Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

CẬU TÔI

CẬU TÔI  
     PHẦN NĂM

Tối qua Mợ Hà ở lại trong Viện cùng Cậu tôi nên hôm nay để Mợ về sớm, có Hồng Nam đón. Sau khi đưa Mợ ra xe tôi quay lên với Cậu ngay. Chú Huyên cũng vừa báo cáo xong phần tin tức và tình hình thời sự trong ngày, chuẩn bị quay về Hoàng Diệu. Chỉ còn Cậu và tôi trong phòng. Cậu tôi đang chăm chú đọc một tập tài liệu, chắc chú Huyên vừa đưa đến. Thấy tôi lúi húi pha nước, Cậu tôi ngừng đọc và nói: "Mợ con là người rất hiền". Cứ tưởng Cậu tôi tâm sự vậy thôi nên tôi cứ lẳng lặng gật đầu mà không thưa lại, cũng không nói gì. Bỗng Cậu ngẩng lên nhìn tôi và nhẹ nhàng: "Con có thấy thế không?". Tôi nhìn Cậu và nói "Con có!".

Miệng thì đáp "Con có" nhưng đầu óc tôi đang mải nhớ về một ngày xa xưa, đã lâu lắm, cũng trong khuôn viên Bệnh viện này, tôi đã thấy một nụ cười thật hiền trên khuôn mặt phúc hậu của một người phụ nữ còn trẻ, nhìn tôi và cười, đó là Mợ tôi. Lúc đó tôi khoảng hơn mười tuổi, sống với Cậu Nho tôi ở Phố Hàng Chuối và học ở Trường Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc. Chiều hôm đó khi được tin Bà ngoại tôi mất, chúng tôi được nghỉ học và theo xe Cậu Nho tôi vào chờ ở sân sau của Quân y viện 108. Đang ngồi trên xe, tôi mở cửa kính và thò đầu ra ngoài, bất chợt nhìn thấy một người phụ nữ đi ngang qua rồi quay lại nhìn tôi. Tôi nhận ra đó là Mợ Hà vợ của Cậu tôi, người mợ mà tôi chỉ mới được gặp cách đó ít lâu, khi tôi vừa ra Hà Nội. Quay lại nhìn thấy tôi, Mợ gật đầu cười, một nụ cười thật hiền. Không phải lúc nào chúng ta cũng được nhìn thấy một nụ cười như thế!

Bạn hãy nghĩ đến nụ cười của một người mẹ, trong cơn khổ đau khi có người thân vừa qua đời, cười với các con mình để an ủi chúng, để làm cho chúng yên lòng. Đấy, nụ cười của Mợ tôi vào buổi chiều hôm đó chính là một nụ cười như thế. Nụ cười thật hiền đó đã in đậm vào trí nhớ non nớt của một đứa trẻ như tôi, và in sâu cho đến tận bây giờ. Cho đến sau này khi đã lớn khôn, lúc nào tôi cũng nhận được từ Mợ tôi một tình thương như của một người mẹ, luôn quan tâm lo lắng và dạy bảo.

Bữa tối hôm đó, có chị Hồng Anh ở lại ăn cơm với Cậu tôi, bữa cơm rất vui, tôi cảm thấy Cậu tôi ăn rất ngon miệng. Sau chương trình thời sự, Cậu tôi lên giường để bác sĩ Nhựa đo huyết áp. Ngoài bàn nước, chị Hồng Anh tranh thủ hỏi han và dặn tôi một số chuyện. Chị nói: "Trên mộ mẹ chị chỉ nên để hai loài hoa thôi. Hoa hồng tiểu muội chị thấy rất hợp. Còn gốc mẫu đơn đỏ chị mang từ Điện Biên về nay nó to quá, cô Lài sợ rễ nó đâm xuống sâu sẽ không hay. Hôm nào em kiếm cho chị giống bông mẫu đơn trắng để thay, chị nghe nói mẫu đơn trắng dễ trồng mà hương lại thơm". Tôi hứa với chị là tôi sẽ làm như chị dặn. Chị nói tiếp: "Nhà máy sứ Hải Dương nơi chị Hạ làm việc trước đây đã làm cho mẹ chị cái ảnh mầu bằng sứ rất đẹp. Hôm nào chọn ngày rồi nhờ anh Huấn ở Nghĩa trang Mai Dịch thay cho cái ảnh cũ trên bia". Tôi hứa với chị, tôi và Dương Tuấn sẽ đảm nhiệm việc đó. Tôi thấy chị Hồng Anh rất vui, chị chào Cậu tôi để về Hoàng Diệu, vì cũng đã hơi muộn.

Tối đó Cậu tôi không bảo tôi bật máy nghe nhạc như mọi hôm, tôi lẳng lặng đến ngồi trên ghế bên cạnh giường Cậu tôi. Cậu tôi nằm im, mắt nhắm, hai tay đặt trên bụng, tư thế như đang thiền. Một lúc sau Cậu tôi cất tiếng: "Cậu như đang nghe thấy có tiếng xe lửa chạy trên đường ray. Cậu bỗng nhớ lại một chuyến đi vào Huế, đến ga Vinh thì mợ Thái của cháu lên tàu. Hồi ấy mới quen sơ sơ nên chỉ gật đầu chào nhau mà không nói chuyện gì nhiều. Vào Huế, mấy hôm sau thấy mợ Thái của cháu sang tìm, nói là để nhận sách, cậu đoán là xin tài liệu. Cậu nói là sách còn chưa mua được, nói thế là vì tài liệu thì anh Diễu cầm, Cậu chưa nhận được thật. Thế mà mợ Thái cháu không tin, tưởng là Cậu có mà không đưa, dỗi bỏ về". Cậu tôi kể chậm rãi, với nét mặt rất vui, tôi có cảm giác Cậu tôi như trẻ lại. Cậu tôi đang sống với những kỷ niệm của một thời trai trẻ! 

Cậu tôi kể tiếp, sau khi kết hôn được một thời gian đâu sáu tháng nửa năm mà chưa thấy có "hiện tượng gì", thế là lo lắm. Cậu tôi bảo hồi đó nó thế, ai cũng vậy, cứ cưới xong là phải có con ngay, thấy chậm vài tháng là ai cũng lo, nhất là các cụ. Sau đó không biết có ai mách, mợ Thái nói với Cậu tôi: "Dưới Mơ (chợ Mơ bây giờ) có ông thầy xem hay lắm, hay mình xuống đó thử xem, một lần cho biết". Thế mà Cậu tôi cũng chiều mợ tôi, hôm sau hai người bắt xích lô, đi xuống phía Chợ Mơ, hỏi đường vào một con ngõ nhỏ.

Thấy tôi sốt ruột, tò mò muốn biết sự tình, Cậu tôi kể tiếp: "Gặp thầy, đó là một ông thầy đồ đã già, xem bói chỉ là làm thêm cho những ai cần mà thôi, không phải nghề của thầy.". Tôi sốt ruột "Thế ông thầy nói những gì hả Cậu?". Cậu tôi nói: "Ông thầy bảo, đừng lo, muốn có con thì sẽ có con, anh còn phải lo nghiệp lớn, nhưng anh chị sẽ phải sống xa nhau đấy...". Im lặng một lúc, Cậu tôi nói tiếp: "Ông ấy còn nói thêm một số cái nữa, nhưng mà Cậu chỉ nhớ có thế. Ông ấy nói thế mà đúng...". Cậu tôi nằm im, mắt nhìn lên trần nhà, không kể tiếp nữa. Tôi ngồi im như tượng, chỉ sợ mỗi cử chỉ của tôi sẽ chạm vào khoảnh khắc thiêng liêng đó, cái khoảnh khắc đã hóa thành kỷ niệm, và theo suốt cuộc đời của Cậu tôi.

Một lúc, tôi đếm lấy mấy viên Rutunda như bác sĩ căn dặn, rót một cốc nước ấm, mang đến để Cậu tôi uống trước khi ngủ. Cậu tôi nói: "Đúng ra là phải uống sớm hơn!". Mà đúng thế thật, đây là thuốc an thần thảo dược dạng nhẹ, chiết xuất từ củ bình vôi, muốn để ngủ được phải uống trước vài tiếng đồng hồ.

Chờ cho Cậu tôi uống xong mấy viên thuốc, tôi định đi buông màn thì Cậu tôi ra hiệu bảo khoan, Cậu tôi muốn kể cho tôi nghe một chuyện nữa, chắc đang liền mạch, sợ sau này quên. Cậu tôi kể, hôm đó thế nào khi về nhà lại thấy thiếu mất cái mũ phớt và cái khăn, nhớ đi nhớ lại không biết quên ở đâu, ở nhà ông thầy hay trên xích lô. Cuối cùng thì mợ Thái quyết định nhờ người quen tiện thể ghé vào nhà ông thầy hỏi thử. Ông thầy nhắn lại với mợ tôi là, có lẽ anh chị bỏ quên trên xích lô vì ở nhà thầy tìm không thấy. Ông thầy nhắn thêm, đừng lo, vài ngày tới người đạp xích lô thế nào cũng tìm tận nơi để trả lại. Và quả đúng thế thật, chỉ vài ngày sau, không biết bằng cách nào mà người đạp xích lô hỏi tìm được nơi ở của Cậu Mợ tôi ở phố Gia Ngư, trả lại chiếc mũ phớt mà Cậu tôi thường đội cùng chiếc khăn tay.   

Cậu còn kể cho tôi nghe về cái buổi chiều đáng nhớ, buổi chiều chia ly, cái buổi chiều khi hoàng hôn đã buông tràn phố cổ. Trên con phố nhỏ Cổ Ngư, Cậu tôi đã chia tay người vợ trẻ, mợ Quang Thái của tôi, cùng đứa con gái nhỏ chưa đầy tuổi, để cùng một nhóm thanh niên yêu nước sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tham gia hoạt động cách mạng. Tôi sẽ không bao giờ quên được khung cảnh của buổi chia ly mà Cậu tôi đã kể cho tôi nghe bằng một giọng trầm buồn: "Con cứ tưởng tượng đó là một con phố nhỏ, vắng vẻ, trời đã chạng vạng tối. Mợ thì bế Hồng Anh nằm vắt trên vai, hình như đang ngủ. Cậu và mợ cứ đi bên nhau như vậy, vừa đi vừa nói chuyện, không muốn để cho người đi đường để ý. Lúc sau thì mợ dừng lại vì phải quay về. Cậu vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, đi một đoạn lại quay lại nhìn, thấy mợ cứ ôm con đứng như vậy mãi. Cái hình ảnh ấy Cậu không bao giờ có thể quên đi được...". Có lẽ Cậu tôi cũng không thể ngờ rằng, đó là lần chia tay cuối cùng, đánh dấu một cuộc biệt ly đầy bi tráng! 

Tôi ngồi yên trên ghế, cứ để cho nước mắt chảy tràn. Sao lúc đó tôi cứ muốn chạy thật nhanh vào nhà tắm, đóng chặt cửa lại, và khóc thành tiếng thật to cho thỏa. Nhưng tôi vẫn cứ ngồi yên thế, như gắn chặt vào ghế, ngồi và ngắm nhìn Cậu tôi mãi không thôi. Không thể để Cậu tôi một mình vào lúc này...  

*Anh Diễu: Tôi cứ đoán là bác Nguyễn Chí Diễu.
*Đường Cổ Ngư: Tôi chỉ nghe một lần và sau này không hỏi lại nên không tin chắc vào địa danh này lắm. Không hiểu sao tên con đường này lại gây cho tôi ấn tượng mạnh đến thế.

CẬU TÔI
      PHẦN SÁU

Mấy hôm sau, xuất phát từ một ý tưởng ngồ ngộ, tôi xuống Chợ Mơ gửi xe máy rồi gọi một chiếc xích lô của một bác đã quá tuổi trung niên, nói với bác cho tôi đi theo đường Bạch Mai, ngược lên phía Phố Huế. Tôi nói bác xích lô cho đi thật chậm, cứ có ngõ là rẽ vào, đi hết ngõ lại quay ra, hết ngõ này đến ngõ khác, như đi tìm nhà người quen mà quên mất địa chỉ vậy. Trong tất cả các con ngõ đã đi qua, tôi có cảm giác như năm xưa, nhà ông thầy đồ mà Cậu Mợ tôi đã đến là ở trong ngõ Mai Hương. Đây là cái ngõ rộng và dài nhất so với tất cả các ngõ khác mà tôi đã qua trên Phố Bạch Mai. Hai bên ngõ, nhà cửa khang trang san sát, cư dân đông đúc ồn ào tấp nập. Không thể nào tìm lại được một chút cảm xúc dù nhỏ gọi là của Cậu Mợ tôi ngày xưa khi đi xích lô qua lối này. Ước muốn của tôi không thành, tôi đành bảo bác xích lô quay về.

Qua câu chuyện với bác đạp xích lô, tôi mới biết được vùng đất này sau giải phóng Thủ Đô năm năm tư, vẫn là vùng đất hoang cùng những mảnh rau ruộng lúa và nghĩa địa của những xóm dân quanh vùng. Rất có thể, cái ngõ mà Cậu Mợ tôi đã ghé vào nhà ông thầy đồ còn ở mãi trên kia, gần với Phố Huế hơn. Sau này tôi cũng chưa bao giờ kể lại cho Cậu tôi nghe về chuyến "trinh sát khảo nghiệm" thất bại của mình.

Vào một tối khi tôi lấy thuốc cho Cậu uống xong, tôi nán lại bên giường, nghe Cậu tôi kể thêm vài câu chuyện khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Khi Cậu tôi nhắc lại câu chuyện nhờ người tìm ông lang để chữa bệnh cho Bác Hồ khi Bác bị ốm nặng, tôi nói với Cậu là gần đây ngành dược đã cố công tìm hiểu và biết được, cái củ mà ông già miền núi đã sắc lên cho Bác Hồ uống chính là củ hà-thủ-ô trắng, dân địa phương thường gọi là củ mã-lì-nón, dùng trị bệnh sốt rét rừng rất hiệu nghiệm. Nghe thế Cậu tôi tỏ ra rất vui và lấy làm thú vị, Cậu tôi muốn biết là báo nào đã đưa tin này. Tôi không nhớ là đã đọc tin này trên tạp chí nào, Thuốc và Sức khỏe hay nguyệt san Xưa và Nay, tôi trả lời liều mạng là đọc được trên tạp chí Xưa và Nay. Thế là quả bóng đã được tôi liều lĩnh chuyền sang chân cầu thủ Dương Trung Quốc! Và cầu thủ này đâu biết rằng, người vừa chuyền bóng cho mình đã giấu kín trong lòng  những câu chuyện mà chỉ khi nào gặp nhau ở Cõi bên kia, anh ta sẽ post tiếp lên blog của mình, nếu quả thật bên kia có nối mạng, như các nhà ngoại cảm vẫn đồn đoán!

Qua các câu chuyện mà Cậu tôi kể, tôi mới biết là sau khi mợ Quang Thái hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò một thời gian khá lâu, Cậu tôi mới biết tin. Đó là vào một phiên họp tại Việt Bắc, tôi không nhớ Cậu tôi đã nói là phiên họp Chính phủ hay Quốc Hội, Cậu tôi ngồi cạnh bác Trường Chinh, và chính bác Trường Chinh đã nói cho Cậu tôi biết cái tin sét đánh đó. Quá bất ngờ, Cậu tôi choáng váng không hỏi thêm được câu nào. Sợ không nén được cảm xúc, Cậu tôi xin phép Chủ tọa phiên họp rồi lặng lẽ rời Hội trường đi ra phía vườn sau, tựa vào gốc cây cổ thụ, mãi hồi sau mới bình tâm trở lại.

Vào một ngày, có lẽ đó là ngày cuối tuần nên tôi có mặt trong Bệnh viện ăn trưa với Cậu tôi, đến chiều thì có chú Hoàng Tùng đến thăm. Trong những ngày điều trị trong Bệnh viện, đã có rất nhiều người đến thăm Cậu tôi. Từ bà con, người thân, bạn hữu đến các đồng chí lãnh đạo, nhưng tôi rất ít khi được chứng kiến, đơn giản là vì tôi chỉ có mặt vào ban đêm. Lần này được gặp chú Hoàng Tùng đến thăm Cậu tôi, tôi rất phấn khởi.

Thấy chú đi lại với những bước đi khó khăn, tôi ra cửa đón chú và dẫn chú đến ngồi vào ghế sa-lông. Tôi khoe với chú là tôi có biết Thắng, con trai của chú. Chú hỏi "Hai đứa học cùng à?". Tôi đáp "Dạ không, cháu biết Thắng khi chúng cháu cùng tập trung học chính trị và sau đó cùng nằm chờ ở Đoàn 871 bên Gia Lâm để đi làm NCS ở châu Âu". Chú nói "Thế à thế à!". Tôi quên không kể cho chú nghe là hồi đó, anh em rất hay trêu Thắng vì Thắng vui tính và kể chuyện tiếu lâm rất duyên. Dạo đó có Văn Liên người Diễn Châu, giáo viên cùng Khoa với tôi, hay nói với mọi người: "Nhớ nhường thằng này đi máy bay, đừng để nó đi tàu liên vận qua đất Trung Quốc, chúng nó mà phát hiện được chúng nó xẻo dái!". Lúc đầu tôi không hiểu giáp ất gì, nhưng sau Liên giải thích là "Bố nó là ông Hoàng Tùng, chỉ đạo mảng báo chí và truyền thông, Tàu căm ông này lắm". Vào thời kỳ đó, tình hình giữa mình và Trung Quốc căng như dây đàn, suốt ngày nghe hết chuyện lập phòng tuyến Như Nguyệt rồi lại các vụ người Hoa, biên giới Tây Nam ngày một nóng lên. Nhưng không mấy ai nghĩ đến là chiến tranh sẽ xảy ra. 

Một lát sau, Cậu tôi từ phòng ngủ đi ra, bắt tay chào chú Hoàng Tùng. Chú Huyên đi theo đằng sau, khoác thêm cho Cậu tôi một chiếc áo choàng mỏng. Tôi pha nước tiếp khách, nhưng chú H.Tùng bảo thôi, lấy cho chú một cốc nước lọc. Cậu tôi và chú Hoàng Tùng nói chuyện rất vui vẻ, thỉnh thoảng chú Huyên cũng góp thêm vào câu chuyện. Lúc sau, nghe cậu tôi nói "Anh còn nhớ chuyến công tác ba người ở Đồ Sơn không?". Chú Hoàng Tùng nói "Quên sao được anh, Bác bảo anh chọn người đi cùng làm thư ký, và anh chọn tôi, tôi đi ngay!". Cậu tôi nói: "Dạo đó anh còn nhớ mình có mang theo tài liệu gì tham khảo không, có bản đề cương nào không?". Chú Hoàng Tùng cười: "Làm gì có tài liệu nào, tôi nhớ chỉ có ba anh em trao đổi với nhau, rồi tôi chắp bút ghi ra giấy". Có lẽ Cậu tôi và chú Hoàng Tùng nhắc đến một bản Nghị quyết nào đó, đến cuối câu chuyện thì tôi được biết đó là Nghị quyết 15. 

Khi đứng dậy bắt tay từ biệt ra về, chú Hoàng Tùng tươi cười nói với Cậu tôi: "Không có Nghị quyết mười lăm thì anh vẫn là Võ Nguyên Giáp lừng lẫy năm châu, cả thế giới ai chẳng biết Võ Nguyên Giáp!". Cậu tôi nói: "Nhưng chúng ta cần sự thật!". Chú Hoàng Tùng nói: "Anh giữ gìn sức khỏe!". Chú Huyên nói: "Định đi cùng chú Hoàng Tùng ra tận xe nhé". Tôi thì mải nghĩ "Ông già này ăn nói hoa mỹ ghê, dùng đến cả lừng lẫy năm châu!". Sau này khi biết được chú đã từng là "trùm" tuyên huấn một thời, mới hết ngạc nhiên!

Tôi đi cùng chú Hoàng Tùng ra tận xe. Suốt một dãy hành lang rộng, thoáng và dài của A11, rồi chú dừng lại ở chiếu nghỉ cầu thang đứng thở đều chừng dăm phút, rồi đi tiếp ra xe, hai chú cháu không nói với nhau câu nào. Chú bước đi những bước chậm rãi, hơi khó khăn, nhưng xem ra vẫn còn vững chãi lắm!

Sau đó không biết qua ai nói, Cậu tôi biết được chú Nguyễn Côn cũng đang nằm điều trị ở đây, nằm cách mấy phòng, thế là "tổ chức" đến thăm. Cuộc thăm viếng kéo dài không lâu, vì lần đó chú Nguyễn Côn không được khỏe. Khi hai người chào nhau xong, chú Côn nói với Cậu tôi: "Báo cáo đồng chí, xin cho tôi được chuyển sang phòng khác, tiêu chuẩn của tôi không được sử dụng những thứ này". Nói rồi chú khua tay một vòng chỉ những trang thiết bị y tế hiện đại đặt ở trong phòng. Lúc đầu Cậu tôi và chú Huyên rất ngạc nhiên, nhưng sau nghe bác sĩ giải thích thì hiểu ra là chú Côn đang bị chứng giảm trí nhớ. Lạ lùng hơn là chú cứ khăng khăng khai tên tuổi quê quán chức vụ của mình bằng một cái tên lạ hoắc, nhưng lần nào nhắc lại cũng giống nhau. Điều đó đã làm cho các bác sĩ ở đây quan tâm để ý tìm hiểu. 

Mấy hôm sau gặp tôi ở cơ quan, Nguyễn Hoàng bạn tôi là con trai của chú có kể thêm là mấy hôm nay Hoàng vào chú cũng không nhận ra. Còn cái tên mà chú Côn nhắc đi nhắc lại, chính là tên của một thương binh nằm điều trị ở bệnh viện 108 này, và đã mất cách đây khá lâu. Thật là ly kỳ và hết sức lạ lùng. Nhưng cũng thật may mắn là sau một đợt điều trị dài ngày và tích cực, bệnh tình của chú Nguyễn Côn cũng khỏi, chú được xuất viện về nhà. Tôi báo tin đó cho Cậu Mợ tôi lúc đó đã về Hoàng Diệu, Cậu Mợ tôi rất mừng và nhờ chuyển lời thăm qua cháu Nguyễn Hoàng. 

Sau khi Cậu tôi xuất Viện về nhà, một tuần đôi ba lần tôi mới tranh thủ vào Hoàng Diệu thăm Cậu Mợ được. Và tôi bỗng nhận ra một điều, bên Cậu, bao giờ tôi cũng cảm nhận được sự yên bình và thanh thản nội tâm. Có người cho rằng đó là do tôi hợp vía với Cậu. Nhưng tôi thì nghĩ khác: Có lẽ đơn giản, vì Cậu là anh của Mẹ tôi!

CẬU TÔI
  PHẦN BẢY

Hằng năm, cứ vào Tiết Thanh Minh là cả nhà lại cùng Cậu tôi lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ người thân, trong đó có mộ mợ Quang Thái. Thông thường trước đó một hai ngày tôi lên Mai Dịch gặp anh Huấn để nhờ chuẩn bị trước một số thứ. Cũng không phải làm gì nhiều nhưng nếu có chuẩn bị trước thì vẫn hơn, khi cả nhà lên đến nơi thì những người già cả như Cậu Mợ tôi không phải chờ đợi lâu ở ngoài trời giá lạnh. Lần này, Cậu tôi muốn thăm Nhà lao Hỏa Lò trước khi viếng mộ ở Mai Dịch. Vậy là, theo sự phân công của chú Huyên, tất cả bắt tay làm công tác chuẩn bị và liên hệ với Ban Quản lý Khu di tích. Tôi đến gặp chị Dơn, phụ trách Khu di tích đặt vấn đề, chị tỏ ra rất phấn khởi và lên chương trình tiếp đón hẳn hoi. 

Đoàn đi thăm Khu di tích ngoài Cậu Mợ tôi và các anh chị, còn có anh Huân, anh Lợi, anh Hải và Long bạn của anh Biên. Long là người hết sức nhiệt thành mỗi khi nhà có việc cần giúp đỡ, đặc biệt Long còn là một trợ thủ đắc lực cho những người cao tuổi bởi vì hắn luyện được một số phương thức hỗ trợ người già cực kỳ hiệu quả. Tôi rất cảm phục Long.

