Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

GẶP CHỊ

GẶP CHỊ

Đây là câu chuyện có thực về gia đình Ba Má nuôi của tôi. Ba nuôi và Ba đẻ của tôi là anh em kết nghĩa từ ngày Ba Má nuôi mới tập kết ra Bắc. Chị Cúc là con cả của Ba Má tôi, kém chị cả của tôi 2 tuổi. Ba nuôi tôi mất cách đây 6 năm. Má tôi tuổi cao, đã xấp xỉ chín mươi rồi. Má tôi hiện sống với mấy em tôi ở Đà Nẵng.
Bài viết này năm ngoái đã được đăng trên Blog của Chị Thanh Chung. Nay tôi sửa lại chút ít, đăng lên blog của mình, như một nén tâm hương thắp cho Chị tôi nhân ngày Giỗ lần thứ 44 của Chị. Năm nay, do sức khỏe kém tôi không về được với Chị như mọi năm.


Đã một tuần nay tôi không tài nào ngủ được, hễ cứ chợp mắt là gặp phải ác mộng. Hễ cứ mơ thấy Chị là thế nào sau đó cũng thấy người đàn ông râu quai nón ấy xuất hiện. Tôi không quen ông ta nhưng tôi vừa biết được về lai lịch ông ta. Đó là nhờ Tổ công tác do tôi chủ trì đã được tiếp cận với đống tài liệu của những CCB Hoa Kỳ cung cấp, đặc biệt là những đĩa CD chứa cả triệu trang tài liệu đã được "giải mật" do cựu Tổng Thống Bill Clinton mang sang như một cử chỉ tỏ thiện chí khi hai nước đang bước vào quá trình bình thường hóa. Nhiệm vụ của chúng tôi là khai thác đống tài liệu này phục vụ cho việc tìm kiếm những nơi chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh. Nó cũng giúp ích ít nhiều cho nhóm tìm kiếm MIA. 

Trong quá trình tiếp cận, giải mã và khai thác thông tin, tôi đã bất ngờ phát hiện ra một bí mật, bí mật liên quan đến gia đình tôi. Và tôi liên tục gặp ác mộng...Với niềm tin mang tính sùng bái vào thế giới tâm linh, tôi quyết định lấy vé về miền Trung gặp Chị.


Chỉ sau chưa đầy hai tiếng, máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng.  Từ Ga Hàng Không tôi về thẳng nhà qua cầu Mới Sông Hàn, không phải đi phà hoặc vòng qua cầu Trịnh Minh Thế như trước đây. Má sững sờ thấy tôi về đột ngột. Vứt vội chiếc cặp, tôi choàng tay ôm ghì đôi vai gầy của Má, vùi mặt vào mái tóc bạc một màu sương gió của Người. Má cứ ngồi yên như vậy, mặc cho hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Một lúc lâu, như đọc được suy nghĩ của tôi, Má nói:
        -Tranh thủ ra thăm Chị mày rồi về ăn cơm, con!
                                                            
     
Vừa thấy tôi, Chị hỏi ngay:
        -Sao em lại về vào dịp này? Má nhắn về hay là đi công tác ghé qua nhà?
Không trả lời ngay vào câu hỏi của Chị, tôi nói :
        -Chị đã nhận được tập "Thi Vân Yên Tử" của Hoàng Quang Thuận và lá thư em hóa  gửi cho Chị hôm 13 tháng 5 âm lịch chưa?
        -Có, chị nhận được rồi, ngay chiều hôm đó mà. Tập thơ của Thuận Chị chưa kịp đọc, nhưng khi mở ra Chị thích nhất nét chữ em đề tặng ở trang đầu bởi nó gợi cho Chị nhiều kỷ niệm thời thơ ấu.Tuổi học trò thời chiến tranh thật đẹp, thật đáng nhớ. Thế còn cái ông người Mỹ trong ảnh là ai vậy? Cho Chị biết được không?
        -Cũng chính vì chuyện có liên quan đến ông ấy mà em về gặp Chị lần này. Em cảm thấy lúng túng khó xử không tự quyết định được...
        -Vậy sao? Có việc gì hệ trọng đến thế sao. Chị thấy em trưởng thành lên nhiều lắm, hãy chứng tỏ là người đàn ông mạnh mẽ và bản lĩnh. Chị còn nhớ hồi nhỏ em gan lắm mà, em đã đi bộ cả đêm, không sợ máy bay Mỹ thả bom bi để trốn về với Chị cơ mà.
     
"Tất nhiên là em còn nhớ" - tôi nghĩ thầm. Nhưng Chị đâu biết rằng có lúc tôi cũng đã yếu đuối như môt đứa con gái. Đó là lúc biết Chị đi xa, đi xa mãi mãi, tôi đã bỏ cơm suốt cả tuần, và khóc sưng cả mắt, làm cho ai cũng ái ngại. Giờ đây, Chị làm tôi nhớ đến cái đêm sau khi Chị đưa tôi qua sông để về nhà, dọc đường bọn Mỹ ném bom napan cháy rực cả một góc trời. mấy hôm sau khi trở lại, tôi đọc được trong vở tập toán của Chị dòng chữ run run:"Chúng lại ném bom phía ấy. Em mà có mệnh hệ nào thì Chị sống sao nổi...".

Thấy tôi ngồi yên lặng, Chị lên tiếng:
        -Em nghĩ gì vậy?
        -Em đang nghĩ về chuyện đó. Em muốn hỏi chị, nếu trước mặt mình là người đã giết người thân của mình thì mình phải làm gì? 
        -Sao em lại có suy nghĩ kỳ cục vậy. Chuyện đã xảy ra như thế nào, vào lúc nào, lâu chưa em?
        -Em cũng không nhớ nữa! Em chỉ muốn nghe xem Chị còn nhớ những gì đã xẩy ra vào cái ngày oan nghiệt ấy, cái ngày mà chị rời xa em vĩnh viễn.
        -Em nói gì lạ vậy, Chị chưa bao giờ rời xa em, chị theo em từng ngày và luôn dõi theo từng bước đi của em. Chị chỉ lấy làm lạ là vào cái ngày chị bị thương vào ngực trái, rồi bị ngã xuống sông, đông người thế mà chỉ có hai đứa nhỏ nhất là em và Văn có cùng nhóm máu với Chị. Rồi sau đó Chị thiếp đi, và rồi thành ra như bây giờ...
        -Nhưng mà em nhớ chị... Nhiều lúc nhớ quay quắt tưởng chừng như không sống nổi...  
        -Chị cũng nhớ em nhiều không tả xiết. Nhưng cứ mỗi lần nhớ đến em là Chị lại nhìn thấy em ngay. Chị không biết nên khuyên em như thế nào bây giờ. Hay là em thử đọc lại mấy dòng Chị gửi cho em ngày xưa, sau tấm hình của Chị, em nhớ không? Biết đâu sẽ giúp em được điều gì.
      
Đó là bức ảnh của Chị mà tôi thích nhất. Chị phóng to và cho vào phong bì dán kín, ở ngoài ghi: "Chỉ được mở khi nào em cảm thấy buồn nhất". Tôi có ngờ đâu rằng sau khi Chị lên thuyền đi tập trung vào đại học mới có một ngày, tôi đã phải tự tay mở chiếc phong bì mà Chị để lại. Lời căn dặn của Chị ghi sau bức ảnh đã dạy tôi khôn lớn trong suốt cả chặng đường gian khó còn lại. Nhiều lúc tôi ngồi thừ người hàng giờ, da diết nhớ Chị - Nhớ những chiều chị ngồi bổ mía,bóc cam bắt tôi ăn. Thấy tôi làm nũng, cứ nhất quyết đòi Chị phải công nhận là Chị thương tôi nhất nhà, Chị kéo tôi lại gần, xoa xoa lên đầu tôi, búng búng vào tai tôi, rồi bằng một cử chỉ thật âu yếm, Chị dùng tay áo lau sạch nước mía dính trên cằm tôi - Tôi tắm mình trong cảm xúc yêu thương, thân thuộc mùi mồ hôi quấn quít -Chị đã đi bộ hàng cây số trong nắng gắt để về với tôi, khi nghe tin tôi bị cảm..!
      
Giờ đây bên Chị, tôi cảm nhận được bàn tay Chị mơn man trên má tôi làm khô dần những giọt nước ầng ậng chỉ chực trào ra từ khoé mắt. Những ngón tay của Chị vuốt vuốt tóc tôi nhẹ như làn gió thơm hương biển Mỹ Khê thân thuộc, rồi mân mê hai tai tôi như hồi còn bé. Tôi để yên như vậy mà lòng vợi đi bao nỗi buồn trong ráng chiều đỏ ối..!
       
Đã đến lúc chia tay, không hiểu sao tôi chẳng thể nói thêm được với Chị lời nào. Có lẽ con tim tôi đã thổn thức:
           -Chị !
           -Ừa, Chị đây. Đừng buồn nghe cưng của Chị, Chị vẫn luôn bên em mà. Hãy luôn nhớ rằng, xóa bỏ thù hận sẽ đi được xa và sẽ bay được cao. Đừng buồn nhiều em nhé.  Khi nào em cảm thấy buồn, hãy về đây với Chị, cưng nhá!  Lần này em hãy chú ý sức khoẻ của Má giùm Chị, nhớ đấy!
       
Thắp hết bó hương còn lại, tôi ngoái nhìn Chị lần cuối rồi bước nhanh ra cổng Nghĩa trang, sợ không cầm được lòng mình. Linh tính buộc tôi ngoái nhìn lần nữa: Bát hương trên mồ Chị bốc cháy rần rật trong gió chiều. Có lẽ thấy tôi không được vui khi nghe chị khuyên nên Chị an ủi tôi chăng? Một cậu bé đen nhẻm chỉ mặc mỗi quần đùi bối rối nhìn tôi, cạnh đó mấy chú bò đủng đỉnh gặm cỏ. Chắc cu cậu đã quan sát chị em tôi từ rất lâu. Cậu ta rụt rè hỏi:
           -Chắc bác ấy là chị của chú?
           -Ừ, đúng rồi. Thế cháu có chị không?
Thằng bé buồn bã lắc đầu.
Thật tội nghiệp! Tôi không tưởng tượng được người ta sẽ sống ra sao khi không có được một người chị ở trên đời!

  

Về đến nhà, tôi đặt hộp bánh, mấy chiếc oản và lọ dầu gội đầu lên bàn thờ coi như lộc của Chị cho.  Má đang dọn cơm, âu yếm nhìn sang, hỏi:
             -Sao lâu thế con,  thế chị mày biểu sao?
             -Thì vẫn thế! Chị con bảo chưa bao giờ Chị ấy rời xa con. Chị ấy nói dối. Lúc nào Chị ấy cũng nói thế. Nhưng nhiều lúc con muốn gặp Chị con mà không gặp được. Con nhớ...!
             -Má dặn con bao nhiêu lần rồi, phải nguôi dần đi chớ. Có phải Má không nhớ Chị mầy đâu. Chị mầy còn dặn gì nữa không?
             -Không!
         
Lần đầu tiên tôi nói dối Má. Tôi đã giấu không cho má biết những gì tôi đã tâm sự với Chị. Như những lần trước đây thì tôi đã huyên thuyên với Má đủ thứ chuyện do tôi bịa ra. Nào là chị con bảo phải đón Má ra Bắc ở cùng, nào là chị con dặn Má ăn chay ít thôi để đảm bảo sức khoẻ,vân vân và vânvân...
        Thấy Má chưng hửng thật tội nghiệp, tôi lảng sang chuyện khác. Tôi kể cho Má nghe việc tôi đã tìm ra bao nhiêu là người quen và người bà con nhờ mạng internet. Và rồi không biết như có ai xui khiến, tôi đã kể cho Má nghe việc tình cờ tôi đã tìm ra viên phi công lái chiếc Phantom F4H thuộc Không lực Hoa Kỳ đã phóng tên lửa làm đắm mấy con thuyền trên sông Kiến Giang vào rạng sáng ngày 29 tháng 6 năm 1966 như thế nào.  Với cái nhìn đầy vẻ ngạc nhiên, Má quay sang tôi hỏi: "Làm sao con biết?". Tôi giải thích để Má rõ là tôi đã truy tìm viên phi công đó qua mạng internet như thế nào, đã nhờ sự trợ giúp của Hội CCB Hoa Kỳ sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho "giải mật" hàng loạt tài liệu mật trong chiến tranh Việt nam ra sao.
       Nghe tôi nói đến Hội CCB Hoa Kỳ, Má chỉ cho tôi tờ báo để ở đầu giường, bảo tôi hãy đọc bài viết ở trang 3. Qua bài báo tôi biết được một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang Việt nam đang ở lại Đà Nẵng để chuẩn bị các thủ tục xây dựng một trường học tại Mỹ Lai, Quảng Ngãi, một địa danh đã gây nỗi đau đớn kinh hoàng cho cả hai dân tộc Việt, Mỹ và lương tri của nhân loại, là nỗi ô nhục khó tẩy sạch của quân đội Mỹ. Vết thương đang được những tấm lòng nhân hậu và cả những người lính Mỹ sám hối, chung tay hàn gắn. Tôi đọc đi đọc lại bài báo và ngờ ngợ khi đọc đến cái tên của vị trưởng đoàn, một cái tên rất quen. Và chỉ khi tôi đọc thêm phần giới thiệu quá khứ của ông ta tôi mới thực sự sửng sốt, ông ta chính là viên phi công lái chiếc F4H mà tôi đã truy tìm được qua mạng! Trái Đất này không những tròn mà quả là quá nhỏ bé!
      Má nhẹ nhàng cầm lấy tờ báo từ tay tôi, rồi nói:
     -Nếu con còn ở nhà thêm vài ngày, Má muốn con đưa Má sang Mỹ Lai dự ngày động thổ xây trường học. Má muốn nhìn thấy họ!

Chính cái câu cuối này của Má đã như một cái kíp nổ được châm ngòi, một cái gì đó không giải thích được bỗng trào sôi lên trong tôi, không cách gì ngăn lại kịp, khiến tôi lặng thinh quay mặt đi chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào Má. Cuối cùng, cố trấn tĩnh, tôi nói với Má:
      -Con không đi đâu, Má! Mà Má sang đó gặp họ làm gì. Họ là những kẻ giết người man rợ. Mà Má biết không, vị trưởng đoàn chính là viên phi công đã phóng tên lửa vào thuyền buồm có chị con ngồi trên đó, lúc đó ông ta mới 27 tuổi. Con không muốn nhìn mặt ông ta!

Câu nói của tôi làm Má sững người. Má đứng tựa lưng vào cánh tủ chết lặng. Sao tôi lại vô tâm và tàn nhẫn đến vậy. Làm sao tôi có thể lỡ lời để đưa Má và tôi vào hoàn cảnh trớ trêu này.
Má đứng đó lặng im, mắt trân trân nhìn lên Ban thờ Phật. Trên đó vẫn lung linh huyền ảo bức tượng Phật Bà Quán Thế Âm mà cách đây hơn hai mươi năm tôi thỉnh từ Chùa Ấn Quang về cho Má thờ. Đó là bức tượng Phật mà Má ưng ý nhất. Tôi nín thinh nhìn Má, sợ lỡ có chuyện gì không may. Cuối cùng, Má chậm rãi quay sang tôi, rồi nói:
         -Thôi con, nhắc lại chuyện đó làm gì. Để chị con yên...Mà con cũng thấy đấy, người ta đang sám hối...
 Má nói nhỏ nhẹ thì thầm vừa đủ nghe, nhưng giọng thì lạ lắm, nghe đứt từng khúc ruột.
         -Con xin lỗi Má!  Nhưng con không chịu nổi. Nếu Má muốn đi để con nói cái Hải nó đưa Má đi. Con không đi đâu!

Thật vô lý, sao tôi lại xẵng giọng với Má vào lúc này. Và sao tôi lại nhắc đến câu chuyện buồn thương đó để Má một lần nữa phải đau lòng.
Má lặng lẽ ngồi vào bàn xới cơm cho tôi, gắp lên bát tôi món ăn mà tôi ưa thích từ bé, rồi lẳng lặng đi đến bên bàn thờ. Má đi như chiếc bóng. Tay Má run run cắm thêm một nén hương trầm. Tôi lặng người nhìn Má, mặc cho hai dòng nước mắt chảy tràn mằn mặn trên môi....

Mỹ Khê, tháng 6 năm 2009  
LỆ HUỆ NTĐ
Vĩ thanh:       
Sáng nay Út Hải (Lệ Hải) gọi điện ra bảo "Anh nói chuyện với Má". Giọng Má nghe yếu quá, thương quá. Má nói "Các con ở lại nhớ thương nhau. Cùng lắm là đến mai Má về theo ông bà đây". Tôi thót cả tim, nhưng trấn tỉnh ngay vì những lúc quá yếu Má vẫn hay nói vậy. Tôi động viên Má và nói "Má không được đi đâu hết. Tháng sau con vào Giỗ Ba xong rồi Má muốn đi cũng được!". Giọng Má vẫn yếu nhưng nghe đã có phần tươi tỉnh hơn "Ừ, thì Má chờ tháng nữa!".

Tôi bảo Má cầm máy rồi đọc cho Má nghe mấy đoạn trong bài viết ở trên. Đọc xong, nghe đầu dây đằng kia lặng thinh một lúc, rồi tiếng Má: "Con nhớ ghi tên Phật (Pháp danh) của con vào cuối bài". Và tôi đã làm theo lời Má dặn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét