Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

BÀI THƠ CỦA VÂN KGU

VỆT SAO BĂNG CỨA VÀO LÒNG MẸ
Con ơi,
con biết không
Trong giấc mơ một thời thiếu nữ
Mẹ đã từng mơ về một thứ
Đó là “ngôi nhà và những đứa trẻ” thần tiên.
Nếu con gái đầu lòng, mẹ sẽ gọi Lam Yên
Là làn khói xanh dịu dàng như hơi thở.
Mẹ vốn là mây, lòng dặn lòng, nhắc nhở
nếu sinh con trai, con là ngôi sao nhỏ
và tên con sẽ là Anh Tú con ơi!
Rồi một ngày kia, tựa ánh sao rơi
Từ cõi hư vô con sà vào đời mẹ
Làm sáng bừng những tháng ngày đẫm lệ
Những tháng ngày vất vả truân chuyên.
Mười sáu năm sau trong một sáng bình yên
Mẹ sinh em con với niềm vui khôn tả
Mẹ không dám gọi em là Lam Yên, thật lạ
Bởi tất cả có thể là sương khói mong manh.
Vậy mà một ngày, bỗng lóe chớp sao băng
Định mệnh bất ngờ, một vì sao đã tắt
Ở dưới trần gian,
có một người vừa đi về phía chân trời xa lắc
Con bỏ mẹ con đi về chốn vĩnh hằng...
Mẹ còn lại những gì, cuộc sống vẫn còn chăng
Thì cũng bởi con đã mang theo tất cả
mang theo niềm tin, mang theo hoa lá
Cả tri âm tri kỷ cũng mang theo...
Con xa rồi đời bỗng vắng teo
Nhiều lúc mẹ tưởng chừng không sống nổi
Chỉ vì có em con mà mẹ không lạc lối
Thiếu bóng con,
trang sách, đĩa nhạc cũng nẫu buồn.
Anh Tú ơi, có thể đó là định mệnh
Bởi mẹ đặt tên con là một vì sao
Con đến rồi đi mà mẹ ngỡ chiêm bao
Chỉ hơn hai chục năm trên đời, đau đớn quá...
Con xa rồi, mẹ như cái cây trụi lá
Con đến và đi, tựa một ánh sao băng
Sao đã tắt, mà vệt sáng kéo theo như một lưỡi phăng
Cứa vào tim mẹ...
Thôi con ơi,
hãy tha thứ và yên lòng
ở nơi xa con nhé
Con là ngôi sao không bao giờ tắt trong mẹ
Cho mẹ nhớ về những tháng năm xưa
Cho mẹ nhớ về những sớm những trưa
Giờ tan học con ùa vào lòng mẹ
Cho mẹ nhớ về những ngày con còn bé
tưởng chừng còn rất thật con ơi...
Hãy để mẹ gọi tên con cho lòng bớt chơi vơi
Như là con đang kề bên tâm sự
Như chia sẻ buồn vui, như nỗi niềm dồn ứ
lúc mình còn có nhau…
Yêu Con, để đâu cho hết
Mẹ của con

TIỄN BIỆT ANH VÕ ĐẮC BẰNG

Lời tiễn biệt thay cho lời điếu
vào sáng ngày 17-9-2014 tức ngày 24-8 Quý Ngọ
tại Nhà Tang lễ BV198 Mai Dịch - Hà Nội
------

Kính thưa bà con trong gia tộc nội ngoại,
Kính thưa các anh các chị bạn bè, đồng nghiệp của anh chúng tôi Võ Đắc Bằng,
cùng toàn thể những người thân trong gia đình.

Chị Hương cùng các cháu yêu quý,
Hôm nay tất cả có mặt tại đây để tiễn đưa một con người vô cùng thân thiết: Anh VõĐắcBằng của chúng ta.
Anh chúng tôi quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Anh sinh năm 1942, đúng như anh nói hôm cuối cùng gặp anh trên giường bệnh, biết là khó qua khỏi, anh dặn: "Năm nay anh bảy mươi hai tuổi rồi, có lẽ anh sắp ra đi. Khi anh đi nhớ đừng làm mit-tinh, đừng đọc điếu văn, chỉ làm đơn giản trong nhà mình. Nhớ cho anh gặp bà con họ hàng và bạn bè của anh, đặc biệt là bạn học thời cùng Internat...".
Hôm nay gia đình và các cháu làm đúng theo ý nguyện của anh, hy vọng là anh hài lòng!

Anh Bằng ơi, anh còn nhớ không, vào cái chiều hôm trước anh ra đi đúng một ngày, em đứng bên giường chờ cho anh nhắn xong mấy cái tin, bỗng anh dừng tay rồi nói:  -" Жди! Они придут".  Anh nói bằng tiếng Nga nghe rất rõ. 
Anh thấy đấy, lời anh nói quả là thiêng, và hôm nay đã ứng nghiệm: bà con và bạn bè của anh đã đến đông đủ bên anh, như anh hằng mong đợi.

Anh vẫn thường kể, một thời tuổi trẻ của anh trôi qua thật đẹp với nhiều kỷ niệm. Đó là những tháng năm anh học cùng bạn bè ở InterNat, những năm tháng học đại học và làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xôp, rồi thời gian anh làm Cộng tác viên cao cấp ở Đup-na, những năm tháng học tập và công tác trên đất Liên Xô thật đẹp. Về nước anh công tác tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân cho đến ngày về nghỉ chế độ.
Ở đâu, thời kỳ nào anh cũng học tập hết mình, nghiên cứu hết mình và lao động hết mình.

Cuộc sống đã mang lại cho anh nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng chính cuộc sống đã để lại cho anh tôi không ít những buồn đau. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất là anh biết cách chấp nhận thực tế và cuối cùng đã rút ra cho mình những bài học quý giá trước lúc rời bỏ cõi trần này.

Sinh thời anh tôi vẫn thường coi cái chết nhẹ như lông hồng. Còn nhớ cái lần đi xem đất để làm nơi an nghỉ cho Me anh còn đùa vui, nơi này cũng là dành cho anh, khi nào đi anh tự tìm đến. Những ngày lâm trọng bệnh biết là khó qua khỏi, anh sẵn sàng chấp nhận quy luật sinh tử một cách nhẹ nhàng nhất. Chỉ quá đớn đau cho những người ở lại!

Cho dù thế nào, anh hãy tự hào về những ngày anh đã sống, về tình yêu thương vô bờ bến anh đã dành cho các con.

Các cháu Phan-Ly và Nga-Phong yêu quý! Hãy sống xứng đáng với tình yêu thương luôn ngập tràn và lòng mong mỏi của bố, các cháu nhé! Hãy quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Hãy thương yêu đùm bọc em Hằng, em còn quá nhỏ, chưa đủ lớn để có thể hiểu được những phức tạp rắc rối của cuộc đời này.
Chị Hương ơi! Mong chị hãy bình tâm và giữ gìn sức khỏe. Nỗi đau này là quá lớn, không gì bù đắp được, chúng em và cả đại gia đình mình xin chia sẻ cùng chị.

Anh Bằng ơi,
Chiều hôm qua em đã thay mặt cả nhà lên Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương báo tin cho Ba. Chắc giờ này Ba Me đang sốt ruột ngóng chờ!
Hẳn anh còn nhớ, cái đêm cuối cùng anh thức trọn bên Me. Lúc Me trút hơi thở cuối cùng anh là người vuốt mắt cho Me. Thế mà anh lại sắp được về bên Me rồi, nhanh quá anh Bằng ơi! Về Bên Ấy, anh sẽ gặp lại Ba, anh Minh, chị Chi, em Quang và những người thân yêu. Hãy nói với BaMe là cả nhà yêu Ba Me nhiều lắm, nhớ Ba Me nhiều lắm, không lúc nào nguôi...

Bà con cùng các anh các chị kính mến,
Đã đến lúc anh chúng tôi lên đường, cho phép tôi thay mặt gia đình dành những lời cám ơn chân thành nhất đến
- Tập thể bác sĩ và các y tá hộ lý Bệnh viện VINMEX Hà nội đã tận tình chăm sóc cứu chữa cho anh tôi trong suốt thời gian điều trị.
- Đến Bệnh viện 198 Bộ Công An đã dành cho anh tôi một không gian trang trọng vào thời khắc tiễn biệt đớn đau này.
- Đến bà con họ hàng nội ngoại, đến bạn bè đồng nghiệp của anh tôi - những người đã được báo tin và chưa kịp báo tin, đã đến bên anh tôi trước giờ phút anh lên đường về Cõi Vĩnh Hằng!

Anh Bằng ơi, Anh lên đường thanh thản nhé, bằng an anh nhé!
Các con các cháu và chúng em luôn yêu anh và mãi mãi nhớ anh...!

MÙI CỦA CHỊ

MÙI CON GÁI
Hễ nói về "mùi con gái" là tui lại nhớ chị Xuân của tui.
Chị Xuân con bác Thợ Tầm, là chị của Tý, Tý lại chơi thân với Dạ, cả ba chị em đều xinh đẹp chẳng ai chịu nhường ai.
Chị Xuân lớn hơn tôi ba tuổi nhưng hai chị em lại học cùng lớp, cái gì cũng dùng chung của nhau, chị lúc nào cũng nhường nhịn. Còn nhớ hồi đó học toán phải có bàn tính, bác Thợ Tầm làm hẳn bốn cái, mấy chị em mỗi đứa một cái, khỏi tranh giành nhau. Bàn tính có hạt tiện từ hóp hoặc trúc, để gác bếp lên màu cánh gián rất đẹp, cả lớp lác mắt. Cái quan trọng là bàn tính bác làm rất chắc chắn, có đánh rơi các hạt trúc cũng không bị xổ ra ngoài, điều mà trẻ con đứa nào cũng sợ, sợ bị ăn đòn nữa.
Lớn lên một chút là học tổ học nhóm, ba chị em Xuân Định Dạ học với nhau, anh Lâm Quang Ánh nữa là bốn, còn Tý học nhóm khác. Hôm nào anh Ánh bận thì học ở nhà Mỹ Dạ, khuya học xong ra về có mỗi hai chị em. Cứ mỗi lần đến gần hiệu cắt tóc nằm ngay ven sông lại nghe có tiếng người nói chuyện rồi cười rinh rích trong đó, nhưng khi ngang qua cửa lại thấy im lìm như miếu bỏ hoang.
Nhiều lần như vậy chị Xuân sinh nghi, chị túm tay áo giật giật ra hiệu bảo dừng lại, hai chị em dừng lại và đứng thật im, mặc cho muỗi đốt. Một lúc bỗng nghe có tiếng nam và giọng nữ nói chuyện ở trong hiệu cắt tóc thật, rì rầm, tỉ tê, rồi cười rinh rích. Khi đã đi được một quãng, chị dừng lại rồi nói qua hơi thở: "Yểu cưa rấn", nghĩa là có người đấy! Còn nhớ, chị nói tiếng Trung hay không chịu được, mặc dù chị chỉ học với thầy Ngữ một thời gian rất ngắn, rồi chuyển trường.
Kể từ đó tôi rất thích nghe chị nói ba từ "Yểu cưa rzấn". Sau này xa nhà, khi nào thấy nhớ chị thì tôi lại tự lẩm nhẩm ba từ tiếng Trung đó, là có cảm giác như chị đang ngồi bên cạnh.
Lên cấp ba, chị còn tham gia làm thêm ở Đài truyền thanh Huyện. Có đêm trời đổ mưa đột xuất, chị Tý bảo tôi mang áo mưa lên đón chị Xuân mãi tận trên Mũi Viết. Trên đường về hai chị em khoác chung một áo, mỗi người một tay túm góc ni-lông quàng qua đầu. Đi sát người chị trong tấm áo mưa mới cảm thấy dễ chịu làm sao! Từ chị tỏa ra một mùi hương thoang thoảng không thể nói được là mùi hương gì, và cũng không thể biết được là mùi hương đó tỏa ra từ cơ thể hay từ mái tóc dài mượt mà của chị nữa, tôi hồn nhiên nói: "Chị ơi, người chị thơm quá!".
Đang đi chị bỗng dừng lại, đưa cái túi lưới bằng nhựa trong có quyển sổ tay cho tôi cầm. Tưởng chị muốn đổi chiều kẻo mỏi tay, té ra không phải, chị đưa túi tôi cầm để chị rảnh tay búng một cái thật đau vào mũi tôi rồi mắng yêu: "Trẻ con!". Cái chỗ búng ấy tôi còn giữ mãi cho đến tận bây giờ.
Còn chị, chị rời xa chúng tôi bởi một căn bệnh tưởng chừng là bình thường, vậy mà qua mấy bệnh viện cũng không chữa được. Còn nhớ cái hôm chú Hưng gọi điện cho tôi, chú nói đang ở trong bệnh viện thăm chị Xuân, và đưa máy để hai chị em nói chuyện với nhau. Chị cho biết bệnh tương đối trầm trọng, nay đã đỡ nhiều, Định đừng lo, khi nào vào công tác nhớ ghé chị chơi, nhá - Chị nói. Thương chị quá chừng mà không biết nói sao cho chị yên lòng. Chợt nhớ ra, tôi nói: "Chị ơi, chị nói cho em nghe ba tiếng để em đỡ nhớ chị, chị nhé". Có tiếng thở của chị vọng qua mic, một lát sau chị nói rành rẽ: "Yểu cưa rzấn", rồi tắt máy. Tôi thẩn thờ mất cả ngày hôm ấy...
Đám chị tôi không về được. Đợi bốn chín ngày tôi mới về Thảo Điền viếng Chị được. Thắp hương khấn chị, rồi ngắm nhìn chân dung Chị trên ban thờ, Chị vẫn xinh như thuở nào, một thuở Kiến Giang. Khuôn mặt chị hơi gầy, toát lên vẻ phúc hậu vốn có, thoáng nhìn có nét tươi tươi nhưng nhìn kỹ đôi mắt mới thấy đượm buồn. Tôi thầm thì chỉ đủ mình nghe ba tiếng "yểu cưa rzấn' mà nước mắt cứ chảy tràn. Quanh ban thờ chị không hẳn hương trầm, mà là mùi hương thoang thoảng của những gì còn lưu lại, một chút của bồ-kết lẫn hương hoa bưởi như tỏa ra từ mái tóc vẫn còn xanh của chị. Đó là mùi của Chị...
Em Tấn Định
------
Ảnh: Bến sông có cây hoa Bún là bến sông rất gần nhà chị Xuân tôi ở Lệ Thủy.

Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và nước

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

ĐI TÌM MẸ

ĐI TÌM MẸ

Đó là chuyện thằng Huệ, cả lớp gọi nó là Huệ "bạc", cũng chả hiểu xuất xứ từ đâu mà ra cái chữ "bạc" nữa. Gọi quen rồi thì cứ thế mà gọi thôi. Có đứa bảo vì tóc nó bạc. Cóc phải, tóc bạc là sau này cơ, còn cái dạo đang cấp 1 cấp 2, rồi đá bóng chơi khăng ở sân câu lạc bộ Lao Động thì bạc đâu mà bạc!
Hôm nọ đứng tán chuyện với nó, nó bảo đêm qua tao mơ thấy giấc mơ lạ lắm, y hệt giấc mơ mà mẹ tao mơ thấy trước khi cụ đi. Tôi hỏi, bà đi đâu? Huệ bảo: - Lên Bất Bạt. Từ lúc tỉnh giấc đến giờ tao không tài nào ngủ lại được, tao thấy hoang mang, rồi gọi cho mày.
Huệ kể, hôm ấy trong bữa cơm bà kể cho cả nhà nghe là đêm qua bà mơ thấy những gì những gì, mơ mà như thật, rồi bà nói: - Sáng mai Huệ đi với mẹ về quê thắp hương cho ông bà, con chuẩn bị các thứ rồi cho vào ba-lô, nhé!
Tôi hỏi, quê mày ở đâu? Huệ bảo Thanh Hóa. Ôi trời đất ơi, thế mà lâu nay cứ tưởng Huệ bạc quê Hà nội, vì bảy tám anh chị em nhà nó đều quanh quanh mấy khoảnh đất rộng thênh thang bên bờ sông Hồng này cả. Ai ngờ ông bà già nhà nó mới mang cả nhà ra đây sau năm năm tư.
Huệ kể, chuyến đó về quê thăm mồ mả ông bà, thắp hương nhà thờ họ, thăm bà con nội tộc rồi quay trở ra. Hỏi mẹ mệt không, bà bảo về quê vui lại thực hiện được ước muốn lâu nay nên thấy người khỏe ra. Vậy mà chỉ sau đó hai ngày, mẹ tao nằm ngủ rồi không bao giờ dậy nữa. Mày có nghe tao kể không đấy, sao mày lại quay mặt đi, hả?
Huệ kể, bà ra đi nhanh quá, đột ngột quá nên tao không nghĩ là mẹ tao chết rồi. Lúc nào tao cũng có cảm giác là mẹ tao đi đâu đó chắc lát nữa sẽ về thôi. Rồi đến cái tết năm đó cũng vậy, đến chiều tối ba mươi rồi mà mãi không thấy mẹ tao về, sốt ruột quá tao mới trốn cả nhà đạp xe lên phía Sơn Tây. Tôi hỏi nó mày đi Sơn Tây làm gì, Huệ bảo lên đó rồi đạp tiếp sẽ đến Bất Bạt. Thế là nó đạp, đạp miết.
Dọc đường xe hỏng, rơi mất pê-đan không đạp được nữa. Tao ngồi trên yên rồi lấy chân chọi chọi cho nó đi, chán thì xuống dắt bộ, mỏi thì lại ngồi lên yên chọi chọi, trời rét thế mà lưng áo đẫm mồ hôi. Mãi rồi cũng tới nơi, trong mấy phòng của căn nhà Ban quản lý Nghĩa trang đèn vẫn sáng mà chẳng một bóng người. Chắc họ về nhà đón giao thừa giờ này chưa có ai đến. Cổng nghĩa trang khóa chặt. Tao dựng xe phía ngoài rồi trèo tường vào bên trong. Trời tối thế mà cứ như có ai dẫn lối, tao cứ thế đi vào khu mộ chí, lách ngang lách dọc rồi trèo qua mấy cái mộ chắn đường thế là tìm được mẹ tao.
Huệ lặng đi một lúc rồi kể tiếp, nó bảo tao mệt quá mỏi quá cả đói nữa tao liền ngồi bệt xuống cạnh mẹ tao, rồi tao nằm nghiêng sát cạnh mẹ tao luôn. Tao bảo mẹ ơi sao tết này mẹ không về gói bánh chưng với con, con nhớ mẹ lắm, con đạp xe lên với mẹ mà con đi vội con không kịp mang hương để thắp cho mẹ, mẹ ơi mẹ nghe con nói không đấy, mẹ ơi...
Tôi hỏi, tết ấy là tết nào, vào năm nào vậy. Huệ bảo cũng lâu lắm rồi, dạo ấy hai thằng út của tao cũng lớn rồi mà, chúng nó lên Nhật Tân mua quất được rồi mà. Nhà thì có xe máy nhưng dắt ra sẽ bị lộ, với lại mấy đứa con gái chúng nó không cho bố đi vào tối ba mươi đâu, đi đâu cũng không cho đi, phải ở nhà để vớt bánh chưng giúp chúng nó. Lúc đó tao mới lấy cái xe đạp đang dựng ngoài sân tao trốn đi luôn.
Tôi bảo đứa nào đến Tết cũng nhớ bố nhớ mẹ, nhưng chưa thấy đứa nào nhớ đến mức điên rồ như mày. Huệ bảo tao là út mà, từ bé đến lớn tao toàn sống với mẹ tao, Tết nào mẹ tao cũng làm cỗ rồi bắt tao bưng lên bàn thờ mà...
Thằng Huệ thao thao kể về chuyện đi tìm mẹ nó, còn mình thì đứng cạnh nó mà đầu óc cứ nghĩ về mẹ mình. Giờ mà đi tìm mẹ thì mình sẽ đi về hướng nào... Huhu

TẤN ĐỊNH
------
Nhà Huệ "bạc" ở ngay cuối đường Vạn Kiếp, gần ngã ba vào Chợ.

Hình ảnh có liên quan

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

ANH NHỚ VỀ LỆ THỦY


ENG DỚ VỀ LỆ THỦY
Eng về Lệ Thủy chưa eng,
Lâu ni Út cứ để đeèng riệu ngon.
Rào miềng cá mú nỏ còn,
Dái thì cũng ít huống con ết bà !
Tắn ngoài roọng tìm khôông ra
Nên chi muốn dậu phải qua chợ tìm !
Còn mô eeng, lúc mùa chim,
Ui chao dớ lại bựa rim bựa xào!
Dắc lại béng sắn năm nao
Eng tam miềng khổ lao đao giêng về !
Thương đứt rọt, mạ ở quê
Cứ dắc eng mãi - “hắn về chưa bây” ?
Rứa răng đoạn tháng đoạn ngày,
Bỏ làng, bỏ nác, chim bay bời bời !
Dịp cầu côi Troóng chơi vơi
Chờ chi chờ mãi chưn người đi xa...
Thương làng thương nác thì ra,
Eng tam thăm gặp mạ tra một lần,
Quê hương cắt rún tình thân,
Mần răng cũng gắng một lần nghe eng!

Sưu tầm trên trang Lệ Thủy Quê Miềng


Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

BÊN BẾN SÔNG THÔN

BÊN BẾN SÔNG THÔN

Ngày về đến bến sông thôn
Chị tôi đã khuất, Vong hồn vẫn kia
Hỏi cây, lá đổ lia thia
Hỏi người, nước mắt đầm đìa. Lặng thinh...
Mảnh bom găm thẳng bên tim
Máu đầm đìa máu... Tôi tìm chị tôi
Lặng im nhìn bến sông trôi
Nhớ về một thuở, bồi hồi đã xa
Mơn man làn gió lướt qua
Lùa ngang mái tóc như là...dỗ em
Chị về, trong giấc đêm đêm
Nhìn em... lưu luyến bên thềm. Rồi đi...
Tấn Định

Trong hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và nước

NHỚ VỀ NGHE CHỊ

CHIỀU NAY CHỊ VỀ NGHE CHỊ
Chiều mẹ sinh em chị về được không
Chị vẫn Lộc Ninh hay đã trong Đà Nẵng
Về chị nhé, cao lá vằng đăng đắng
Chị về pha cho me uống "nằm nơi"
Chị vừa hỏi gì?
Chiều mới đẻ chị ơi
Chị nhớ về ngay đặt tay lên bụng mẹ
Em sẽ quẫy hai chân, chị thấy không, nhè nhẹ
Con trai mà, em chỉ đạp thế thôi
Chiều nay chị về chị nhớ thổi xôi
Sinh em xong, cho me ăn ấm bụng
Còn chị bế em, chị ru chị nựng
Rồi chị nghĩ xem đặt cho nó tên gì
Chị nhớ đấy,
Chị không về là em cứ nằm lì
Cho họ trêu me là 'chửa trâu'. Kệ chị!
Em mong chị từ bây giờ, chị hí
Ba dắt xe rồi kìa
Chị ôm bọc tã lót chạy theo sau...
Nhớ chị quá,
Thằng em của chị
-----
PS.- Chị nhớ không, má sinh Út Hải cùng ngày với mẹ đẻ em đấy. Chỉ cách nhau hơn chục năm thôi, phải không Chị?