Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

BÁC LIÊU


BÁC TÔI



Bác tôi là bác Liêu, Đào Hữu Liêu, Thiếu tướng về hưu, ở trên Phố nhà binh Lý Nam Đế. Bác tôi mất tháng Hai năm Ất Dậu, thọ 87 tuổi.


Nhớ dạo còn học ở Liên Xô, thỉnh thoảng vào dịp Tết Nguyên Đán tôi còn nhận được thiếp chúc Tết của bác từ nhà gửi sang. Dạo đó thư từ qua lại khó khăn, nhận được thư từ bên nhà gửi sang là cả một sự kiện. Mấy đứa trong đơn vị hỏi thư ai, tôi đáp của bác tao, chúng nó lại hỏi bác ruột hay bác họ, biết ngay chúng nó thắc mắc là do hai bác cháu có họ khác nhau. Tôi làm ra vẻ nhà quê, bảo ruột hay họ tao không nhớ, chỉ nhớ là bố tao và bác tao có chung ông bà ngoại. Chúng nó ồ cả lên "gần thế cơ à". Chứ còn gì, máu mủ ruột thịt đấy.



Biết thừa là bác họ, nhưng tôi không chấp nhận điều đó, vì tôi biết rằng bố tôi và bác có chung dòng máu của bà ngoại truyền cho, qua hai bà mẹ. Một trong hai bà mẹ đó là Bà nội tôi, như thế chưa đủ ruột thịt sao! Điều nữa làm tôi không muốn nhắc đến hai chữ "bác họ" là do mặc cảm bố tôi con một, lấy đâu ra chú bác ruột. Bố tôi chỉ có hai ông anh, một anh bên nội cùng chung ông bà nội, một anh bên ngoại cùng chung ông bà ngoại. Ông anh bên ngoại này chính là bác Liêu của tôi!



Bác tôi chiều vợ chăm con có tiếng. Mỗi chiều đi làm về là bác tôi lại treo bộ quân phục hàm tướng lên mắc áo rồi bắt tay dọn dẹp lau nhà giúp vợ con. Anh Quang đi bộ đội, còn ba cô con gái chiều chiều đi học về lại ngồi tán chuyện gẫu ở bộ xa-lông kê giữa nhà. Bác tôi lau nhà từ phòng trong ra phòng ngoài, dân gian truyền rằng cái giẻ ở thanh lau nhà đi tới đâu, các con nhấc chân lên tới đấy. Mà lại nhấc cao để không bị ảnh hưởng đến chân đẹp, các chị tôi ngoan thế cơ mà. Nghe xong có người hỏi "dân gian là dân gian nào?", lại phải giải thích "thì gồm các con các dâu các rể của bác chứ sao", mệt cả người, hehe!



Với các con thì vậy, với các cháu bác cũng thương và quan tâm không kém. Vợ chồng tôi không bao giờ quên hình ảnh của bác đạp xe đi trước, hai đứa chúng tôi đèo nhau bám theo sau, đến gặp bác X. thủ trưởng Tổng cục Bưu điện thời bấy giờ để liên hệ xin việc cho vợ tôi, lúc đó mới tốt nghiệp ở Liên Xô về. Nghĩa là lần ấy, bác tôi thân chinh đi xin việc cho người yêu của thằng cháu là tôi đấy nhé. Sau đó khi chúng tôi đã lập gia đình, có con nhỏ và được phân một gian tập thể bé xíu ở Bãi Phúc Xá, thỉnh thoảng bác vẫn đi xe đạp, có lần thấy bác cuốc bộ ra tận bờ sông thăm chúng tôi, và lần nào cũng cho quà.



Lại nói về chuyện xưng hô, bố tôi dạy các con: "Nề nếp gia phong, đã là con bác, bất kể bên nội bên ngoại đều phải gọi anh chị xưng em, xưng em thấy khó thì xưng tên". Bác tôi bổ sung, trong nhà là vậy, nhưng khi ra xã hội cho xưng theo tuổi, đứa nào lớn tuổi hơn là anh, là chị. Các chị con bác tôi chấp hành có phần thoáng hơn, linh hoạt hơn, ở nơi đông người thì gọi anh xưng em là đúng rồi, mà ở nhà cũng gọi tôi bằng anh xưng em, làm mềnh sướng âm ỉ!



Nhiều người nói "con cái chiều quá sinh hư", có thể ở đâu đó câu ấy đúng, còn ở nhà bác tôi thì câu đó trở thành trật lất. Bằng chứng là các anh các chị của tôi rất ngoan lúc nhỏ, học giỏi lúc trẻ và thành đạt lúc trưởng thành. Hiện giờ thương nhất vợ chồng anh Quang làm ăn xa xứ, mỗi lần có việc vội vã bay về, lo xong công việc lại vội vàng bay đi, thật là vất vả. Thương nhất chị Hiền khoảng thời gian gia đình gặp sự cố, chị gầy như cái xác ve. Vậy mà lần bố tôi cấp cứu nằm ở Bệnh viện 108, chị vào thăm miệng vẫn cười tươi hỏi thăm "Chú Sâm, chú sao rồi". Để rồi lúc ra ngoài sân Khoa A2 mặt chị buồn thiu, buồn không thể tả được. Tôi theo chị ra tận chỗ gửi xe máy, đi dọc đường không dám hỏi câu nào, chỉ sợ mỗi lần chị cất tiếng trả lời là nước mắt lại trào ra. Chị lên xe tạm biệt ra về, tôi nhìn theo bóng chị xót xa. Giờ thì chị đã trở lại vui vẻ bình thường như ngày nào.



Trong ba bà chị thì có chị Thảo thời gian gần đây mang tiếng nói nhiều. Hai anh em tôi chất vấn anh Động chồng chị, tức là anh rể của tôi: - Căn cứ vào đâu mà anh bảo chị tôi nói nhiều, hở? Anh rể phân trần: "Tôi nói để hai cậu rõ là do bệnh nghề nghiệp nên về nhà  cũng như ở cơ quan, tôi chỉ quan sát chứ không nói một câu nào. Vậy thì người nói nhiều nhất nhà là chị Thảo của các cậu chứ còn ai tranh mất thành tích ấy. Kha kha!". Chị Thảo cười như Liên Xô, họa theo: "Còn anh Động chiếm ngôi nói nhiều thứ hai, đàn ông nói nhiều hay ho gì!". Thế ra ai cũng có ngôi vị, đúng là bệnh thành tích, haha!



Bác tôi còn có chị út tên là Hương, lúc còn bé được chiều nhất nhà, sau này lớn lên yêu rồi lấy anh Phương bảnh trai và dễ thương nhất trung ương. Bọn tôi đến chơi nhà hay trêu, chị Hương lấy anh Phương là do hai người đều ương ương giống nhau. Đó là chọc vui, còn trên thực tế hai anh chị Phương Hương phải nói là xinh - rất xinh, đẹp đôi - rất đẹp đôi, và rất tươi nữa. Anh chị em chúng tôi luôn hãnh diện về điều đó!



Vợ bác tôi là bác Phan Lan Châu, người quê Nghệ An. Lúc nào các cháu đến nhà bác cũng quan tâm hỏi han chuyện trò vô cùng thân mật. Bác nói năng nhẹ nhàng và có cái tên thật hay, hay đến nỗi mà bọn học viên ở Trường Quân sự Kiev còn nhầm, tưởng là tên nữ nghệ sĩ nào đó bạn của anh Định! Chỉ khi mở phong bì ra trước mắt chúng nó, thấy cái thiệp chúc Tết có ký tên ở dưới "Bác của cháu, Phan Lan Châu" chúng nó mới tin, láo toét thật! 



Điều an ủi lớn nhất với anh em tôi là khi bác gái ra đi, tôi đã cùng các anh chị có mặt bên cạnh bác, sau đó đưa bác tôi vào nhà lạnh, để rồi hai hôm sau tự tay tôi đã nâng người bác lên để cho các nhân viên của nhà tang lễ làm các thủ tục khâm liệm. Bác gái của tôi sống lâu, thọ đến 87 tuổi.

Suốt cuộc đời binh nghiệp, bác tôi phải gồng mình phấn đấu gấp ba gấp bốn và có khi gấp nhiều lần người khác mới đạt được mục tiêu phấn đấu. Đó là di chứng của một thời ấu trĩ, của chủ nghĩa lý lịch, chuyên xem xét đánh giá con người qua nguồn gốc xuất xứ. Bác tôi sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề nông nhưng giàu có vào hạng bậc nhất trong làng, năm Năm Tư lại có người thân di cư vào Nam. Thế đấy!


Chỉ đến trong Lễ tang bác tôi, các anh chị và chúng tôi mới biết được những gì mà bác cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc là không thể hình dung được. Bác tôi đã kinh qua chừng nấy đơn vị, mà đơn vị nào bác cũng là người sáng lập hoặc tham gia sáng lập, là Tư lệnh hoặc Phó tư lệnh. Đã tham gia chừng nấy chiến trường, thiết kế xây dựng chừng nấy sân bay dã chiến, chừng nấy công trình ngầm bí mật. Sau năm Bảy lăm, bác tôi nằm trong ban chỉ huy của một cơ quan quản lý các đơn vị làm kinh tế lớn của quân đội, khai phá phát triển khu vực Tây Nguyên, tham gia xây dựng các dự án sân bay quân sự và dân sự. Trái ngược với thân hình nhỏ bé của bác là cả một sức làm việc phi thường, con cháu chạy theo không kịp. Thế rồi bác tôi về nghỉ chế độ với hàm Thiếu tướng, vui thú điền viên với con cháu những năm cuối đời.

Một năm hai lần, cứ vào dịp gần Tết cũng là gần ngày giỗ bác, và tiếp đó giữa năm là Rằm tháng Bảy nhằm Lễ Báo Hiếu, tôi đều lên Nghĩa trang Thanh Tước thăm mộ và thắp hương cho Bác tôi. Khóm mẫu đơn tôi trồng trên mộ bác, năm nào cũng ra hoa rất đẹp. Sinh thời, bố tôi rất vui và lấy làm hài lòng mỗi khi tôi đi thăm mộ bác về rồi kể cho bố nghe. Bố tôi cười thích thú khi nghe tôi kể, các anh chị nói bác đào hoa lắm, nằm quanh bác trên Thanh Tước toàn là các bà các cô thôi. Thì ông em cũng đào hoa kém gì, kha kha!


Giờ thì hai bác đã sum họp, đã lại về bên nhau, trên mảnh đất Thanh Tước yên bình và mát mẻ ấy. Cầu mong cho hai bác luôn thanh thản và bằng an nơi Cõi Vĩnh Hằng.


Chớm Đông Nhâm Thìn 2012

Cháu TẤN ĐỊNH
---------------------

Viết xong entry BÁC TÔI, tôi gửi cho chị Hương con bác bản gốc "véc-xông A chấm không". Chị tôi đọc và hồi âm ngay tắp lự. Đây, hồi âm của chị Hương.

HỒI ÂM CỦA CHỊ TÔI

Anh Định ơi!

Anh viết tuyệt lắm như một nhà văn chính hiệu nhưng rất thật. Mà đọc blog này em mới biết hơn về bố mẹ em đấy và ngay cả 3 chị em chúng em nữa, Phương nhà em cũng kể chuyện đến nhà thấy 3 chị em nói chuyện trên trời dưới bể, toàn chuyện đại sự thế giới nhưng vẫn biết co cẳng cho bố quét  nhà, em cứ nghĩ ông ấy bịa, điêu ngoa nay lại thêm anh nữa thì mới tin là té ra đúng là mấy chị em nhà mình thật rồi.

Phương nhà em Chúc mừng các anh chị trong Trung tâm (MARIN).

---------------

Đấy nhé, không bốc phét bao giờ nhé, Chị tôi gọi cậu em là "anh" đấy nhé. Sướng củ tỉ! Tính cả tuổi Mụ chị Hương sinh sau thằng em chỉ có đâu 15 quyển lịch, hehe!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét