Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

THẰNG ÚT


THẰNG ÚT


Gọi là Thằng Út vì nó là trai út trong mấy anh chị em, chứ nếu so với cả nhà thì nó chỉ là áp chót ! Mẹ đẻ nó ở nhà Hộ sinh phía đằng sau trường Tiểu học, xung quanh là cả một vườn đu đủ, và cơ man nào là các bụi cây thầu dầu. Các cụ bảo số thằng này không giầu thì cũng no đủ hơn người!

Lúc còn nhỏ nó trắng trẻo bụ bẫm, ai bế cũng thích "cắn cho cái" nói như câu cửa miệng của các bà các cô. Vậy mà bỗng nhiên mẹ bị viêm tuyến vú mất sữa, mấy chị em phải bế nó đi xin bú chực khắp xóm. Mỗi khi khát sữa nó khóc ngằn ngặt khản cả tiếng, ai nghe cũng thương. Người vừa sinh con lại nhiều sữa nhất là chị Duyến con chú Xạ Duyến. Nếu tính ngôi vị trong họ thì chị Duyến là em họ thằng út nhà này. Vì thế mỗi khi nghe tiếng thằng út khóc đòi bú là chị Duyến lại tất tưởi băng hàng rào chạy sang, tay vừa vạch ngực áo miệng đã liến thoắng "Em đây em đây" làm cả nhà không nhịn được cười. Còn mẹ thì một tay xoa xoa vào ngực vì vừa đắp thuốc đang nhức, miệng cười như mếu. Thương ơi là thương!

Khoảng ba bốn tuổi nó đã phải theo Mẹ bay ra Hà Nội chịu tang bà ngoại. Trong một loạt ảnh chụp vào dịp ấy có hai cái hình nó rõ nhất. Một cái chụp lúc Bác Hồ sang thăm, đúng thời điểm vừa đưa thi hài bà ngoại từ bệnh viện 108 về và đặt bà nằm trên giường nệm trắng. Bác Hồ đứng cúi đầu mặc niệm một bên, một bên là Mẹ đang bế nó. Năm ấy nó khoảng bốn tuổi. Một cái chụp lúc phát tang, trong ảnh này chị Hoài đang bế nó đứng bên cạnh quan tài bà ngoại. Cả bảy chiếc ảnh chị Hồng Anh đưa cho anh Trọng Thanh nhờ chụp lại, và thế là không bao giờ còn thấy chúng ở đâu nữa.


Còn nhớ năm đó chắc nó được khoảng hai ba tuổi gì đó, mẹ dặn ba anh em ở nhà chơi với nhau để mẹ đi chợ. Đến cuối chiều nó nhớ mẹ cứ khóc inh đòi bế đi tìm. Mình bế nó men theo dọc đường làng đi ra phía chợ, dặn cu Lộc ở nhà trông nhà. Đến đầu làng thì gặp mẹ. Mẹ vừa đón nó trên tay mình vừa mắng ầm lên là tại sao bỏ nhà không ai trông, trộm nó khoắng hết thì sao. Lúc đó mới phát hiện ra là cu Lộc không trông nhà như đã phân công, mà bí mật bám theo hai anh em. Được trận nhớ đời về tinh thần cảnh giác!

Lớn lên một chút nó hay bị suyễn, cứ sốt là cổ khò khè khò khè, khó ngủ và hay khóc đêm. Không biết ai mách, mẹ bắt rắn mối (ngoài bắc gọi thằn lằn) thịt cho nó ăn, vậy mà đỡ hẳn. Từ đó cu Lộc trở thành tay săn bắt rắn mối chuyên nghiệp hết sức thiện xạ, đến nỗi tụi nhỏ trong xóm đặt cho biệt danh là Lộc "tắn mối".

Nhà bị bom, nó lại theo mẹ ra Hà Nội định cư ở Văn Điển. Lúc này nó khoảng 9 tuổi. Vì thế bạn học phổ thông của nó ở Văn Điển, Ngọc Hồi, Đông Mỹ, Ngũ Hiệp rất đông. Có một cô xinh xinh bán cá ở chợ Ngọc Hồi hay bán rẻ cho mẹ dưới một hai giá. Mẹ lấy làm lạ sau hỏi thăm mới biết, té ra là bạn học phổ thông của thằng út nhà mình!

Là sinh viên rồi mà thỉnh thoảng nó vẫn bị những cơn suyễn hành hạ, sau này mới biết gọi là hen chứ lúc đầu cứ cho là suyễn. Có đêm mẹ thức trắng ngồi tựa lưng vào cọc mùng, còn thằng út thì nằm nghiêng nghiêng với tư thế nửa nằm nửa ngồi tựa vào lòng mẹ mới thở đều và ngủ được một giấc ngắn. Chỉ có thế thôi mà mẹ đã mừng như bắt được thuốc tiên.

Mấy ngày gần đây phát hiện bị bệnh, nó gầy đi trông thấy, mệt mỏi, thần sắc kém, hỏi thì nó bảo chỉ thấy mệt, ăn cũng tạm được. Không phải hen cũng không phải suyễn, thế thì ốm bệnh gì. Mẹ đã đi xa, biết hỏi ai bây giờ. Hay chiều mai lên Chùa Phụng Thánh tìm mẹ hỏi mẹ xem sao chứ biết làm thế nào bây giờ.


Nó bảo chiều nay phải vào Viện để truyền, ước gì mình cõng nó đi như hồi còn bé. Hay để anh ngồi tựa lưng vào tường, rồi em nửa nằm nửa ngồi tựa vào lòng anh cho họ truyền nhé. Me ơi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét