Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

MÙA THU HÀ NỘI

MÙA THU HÀ NỘI
03:34 21 thg 8 2012Công khai75 Lượt xem5

Em là nỗi nhớ

11-10-2008


Bài đăng lại dành cho MTHN ngày vào Thu

Chắc chắn là tôi đã biết em khi tôi còn ở trong nước. Tuy nhiên, thú thật thời đó tôi không để ý đến em lắm. Cho đến một chiều đang đắm mình trong nỗi nhớ quê, mải mê ngắm nhìn những bông tuyết đầu mùa rơi trên xứ người, bỗng nghe mấy anh chàng công tử Hà Thành nhắc đến em, chợt thấy lòng trỗi dậy một nỗi nhớ nao nao khó tả. Thì ra, nỗi nhớ về em đã có sẵn trong tôi, bất chợt ùa về như thế đó! Đó là vào những ngày đầu xa quê, chúng tôi sống và học tập ở một thành phố cảng bên bờ Hắc Hải.


Rồi tốt nghiệp. Rồi về nước. Rồi ngày ngày đi làm. Tuy thời đó cuộc sống còn lắm khó khăn vất vả, nhưng có thể nói đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời!

Sống giữa lòng Hà Nội, tôi đã gặp lại em như là điều tất yếu, như có sự sắp đặt của số phận vậy. Mặc dù mỗi năm chỉ được gặp em có một lần, nhưng cũng đủ để cho tôi hiểu em nhiều hơn và nghiệm ra nhiều điều. Và rồi bỗng ngộ ra rằng, sự hiện diện của em quan trọng đến như thế nào đối với mảnh đất và con người nơi đây. 

Cứ mỗi lần em về, Hà Nội như đằm thắm hơn, đáng yêu hơn, và cũng gợi nhớ hơn. Mỗi đận em về, người Hà Nội bỗng trở nên kín đáo và duyên dáng hơn, cảm xúc cũng dễ trào dâng để rồi một ngày nào đó xa Hà nội, người Hà Nội luôn nhớ về em! 

Khi ngắm nhìn một chiếc lá vàng rơi, khi cảm nhận cái se se của ngọn gió heo may đầu mùa, khi thấp thoáng bóng dáng gánh hàng hoa với những bó cúc vàng, với những bông sen hồng cuối hạ, ai ai cũng đinh ninh rằng em đã về, em đã hiện diện trên mảnh đất hào hoa này! 

Cuối một chiều vừa tắt nắng hanh, hoàng hôn chưa kịp phủ bóng lên Hồ Gươm thơ mộng, thử chầm chậm rảo bước dọc theo con đường thân thuộc quanh hồ. Heo may nhè nhẹ, hương hoa sữa khẽ đưa theo gió, thoang thoảng mà nồng nàn, dịu dàng mà quyến rũ làm sao. Thì vẫn biết em còn quanh quất đâu đây, vậy mà sao vẫn nhớ đến nao lòng! 

Tối qua vừa làm xong một bài thơ về em, muốn gửi nhưng rồi không gửi. Bởi vẫn biết rằng nếu có gửi cho em thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có hồi âm. Em dịu dàng mà kiêu sa vậy đó, để biết bao người ngưỡng mộ em, yêu quý em, đến nỗi “đi xa thì nhớ, ở gần lại si”. Đã có biết bao nhà văn nhà thơ từng viết về em, đã bao giờ họ nhận được hồi âm từ em? Nghĩ vậy rồi bỗng thầm mỉm cười với những dòng suy tư lan man và ngộ nghĩnh. 


Se lạnh, thế là mùa Đông sắp về rồi đấy. Đông về là em lại ra đi, ra đi để sang năm em sẽ quay trở lại. Đang đắm mình trong em mà lại còn muốn ôm em vào lòng. Ngộ thật! Em hiện diện quanh ta, hương thơm của em thấm đẫm tâm hồn ta, vậy mà vẫn ước ao làm sao để em gần ta hơn nữa. Lạ thật!

Em sắp đi xa rồi. Xa em, ta sẽ nhớ em nhiều hơn đấy. Vẫn biết thế nào rồi em cũng còn trở lại, vậy mà lòng vẫn cồn cào quyến luyến không thôi!

Chào em nhé! Nhất định có ngày sẽ còn gặp lại, sẽ đón em về với niềm hứng khởi và hân hoan như thuở ban đầu.

Cũng bởi chính em là MÙA THU HÀ NỘI đó em!

Thu Mậu Tý - 2008


---------------


GỬI EM,  MÙA THU HÀ NỘI


Người Hà nội nhớ EM, EM biết không?

Chiều Hồ Gươm cây liễu già ủ rũ

Mắt ai nhớ EM đêm đêm không ngủ

Nỗi nhớ màu gì mà thao thức, EM ơi...

Hà nội có EM, tím ngắt vòm trời,

Trái sấu rụng cuối mùa vàng rộm

Vị chua giòn trộn heo may thành nộm

Thịt bò khô Hoàn Kiếm nhớ EM hơn!

Ai cũng nhớ EM, khiến hoa sữa dỗi hờn

Nồng nàn thế mà dịu dàng đến thế.

Chiều nay vắng ai, lẻ đơn chiếc ghế

Mặt hồ biếc xanh chao chiếc lá thu bay...


Ai cũng nhớ EM, tha thiết những ngày,

Cơn mưa vội ướt mắt ai, ngõ nhỏ...

Chênh chao cánh chuồn, lao xao làn gió

Nhớ nồng nàn vòng tay ấm tìm nhau...

Mùa Thu đến quên hết mọi lo âu

Chỉ còn đó tiếng cười tan trong nắng.

Nỗi nhớ nhung nén đáy lòng bình lặng

Hương cốm Vòng quyến luyến gió thu bay...


Chớm Thu Mậu Tý 2008


-----------


CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI
Lời bài hát

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương anh cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay

Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát

Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau anh níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ

Nghìn năm sau anh níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

CHỊ TÔI

22:26 20 thg 8 2012Công khai115 Lượt xem
3



BỖNG DƯNG...CHỊ TÔI



Trên VTV1 đang phát một phóng sự của truyền hình Quảng Bình. Bỗng dưng màn hình dừng lại khá lâu ở một tấm bia mộ, trên đó rõ ràng là họ tên chị tôi: Nguyễn Thị Bạch Cúc. Lời thuyết minh thì đang nói về nghĩa trang của những cán bộ miền Nam tập kết tại Đồng Hới. Vợ tôi từ bếp nghe thế chạy lên, vừa xem vừa nói "Sao lại có thể như thế được". Tôi nghĩ bụng, thật vô lý, nhưng mọi cái đều có thể...

Đoàn Hải, cán bộ Văn phòng Ủy ban Tỉnh nghe tôi tâm sự liền bấm máy hỏi một chị nào đó ở Ủy ban. Xong Hải nói với tôi: "Anh thử ra Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc xem, hình như khu mộ mà anh nói nằm phía đằng sau Nghĩa trang Liệt sĩ".

Ngay chiều hôm đó tôi mua một bó hoa cúc và mấy thẻ hương, thuê xe máy của khách sạn chạy ra Ba Dốc. Anh Trung quản trang nghe vậy liền dẫn tôi ra khu đất phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ tìm kiếm, tuyệt không thấy một khu mộ nào của cán bộ miền Nam tập kết. Đang lúng túng chưa biết nên hỏi ai thì thấy Đoàn Hải gọi, Hải hỏi xem tôi đang ở đâu. Khi biết tôi đang ở Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc Hải nói ngay: "Nghĩa trang cán bộ miền Nam tập kết nằm ở thôn 6 anh ạ. Từ Ba Dốc đi vào Đồng Hới, khi chớm đường đôi có giải phân cách của thành phố thì anh rẽ phải, đi khoảng nửa cây số là đến". Theo chỉ dẫn của Hải, tôi tìm đến nghĩa trang một cách dễ dàng. 

Vừa dựng xe vừa quan sát, tôi thấy cả khu nghĩa trang đang như một công trường, hóa ra nghĩa trang đang được nâng cấp. Tiếp tôi là một Cựu chiến binh tuổi gần tám chục, bác giới thiệu tên bác là Kim Dị người thôn 4, và hỏi tôi tìm ai. Tôi kể lại đầu đuôi và nói với bác: "Tôi tìm chị tôi là Nguyễn Thị Bạch Cúc". Bác quay sang các tốp thợ đang xây, nói: "Các cháu kiểm tra hộ xem có ngôi nào mang tên Bạch Cúc không?". Thật bất ngờ, tốp hai công nhân đang xây ở ngôi mộ gần tôi nhất đồng thanh reo lên: "Đây rồi bác ơi, chúng cháu đang xây cho bà Cúc đây này!". Vừa nói một cậu thanh niên vừa chỉ vào tấm bia mới được lật lên dựng ngay đầu mộ. Tôi bàng hoàng cả người. 


Bước ba bước sang đến cạnh mộ, tôi nhẹ nhàng đặt bó hoa lên hàng gạch mới xây, hai tay xoa đi xoa lại trên tấm bia bằng đá liếp có dòng chữ mang tên chị tôi, những nức nở lặn hết vào trong mà sao hai dòng nước mắt thì không ngăn được. Tôi những muốn nói thật to mà không sao thốt nên lời: "Chị đây rồi, chị của em đây rồi". Tất cả những người có mặt ở trong nghĩa trang đều dừng tay, lặng phắc, ngoái nhìn...

Bác Dị khuyên tôi hãy nán lại chút nữa, chờ các cháu xây xong phần thành mộ phía trên thì có thể thắp hương cho chị được. Trong lúc chờ đợi tôi gọi cho mấy đứa em là Hiền, Hải ở Đà Nẵng và Dũng đang ở Bình Dương, đứa nào cũng xúc động và cảm thấy lạ lùng, rõ ràng là ba má đã đưa chị về Đà Nẵng rồi cơ mà. Bác Dị cho biết thêm, khu nghĩa trang này có tất cả 82 mộ chí, theo sổ sách quản lý của địa phương thì trong đó có 5 ngôi đã được hồi hương. Khi biết rằng chị Cúc đã được ba má tôi đưa theo về Đà Nẵng từ năm 1976, bác Dị tỏ ra rất ngạc nhiên, bác nói: "Không thể như thế được vì mộ và bia vẫn còn nguyên vẹn đây này". 

Bác giải thích, mộ nào đã hồi hương thường người ta mang bia theo hoặc chôn ngầm xuống đất, sau đó làm thủ tục cúng lễ rất cẩn thận, nếu không vong linh người chết không theo được về quê để nhập mộ. Bác nói: "Nếu ông già chú không làm đúng tập tục bản địa thì vong linh chị chú vẫn còn đâu quanh đây thôi, chưa về Đà Nẵng được đâu". Tôi nghe mà xót xa và thương chị quá. Nhưng rồi cũng được an ủi phần nào khi tôi nhớ lại là ba tôi cũng đã từng làm một cái lễ như vậy ở Lệ Thủy rồi. Bác Dị nói thêm: "Những bà con nằm đây hầu hết quê ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Ngãi, Bình Định cho đến Đồng Tháp, Cà Mâu, chúng tôi có trách nhiệm trông coi và chăm sóc. Chị chú đã về trong quê thì coi như đây là ngôi nhà thứ hai vậy, để có nơi đi về". Tôi lắng nghe và bỗng thấy lòng mình ấm lại.
Trước khi chia tay, bác xin ghi lại số điện thoại của tôi, của các em tôi, rồi nói: - Trên chỉ đạo là phải khẩn trương, cố gắng khánh thành vào dịp Quốc Khánh. Có gì tôi sẽ thông báo cho chú và gia đình biết". Tôi nắm chặt tay bác, người cựu chiến binh đã trải qua hai cuộc kháng chiến, không nói thêm được lời nào. Mọi lời cám ơn lúc này sẽ trở nên khách sáo và không cần thiết. 

Trước khi ra về, tôi thắp hương khấn chị: "Bằng an chị nhé! Ngày khánh thành nhất định chúng em sẽ về!".

TẤN ĐỊNH

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

THƠ CHO BẠN HỌC CŨ - THANH THU


THƠ CHO BÈ BẠN CŨ

Thanh Thu - Tặng các bạn Khóa 1972


Nhớ cái ngày các cậu ra đi
Hầu hết chúng mình chỉ gần gần mười bảy.
Phượng chưa đến mùa để mà rực cháy,
Học đã xong đâu mà nghĩ đến chia tay

Ngoảnh lại ngoảnh đi thế mà đã đến ngày
Lứa chúng mình sắp về hưu hết cả
Tóc đã bạc bởi một thời gian khó
Lại nhớ nhiều hơn về lớp về trường

Lứa chúng mình rất là dễ thương
Như thể cả Hà nội cùng chung một khóa
Chắc các cậu ở đây cũng thế
Hà nội A, B, Chu Văn An... đủ cả nơi này...

Có những người trước đây chưa kịp quen nhau
Nhưng cứ chuyện trò vài câu là rôm rả
Trong đám bạn học trò một thủa
Ta thể nào cũng có bạn quen chung

Có khác chăng chỉ một chút lắng lòng
Các cậu mãi mãi chẳng bao giờ kịp hai mươi tuổi
Giữa Quảng trị trời trong xanh nhường ấy
Tớ khóc vì Bảy Lăm (1975) mình vừa đúng hai mươi !

Cuộc gặp nào cũng đến lúc chia tay
Chúng tớ sắp phải về rồi, ngoài kia xe đã gọi
Cho tớ thắp thêm một tuần hương mới
Không phải vĩnh biệt các cậu đâu,
mà để trải lòng mình

Cho những bạn bè tớ chưa kịp đến thăm
Và hộ những đứa chưa kịp về thăm các cậu
Dẫu âm dương hai đường thì vẫn vậy
Khóa chúng mình đâu có dễ quên nhau...

Huế -Quảng trị 2008
THANH THU

-------------------



VĨNH HẰNG TÌNH BẠN HỌC

Bạn bè nằm lại Thành Cổ gửi Thu 
Tấn Định


Nhớ cái ngày chúng tớ ra đi

Cậu làm gì được gần mười bảy

Phượng chưa đến mùa nhưng con tim rực cháy

Học chưa xong chúng tớ cứ lên đường.


Ngoảnh lại, ngỡ vừa mới xa trường

Thế mà các cậu sắp về hưu hết cả 

Còn chúng tớ không có già đâu nhá 

Vẫn mười tám đôi mươi như thuở học trò



Sao, Thu vừa bảo chúng tớ dễ thương?

Ừ thì vưỡn, vì chúng mình một lứa

Từ Thành Cổ trở về còn mấy đứa

Ơ, cậu làm sao mà mắt kính nhòe kìa.


Đừng thắp nhiều hương, một nén cũng đủ chia

Bởi khói hương gió mang đi khắp ngả

Bạn bè quanh đây đều nhận ra được cả

Biết Thu về thăm chúng tớ cực vui !


Mấy chục năm rồi thương nhớ khôn nguôi

Nay gặp lại mừng mừng tủi tủi

Dù bên nhau mấy tuần hương ngắn ngủi

Vẫn vĩnh hằng nỗi nhớ Thu ơi...


27-7-2012

TẤN ĐỊNH

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ



5

MỘT CHUYẾN VỀ QUÊ



(Bấm vào tiêu đề để xem ảnh)


Thế là chúng tôi lên đường về quê, về lại chốn chôn rau suốt một đời đau đáu.

Tổng số thành viên vượt quân số những năm trước đây. Ngoài gia đình của ba anh em trai như năm ngoái, năm nay có thêm em gái út Thu Thủy và Hương Ngàn, nàng dâu tương lai của đại gia đình. Thành viên cao tuổi nhất đoàn là một CCB, lúc khai tuổi bốn chục, lúc thì khai hăm nhăm, cuối cùng cả đoàn nhất trí là gộp cả hai lời khai lại cho nó...gọn. Thành viên ít tuổi nhất đoàn có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hà Phương, thời kỳ hoạt động cách mạng lấy bí danh là Bông. Mỗi lần ai đó hỏi tuổi, Bông ta chỉ cười toe toét rồi tảng lờ. Con gái mà, tuổi tác là chuyện tế nhị! Nhưng rồi cũng chả có gì bí mật mãi được, theo tiết lộ của ông Tấn Lộc, ông nội Hà Phương thì đến khi Việt Nam mình trở thành một nước công nghiệp mới, Bông ta có thể được phép...yêu!

Sáng sớm ngày đầu tiên trên quê hương Quảng Bình, chúng tôi được xe 30 chỗ mới toanh của cháu Chương đón ở Ga Đồng Hới, đưa đi ăn sáng ở Quán Cà-phê Thạch Thảo, ở đây có món cháo bánh canh truyền thống thật tuyệt vời. Chị Thu Hoài, chị cả của chúng tôi ở Đồng Hới đến cùng ăn sáng, sau đó đi cùng chúng tôi lên thẳng Lệ Thủy. Khách Sạn 9 sao Hằng Nga ở ngay trung tâm Thị trấn Kiến Giang tiếp đón chúng tôi nồng nhiệt. Đoàn dùng bữa trưa ở Nhà hàng Quê Hương quen thuộc với các món đồng quê như cá đô kho một lửa, canh cá tràu nấu chua (loại dưa hấu quả chỉ to bằng nắm tay người lớn muối chua) và mắm tép kèm thịt ba chỉ. Vừa ăn vừa thưởng thức các bài ca truyền thống của các ca sĩ tuổi sồn sồn. Cứ tưởng nhà hàng có ban nhạc sống, hóa ra là buổi liên hoan tiễn các cụ về hưu của Phòng Nông nghiệp Huyện, hehe.

Trong hai ngày ở Lệ Thủy, chúng tôi đã kịp đi hầu hết các "Địa chỉ đỏ" có trong chương trình: Về thắp hương Nhà thờ bên nội, thăm lại mảnh vườn xưa nơi đã trải qua thời thơ ấu của anh em tôi. Viếng Nghĩa trang Gia tộc ở Mỹ Thủy, cách nhà khoảng mười cây số ngược  dòng Kiến Giang thơ mộng. Tại đây, chúng tôi đã trải qua những khoảnh khắc xúc động khi được chứng kiến bát hương trên ban thờ Cụ Cố Nguyễn Tấn Tường bốc cháy trong lúc trời đang rắc một cơn mưa nhỏ. Một sự kiện hiếm hoi trong hơn chục năm nay.

Chiều đến, cả đoàn lên xe phóng ra biển Ngư Thủy Bắc, đông tuổi hiếm tuổi đều xuống biển tất, trừ các "trai thanh gái lịch" thì mải chụp ảnh lưu niệm ở các cồn cát trắng. Thời tiết mát mẻ, cái nắng chang chang đặc trưng của miền Trung trốn đâu biệt tăm. Cát thì trắng như chưa từng được trắng, nói không ngoa là trắng nhất hành tinh vậy!

IMG_7541

Hai bữa cơm gia đình, một bữa do các bà chị bên họ Nội nấu, một bữa tại nhà Dì Thắc, bên ngoại của hai cháu Li - Vũ, vừa đậm đà hương vị đồng quê lại chân tình không khí gia đình, thật ấm cúng.

Buổi chiều cuối cùng tại Lệ Thủy là một buổi chiều đáng nhớ. Cả đại gia đình chúng tôi về An Xá thắp hương cúng tại nhà ông bà Ngoại. Nói là cúng vì con cháu chuẩn bị cả lễ cúng cho ông bà, cũng bởi chỉ bốn ngày sau nữa thôi là đến ngày Giỗ ông bà Ngoại rồi.

IMG_7717

Năm nào cũng vậy, giỗ ông bà ngoại đều làm chung một ngày. Từ An Xá xe chúng tôi đi theo con đường ven sông Kiến Giang chạy thẳng lên Nghĩa Trang Liệt sĩ Huyện thắp hương trên mộ ông bà Ngoại, sau đó mới theo đường Hồ Chí Minh chạy tuốt về Đồng Hới. Trên đường lên Nghĩa trang LS Huyện, tôi chỉ cho các cháu lùm cây xanh giữa cánh đồng Phan Xá, nơi yên nghỉ đầu tiên của bác Bạch Cúc sau khi bị bom Mỹ sát hại. Chị Cúc ơi, những người thân trong gia đình lúc nào cũng nhớ về chị!

Hai ngày đầu tiên ở Đồng Hới là hai ngày dành cho chương trình "dịch chuyển". Ngày thứ nhất cả đoàn đi Nghĩa trang Trường Sơn dâng hương các anh hùng liệt sĩ, ngày sau là đi tham quan Động Thiên Đường, động lớn nhất, kỳ vĩ nhất Đông Nam Á. Những ngày này phải dậy thật sớm, sáu giờ sáng đã phải có mặt tại Quán Tứ Quý trên đường Cô Tám để xử lý mấy món bánh bèo tôm chấy và bánh xèo bánh khoái. Kiểu gì cũng phải nâu-nóng đen-đá xong mới lên đường được!

Những ngày còn lại là những ngày thảnh thơi nhất, đúng nghĩa với "về quê tắm biển". Ngủ lúc nào cũng được, dậy lúc nào cũng xong. Ngày tắm biển hai lần vào sáng sớm và cuối chiều.

IMG_7615

Theo sáng kiến của tụi trẻ, tối tối có thêm chương trình văn hóa văn nghệ kèm kara và ô-kê, hê hê! Karaoke hoành tráng nhất Đồng Hới là KARAOKE-360, nghe cứ như Blog 360, hehe! Karaoke bình dân nhất là KARA-Hương Đồng Nội, tự biên tự diễn tại tầng 3 Khách sạn Phú Quý trên bờ biển Nhật Lệ lộng gió!

IMG_8224

Trong bài này không đề cập đến các món đặc sản của biển Quảng Bình như cua tám cẳng hai càng, ghẹ một mai hai mắt, tôm hùm tuổi mẫu giáo nhớn, rắn đẻn trùm chăn, vưn vưn. Nội dung này đã được giao cho Nghệ nhân ẩm thực Tấn Lộc đảm trách. Khi mua được bản quyền, chúng tôi sẽ rinh về để bà con cùng thưởng thức nhâm nhi! Bây chừ thì nghỉ giải lao chút đã hi.