Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

MỢ TÔI

MỢ TÔI

Kính dâng Hương Hồn Mợ yêu quý
 
Trong tháng Ba âm lịch hàng năm có bốn cái Giỗ quan trọng tôi cần phải nhớ. Từ ngày Ba tôi đi xa về với Tổ tiên tôi phải học thuộc các ngày giỗ trong năm và tập cách tra Gia phả. Sáu chục tuổi đầu mới tập tành làm những công việc như vậy không phải là quá sớm! 
 
Trước tiên là Mùng Mười Giỗ Tổ, có lẽ con dân nước Việt ai cũng phải nhớ, chẳng riêng gì tôi. Trước Giỗ Tổ một ngày là ngày Giỗ Bà Nội. Lùi lại một tuần, mùng bốn là ngày Giỗ Dì Liên, chị của Mẹ tôi. Dì mất sớm để lại hai đứa con gái, đó là chị Xuân và chị Hạ. Từ bé cho đến lúc về già, hai chị lúc nào cũng gọi Mẹ tôi là Mẹ, và cư xử như là với mẹ đẻ vậy. Sau Giỗ Tổ hai ngày là Giỗ Mợ Miến, vợ Cậu Nho của tôi. Cậu Nho hơn Mẹ tôi ba tuổi. Sau Mẹ tôi, Mợ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình hình thành nhân cách của tôi.
 
Mợ bước vào đời tôi tự nhiên như một người mẹ. Cũng bởi từ những ngày đầu tiên được sống với gia đình Cậu Mợ, tôi đã gọi Mợ là Me như các anh chị trong nhà. Gọi Me và xưng con một cách tự nhiên như trời sinh ra thế, có lẽ một phần là nhờ lúc ở nhà trong quê, tôi cũng gọi mẹ tôi là Me rồi. Trong tất cả các trang nhật ký tôi ghi chép về Mợ, chỉ thấy gọi Me xưng con như ngoài đời vẫn vậy. Nhưng ở đây, trong bài viết này tôi sẽ viết là Mợ, để bạn đọc dễ theo dõi.
 
Mợ tôi có cách dạy con khác Mẹ tôi, dạy mà như không dạy, chiều chuộng hết mực nhưng rất nghiêm khắc. Không mắng mỏ nặng lời nhưng chỉ cần nhìn vào ánh mắt của Mợ là biết mình cần phải làm gì. Có lẽ Mợ tôi nắm chắc được một điều, đó là các con đều thông minh nhạy cảm và hiếu đễ, chúng biết phải làm gì để sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, không làm cho bố mẹ phải phiền lòng.
 
Còn nhớ, tôi và Thạch Sơn anh tôi cùng tuổi, hai đứa được xếp một phòng xinh xắn ở gác hai. Mợ tôi có lịch phân công công việc cho hai đứa hẳn hoi, đứa nào lau nhà, đứa nào quét ban công, lúc nào tập thể dục, lúc nào tưới cây, thay nước bể cá, nhất nhất đều làm theo lịch. Hàng tuần đều có nhận xét, cho điểm. Đến cuối tháng tổng kết đứa nào nhiều điểm hơn thì sẽ được thưởng. Thường là Mợ cho tiền đi ăn quà, hai đứa đều được cho tiền, nhưng đứa nào nhiều điểm hơn thì được cho thêm. Những tháng đầu tôi và Sơn còn ganh đua nhau, nhưng về sau thấy đứa nào thắng rồi cũng thế, cùng chung tiền lúc đi ăn quà cả, nên đâm sao nhãng, và Mợ đã rất buồn. Biết vậy nên tôi và Sơn chăm chỉ hơn trước, thỉnh thoảng cũng có vài vụ hai đứa cộng tác để đối phó với các cuộc 'thanh tra' đột xuất của Me.
 
Nhớ nhất vẫn là cái vụ tôi tè dầm lúc ngủ, chuyện này có lẽ đến bây giờ vẫn là một bí mật lớn nhất trong đời, chưa ai biết ngoài Mợ tôi. Sáng đó tôi dậy thật sớm, vì là quần ướt mà vào mùa đông nên không tài nào ngủ được, tôi dậy và đứng thu lu ở cửa phòng tắm. Mợ nhìn thấy biết rõ sự tình liền lấy quần bắt tôi thay ngay, rồi nhanh chóng thay ga giường ngủ cho tôi. Mợ còn lấy một cái khăn tắm lót che phần ướt dưới đệm rồi giấu nhẹm tang vật. Được một phen hú vía! Nếu lộ chuyện, biết chắc là anh Sơn sẽ gán cho tôi một biệt danh nào đó, và sau đó chắc chắn sẽ đến tai bọn ở lớp. Lúc đó thì có mà chui xuống lỗ!
 
Lần nữa là lần tôi bị ném sưng đầu làm Mợ hết sức lo lắng. Số là tôi chơi xèng rồi thua thằng Thắng ở số nhà 44 đối diện bên kia đường, sau này lớn lên mới biết bố Thắng là ông Đỗ Tất Lợi rất nổi tiếng. Lần đó tôi thua sạch, xin lại mấy xèng nó không cho, tức quá tôi chộp túi xèng chạy bay ra đường. Chưa kịp chui vào nhà thì đã bị một "củ đậu bay" tương ngay vào sau đầu đau điếng. Quay nhìn lại đã thấy thằng Thắng đứng bên kia đường cười lêu lêu nhăn nhở. Nó thấy tôi xòe bàn tay đỏ lòm những máu thì hốt hoảng trốn biệt vào nhà. Anh Sơn nhanh trí chạy xuống bếp vốc một vốc muối đắp ngay vào chỗ sưng. Không ngờ chỗ sưng tăng trưởng nhanh đến vậy, có lẽ còn nhanh hơn là tăng giá bây giờ! Chỗ sưng lại còn nhức giật giật nhói lên cả đỉnh đầu, có nguy cơ phải nghỉ học, vậy nên quyết định phải khai thật với Mợ. Và Mợ tôi đã trổ tài lang vườn, mợ xin một nắm lá gì đó ở ban công nhà bác Lợi, nhai nhuyễn rồi đắp vào chỗ đau cho tôi. Thỉnh thoảng Mợ lại bắt tôi cúi thấp đầu xuống rồi thổi phù phù vào chỗ đau, hơi thở man mát âm ấm, dễ chịu vô cùng.
 
Trong bữa cơm, Cậu tôi hỏi "Định, đầu con sao vậy?". Mợ tôi nhìn Cậu đỡ lời: "Nó bị cái nhọt đầu đinh sưng tấy". Sơn nghe Me nói thế tròn mắt ngạc nhiên, bưng bát cơm vừa chan đầy nước vối chạy vội ra hành lang, cười khùng khục. Tôi và vội miếng cơm rồi cũng chạy theo ra, tức như bò đá!
Cái u lúc đầu sưng to bằng quả trứng gà, nhưng chỉ một tuần là khỏi. Có lẽ nhờ vào mấy cái lá cây nhà bác Lợi thì ít, mà phần lớn là nhờ vào độ ấm của hơi thở Mợ tôi thổi cho! Chắc chắn là như vậy rồi!
 
Mợ còn bày cho tôi và Sơn cách muối trứng vịt, muối khô và muối nước. Chỉ đường cho hai đứa ra Đầm Trấu phía ngoài đê xin tro bếp và đất phù sa. Mợ đâu biết rằng đường ra Đầm Trấu thì Sơn, Thắng và tôi đã thuộc như lòng bàn tay vì bọn tôi hay trốn nhà ra đó tắm trộm. Có lần vì ham tập bơi ở chỗ bè nứa, Sơn suýt chết đuối còn thằng Thắng từ đó rủ mãi không dám đi nữa. Mợ còn giao cho Sơn và tôi đến nhà người quen ở Phạm Đình Hồ bứng rồi khênh về cả một cây vú sữa cực đẹp, trồng ngay vào khoảnh sân nhỏ nằm giữa phòng ăn nhà trên và gian bếp phía dưới. Lúc ấy còn nhỏ tuổi nên hai đứa thấy công trình trồng cây này là quá vĩ đại, đặc biệt hồi đó cây vú sữa lại đang là biểu tượng của miền Nam ruột thịt.
 
Có một lần sau bữa trưa, sau khi ngó vào thấy hai ông con đã nằm im trên giường, Mợ khép cửa đi nghỉ. Chỉ loáng sau hai đứa đã có mặt ở ban công với mỗi đứa một súng cao su trong tay. Trời mưa nên không trèo tường đi chơi được. Chim vành khuyên và chim sâu cũng trốn đâu biệt tăm. Ngó tới ngó lui chỉ còn cây đu đủ đầy quả xanh của số nhà 53A, và khi thấy những viên đạn hình chữ U uốn bằng dây thép cắm phập vào quả đu đủ hai anh em khoái chí vô cùng. Bị kích thích bởi những đám mủ đu đủ trắng xóa đặc quánh lại bám chặt vào chùm quả, chúng tôi bẻ phấn trắng làm đạn và tiếp tục cuộc thi bắn đạn thật. Kết quả là hộp phấn viên hết veo. Cuộc chơi đành kết thúc khi giờ học bài buổi chiều đã điểm.
 
Cuộc bắn đạn thật ấy đã để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Bà chủ nhà người Hoa bên số 53A đã mời Mợ tôi sang nói chuyện. Không biết người lớn nói gì với nhau nhưng khi về thấy Me rất buồn, hai đứa im thin thít chẳng dám hỏi. Bữa tối trôi qua nặng nề sau đó mọi người ai về phòng nấy, chỉ còn anh Minh là anh cả trong nhà bảo hai đứa ngồi lại. Hai anh em nhìn nhau trong bụng cực run, vì đã biết tính anh, ít nói nhưng rất nghiêm. Sau khi tra hỏi mấy câu hai đứa đành khai thật hết và giao nộp vũ khí, té ra là năm cái chứ không phải bốn. Này nhé, hai súng cao su mi-ni dùng bắn đạn thép chữ U, hai súng cao su bắn đạn sỏi viên nhỏ, Sơn còn thửa thêm một súng bắn hạt trám nữa, vũ khí này đang giai đoạn hoàn thiện! Cứ tưởng anh Minh tịch thu rồi hủy, hóa ra không, anh lấy chun buộc thành một túm rồi quẳng lên nóc tủ ly ngay trong phòng ăn. Vậy mà chúng cứ nằm ở đó mãi chẳng đứa nào dám ho he!
 
Một ngày nọ, Mợ tôi mang về mấy quyển sách mới toanh còn thơm mùi mực in, đó là sách cho thiếu nhi, cuốn "Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karic và Valia". Khi cả nhà đang tíu tít với "sách của Me sách của Me" thì Mợ tôi giơ cao quyển sách, chỉ vào dòng chữ nhỏ phần ghi người dịch, nói: "Hai người dịch đấy nha, không phải mình Me đâu nha!". Lúc đó cả nhà mới để ý và reo lên vui sướng: dòng ấy ghi "Phan Thị Miến và Thiệu Huy - Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp". Cả nhà vui sướng ríu rít là vì đồng dịch giả Thiệu Huy ngày đó mới có ba tuổi, và rất hay khóc nhè làm nũng. Huy là út trong nhà, sát ngay sau Quang. Hồi đó tôi không để ý lắm đến việc Huy còn bé mà đã được in tên lên sách, ấn tượng với tôi nhất chính là mấy chữ "Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp". Tôi tự hào về Mợ tôi! Và ngày ấy cứ tưởng chỉ duy nhất có Mợ tôi là biết tiếng Pháp! Quyển sách Mợ dịch từ tiếng Pháp, quyển "Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karic và Valia" là quyển sách mà tôi thích nhất, nó ám ảnh suốt quãng đời còn lại của tôi, ngay cả khi đã thuộc biên chế của Hội người cao tuổi!
 
Điều lạ lùng là cách đây không lâu tôi lạc vào một trang web giới thiệu sách cho lứa tuổi thiếu nhi, thấy trong danh mục có quyển "Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karic và Valia", không hề có ghi tên người dịch, mặc dù các sách khác đều có ghi. Trong danh mục của một trang web khác lại còn xuất hiện một quyển nhái, đó là quyển "Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karic và Valia". Trong tên sách họ cố tình thêm chữ "Những", nhưng lại giả vờ quên ghi tên người dịch. Tôi hỏi nhà thơ và là dịch giả Thúy Toàn, ông nói "Có thể khiếu nại được". Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Quang Lập, anh nói "Khiếu nại bản quyền ở nước mình là chuyện đơm đó ngọn tre, hehe". Thế mà còn cười được thì đau thật!
 
Dịch sách là niềm say mê của Mợ. Ngay từ những ngày còn bé tôi đã thấy đêm nào Mợ tôi cũng say sưa với những trang sách nước ngoài đã được tháo rời ra từng xếp nhỏ một, gọi là "tay sách". Mãi sau này tôi mới hiểu là Mợ tháo rời ra như thế để dễ cho vào túi xách mang đi mang lại giữa cơ quan và về nhà. Đêm về nằm đọc cầm tay sách cũng nhẹ nhàng và thuận tiện cho việc vừa dịch vừa phải ghi chép. Về sau, khi đã rời Viện Nghiên cứu Giáo dục về nghỉ hưu, Mợ tôi vẫn cộng tác với các đồng nghiệp như bác Phùng Văn Tửu, Đỗ Đức Hiểu và Hoàng Thiếu Sơn tiếp tục công việc dịch thuật và giới thiệu sách văn học nước ngoài. Một số tên sách Mợ tôi đã dịch và tham gia dịch mà tôi còn nhớ như Iliat và Ôđixê của Hômerơ, Kịch tuyển chọn của Victo Huygô, Sách dành cho các bậc cha mẹ của Macarenko, và một vài quyển khác nữa.
 
Tôi không bao giờ quên cái ngày in xong quyển Iliat và Ôđixê của Hômerơ. Đó là một quyển sách được biên tập kỹ càng và dày dặn, bởi nó được tập hợp từ hai quyển Mợ tôi dịch, mà trước đây in thành hai quyển riêng biệt. Còn nhớ đó là vào năm 1997, khi Cậu Nho đã đi xa, Mợ tôi trải qua những ngày cô đơn và trống trải, mặc dù các con luôn bên cạnh. Thời kỳ đó tôi ghé về với Mợ thường xuyên hơn. Lần ấy Mợ không đợi tôi ghé về, Mợ bảo chị Dung, chị dâu tôi gọi nhắn tôi vào 53B Hàng Chuối. Tôi cứ tưởng có việc gì sai bảo, hóa ra là để Mợ cho tôi quyển sách mới in với lời đề tặng chan chứa yêu thương. Cách đây mấy năm cô giáo Quỳnh Nga ra Hà Nội, trong một lần đến thăm cô ở Bà Triệu, biết là cô thân thiết với Mợ nên tôi mang theo quyển sách để khoe. Tôi nói: "Để cô biết rằng em có thêm một người mẹ nữa". Cô ngỏ ý muốn giữ quyển sách một thời gian, và tôi đã đồng ý.
 
Hết phần Một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét