NHỚ QUÊ NGOẠI
Nhân đọc bài "RÉT NÀY LẠI NHỚ QUÊ XƯA" của Văn Thành Nhân
Trời rét nhớ nhà, ngày tết nhớ quê, đó là lẽ thường tình. Nhưng ngồi ngay giữa lòng quê hương mà nhớ quê đau đáu đến thắt cả ruột gan thì ngoài VTN (Văn Thành Nhân) ra, tôi chưa biết đến người thứ hai!
Nhớ quê, thường là càng xa càng nhớ. Nếu cứ lấy bán kính rồi khoanh một đường tròn thì quê tôi nằm trên cái đường tròn có bán kính năm trăm ki-lô-mêch. Như thế cũng gọi là xa xứ được rồi, nhưng xa sao bằng những người có quê tận Nam Bộ, rồi Kiên Giang, rồi Cà Mau. Như thằng con rể tôi đây, thì bán kính đó phải tính bằng con số ngàn, rồi nhớ quá nói vống lên là xa quê hàng ngàn cây số, cũng không thấy ngoa. Nhưng mà thương lắm!
Kể lể đo đạc tính toán chi li thế để mà cảm cái nỗi niềm của người nhớ quê khi đang nằm ngay giữa rốn quê hương. Ta thử lấy Ô Quan Chưởng (nơi ở của VTN) làm tâm điểm rồi quay một đường tròn có bán kính khoảng mười (10) hoặc cứ xênh xang hẳn mười một (11) ki-lô-mêch đi, thì toàn bộ danh sách quê Nội quê Ngoại, rồi cận Nội cận Ngoại của VTN đều nằm lọt thỏm trong cái hình tròn đó. Vậy mà lúc nào cũng đau đáu một nỗi nhớ quê. Ngày rét cái nhớ nhân lên gấp bội, chả biết đến ba ngày Tết rồi sẽ thế nào. Có lẽ Hội Bloggers QC-HN phải cử người canh chừng ông này mới được!
Nhưng rồi đọc lại bài tâm sự của VTN kỹ hơn một chút, ta bỗng nhận ra rằng, nếu ta mất quê như VTN thì ta sẽ thế nào? Cũng bởi cho đến lúc đọc được những dòng tâm tư của VTN, tôi chưa hề có khái niệm "mất quê", như thế cũng coi như mình là người quá hạnh phúc, nhưng mà cũng vô tư quá đi!
Mất quê. Tôi đọc và bỗng thấy lòng mình lắng lại rồi đắng chát. Đã có ai đi qua quê Nội, rồi chỉ thấy còn mỗi ngôi Chùa là sót lại, rồi săm soi để ý đến mức thuộc nằm lòng cả đến những cái hốc nhỏ cũ kỹ của một ngôi tháp mộ trên mảnh sân chùa xưa?
Người đó chỉ có thể là Văn Thành Nhân!
Nghe VTN tâm sự nỗi niềm tôi bỗng nhận ra mình là người hạnh phúc, khi nói về quê cha đất tổ. Vậy hạnh phúc ở điểm nào?
Này nhé, bên Nội bên Ngoại tôi là đầu làng cuối xã. Từ quê Nội cứ dọc theo dòng Kiến Giang thì khoảng hơn nửa tiếng chèo đò là đến. Nói thế cho nó xa xôi thêm một chút, chứ mà đi xe đạp hay xe máy như bây giờ thì xe chưa kịp nóng máy đã thấy nhà Ngoại rồi. Ngoa một tí cho vui chứ trên thực tế nó cũng nhanh thật, đến 4 cây số mà không có cái ngã tư nào, không có cái đèn đỏ nào, cũng không phải tránh cái ô-tô nào thì các bác bảo tay lái lụa như tôi đây, lại phóng bạt mạng như là đang trên đường Láng Hòa Lạc, thì mất bi nhiêu!
Thời nhỏ, tôi gắn bó với nhà Ngoại lắm lắm. Tôi có cái thiệt thòi là ngay từ bé đã không được sống với Ông Bà ngoại một tí xíu nào. Già rồi, đôi lúc nghĩ lại vẫn thấy tủi thân, lạ thế. Có lẽ vì khi mình có cháu ngoại , rồi thấy nó hạnh phúc như thế nào trong vòng tay ông bà ngoại, rồi mới liên hệ đến bản thân, chứ trước đây không có thế. Bù lại, nhờ có mẹ, anh em tôi gắn bó với ngôi nhà của Ngoại hơn bất cứ một đứa trẻ nào ở quê!
Cổng nhà Ngoại tôi (Ảnh Trương Duy Nhất)
Ông ngoại tôi hy sinh trong nhà lao Huế khi tôi còn chưa chào đời. Còn Bà ngoại lại ở Việt Bắc. Vì vậy mẹ tôi thường đưa các con về nhà Ngoại để chăm sóc ngôi nhà bỏ không trong hàng chục năm trời, vì thế mà trở nên gắn bó. Đến khi chị Cúc tôi bị tên lửa Mỹ phóng vào thuyền bị thương nặng, cũng được đưa lên nằm tạm để sơ cứu ở bến sông nhà Ngoại, rồi từ đó mới chở lên bệnh viện huyện. Vì vậy cứ mỗi lần về Ngoại là thế nào tôi cũng xuống bến sông ngồi một lúc lâu, khi nào mẹ gọi lên ăn cơm mới chịu lên.
Ông Bà ngoại để lại cho mẹ tôi ba sào ruộng mật cách nhà có một tầm bắn súng cao su, vì thế kể từ lúc gieo mạ cho đến lúc cấy cây lúa xuống đồng, rồi đến ngày mùa nào là gặt là đập là phơi nhất nhất đều ở nhà Ngoại, mãi sau này đưa ruộng vào HTX mới thôi.
Sân nhà Ngoại tôi (Ảnh Trương Duy Nhất)
Đọc VTN rồi ngẫm đến mình thời nhỏ, trẻ con có gắn bó với bên ngoại hay không phần nhiều cũng nhờ người mẹ. Trừ những tháng năm tôi sống ở Hà nội (cũng lại ở với bên ngoại!) còn nếu đã ở quê thì mẹ tôi luôn có việc để các con phải về bên Ngoại. Đứa lớn thì tự đi, còn bé thì lõn tõn chạy theo mẹ băng qua cánh đồng là đến nhà Ngoại. Nhờ thế lũ trẻ chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về cây lúa, về con mương, về cánh bèo, về khoảnh ruộng và về các mùa vụ. Lớn lên lũ chúng tôi biết ơn mẹ rất nhiều vì những điều tưởng là bình thường đó.
Tại sao ta nói nhiều về quê ngoại, về bên ngoại? Không phải vì VTN chỉ còn quê Ngoại rồi khiến ta nhớ thêm, khiến ta nói nhiều hơn, hay bởi vì nhiều đứa trẻ trong chúng ta gắn bó với quê ngoại hơn. Mà bởi vì quê Nội hay bên Nội, theo tập tục người Việt ta, thì dù không nói đến nửa lời, không đề cập nửa câu, nó cũng đã là máu thịt ta rồi, đương nhiên là ta rồi, vậy thì điều quan tâm còn lại phải là quê Ngoại vậy! Không phải bỗng dưng mà cụ Lành (Tố Hữu) lại thốt lên "Huế ơi quê ngoại của ta ơi!". Vậy thì quê nội của cụ là ở đâu vậy ta? Ai đó chưa biết rồi sẽ biết, nhưng quê ngoại thì nhất định phải công bố cho cả Thế giới hay!
Trong bữa cơm gia đình một chiều đông lạnh giá, tôi mang điều trăn trở của bác VTN kể cho cả nhà như bổ sung vào mâm cơm một món đặc sản 'phi vật thể' ấm nồng. Bọn nhỏ chăm chú lắng nghe nhưng không đứa nào có ý kiến gì. Chỉ có Thủ trưởng trực tiếp của tôi, sau khi bẻ đôi nhường cho tôi một nửa miếng cơm cháy giòn thơm, nói thủng thẳng: "Bác Nhân quá đắm đuối với quê nên lúc nào cũng nỗi niềm rồi tưởng mất quê, chứ quê bác í là Hà Nội, là đất Tràng An rồi chứ mất đi đâu. Có mất là mất cái nhà thờ, cái mảnh đất hương hỏa của ông bà để lại thôi".
Ngẫm lại thấy đúng quá!
Chịu khó suy ngẫm thêm chút nữa thì thấy quan điểm đó không những đúng mà là quá đúng! Bởi vì đó là ý kiến phát ra từ người không chỉ là Thủ trưởng trực tiếp của tôi, mà còn trực tiếp sinh ra những đứa con thiên thần của tôi nữa!
TĐ
chào bạn mới, bài viết rất ý nghĩa và xúc cảm
Trả lờiXóaCha chả, cụ Chánh làm ăn khá quá, tậu được nhà mới rồi, thương cho thân em, được ngôi nhà tình nghĩa cũng bị thu hồi mất tiêu, huhu
Trả lờiXóaMucdong