Khi vào đến Khu di tích, chị Dơn đã chờ sẵn ở đó. Chị dẫn Cậu tôi cùng mọi người sang sân bên để thắp hương ở Đài tưởng niệm. Một khoảnh sân với khu vườn khiêm tốn cùng cụm Đài tưởng niệm với quy mô vừa phải, vậy mà vẫn tạo nên một không gian thiêng liêng đầy vẻ trân trọng. Trân trọng những giá trị lịch sử và trân trọng những người con đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Có lẽ bất cứ ai đến đây đều phải thầm cám ơn những cựu tù Hỏa Lò với Ban Liên lạc đầy trách nhiệm và những lão thành cách mạng đã đề xuất ý tưởng để lại một phần diện tích của số 2 Hỏa Lò cho Khu di tích bên cạnh dự án Tháp Hà Nội đồ sộ và hiện đại. Từ ý tưởng cho đến khi có được Khu di tích là cả một chặng đường cam go đầy trắc trở. Nếu không có tinh thần bảo vệ những giá trị lịch sử, không có sự kiên trì thuyết phục của các cựu tù Hỏa Lò, không có tiếng nói kiên quyết bảo vệ lẽ phải của các bậc lão thành cách mạng, chưa chắc đã có được Khu di tích Hỏa Lò như ngày hôm nay. Vậy mà tôi ngây ngô cứ tưởng đó là điều hiển nhiên!!

Cậu tôi đề nghị tất cả cùng chụp ảnh kỷ niệm ngay tại khoảnh sân dưới chân Đài tưởng niệm. Tôi đưa máy ảnh cho Long nhờ bấm hộ mấy kiểu, tôi muốn mình phải có mặt bên cạnh Cậu Mợ và các anh chị trong không gian thiêng liêng này.

Tiếp đến chị Doan dẫn đoàn vào thăm các phòng trưng bày bên trong Khu di tích. Ấn tượng nhất là chiếc máy chém được đặt ngay chính giữa phòng, bên cạnh là chiếc thùng to đùng đan bằng mây dùng để đựng xác tử tù sau khi hành hình, cạnh đó là một chiếc giỏ để đựng đầu lâu tù nhân sau khi xử chém, cũng được đan bằng mây. Chị Dơn tranh thủ giới thiệu nhanh một số dụng cụ tra tấn đã được sử dụng để tra khảo tù nhân trong nhà lao Hỏa Lò thời Pháp chiếm đóng.

Sau ít phút, chúng tôi đã có mặt trước cửa phòng biệt giam các nữ tù chính trị. Theo lời giới thiệu của chị Dơn thì Mợ Quang Thái mẹ chị Hồng Anh đã từng bị giam cầm tại căn phòng này. Từ song sắt cửa phòng giam nhìn vào, hơi chếch sang trái là bệ xi măng dùng thay giường nằm cho các tù nhân. Trên bệ, các nữ tù bằng thạch cao kẻ nằm người ngồi với các tư thế khác nhau cực kỳ sinh động. Phía trong cùng, một nữ tù gầy gò đang cúi xuống với dáng vẻ ân cần, có lẽ chị đang chăm sóc cho một nữ tù chính trị vừa bị tra tấn trả về. Ngay chính giữa, một nữ tù đang nghiêng người tựa mình vào bạn tù ngồi cạnh, có lẽ họ đang truyền cho nhau chút hơi ấm còn lại trong cơ thể, và dặn nhau hãy vững vàng khí tiết!

Nếu bạn là người dễ xúc động và khó kiềm chế bản thân, tôi tin chắc rằng nếu bạn có mặt tại đây, bạn sẽ tìm mọi cách phá tung cửa sắt chạy vụt vào trong, đến bên cạnh những nữ tù và tìm cách giải thoát cho họ!

Trong lúc Mợ Hà đang lúng túng cài những bông hồng đỏ lên khe nhỏ của cánh cửa sắt, những bông hoa tươi rói mà chị Hồng Anh vừa mua sáng nay, thì Cậu tôi vẫn đứng im phăng phắc, mắt dõi nhìn về phía bệ xi-măng bên trong phòng biệt giam như đang kiếm tìm một bóng hình thân thuộc.

Dưới đôi lông mày bạc trắng, ánh mắt Cậu trông thật huyền ảo, có cảm giác ánh nhìn đó có thể làm sống lại những hình hài bất động trong kia!
Cậu tôi đứng đó, tay phải vịn lên mép cửa sổ của cánh cửa sắt, tay trái Cậu như đang lần tìm thứ gì ở trong túi của áo khoác ngoài. Tôi đoán là Cậu đang tìm chiếc khăn mùi-xoa mà trước khi lên xe Mợ Hà đã cẩn thận đặt vào đó, và cuối cùng tôi đã tìm được chiếc khăn ở túi áo bên kia đặt vào tay Cậu. Cậu tôi cầm lấy chiếc khăn, rồi từ từ đưa lên thấm khô dần những giọt nước mắt vừa trào ra từ đôi mắt già nua đang nhòe ướt. Đứng ngay sau lưng Cậu, tôi nghiêng người tựa luôn vào tường, không kịp bấm máy ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động đó. Nếu không có Long cầm lấy tay và bóp chặt, có lẽ tôi đã bật khóc...   

Tất cả đứng lặng im nhìn vào phía trong phòng biệt giam, tạo thành một vòng cung phía sau lưng Cậu Mợ tôi. Bỗng Cậu tôi đứng thẳng người lên, bỏ chiếc mũ len xuống cầm tay, và đầu hơi cúi xuống. Tất cả không ai bảo ai đều tề chỉnh đứng nghiêm và cúi đầu tưởng niệm. Chị Hồng Anh quay sang định nói gì đó với Cậu tôi, nhưng mãi chị không nói được thành lời...

Cuối cùng, giọng nói của chị Dơn cất lên đã làm tan bầu không khí im lặng tưởng như đang đặc quánh lại. Chị mời cả đoàn lên tầng trên thăm tiếp các phòng trưng bày khác của Khu di tích. Một tay vịn vào lan can cầu thang gỗ, một tay bám vào vai anh Lợi, từng bậc từng bậc một Cậu tôi từ từ bước lên tầng hai. Trong một căn phòng thoáng rộng, chung quanh tường treo đầy các khung chữ vàng ghi lại đầy đủ danh sách các cựu tù chính trị ở đây qua các thời kỳ, được xếp thứ tự theo từng tháng năm.

Lướt qua một lượt các bảng danh sách, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những cái tên quen thuộc của các chiến sĩ cách mạng, có những cái tên chúng tôi đã được học thuộc lòng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Với sự hướng dẫn của chị Dơn, chị Hồng Anh nhanh chóng tìm được dòng chữ ghi lại tên tuổi của người mẹ thân yêu: Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Tất cả cùng Cậu Mợ tôi và chị Hồng Anh chụp ảnh lưu niệm bên bảng danh sách này.

Xong xuôi, chị Dơn mời cả đoàn vào một văn phòng nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng trang trọng và ấm cúng. Trong lúc chờ Cậu tôi ghi lại những dòng cảm tưởng, tất cả ngồi quanh bàn và thưởng thức chén trà nóng chị Dơn mới pha. Đầu phía bàn đằng kia, Cậu tôi tay cầm bút, tay sửa lại mục kỉnh, ngồi lặng im một lúc, rồi cúi xuống và bắt đầu viết. Chị Hồng Anh đứng chênh chếch phía sau lưng, hơi nghiêng người, mắt dõi theo những dòng chữ đang dần hiện ra trên trang giấy, những dòng chữ chất chứa yêu thương và quý trọng đối với người Mẹ muôn vàn yêu dấu.

Đang viết, bỗng Cậu tôi dừng bút, tay lật nhanh trang giấy như tìm đọc những dòng vô hình phía đằng sau những con chữ vừa hiện lên. Mái đầu bạc trắng hơi cúi xuống, lặng im, rồi Cậu tôi giữ chặt chiếc khăn mùi-xoa trong tay, từ từ đưa lên lau khô những giọt nước mắt vừa trào lăn. Chị Hồng Anh vội nhoài người, nhanh tay đỡ lấy chiếc kính lão. Tôi lia nhanh ống kính, vội vàng ghi lại khoảnh khắc rưng rưng đó! 

Sáng hôm sau, cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch viếng mộ, thắp hương trên mộ Mợ Quang Thái và những người thân, có cả chị Dơn cùng đi. Chị Dơn tâm sự, trong suốt thời gian làm việc tại Khu Di tích Hỏa Lò, chưa bao giờ chị được chứng kiến một cuộc viếng thăm đầy ấn tượng và xúc động đến vậy. 

TẤN ĐỊNH

1 nhận xét:

  1. Anh Tấn Định, em xin phép kéo link qua trang CLB và GAN để mọi người cùng đọc. Xin được chia buồn với gia đình lớn của anh.

    Trả lờiXóa