Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

CHỊ TÔI

22:26 20 thg 8 2012Công khai115 Lượt xem
3



BỖNG DƯNG...CHỊ TÔI



Trên VTV1 đang phát một phóng sự của truyền hình Quảng Bình. Bỗng dưng màn hình dừng lại khá lâu ở một tấm bia mộ, trên đó rõ ràng là họ tên chị tôi: Nguyễn Thị Bạch Cúc. Lời thuyết minh thì đang nói về nghĩa trang của những cán bộ miền Nam tập kết tại Đồng Hới. Vợ tôi từ bếp nghe thế chạy lên, vừa xem vừa nói "Sao lại có thể như thế được". Tôi nghĩ bụng, thật vô lý, nhưng mọi cái đều có thể...

Đoàn Hải, cán bộ Văn phòng Ủy ban Tỉnh nghe tôi tâm sự liền bấm máy hỏi một chị nào đó ở Ủy ban. Xong Hải nói với tôi: "Anh thử ra Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc xem, hình như khu mộ mà anh nói nằm phía đằng sau Nghĩa trang Liệt sĩ".

Ngay chiều hôm đó tôi mua một bó hoa cúc và mấy thẻ hương, thuê xe máy của khách sạn chạy ra Ba Dốc. Anh Trung quản trang nghe vậy liền dẫn tôi ra khu đất phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ tìm kiếm, tuyệt không thấy một khu mộ nào của cán bộ miền Nam tập kết. Đang lúng túng chưa biết nên hỏi ai thì thấy Đoàn Hải gọi, Hải hỏi xem tôi đang ở đâu. Khi biết tôi đang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc Hải nói ngay: "Nghĩa trang cán bộ miền Nam tập kết nằm ở thôn 6 anh ạ. Từ Ba Dốc đi vào Đồng Hới, khi chớm đường đôi có giải phân cách của thành phố thì anh rẽ phải, đi khoảng nửa cây số là đến". Theo chỉ dẫn của Hải, tôi tìm đến nghĩa trang một cách dễ dàng. 

Vừa dựng xe vừa quan sát, tôi thấy cả khu nghĩa trang đang như một công trường, hóa ra nghĩa trang đang được nâng cấp. Tiếp tôi là một Cựu chiến binh tuổi gần tám chục, bác giới thiệu tên bác là Kim Dị người thôn 4, và hỏi tôi tìm ai. Tôi kể lại đầu đuôi và nói với bác: "Tôi tìm chị tôi là Nguyễn Thị Bạch Cúc". Bác quay sang các tốp thợ đang xây, nói: "Các cháu kiểm tra hộ xem có ngôi nào mang tên Bạch Cúc không?". Thật bất ngờ, tốp hai công nhân đang xây ở ngôi mộ gần tôi nhất đồng thanh reo lên: "Đây rồi bác ơi, chúng cháu đang xây cho bà Cúc đây này!". Vừa nói một cậu thanh niên vừa chỉ vào tấm bia mới được lật lên dựng ngay đầu mộ. Tôi bàng hoàng cả người. 


Bước ba bước sang đến cạnh mộ, tôi nhẹ nhàng đặt bó hoa lên hàng gạch mới xây, hai tay xoa đi xoa lại trên tấm bia bằng đá liếp có dòng chữ mang tên chị tôi, những nức nở lặn hết vào trong mà sao hai dòng nước mắt thì không ngăn được. Tôi những muốn nói thật to mà không sao thốt nên lời: "Chị đây rồi, chị của em đây rồi". Tất cả những người có mặt ở trong nghĩa trang đều dừng tay, lặng phắc, ngoái nhìn...

Bác Dị khuyên tôi hãy nán lại chút nữa, chờ các cháu xây xong phần thành mộ phía trên thì có thể thắp hương cho chị được. Trong lúc chờ đợi tôi gọi cho mấy đứa em là Hiền, Hải ở Đà Nẵng và Dũng đang ở Bình Dương, đứa nào cũng xúc động và cảm thấy lạ lùng, rõ ràng là ba má đã đưa chị về Đà Nẵng rồi cơ mà. Bác Dị cho biết thêm, khu nghĩa trang này có tất cả 82 mộ chí, theo sổ sách quản lý của địa phương thì trong đó có 5 ngôi đã được hồi hương. Khi biết rằng chị Cúc đã được ba má tôi đưa theo về Đà Nẵng từ năm 1976, bác Dị tỏ ra rất ngạc nhiên, bác nói: "Không thể như thế được vì mộ và bia vẫn còn nguyên vẹn đây này". 

Bác giải thích, mộ nào đã hồi hương thường người ta mang bia theo hoặc chôn ngầm xuống đất, sau đó làm thủ tục cúng lễ rất cẩn thận, nếu không vong linh người chết không theo được về quê để nhập mộ. Bác nói: "Nếu ông già chú không làm đúng tập tục bản địa thì vong linh chị chú vẫn còn đâu quanh đây thôi, chưa về Đà Nẵng được đâu". Tôi nghe mà xót xa và thương chị quá. Nhưng rồi cũng được an ủi phần nào khi tôi nhớ lại là ba tôi cũng đã từng làm một cái lễ như vậy ở Lệ Thủy rồi. Bác Dị nói thêm: "Những bà con nằm đây hầu hết quê ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Ngãi, Bình Định cho đến Đồng Tháp, Cà Mâu, chúng tôi có trách nhiệm trông coi và chăm sóc. Chị chú đã về trong quê thì coi như đây là ngôi nhà thứ hai vậy, để có nơi đi về". Tôi lắng nghe và bỗng thấy lòng mình ấm lại.
Trước khi chia tay, bác xin ghi lại số điện thoại của tôi, của các em tôi, rồi nói: - Trên chỉ đạo là phải khẩn trương, cố gắng khánh thành vào dịp Quốc Khánh. Có gì tôi sẽ thông báo cho chú và gia đình biết". Tôi nắm chặt tay bác, người cựu chiến binh đã trải qua hai cuộc kháng chiến, không nói thêm được lời nào. Mọi lời cám ơn lúc này sẽ trở nên khách sáo và không cần thiết. 

Trước khi ra về, tôi thắp hương khấn chị: "Bằng an chị nhé! Ngày khánh thành nhất định chúng em sẽ về!".

TẤN ĐỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét