Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

CON EM TÔI


HIỀN LƯƠNG


Đó là tên của nó trong Giấy khai sinh, còn ở nhà chỉ đơn giản gọi nó là Hiền.
Má tôi sinh nó khi mới tập kết ra Bắc. Đẻ xong cô hộ lý hỏi để ghi vào sổ, Má tôi nói : "Hiền, em cứ ghi tên cháu là Nguyễn Thị Hiền". Má nghĩ, thằng anh con trai tên Dũng còn con em con gái là Hiền, chuẩn quá còn gì. Có lẽ nỗi đau đất nước chia cắt lúc đó quá lớn nên khi đi làm Giấy khai sinh, Ba tôi điền tên em vào tờ khai là Nguyễn Thị Hiền Lương. Má tôi chiều theo ý Ba, nhưng hàng ngày vẫn gọi nó là Hiền.


Hôm qua sực nhớ sinh nhật nó, mới nhắn tin chúc mừng. Hồi bé thì nhất định thế nào cũng phải có quà, còn giờ lớn rồi, không gọi điện cũng phải nhắn tin chúc mừng sinh nhật, không là nó dỗi. Nó mà dỗi thì, thôi rồi Má ơi!
Một lúc thấy nó reply: "Má nói, tao đẻ mầy hôm qua mà hôm nay thằng anh mầy mới biết tin hả". Giật cả mình, nhìn lại lịch thì đúng là mình nhầm, già mẹ nó rồi. Đành nhắn lại "Anh tưởng hôm nay hai sáu". Nó reply "Sao anh ko tưởng sang năm Má mới đẻ em". Kinh vãi! Đúng là con ranh em mềnh.


Còn nhớ cái đận năm ngoái, đang ngủ thiu thiu thì có điện thoại. Giật hết cả mình với những cú điện thoại giữa đêm hôm khuya khoắt thế này. Té ra nó gọi từ Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng, giọng lanh lảnh thông báo tin sốt dẻo: "Gọi bà chị dậy đi, em lên bà ngoại rồi nhá. Cháu trai, ba cân sáu".


Cái gì? Con Hiền mà lên bà ngoại rồi a? À ờ, mà con cháu Lin nhà mình lấy chồng hơn năm nay rồi còn gì. Mà mình cũng lên ông ngoại từ hơn nửa thập kỷ nay rồi còn gì. Nhưng mà con Hiền lên bà ngoại thì đúng là thông tin gây chấn động thật!


Nghĩ vậy là vì mình vốn bảo thủ, lại tư duy chậm, cứ tưởng con em mình đứa nào cũng trẻ con như dạo ở Đồng Hới, Quảng Bình. Cũng nhí nhố như hồi theo Má ra Cầu Tre, Hải Phòng. Cũng nhõng nhẽo như dạo còn học Đại học Xây dựng trên Hương Canh, Vĩnh Phú.


Dạo đó tôi là giảng viên Học Viện KTQS ở Vĩnh Yên, còn nó học ở Hương Canh, hai anh em cách nhau khoảng một tiếng đi bộ. Thỉnh thoảng nó sang Bộ môn tôi chơi, rồi ở lại ngày chủ nhật. Nó lục lọi hết cặp sách, ba lô đến ngăn kéo để xem có thư từ hoặc ảnh của cô nào ngoài chị Thưởng không. Khiếp thật! Một tháng tôi xuống Hương Canh thăm nó một lần, chủ yếu để mang nhu yếu phẩm cho nó. Dạo đó sinh viên sống kham khổ lắm, em tôi cũng vậy. Tháng thì tôi đi, tháng thì anh Lộc đi. Nó ở phòng tập thể giường tầng, có đến sáu bảy đứa lau nhau như nó. Tôi vẫn còn nhớ những đứa bạn cùng phòng với nó như cái Quy, cái Hoa, cái Yên, và mấy đứa nữa.


Bảy lăm giải phóng, Bảy sáu ba má tôi từ Quảng Bình trở về Đà Nẵng, tiếp năm sau là lúc nó làm đồ án tốt nghiệp ĐHXD. Còn nhớ bữa đó nó chạy lên chỗ tôi, bảo: "Em còn nợ môn Triết học Mac Lê, nhà trường không chịu cấp chứng chỉ. Anh xuống gặp Nhà trường xin cho em để em còn về Đà Nẵng sớm". Mình ngớ người, cứ tưởng đang ngồi ghế Tổng Bí thư, lệnh một phát là Hiệu trưởng của nó tái người. Tỉnh tâm lại mới bảo nó, cuối tuần anh xuống, cụ thể là gặp thầy nào để xin thì bảo trước, giờ anh đang lên lớp. Nó bảo, anh xuống chậm là em bỏ trường đấy, kệ anh với nhà trường đấy.


Tưởng nó nói đùa, hóa ra nó làm thật. Hôm tôi lóc cóc đạp xe xuống trường thì bọn bạn cùng phòng cho biết là "cái Hiền khăn gói về Đà Nẵng từ hôm qua rồi, bọn em hỏi thì nó bảo là anh Định tao nghỉ phép đưa tao đi". Liều thật!


Nó về Đà Nẵng mà không thèm nhận bằng của ĐHXD, ba tôi xin cho làm hết cơ quan này chuyển qua cơ quan khác, kể cả ở Đội chiếu bóng lưu động của Sở Văn Hóa. Rồi nó cưới chồng. Chồng nó là thằng Phương, cao to điển trai, dân Hà Tây, bộ đội từ chiến trường K trở về, lái xe REO chở gỗ chạy ngang dọc khắp mảnh đất miền Trung. Vợ chồng nó có hai con, đứa lớn là Lin, thằng nhỏ là Tin, gọi riết biệt danh đến nỗi quên mất tên tục chúng nó! Mỗi lần về Đà Nẵng nghe chúng nó một Cậu hai Cậu là cái bụng mình sướng rêm, thiệt đã!


Quốc Khánh vừa rồi nó khăn gói theo Út Hải bắt tàu hỏa ra Đồng Hới thắp hương cho Chị Cúc ở Nghĩa trang mới được nâng cấp. Xong việc lễ, hai đứa đang ngồi chờ hương tàn ở cạnh mộ của Chị, nó nhắn tin: "Em hỏi, em ra thăm chị chị có vui ko mà tung đồng xu chả có kết quả. Buồn quá. Đến lượt cái Hải hỏi thì đồng âm xoay tít".


Tôi liền bấm máy gọi cho nó. Vẫn cái giọng buồn buồn nó bộc bạch, có lẽ vì lúc đi trên tàu em không tin là sẽ được gặp chị. Nghe vậy tôi lựa lời khuyên nó đừng suy nghĩ linh tinh, rồi động viên an ủi nó, đừng nghĩ thế mà Chị biết được chị buồn. Trong mấy anh em mình, đứa nào về được với Chị chị đều vui cả. Nó hỏi, giọng đã đỡ buồn hơn: "Ai nói với anh thế?". - Chị Cúc chơ ai, chị vừa nói với anh xong! - mới nói có chừng nấy với con em mà giọng đã run run chực khóc.

Để nhớ ngày 26-10,
Ngày của con em tôi. 
-------------------------

BÀI ĐỌC THÊM -THƯ ÚT HẢI


Anh Hai.
Em định vào blog của anh đọc nhưng không biết có phải yahoo block em dần dần hay không, em không vào được blog của anh và một người nữa, còn nhà anh HC thì em lại vào được.

Em tổng kết chuyến đi anh nhá. Hôm trước đang nhắn tin với anh, định nói thêm gì đó xong em kiệt sức ngủ quên mất. Gần 4h chiều tai em ngứa dữ dội, em phải cố lắm mới mở mắt được, định gọi bé An chạy lên ngoáy tai cơ, xong em nhớ ra gói đất trên mộ chị còn phải mang ra nghĩa địa, em cố nhấc đầu lên, xong lại tự nhủ thôi, ngủ tí nữa rồi đi. Mắt không tài nào hé thêm được nữa nhưng hễ định chìm vào giấc ngủ thì tai lại ngứa kinh khủng. Cố lắm em mới ngồi dậy được, đi xuống tự nhiên quên bẵng chuyện tai ngứa mà chẳng thấy ngứa nữa.

Ra nghĩa trang tộc Nguyễn gỡ nắm sỏi lẫn cát bốc ở mộ chị ngoài Đồng Hới về rải lên mộ chị trong này, cảm giác thân thương gần gũi hơn nhiều. Bao năm em vẫn ra đây một mình thắp hương, nhổ cỏ trên mộ chị trong quạnh vắng nhưng không có được linh cảm ấm áp như thế này. Chị mất khi em còn bé quá, làm sao em có được cảm xúc gần gũi tiếc thương được bằng anh. Bây giờ thì em đã có, anh Hai à.
Xong phần việc ở nghĩa trang, em ghé thắp hương ở nhà thờ, rồi lại về đổ ập xuống ngủ mê mệt đến lúc trời sáng rõ, thấy lòng nhẹ nhõm hẳn đi.
Lúc ở nghĩa trang Quảng Bình trò chuyện với chị, em đã hứa là hàng năm em cố gắng ra thăm chị vì em tin chị muốn nằm lại nơi chị được yêu thương đùm bọc, nhớ tới nhiều hơn cả.
Bây giờ đến phần liệt kê những linh cảm trong chuyến đi:


Thứ nhất, ở tại nhà thờ. Bỏ qua những lần đổ âm dương hỏi – đáp, quẻ bát quái đáp lại lời cầu xin của em là “chị có linh thiêng xin phù trợ cho em trên đường đi và cho em thấy những hiển hiện là chị đi cùng em, cho em xin quẻ đầu là âm và có hào động”: Hào đầu tiên đổ được là 3 đồng âm: Hào âm động. Và tên quẻ là Thủy địa Tỷ với 3 lần đổ là đồng âm. Rõ ràng chị không nói được nhưng tên quẻ là quẻ Tỷ đã đủ kinh ngạc rồi. Em vào google tìm ý nghĩa của hào động đầu tiên quẻ Tỷ là: Có lòng thành tín thì gần gũi liên lạc. Anh vào đó tìm kiểm chứng nha.



Thứ hai, 6h sáng đến nơi, nghĩa trang ở nơi heo hút lại có 2 ông đi tập thể dục rất lạc lõng. Lúc đó xe em theo những banner Lễ khởi công xây nghĩa trang miền Nam chạy mãi, chạy qua đường sắt, đến ngã ba đường mòn thì không biết đi lối nào nữa, chị Hiền bảo xe dừng lại gọi cho anh. Em nhảy xuống xe thì 2 ông kia đã đi vượt qua xe rẽ lên đường dốc đàng xa. Em ngần ngừ một lúc rồi hú gọi, ới hỏi. Hai ông vội vàng vung tay chỉ dẫn, xong tất tả chạy ngược lại, chạy theo tới tận bờ thành nghĩa trang đứng đó với người tài xế.

 Lúc cúng kiếng xong, em nhớ ra thì 2 ông này đã đi mất hút lúc nào cũng không rõ.


Thứ ba, cuộc trò chuyện bằng 2 đồng âm dương hệt như linh cảm: Mới đầu em bận thắp hương khấn vái ở ban thờ Đài chính của nghĩa trang, chị Hiền lâm râm khấn xin gì đó, em quay lại chị lắc đầu bảo không được. Em hỏi: Xin gì mà không được? Chị bảo: Tao bảo chị cho thấy biểu hiện gì xung quanh để biết chị về mà không được.


Em quỳ xuống khấn, tin là mình thần giao cách cảm với chị. Có gì đó rất thiêng liêng và thân yêu lắm ở gần đây !

Đến câu hỏi: Chị có vui khi thấy bọn em ra với chị không? Em thả 2 đồng tiền ấp trong 2 tay rơi xuống đĩa như với mấy câu hỏi kia, tay không đưa cao, sao đồng tiền mặt dương rơi xuống nằm im ngay, còn đồng âm đứng thẳng quay tròn múa trong vài giây rồi mới từ từ ngả đè lên đồng dương. Trong phút chốc em nhìn ngây ra, không kịp kêu chị Hiền xem, rồi cái gì đó trong ngực dâng lên khiến nước mắt không đừng được, trào ra nghẹn ngào. Một lúc em mới hỏi tiếp được về việc khác, mà lúc này em tin lắm rồi, tin chị vẫn ở đây nhiều hơn ở quê cho dù hài cốt chị đang ở Đà Nãng. Chị sẽ mãi ở đây với rừng dương trầm mặc, với khung cảnh tĩnh mịch sạch sẽ. thật êm dịu hiền hòa với bầu trời trong veo…


Ký ức về một Quảng Bình tuổi thơ trong em luôn là những hàng dương vi vút, những lối cát êm đềm với giọng nói, tiếng cười người Quảng Bình có gì ấm áp, thân tình lắm. Hai người đàn ông đi bộ thể dục cũng vậy, dáng vẻ xởi lởi lật đật chỉ đường tận tình của họ sao dễ mến thế.


Quay về với tàu xe, em nhận ra một chi tiết nhỏ nữa là: Lúc em đi, tàu chậm hơi chật chội mất vệ sinh, tàu về là tàu nhanh đắt tiền hơn chút thôi nhưng sạch sẽ hơn chút xíu. Tuy nhiên chỗ ngồi của hai chị em trên cả 2 tàu đều may mắn ở vị trí xa nhà vệ sinh nhất, vấn đề hay ám ảnh khiến em ngại đi xa nhất là đây. Kế hoạch xuống tàu – ra nghĩa trang – ghé qua thăm nhà anh Long – ra tàu về ĐN chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ chính xác luôn.


Thế đấy, biết nói thế nào anh nhỉ. Kỳ diệu, phải không? Em chốt lại là thật kỳ diệu. Điều em mong mỏi biết thế nào là ngoại cảm là thế này và thật cảm động khi liên lạc được với chị mình ở thế giới bên kia.


Kể với anh Dũng thì chẳng biết anh ấy có tin không, nhưng anh Hai tin em là được rồi. Chị Hiền đi theo nửa tin nửa ngờ mà còn lẩm bẩm về chuyện 2 ông đi dạo nghĩa trang lúc sáng sớm là không bình thường nữa mà.

Lệ Hải (Út Hải của anh)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

BÁC LIÊU


BÁC TÔI



Bác tôi là bác Liêu, Đào Hữu Liêu, Thiếu tướng về hưu, ở trên Phố nhà binh Lý Nam Đế. Bác tôi mất tháng Hai năm Ất Dậu, thọ 87 tuổi.


Nhớ dạo còn học ở Liên Xô, thỉnh thoảng vào dịp Tết Nguyên Đán tôi còn nhận được thiếp chúc Tết của bác từ nhà gửi sang. Dạo đó thư từ qua lại khó khăn, nhận được thư từ bên nhà gửi sang là cả một sự kiện. Mấy đứa trong đơn vị hỏi thư ai, tôi đáp của bác tao, chúng nó lại hỏi bác ruột hay bác họ, biết ngay chúng nó thắc mắc là do hai bác cháu có họ khác nhau. Tôi làm ra vẻ nhà quê, bảo ruột hay họ tao không nhớ, chỉ nhớ là bố tao và bác tao có chung ông bà ngoại. Chúng nó ồ cả lên "gần thế cơ à". Chứ còn gì, máu mủ ruột thịt đấy.



Biết thừa là bác họ, nhưng tôi không chấp nhận điều đó, vì tôi biết rằng bố tôi và bác có chung dòng máu của bà ngoại truyền cho, qua hai bà mẹ. Một trong hai bà mẹ đó là Bà nội tôi, như thế chưa đủ ruột thịt sao! Điều nữa làm tôi không muốn nhắc đến hai chữ "bác họ" là do mặc cảm bố tôi con một, lấy đâu ra chú bác ruột. Bố tôi chỉ có hai ông anh, một anh bên nội cùng chung ông bà nội, một anh bên ngoại cùng chung ông bà ngoại. Ông anh bên ngoại này chính là bác Liêu của tôi!



Bác tôi chiều vợ chăm con có tiếng. Mỗi chiều đi làm về là bác tôi lại treo bộ quân phục hàm tướng lên mắc áo rồi bắt tay dọn dẹp lau nhà giúp vợ con. Anh Quang đi bộ đội, còn ba cô con gái chiều chiều đi học về lại ngồi tán chuyện gẫu ở bộ xa-lông kê giữa nhà. Bác tôi lau nhà từ phòng trong ra phòng ngoài, dân gian truyền rằng cái giẻ ở thanh lau nhà đi tới đâu, các con nhấc chân lên tới đấy. Mà lại nhấc cao để không bị ảnh hưởng đến chân đẹp, các chị tôi ngoan thế cơ mà. Nghe xong có người hỏi "dân gian là dân gian nào?", lại phải giải thích "thì gồm các con các dâu các rể của bác chứ sao", mệt cả người, hehe!



Với các con thì vậy, với các cháu bác cũng thương và quan tâm không kém. Vợ chồng tôi không bao giờ quên hình ảnh của bác đạp xe đi trước, hai đứa chúng tôi đèo nhau bám theo sau, đến gặp bác X. thủ trưởng Tổng cục Bưu điện thời bấy giờ để liên hệ xin việc cho vợ tôi, lúc đó mới tốt nghiệp ở Liên Xô về. Nghĩa là lần ấy, bác tôi thân chinh đi xin việc cho người yêu của thằng cháu là tôi đấy nhé. Sau đó khi chúng tôi đã lập gia đình, có con nhỏ và được phân một gian tập thể bé xíu ở Bãi Phúc Xá, thỉnh thoảng bác vẫn đi xe đạp, có lần thấy bác cuốc bộ ra tận bờ sông thăm chúng tôi, và lần nào cũng cho quà.



Lại nói về chuyện xưng hô, bố tôi dạy các con: "Nề nếp gia phong, đã là con bác, bất kể bên nội bên ngoại đều phải gọi anh chị xưng em, xưng em thấy khó thì xưng tên". Bác tôi bổ sung, trong nhà là vậy, nhưng khi ra xã hội cho xưng theo tuổi, đứa nào lớn tuổi hơn là anh, là chị. Các chị con bác tôi chấp hành có phần thoáng hơn, linh hoạt hơn, ở nơi đông người thì gọi anh xưng em là đúng rồi, mà ở nhà cũng gọi tôi bằng anh xưng em, làm mềnh sướng âm ỉ!



Nhiều người nói "con cái chiều quá sinh hư", có thể ở đâu đó câu ấy đúng, còn ở nhà bác tôi thì câu đó trở thành trật lất. Bằng chứng là các anh các chị của tôi rất ngoan lúc nhỏ, học giỏi lúc trẻ và thành đạt lúc trưởng thành. Hiện giờ thương nhất vợ chồng anh Quang làm ăn xa xứ, mỗi lần có việc vội vã bay về, lo xong công việc lại vội vàng bay đi, thật là vất vả. Thương nhất chị Hiền khoảng thời gian gia đình gặp sự cố, chị gầy như cái xác ve. Vậy mà lần bố tôi cấp cứu nằm ở Bệnh viện 108, chị vào thăm miệng vẫn cười tươi hỏi thăm "Chú Sâm, chú sao rồi". Để rồi lúc ra ngoài sân Khoa A2 mặt chị buồn thiu, buồn không thể tả được. Tôi theo chị ra tận chỗ gửi xe máy, đi dọc đường không dám hỏi câu nào, chỉ sợ mỗi lần chị cất tiếng trả lời là nước mắt lại trào ra. Chị lên xe tạm biệt ra về, tôi nhìn theo bóng chị xót xa. Giờ thì chị đã trở lại vui vẻ bình thường như ngày nào.



Trong ba bà chị thì có chị Thảo thời gian gần đây mang tiếng nói nhiều. Hai anh em tôi chất vấn anh Động chồng chị, tức là anh rể của tôi: - Căn cứ vào đâu mà anh bảo chị tôi nói nhiều, hở? Anh rể phân trần: "Tôi nói để hai cậu rõ là do bệnh nghề nghiệp nên về nhà  cũng như ở cơ quan, tôi chỉ quan sát chứ không nói một câu nào. Vậy thì người nói nhiều nhất nhà là chị Thảo của các cậu chứ còn ai tranh mất thành tích ấy. Kha kha!". Chị Thảo cười như Liên Xô, họa theo: "Còn anh Động chiếm ngôi nói nhiều thứ hai, đàn ông nói nhiều hay ho gì!". Thế ra ai cũng có ngôi vị, đúng là bệnh thành tích, haha!



Bác tôi còn có chị út tên là Hương, lúc còn bé được chiều nhất nhà, sau này lớn lên yêu rồi lấy anh Phương bảnh trai và dễ thương nhất trung ương. Bọn tôi đến chơi nhà hay trêu, chị Hương lấy anh Phương là do hai người đều ương ương giống nhau. Đó là chọc vui, còn trên thực tế hai anh chị Phương Hương phải nói là xinh - rất xinh, đẹp đôi - rất đẹp đôi, và rất tươi nữa. Anh chị em chúng tôi luôn hãnh diện về điều đó!



Vợ bác tôi là bác Phan Lan Châu, người quê Nghệ An. Lúc nào các cháu đến nhà bác cũng quan tâm hỏi han chuyện trò vô cùng thân mật. Bác nói năng nhẹ nhàng và có cái tên thật hay, hay đến nỗi mà bọn học viên ở Trường Quân sự Kiev còn nhầm, tưởng là tên nữ nghệ sĩ nào đó bạn của anh Định! Chỉ khi mở phong bì ra trước mắt chúng nó, thấy cái thiệp chúc Tết có ký tên ở dưới "Bác của cháu, Phan Lan Châu" chúng nó mới tin, láo toét thật! 



Điều an ủi lớn nhất với anh em tôi là khi bác gái ra đi, tôi đã cùng các anh chị có mặt bên cạnh bác, sau đó đưa bác tôi vào nhà lạnh, để rồi hai hôm sau tự tay tôi đã nâng người bác lên để cho các nhân viên của nhà tang lễ làm các thủ tục khâm liệm. Bác gái của tôi sống lâu, thọ đến 87 tuổi.

Suốt cuộc đời binh nghiệp, bác tôi phải gồng mình phấn đấu gấp ba gấp bốn và có khi gấp nhiều lần người khác mới đạt được mục tiêu phấn đấu. Đó là di chứng của một thời ấu trĩ, của chủ nghĩa lý lịch, chuyên xem xét đánh giá con người qua nguồn gốc xuất xứ. Bác tôi sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề nông nhưng giàu có vào hạng bậc nhất trong làng, năm Năm Tư lại có người thân di cư vào Nam. Thế đấy!


Chỉ đến trong Lễ tang bác tôi, các anh chị và chúng tôi mới biết được những gì mà bác cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc là không thể hình dung được. Bác tôi đã kinh qua chừng nấy đơn vị, mà đơn vị nào bác cũng là người sáng lập hoặc tham gia sáng lập, là Tư lệnh hoặc Phó tư lệnh. Đã tham gia chừng nấy chiến trường, thiết kế xây dựng chừng nấy sân bay dã chiến, chừng nấy công trình ngầm bí mật. Sau năm Bảy lăm, bác tôi nằm trong ban chỉ huy của một cơ quan quản lý các đơn vị làm kinh tế lớn của quân đội, khai phá phát triển khu vực Tây Nguyên, tham gia xây dựng các dự án sân bay quân sự và dân sự. Trái ngược với thân hình nhỏ bé của bác là cả một sức làm việc phi thường, con cháu chạy theo không kịp. Thế rồi bác tôi về nghỉ chế độ với hàm Thiếu tướng, vui thú điền viên với con cháu những năm cuối đời.

Một năm hai lần, cứ vào dịp gần Tết cũng là gần ngày giỗ bác, và tiếp đó giữa năm là Rằm tháng Bảy nhằm Lễ Báo Hiếu, tôi đều lên Nghĩa trang Thanh Tước thăm mộ và thắp hương cho Bác tôi. Khóm mẫu đơn tôi trồng trên mộ bác, năm nào cũng ra hoa rất đẹp. Sinh thời, bố tôi rất vui và lấy làm hài lòng mỗi khi tôi đi thăm mộ bác về rồi kể cho bố nghe. Bố tôi cười thích thú khi nghe tôi kể, các anh chị nói bác đào hoa lắm, nằm quanh bác trên Thanh Tước toàn là các bà các cô thôi. Thì ông em cũng đào hoa kém gì, kha kha!


Giờ thì hai bác đã sum họp, đã lại về bên nhau, trên mảnh đất Thanh Tước yên bình và mát mẻ ấy. Cầu mong cho hai bác luôn thanh thản và bằng an nơi Cõi Vĩnh Hằng.


Chớm Đông Nhâm Thìn 2012

Cháu TẤN ĐỊNH
---------------------

Viết xong entry BÁC TÔI, tôi gửi cho chị Hương con bác bản gốc "véc-xông A chấm không". Chị tôi đọc và hồi âm ngay tắp lự. Đây, hồi âm của chị Hương.

HỒI ÂM CỦA CHỊ TÔI

Anh Định ơi!

Anh viết tuyệt lắm như một nhà văn chính hiệu nhưng rất thật. Mà đọc blog này em mới biết hơn về bố mẹ em đấy và ngay cả 3 chị em chúng em nữa, Phương nhà em cũng kể chuyện đến nhà thấy 3 chị em nói chuyện trên trời dưới bể, toàn chuyện đại sự thế giới nhưng vẫn biết co cẳng cho bố quét  nhà, em cứ nghĩ ông ấy bịa, điêu ngoa nay lại thêm anh nữa thì mới tin là té ra đúng là mấy chị em nhà mình thật rồi.

Phương nhà em Chúc mừng các anh chị trong Trung tâm (MARIN).

---------------

Đấy nhé, không bốc phét bao giờ nhé, Chị tôi gọi cậu em là "anh" đấy nhé. Sướng củ tỉ! Tính cả tuổi Mụ chị Hương sinh sau thằng em chỉ có đâu 15 quyển lịch, hehe!


ĐÔNG SỚM


Theo dự báo, vài ngày tới có đợt gió mùa đầu tiên...



ĐÔNG SỚM



Có lẽ nào em đã vội ra đi
Để ai đó ngỡ ngàng, Đông về sớm
Sao em chẳng chờ tôi 
dẫu bằng cơn gió muộn
Hết heo may khí lạnh sẽ tràn về

Có lẽ nào em đã hết say mê
Cành cơm nguội, cây liễu già rủ bóng
Vắng em rồi, vẫn không thôi hy vọng
Em sẽ lại về, 
để gốc bàng lá đỏ bớt đơn côi...

Chẳng giữ được em, điều trĩu nặng tim tôi 
Chùm chuông gió lộc vừng rung rinh lời ước
Quanh Hồ Gươm ta làm sao quên được
Vạt nắng chiều em dát mỏng làm tin...

Ký ức ngày xưa nhớ nhớ quên quên
Quay quắt nhớ những miền Thu xa ngái
Và chợt hiểu để sớm ngày gặp lại
Hãy giang vòng tay, đón Đông sớm người ơi!
SB Nội Bài, sáng 14-10
Chớm Đông Nhâm Thìn 2012