Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

DỖI...


TÔI ĐI TÌM EM TRAI TÔI ....


DỖI



Anh ngồi sát ngay bên, sao em lại dỗi anh
Hỏi câu gì cũng không chịu nói

Sao lại bắt anh về, anh về sao nổi
Để anh ngồi ở đây qua đêm


Giờ tan tầm đường chật như nêm
Thế mà bên em sao yên ắng quá

Anh đốt hương trầm cho em ấm, nhá
Xong hãy thì thầm với anh một câu

Lại bảo anh về, anh không về đâu
Anh muốn thấy hoàng hôn buông xuống
Mấy nén hương bùng lên làm anh luống cuống
Thế là hết dỗi rồi nha!

Nhớ em, anh thức suốt đêm qua
Nay tìm đến, thế mà lại dỗi
Anh mà dỗi theo, chẳng có ai ngăn nổi
Anh dỗi bỏ nhà xuống đó với em luôn!


.....



.....

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

QUÀ CHO MÙA GS


QUÀ CHO MÙA GIÁNG SINH


H1



Tôi vội ra đón Ông già Nô-en ở cửa sổ, vì nhà không có ống khói. ÔGNE lên tiếng trước: "Hello MeoHen!". Tôi nói, tôi là Tấn Định không phải MeoHen. Mèo Hen chỉ là nick của tôi khi chơi blog thôi. ÔGNE cười hiền lành: "Không sao! Tôi muốn anh dẫn tôi đi trao quà cho những trẻ em thiệt thòi. Năm nay tôi muốn trao quà cho những em bé bị bom dịp Nô-en năm 1972. Anh có thể giúp tôi?". Tôi nói hay để mai, vào ngày 24 có hay hơn không. ÔGNE nói: "Không được, ngày 24 tôi phải phát quà cho bao nhiêu là trẻ em như hàng năm tôi vẫn làm. Năm nay tôi muốn dành ngày 23 cho những trẻ em thiệt thòi".

Nghe thế tôi nhận lời ngay. Vừa bước lên cỗ xe chín con tuần lộc tôi vừa nói: "Bay về hướng Gia Thụy Gia Lâm!". Tôi muốn năm nay chính tay Ông già Nô-en sẽ trao quà cho các em của Hồng Hải bạn tôi. Đến nơi, tôi trở thành người nhà, quay lại đón tiếp ÔGNE dẫn vào tận nơi, giới thiệu Ông với mẹ Trần Thị Thanh, rồi hướng dẫn ông lần lượt trao quà cho các em của Hồng Hải.

Bé ít tuổi nhất được trao quà trước, đó là bé Quý Hạnh sinh năm 1967, khi bị sức ép bom B-52 em mới tròn 5 tuổi. Tiếp đến là Trọng Hưng 8 tuổi, Mạnh Hùng 10 tuổi và Nguyễn Thị Hòa 13 tuổi. Thấy một chàng thanh niên cười rất tươi đứng cạnh các em, Ông già Nô-en lúng túng lục tìm trong tay nải màu đỏ món quà gì đó thích hợp để trao. Tôi nháy Ông: "Hồng Hải bạn tôi và cũng là em tôi, bốn chục tuổi rồi đấy, hơn nữa lại không phải bị bom B-52 trong dịp Nô-en năm ấy. Thôi để dịp khác, nếu có điều kiện thì Ông kiếm lấy cái laptop xịn làm quà cho Hải cũng được". Tất cả cùng cười, những nụ cười sảng khoái nghe rất chi là...Giáng Sinh! 

Trong khi Ông già Nô-en trao quà cho các trẻ em bị bom B-52 vào dịp Nô-en năm ấy, tôi tranh thủ nhặt cỏ tỉa hoa xung quanh chung cư của mẹ và các em. Mẹ Thanh và Hồng Hải rất vui. Bốn em Hòa Hưng Hùng Hạnh thì bám theo Ông già Nô-en. Xung quanh trong xóm này, có rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh tương tự, đặc biệt là cùng vào cái đêm 18 rạng sáng 19 tháng 12 oan nghiệt ấy. Vì thế khi ÔGNE trao xong quà thì trời cũng vừa chập choạng tối.

Trước khi bước lên cỗ xe chín Tuần Lộc, tôi trân trọng trao tận tay Ông già Nô-en một món quà được gói kỹ trong cái USB xinh xẻo mà anh Giai Cú tặng tôi vào mùa Nô-en năm trước. Tôi nói: "Xin trao Ông món quà nhỏ, nó có thể thích hợp cho Blog của Ông trong mùa Giáng Sinh nầy!".


USB MÙA GIÁNG SINH 

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

HÃY GỌI ANH MỘT TIẾNG


ANH THÈM NGHE MỘT TIẾNG GỌI CỦA EM




Ôm chặt Bình Tro anh thầm gọi tên em
Thinh không lặng ngắt chẳng lời đáp lại
Có bao giờ anh tin em đã xa mãi mãi
Để con tim nhói đau...


Tưởng, cho đến già luôn được bên nhau
Nếu ra đi anh phải người đi trước
Cớ sao em tranh đi bằng được
Để thắt lòng mỗi khi nhớ về em


Lai Xá cánh đồng thuộc đất Từ Liêm
Nuôi nấng anh thuở là chàng lính trẻ
Giờ yên giấc trong lòng Đất Mẹ
Lại là em, sao không phải là anh


Hãy nói gì đi chứ, em của anh
Sao cứ lặng thinh hoài nhìn trân trối
Lòng quặn đau và con tim bối rối
Ước được nghe một tiếng gọi "Anh ơi!"

.....


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

NHẮN EM TRAI


Nhắn đứa em vừa đi xa

**********


ĐẾN NƠI EM NHỚ BÁO VỀ


Hương khói đầy trời, em đi được bao xa?
Chân em yếu đi đường có mỏi?
Khó thở không em? Chắc không còn đáng nói
Hồn em giờ phiêu diêu...

Từ hôm ấy em đi được bao nhiêu?
Chân cứng đá mềm, đã gặp được Mẹ?
Me ôm em vào lòng như hồi còn thơ bé
Và khóc ròng sau cả chục năm xa...

Đã chừng nấy ngày em đã gặp Ba
Ba vẫn bằng an, vẫn cười đôn hậu
Vẫn thích chè bột lọc me nấu
Vẫn nhớ về những tháng năm xưa?

Chị Nhạn chị Qua em đã gặp chưa
Nhớ em, anh hằng đêm không ngủ
Nhà Chùa nói phải bảy tuần mới đủ
Trọn quãng đường để em tới nơi...

Đi một mình, cứ sợ em chơi vơi
Muốn cùng em trên chặng đường đến đó
Cứ nguyện cầu dẫu lệ sầu có rỏ
Đến nơi rồi, báo một tiếng nghe em!

Anh trai


Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

LỜI TRI ÂN


LỜI TRI ÂN TỰ ĐÁY LÒNG







Các bạn quý mến của tôi,


Những gì xảy ra trong những ngày vừa qua với gia đình

chúng tôi thật khó diễn đạt được bằng lời. Em trai tôi lâm 

trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi 55. Những công việc chuẩn bị 

cho con trai tôi lập gia đình vẫn phải tiến hành song song. 

Và hai sự kiện diễn ra cách nhau chỉ có 2 ngày:

- Lễ Thành hôn của hai cháu NGUYỄN TẤN TRẦN VŨ & 

TRẦN HƯƠNG NGÀN được tổ chức vào trưa ngày mùng 9-

12-2012 tức 26-10 Nhâm Thìn.


- Lễ Tang em trai tôi là NGUYỄN TẤN PHÁT được cử hành 

vào ngày 11-12-2012 tức 28-10 Nhâm Thìn.


Những gì mà gia đình tôi nhận được đó chính là sự quan 

tâm giúp đỡ, là tình cảm ngập tràn, là niềm vui vô tận, là nỗi 

tiếc thương vô hạn, là sự chia sẻ ân tình của bà con và bạn 

bè, của các em cùng các cháu thân yêu. Không có sự quan 

tâm đó, những tình cảm đó, những sẻ chia đó, gia đình 

chúng tôi khó mà vượt qua được những thử thách như vừa 

trải qua! "Sống nhờ bạn" - trong những ngày này gia đình 

chúng tôi cảm nhận được điều đó sâu sắc hơn bao giờ hết.

Biết viết gì để nói hết lòng biết ơn của tôi và gia đình, của 

em dâu tôi là Nguyễn Thị Hà cùng hai con là Đạt và Thành 

(Bi), của gia đình thông gia hai ông bà Trần Quang Quỳnh & 

Đỗ Thị Hồng Ngát đối với bà con và bạn hữu.


Cho phép tôi thay mặt đại gia đình cùng các cháu, xin gửi 

đến bà con và các bạn bè yêu quý của tôi, lòng biết ơn và 

lời tri ân chân thành nhất tự đáy lòng.

Xin cảm tạ tất cả các bạn!

Quý mến,


NGUYỄN TẤN ĐỊNH

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

THƯ VIẾT CHO HAI CON

THƯ GỬI HAI CON


Hai con Vũ Ngàn yêu quý!

Ba đánh một giấc từ lúc hơn chín rưỡi tối, giờ dậy vào mạng tâm sự với hai con đây.
Đôi lúc ba có cảm giác những gì xảy ra vừa qua cứ như những giấc mơ... Hai con thành đôi lứa là giấc mơ đẹp nhất đã biến thành hiện thực! Cũng có giấc mơ là ác mộng, nhưng thôi, đời là vậy mà. Hai con hạnh phúc thì những gì là ác mộng chúng ta cũng sẽ đủ sức vượt qua được hết, phải không hai con! Nhờ có các con mà ba mẹ đã vượt qua được những thời khắc thật khủng khiếp, những thời khắc mà mọi cái tưởng như sụp đổ...

Đi "Tuần TM" tại Đà Nẵng là một lựa chọn làm cho ba hài lòng và xúc động. Nếu việc chọn ĐN của các con là có suy tính thì ba xin cám ơn các con. Nếu việc lựa chọn là ngẫu nhiên thì ba cám ơn Trời Đất và Tâm Linh, đã cho các con một sự lựa chọn hợp với nguyện vọng bao người thân yêu.

Chắc Vũ còn nhớ hồi còn bé, năm nào ba mẹ cũng cho các con về với ông bà ở ĐN để nghỉ hè, có năm chỉ hai bố con là Vũ theo ba cùng về, có một năm về Đà Nẵng có cả ông Nội nữa, chắc Vũ còn nhớ. Về Đà Nẵng, các con được tắm biển Mỹ Khê hoang sơ và sạch sẽ. Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chiều chiều, cả nhà cuốc bộ ra bãi biển. Tất cả nhảy ào xuống nước, trên bờ chỉ còn Ông ngồi ngắm các cháu nghịch nước với đống quần áo chúng cởi ra vứt ngổn ngang. Thế mà Ông về Cõi Bên Kia cũng đã gần chục năm rồi...


Còn Bà, ở nhà bà và mẹ còn lo bữa ăn cho cả nhà. Ngày nào cũng có cá biển tươi roi rói mang đến tận nhà, bà và mẹ muốn chọn con nào cũng được. Ấy là nhờ ông bà góp cổ phần với một tàu đánh cá, và sáng sáng khi tàu cập bến cá Mỹ Khê, có một người gánh cá tươi mang về cho tất cả những gia đình là cổ đông. Cả một góc vườn đầy những chanh là chanh, và cả một vườn điều nữa, có những quả chín mọng vàng ươm, trông ngon lành vậy mà chát xít, con nhớ không. Còn cái ao nhỏ cuối vườn với mấy cây dừa nữa, ông thường bơm nước ở đấy để tưới cây, thỉnh thoảng lại bắt được vài con rô phi nho nhỏ, còn nhớ không con...

Một thời chưa xa, vậy mà Nội nay cũng đã ngoài 90 tuổi rồi. Một thời, các con từng nói với ba mẹ rằng, các con có đến hai ông nội và hai bà nội. Ngây thơ, hồn nhiên mà người lớn nghe được lòng cứ rưng rưng. Thời gian trôi đi lưng bà còng xuống, người bà nhỏ lại, tóc bà bạc thêm, tai bà nặng hơn, nhưng tình yêu thương con cháu thì ngày một đầy thêm tưởng như không bao giờ cạn!


Hãy đến thăm Nội, hãy ôm chặt lấy Nội và nói với Nội rằng, cả nhà yêu Nội lắm, và hai đứa chúng con thay mặt cả nhà về với Nội đây...

Hãy đi cùng cô Hải đến nhà chú Dũng cô Xuyến ngay trên đường Nguyễn Công Trứ, nằm ngay cạnh mảnh vườn xưa của ông bà. Về đó, nhìn lại mảnh vườn xưa, dù cảnh vật có thay đổi bao nhiêu, vẫn thấy thân thuộc một thời thơ bé. Các con hãy lên Ban thờ trên tầng bốn thắp hương cho Ông, cho bác Cúc, cho em Như Hà con chú Dũng, em mà còn thì giờ cũng gần tuổi chị Li. Em mất lúc tròn một tuổi, ngày mất trùng ngày sinh, đó là điều đặc biệt. Hãy nói với bác Cúc rằng, cả nhà yêu bác nhiều lắm, và nỗi nhớ bác trong ba con không lúc nào vơi...

Hãy vui những ngày vui trọn vẹn, hãy thật thoải mái với tuần trăng mật của các con theo đúng nghĩa của nó. Cả nhà mong hai con hạnh phúc. BM yêu hai con nhiều nhiều...
Yêu thương,
Ba Mẹ

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

ĐOÀN NAM SINH & KÊNH KỊA

ĐOÀN NAM SINH – GÃ LÀ AI?
23:29 9 thg 11 2012Công khai189 Lượt xem4


photo
Cà phê Tùng - Đà Lạt với Đoàn đại ca.
Biết đến gã với cái nick Nam Sinh Doan từ cái thuở cùng còm bên blog Quê choa của bọ Nguyễn Quang Lập. Đọc còm của gã thú thực là mình không thích lắm một phần gã hay bàn chuyện chính trị mà mình thì dốt đặc khoản này, phần nữa là vì cái giọng ngang tàng gai góc của gã.
Mãi đến một hôm cũng qua còm mình mới biết gã gốc người Đà Lạt. Lâu nay trong Quê choa mình lại cứ tưởng duy nhất chỉ có mình là trú quán ở thành phố hoa xinh đẹp này. Thế là bắt đầu để mắt đến gã. Đúng ra là bắt đầu để ý đọc gã. Thì ra gã viết khá nhiều, đăng tải khắp mọi nơi. Từ đường đường chính chính trong một tạp chí chính thống lề phải đến hùng hùng hổ hổ trong một cái blog lề trái.  Đọc gã một thôi một hồi mới giật mình phát hiện ra rằng gã uyên bác phết, viết đủ thứ chủng loại, loại nào cũng đến nơi đến chốn, chẳng rõ gã thuộc hệ gì.
Mang chuyện ra kể với vợ thì vợ bảo tưởng ai lão ấy lạ gì. Nhà lão cách mạng nòi, ở làng anh hùng Xuân Sơn. Thời lão còn là học sinh sinh viên ở Đà Lạt nghe nói cũng “quậy” dữ lắm, gái gú thì thôi rồi luôn. Vợ con lão cũng đang ở cả Đà Lạt đấy thôi.
Lên cơ quan kể chuyện với cô bạn cùng phòng. Mới nghe đến cái tên Đoàn Nam Sinh cô bạn đã á à một tiếng rõ dài nói thì em còn lạ gì lão í. Lão yêu mê mệt con H bạn thân của em đang dạy chuyên văn trên Pờ lây cu kia kìa. Thời còn học ở Đà Lạt lão thường dụ con H đi chơi, bọn em cứ được ăn theo dài dài. Trông lão í thế mà dại gái, he he he...
Vui mồm kể chuyện với phó phòng của mình, chưa được nửa câu anh đã ngắt lời, thằng Sinh vi xi ấy mà, nó học cùng lớp với tao ở trường trung học Trần Hưng Đạo. Thời ấy tao là lớp trưởng, nó chết danh là Sinh VC (việt cộng) vì từng vào tù Quốc gia do đầu têu mấy vụ đánh lộn. Nghe nói sau giải phóng không biết vì việc gì cũng bị vào tù Cộng sản, cả tháng sau mới được xuất kho đấy.
Quá ngạc nhiên mình đề nghị kể tiếp, anh bảo tao không biết gì nhiều lắm về nó, chỉ nhớ rằng thời học sinh sinh viên nó hoạt động cách mạng rất hăng, mười bảy tuổi đã được kết nạp vào đảng cộng sản. Nhà nó cách mạng nòi, khi bố nó mất, quan chức cấp cao của trung ương vào rất đông, có cả ông Trương Tấn sang. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không vào được nhưng có gửi vòng hoa vào chia buồn cơ đấy.
Hỏi: Thế bây giờ thì anh í làm gì? Đáp: Cũng không rõ lắm, hình như nó đang là chủ một công ty chuyên nghiên cứu về sinh học, phân bón thuốc trừ sâu tận Biên Hòa, Bình Phước gì đấy. Thi thoảng nó còn đi dạy ở các trường Đại Học. Mà sao mày hỏi nhiều về hắn lắm thế? Để tao bấm số nó cho mày nói chuyện nhá. Thế là lần đầu tiên được chuyện trò với Đoàn đại ca. Cũng như còm, tiếng cười khà khà của gã trong điện thoại không giấu được cái ngang tàng gai góc. Không nhớ hôm đó trò chuyện những gì, nhưng được một cái hẹn Cao nguyên khi gã hứa lên Đà Lạt sẽ gọi KK (nick của mình trên Quê choa) bù khú một bữa.
Rồi bù khú thật. Trưa hôm ấy mình vừa đi làm về thì gã phôn tới hỏi địa chỉ, chưa đầy năm phút sau đã nghe tiếng gã gọi cửa. Ôi! Đoàn Nam Sinh, ngươi đấy ư! Đứng trước mặt mình là một gã đàn ông trung niên đậm người với bộ ria mép trông xù xì như mấy gã xe ôm ngoài ngã tư. Nói thật, gã mà chạy xe ôm thì có ma nó đi, trông mặt gã như một tay ma phi a anh chị nào đấy, ngó đã sợ chết khiếp, hi hi hi.
Anh anh em em cứ như thân nhau từ lâu lắm, chuyện nở như ngô rang. Biết thêm một Đoàn Nam Sinh uống rượu như hủ chìm. Mình kém cái món này, chỉ dám nhấp môi như thằn lằn uống nước cúng. Trong khi phần lớn rượu chui tọt vào bụng gã như gió vào nhà trống. Gã uống cứ dễ dàng như ta hít thở, không như mình cứ chiêu được một ngụm thì mặt nhăn như khỉ phải ruốc. 
Gã còn huấn luyện cho mình cách uống rượu, phải cong lưỡi lên như thế này, phải đổ rượu vào dưới lưỡi như thế kia, đảm bảo không bao giờ say nhá. Lận lưng cái bửu bối uống rượu không say của gã đi nhậu với bạn bè hai lần thì cả hai lần bạn bè đều khiêng mình về nhà. Khỉ thật! người ta bảo dân uống rượu một tấc tới trời quả không ngoa, hi hi. Lựa lúc thuận tiện, mình hỏi gã nghe nói ông già anh ngày xưa làm gì to lắm à? Tợp một hơi hết li rượu gã cười khà khà: Biết chết liền! cả nhà anh chả ai biết ổng làm gì cả. Bó tay!

photo
photo
Hai tác phẩm của quái kiệt Đoàn Nam Sinh
Trò chuyện với gã, mình lại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Gã đang có mấy dự án nuôi trồng nấm ăn nên làm ra ở Đà Lạt, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người trong đó có cả vợ con. Chưa hết, gã còn mấy dự án nữa về nuôi cấy giống trầm hương cũng đang rất phát triển ở Lâm Hà, Bảo Lộc. Gã kể tiếp, lần này anh lên Đà Lạt vì chuyện khác. Anh đang bàn với nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng dựng tượng hai nhạc sĩ của Đà Lạt là Lê Uyên Phương và Nguyễn Đức Quang tại hai ngọn đồi cửa ngõ vào Đà Lạt. Hình như gã chả quan tâm gì đến việc mình đang há hốc mồm, vì sau đó gã bồi thêm rằng, thực ra kế hoạch chính của anh ở Đà Lạt là lập một khu điều dưỡng miễn phí dành riêng cho những người bị ung thư nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
Đến đây thì mình thực sự choáng. Ối giời ơi, cái ông Đoàn Nam Sinh là ông nào thế nhỉ?
Ngày về lại Sài Gòn, gã tặng  mình  hai cuốn sách với hai cái tựa đề hình như chẳng ăn nhập gì với nhau: “Con mì đất Quảng” và “Về Trồng Đồng Đông Sơn”. Cả tuần nay mình hết vớ “Con mì...” lại đến “Trống Đồng...”, đọc nội dung sách thì ít mà chủ yếu là cố gắng lắp ghép những mảnh rời rạc lại để nhận diện cho ra một cư dân Đà Lạt tên Sinh họ Đoàn, xem thử gã là ai. Người ta bảo thành phố hoa này sinh ra thật lắm quái kiệt, một nhiếp ảnh gia MPK du mục, một Đặng Việt Nga với “Crazy House”, một Lữ Trúc Phương với “Nhà trăm nóc” và “Đường lên trăng”. Thật là sai lầm nếu hội quái kiệt Đà Lạt không kết nạp thêm một cái tên nữa, Đoàn Nam Sinh.
Thế nhưng lỡ có ai đề nghị mình nói đôi điều về gã thì trả lời người ta ra sao nhỉ? Giáo sư Trần Quốc Vượng  trả lời như thế này trong lời tựa cuốn “Về Trồng Đồng Đông Sơn” : “Theo tôi được biết, Đoàn Nam Sinh vốn xuất thân là một nhà nghiên cứu Sinh học. từ bao giờ (một thập kỷ nay?) và từ ở đâu (Đà Lạt, Tây Nguyên?), vì sao (tinh thần “trở về CỘI NGUỒN”?) ông Sinh lại trở thành người nghiên cứu Sử học – Nhân học (Khảo cổ - Dân tộc học) thì tôi không được biết”.
Ơ kìa! Thế thì  rốt cuộc Đoàn Nam Sinh là ai? 
Biết chết liền! He he he.


Đang Chém Gió
KÊNH KỊA 
Nguồn: Blog KK