gia đình chúng tôi suốt chừng ấy thời gian mấy chục năm, và hầu như chưa bao giờ nguôi ngoai...
Và để em tôi biết rằng, Chị Cúc tôi dù đã đi xa từ rất lâu, nhưng Chị luôn có một niềm hạnh phúc lớn lao là mãi mãi sống trong tình yêu thương đậm đặc và mênh mông của Ba Má, Ba Mẹ cùng các em, và những người thân yêu...
Dường như Chị Cúc tôi vẫn chưa từng đi xa, Chị vẫn còn đâu đây...

  

Chị mất rồi. Tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi bỏ cơm suốt cả tuần. Mẹ đẻ tôi tất bật sấp ngửa ngược xuôi để lo cho tôi từng thìa sữa, từng miếng ăn, lo rằng tôi sẽ suy sụp vì còn ít tuổi mà đã hai lần cho máu. Bàn thờ Chị tôi được lập ngay từ hôm Chị qua đời. Mẹ tôi đặt lên bàn thờ tấm ảnh mà Chị đã cẩn thận phóng to để lại cho tôi. Ai đến thắp hương cũng nói rằng Chị tôi phóng to ảnh gửi lại chính là điềm gở. Mẹ tôi chắp tay cúi đầu cám ơn những tấm lòng thịnh tình của bà con lối xóm suốt cả ngày lẫn đêm.

Ba nuôi tôi được tin, về đến nơi sau gần một tháng kể từ ngày Chị mất. Ai cũng đỏ mắt mong ngóng ba tôi, hóa ra ba tôi đang chỉ huy một con tàu đóng giả tàu cá thâm nhập địa phận Sơn Trà để dò đường cho các tàu khác tiếp tế vào Nam. Chuyến đi ấy ba nuôi tôi suýt bị lộ vì gặp người làng tại ngay Cảng cá. Ông có ngờ đâu rằng ông sống sót trở về sau một chuyến đi đầy hiểm nguy thì lại mất đứa con gái thân yêu mà ông gửi gắm nhiều hy vọng. Má tôi ở xa, các em lại còn nhỏ dại nên không thể nào về được. Càng nghĩ càng thấy thương Má.

Chiếc com-măng-ca chở ba nuôi tôi về đến cổng Huyện Đội thì vội vã quay đầu đi tiếp vào đất lửa Vĩnh Linh . Ba tôi ôm chặt tôi vào lòng như không muốn rời xa. Chỉ khi ba tôi tiếp chuyện mọi người tôi mới có dịp ngắm kỹ ông: Với thân hình nhỏ nhắn, da Ba tôi sạm nâu vì nắng gió miền Trung và khói lửa đạn bom, bên trái hông kè kè chiếc xăc-cốt còn bên phải là một khẩu súng ngắn đeo trễ xuống. Trông ông thật oai phong như một vị chỉ huy chiến đấu ngoài mặt trận chứ không phải là Trưởng Ty Thủy sản hoặc Giám đốc Ngư trường đánh cá Sông Gianh. Nét mặt ông trông khắc khổ nhưng cương nghị và giàu tình cảm. Tôi tự hào về ba nuôi của tôi!

Ánh nắng cuối chiều sắp tắt, ba tôi vẫn còn đứng rất lâu trước nấm mộ còn tươi nguyên màu đất của Chị tôi. Sau đó ông ngồi thụp xuống, hai bàn tay bóp vụn từng hòn đất, ba tôi thì thầm tâm sự gì đó rất lâu với đứa con gái đầu lòng đang nằm yên dưới lòng đất lạnh. Bất chợt ông ngẩng lên nhìn chúng tôi, tôi thấy rõ đôi mắt ba tôi đỏ hoe, ngân ngấn nước. Tiếng khóc đã được ba tôi nén chặt trong lòng. Tôi giới thiệu với ba tôi Mỹ Dạ bạn tôi, người đã giúp tôi trồng hai cây dương bên mồ Chị. Mỹ Dạ nhỏ nhẹ thưa chuyện và chép tặng ba tôi bài thơ viết về Chị, Dạ viết đúng vào hôm ba ngày lên mở cửa mả và trồng cây dương liễu. Mẹ tôi nằm bẹp giường mấy ngày liền, may có O Đấu là mẹ của Mỹ Dạ lui tới săn sóc.

Xong việc, ba nuôi tôi vội vã ra đi. Công việc ở Đồng Hới và những chuyến tàu vào Nam đang cần đến ông.

Lại một tháng nữa trôi qua. Ba đẻ tôi từ Quảng Ninh trở về, ông được giao biệt phái nhận hàng viện trợ tại Cảng Hải Phòng. Câu đầu tiên khi ông bước vào nhà và thấy di ảnh Chị tôi trên bàn thờ là "Sao thế này? Sao lại thế này?". Và khi nghe Mẹ tôi nói "Con Cúc bị bom, đã hai tháng rồi", ba tôi bật khóc nức nở. Thật sợ khi phải nghe một người đàn ông lớn tuổi khóc thành tiếng. Người ta bảo thế, và quả đúng thế thật. Tôi thương ba tôi quá chừng!

Tôi thương ba tôi vì đây là ngọn đòn giáng xuống tinh thần ông vốn đã bị tổn thương nặng nề khi chị Nhạn con gái thứ hai trên tôi bị bệnh qua đời khi chị mới chưa đầy chín tuổi. Hậu quả của cú sôc đó là hai tai ba tôi bị điếc đặc mất hơn một năm. Tính tình ông trầm lặng hẳn đi, ông trở nên nghễnh ngãng và ba tôi phải nghỉ việc suốt cả thời gian đó. Đến khi Ba Má tôi tập kết ra Bắc, hai gia đình kết nghĩa, có được Chị Cúc cùng năm sinh tháng đẻ với Chị Nhạn của tôi, ba tôi ngỡ Trời Phật có mắt đã mang Chị Nhạn trả về cho gia đình tôi. Ông như được hồi sinh!

Bây giờ Chị Cúc không còn nữa, ba tôi khóc cạn nước mắt rồi đứng chết trân trước bàn thờ. Ngày trở về cơ quan, ba tôi mang ảnh thờ của Chị đi theo. Trên bàn thờ ở nhà, ba tôi đặt bài vị có ghi bốn chữ Nguyễn Thị Bạch Cúc cùng ngày tháng năm sinh năm mất của chị. Sau đó ít lâu nhà tôi bị bom, cả căn nhà đổ sụp cùng với căn hầm Huyện Ủy xây ngầm dưới nền. Ban thờ của Chị cháy mất tiêu cùng với từ đường thờ ông bà tổ tiên. Mẹ đẻ của tôi cùng các em tôi được chuyển ra Hà Nội từ đó.

Tại cơ quan sơ tán ở Đồng Sơn, ba tôi lập bàn thờ Chị Cúc tôi và ngày đêm hương khói. Sau một lần đi công tác Hải Phòng về thấy ngôi nhà cơ quan ba tôi sơ tán bị bom Mỹ đánh sập. Hỏi ra mới biết bàn thờ bị cháy rụi trong trận bom đó và tấm ảnh thờ của Chị tôi không còn nữa. Ba tôi chết đứng, khóc chẳng thành tiếng, lặng câm... 

  

Như vậy,
Mẹ đẻ tôi đã nhận công tác tại Hà Nội, các em tôi đã định cư theo Mẹ và nhập học tại một trường ở Ngọc Hồi, Đông Mỹ.

Má nuôi tôi cùng các em theo cơ quan sơ tán về một xóm nhỏ cạnh sân bay Đồng Hới. Cũng từ đó Chị Cúc tôi phải nằm lại một mình trên quê hương Lệ Thủy. Điều đó đã làm cho cả nhà không an lòng. Nói cả nhà nhưng thực ra chỉ là chuyện của người lớn, bọn trẻ con như chúng tôi chưa suy nghĩ được gì, nói như các cụ là "ăn chưa no lo chưa tới". Bom đạn như vậy mà Má tôi lúc nào cũng nhăm nhăm tính chuyện đi Lệ Thủy để thăm viếng Chị tôi. Thấy thế Ba tôi bảo "Để rồi tui mang nó về cho Bà".

Nói là làm. Một hôm ba nuôi tôi về đến sân nhà nơi Má và các em tôi sơ tán thì trời đã xế chiều. Không biết ông đi bằng phương tiện gì. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ba tôi loay hoay gỡ chiếc ba lô trên lưng xuống, nhẹ nhàng đặt lên giường rồi gọi Má tôi từ bếp lên, ông nói trong hơi thở mệt nhọc "Tui mang con Cúc về cho bà đây!". Má tôi ngồi bệt xuống chân giường, chết giấc. Tỉnh lại rồi, Má tôi ôm lấy chiếc ba lô có hài cốt Chị tôi trong đó, khóc không thành tiếng. Ngất lên ngất xuống, Má tôi chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi hai tiếng "Con ơi! Cúc ơi!"... 

Từ đó Chị tôi nằm lại tại một khu mộ nhỏ của dân bản địa gần sân bay Đồng Hới. Cũng từ đó Má tôi có điều kiện chăm sóc Chị nhiều hơn.

Thế rồi Má tôi nhận nhiệm vụ mới. Với nhiệm vụ này Má tôi phải chuyển ra Hải Phòng nhận công tác tại một đơn vị thuộc Công ty vận tải tàu pha sông biển. Sau này mới được Má kể là bộ phận của Má tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần cho các chuyến tàu không số. Những con tàu bí mật đi theo đường Hồ Chí Minh trên biển, mang vũ khí đạn dược thuốc men tiếp tế cho miền Nam. Các em tôi theo Má ra Hải Phòng và học tại trường Thái Phiên.
Thế là Chị Cúc tôi một lần nữa phải nằm lại một mình trên đất Quảng Bình. Thỉnh thoảng lắm mới có các chuyến viếng thăm của Ba đẻ và Ba nuôi tôi. Cũng bởi thời kỳ đó đường sá xa xôi cách trở và tình hình chiến tranh phá hoại quá ác liệt.

Câu chuyện em gái tôi kể chính là lần Ba tôi đưa em từ Hải Phòng về Quảng Bình thăm mộ Chị tôi. Lúc đó, mộ Chị tôi mới được sửa sang lại và ba tôi đã thuê khắc một tấm bia đá đặt lên. Trên bia ba tôi cho khắc mấy dòng chữ: Sinh viên Nguyễn Thị Bạch Cúc. Hy sinh ngày... do giặc Mỹ sát hại.

Theo cách nghĩ của Ba tôi, một học sinh khi đã nhận được giấy báo nhập học của Trường Đại học thì xứng đáng được mang danh hiệu sinh viên. Và theo ông, đi học cũng là thực thi nhiệm vụ của Tổ quốc giao nên cái chết trong trường hợp này phải được dùng hai chữ "hy sinh". Chúng tôi trẻ người non dạ không thể nghĩ được sâu sắc đến vậy. Sau này lớn khôn, càng suy ngẫm càng thấy Ba tôi có lý. 

Nước nhà thống nhất được gần một năm thì Ba Má tôi hồi hương. Các em tôi cũng lần lượt theo Ba Má trở về quê hương Đà Nẵng. Chị tôi cũng được trở về quê cũ nằm cạnh ông bà tại nghĩa trang Tộc Nguyễn thuộc Mỹ Khê, một khu mộ rộng rãi khang trang trên đất cát pha nằm cách nhà có mười lăm phút đi bộ.

Chuyến trở về quê của Chị tôi cũng đầy gian nan trắc trở. Lần đó Má tôi mang Chị theo người, lên xe đò từ Đồng Hới và chạy suốt tuyến vô Đà Nẵng. Đúng vào mùa mưa lũ nên khi xe vừa cách Đồng Hới có bốn mươi cây số, nghĩa là đang qua địa phận Lệ Thủy thì đường Quốc lộ 1A bị ngập lụt, cả hành khách lẫn xe phải nằm lại mấy ngày chờ nước rút. Chỉ nghe Má kể tôi cũng đã hình dung ra nỗi vất vả của cả hai mẹ con. Má tôi nói, Chị tôi lưu luyến với mảnh đất Lệ Thủy, không muốn rời xa quê hương thứ hai của mình.

Có một chuyện mà cứ mỗi lần nhớ lại là tôi lại thương Chị tôi đến thắt ruột. Lần đó nhân một chuyến về quê, hai vợ chồng tôi cùng Ba tôi lên Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện để viếng mộ Ông Bà ngoại tôi.  Hai vợ chồng tôi đèo nhau bằng xe đạp, còn Ba tôi một mình một xe đi thong thả phía sau. Phải nửa tiếng sau mới thấy Ba tôi lên đến nơi. Sau khi thắp hương ở mộ Ông bà ngoại xong thì Ba tôi đưa cho tôi xem một bài thơ ông viết vội trên một trang giấy nhỏ, trong đó có mấy câu như sau: "Đất nước thống nhất rồi. Con đã về Đà Nẵng? Nghe tiếng con văng vẳng. Đau lòng lắm, con ơi. Vài ngày con ở chơi. Rồi hãy về quê cũ. Để cả nhà đoàn tụ. Đất Quảng mình Tua-Ran...". Đọc đi đọc lại mấy lần, chúng tôi vẫn chưa hiểu sao ba tôi lại làm bài thơ này và làm vào lúc nào.

Khi từ Nghĩa trang Liệt sĩ trở về, ngang qua một khu vườn nhỏ với những rặng phi lao xanh rờn, Ba tôi bảo chúng tôi dừng lại nghỉ và chỉ cho chúng tôi xem nơi mà xưa kia Chị Cúc tôi đã được mai táng ở đó. Tôi giật mình như bừng tỉnh. Thế mà tôi không nhớ ra, bởi xưa kia nơi đây chỉ là một mảnh đất ven đường với vài ba ngôi mộ nằm thưa thớt, xung quanh được bao bọc bởi những rặng dứa dại trồng chả có hàng lối gì. Mảnh đất hoang này nằm giữa đồng không mông quạnh, cách bệnh viện huyện khoảng hơn cây số, đã được mọi người chọn để mai táng Chị tôi vào một đêm giáp ngày Rằm, có trăng sáng nhưng luôn bị những đám mây bay ngang che khuất.

Trong vườn ươm phi lao đã quá lứa, chắc là ươm để trồng dọc hai bên đường lên Nghĩa trang LS Huyện, có một cái lán con con của những người chăn vịt, bây giờ thành nơi ở tạm của những công nhân làm đường. Lúc nãy, Ba tôi đã ngồi ở đây và chép những vần thơ ông làm ra tờ giấy nhỏ xin được của mấy chú công nhân. Ba tôi kể, khi đạp xe đi ngang qua đây Ba tôi bỗng nghe có tiếng ai gọi thoang thoảng trong gió. Dừng xe và định thần, Ba tôi nhận ra tiếng gọi của Chị Cúc tôi, ông thảng thốt và vô cùng xúc động. Bình tĩnh lại, Ba tôi nhận ra đây chính là nơi trú ngụ đầu tiên khi Chị Cúc tôi mới qua đời. Ba tôi suy nghĩ miên man, hay Linh hồn Chị Cúc tôi vẫn còn lẫn quất nơi đây mà chưa chịu về quê cũ. Bài thơ ra đời từ đó. Biết được vậy hai chúng tôi thấy thương Chị vô cùng...

Trong một lần về thăm gia đình Ba Má nuôi của tôi ở Mỹ Khê, Đà Nẵng, Ba tôi đã tâm sự chuyện này với Ba nuôi tôi. Vào một chiều muộn, hai ông cùng tôi ra khu mộ của dòng tộc thắp hương cho Chị tôi và nói chuyện ở đó rất lâu. Ba tôi nói đại ý, việc bốc mộ và di dời đi địa điểm khác phải tuân thủ một số thủ tục nhất định, nếu không linh hồn người chết sẽ không theo hài cốt về nơi ở mới để "nhập mộ". Mỗi địa phương có những phong tục riêng nên thủ tục tuy có khác nhau nhưng tựu chung là bắt buộc phải có. Hai ông nhất trí là để Ba tôi về Lệ Thủy rồi sẽ làm lại thủ tục đó cho Chị Cúc tôi.

Sau đó ít lâu Ba tôi đã thực hiện tại quê nhà những thủ tục cần thiết theo chỉ dẫn của một ông thầy cúng nhà ở Quảng Cư. Ông thầy viết sớ, làm lễ theo đúng yêu cầu của Ba tôi. Trong kia, cũng vào thời điểm đó Ba nuôi tôi làm lễ thắp hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên và cả ngoài mộ Chị Cúc tôi nữa. Ở Lệ Thủy, sau khi lễ xong ông thầy cúng xem chân gà luộc và cho biết, Chị tôi đã về Đà Nẵng nhập mộ trong ấy. Nếu hiểu theo logic hiện đại thì Chị tôi đã làm xong các thủ tục về cắt-nhập hộ khẩu, được cấp vi-za để chuyển về quê gốc "Quảng-Nôm Đè-Nẽng Tua-Reng" theo cách nói của Ba nuôi tôi! Chỉ lạ là không biết Chị tôi đi bằng phương tiện gì mà nhanh đến vậy!

Và cũng từ đó tất cả mới thấy an lòng. Bát hương trên mộ Chị tôi mới hóa rần rật trong mỗi lần viếng. Cứ mỗi lần nhớ lại, Chị tôi đã có những tháng năm đằng đẵng cô đơn, bay lang thang phiêu bồng trên cánh đồng Quảng Cư, Mai Thủy, là đã thấy ruột thắt chín chiều và ràn rụa nước mắt cảm thương...

Cũng từ đó, hàng năm vào ngày Giỗ Chị chúng tôi đều kéo nhau về Mỹ Khê, cũng bởi ngày Giỗ Chị được chọn làm ngày giỗ chung cho những ngày húy kỵ có trong quý hai hàng năm, trong đó có cả ngày Giỗ Ông Bà.
Các bạn học phổ thông của Chị tôi như anh Long, anh Thế, chị Cẩm chị Lê thỉnh thoảng cũng về, không đúng ngày giỗ thì cũng về viếng mộ, thắp hương cho Chị tôi ở cả hai nơi. Tôi biết, Chị tôi đã rất hài lòng...

Một người bạn thân của tôi, một người bạn tâm giao, mặc dù chưa gặp chị lần nào nhưng nằm mơ lại được chị báo mộng. Quá ngạc nhiên vì sự trùng hợp lạ lùng, bạn tôi đã tìm về Mỹ Khê trong một chuyến công tác miền Trung, với mong muốn được thắp lên mộ Chị tôi những nén hương thơm với tấm lòng kính trọng. Các em tôi trong đó đã giúp bạn tôi toại nguyện, Má tôi đã nhỏ những giọt nước mắt biết ơn và xúc động của tuổi già.

Rõ ràng Chị tôi chưa bao giờ mất đi, Chị tôi luôn sống trong ký ức của những người thân yêu... 

Lệ Huệ NTĐ

TÂM SỰ CỦA LỆ HẢI EM GÁI TÔI

Những chuyện anh kể, đến lúc này em mới biết. Năm tháng vui buồn, đau khổ, chiến tranh, trải nghiệm, hành trình đường đời đã quá nhiều rối rắm phức tạp, rất khó giữ mình đứng về một phía phiến diện… đã khiến em không muốn nghĩ nhiều, hồi tưởng nhiều về quá khứ, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm, sự dung hòa và nhìn vào thực tại.

Em chẳng biết gì hết cho đến lúc này… Anh ạ. Ngày xưa Má thường chỉ kể lại nhiều lần lúc chị ở bệnh viện, mọi người ai cũng muốn tiếp máu cứu chị, nhưng chỉ một mình anh là cùng nhóm máu. Bác sĩ Tam đã cố gắng hết sức cứu chị nhưng lực bất tòng tâm. Chôn cất chị xong, anh bỏ học vào bộ đội. Vì thế Má khóc rất nhiều, mỗi khi nhớ chị là nhắc anh…

Ngày em từ Hải Phòng về thăm chị,  ôtô nằm lại ngoài xa, em đi theo Ba qua một cái cầu nhỏ đến trước ngôi mộ giữa một vùng hoang vắng trống trải, vắng lặng đến mênh mông. Mộ dường như mới đắp . Em bàng hoàng đến độ chẳng tin chị nằm dưới đó. Trong tâm trí em vẫn chưa kịp hình thành ý niệm rằng người thân của mình cũng có thể nằm dưới một ngôi mộ như thế này… Cho đến bây giờ em vẫn không kịp biết xung quanh có các ngôi mộ nào khác không. Quang cảnh ấy sau này cứ hay đi vào giấc mơ thật buồn.

Về ĐN, em không nhận thấy có một chiếc balô trên nóc tủ hiện diện tự bao giờ. Một hôm vô tình nhìn lên, em hỏi, Má mới cho biết đấy là hài cốt chị. Em kinh hoàng vì tại sao mình không linh cảm thấy. Ngày thường em rất sợ ma, sao đến lúc ấy em chỉ đau xót. Em cũng không được biết chị được đem ra nghĩa trang vào lúc nào. Chỉ sau này đã chững chạc, em mới thường hay đi một mình giữa nắng trưa lên thắp hương cho chị. Chị cô đơn quá giữa những ngôi mộ im lìm, chị vẫn còn rất trẻ cơ mà…

Có lần em đọc nhật ký của Ba kể về một năm vào ngày giỗ chị, ông quên bẵng, nằm một mình trong phòng làm việc ở cảng cá Sông Gianh, đột nhiên có làn gió đến thổi tung tấm ri đô, chị chạy ào vào gọi: “Ba!”… Ông giật mình: “Cúc đó à, con?” Chị chạy tới ôm và cắn vào tai ông thật đau rồi biến mất. Ông giật mình sực tỉnh, bàng hoàng một lúc mới nhớ ra chị đã mất. Một bên tai vẫn đau để ông tin đó là chị về thật. Ông nằm khóc một mình: Hôm nay là ngày giỗ con…

Nguyễn Lệ Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét